Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 32

CHƯƠNG 32

Rama được cải tử hoàn sinh

“‘Có một người bị đau nặng, tên là Lazarus... Nghe vậy, Đức Jesus bảo, Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh[263].’ “

Một buổi sáng nắng Sri Yukteswar giảng kinh Cơ Đốc giáo trên ban công tịnh thất của thầy ở Serampore. Ngoài một số đệ tử của thầy ra còn có tôi cùng một nhóm ít môn sinh trường Ranchi.

“Trong đoạn này Jesus gọi mình là Con Thiên Chúa. Dù ngài thực sự đã là một với Thiên Chúa, điều ngài muốn nói ở đây có một ý nghĩa phi nhân cách sâu xa,” sư phụ tôi giải thích. “Con Thiên Chúa là Chúa hay Thần Thức ở con người. Không con người nào có thể tôn vinh Thiên Chúa. Sự tôn kính duy nhất mà con người có thể dành cho Đấng Sáng tạo của mình là tìm kiếm Ngài; con người không thể tôn vinh một Trừu tượng mà y không biết.

‘Vinh quang’ hay vầng hào quang trên đầu các thánh là một minh chứng biểu tượng cho tư cách của các vị tỏ lòng tôn kính thiêng liêng.”

Sri Yukteswar tiếp tục đọc câu chuyện màu nhiệm về sự hồi sinh của Lazarus. Đọc xong thầy chìm vào im lặng một hồi lâu, thánh thư mở trên đầu gối thầy.

“Cả ta cũng đã được ân huệ chứng kiến một phép lạ tương tự.” Cuối cùng sư phụ tôi nói với sự ngọt ngào long trọng. “Lahiri Mahasaya đã cải tử hoàn sinh cho một người bạn của ta.”

Mấy cậu bé bên cạnh tôi mỉm cười háo hức. Trong tôi nữa cũng có một cậu bé để thích thú không chỉ với triết học mà còn, đặc biệt là, với bất cứ câu chuyện nào tôi có thể khiến Sri Yukteswar kể lại những sự kiện huyền vi thầy đã trải qua bên sư phụ của thầy.

“Người bạn Rama của ta và ta gắn bó với nhau không rời,” thầy bắt đầu. “Vì nhút nhát và xa lánh đời, anh ta chọn thăm sư phụ Lahiri Mahasaya của chúng ta chỉ từ nửa đêm đến bình minh, khi không còn đám đông đệ tử ban ngày. Vì ta là bạn chí thiết của Rama, anh ta thổ lộ với ta về nhiều chứng nghiệm tâm linh sâu xa của mình. Ta tìm thấy cảm hứng trong tình bạn lý tưởng với anh ta.” Mặt sư phụ tôi dịu đi cùng những kỷ niệm.

“Rama bỗng chịu một thử thách ngặt nghèo,” Sri Yukteswar tiếp. “Anh ta mắc bệnh dịch tả. Vì sư phụ không hề phản đối sự chăm sóc của các thầy thuốc khi có trọng bệnh, hai thầy thuốc đã được mời tới. Giữa lúc cuống cuồng lo trông nom người bệnh, ta vẫn một lòng cầu xin để Lahiri Mahasaya giúp. Ta tất tả đến nhà thầy và khóc lóc kể hết đầu đuôi câu chuyện.

“ ‘Các thầy thuốc đang lo cho Rama. Nó sẽ khỏe thôi.’ Sư phụ ta mỉm cười vui vẻ.

“Lòng nhẹ nhõm ta quay về với bạn mình, chỉ để thấy cậu ta trong tình trạng hấp hối.

“ ‘Anh ta chỉ còn sống được vài giờ nữa thôi,’ một trong các thầy thuốc bảo ta với một cử chỉ tuyệt vọng. Ta lại hấp tấp tới nhà Lahiri Mahasaya.

