Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 38

CHƯƠNG 38

Luther Burbank[341] - Thánh nhân giữa Hoa hồng

“Bí quyết để gây giống cây cỏ tốt hơn, ngoài tri thức khoa học ra, là tình yêu.” Luther Burbank nói điều uyên thâm này khi tôi đi bên ông trong vườn ở Santa Rosa, bang California. Chúng tôi dừng lại bên một luống cây xương rồng ăn được.

“Khi tôi tiến hành các thử nghiệm cho ra xương rồng ‘không gai’,” ông nói tiếp, “tôi thường trò chuyện với cây để tạo ra một rung động yêu thương. ‘Các con không việc gì phải sợ cả,’ tôi thường bảo cây. ‘Các con không cần mấy cái gai tự vệ đâu. Ta sẽ che chở các con.’ Dần dà loài cây hữu ích của sa mạc mọc thành một loại không gai.”

Tôi thấy mê hoặc trước điều kỳ diệu này. “Luther thân mến, vui lòng cho tôi ít lá xương rồng để về trồng trong vườn của tôi ở Núi Washington.”

Một nhân công đứng gần đó toan ngắt ít lá; Burbank ngăn anh ta lại.

“Tự tôi sẽ hái cho swami.” Ông đưa cho tôi ba lá mà về sau tôi đã trồng, vui sướng khi chúng mọc lên cao lớn.

Người làm vườn vĩ đại bảo tôi rằng thành công đáng kể đầu tiên của ông là một củ khoai tây to mà giờ được đặt theo tên ông.

Với sự miệt mài không mệt mỏi của một thiên tài, ông tiếp tục giới thiệu với thế giới hàng trăm giống cải tiến lai tạo trong thiên nhiên - các giống Burbank mới của ông là cà chua, ngô, bí, anh đào, mận, đào mận, dâu, anh túc, huệ tây, hoa hồng.

Tôi nhắm ống kính máy ảnh khi Luther dẫn tôi tới trước cây hồ đào nổi tiếng mà qua nó ông đã chứng minh rằng tiến hóa tự nhiên có thể được thúc đẩy nhanh hơn nhiều.

“Chỉ trong mười sáu năm,” ông nói, “cây hồ đào này đã đạt đến trạng thái sai quả. Một mình Thiên nhiên không được giúp sức thì lẽ ra cần gấp đôi thời gian ấy.”

Cô bé con nuôi của Burbank tung tăng chạy vào vườn cùng chú chó của cô.

“Con bé là cây người của tôi.” Luther trìu mến vẫy cô bé. “Giờ tôi thấy nhân loại như một loài cây to, để đạt đến sự toàn thiện thì chỉ cần tình thương, những thuận lợi tự nhiên của thiên nhiên bên ngoài, lai giống và chọn lọc thông minh. Cả đời mình tôi đã quan sát thấy ở sự tiến hóa của thực vật, sự tiến bộ kỳ diệu đến mức tôi lạc quan trông chờ một thế giới hạnh phúc, lành mạnh ngay khi trẻ em được dạy những nguyên tắc sống giản dị và hợp lý. Chúng ta phải quay về với thiên nhiên và Thượng đế của thiên nhiên.”

“Luther, chắc ông sẽ rất thích trường Ranchi của tôi, với các lớp học ngoài trời, và bầu không khí của niềm vui và sự giản dị.”

Lời tôi nói chạm trúng điều tâm huyết nhất trong lòng Burbank - giáo dục trẻ em. Ông hỏi tôi liên tiếp hết câu này đến câu khác, niềm hứng thú long lanh trong đôi mắt sâu, trong sáng của ngài.

“Thưa swami,” cuối cùng ông nói, “những trường học như trường của thầy là niềm hy vọng duy nhất cho một thiên niên kỷ tương lai. Tôi phản đối các hệ thống giáo dục thời đại chúng ta, xa lìa thiên nhiên và dập tắt hết mọi tính cá thể. Tôi hết lòng ủng hộ các lý tưởng giáo dục thực tiễn của thầy.”

