Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 31

CHƯƠNG 31

Trò chuyện cùng Mẹ Thiêng

“Thưa mẹ tôn kính, con được đấng tiên tri-chồng mẹ điểm đạo cho hồi còn bé. Thầy là sư phụ của cha mẹ con và của sư phụ Sri Yukteswarji của con. Do vậy xin mẹ ban cho con cái ân huệ được nghe vài sự kiện trong cuộc đời thiêng liêng của mẹ?”

Tôi đang nói với Srimati Kashi Moni, người bạn đời của Lahiri Mahasaya. Vì đang ở Banaras ít lâu, tôi thực hiện một ước muốn đã lâu là thăm mẹ tôn kính.

Mẹ đón tiếp tôi tử tế tại nhà của dòng họ Lahiri trong khu Garudeswar Mohulla ở Banaras. Dù đã cao tuổi, mẹ vẫn tươi như một đóa sen, tỏa một hương thơm tâm linh. Mẹ có dáng người tầm thước, da trắng, cổ thanh tú, và đôi mắt to sáng.

“Con trai, con cứ tự nhiên. Lên gác đi.”

Kashi Moni dẫn lối đến một căn phòng rất nhỏ, nơi mà, một thời, mẹ đã sống cùng chồng. Tôi lấy làm vinh dự được chứng kiến cái điện thờ mà bậc sư vô song đã hạ cố đóng vở kịch hôn nhân đời người. Vị chủ dịu dàng chỉ cho tôi một cái gối ngồi bên cạnh.

“Phải mất nhiều năm ta mới nhận ra tầm vóc thiêng liêng của chồng ta,” mẹ bắt đầu. “Một đêm, trong chính căn phòng này, ta có một giấc mơ sống động. Những thiên thần lộng lẫy bay lượn với một sự quyến rũ không tưởng tượng nổi bên trên ta. Cảnh tượng thực tới mức ta choàng tỉnh; thật kỳ lạ, căn phòng được bao bọc trong một ánh sáng chói lòa.

“Chồng ta, đang ngồi kiết già, được nâng bổng lên giữa phòng, xung quanh là các thiên thần. Trong vẻ nghiêm trang khẩn nguyện, họ chắp tay lễ bái thầy.

“Quá đỗi kinh ngạc, ta tin rằng mình vẫn còn nằm mơ.

“ ‘Vợ hỡi,’ Lahiri Mahasaya nói, ‘bà không mơ đâu. Hãy từ bỏ giấc ngủ của mình mãi mãi.’ Khi thầy từ từ hạ xuống sàn, ta phủ phục dưới chân thầy.

“ ‘Thầy,’ ta khóc, ‘muôn vàn lần tôi lạy trước thầy! Thầy có dung thứ cho tôi không vì đã xem thầy là chồng? Tôi đến chết vì hổ thẹn khi nhận ra rằng tôi vẫn còn mơ ngủ trong vô minh bên cạnh bậc đã giác ngộ. Từ đêm nay, thầy không còn là chồng tôi nữa, mà là sư phụ của tôi. Xin thầy nhận cái bản ngã hèn mọn này làm đệ tử[255]?’ “Thầy dịu dàng chạm vào ta. ‘Linh hồn thiêng, đứng lên đi.

Bà được thu nhận.’ Thầy ra hiệu về phía các thiên thần. ‘Xin hãy cúi lạy lần lượt từng vị thánh cao quý này.’ “Khi ta đã khiêm cung đảnh lễ xong, những giọng nói thiên thần cùng vang lên, như một dàn đồng ca trong cổ kinh.

“ ‘Phu nhân của Đấng Thiêng Liêng, ngươi đã được ban phúc rồi. Chúng ta chúc mừng ngươi.’ Họ cúi lạy dưới chân ta và thế là lạ thay! Hình thể huy hoàng của họ biến mất. Căn phòng tối lại.

“Sư phụ yêu cầu ta điểm đạo vào Kriya Yoga.

“ ‘Dĩ nhiên rồi,’ ta đáp. ‘Tôi tiếc đã không được ban phúc này sớm hơn trong đời mình.’ “ ‘Chưa phải lúc.’ Lahiri Mahasaya mỉm cười an ủi. ‘Rất nhiều nghiệp của bà, ta đã âm thầm giúp bà đoạn diệt. Giờ thì bà đã sẵn lòng và sẵn sàng rồi.’ “Thầy chạm lên đầu ta. Những khối ánh sáng cuồn cuộn hiện ra; ánh hào quang dần dần tụ lại thành một tuệ nhãn màu xanh ngọc ô-pan, viền vàng, ở giữa là một ngôi sao năm cánh.

