Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 41
CHƯƠNG 41
Cảnh điền viên ở nam Ấn Độ
“Dick à, anh là người Tây phương đầu tiên đặt chân vào điện thờ đó. Nhiều người khác đã thử vô ích.”
Nghe tôi nói, anh Wright trông có vẻ giật mình, rồi hài lòng.
Chúng tôi vừa rời Đền Chamundi đẹp đẽ trên dãy núi nhìn về Mysore ở miền Bắc Ấn Độ. Ở đó, chúng tôi đã cúi lạy trước những bàn thờ nữ thần Chamundi bằng vàng và bạc, thần bảo hộ của dòng họ cai trị Mysore.
“Để làm kỷ niệm cho vinh dự độc nhất vô nhị,” anh Wright nói, thận trọng gói ít cánh hoa hồng, “tôi sẽ luôn gìn giữ mấy cánh hoa này, đã được thầy tu ban phúc bằng nước hoa hồng.”
Tháng 11 năm 1935, tôi và bạn đồng hành[360] làm khách của tiểu quốc Mysore. Người kế vị của Maharaja[361], thái tử Sri Kantheerava Narasimharaja Wadiyar, đã mời thư ký của tôi và tôi đến thăm vương quốc khai sáng và tiến bộ của ngài.
Suốt nửa tháng qua tôi đã nói chuyện trước hàng ngàn công dân và sinh viên thành phố Mysore tại tòa Thị chính, trường Đại học (College) của Maharaja, Trường Y; và ba cuộc gặp mặt đại chúng ở Bangalore, tại Trường Trung học Quốc gia, Cao đẳng, và tòa Thị chính Chetty, nơi có ba ngàn người đến dự.
Cử tọa háo hức có tin được bức tranh rực rỡ tôi vẽ về Hoa Kỳ hay không thì tôi không rõ; nhưng tiếng vỗ tay vẫn luôn nhiệt liệt nhất khi tôi nói đến những lợi ích tương hỗ sẽ nhận được từ việc trao đổi những nét tốt đẹp nhất của Đông và Tây.
Anh Wright và tôi giờ đang nghỉ ngơi trong cái thanh bình xứ nhiệt đới. Cuốn nhật ký hành trình của anh có bài miêu tả sau đây về những ấn tượng của anh với Mysore:
Đã có không biết bao nhiêu khoảnh khắc ngất ngây khi nhìn, gần như thẫn thờ, những bức vẽ biến đổi không ngừng của Thượng đế trải qua bầu trời, vì chỉ có nét cọ của Ngài mới có thể tạo ra những màu sắc rung động với cái tươi mới của sự sống. Cái tươi tắn của màu sắc ấy không còn khi con người cố nhại theo bằng những chất màu đơn thuần, vì Thượng đế dùng đến một chất liệu đơn giản và hiệu quả hơn - không có dầu hay chất màu mà chỉ là những tia sáng. Ngài vung một mảng ánh sáng ở đây, và thế là nó hắt ánh đỏ; Ngài vung cọ lần nữa và những màu ấy hòa trộn dần thành cam và vàng; rồi chấm một cái, Ngài đâm xuyên mấy đám mây với một vệt tím, để lại một vòng hay viền đỏ rỉ ra từ vết thương; và vậy là, Ngài tiếp tục nô đùa, ban tối cũng như ban sáng, vẫn mãi đổi thay, vẫn mãi mới mẻ, vẫn mãi tươi tắn; không có bản sao nào, không có hình ảnh hay sắc màu nào là như nhau. Cái đẹp chuyển tiếp từ ngày sang đêm, rồi từ đêm qua ngày ở Ấn Độ thì không đâu sánh được; bầu trời thường trông như thể Thượng đế đã gom hết mọi màu trong bộ đồ vẽ của mình rồi ném hết vào bầu trời như một kính vạn hoa khổng lồ.
Tôi phải kể lại cái tráng lệ của một buổi hoàng hôn đến thăm đập Krishnaraja Sagar[362]hùng vĩ, cách thành phố Mysore mười hai dặm.
Yoganandaji và tôi lên một xe buýt nhỏ và, cùng một cậu bé loắt choắt làm tàu chở hàng chính thức hay pin thay thế, khởi hành qua một con đường đất mịn ngay khi mặt trời lặn, là đà cuối chân trời như một quả cà chua chín mọng.
Hành trình của chúng tôi đi qua những đồng lúa vuông vắn mênh mang tít tắp, xuyên qua một khóm rừng đa dễ chịu, đi giữa hai hàng dừa cao ngất; gần như đâu đâu cây cỏ cũng rậm rạp như trong rừng. Gần tới đỉnh một ngọn đồi, chúng tôi nhìn thấy một cái hồ nhân tạo mênh mông, phản chiếu muôn vì sao và một viền cọ và các loại cây khác, và bao quanh là những vườn bậc thang yêu kiều và những hàng đèn điện.
Bên dưới gờ đập, chúng tôi thấy một quang cảnh lóa mắt: những tia màu sắc lấp lánh lung linh trên những đài phun tựa suối nước nóng, giống như những dòng mực lấp lánh bắn ra - những thác nước màu xanh lam, đỏ, lục, và vàng lộng lẫy; còn những con voi đá uy nghi thì đang phun nước. Cái đập (những đài phun nước sáng đèn làm tôi nhớ đến những đài phun nước tại Hội chợ Thế giới ở Chicago năm 1933) nổi bật
hiện đại giữa vùng đất cổ kính với những đồng lúa và những con người chất phác này. Người Ấn chào đón chúng tôi thân tình đến mức tôi e một mình tôi không đủ sức để đưa Yoganandaji về lại Hoa Kỳ.