Khi tôi cáo từ thánh nhân dịu dàng, ông ký tên vào một cuốn sách mỏng rồi trao cho tôi[342].

“Đây là cuốn sách của tôi về Giáo dục cây người[343]”, ông nói.

“Cần có những kiểu đào tạo mới - những thể nghiệm can đảm. Đôi khi những thử nghiệm táo bạo nhất đã làm lộ ra được cái tốt nhất nơi hoa trái. Cải cách giáo dục cho trẻ em cũng nên nhiều hơn, can đảm hơn.”

Đêm ấy tôi đọc cuốn sách nhỏ của ông với hứng thú vô cùng.

Mắt ông đã mường tượng ra một tương lai xán lạn cho giống nòi, ông viết: “Sinh vật cứng đầu nhất trên trái đất này, thứ khó khuất phục nhất, là loài cây đã từng ổn định theo một số cách phát triển rồi... Nên nhớ rằng loài cây ấy đã bảo tồn tính cá thể của mình qua nhiều đời; cái có thể truy nguyên qua bao liên đại chính trong đá, chưa hề biến đổi tới một mức độ đáng kể nào trong suốt những giai đoạn dài này. Các vị có cho rằng, sau bấy nhiêu đời lặp đi lặp lại ấy, loài cây này không trở về có một ý chí, nếu các vị muốn gọi như vậy, ngoan cường vô song? Quả thực, có những loài cây, ví dụ như một số loài cọ, bền bỉ đến mức chưa sức người nào thay đổi được chúng. Ý chí con người là một thứ kém cỏi so với ý chí của một loài cây. Song hãy xem toàn bộ sự cứng đầu suốt đời của cái cây này bị bẻ gãy ra sao chỉ bằng cách trộn lẫn một sự sống mới với nó, tạo ra, bằng cách lai giống, một sự thay đổi hoàn toàn và mạnh mẽ trong đời nó. Thế rồi khi sự thay đổi đến, ấn định nó bằng nhiều thế hệ được nhẫn nại theo dõi và chọn lọc này, loài cây mới bắt đầu con đường mới, không bao giờ còn trở lại con đường cũ nữa, ý chí cứng cỏi của nó cuối cùng cũng đã bị bẻ gãy và biến đổi.

“Khi nói đến một thứ rất nhạy cảm và dễ uốn nắn như thiên tính của một đứa trẻ, vấn đề trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.”

Bị thu hút không cưỡng lại được về người Hoa Kỳ vĩ đại này, tôi đến thăm ông không biết bao lần. Một buổi sáng tôi đến cùng lúc với một người đưa thư, người ấy đã để trong thư phòng của Burbank cả ngàn lá thư. Người làm vườn từ mọi nơi trên thế giới viết cho ông.

“Thưa swami, sự có mặt của thầy vừa đúng là cái cớ tôi cần để ra vườn,” Luther vui vẻ nói. Ông mở một ngăn kéo lớn đựng hàng trăm tờ quảng cáo du lịch.

“Thầy xem đấy,” ngài nói, “đây là cách tôi đi du lịch. Vì bị ràng buộc với cây cỏ và thư tín nên tôi làm thỏa khát khao du lịch các nước bằng cách thỉnh thoảng liếc xem mấy tấm hình này.”

Xe của tôi đang đỗ trước cổng nhà ông; Luther và tôi lái xe dọc những con đường trong thị trấn nhỏ, những khu vườn rực rỡ với những loài hoa hồng Santa Rosa, Peachblow, và Burbank của chính ông.

LUTHER BURBANK

SANTA ROSA, CALIFORNIA

U.S.A

22 tháng 12 năm 1924

Tôi đã nghiên cứu hệ thống Yogoda của Swami Yogananda và theo tôi nó rất lý tưởng để huấn luyện và làm hài hòa các thiên tính thể xác, tinh thần, và tâm linh của con người.

Mục đích của Swami là thiết lập các trường “sống như thế nào” khắp thế giới, trong đó giáo dục sẽ không chỉ tự giới hạn ở sự phát triển trí tuệ mà còn rèn luyện thể chất, ý chí, và cảm xúc.