“ ‘Hãy xuyên tâm thức bà qua ngôi sao vào thiên quốc Vô hạn.’ Giọng sư phụ ta có một vẻ lạ, êm đềm như một tiếng nhạc xa xăm.

“Hết linh ảnh này đến linh ảnh khác như sóng biển vỗ bờ linh hồn ta. Các cảnh giới bao la trùm khắp cuối cùng hòa vào một đại dương diễm phúc. Ta chìm trong ân huệ cứ mãi dâng lên. Khi ta trở lại với ý thức về cõi này nhiều giờ sau đó, thầy dạy ta kỹ thuật Kriya Yoga.

“Từ đêm ấy trở đi, Lahiri Mahasaya không bao giờ ngủ trong phòng ta nữa. Sau đó, thầy cũng không bao giờ ngủ. Thầy ở lại trong phòng trước dưới nhà, cùng các đệ tử của mình, cả ngày lẫn đêm.”

Bà chủ rạng rỡ chìm trong im lặng. Vì biết rằng mối quan hệ của mẹ với vị yogi cao vời là duy nhất, cuối cùng tôi cũng đánh bạo hỏi thêm về các hồi ức khác.

“Con trai, con tham lam quá. Song con cũng sẽ được nghe một câu chuyện nữa.” Mẹ mỉm cười ngượng ngùng. “Ta sẽ thú nhận một lỗi lầm ta đã phạm phải đối với sư phụ-chồng ta. Vài tháng sau khi ta được điểm đạo, ta bắt đầu cảm thấy lẻ loi và không được đoái hoài. Một buổi sáng, Lahiri Mahasaya bước vào căn phòng nhỏ này để lấy một món đồ; ta vội đi theo sau thầy. Bị mê mờ khống chế, ta gay gắt nói với thầy.

“ ‘Thầy dành hết thời gian cho đệ tử. Thế còn trách nhiệm của thầy đối với vợ con thì sao? Tôi tiếc là thầy không lo nghĩ đến chuyện đem lại nhiều bạc tiền hơn cho gia đình.’ “Thầy liếc nhìn ta một lát, rồi lạ chưa! thầy đâu mất. Kính sợ và thất kinh, ta nghe thấy một giọng nói vang rền từ khắp nơi trong căn phòng.

“ ‘Tất cả ấy là không, ngươi không thấy sao? Làm sao một cái không như ta lại có thể tạo ra của cải cho ngươi?’ “ ‘Thưa sư phụ,’ ta khóc, ‘một triệu lần tôi cầu xin dung thứ!

Mắt tội lỗi của tôi không còn thấy thầy được nữa; xin hãy hiện ra lại trong thể dạng thiêng liêng của thầy.’ “ ‘Ta đây.’ Lời đáp phát ra từ bên trên ta. Ta ngước lên thì thấy thầy hiện hình ra giữa thinh không, đầu thầy chạm trần nhà.

Mắt thầy như hai ngọn lửa sáng lòa. Vô cùng sợ hãi, ta nằm thổn thức dưới chân thầy sau khi thầy đã lặng lẽ đáp xuống sàn.

“ ‘Vợ,’ thầy nói, ‘hãy tìm của cải của trời, mà không phải cái hào nhoáng rẻ tiền của đất. Có được kho báu nội tâm rồi, bà sẽ thấy rằng nguồn cung cấp bên ngoài luôn sẵn có.’ Thầy nói thêm, ‘Một trong những đứa con tâm linh của ta sẽ lo liệu cho bà.’ “Lời sư phụ ta tự động trở thành hiện thực; một đệ tử quả đã để lại một món tiền đáng kể cho gia đình ta.”

Tôi cảm tạ Kashi Moni vì đã chia sẻ với tôi những sự kiện lạ thường mẹ đã trải qua[256]. Ngày hôm sau, tôi quay lại nhà mẹ và được hưởng vài giờ đàm đạo triết lý với Tincouri và Ducouri Lahiri. Hai người con trai thánh thiện của vị yogi Ấn Độ vĩ đại đã tiếp bước thầy. Cả hai người đều đẹp đẽ, cao, to, râu rậm, giọng nói nhỏ nhẹ và có phong thái nho nhã kiểu xưa.