“ ‘Các thầy thuốc là những người tận tụy. Ta chắc chắn là Rama sẽ khỏe.’ Thầy hờ hững bảo ta về.

“Ở nhà Rama ta thấy là cả hai thầy thuốc đều đã bỏ về rồi.

Một người để lại cho ta một mẩu thư: ‘Chúng tôi đã làm hết sức mình rồi, nhưng trường hợp của anh ta là hết hy vọng.’ “Bạn ta quả thực giống như người đang hấp hối. Ta không hiểu làm sao những lời của Lahiri Mahasaya lại không ứng nghiệm, nhưng cái cảnh sự sống của Rama cạn đi nhanh chóng cứ gợi lên trong đầu ta: ‘Giờ thì hết rồi.’ Thế rồi cứ chòng chành mãi giữa những đợt sóng niềm tin và ngờ vực luân phiên, ta chăm nom bạn ta hết sức mình. Anh ta bật dậy kêu lên:

“ ‘Yukteswar, chạy tới thầy và bảo thầy là mình đã đi rồi.

Nhờ thầy ban phúc cho xác mình trước những nghi thức cuối cùng cho nó.’ Nói vậy rồi Rama thở hắt và hồn lìa khỏi xác[264].

“Ta ngồi khóc cả giờ bên giường bạn. Là người luôn ưa thích sự yên tĩnh, giờ thì anh ta đã có được sự tịch tĩnh của cõi chết. Một đệ tử khác bước vào; ta nhờ anh ta ở đó cho đến khi ta về. Như ngây như dại, ta lê bước trở lại nhà sư phụ.

“ ‘Rama giờ sao rồi?’ Mặt Lahiri Mahasaya tươi cười.

“ ‘Thầy, thầy sẽ sớm thấy cậu ấy ra sao thôi,’ ta thốt ra xúc động. ‘Mấy giờ nữa thầy sẽ thấy xác cậu ấy, trước khi được mang ra bãi hỏa táng.’ Ta suy sụp và than khóc không kiềm chế.

“ ‘Yukteswar, tự chủ lại đi. Hãy ngồi yên mà thiền.’ Sư phụ ta nhập samadhi. Buổi chiều và đêm trôi qua trong tịch lặng triền miên; ta cố gắng lắm mà cũng không làm sao tìm lại được sự thanh thản trong lòng.

“Lúc bình minh Lahiri Mahasaya nhìn ta an ủi. ‘Ta thấy là con vẫn còn đau buồn. Sao hôm qua con không nói rõ ra là con mong ta cho Rama một cứu giúp hữu hình dưới dạng một loại thuốc nào đó?’ Thầy chỉ một ngọn đèn có hình thù như cái chén đựng dầu thầu dầu[265] thô. ‘Đong đầy một lọ nhỏ dầu trong đèn; nhỏ bảy giọt vào miệng Rama.’ “ ‘Thầy,’ ta phản đối, ‘cậu ấy đã chết từ trưa hôm qua rồi. Giờ thì dầu này phỏng có ích gì nữa?’ “ ‘Không sao, cứ làm như ta bảo.’ Ta thấy tâm trạng vui vẻ của sư phụ thật khó hiểu; ta vẫn còn đau đớn khôn nguôi vì mất bạn. Rót ra một lượng nhỏ dầu, ta về nhà Rama.

“Ta thấy xác bạn ta cứng đờ trong vòng tay thần chết. Nhắm mắt nhắm mũi trước tình trạng rùng rợn của bạn, ta đưa ngón trỏ tay phải cạy miệng cậu ta ra; rồi xoay xở, với bàn tay trái và nhờ cái nút bần, nhỏ từng giọt dầu lên trên hàm răng cắn chặt của cậu ta. Giọt thứ bảy vừa chạm vào đôi môi lạnh ngắt của Rama thì cậu ta co giật dữ dội. Cơ bắp cậu ta từ đầu tới chân rung lên khi lạ lùng thay, cậu ta dựng thẳng người dậy.

