Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 39
CHƯƠNG 39
Therese Neumann, tín đồ Công giáo mang dấu Chúa
“Hãy quay về Ấn Độ, ta đã nhẫn nại chờ con suốt mười lăm năm. Không lâu nữa ta sẽ bơi ra khỏi xác thân về Mái nhà Sáng ngời, Yogananda, về đây!”
Giọng Sri Yukteswar vang lên bên tai nội tâm làm tôi sửng sốt khi đang ngồi thiền tại trụ sở Núi Washington. Băng qua mười ngàn dặm trong chớp mắt, lời nhắn của thầy đi xuyên vào bản thể tôi như một ánh chớp.
Mười lăm năm! Phải, tôi nhận ra, giờ đã là năm 1935; tôi đã dành mười lăm năm hoằng bá giáo huấn của sư phụ ở Hoa Kỳ.
Giờ thầy gọi tôi về.
Không lâu sau đó tôi mô tả lại điều mình chứng nghiệm cho một người bạn thân, ông James J. Lynn. Sự khai mở tâm linh của ông nhờ luyện Kriya Yoga mỗi ngày đã ở tầm cao đến mức tôi thường gọi ông ấy là “Thánh Lynn”. Ở ông và một số người phương Tây khác tôi vui mừng thấy sự thành tựu lời tiên tri của Babaji rằng cả phương Tây cũng sẽ sản sinh ra các thánh thực sự Tự giác ngộ nhờ con đường yoga cổ xưa.
Ông Lynn rộng lòng một mực được đóng góp cho chuyến đi của tôi. Vấn đề tài chính do vậy đã được giải quyết, tôi thu xếp để đi tàu, qua châu Âu, đến Ấn Độ. Tháng 3 năm 1935, tôi đăng ký theo luật bang California để Hội Tự giác thành một tổ chức phi lợi nhuận và không giáo phái, được thành lập để tồn tại mãi mãi. Tôi hiến tặng cho Hội Tự giác mọi quyền sở hữu của mình, kể cả các quyền đối với tất cả sách vở của tôi. Như phần lớn các tu viện và trung tâm giáo dục khác, Hội Tự giác được duy trì bằng sự hiến tặng và lòng hảo tâm từ các thành viên và công chúng.
“Thầy sẽ trở lại,” tôi bảo các môn sinh. “Thầy sẽ không bao giờ quên đất nước Hoa Kỳ.”
Trong một bữa tiệc chia tay mà bạn bè yêu thương tổ chức cho tôi ở Los Angeles, tôi nhìn hồi lâu những gương mặt và nghĩ đầy hàm ơn, “Thượng đế hỡi, kẻ nào nhớ đến Ngài như Đấng Ban phát sẽ không bao giờ thiếu sự ngọt ngào tình bằng hữu giữa con người.”
Ngày 9-6-1935 tôi khởi hành từ New York, trên tàu Europa. Có hai môn sinh đi cùng tôi: thư ký của tôi, anh C. Richard Wright, và một phụ nữ trung niên người vùng Cincinnati, cô Ettie Bletsch.
Chúng tôi thưởng thức những ngày bình yên trên biển, một sự tương phản thú vị với những tuần hối hả vừa qua. Quãng thời gian nhàn hạ của chúng tôi thật ngắn ngủi; tốc độ của tàu hiện đại có một số điểm đáng tiếc!
Cũng như bất kỳ nhóm du khách hiếu kỳ nào, chúng tôi đi dạo khắp thành phố London cổ kính và rộng lớn. Sau hôm tới nơi thì tôi được mời nói chuyện trước một cuộc họp lớn tại tòa nhà Caxton, ở đó tôi được Tôn ông Francis Younghusband giới thiệu với cử tọa London.