Mẹ không phải là nữ đệ tử duy nhất của Lahiri Mahasaya; còn hàng trăm người khác, trong đó có mẹ tôi. Một nữ chela có lần đã xin thỉnh về một tấm hình của sư phụ. Thầy đưa cho bà một tấm mà nói, “Nếu con cho đó là một sự che chở thì nó sẽ là vậy; nếu không thì nó chỉ là một tấm hình thôi.”

Ít ngày sau bà này và con dâu của Lahiri Mahasaya tình cờ đang học Bhagavad Gita bên bàn, đằng sau có treo tấm hình sư phụ.

Một trận sấm sét nổi lên dữ dội.

“Lahiri Mahasaya, xin hãy che chở cho chúng con!” Người đàn bà cúi lạy trước bức ảnh. Tia sét đánh xuống cuốn sách trên bàn, nhưng hai tín đồ thì bình an vô sự.

“Tôi cảm thấy như thể có một lá chắn bằng băng đặt quanh tôi, chắn cái nóng thiêu đốt,” chela kể lại.

Lahiri Mahasaya đã thi triển hai phép lạ liên quan đến một nữ đệ tử, Abhoya. Một hôm, bà và chồng, một luật sư ở Calcutta, lên đường đi Banaras để thăm sư phụ. Xe ngựa của họ bị kẹt lại vì đường sá đông đúc; họ đến được nhà ga chính Howrah ở Calcutta thì chỉ kịp nghe tiếng xe lửa đi Banaras rúc còi chuyển bánh.

Abhoya, gần phòng bán vé, đứng lặng im.

“Lahiri Mahasaya, con khẩn cầu thầy cho tàu dừng lại!” bà thầm cầu nguyện. “Con không chịu được sự dằn vặt phải chờ thêm một ngày nữa mới được gặp thầy.”

Bánh chiếc xe lửa đang phì khói cứ tiếp tục quay tròn, nhưng không chuyển động về phía trước. Thợ máy và hành khách đổ xuống sân ga để xem hiện tượng này. Một trưởng tàu người Anh đến bên Abhoya và chồng bà. Trái với mọi tiền lệ, trưởng tàu tự ý muốn giúp. “Babu,” ông ta nói, “hãy đưa tiền cho tôi. Tôi sẽ mua vé cho ông bà trong khi ông bà lên tàu.”

Ngay khi hai người ngồi xuống và nhận vé thì xe lửa từ từ tiến lên. Hoảng sợ, thợ máy và hành khách chen nhau trở lại chỗ của mình, chẳng biết làm sao mà xe lửa khởi động mà cũng không biết ban đầu vì sao mà nó dừng.

Tới nhà Lahiri Mahasaya ở Banaras, Abhoya lặng lẽ phủ phục trước thầy, cố chạm chân thầy.

“Hãy bình tĩnh lại, Abhoya,” thầy nói. “Con ưa làm phiền ta quá! Làm như con chẳng thể đến đây bằng chuyến xe lửa sau vậy!”

Abhoya thăm Lahiri Mahasaya vào một dịp đáng nhớ khác.

Lần này bà muốn thầy can thiệp giùm, không phải với xe lửa, mà với một thai nhi.

“Con cầu xin thầy phù hộ cho đứa con thứ chín của con được sống,” bà nói. “Đã tám đứa trẻ đầu thai vào làm con của con; tất cả đều chết không lâu sau khi chào đời.”

Thầy mỉm cười thông cảm. “Đứa con sắp chào đời của con sẽ sống. Xin hãy cẩn thận làm theo lời ta dặn. Đứa trẻ, bé gái, sẽ chào đời vào ban đêm. Hãy để ý trông chừng cho đèn dầu sáng tới bình minh. Đừng ngủ quên mà để đèn tắt.”

Đứa con của Abhoya là một bé gái, chào đời vào ban đêm, đúng như sư phụ toàn trí đã thấy trước. Người mẹ dặn dò bà vú châm cho ngọn đèn luôn đầy dầu. Cả hai người đàn bà thức đến tận tinh mơ, nhưng cuối cùng lại ngủ thiếp đi. Ngọn đèn dầu gần cạn; ánh sáng lập lòe yếu ớt. Cửa phòng ngủ bung then cài và mở toang với một tiếng động mạnh. Hai người đàn bà giật mình choàng tỉnh. Mắt họ sững sờ nhìn thấy hình dáng Lahiri Mahasaya.

