Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 29
CHƯƠNG 29
Rabindranath Tagore và tôi thảo luận về Trường học
“Rabindranath Tagore đã dạy chúng con hát, như một hình thức tự thể hiện tự nhiên, dễ dàng như chim vậy.”
Bhola Nath, một cậu bé mười bốn tuổi sáng dạ ở trường Ranchi, giải thích cho tôi như vậy vào một buổi sáng, sau khi tôi khen tiếng hát du dương của cậu. Được hay không được khuyến khích thì cậu cũng líu lo một dòng êm ái. Trước đây cậu bé đã học dưới mái trường nổi tiếng của Tagore, Santiniketan (Nơi ẩn náu bình yên), ở Bolpur.
“Những bài hát của Rabindranath Tagore đã có trên môi thầy từ hồi còn bé,” tôi bảo bạn nhỏ của tôi. “Dân Bengal, ngay cả nông dân mù chữ, ai cũng thích những vần thơ cao quý của ông.”
Bhola và tôi cùng hát vài điệp khúc của Tagore, người đã phổ nhạc cho hàng ngàn bài thơ Ấn Độ: một số là do ông sáng tác còn số khác có xuất xứ xa xưa.
“Thầy gặp Rabindranath không lâu sau khi ông ấy nhận giải Nobel Văn học,” tôi nói khi thầy trò tôi hát xong. “Thầy đã bị cuốn hút, muốn thăm ông ấy vì thầy ngưỡng mộ khí phách thẳng thừng đánh bại những kẻ phê bình văn chương của ông ấy.” Tôi cười tủm tỉm.
Bhola, tò mò, đòi kể câu chuyện.
“Các học giả chỉ trích Tagore gay gắt vì đã đưa một phong cách mới vào thơ Bengal,” tôi bắt đầu kể. “Ông đã hòa trộn lối diễn đạt thông tục với cổ điển, phớt lờ mọi hạn chế quy định mà các học giả rất mực coi trọng. Thơ của ông thể hiện chân lý triết học thâm thúy bằng thứ ngôn ngữ truyền cảm lôi cuốn, không để tâm mấy đến những hình thức văn chương đã được công nhận.”
“Một nhà phê bình có tiếng đã hằn học gọi Rabindranath là ‘nhà thơ bồ câu bán tiếng gù của mình trong tác phẩm in ra lấy một rupi’. Nhưng sự trả thù cho Tagore tới liền sau đó; cả văn giới phương Tây tỏ lòng kính trọng ông ngay sau khi chính ngài dịch ra A tiếng Anh tác phẩm Gitanjali (“Thơ dâng”). Cả đám học giả, trong đó có cả các nhà phê bình từng chỉ trích ông, đã tới Santiniketan để chúc tụng.
“Rabindranath cố ý nán lại một hồi lâu rồi mới ra tiếp khách, và rồi nghe những ca tụng của họ trong im lặng lạnh lùng. Cuối cùng ông đánh trả họ bằng chính thứ vũ khí phê bình quen thuộc của họ.
“ ‘Thưa quý vị,’ ông nói, ‘những vinh dự thơm tho mà các vị đây ban cho hòa lẫn một cách phi lý với mùi hôi thối khinh miệt lúc trước của các vị. Có lẽ có một sự liên hệ nào đó giữa giải Nobel tôi nhận và khả năng đánh giá sắc bén đột xuất của các vị chăng?
Tôi vẫn là nhà thơ đã làm phật ý các vị khi lần đầu tiên tôi dâng những bông hoa bé mọn của mình lên đền thờ Bengal đây.’ “Báo chí đã đăng bài tường thuật về sự trừng phạt mạnh bạo của Tagore. Thầy khâm phục những lời khí khái của một người không bị sự tâng bốc thôi miên,” tôi nói tiếp. “Thầy được thư ký của Rabindranath là ông C. F. Andrews[233], người chỉ mặc mỗi cái dhoti Bengal, giới thiệu với Tagore ở Calcutta. Ông ấy trìu mến gọi Tagore là ‘Gurudeva’.
“Rabindranath ân cần tiếp thầy. Ở ông toát ra cái thần thái quyến rũ, văn hóa, và nhã nhặn. Đáp lại câu hỏi của thầy về nền tảng văn chương của ông, ông bảo thầy là ông chủ yếu chịu ảnh hưởng của các sử thi tôn giáo của chúng ta và các tác phẩm của Vidyapati, một nhà thơ nổi tiếng thế kỷ thứ mười bốn.”
Được những ký ức này truyền cảm hứng, tôi cất tiếng hát một bản Tagore phóng tác theo một bài thơ Bengal, “Hãy thắp lên ngọn đèn tình yêu trong ta.” Bhola và tôi hát vui say khi thong thả đi trong khuôn viên Vidyalaya.