Nhóm chúng tôi có một ngày dễ chịu khi làm khách của Tôn ông Harry Lauder tại điền trang ở Scotland. Vài ngày sau nhóm nhỏ chúng tôi vượt biển Manche đến lục địa, vì tôi muốn làm một chuyến hành hương đến Bavaria. Tôi cảm thấy đây có thể là cơ hội duy nhất để tôi thăm nhà thần bí Công giáo cao quý, Therese Neumann ở Konnersreuth.
Nhiều năm trước tôi đọc được một bài phóng sự lạ lùng về Therese. Thông tin trong bài báo như sau:
(1) Therese, sinh vào thứ Sáu Tuần Thánh năm 1898, bị thương trong một tai nạn năm hai mươi tuổi; cô trở nên mù lòa và liệt.
(2) Năm 1923 cô có lại thị lực một cách màu nhiệm nhờ cầu nguyện thánh Thérese xứ Lisieux, “Bông Hoa Nhỏ”. Sau đó chân tay Therese Neumann tức thì được chữa lành.
(3) Từ năm 1923 trở đi, Therese kiêng ăn uống hoàn toàn, chỉ nuốt một miếng bánh thánh nhỏ mỗi ngày.
(4) Năm 1926, dấu Chúa, các vết thương linh thiêng của Chúa, xuất hiện trên đầu, ngực, bàn tay và bàn chân của Therese. Mỗi thứ Sáu[347], cô trải qua Khổ hình của Chúa, chịu trên chính thân thể mình mọi đau đớn lịch sử của Người.
(5) Ngày thường chỉ biết tiếng Đức đơn giản ở làng mình, trong những lần xuất thần thứ Sáu, Therese thốt ra những câu mà các học giả xác định là tiếng Aram cổ. Tùy vào những dịp khác nhau trong linh ảnh của mình mà cô nói tiếng Do Thái (Hebrew) hay Hy Lạp.
(6) Được sự cho phép của giáo hội, Therese đã đôi lần trải qua các cuộc theo dõi khoa học kỹ lưỡng. Tiến sĩ Fritz Gerlich, biên tập một tờ báo Tin Lành Đức, đã đến Konnersreuth để “vạch trần sự lừa lọc của Công giáo”, nhưng cuối cùng lại cung kính viết tiểu sử của cô.
Như mọi khi, dù ở Đông hay Tây, tôi tha thiết được gặp một bậc thánh. Tôi vui sướng khi ngày 16 tháng 7, nhóm nhỏ chúng tôi đặt chân vào ngôi làng cổ kính ở Konnersreuth. Những người dân quê Bavaria tỏ ra rất hứng thú với chiếc Ford của chúng tôi (đem từ Hoa Kỳ theo) và nhóm người đủ kiểu trong đó - một thanh niên Hoa Kỳ, một phụ nữ trung niên, và một người Á Đông da nâu vàng, tóc dài nhét dưới cổ áo khoác.
Ngôi nhà nhỏ của Therese, sạch và gọn ghẽ, những cây mỏ hạc nở rộ bên một cái giếng thô sơ, chao ôi! im lìm cửa khép. Hàng xóm, và cả người đưa thư của làng đi ngang qua, không cho chúng tôi biết được gì. Trời đổ mưa; những người đồng hành gợi ý là chúng tôi nên về.
“Không,” tôi ương bướng nói, “thầy sẽ ở lại đây cho đến khi nào thầy tìm được chút manh mối dẫn tới Therese.”
Hai giờ sau chúng tôi vẫn ngồi trong xe giữa làn mưa ảm đạm. “Thượng đế hỡi,” tôi thở dài phàn nàn, “sao Ngài lại dẫn con đến đây nếu như người ấy đã đâu mất rồi?”
Một người đàn ông nói tiếng Anh dừng lại bên cạnh chúng tôi, lịch sự ngỏ ý giúp.
“Tôi không biết chắc Therese ở đâu,” ông ta nói, “nhưng bà ấy thường đến thăm nhà giáo sư Franz Wutz, một thầy dạy ngoại ngữ tại Đại học Eichstütt, cách đây tám mươi dặm.”