“Abhoya, nhìn kìa, đèn sắp tắt rồi!” Thầy chỉ về ngọn đèn mà bà vú hấp tấp châm thêm cho đầy. Ngọn đèn vừa cháy sáng lại thì thầy biến mất. Cửa khép lại; cái then cài chặt không có một lực tác động rõ ràng nào.

Đứa con thứ chín của Abhoya đã sống; năm 1935, khi tôi hỏi thăm, cô vẫn còn sống.

Một trong các đệ tử của Lahiri Mahasaya, Kali Kumar Roy đáng kính, kể lại cho tôi nghe nhiều chi tiết hấp dẫn về cuộc đời của mình với thầy.

“Tôi thường làm khách tại nhà thầy ở Banaras hàng tuần liền,” Roy bảo tôi. “Tôi quan sát thấy rằng nhiều nhân vật thánh thiện, các swami dandi[257], tới giữa cái tịch mịch của đêm để ngồi bên chân sư phụ. Đôi khi họ say sưa đàm đạo các vấn đề thiền và triết học. Đến bình minh các vị khách cao quý ra về. Trong những lần đến thăm, tôi thấy là Lahiri Mahasaya không một lần đặt lưng xuống ngủ.

“Lúc mới quen biết thầy, tôi phải đấu tranh với sự phản đối của ông chủ mình,” Roy nói tiếp. “Lão ta ngấm đầy chủ nghĩa duy vật.

“ ‘Tôi không muốn có những kẻ cuồng tín trong hàng ngũ nhân viên của mình,’ ông ta thường cười giễu. ‘Tôi mà có gặp sư phụ bịp bợm của anh thì tôi sẽ cho lão vài câu cho nhớ.’ “Lời hăm dọa này chẳng làm gián đoạn được chương trình đều đặn của tôi; gần như chiều nào tôi cũng ở bên sư phụ. Một đêm, ông chủ đi theo tôi rồi thô bạo xộc vào phòng khách. Ông ta rõ ràng là định ném ra những câu đã cam đoan. Người này vừa ngồi xuống thì Lahiri Mahasaya bèn quay qua nói với một nhóm chừng mười hai đệ tử.

“ ‘Tất cả các con có muốn xem một bức hình không?’ “Khi chúng tôi gật đầu, thầy bảo chúng tôi tắt đèn trong phòng. ‘Hãy ngồi sau lưng nhau thành một vòng tròn,’ thầy nói, ‘rồi úp hai bàn tay lên mắt người trước mặt các con.’ “Tôi không ngạc nhiên khi thấy ông chủ của mình, dù miễn cưỡng, cũng làm theo chỉ dẫn của thầy. Ít phút sau Lahiri Mahasaya hỏi chúng tôi thấy gì.

“ ‘Thưa thầy,’ tôi đáp, ‘một giai nhân hiện ra. Cô ta mặc một cái sari viền đỏ, và đứng gần một cây khoai sọ.’ Tất cả các đệ tử khác cũng đều mô tả tương tự. Thầy quay qua ông chủ của tôi.

‘Anh có nhận ra người đàn bà đó không?’ “ ‘Có.’ Người này rõ ràng là đang giằng co với những cảm xúc mới mẻ đối với bản tính của ông ta. ‘Con đã ngu ngốc vung tiền ra cho ả, dù con có một người vợ tốt. Con hổ thẹn vì những lý do đã đưa con tới đây. Thầy có tha thứ cho con không, và nhận con làm đệ tử?’ “ ‘Nếu trong sáu tháng anh sống một đời đức hạnh, ta sẽ nhận anh.’ Thầy nói thêm, ‘Nếu không ta sẽ không phải điểm đạo cho anh.’ “Trong ba tháng ông chủ của tôi kiềm chế trước cám dỗ; rồi ông ta nối lại mối quan hệ xưa với người đàn bà đó. Hai tháng sau, ông ta chết. Do vậy tôi mới hiểu ra lời tiên tri của sư phụ hé lộ về chuyện người này sẽ không có khả năng được điểm đạo.”