“ ‘Mình đã thấy Lahiri Mahasaya trong một ánh hào quang!’ cậu ta kêu lên. ‘Thầy tỏa sáng như vầng dương. “Dậy đi, từ bỏ giấc ngủ của con đi,” thầy ra lệnh cho mình. “Cùng Yukteswar đến gặp ta.”’ “Ta hầu như không tin nổi vào mắt mình khi Rama thay đồ và đủ khỏe sau cơn bệnh hiểm nghèo để đến nhà sư phụ của chúng ta. Ở đấy cậu ta phủ phục trước Lahiri Mahasaya mà khóc biết ơn.

“Thầy ngồi cạnh cậu ta vui vẻ. Mắt thầy long lanh nhìn ta tinh quái.

“ ‘Yukteswar,’ thầy nói, ‘chắc là từ đây trở đi con sẽ không quên mang theo trong người một lọ dầu thầu dầu. Mỗi khi con thấy một tử thi, cứ cho uống dầu. Tại sao, bảy giọt dầu đốt đèn lại phải chắc chắn đánh bại quyền năng của Yama[266]!’ “ ‘Thưa sư phụ, thầy đang nhạo con. Con không hiểu; xin hãy chỉ rõ con sai ở chỗ nào.’ “ ‘Ta đã hai lần bảo con là Rama sẽ khỏe; vậy mà con cũng không thể tin ta hoàn toàn,’ Lahiri Mahasaya giải thích. ‘Ta không có ý nói các thầy thuốc sẽ cứu chữa được nó; ta chỉ nói rằng họ đang chăm sóc. Ta không muốn cản trở các thầy thuốc; họ cũng phải sống mà.’ Bằng một giọng ngân vui, sư phụ ta nói thêm, ‘Phải luôn biết rằng Paramatman[267] toàn năng có thể chữa lành bất kỳ ai, có thầy thuốc hay không có thầy thuốc.’ “ ‘Con đã thấy lỗi của mình rồi,’ ta ăn năn thừa nhận. ‘Giờ thì con đã biết một lời giản dị của thầy là ràng buộc đối với toàn vũ trụ.’ “

Khi Sri Yukteswar kể xong câu chuyện tuyệt vời, một cậu bé ở Ranchi đánh bạo hỏi một câu mà, từ miệng một đứa trẻ, là càng có thể hiểu được.

“Thưa thầy,” cậu bé nói, “sao sư phụ của thầy lại dạy đem dầu thầu dầu về?”

“Con ạ, chuyện cho dầu chẳng có ý nghĩa đặc biệt nào cả. Vì ta đã chờ mong một cái gì đó hữu hình nên Lahiri Mahasaya đã chọn dầu ngay đó như một biểu tượng khách quan để đánh thức lòng tin sâu xa hơn nơi ta. Thầy đã để Rama chết, vì ta đã có phần nghi ngờ. Nhưng sư phụ siêu việt biết rằng vì thầy đã nói đệ tử sẽ khỏe, việc chữa trị phải diễn ra, cho dù thầy phải chữa cho Rama khỏi chết, một căn bệnh mà thường là hết cách!”

Sri Yukteswar giải tán nhóm nhỏ, rồi ra hiệu cho tôi đến bên một tấm chăn ngồi bên chân thầy.

“Yogananda,” thầy nói với sự nghiêm trang khác lạ, “từ lúc sinh ra con đã được bao bọc bởi những đệ tử gần gũi của Lahiri Mahasaya. Đại sư đã sống cuộc đời cao cả của mình có phần ẩn dật, và nhất quyết không chịu cho phép đệ tử thành lập tổ chức nào xoay quanh giáo huấn của thầy. Tuy thế, thầy đã có một lời tiên tri hệ trọng.