Chừng hai năm sau khi trường Ranchi thành lập, tôi nhận được lời mời của Rabindranath đến thăm ông tại Santiniketan và trao đổi về các lý tưởng giáo dục của chúng tôi. Tôi vui vẻ đi. Nhà thơ đang ngồi trong thư phòng khi tôi bước vào; lúc đó tôi nghĩ, cũng như lần đầu chúng tôi gặp nhau, ông là một người mẫu nam tính oai vệ tuyệt vời mà họa sĩ nào cũng phải ao ước. Gương mặt sắc nét đẹp đẽ của ông, vẻ quý phái thanh cao, lồng trong mái tóc dài và chòm râu bồng bềnh. Đôi mắt to, gợi cảm; một nụ cười thiên thần; và một giọng nói như tiếng sáo mà đúng nghĩa là hút hồn.
To, cao, trang nghiêm, ông là sự kết hợp của sự dịu dàng gần như nữ tính và tính bốc đồng vui tươi của trẻ con. Không khái niệm lý tưởng hóa nào về một thi sĩ lại có thể tìm thấy sự thể hiện phù hợp hơn là ở nhà thơ dịu dàng này.
Tagore và tôi chẳng mấy chốc đã say sưa nghiên cứu so sánh về trường của chúng tôi, cả hai đều được thành lập theo những đường lối không chính thống. Chúng tôi phát hiện ra nhiều điểm tương đồng - hướng dẫn ngoài trời, sự đơn sơ, phạm vi rộng cho tinh thần sáng tạo của trẻ. Song Rabindranath nhấn mạnh nhiều đến việc học văn chương thơ phú, và sự tự thể hiện qua âm nhạc và bài hát mà tôi đã nói đến trong trường hợp Bhola. Những đứa trẻ ở trường Santiniketan có những khoảng thời gian giữ tịnh khẩu nhưng không được huấn luyện yoga đặc biệt.
Nhà thơ lắng nghe chăm chú đến mức làm tôi nở mũi khi mô tả về các bài tập Yogoda làm tăng sinh lực và về các kỹ thuật định tâm yoga dạy cho mọi môn sinh ở Ranchi.
Tagore kể cho tôi nghe về những cố gắng học hành của bản thân ông thời trẻ. “Học xong lớp năm thì tôi trốn học,” ông nói, bật cười. Tôi có thể dễ dàng hiểu cái tao nhã thơ ca thiên phú của ông đã phải đối mặt với bầu không khí ảm đạm, kỷ luật của lớp học ra sao.
“Vì vậy mà tôi mở Santiniketan dưới cây cối rợp bóng và ánh rực rỡ của bầu trời.” Ông ra hiệu hùng hồn về một nhóm nhỏ những học trò đang học trong khu vườn đẹp đẽ. “Một đứa trẻ sẽ được ở trong môi trường tự nhiên của nó giữa cỏ hoa và tiếng chim. Ở đó nó có thể bộc lộ dễ dàng hơn kho tàng thiên phú còn tiềm ẩn của riêng mình. Giáo dục đích thực không phải bị bơm và nhồi vào từ các nguồn bên ngoài, mà là những nâng đỡ dìu dắt để làm nổi rõ cái kho minh triết bên trong[234].”
Tôi đồng tình, rồi nói thêm, “Trong trường học bình thường các thiên hướng lý tưởng và sùng kính của thanh niên bị bỏ đói bằng một chế độ ăn chỉ độc có thống kê và các thời đại lịch sử thôi.”
Nhà thơ trìu mến nói về cha mình, Devendranath, người đã khuyến khích những khởi đầu của Santiniketan.
“Cha đã cho tôi mảnh đất màu mỡ này, nơi ông đã xây sẵn một nhà khách và một đền thờ,” Rabindranath bảo tôi. “Tôi bắt đầu các thể nghiệm giáo dục ở đây vào năm 1901, chỉ với mười cậu bé. Toàn bộ tám nghìn bảng đi cùng với giải Nobel được dùng để duy trì trường.”
Tagore cha, Devendranath, được xa gần biết là “Maharishi” (“đại hiền giả”), là một người rất khác thường, như ta có thể thấy trong Tự truyện của ông. Hai năm của tuổi thành niên ông dành để tham thiền trên rặng Himalaya. Rồi đến cha của ông, Dwarkanath Tagore, cũng đã nổi danh khắp Bengal nhờ những việc công ích quảng đại. Từ phả hệ nổi tiếng này nảy mầm một dòng họ các thiên tài. Không chỉ mình Rabindranath; người trong dòng họ ông ai cũng xuất sắc trong thể hiện sáng tạo. Các cháu của ông, là Gogonendra và Abanindra nằm trong số những họa sĩ[235] hàng đầu của Ấn Độ. Anh trai của Rabindranath, Dwijendra, là một triết gia có cái nhìn sâu sắc, được đến cả chim muông trong rừng yêu mến.