Lahiri Mahasaya có một người bạn lừng danh, Swami Trailanga mà người ta đồn là đã hơn ba trăm tuổi. Hai vị yogi thường cùng ngồi thiền. Tiếng tăm của Trailanga lan xa đến mức ít có tín đồ Ấn giáo nào nghi ngờ bất kỳ chuyện kể nào về các phép lạ phi thường của thầy. Chúa mà trở lại trần gian rồi dạo phố New York, phô bày phép lạ thì chuyện đó cũng sẽ khiến mọi người kính sợ như Trailanga nhiều thập kỷ trước, khi thầy đi qua những con hẻm đông người ở Banaras. Thầy là một trong những siddha (thành tựu giả), người đã làm cho Ấn Độ vững chãi trước sự xâm thực của thời gian.

Có nhiều dịp người ta thấy swami uống những loại chất độc chết người nhất mà không hề gì. Hàng ngàn người, một số người trong đó vẫn còn sống, đã thấy Trailanga lướt trên sông Hằng.

Thầy thường ngồi nhiều ngày liền trên mặt nước hay nấp thật lâu dưới lớp sóng. Một cảnh tượng thường thấy ở Manikarnika Ghat là thân hình bất động của swami trên những phiến đá bỏng rộp da, phơi ra dưới mặt trời tàn khốc xứ Ấn.

Qua những phép lạ này, Trailanga muốn dạy loài người rằng sự sống con người không tất phải phụ thuộc vào dưỡng khí hay một số điều kiện nhất định và sự phòng xa. Dù đại sư ở trên nước hay dưới nước, và dù cơ thể thầy có thách đố những tia mặt trời hừng hực thì thầy cũng chứng tỏ rằng mình sống bằng tâm thức siêu phàm: cái chết không thể chạm đến thầy.

Bậc yogi ấy không chỉ vĩ đại về mặt tâm linh mà còn về thể xác. Thầy nặng hơn ba trăm pound (136kg): một pound (0,454kg) cho mỗi năm tuổi của thầy! Vì thầy chẳng mấy khi ăn, điều kỳ bí này càng tăng thêm. Tuy nhiên, một bậc thầy dễ dàng phớt lờ mọi quy tắc về sức khỏe thông thường khi thầy muốn làm vậy vì một lý do đặc biệt nào đó, thường là một lý do vi mật mà chỉ mình thầy biết.

Các bậc đại thánh đã tỉnh giấc mơ maya vũ trụ và đã nhận ra rằng cõi này là một ý niệm trong Thần Trí, có thể tùy nghi với cơ thể mình vì biết rằng nó chỉ là một thể dạng điều khiển được của năng lượng cô đặc hay đông lại. Mặc dù các nhà vật lý học giờ đây mới hiểu ra rằng vật chất chỉ là năng lượng đông lại, các bậc thầy giác ngộ thì đã vẻ vang đi từ lý thuyết đến thực hành trong lĩnh vực làm chủ vật chất rồi.

Trailanga lúc nào cũng lõa thể. Những cảnh sát rối trí ở Banaras rốt cuộc phải xem thầy như một kẻ gàn dở. Swami tự nhiên, như Adam thuở đầu trong Vườn Địa đàng, nào có ý thức về sự lõa thể của mình. Thế nhưng, cảnh sát thì lại hoàn toàn ý thức về chuyện đó, và đã không khách sáo tống thầy vào ngục. Sau đó là sự bối rối chung: người ta chẳng mấy chốc thấy tấm thân đồ sộ của Trailanga, trọn vẹn như thường lệ, trên nóc nhà lao. Buồng giam của thầy, vẫn khóa kỹ, chẳng cung cấp manh mối nào về cách thức thầy thoát ra.

Cảnh sát lần nữa ngán ngẩm thực thi nhiệm vụ của mình. Lần này một lính canh được cắt đặt đứng trước xà lim của swami. Một lần nữa, Sức mạnh chịu thua Lẽ phải: chẳng mấy chốc người ta lại thấy đại sư thong dong trên nóc nhà.

Nữ thần Công lý đã bịt mắt; trong trường hợp của Trailanga thì cảnh sát thua trí cũng quyết định noi gương nàng.

Vị đại yogi vẫn giữ giới tịnh khẩu thường lệ[258]. Dù có khuôn mặt tròn và bụng to như cái thùng, Trailanga chỉ thỉnh thoảng mới ăn. Sau nhiều tuần không ăn, thầy thường phá kỳ nhịn ăn của mình bằng những nồi đầy sữa chua đông mà các tín đồ cúng dường. Một kẻ hoài nghi có lần rắp tâm vạch trần Trailanga như một kẻ bịp bợm. Một xô lớn hỗn hợp vôi-canxi, dùng để quét vách tường, được đặt trước swami.