Một đặc ân hiếm có khác - chuyến cưỡi voi đầu tiên của tôi. Hôm qua, Yuvaraja đã mời chúng tôi đến cung điện mùa hè để được cưỡi một chú voi của ngài, một con thú khổng lồ. Tôi trèo lên một cái thang người ta đưa cho mà lên được đến howdah hay bành voi, lót nệm lụa, hình hộp; và để rồi lăn, rồi chòng chành nghiêng ngửa, rồi thụp xuống, rồi lộn vòng xuống một cái mương - run tới mức không còn lo lắng hay la lên được, mà chỉ biết bám lấy để thoát chết!”
Nam Ấn Độ, giàu các di tích lịch sử và khảo cổ, là một vùng đất có sức hấp dẫn đã rõ ràng nhưng vẫn chưa thể định nghĩa được. Phía Bắc Mysore là Hyderabad, một cao nguyên đẹp như tranh với con sông Godavari hùng vĩ cắt ngang. Những đồng bằng phì nhiêu rộng lớn, Nilgiri hay “Rặng Núi Lam” yêu kiều, những vùng khác với đồi trọc đá vôi hay đá granit. Lịch sử Hyderabad là một câu chuyện dài, đầy màu sắc, khởi đầu từ ba ngàn năm trước dưới thời các vua Andhra và tiếp tục dưới các triều đại Ấn Độ cho đến năm 1294 sau công nguyên, khi vùng này được trao lại cho một dòng họ những nhà cai trị Hồi giáo.
Sự phô diễn kiến trúc, điêu khắc và hội họa cuốn hút nhất trong cả Ấn Độ được tìm thấy ở Hyderabad, trong các hang động khắc đá cổ xưa ở Ellora và Ajanta. Kailasa tại Ellora, một đền thờ lớn được làm từ đá nguyên khối, có những hình chạm khắc thần, người, và thú với sự cân xứng đáng kinh ngạc của Michelangelo. Ajanta là địa điểm của hai mươi lăm tu viện và năm nhà thờ, tất cả đều là các hốc đá được đỡ bằng những cột trụ bích họa rất lớn, trên đó các họa sĩ và nghệ sĩ điêu khắc đã bất tử hóa các vị thần của mình.
Thành phố Hyderabad vinh dự có Đại học Osmania và đền thờ Hồi giáo Mecca Masjid hùng vĩ, nơi mà cả chục ngàn tín đồ Hồi giáo đổ về để cầu nguyện.
Bang Mysore, cao hơn ba nghìn thước trên mực nước biển, có rất nhiều khu rừng nhiệt đới rậm rạp: nơi sinh sống của voi rừng, bò rừng, gấu, báo đen, và hổ. Hai thành phố chính, Bangalore và Mysore, sạch sẽ và duyên dáng, có nhiều công viên xinh đẹp và những khu vườn công cộng.
Kiến trúc và điêu khắc Ấn Độ đạt đến đỉnh cao toàn mỹ ở Mysore dưới sự bảo trợ của các vua Ấn từ thế kỷ mười một đến thế kỷ mười lăm. Ngôi đền tại Belur, một kiệt tác thế kỷ mười một được hoàn thành dưới thời vua Vishnuvardhana trị vì, là công trình có một không hai trên thế giới về sự tinh xảo của chi tiết và hình chạm khắc hoa mỹ.
Các chỉ dụ đá được tìm thấy ở Bắc Mysore có niên đại từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên. Chúng soi rọi ký ức về hoàng đế Asoka[363] mà đế quốc rộng lớn của ngài bao gồm Ấn Độ, Afghanistan, và Baluchistan. Các “dụ ngôn trên đá” của Asoka, được khắc bằng nhiều thổ ngữ khác nhau, làm chứng cho trình độ học thức phát triển rộng khắp dưới thời ngài. Chỉ dụ đá XIII phản đối can qua:
“Xét thấy không có cuộc chinh phục nào là chân chính ngoại trừ cuộc chinh phục của tôn giáo”. Chỉ dụ đá X khẳng định vinh quang đích thực của một vị vua tùy thuộc vào tiến bộ đạo đức mà ngài giúp thần dân của mình đạt được. Chỉ dụ đá XI định nghĩa “tặng vật đích thực”, không phải là của cải, mà là Cái Thiện - hoằng pháp.
Trên chỉ dụ đá VI vị hoàng đế kính yêu đã mời thần dân cùng bàn bạc quốc sự với ngài “bất kể lúc nào dù ngày hay đêm”, nói thêm rằng bằng sự tận trung hoàn thành các bổn phận của một vị vua mà ngài “mới có thể trả hết món nợ của ngài đối với đồng bào”.
Asoka là cháu của Chandragupta Maurya quyền uy, người đã tiêu diệt các đồn trú Alexander Đại đế bỏ lại Ấn Độ và là người vào năm 305 trước Công nguyên, đã đánh bại đội quân xâm lược Macedonia của Seleucus. Hồi bấy giờ, tại triều đình ở Pataliputra[364], Chandragupta đã tiếp đón sứ thần Hy Lạp Megasthenes, người đã để lại cho chúng ta những lời miêu tả về Ấn Độ phồn vinh và dám nghĩ dám làm vào thời của ngài.
Năm 298 trước Công nguyên, Chandragupta vẻ vang trao lại quyền trị vì Ấn Độ cho con trai. Đi về miền Nam Ấn Độ, Chandragupta dành mười hai năm cuối đời làm một nhà tu khổ hạnh không một xu dính túi, tìm kiếm tự giác ngộ trong một thạch động ở Sravanabelagola, giờ là điện thờ Mysore. Cũng chính vùng này lấy làm kiêu hãnh về bức tượng đá nguyên khối lớn nhất thế giới, được tín đồ Kỳ Na giáo[365] đẽo từ một tảng đá mòn khổng lồ vào năm 983 sau công nguyên để tỏ lòng tôn kính thánh hiền Gomateswara.