Sáng hôm sau, nhóm chúng tôi chạy xe đến thị trấn yên tĩnh Eichstütt. Giáo sư Wutz thân mật chào đón chúng tôi tại nhà mình; “Phải, Therese đang ở đây.” Ông cho nhắn với nữ thánh về các vị khách. Một người đưa tin ra ngay với lời đáp của thánh:
“Dù đức giám mục đã yêu cầu tôi không được gặp ai mà không được phép của cha, nhưng tôi sẽ tiếp thầy tu Ấn Độ.”
Vô cùng xúc động trước những lời này, tôi theo giáo sư Wutz lên tầng đến phòng khách. Therese bước vào ngay, rạng một thần khí thanh tĩnh và hân hoan. Thánh mặc áo thụng đen và trùm khăn trắng tinh. Dù lúc ấy thánh ba mươi bảy tuổi, thánh dường như trẻ hơn nhiều; quả thực là có cái tươi tắn và duyên dáng trẻ thơ. Mạnh mẽ, khỏe khoắn, hai má hồng, và tươi vui, đây là vị thánh không ăn uống đây!
Therese chào tôi bằng cái bắt tay rất nhẹ. Chúng tôi tươi cười trong giao hòa im lặng, mỗi người đều biết người kia là người yêu Thượng đế.
Giáo sư Wutz tử tế ngỏ ý làm người phiên dịch. Khi chúng tôi ngồi xuống, tôi để ý thấy Therese đang liếc nhìn tôi với sự tò mò ngây thơ; rõ ràng người Ấn là rất hiếm thấy ở Bavaria.
“Chị không ăn gì cả sao?” Tôi muốn nghe câu trả lời từ chính miệng thánh.
“Không, trừ một miếng bánh thánh[348] lúc sáu giờ mỗi sáng.”
“Bánh thánh cỡ chừng nào?”
“Nó mỏng như tờ giấy, kích cỡ một đồng xu nhỏ.” Thánh nói thêm, “Tôi ăn vì những lý do lễ ban Thánh thể; nếu bánh chưa được dâng thì tôi không thể nuốt.”
“Chắc chắn chị không thể sống bằng bánh ấy, trong mười hai năm ròng?”
“Tôi sống bằng ánh sáng của Chúa.”
Lời đáp của thánh mới ngắn gọn làm sao, Einstein làm sao!
“Tôi thấy chị đã nhận ra rằng năng lượng trôi vào cơ thể mình từ ête, ánh nắng và không khí.”
Một nụ cười thoáng hiện trên mặt thánh. “Tôi rất mừng khi biết là ông hiểu tôi sống bằng cách nào.”
“Cuộc sống thiêng liêng của chị là một minh chứng mỗi ngày cho chân lý mà Chúa đã nói: ‘Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra[349].’”
Lần nữa thánh bày tỏ niềm vui vì sự giải thích của tôi. “Quả là vậy. Một trong những lý do hôm nay tôi ở đây trên trái đất này là để chứng minh rằng con người có thể sống bằng ánh sáng vô hình của Thiên Chúa, mà không chỉ bằng thực phẩm không thôi.”
“Chị có thể chỉ cho người khác cách sống mà không cần thức ăn không?”
Thánh có vẻ hơi ngạc nhiên. “Tôi không thể làm thế; Thiên Chúa không muốn vậy.”
Khi cái nhìn của tôi dừng lại nơi đôi bàn tay mạnh mẽ, duyên dáng của Therese, thánh cho tôi xem một vết thương vuông vức mới lành trên cả hai mu bàn tay. Trong mỗi lòng bàn tay, thánh chỉ ra một vết thương nhỏ hơn, hình lưỡi liềm, vừa mới lành. Mỗi vết thương đi xuyên suốt qua bàn tay. Cảnh ấy cho tôi một ký ức rõ ràng về những cái móng sắt vuông lớn có đầu hình lưỡi liềm vẫn còn được dùng ở phương Đông, nhưng tôi không nhớ là đã thấy nó ở phương Tây.