“ ‘Chừng năm mươi năm sau khi ta mất, một câu chuyện về đời ta sẽ được viết ra vì một sự quan tâm sâu sắc đến yoga sẽ nảy sinh ở phương Tây. Thông điệp yoga sẽ đi khắp địa cầu. Nó sẽ giúp xây đắp tình huynh đệ giữa con người: một sự hợp quần dựa trên sự trực nhận của nhân loại về Một Người cha.’ “Con trai Yogananda của ta,” Sri Yukteswar nói tiếp, “con phải làm lấy phần việc của mình là truyền bá thông điệp đó, và viết về cuộc đời thiêng liêng ấy.”

Năm mươi năm sau khi Lahiri Mahasaya mất năm 1895 là năm 1945, năm cuốn sách này hoàn tất. Tôi không thể không thấy ấn tượng về sự trùng hợp là năm 1945 còn mở ra một thời đại mới - kỷ nguyên của năng lượng nguyên tử mang tính cách mạng. Hơn lúc nào hết, mọi đầu óc biết suy nghĩ đều hướng đến những vấn đề bức thiết là hòa bình và tình huynh đệ, sợ rằng việc sử dụng liên tục sức mạnh vật chất sẽ quét sạch tất cả con người cùng những vấn nạn.

Dù những công trình của loài người đã biến mất không dấu vết vì thời gian hay bom đạn, nhưng mặt trời vẫn không đổi hướng đi; những vì sao vẫn sẽ mãi thức thâu đêm. Quy luật vũ trụ không thể hoãn lại hay sửa đổi, và con người sẽ phải cố gắng mà sống hòa thuận với nó. Nếu vũ trụ cưỡng lại sức mạnh, nếu mặt trời không tranh đua trên trời nữa mà lui về đúng lúc cho các vì sao được thao túng một chút, sự đe dọa vũ lực của chúng ta phỏng có ích gì? Có hòa bình nào từ đó? Không phải bạo tàn mà thiện chí mới chống đỡ được những rường cột vũ trụ; một nhân loại an hòa sẽ thấy hoa trái vinh quang bất tận, có vị ngọt hơn bất cứ thứ trái nào vun trồng trên mảnh đất máu loang.

Hội Quốc Liên hiệu quả sẽ là một liên minh khuyết danh, tự nhiên của trái tim con người. Những đồng cảm vô bờ và hiểu biết phân định, cần thiết để chữa lành những khổ nạn trần gian, không thể chỉ bắt nguồn từ sự suy xét thuần trí về những dị biệt của con người, mà từ hiểu biết về sự tương đồng trong cốt tủy nhân loại - mối quan hệ họ hàng với Thượng đế. Hướng tới việc nhận ra lý tưởng cao nhất của thế giới - hòa bình nhờ lòng bác ái - cầu cho yoga, tri thức về sự giao hòa của cá thể với Thượng đế, trải ra kịp lúc đến mọi người thuộc mọi xứ sở.

Dù Ấn Độ có một nền văn minh cổ xưa hơn nền văn minh của bất kỳ quốc gia nào, ít có sử gia nào nhận thấy là kỳ tích sống còn của nàng không phải là một sự tình cờ, mà là một sự kiện hợp lý trong lịch sử trung thành với những chân lý bất diệt mà Ấn Độ đã cống hiến thông qua những người con ưu tú nhất của nàng ở bao thế hệ. Bằng sự kế tục tồn tại tuyệt đối, bằng tự tại trước bao thế kỷ (các học giả khô khan có thể cho chúng ta biết chính xác là bao nhiêu không?), Ấn Độ đã đưa ra câu trả lời xứng đáng nhất trong mọi dân tộc cho lời thách đố của thời gian.