Những câu chuyện thú vị đã được các sử gia Hy Lạp và những người khác đi cùng hay theo sau Alexander trong cuộc viễn chinh đến Ấn Độ ghi lại tỉ mỉ. Những chuyện kể của Arrian, Diodoros, Plutarch và nhà địa lý Strabo đã được tiến sĩ J. W. McCrindle[366] dịch lại nhằm rọi một tia sáng lên Ấn Độ cổ đại. Điểm đáng khâm phục nhất trong cuộc xâm lược bất thành của Alexander là sự quan tâm sâu sắc mà ngài bộc lộ đối với triết học Ấn Độ và các yogi và tu sĩ mà thỉnh thoảng ngài gặp và tha thiết được kết giao. Không lâu sau khi nhà quân sự phương Tây này tới Taxila ở Bắc Ấn, ngài đã cử Onesikritos (một học trò trường phái Hy Lạp cổ đại của Diogenes) đi mời về một đại sannyasi xứ Taxila là Dandamis.
“Chào ngài, thầy của các tu sĩ Bà La Môn!” Onesikritos nói khi tìm ra Dandamis ở chốn ẩn dật trong rừng của thầy. “Con trai của thần Zeus toàn năng, là Alexander, là Chúa tể thiên hạ, mời thầy đến chỗ ngài. Nếu thầy thuận theo, ngài sẽ ban thưởng cho thầy những tặng vật hậu hĩ; nếu thầy khước từ, ngài sẽ chém đầu thầy!”
Vị yogi điềm nhiên lắng nghe lời mời khá cưỡng bức này, rồi “chẳng hề dù chỉ là ngẩng đầu lên khỏi chỗ nằm lót lá của mình”.
“Ta cũng là con trai của Zeus, nếu Alexander là vậy,” thầy nói. “Ta chẳng cần gì của Alexander, vì ta bằng lòng với cái ta có, trong khi ta thấy rằng hắn ta cùng thuộc hạ rong ruổi khắp biển cả và đất liền thật vô ích, và chẳng bao giờ đi đến cùng những cuộc phiêu bạt của mình.
“Hãy đi mà bảo Alexander rằng Thượng đế Vua Tối thượng không bao giờ là Tác giả của điều sai trái xấc xược, mà là Đấng Sáng tạo ánh sáng, hòa bình, sự sống, nước, thân người và linh hồn; Ngài đón nhận hết thảy mọi người khi cái chết giải thoát cho họ, bấy giờ không còn phải chịu bệnh tật quái ác. Chỉ có Ngài, đấng ghê tởm chém giết và chẳng dấy cuộc binh đao, mới là Thượng đế ta tôn kính.
“Alexander không phải là thần linh, vì vậy hắn ta sẽ phải nếm mùi cái chết,” nhà hiền triết nói tiếp kín đáo khinh miệt. “Làm sao mà hắn có thể là chúa tể thiên hạ như vậy được khi mà hắn còn chưa ngự trên ngai thống trị vũ trụ nội tâm? Hắn chưa từng bước vào cõi u minh khi đang còn sống, cũng như hắn thậm chí còn chưa rõ đường đi của thái dương qua những miền bao la của mặt đất này. Phần nhiều xứ sở còn chưa nghe danh hắn nữa là!”
Sau lời quở phạt này - chắc chắn là lời trừng phạt chua cay nhất từng nói ra để công kích tai của “Chúa tể Thế giới” - nhà hiền triết nói thêm châm biếm, “Nếu lãnh thổ của Alexander hiện tại vẫn chưa đủ lớn so với những tham muốn của hắn, hãy bảo hắn vượt sông Hằng; ở đó hắn sẽ tìm thấy một xứ sở có thể cưu mang hết người của hắn[367].
“Những tặng vật mà Alexander hứa là vô bổ với ta,” Dandamis nói tiếp. “Những thứ ta trân quý và thấy có chân giá trị là cây cối, mái che cho ta; cỏ hoa bừng nở, thứ cho ta cái ăn mỗi ngày; và nước, cái làm dịu cơn khát cho ta. Của cải chất đống cùng những ý nghĩ nơm nớp thường tỏ ra tai hại cho kẻ tích cóp chúng, chỉ đem lại lo âu và phiền toái vẫn làm khổ hết thảy những kẻ chưa giác ngộ.
“Còn với ta, ta nằm trên lá rừng, và, chẳng có gì mà canh giữ, nhắm mắt trong giấc bình yên; trong khi, nếu ta có thứ gì có giá trị vật chất, gánh nặng ấy sẽ xua đi giấc ngủ. Trái đất dâng cho ta mọi thứ ta cần, như người mẹ cho con mình sữa. Ta đi đâu ta muốn, thênh thang tịnh chẳng còn những lo toan vật chất.
“Alexander mà có chém đầu ta, hắn ta cũng chẳng thể hủy diệt linh hồn ta. Đầu ta, lúc ấy lặng câm, còn thân ta, như một tấm áo sờn, sẽ nằm lại trên đất nơi mà từ đó lấy ra các nguyên tố của thân ta. Bấy giờ ta, trở thành Tinh thần, sẽ lên cùng Thượng đế.
Ngài bọc tất thảy chúng ta trong da thịt rồi bỏ chúng ta xuống trái đất để chứng minh liệu, khi ở dưới này rồi, chúng ta có sống tuân theo răn dạy của Ngài hay không; rồi Ngài sẽ đòi hỏi chúng ta, khi chúng ta từ đây ra đi, thuật lại đời mình. Ngài là Quan tòa xét mọi trái sai; tiếng rên than của kẻ bị áp bức sẽ quy định hình phạt dành cho kẻ áp bức.
“Cứ để Alexander bằng lời hăm dọa làm run sợ những kẻ thèm muốn của cải và kẻ sợ chết. Với các tu sĩ Bà La Môn, vũ khí của hắn bất lực; chúng ta không quý vàng mà cũng chẳng sợ chết.
Vậy thì hãy đi mà bảo Alexander điều này: Dandamis chẳng cần thứ gì của ngài cả, và vì vậy mà sẽ không đến diện kiến ngài; và, nếu ngài có cần gì ở Dandamis thì ngài hãy đi mà gặp ông ấy.”