Thánh kể cho tôi đôi điều về những lần xuất thần hàng tuần của mình. “Như một người xem bất lực, tôi quan sát toàn bộ khổ hình của Chúa.” Mỗi tuần, từ nửa đêm thứ Năm đến một giờ trưa thứ Sáu, các vết thương của thánh mở miệng và rỉ máu; thánh sụt mất mười pound (4,5 kg)từ một trăm hai mươi mốt pound (55kg) cân nặng bình thường. Đau đớn vô cùng trong tình thương yêu đồng cảm của mình, Therese vẫn hân hoan chờ những linh ảnh về Chúa hàng tuần này.
Tôi hiểu ra ngay cuộc đời kỳ lạ của thánh là dụng ý của Thiên Chúa cam đoan với mọi tín đồ Cơ Đốc giáo về tính xác thực lịch sử của cuộc đời và sự đóng đinh thập giá của Jesus như được ghi lại trong Tân Ước, và phô bày một cách cảm động mối gắn bó đời đời giữa vị thầy xứ Galilee và các tín đồ của ngài.
Giáo sư Wutz kể lại một số điều ông đã được trải qua bên thánh.
“Một nhóm chúng tôi, trong đó có Therese, thường du ngoạn ít ngày ở Đức,” ông bảo tôi. “Đó là một sự tương phản nổi bật - Therese không ăn uống gì; mấy người còn lại chúng tôi thì ăn ba bữa mỗi ngày. Thánh vẫn tươi như một đóa hồng, vẫn không hề mệt mỏi. Mỗi khi đám còn lại chúng tôi thấy đói bụng và tìm các lữ quán bên đường, Therese cười rất vui.”
Giáo sư kể thêm một số chi tiết sinh lý thú vị: “Vì Therese không ăn gì nên dạ dày thánh teo lại. Thánh không đi tiêu, nhưng các tuyến mồ hôi của thánh vẫn hoạt động; da thánh luôn mềm mại và săn chắc.”
Lúc chia tay, tôi bày tỏ với Therese mong muốn được có mặt trong buổi xuất thần của thánh.
“Được, xin hãy đến Konnersreuth thứ Sáu tới,” thánh rộng lượng nói. “Đức giám mục sẽ cho các vị một giấy phép. Tôi rất mừng là các vị tìm tôi ở Eichstütt.”
Therese bắt tay nhẹ nhàng, nhiều lần, rồi tiễn nhóm chúng tôi ra cổng. Anh Wright bật rađiô trong xe lên; thánh chăm chú ngắm nghía nó với nụ cười khúc khích say sưa. Cả một đám thanh niên xúm lại đông đến độ Therese phải lui vào nhà. Chúng tôi thấy thánh đứng bên cửa sổ, ngó nhìn chúng tôi, trẻ thơ, vẫy chào.
Qua một cuộc nói chuyện ngày hôm sau với hai anh em trai của Therese, rất tử tế và thân thiện, chúng tôi biết được rằng ban đêm thánh chỉ ngủ một hai giờ. Bất chấp nhiều vết thương trên thân thể, thánh vẫn hăng hái và đầy nghị lực. Thánh yêu chim, chăm sóc một hồ cá, và thường làm việc trong vườn nhà. Thư từ của thánh rất nhiều; các tín đồ Công giáo viết cho thánh để xin những lời cầu nguyện và làm phúc chữa bệnh. Nhiều kẻ tìm kiếm đã được chữa khỏi các trọng bệnh qua thánh.
Em trai Ferdinand của thánh, chừng hai mươi ba tuổi, giải thích rằng Therese có khả năng, nhờ cầu nguyện, giải bệnh của kẻ khác trên chính thân mình. Thánh bắt đầu kiêng ăn từ lúc thánh cầu nguyện cho bệnh đau họng của một thanh niên trong xóm đạo, lúc bấy giờ đang chuẩn bị đi tu, truyền qua cổ họng của chính mình.