“Thầy,” kẻ duy vật nói, làm bộ cung kính. “Con đã mua cho thầy ít sữa chua đông. Xin mời thầy dùng.”

Trailanga không ngần ngại uống đến giọt cuối cùng, mấy lít vôi sôi sùng sục. Ít phút sau, kẻ làm điều ác lăn ra đất, đau đớn tột cùng.

“Cứu con với, Swami, xin cứu con với!” hắn gào lên. “Con đang cháy! Xin hãy tha thứ cho thử thách độc địa của con!”

Vị đại yogi phá tan sự im lặng thường ngày của mình. “Kẻ phỉ báng,” thầy nói, “ngươi đã không nhận ra rằng, khi ngươi đưa cho ta chất độc, sự sống của ta cũng là một với sự sống của chính ngươi. Nếu ta không hiểu rằng Thượng đế có mặt trong bụng ta, cũng như trong mọi nguyên tử sáng tạo, thì vôi đã giết chết ta rồi. Giờ khi ngươi đã hiểu ra cái ý nghĩa siêu phàm trong hành động gậy ông đập lưng ông rồi, đừng bao giờ chơi khăm ai nữa cả.”

Kẻ có tội, được những lời của Trailanga chữa lành, lết đi.

Sự hoán đảo cái đau không phải là từ ý muốn của thầy mà từ sự vận hành của luật công bằng[259] duy trì đến tận những thiên thể quay xa nhất trong sáng tạo. Sự vận hành của luật trời là tức thời đối với bậc đã giác ngộ Thượng đế như Trailanga; các vị đã diệt trừ mãi mãi mọi dòng nước cắt ngang ngăn trở là bản ngã.

Niềm tin vào những điều chỉnh tự động của công bằng (thường được thưởng bằng một đồng tiền bất ngờ, như trong trường hợp của Trailanga và kẻ có thể trở thành tên sát nhân) làm dịu bớt sự phẫn hận vội vàng của ta trước bất công của con người. “Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả, Đức Chúa Phán[260].” Những gì con người không đủ sức? Vũ trụ sẽ hợp sức đúng lúc mà trừng phạt.

Đầu óc u mê không tin vào khả năng có công lý trời, tình yêu thương, toàn trí, sự bất tử. “Những giả thuyết viển vông trong kinh ấy mà!” Những người có cái nhìn bàng quan này, vì không kính sợ trước cảnh quan vũ trụ, trong đời mình tạo tác một chuỗi các sự kiện đối chọi mà cuối cùng sẽ buộc họ đi tìm minh triết.

Sự toàn năng của luật tâm linh được Jesus nhắc đến trong dịp ngài vẻ vang đi vào thành Jerusalem. Khi các môn đệ và đám đông reo hò mừng rỡ, và hô vang, “Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!” thì một số người Pharisee than phiền về cảnh tượng không đàng hoàng. “Thưa thầy,” họ phản đối, “Thầy quở trách môn đệ thầy đi chứ!”

Nhưng Jesus đáp rằng nếu các môn đệ của ngài bị buộc im lặng, “thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên[261].”

Trong lời quở trách những người Pharisee này, Chúa chỉ ra rằng công lý trời không phải là một sự trừu tượng bóng bẩy, và rằng một người hòa bình, dù lưỡi y có bị xé khỏi cuống lưỡi thì y cũng sẽ tìm được tiếng nói và sự che chở cho mình nơi nền móng của sáng tạo, chính là trật tự vũ trụ.

“Các ông nghĩ,” Jesus nói, “làm im miệng người của hòa bình sao? Chẳng khác nào các ông mong bóp nghẹt giọng của Thiên Chúa, mà cả đá cũng ca tụng vinh quang của Ngài và sự vô biên của Ngài. Các ông muốn con người không được cùng nhau ăn mừng để suy tôn bình an trên cõi trời sao? Các ngươi khuyên họ tập hợp lại từng đám rồi thể hiện sự hợp quần của họ chỉ những khi có can qua trên trái đất sao? Vậy thì hãy chuẩn bị đi, hỡi người Pharisee, lật sấp những nền móng của vũ trụ; vì những con người hiền lành cũng như đá hay đất, và nước và lửa và không khí sẽ nổi dậy chống lại các ông, để làm chứng cho sự hòa hợp thần thánh trong cuộc sáng tạo.”