Câu chuyện Kinh Thánh về lời Abraham khẩn cầu với Chúa[268] cho thành Sodom được cứu nếu có thể tìm thấy mười người lành ở đó, và Lời Đáp Thiêng: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá hủy Sodom,” có được ý nghĩa mới dưới ánh sáng của việc Ấn Độ thoát khỏi sự quên lãng. Đã qua rồi những đế quốc của các dân tộc hùng mạnh, tinh thông thao lược, đã từng là đế quốc cùng thời với Ấn Độ: Ai Cập cổ đại, Babylon, Hy Lạp, La Mã.

Câu trả lời của Chúa cho thấy rõ rằng một xứ sở sống, không phải nhờ những thành tựu vật chất, mà nhờ những tuyệt tác con người của nó.

Hãy để những lời thiêng liêng lần nữa được nghe thấy, trong thế kỷ hai mươi này, chưa hết nửa thế kỷ đã hai lần nhuộm máu.

Không dân tộc nào sản sinh được mười con người cao cả trong mắt của Quan tòa Chính trực mà lại biết tới diệt vong.

Ghi nhớ những xác tín ấy, Ấn Độ đã chứng tỏ mình không thua trí trước cả ngàn trò xảo quyệt của Thời gian. Các bậc sư tự giác ngộ bao đời đã thánh hóa mảnh đất của nàng. Các thánh hiền như Chúa Jesus thời nay, như Lahiri Mahasaya và Sri Yukteswar, đã đứng lên khẳng định rằng hiểu biết yoga, tri thức giác ngộ Thượng đế, là sống còn đối với hạnh phúc của con người và sự trường tồn của dân tộc.

Có rất ít thông tin về thân thế của Lahiri Mahasaya và giáo lý phổ quát của thầy từng được ấn hành[269]. Suốt ba mươi năm ở Ấn Độ, Hoa Kỳ, và châu Âu tôi đã thấy một sự quan tâm chân thành và sâu sắc dành cho thông điệp yoga mang tính giải thoát của thầy; một câu chuyện thuật lại cuộc đời thầy, như thầy đã thấy trước, giờ đây là cần thiết ở phương Tây, nơi thân thế của các yogi vĩ đại thời nay ít được biết đến.

Lahiri Mahasaya sinh ngày 30 tháng 9 năm 1828 trong một gia đình sùng đạo dòng dõi Bà La Môn xưa. Sinh quán của thầy là làng Ghurni ở huyện Nadia gần Krishnanagar, Bengal. Thầy là con một của Muktakashi, vợ kế của Gaur Mohan Lahiri đáng kính (người vợ đầu của ngài, sau khi có ba người con trai, đã mất trong khi đi hành hương). Mẹ cậu bé mất từ khi cậu còn ấu thơ. Chúng ta có ít thông tin về bà, ngoại trừ một chi tiết hé lộ: bà là một tín đồ thành tâm của thần Shiva[270], được kinh thư mệnh danh là “Vua của các Yogi”.

Cậu bé, tên đầy đủ là Shyama Charan Lahiri, sống những năm đầu đời trong ngôi nhà của dòng họ ở Ghurni. Ngày cậu lên ba lên bốn, người ta thường thấy cậu ngồi dưới cát trong một tư thế yoga nào đó, toàn thân lấp kín chỉ chừa lại đầu.

Cơ ngơi nhà Lahiri bị tàn phá vào mùa đông năm 1833, khi con sông Jalangi gần đó đổi dòng và chìm xuống đáy sông Hằng.

Một trong các đền thờ Shiva mà gia tộc Lahiri xây đã trôi ra sông cùng ngôi nhà của gia đình. Một tín đồ đã vớt được bức tượng đá thần Shiva khỏi dòng nước xoáy rồi dựng nó ở một đền thờ mới, giờ nổi tiếng là thánh địa Ghurni Shiva.

Gaur Mohan Lahiri cùng gia đình rời Ghurni rồi trở thành dân thành Banaras, nơi gia đình dựng ngay một đền thờ Shiva. Ngài dẫn dắt gia đình theo khuôn phép Vệ Đà, bằng lễ bái đều đặn, hành thiện, học kinh điển. Tuy nhiên, là người công bằng và đầu óc phóng khoáng, ngài không lơ là những dòng tư tưởng hiện đại hữu ích.