Chiều thứ Năm, nhóm chúng tôi chạy xe đến nhà của giám mục, người nhìn mái tóc dài của tôi với chút ngạc nhiên. Cha sẵn lòng viết ra tờ giấy phép cần thiết. Không có lệ phí gì; quy tắc giáo hội đặt ra chỉ là để bảo vệ Therese trước dòng khách vãng lai ồ ạt, những năm trước, hàng ngàn người đã lũ lượt kéo đến Konnersreuth vào các thứ Sáu.
Chúng tôi tới ngôi làng chừng chín giờ ba mươi sáng thứ Sáu.
Tôi để ý thấy căn nhà nhỏ của Therese có một khu lợp kính để cho thánh có nhiều ánh sáng. Chúng tôi vui mừng thấy cửa không còn khép nữa mà mở rộng vui vẻ hiếu khách. Chúng tôi xếp hàng với chừng hai mươi người khách, mỗi người cầm một tờ giấy phép.
Nhiều người đã lặn lội từ rất xa đến để xem buổi xuất thần huyền nhiệm.
Therese đã qua được cuộc kiểm tra thứ nhất của tôi tại nhà giáo sư bằng cái biết trực giác của thánh rằng tôi muốn gặp thánh vì những lý do tâm linh, mà không phải chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ chốc lát.
Lần kiểm tra thứ hai của tôi liên quan đến sự việc là, ngay trước khi tôi lên gác vào phòng thánh, tôi đã bước vào một trạng thái nhập định yoga để đạt sự giao tiếp bằng thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông với thánh. Tôi bước vào phòng của thánh, kín cả khách; thánh mặc áo trắng, nằm trên giường. Anh Wright đứng ngay sau tôi, tôi dừng lại ngay khi vừa bước qua ngưỡng cửa, kinh sợ trước cảnh tượng kỳ lạ và khiếp đảm nhất.
Máu rỉ liên tục thành dòng nhỏ chừng vài phân từ mí mắt dưới của Therese. Cái nhìn của thánh hướng chăm chăm lên tuệ nhãn ở giữa trán. Tấm vải quấn quanh đầu thánh đẫm máu từ những vết thương Vòng Gai dấu Chúa. Tấm áo trắng lấm tấm đỏ bên trên trái tim thánh từ vết thương bên sườn, chỗ mà cơ thể Chúa, từ rất lâu trước, đã chịu sự sỉ nhục cuối cùng từ mũi giáo tên lính đâm vào.
Đôi bàn tay Therese chìa ra với một cử chỉ của người mẹ, cầu khẩn; gương mặt thánh mang một vẻ vừa đau đớn vừa thánh thiện.
Thánh có vẻ gầy hơn và đổi khác một cách khó thấy theo nhiều mặt, cả trong lẫn ngoài. Thì thầm những câu tiếng nước ngoài, đôi môi run run, thánh nói với những người hiển hiện trước cái nhìn siêu thức của thánh.
Khi đã hòa điệu cùng thánh rồi, tôi bắt đầu thấy những cảnh tượng trong linh ảnh của thánh. Thánh đang nhìn Jesus khi ngài vác những thanh gỗ Thập giá giữa đám đông cười nhạo[350]. Chợt thánh nhấc đầu lên kinh hoàng: Chúa đã ngã xuống dưới sức nặng tàn bạo. Linh ảnh biến mất. Cạn nỗi xót thương thống thiết, Therese chìm xuống nặng nề trên gối.
Đúng lúc này tôi nghe thấy một tiếng rơi thịch nặng nề sau lưng. Thoáng quay đầu lại, tôi thấy hai người đàn ông khiêng ra một thân người nằm sấp. Nhưng vì đang ra khỏi trạng thái siêu thức cao, tôi không nhận ra ngay người đã ngã. Lần nữa tôi nhìn kỹ gương mặt Therese, tái xanh dưới những dòng máu tràn ra, nhưng giờ đã điềm tĩnh, toát lên sự thanh tịnh và thần thánh. Về sau tôi liếc ra sau và thấy anh Wright đứng đó, một bàn tay áp vào chỗ chảy máu trên má.