Onesikritos truyền đạt lại nguyên văn lời nhắn; Alexander chăm chú lắng nghe, và “cảm thấy một mong muốn mãnh liệt chưa từng có là được gặp Dandamis; người, dù già nua lõa thể, lại là đối thủ duy nhất mà ngài, kẻ đã chinh phạt nhiều dân tộc, thấy rằng còn hơn cả ngang sức với mình.”
Alexander cho vời đến Taxila một số nhà tu khổ hạnh Bà La Môn nổi tiếng bởi tài ứng đáp các câu hỏi triết lý với tri kiến súc tích. Plutarch đã thuật lại một cuộc khẩu chiến; chính Alexander là người nghĩ ra mọi câu hỏi.
“Cái gì nhiều hơn, người sống hay người chết?”
“Người sống, vì người chết không còn nữa.”
“Cái gì nuôi được thú lớn hơn, biển hay đất liền?”
“Đất liền, vì biển chỉ là một phần của đất liền.”
“Loài thú nào thông minh hơn cả?”
“Là loài thú mà con người chưa biết.” (Con người sợ cái chưa biết.) “Cái gì có trước, ngày hay đêm?”
“Ngày là trước tiên bởi một ngày.” Câu trả lời này khiến Alexander tỏ vẻ ngạc nhiên; tu sĩ Bà La Môn nói thêm: “Những câu hỏi bất khả cần có những câu trả lời bất khả.”
“Một người có thể làm cho mình được yêu mến bằng cách nào hay nhất?”
“Một người sẽ được yêu mến nếu, có sức mạnh ghê gớm, y vẫn không làm cho mình bị mọi người khiếp sợ.”
“Con người có thể trở thành thần bằng cách nào[368]?”
“Bằng cách làm cái con người không thể làm.”
“Cái gì mạnh hơn, sự sống hay cái chết?”
“Sự sống, vì nó chứa rất nhiều cái ác.”
Alexander cuối cùng cũng đã mời được một yogi chân chính của Ấn Độ về làm thầy. Vị này là Kalyana (Swami Sphines), người Hy Lạp gọi là “Kalanos”. Nhà hiền triết ấy theo Alexander đi Ba Tư. Vào ngày đã báo trước, tại Susa ở Ba Tư, Kalanos từ bỏ thân xác già nua bằng cách bước vào giàn thiêu trước cái nhìn của ba quân Macedonia. Các sử gia ghi lại sự sửng sốt của binh sĩ khi họ trông thấy yogi không sợ đau hay sợ chết; thầy không một lần rời khỏi chỗ khi bị ngọn lửa thiêu đốt dần. Trước khi đến chỗ hỏa táng, Kalanos đã ôm nhiều người bạn thân thiết của mình nhưng nén lại không chào từ biệt Alexander, với người ấy nhà hiền triết Ấn Độ chỉ nói:
“Ta sẽ gặp lại ngài sau ở Babylon.”
Alexander rời Ba Tư và, một năm sau, mất ở Babylon. Lời tiên tri là cách của sư phụ Ấn nói rằng thầy sẽ có mặt bên Alexander khi còn sống cũng như khi đã chết.
Các sử gia Hy Lạp đã để lại cho chúng ta nhiều hình ảnh sống động và khai sáng về xã hội Ấn Độ. Luật Ấn Độ, Arrian bảo chúng ta, bảo vệ dân chúng và “quy định rằng không ai trong họ sẽ, trong bất kỳ tình huống nào, là nô lệ; nhưng, khi được hưởng tự do, họ sẽ phải tôn trọng quyền bình đẳng mà mọi người đều có được[369].”
“Người Ấn”, một tài liệu khác nói rõ, “không cho vay nặng lãi mà cũng không biết vay mượn. Điều đó trái với tập quán mà người Ấn đã quen là làm hay chịu đựng một điều sai trái; do vậy họ không làm giao kèo mà cũng không đòi thế chấp.” Việc chữa bệnh, người ta kể cho chúng ta, thì bằng các biện pháp đơn sơ và tự nhiên. “Việc chữa trị được thực hiện bằng chế độ ăn uống điều hòa hơn là sử dụng thuốc men. Các phương thuốc được xem trọng nhất là thuốc mỡ và thuốc đắp. Mọi thứ còn lại đều được xem là vô cùng nguy hại.” Việc tham chiến chỉ giới hạn cho Kshatriya hay đẳng cấp chiến binh. “Sẽ không một kẻ địch nào, tới gần một nông dân đang làm lụng trên đất mình và làm hại gì người đó; vì người thuộc đẳng cấp này được xem là những kẻ làm ra lợi lạc chung và được bảo vệ khỏi bị tổn thương. Đất đai do vậy không bị tàn phá và cho vụ mùa bội thu, cung cấp cho dân cư những thứ cần thiết để làm cho cuộc sống ấm no.”
Những điện thờ có mặt khắp nơi ở Mysore là sự nhắc nhở thường trực về nhiều đại thánh của Nam Ấn. Một trong những vị thầy này, Thayuamnavar, đã để lại cho chúng ta bài thơ thách thức sau:
Các người có thể hàng phục voi hung;
Các người có thể làm gấu và hổ im tiếng;
Cưỡi sư tử và đùa rắn hổ mang;
Các người có thể sống bằng nghề phù phép;
Các người có thể phiêu bạt khắp đất trời vô định;
Biến thần thành nô lệ; trẻ mãi không già;
Các người có thể đi trên nước và sống trong lửa:
Nhưng làm chủ tâm thì tốt hơn và khó hơn.