Qua hệ thống Yogoda bao gồm phát triển thể chất, tinh thần, và tâm linh bằng các phương pháp khoa học và đơn giản là định trí và thiền định, phần lớn các vấn đề phức tạp của nhân sinh có thể được giải quyết, hòa bình và thiện chí sẽ đến với trái đất. Ý tưởng của Swami về nền giáo dục đúng là một lẽ phải rõ ràng, hoàn toàn không có tính huyền bí hay phi thực tế; nếu không thì nó đã không nhận được sự ủng hộ của tôi.

Tôi rất vui có được cơ hội này để nhiệt tình tham gia cùng Swami kêu gọi các trường trên thế giới hướng đến cái nghệ thuật sống mà nếu được hình thành sẽ mang lại thời hoàng kim đang tới gần như bất cứ gì mà tôi quen thuộc.

Nhà khoa học lớn đã thọ điểm đạo Kriya vào một trong những buổi đầu tôi đến thăm. “Tôi thực hành kỹ thuật rất sùng mộ, thưa swami,” ngài nói. Sau khi đặt ra cho tôi nhiều câu hỏi sâu sắc về nhiều khía cạnh khác nhau của yoga, Luther thong thả nhận xét:

“Đông phương quả thực có những kho tri thức mênh mông mà phương Tây hầu như chỉ mới bắt đầu tìm hiểu[344].”

Mối giao hòa thân thiết với Thiên nhiên, đấng mở ra cho ông nhiều bí ẩn cẩn trọng giữ gìn của mình, đã cho Burbank một lòng sùng kính tâm linh vô bờ.

“Đôi lúc tôi cảm thấy rất gần với Quyền năng Vô cùng,” ông ngại ngùng thổ lộ. Gương mặt như tượng đúc đẹp đẽ, nhạy cảm của ông ngời lên những ký ức. “Những lúc như vậy tôi đã có thể chữa cho những người bệnh quanh tôi, cũng như nhiều cây cối ốm yếu.”

Ông kể cho tôi nghe về mẹ ông, một tín đồ Cơ Đốc giáo thành tâm. “Nhiều lần từ sau khi bà mất,” Luther nói, “tôi đã được ban phúc bằng sự xuất hiện của bà trong các linh ảnh; bà nói chuyện với tôi.”

Chúng tôi miễn cưỡng lái xe trở lại nhà ông cùng cả ngàn bức thư đang chờ ở đó.

“Luther,” tôi nói, “tháng sau tôi sẽ phát hành một tạp chí để giới thiệu các pháp thí của Đông và Tây. Xin hãy giúp tôi chọn một cái tên thích hợp cho tạp chí.”

Chúng tôi cân nhắc những cái tên một lúc rồi cuối cùng nhất trí với cái tên Đông-Tây (East-West)[345]. Khi chúng tôi vào lại thư phòng của ông, Burbank đưa tôi một bài viết của ông về “Khoa học và văn minh”.

“Bài này sẽ được in trong số đầu tiên của Đông-Tây,” tôi nói đầy biết ơn.

Khi tình bạn của chúng tôi trở nên sâu đậm hơn, tôi gọi Burbank là “thánh nhân Hoa Kỳ” của tôi. “Hãy nhìn một con người,” tôi diễn giải, “lòng dạ không có gì gian dối[346].” Trái tim ông sâu thẳm khôn dò, đã từ lâu quen với sự khiêm cung, nhẫn nại, hy sinh. Ngôi nhà nhỏ của ông giữa hoa hồng đơn sơ mộc mạc; ông hiểu cái vô bổ của xa hoa, niềm vui với một chút sở hữu.

Đức khiêm tốn khi ông đón nhận tiếng tăm trong khoa học cứ mãi nhắc tôi nhớ tới những cái cây oằn mình vì quả chín; chính thứ cây không quả mới ngẩng cao đầu khoe khoang rỗng tuếch.