“Dick,” tôi lo lắng hỏi, “anh là người ngất xỉu đấy à?”
“Vâng, tôi đã ngất xỉu trước cảnh tượng hãi hùng.”
“Thôi được,” tôi nói an ủi, “anh can đảm khi quay lại mà nhìn cảnh tượng đó lần nữa đấy.”
Nhớ tới hàng người hành hương kiên nhẫn chờ, anh Wright và tôi lặng lẽ cáo từ Therese và rời sự hiện diện thiêng liêng của thánh[351].
Ngày hôm sau, nhóm nhỏ chúng tôi chạy xe về hướng Nam, mừng là không phải lệ thuộc vào xe lửa mà có thể dừng chiếc Ford bất cứ đâu chúng tôi muốn, khắp vùng đồng quê. Chúng tôi nhâm nhi từng khoảnh khắc trong chuyến đi vòng quanh nước Đức, Hà Lan, Pháp, và dãy Alp ở Thụy Sĩ. Ở Ý, chúng tôi có một chuyến đi đặc biệt đến Assisi để tỏ lòng tôn kính tông đồ khiêm cung, thánh Francis. Vòng hành trình châu Âu kết thúc ở Hy Lạp, nơi chúng tôi chiêm ngưỡng những ngôi đền ở Athens, rồi xem ngục thất nơi Socrates cao thượng[352] đã uống thuốc độc dành cho mình. Người ta sẽ vô cùng ngưỡng mộ tính nghệ thuật ở khắp mọi nơi mà người Hy Lạp cổ đại đã tạo hình ngay những tưởng tượng của mình bằng thạch cao tuyết hoa.
Chúng tôi đi tàu qua Địa Trung Hải nắng ấm, xuống tàu tại Palestine. Khi tha thẩn ngày này qua ngày khác trên Thánh Địa, hơn bao giờ hết tôi tin chắc vào ý nghĩa của việc hành hương. Với trái tim nhạy cảm thì linh hồn của Chúa thấm đẫm khắp Palestine.
Tôi bước cung kính bên ngài tại Bethlehem, Gethsemane, Calvary, núi Ô liu thiêng, và bên dòng sông Jordan và biển hồ Galilee.
Nhóm nhỏ chúng tôi thăm Máng Cỏ, xưởng mộc của Joseph, mộ Lazarus, nhà của Martha và Mary, gian phòng Bữa Tiệc Ly.
Câu chuyện ngày xưa bày ra; từng cảnh một, tôi thấy vở kịch thiêng liêng mà Chúa một lần đã đóng cho bao đời.
Đi tiếp đến Ai Cập, với Cairo hiện đại và các kim tự tháp cổ. Rồi một con tàu thủy xuôi Hồng Hải dài, qua biển Arập mênh mông; trông kìa: Ấn Độ!
* * *
Chú thích:
[347] Từ những năm chiến tranh, Therese đã không trải qua Khổ hình mỗi thứ Sáu nữa mà chỉ vào một số ngày thánh trong năm. Những cuốn sách viết về đời nữ thánh này là Therese Neumann: A Stigmatist of Our Day (Therese Neumann: Người mang dấu Chúa trong thời đại chúng ta), và Further Chronicles of Therese Neumann (Biên niên ký tiếp theo về Therese Neumman), cả hai đều của Friedrich Ritter von Lama; và The Story of Therese Neumann (Câu chuyện về Therese Neumann), của A. P. Schimberg (1947); tất cả đều được Bruce Pub. Co., Milwaukee, bang Wisconsin (Hoa kỳ) xuất bản; và Therese Neumann, của Johannes Steiner, Alba House, Staten Island, bang New York, xuất bản.