Ở vương quốc Travancore phì nhiêu và tươi đẹp ở cực Nam Ấn Độ, nơi giao thông diễn ra trên sông ngòi và kênh rạch, Maharaja hằng năm nhận lấy một nghĩa vụ cha truyền con nối là chuộc lại lỗi lầm do Travancore đã bắt các tiểu quốc phải gánh chịu các cuộc binh đao và thôn tính trong quá khứ xa xưa. Mỗi năm suốt năm mươi sáu ngày, Maharaja viếng đền ba lần mỗi ngày để nghe tụng ca và các chuyện kể Vệ Đà; lễ sám hối kết thúc bằng lakshadipam hay thắp sáng đền bằng một trăm nghìn ngọn đèn.
Tổng xứ Madras (Madras Presidency) ở bờ Đông Nam Ấn Độ bao gồm Thành phố Madras bằng phẳng, mênh mông, biển bao bọc, và Conjeeveram, thành phố Vàng, địa điểm kinh đô của triều đại các vua Pallava trị vì vào những thế kỷ đầu công nguyên. Ở tổng xứ Madras ngày nay, những lý tưởng bất bạo động của Mahatma Gandhi đã có một bước tiến lớn; những cái “mũ Gandhi” trắng đặc trưng xuất hiện khắp nơi. Ở miền Nam nói chung Mahatma đã tác động đến nhiều cải cách đền thờ quan trọng cho “tiện dân” cũng như các cải cách hệ thống đẳng cấp.
Khởi nguyên của hệ thống đẳng cấp, do nhà làm luật vĩ đại Manu đặt ra, thật đáng khâm phục. Ông thấy rõ rằng con người theo tiến hóa tự nhiên chia thành bốn nhóm lớn: những kẻ có khả năng phục vụ xã hội bằng lao động chân tay (Sudra-Thủ Đà La); những kẻ phục vụ bằng tinh thần, sự tháo vát, nông nghiệp, buôn bán, thương mại, đời sống kinh doanh nói chung (Vaisya-Phệ Xá); những kẻ có tài về hành chính, điều hành, và bảo vệ - giới cai trị và chiến binh (Kshatriya-Sát Đế Lợi); những kẻ tư chất trầm tư, được khai sáng và đi khai sáng (Brahmin-Bà La Môn). “Không phải dòng dõi, không phải nghi lễ hay học hỏi, hay tổ tiên có thể định ra một người có phải là được sinh ra hai lần hay không (nghĩa là một tu sĩ Bà La Môn),” Mahabharata khẳng định, “chỉ có nhân cách và hạnh kiểm mới có thể quyết định[370].” Manu khuyên xã hội tỏ lòng kính trọng người trong xã hội trong chừng mực họ có trí tuệ, phẩm hạnh, tuổi tác, quan hệ họ hàng, hay cuối cùng, là của cải. Sự giàu có ở Ấn Độ của Vệ Đà luôn bị xem thường nếu nó được tích trữ hay không sẵn sàng cho các mục đích từ thiện. Những kẻ giàu có keo kiệt bị gán xuống hạng thấp trong xã hội.
Những sai trái trầm trọng nảy sinh khi hệ thống đẳng cấp qua nhiều thế kỷ chai cứng thành dây thòng lọng cha truyền con nối.
Ấn Độ, độc lập từ năm 1947, đang có tiến bộ chậm mà chắc trong việc khôi phục những giá trị xưa về đẳng cấp, chỉ dựa trên phẩm chất tự nhiên mà không phải trên dòng dõi. Dân tộc nào trên trái đất này cũng đều có nghiệp tạo khổ của chính mình phải đối phó và tận diệt một cách danh dự. Ấn Độ, với tinh thần tháo vát và không thể bị tấn công của mình, đang chứng tỏ mình đủ sức cho nhiệm vụ cải cách đẳng cấp.
Nam Ấn quyến rũ đến mức anh Wright và tôi ước ao kéo dài cảnh điền viên của mình. Nhưng thời gian, với tính tàn nhẫn của nó từ thuở khai thiên lập địa, không rộng lượng cho chúng tôi ở lại thêm. Tôi sắp phải phát biểu trước phiên bế mạc Hội nghị Triết học Ấn Độ tại Đại học Calcutta. Cuối chuyến thăm Mysore tôi có được một cuộc trò chuyện với Tôn ông C. V. Raman, chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Ấn Độ. Nhà vật lý học người Ấn lỗi lạc này được trao giải Nobel năm 1930 cho “Hiệu ứng Raman”, khám phá quan trọng của ông về sự tán xạ ánh sáng.
Miễn cưỡng vẫy chào tạm biệt đám đông môn sinh và bạn bè ở Madras, anh Wright và tôi bắt đầu những chuyến phiêu lưu của mình. Trên đường chúng tôi dừng lại trước một điện thờ nhỏ để tưởng nhớ Sadasiva Brahman[371] mà câu chuyện đời ngài vào thế kỷ mười tám có vô số phép lạ. Một điện thờ Sadasiva lớn hơn tại Nerur, được Raja xứ Pudukkottai dựng nên, là điểm hành hương đã chứng kiến nhiều phép chữa bệnh thiêng liêng. Các nhà cai trị kế tiếp nhau ở Pudukkottai đã trân quý các giới răn mà Sadasiva viết năm 1750 để hướng dẫn thái tử trị vì.
Nhiều câu chuyện kỳ lạ về Sadasiva, một bậc sư toàn giác đáng yêu, vẫn còn truyền tụng trong dân làng Nam Ấn Độ. Một hôm Sadasiva đang chìm trong samadhi bên bờ sông Kaveri thì người ta thấy thầy bất ngờ bị một cơn lũ cuốn đi. Nhiều tuần sau người ta tìm thấy thầy bị vùi sâu dưới một gò đất gần Kodumudi ở quận Coimbatore. Khi xẻng của dân làng chạm phải thân thánh, thánh đứng dậy rồi thoăn thoắt đi mất.
Sadasiva trở thành một muni (thánh tịnh khẩu) sau khi sư phụ Shankaracharya ở Sringeri Math, Đức Sri Sacchidananda Sivabhinava Narasimha Bharati, đã viết một Tụng ca xúc động tặng Sadasiva.
quở trách thầy vì đã đánh bại một học giả Vedanta cao niên bằng tranh luận biện chứng. “Khi nào thì mi, một người trẻ, học được cách ngậm miệng?” sư phụ nói.