Chàng trai Lahiri học tiếng Hindi và Urdu trong các nhóm học ở Banaras. Cậu theo học một trường do Joy Narayan Ghosal trông nom, được dạy bằng tiếng Phạn, tiếng Bengal, tiếng Pháp và tiếng Anh. Chuyên tâm nghiên cứu kỹ lưỡng kinh Vệ Đà, chàng yogi trẻ say sưa lắng nghe những cuộc đàm luận kinh điển của các tu sĩ Bà La Môn uyên thâm, trong đó có một học giả tiểu quốc Mahratta tên là Nag-Bhatta.

Shyama Charan là một thanh niên tốt bụng, hòa nhã, và can đảm, được hết thảy bạn bè yêu mến. Có một thân hình cân đối, khỏe khoắn, mạnh mẽ, cậu xuất sắc trong môn bơi lội và nhiều thành tích kỹ năng chân tay.

Năm 1846, Shyama Charan Lahiri cưới Srimati Kashi Moni, con gái của Sri Debnarayan Sanyal. Là một người nội trợ Ấn mẫu mực, Kashi Moni vui vẻ chu toàn bổn phận gia đình và tuân thủ nghĩa vụ gia chủ lo cho khách khứa và người nghèo. Hai người con trai thánh thiện, Tincouri và Ducouri, và hai người con gái đã được ban phúc hôn nhân. Ở tuổi hai mươi ba, năm 1851, Lahiri Mahasaya đảm nhận vị trí kế toán trong Bộ Kỹ thuật Quân sự của chính phủ Anh.

Thầy được cất nhắc nhiều lần trong thời gian phục vụ. Do vậy, thầy không chỉ là một vị sư trước mắt Thượng đế mà còn là một người thành đạt trong vở kịch con người bé mọn giữa nhân gian mà thầy đóng một vai tầm thường là một nhân viên văn phòng.

Nhiều lần khác nhau Bộ Kỹ thuật Quân sự đã thuyên chuyển Lahiri Mahasaya đến các văn phòng ở Gazipur, Mirjapur, Naini Tal, Danapur, và Banaras. Sau khi cha mất, thầy nhận trách nhiệm đối với cả gia đình. Thầy mua cho họ một căn nhà trong vùng Garudeswar Mohulla tách biệt gần Banaras.

Chính vào năm ba mươi ba tuổi, Lahiri Mahasaya[271] thấy được sự hoàn tất mục đích mà thầy tái sinh xuống cõi này. Thầy đã gặp đại sư phụ của mình, Babaji, gần Ranikhet ở Himalaya, và được thầy điểm đạo vào Kriya Yoga.

Sự kiện cát tường này xảy ra không chỉ cho một mình Lahiri Mahasaya; đó là một thời khắc hồng phúc cho toàn thể nhân loại.

Thuật yoga cao nhất, đã thất truyền, hay đã mất từ lâu giờ lại được đưa ra ánh sáng.

Cũng như sông Hằng[272], theo truyện cổ Ấn Độ, từ trời mà xuống nhân gian, mang làn nước thiêng đến cho tín đồ Bhagirath khao khát, thì năm 1861, dòng sông trời Kriya Yoga cũng đã bắt đầu từ thành lũy Himalaya ẩn mật chảy xuống những chốn bụi bặm của loài người.

* * *

Chú thích:

[263] Tin Mừng theo thánh Gioan 11:1-4.

[264] Nạn nhân của bệnh dịch tả thường hoàn toàn sáng suốt và tỉnh táo cho đến phút chết.

[265] Dầu từ hạt thầu dầu có thể dùng để thắp sáng và điều chế thuốc chữa bệnh theo liều lượng thích hợp (ND - BBT).

[266] Thần chết.