Rabindranath mời tôi ngủ lại trong nhà khách. Chiều đến tôi ngây ngất trước một hoạt cảnh của nhà thơ cùng một nhóm người trong hiên. Thời gian quay trở lại: khung cảnh trước mắt tôi giống như trong một tịnh thất xưa - thi sĩ hân hoan cùng các tín đồ bao quanh, tất cả được bao bọc trong bầu không khí tình yêu thần thánh. Tagore thắt chặt từng mối quan hệ bằng hữu bằng sợi dây hòa hợp. Chưa bao giờ là người quyết đoán, nhưng ông lại thu hút và chiếm được lòng người bằng một sức hút không cưỡng lại được.
Đóa hoa thơ ca hiếm hoi nở rộ trong vườn Thượng đế, hấp dẫn kẻ khác bằng hương thơm tự nhiên!
Bằng giọng trầm bổng, Rabindranath ngâm cho chúng tôi nghe vài bài thơ tuyệt vời ông vừa sáng tác. Phần lớn thơ và kịch của ông, viết ra để giải khuây cho học trò, được sáng tác ở Santiniketan. Cái đẹp trong những vần thơ của ông, với tôi, nằm ở nghệ thuật ông nhắc đến Thượng đế hầu như trong mọi khổ thơ, thế nhưng vẫn không mấy khi nhắc đến cái Tên thiêng. “Say hạnh phúc hát ca,” ông viết, “ta quên mình và gọi Ngài, Chủ Tể của ta, là bạn.”
Hôm sau, sau bữa ăn trưa, tôi miễn cưỡng giã từ nhà thơ. Tôi vui sướng khi ngôi trường nhỏ của ông giờ đã mở mang thành một trường đại học quốc tế, Visva-Bharati[236], nơi học trò từ nhiều xứ sở tìm thấy một môi trường lý tưởng.
Nơi tinh thần không sợ hãi và đầu ngẩng cao; Nơi tri thức tự do; Nơi thế giới chưa bị ngăn ô bởi những bức tường dân tộc hẹp hòi; Nơi lời nói thốt lên từ tận cùng sự thật; Nơi nỗ lực thiết tha vươn tay tới toàn thiện; Nơi dòng lý trí sáng trong không lạc lối vào cát hoang mạc âm u của thói quen khô cằn; Nơi trí được Ngài dẫn dắt tới tư tưởng và hành động ngày một mở mang; Vào tầng trời tự tại ấy, Cha của con ơi, hãy giúp quê hương con tỉnh giấc[237]!”
RABINDRANATH TAGORE
* * *
Chú thích:
[233] Nhà văn và nhà báo người Anh, bạn thân của Mahatma Gandhi. Ông Andrews được kính trọng ở Ấn Độ vì đã phụng sự nhiều cho xứ sở cưu mang ông.
[234] “Linh hồn được sinh ra thường, như tín đồ Ấn Độ giáo nói, “đi trên con đường hiện hữu qua hàng nghìn lần sinh”. không có gì mà linh hồn không có được tri thức về nó; chẳng lạ là linh hồn có thể nhớ lại. cái linh hồn nó đã biết trước đây....Vì tìm hiểu và học hỏi là nhớ lại tất cả.” - Emerson, “Representative Men” (Những người tiêu biểu).
[235] Cả Rabindranath, khi đã trên sáu mươi, cũng bắt tay vào nghiên cứu hội họa nghiêm túc. Vài năm trước tác phẩm của ông đã được triển lãm tại các thủ đô châu Âu và ở New York.
[236] Dù nhà thơ yêu dấu mất năm 1941, học viện Visva-Bharati của ông vẫn phát triển. Tháng 1 năm 1950, sáu mươi lăm thầy trò Santiniketan đã có một chuyến thăm mười ngày tới trường Yogoda Satsanga ở Ranchi. Đoàn do Sri S. N. Ghosal, hiệu trưởng trường Visva-Bharati, dẫn đầu. Các vị khách đã mang lại niềm vui lớn cho môn sinh trường Ranchi bằng phần trình bày ấn tượng bài thơ đẹp đẽ của Rabindranath, bài “Pujarini”.
[237] Gitanjali (Macmillan Co.). Có thể tìm thấy một nghiên cứu sâu sắc về nhà thơ trong The philosophy of Rabindranath Tagore (Triết lý của Rabindranath Tagore) của một danh sĩ là Tôn ông S. Radhakrishnan (Macmillan, 1918).