“Với sự ban phúc của thầy, thậm chí là ngay từ phút này.”
Sư phụ của Sadasiva là Swami Sri Paramasivendra Saraswati, tác giả của Daharavidya Prakasika và một bình chú uyên thâm về Uttara Gita. Một số người đời, thấy chướng mặt vì Sadasiva say sưa Thượng đế thường nhảy múa “không được đoan chính” giữa đường, đã tới phàn nàn với sư phụ uyên thâm của thầy. “Thưa thầy,” họ kêu, “Sadasiva chẳng khác nào một kẻ điên.”
Nhưng Paramasivendra mỉm cười vui vẻ. “Ồ,” thầy kêu lên, “giá mà kẻ khác cũng có được cái điên ấy!”
Cuộc đời của Sadasiva được đánh dấu bằng nhiều hóa hiện kỳ lạ và đẹp đẽ của Bàn tay Can thiệp. Có rất nhiều điều có vẻ bất công trên thế giới này; nhưng các tín đồ của Thượng đế có thể chứng thực vô số ví dụ về sự công bằng tức thì của Ngài. Một đêm nọ, Sadasiva, trong samadhi, dừng bên kho thóc của một gia chủ giàu có. Ba gia nhân, đang canh chừng trộm, giơ gậy lên đánh thánh. Ô hay! cánh tay họ hóa đá. Như tượng, cánh tay giơ cao, bộ ba đứng trong một hoạt cảnh kỳ cục cho đến khi Sadasiva ra đi lúc bình minh.
Một dịp khác, đại sư bị một đốc công lỗ mãng đi ngang qua ép phải lao dịch, lao công của hắn đang khuân chất đốt. Vị thánh lẳng lặng khiêm nhường vác gánh nặng tới chỗ được yêu cầu rồi chất vật nặng của mình lên một đống to. Cả đống chất đốt tức thì bùng lên thành ngọn lửa.
Sadasiva, như Trailanga Swami, không mặc áo quần. Một sáng, yogi lõa thể đãng trí bước vào lều của một thủ lĩnh Hồi giáo.
Hai nữ chủ thét lên hoảng hốt; chiến binh đâm một lưỡi kiếm tàn bạo vào Sadasiva, cánh tay thầy đứt lìa. Thầy bỏ đi chẳng bận tâm.
Ngập tràn kính sợ và ăn năn, người Hồi giáo nhặt cánh tay dưới đất lên rồi đi theo Sadasiva. Yogi lặng lẽ cắm khúc tay vào phần tay còn lại đang chảy máu. Khi thủ lĩnh khiêm cung xin được giáo huấn đôi điều, Sadasiva viết bằng ngón tay lên cát:
“Đừng làm cái mi muốn, bấy giờ mi có thể làm cái mi thích.”
Người Hồi giáo được đưa lên một trạng thái tâm thanh khiết và hiểu lời khuyên nghịch lý là một chỉ dẫn đến sự tự tại của linh hồn qua việc điều phục bản ngã. Ảnh hưởng tâm linh của đôi lời ấy lớn đến mức chiến binh trở thành một đệ tử cao quý; những chốn tới lui ngày xưa của y không còn thấy bóng y nữa.
Trẻ con trong làng trước mặt Sadasiva, từng tỏ lòng mong muốn là được xem lễ hội tôn giáo Madura, cách đó một trăm năm mươi dặm. Yogi ra hiệu cho bọn trẻ để chúng chạm vào người thầy. Lạ chưa! tức thì cả đám được đưa đến Madura. Bọn trẻ sung sướng tha thẩn giữa hàng ngàn người hành hương. Vài giờ sau, yogi đưa bọn trẻ về nhà bằng cách vận chuyển đơn giản của mình. Cha mẹ sửng sốt lắng nghe những câu chuyện sống động về đám rước tượng ở Madura, và nhận thấy là bọn trẻ đang cầm mấy túi bánh kẹo của Madura.
Một thanh niên nghi ngờ chế nhạo thánh và câu chuyện ấy.
Vào dịp lễ hội tôn giáo sau, tổ chức ở Srirangam, anh chàng tới bên Sadasiva.
“Thầy,” hắn ta nói khinh khỉnh, “sao thầy không đưa tôi tới lễ hội ở Srirangam, như thầy đã mang bọn trẻ kia tới Madura?”
Sadasiva làm theo; chàng trai tức thì nhận ra mình đang ở giữa đám thị dân xa xôi. Nhưng hỡi ôi! vị thánh đâu mất rồi khi gã thanh niên này muốn về? Chàng trai mệt lử về tới nhà bằng cách tầm thường là cuốc bộ.
Trước khi rời Nam Ấn Độ, anh Wright và tôi làm chuyến hành hương đến đồi thiêng Arunachala gần Tiruvannamalai để gặp Sri Ramana Maharshi. Nhà hiền triết trìu mến chào đón chúng tôi tại ashram của mình và chỉ một xấp tạp chí Đông-Tây gần bên. Suốt những giờ chúng tôi ở cùng thầy và các đệ tử, thầy chủ yếu là im lặng, khuôn mặt dịu dàng của thầy tỏa sáng tình yêu siêu thế và trí tuệ.
Để giúp nhân loại đau khổ có lại trạng thái Toàn thiện đã quên của mình, Sri Ramana dạy rằng ta nên liên tục tự hỏi mình:
“Ta là ai?” - quả thực là Câu hỏi Lớn. Bằng cách nghiêm khắc cự tuyệt mọi ý nghĩ khác tín đồ sẽ sớm nhận ra mình càng lúc càng đi sâu hơn vào Chân ngã, và những hỗn loạn bên lề của những ý nghĩ khác sẽ ngừng vọng lên. Rishi giác ngộ của Nam Ấn đã viết:
Nhị nguyên và ba ngôi phải tựa một cái gì,
Không hiện ra nếu không được đỡ;
Tìm vật chống ấy, chúng lung lay, đổ xuống.