[348] Bánh thánh bằng bột.
[349] Tin Mừng theo thánh Matthêu 4:4. Năng lượng cơ thể người không chỉ được duy trì bằng thức ăn thường (cơm bánh), mà còn bằng năng lượng vũ trụ rung động (Nguyên ngôn, hay Aum). Năng lượng vô hình đi vào cơ thể người qua cổng hành tủy. Trung khu thứ sáu trong cơ thể này nằm ở sau cổ, trên cùng của năm chakra (tiếng Phạn chỉ “luân xa” hay trung khu phát ra sinh lực) ở cột sống. Tủy sống, lối vào chính của nguồn cung cấp sinh lực vũ trụ (Aum) cho cơ thể, được nối trực tiếp bởi sự phân cực với trung khu Tâm thức Chúa (Kutastha) nơi độc nhãn giữa hai chân mày: vị trí của tâm lực ở con người. Năng lượng vũ trụ bấy giờ sẽ được trữ lại ở trung khu thứ bảy, trong não, như một hồ chứa các tiềm năng vô tận (được nhắc đến trong Vệ Đà là “hoa sen ánh sáng ngàn cánh”). Kinh thánh gọi Aum là Thánh Thần hay năng lượng sống vô hình duy trì một cách thiêng liêng toàn thể tạo vật. “Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Ðền Thờ của Thánh thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa” - Thư 1 gửi tín hữu Côrintô 6:1.9
[350] Trong những giờ trước khi tôi đến, Therese đã đi qua nhiều linh ảnh về những ngày cuối của Chúa. Trạng thái xuất thần của thánh thường bắt đầu bằng những cảnh về các sự kiện sau Bữa Tiệc Ly và kết thúc bằng cái chết của Jesus trên Thập giá; hay, thỉnh thoảng, với việc chôn ngài.
[351] Một bản tin nhanh INS của Đức, đề ngày 26-3-1948, thuật lại: “Hôm Thứ Sáu Tuần Thánh này, một phụ nữ nông dân Đức nằm trên giường nhỏ của mình; đầu, hai bàn tay, vai bà có vết máu nơi mà thân thể Chúa rỉ máu vì đinh và gai của Thập giá và Vòng gai. Hàng ngàn người Đức và Hoa Kỳ đầy kính sợ xếp hàng lặng lẽ đi qua chiếc giường nhỏ của Therese Neumann.” Người mang dấu Chúa cao quý qua đời tại Konnersreuth ngày 18-9-1962. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).
[352] Một đoạn trong Eusebius kể lại một cuộc chạm trán thú vị giữa Socrates và một hiền triết Ấn Độ. Đoạn viết: “Aristoxenus, nhạc công, kể câu chuyện sau về người Ấn. Một trong những người Ấn gặp Socrates ở Athens và hỏi ông lĩnh vực triết học của ông là gì. “Tìm hiểu các hiện tượng con người,” Socrates đáp. Nghe vậy người Ấn phá ra cười. “Làm sao một kẻ lại có thể tìm hiểu các hiện tượng người được,” ông ta nói, “khi mà y chưa biết các hiện tượng trời?” “ Lý tưởng Hy Lạp, được thể hiện trong triết học phương Tây, là: “Hỡi con người, hãy tự biết mình.” Một tín đồ Ấn giáo thường nói: “Hỡi con người, hãy biết Chân ngã của mình.” Câu nói quả quyết của Descartes: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại.” không đúng về mặt triết học. Những khả năng suy luận không thể soi rọi Bản thể tối hậu của con người. Trí người, cũng như vũ trụ hiện tượng mà nó nhận thấy, biến dịch không ngừng và không thể bộc lộ cứu cánh nào. Sự thỏa mãn trí tuệ không phải mà mục đích cao nhất. Kẻ tìm kiếm Thượng đế là người thật sự tha thiết với vidya, chân như; mọi thứ khác đều là avidya, tri thức tương đối.