Năm 1926, khi bạn tôi mất thì tôi đang ở New York. Tôi nghĩ trong nước mắt, “Ôi, mình sẽ vui biết mấy nếu được chạy một mạch từ đây đến Santa Rosa để thoáng nhìn ông một lần sau chót!”

Tránh các thư ký và khách khứa, tôi giam mình hai mươi bốn giờ sau đó trong ẩn dật.

Hôm sau, tôi cử hành một nghi lễ tưởng niệm Vệ Đà trước một bức chân dung Luther thật lớn. Một nhóm môn sinh Hoa Kỳ, mặc đồ tang Ấn, tụng những tụng ca xưa trong khi dâng hoa, nước và lửa - biểu tượng các nguyên tố trong cơ thể và sự trở về của chúng với Nguồn Vô tận.

Dù hình hài Luther Burbank đã nằm lại trong vườn ở Santa Rosa dưới cây tuyết tùng Lebanon mà ông đã trồng nhiều năm trước, nhưng linh hồn ông được lưu giữ cho tôi nơi từng cánh hoa ngây thơ nở rộ bên lối đi. Lui về trong linh hồn thiên nhiên bao la một thời gian, chẳng phải đó là Luther đang thì thầm trong gió của nàng, bước đi trong ánh bình minh của nàng sao?

Tên ông giờ đã được đưa vào di sản từ vựng chung. Khi liệt kê “burbank” như một ngoại động từ, từ điển quốc tế mới Webster định nghĩa: “Lai giống hay cấy ghép (một cây). Do vậy, nghĩa bóng là cải tiến (bất cứ cái gì, như một quá trình hay sự thành lập) bằng cách chọn lọc các đặc điểm tốt và loại bỏ các đặc điểm xấu, hay bằng cách thêm vào các đặc điểm tốt.”

“Burbank thân yêu,” tôi khóc khi đọc định nghĩa, “chính tên ông giờ đây là một từ đồng nghĩa với cái thiện!”

* * *

Chú thích:

[341] Luther Burbank (1849-1926) là nhà thực vật học người Mỹ, người tiên phong trong lĩnh vực lai ghép cây trồng. (ND - BBT)

[342] Burbank còn tặng tôi một bức chân dung có bút tích của ông. Tôi trân quý nó cũng như một thương gia Ấn đã từng trân quý một bức chân dung Lincoln. Người Ấn này, đang ở Hoa Kỳ trong những năm Thế chiến, ôm ấp một niềm ngưỡng mộ Lincoln đến độ ông ta không chịu về Ấn Độ chừng nào chưa có được một bức chân dung của Người giải phóng vĩ đại. Đứng chôn chân ở cửa nhà Lincoln, thương nhân này không chịu đi cho đến khi vị tổng thống kinh ngạc phải cho phép ông thu xếp để Daniel Huntington, họa sĩ New York nổi tiếng, vẽ giúp. Khi bức chân dung hoàn thành, người Ấn đắc thắng mang nó về Calcutta.

[343] The Training of the Human Plant, New York: Century Co., 1922.

[344] Tiến sĩ Julian Huxley, nhà sinh vật học nổi tiếng người Anh và là Tổng giám đốc UNESCO, gần đây đã nói rằng các nhà khoa học phương Tây nên “học hỏi các kỹ thuật Á đông” để nhập định và kiểm soát hơi thở. “Cái gì xảy ra? Làm sao lại có thể?” ông nói. Một bản tin ngắn của Associated Press từ London, đề ngày 21 tháng 8 năm 1948, thuật lại: “Tiến sĩ Huxley đã nói trước Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần Thế giới mới thành lập là họ nên nghiên cứu kỹ khoa học huyền bí phương Đông. Nếu kho tri thức này có thể được nghiên cứu một cách khoa học, ông khuyên các chuyên gia tâm thần học, “tôi nghĩ rằng một bước tiến vô cùng to lớn có thể được thực hiện trong lĩnh vực của các ngài.’”

[345] Năm 1948 được đặt lại tên là Tự giác (Self-Realization).

[346] Tin Mừng theo thánh Gioan 1:47.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3