Chân lý đây rồi. Kẻ nào thấy nó sẽ không còn dao động nữa.
Một số đại biểu đến dự Đại hội Quốc tế những người Tự do Tôn giáo, tháng 10 năm 1920, Boston, bang Massachusetts, nơi Yoganandaji có bài nói chuyện đầu tiên ở Hoa Kỳ. (Trái qua phải) Đức cha T. R. Williams, Giáo sư S. Ushigasaki, Đức cha Jabez T. Sunderland, Sri Yogananda, và Đức cha C. W. Wendte. Với sự giúp đỡ của các môn sinh quảng đại, năm 1925 Sri Yogananda đã mua khu Trại Núi Washington. Trước cả khi vụ giao dịch hoàn tất thì thầy đã tổ chức buổi họp mặt đầu tiên, một lễ Bình minh Phục sinh, trên khuôn viên trụ sở quốc tế tương lai của hội. TRONG SUỐT 32 NĂM Ở PHƯƠNG TÂY, SƯ PHỤ TÔN KÍNH ĐÃ ĐIỂM ĐẠO VÀO YOGA CHO HƠN 100.000 MÔN SINH Yoganandaji trên bục, giảng dạy một lớp học ở Denver, bang Colorado, 1924. Thầy đã dạy các lớp yoga đông nhất trên thế giới ở hàng trăm thành phố. Qua các sách và bài giảng học tại nhà, và việc thành lập các trung tâm tu học để huấn luyện các thầy, Paramahansa Yogananda bảo đảm sự liên tục của sứ mệnh toàn thế giới mà Mahavatar Babaji đã trao cho thầy. Paramahansa Yogananda đặt hoa trên hầm mộ George Washington, núi Vernon, bang Virginia, ngày 22-2-1927 PARAMAHANSA YOGANANDA TẠI NHÀ TRẮNG Paramahansa Yogananda và ông John Balfour rời Nhà Trắng sau một cuộc viếng thăm Tổng thống Calvin Coolidge, người đang nhìn ra cửa sổ. The Washington Herald, ngày 25-1-1927, đưa tin: “Swami Yogananda… được Tổng thống Coolidge tiếp đón với niềm vinh hạnh thấy rõ; tổng thống đã nói với ông rằng mình đã đọc rất nhiều về ông. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ mà một Swami được tổng thống chính thức đón tiếp.”
PARAMAHANSA YOGANANDA, THÍNH PHÒNG, LOS ANGELES Tờ Los Angeles Times, 28-1-1925, đưa tin: “Thính phòng trình diễn một cảnh tượng lạ thường là hàng ngàn người đã phải ra về một giờ trước phần khai mạc buổi thuyết trình đã được thông báo, vì hội trường có sức chứa 3.000 người đã đầy kín. Swami Yogananda là sức hút. Một người Ấn bước vào giữa Hoa Kỳ để đưa Thượng đế vào lòng một cộng đồng Cơ Đốc giáo, thuyết giảng về bản chất của giáo lý Cơ Đốc.” Swami Sri Yukteswar và Paramahansa Yogananda giữa đám rước tôn giáo, Calcutta, 1935. Hai câu thơ tiếng Phạn trên cờ nghi thức ghi: (Trên) “Đi theo con đường của các thánh nhân”. (Dưới, lời của Swami Shankara) “Được ở bên một nhân cách siêu việt, dù chỉ một lát, ta cũng có thể được cứu độ và giải thoát.” Lễ điểm chí cuối cùng mà Swami Sri Yukteswar tổ chức, tháng 12-1935. Tác giả ngồi cạnh đại sư phụ của mình (giữa) bên bàn trong sân ashram ở Serampore. Phần lớn thời gian trong mười năm tu học, Paramahansa Yogananda được sự dìu dắt của Sri Yukteswarji tại tịnh thất này. BỮA ĂN TRƯA TẠI ASHRAM CỦA MAHATMA GANDHI Ở WARDHA Yogananda đang đọc mẩu giấy mà Gandhi (phải) vừa viết (hôm ấy là thứ Hai, ngày Mahatma giữ giới tịnh khẩu). Hôm sau, ngày 27-8-1935, theo yêu cầu của Gandhiji, Sri Yogananda đã điểm đạo cho ngài vào Kriya Yoga. THẦN SHIVA - THÁNH MẪU Là hiện thân của tinh thần khổ hạnh, thần Shiva đại diện cho khuôn mặt Đấng Hủy diệt-Khôi phục trong thể tính ba ngôi một thể của Thượng đế (Đấng Sáng tạo, Đấng Bảo tồn, Đấng Hủy diệt). Tượng trưng cho tính siêu việt của ngài, Shiva được khắc họa trong cực lạc samadhi trên rặng Himalaya. Rắn quấn ở cổ (naga kundala) và quanh cánh tay ngụ ý ngài đã hàng phục được ảo ảnh cũng như sức mạnh sáng tạo của ngài. Thánh Mẫu là diện mạo của Thượng đế hoạt động trong sáng tạo: shakti, hay quyền năng của Thượng đế siêu việt. Bà được biết dưới nhiều tên gọi, theo các phẩm tính mà Bà thể hiện. Ở đây bàn tay Bà đưa lên chỉ sự ban phúc vũ trụ; các bàn tay khác cầm, một cách biểu tượng, tràng hạt cầu nguyện (sùng tín), những trang kinh (học hỏi và minh triết), và một lọ nước thánh (thanh lọc).