[267] Nghĩa đen là “Linh hồn tối cao”.

[268] Sách Sáng thế 18:23-32.

[269] Một tiểu sử vắn tắt bằng tiếng Bengal, Sri Sri Shyama Charan Lahiri Mahasaya, do Swami Satyananda viết, xuất bản vào năm 1941. Tôi đã dịch vài đoạn trong cuốn sách để dùng trong phần viết về Lahiri Mahasaya này.

[270] Một trong ba ngôi thiêng liêng của thượng đế: Brahma, Vishnu, Shiva, mà sứ mệnh vũ trụ của các ngài lần lượt là sáng tạo, bảo tồn, và hủy diệt-khôi phục. Shiva (đôi khi viết là Siva), được miêu tả trong thần thoại là Thần của những Kẻ Từ bỏ, hiện ra trong linh ảnh trước tín đồ của Ngài dưới nhiều khuôn mặt khác nhau, như Mahadeva Nhà tu Khổ hạnh tóc rối và Nataraja Vũ công Vũ trụ. Thượng đế là Shiva hay Đấng Hủy Diệt, trong đầu óc nhiều người, là một khái niệm khó. Trong _Mahimnastava_, một tụng ca của mình, Puspadanta, là một tín đồ của Shiva, đã than van: “Sao ngài lại tạo ra các cõi chỉ để rồi hủy diệt đi?” Một khổ thơ trong _Mahimnastava_ viết: “Bằng cái giậm chân của Ngài mà sự an toàn của trái đất bỗng lâm nguy, Với cử động cánh tay Ngài, rắn như thanh sắt, Những tinh cầu trong ête tan tác. Vì mái tóc buông dài của Ngài quất mà cõi trời đau đớn. Ngài múa quả thật đẹp biết bao! Nhưng làm khổ thế gian để rồi cứu nó - Bí ẩn này là gì?” Nhưng nhà thơ xưa kết luận: “Khác biết bao nhiêu giữa trí ta - Hiểu chẳng được bao, và chịu buồn phiền - Và hào quang bất diệt của Ngài, vượt ngoài phẩm tính!”

[271] Trong tiếng Phạn pháp danh _Mahasaya_ nghĩa là “đại trí”.

[272] Nước của Mẹ Sông Hằng, con sông thiêng của Ấn Độ, bắt nguồn từ một động băng ở Himalaya giữa muôn đời băng tuyết và tịch lặng. Hàng ngàn vị thánh bao đời vẫn thích được gần sông Hằng; họ đã để lại hai bên bờ sông một hào quang ân huệ (xem chú thích trang 261). Một nét lạ thường, có lẽ là duy nhất, của sông Hằng là tính bất khả ô nhiễm. Không có vi khuẩn nào sống trong tình trạng vô trùng bất biến của sông. Hàng triệu triệu tín đồ Ấn Độ giáo dùng nước sông mà tắm và uống mà không hề gì. Sự kiện này làm các nhà khoa học hiện đại thấy khó hiểu. Một trong số họ, tiến sĩ John Howard Northrop, đồng nhận giải Nobel hóa học năm 1946, gần đây đã nói: “Chúng ta biết rằng sông Hằng bị ô nhiễm trầm trọng. Thế nhưng dân Ấn uống nước của nó, bơi trong nó, mà rõ ràng vẫn không bị ảnh hưởng.” Ông nói thêm, đầy hy vọng: “Có lẽ thực khuẩn (các vi rút diệt vi khuẩn) làm cho con sông vô trùng.” Kinh Vệ Đà khắc ghi sự tôn kính đối với mọi hiện tượng tự nhiên. Tín đồ Ấn giáo sùng đạo hiểu rõ lời ca ngợi của thánh Francis xứ Assisi: “Cầu cho Chúa của con ban phúc cho Chị Nước, hữu ích, khiêm cung, trinh bạch, và quý giá ngần ấy.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3