Ân huệ của vị yogi Trailanga như Chúa, đã từng ban cho sejo mama (cậu) của tôi. Một buổi sáng, cậu thấy thầy giữa một đám tín đồ tại một ghat ở Banaras. Cậu cũng xoay xở len lỏi đến gần được Trailanga và khiêm cung chạm chân yogi. Cậu ngạc nhiên thấy mình tức thì khỏi chứng bệnh đau mỏi kinh niên[262].

Đệ tử còn sống duy nhất của đại yogi mà người ta biết là một phụ nữ, Shankari Mai Jiew(2). Là con gái của một trong các đệ tử của Trailanga, thánh nhận sự dạy dỗ của swami từ hồi còn bé. Thánh đã sống suốt bốn mươi năm trong một loạt hang động cô tịch trên Himalaya gần Badrinath, Kedarnath, Amarnath, và Pasupatinath.

Brahmacharini (nữ tu khổ hạnh) sinh năm 1826, giờ là đúng mốc hơn một thế kỷ. Tuy vậy, vẻ ngoài không già đi, thánh vẫn giữ được mái tóc đen, hàm răng sáng ánh, và nghị lực phi thường. Cứ vài năm thánh lại ra khỏi nơi ẩn dật để dự các mela định kỳ hay các hội chợ tôn giáo.

Nữ thánh thường đến thăm Lahiri Mahasaya. Thánh kể rằng một hôm, ở khu Barrackpore gần Calcutta, khi thánh đang ngồi bên Lahiri Mahasaya thì đại sư phụ của thầy là Babaji lặng lẽ bước vào phòng và trò chuyện với cả hai. “Vị thầy bất tử mặc một tấm vải ướt,” thánh nhớ lại, “như thể ngài vừa mới nhúng mình dưới sông lên. Ngài ban phúc cho ta bằng đôi lời khuyên tâm linh.”

Trailanga, vào một dịp nọ ở Banaras, bỏ giới tịnh khẩu thường lệ để tỏ lòng tôn kính Lahiri Mahasaya trước mặt mọi người. Một trong các đệ tử của Trailanga phản đối.

“Thưa thầy,” đệ tử nói, “tại sao thầy, một swami và là một kẻ từ bỏ, lại tỏ lòng kính trọng như vậy đối với một cư sĩ?”

“Con trai,” Trailanga đáp, “Lahiri Mahasaya như một con mèo con thần thánh, ở bất cứ đâu mà Mẹ Vũ trụ đặt thầy vào. Trong khi đầy ý thức trách nhiệm đóng vai một người đời thì thầy đã đạt được toàn giác mà ta kiếm tìm bằng cách từ bỏ mọi thứ - đến cả tấm khố của ta!”

* * *

Chú thích:

[255] “Ông chỉ dành cho Chúa Trời, Bà chỉ dành cho Chúa Trời trong Ông.” - Milton.

[256] Mẹ tôn kính mất ngày 25-3-1930 ở Banaras.

[257] Những người thuộc một dòng tu nhất định, theo nghi thức cầm một danda (gậy tre) như một biểu tượng Brahma-danda (“Gậy của Brahma”), mà ở người là cột sống. Đánh thức bảy trung khu não tủy tạo thành con đường đích thực đến với Thượng đế.

[258] Thầy là một muni, hay thầy tu, người giữ giới mauna, tịnh khẩu. Muni trong tiếng Phạn gần với monos tiếng Hy Lạp, “một mình, đơn độc”, từ đó mà có các từ tiếng Anh như monk và monism.

[259] Xem thêm Sách Các vua II 2:19-24. Khi Elisha “làm cho nước hóa lành” ở Jericho xong, một đám trẻ con nhạo báng ngài. “Bấy giờ, có hai con gấu cái từ trong rừng đi ra và xé xác bốn mươi hai đứa trẻ.”

[260] Thư gửi tín hữu Rôma.

[261] Tin Mừng theo thánh Luca 19:37-40.

[262] Cuộc đời của Trailanga và các đại sư khác làm chúng ta nhớ lại lời của Jesus: “Ðây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy (Tâm thức Chúa), họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” - Tin Mừng theo thánh Máccô 16:17-18.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3