PARAMAHANSA YOGANANDA Hình chụp ngày 13-12-1935 ở Damodar, Ấn Độ, trong một lần về thăm lại địa điểm thầy đã xây ngôi trường đầu tiên dành cho nam sinh, gần Dihika vào năm 1917. Thầy đang thiền trước cửa một cái tháp đổ nát đã từng là một góc ẩn dật ưa thích. YOGODA SATSANGA MATH CHI NHÁNH Math chi nhánh và ashram Hội Yogoda Satsanga Ấn Độ, ở Ranchi, được Paramahansa Yogananda thành lập khi thầy dời trường nam sinh đến đây vào năm 1918. Ngày nay Math chi nhánh phục vụ các thành viên HYS và phân phát các bài giảng của Paramahansaji về Kriya Yoga khắp Ấn Độ. Bên cạnh các sinh hoạt tu tập, trung tâm này còn duy trì một số trung tâm tu học và một chẩn y viện từ thiện. Sri Yogananda (giữa) và thư ký của thầy, C. Richard Wright (phải, ngồi), ở Ranchi, ngày 17-7-1936. Bao quanh họ là thầy trò trường dành cho nữ sinh bản xứ do Sri Yogananda thành lập. Sri Yogananda cùng thầy trò trường nam sinh Hội Yogoda Satsanga, Ranchi, năm 1936. Trường này do Yoganandaji thành lập, được dời từ Dihika, Bengal đến đây vào năm 1918, dưới sự bảo trợ của Maharaja xứ Kasimbazar. Đám rước của thầy trò trường Ranchi, tháng 3-1938, trong một lễ kỷ niệm ngày thành lập trường hằng năm Môn sinh trường dành cho nam sinh Hội Yogoda Satsanga, Ranchi, 1970. Theo các lý tưởng của Yoganandaji khi thành lập trường, nhiều lớp được tổ chức ngoài trời, và các nam sinh được dạy yoga cũng như dạy chữ và dạy nghề. Cuộc gặp gỡ giữa Ananda Moyi Ma, chồng thánh là Bholanath, và Paramahansa Yogananda, Calcutta (xem trang 439) Sri Yogananda (giữa, áo màu sẫm) cùng một số môn sinh Kriya Yoga dự lớp Yogoda (Tự Giác) tại nhà cha thầy ở Calcutta, 1935. Vì có đông người tham dự, lớp tập trung trong sân thể dục ngoài trời bên cạnh của em trai Yoganandaji, Bishnu Ghosh, một nhà giáo dục thể chất nổi tiếng. Paramahansa Yogananda cùng nhóm thăm Taj Mahal, “giấc mơ cẩm thạch”, Agra, 1936 Paramahansa Yogananda tại tu viện Hội Tự giác, Encinitas, bang California, tháng 7-1950
* * *
Chú thích:
[360] Cô Bletsch đã ở lại với người nhà của tôi ở Calcutta.
[361] Maharaja Sri Krishna Rajendra Wadiyar IV.
[362] Đập thủy lợi, được xây vào năm 1930 để phục vụ cho khu vực gần thành phố Mysore, nổi tiếng về lụa, xà phòng và dầu đàn hương.
[363] Hoàng đế Asoka dựng 84.000 _stupa_ (bảo tháp) ở nhiều vùng khác nhau trên đất Ấn Độ. Mười bốn chỉ dụ đá và mười trụ đá vẫn còn đến ngày nay. Mỗi trụ là một thành tựu của kỹ thuật xây dựng, kiến trúc và điêu khắc. Ngài đã cho xây dựng nhiều hồ chứa nước, đập, kênh đào tưới tiêu; đường cái và những con đường rợp bóng cây đây với những nhà nghỉ cho lữ khách; những vườn thực vật dành cho các mục đích y học; và các bệnh viện cho người và thú.
[364] Thành phố Pataliputra (Patna ngày nay) có một lịch sử thú vị. Đức Phật đã đến thăm nơi này vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên khi nó chỉ là một pháo đài bình thường. Ngài đã có lời tiên tri như sau: “Bao giờ người Aryan thường xuyên lui tới, bao giờ thương nhân đi lại, Pataliputra sẽ trở thành kinh đô của họ, một trung tâm trao đổi mọi thứ hàng hóa.” (Kinh Đại bát Niết bàn) Hai thế kỷ sau, Pataliputra trở thành kinh đô của đế quốc rộng lớn của Chandragupta Maurya. Cháu ngài là Asoka đã đưa kinh đô tới sự phồn thịnh và lộng lẫy hơn nữa (xem trang xxv).
[365] Một tôn giáo cổ của Ấn Độ với tư tưởng trọng tâm là bất hại với mọi chúng sinh. (ND - BBT)
[366] Sáu cuốn sách về Ancient India (Ấn Độ cổ đại) (Calcutta: Chuckervertty, Chatterjee & Co., 15 College Square; 1879, tái bản vào năm 1927).
[367] Cả Alexander lẫn các tướng lĩnh của ngài, chưa ai băng qua sông Hằng. Thấy sự kháng cự quyết liệt ở tây bắc, quân đội Macedonia làm binh biến bằng cách không chịu đi xa hơn; Alexander buộc phải rút khỏi Ấn Độ. Ngài tìm kiếm các cuộc chinh phạt tiếp theo ở Ba Tư.
[368] Qua câu hỏi này ta có thể giả định rằng “Con của Zeus” thỉnh thoảng đã ngờ rằng mình chưa đạt được sự hoàn thiện.
[369] Hết thảy các nhà quan sát Hy Lạp đều bình luận về việc không có chế độ nô lệ ở Ấn Độ, một đặc điểm mâu thuẫn hoàn toàn với cơ cấu xã hội Hy Lạp cổ đại. Creative India (Ấn Độ sáng tạo) của giáo sư Benoy Kumar Sarkar đã đem lại một bức tranh toàn diện về những thành tựu của Ấn Độ cổ kim và các giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học chính trị, văn học, nghệ thuật, và triết học xã hội. (Lahore: Nhà xuất bản Motilal Banarsi Dass, 1937, 714 trang). Một cuốn khác được giới thiệu là Indian Culture Through the Ages (Văn hóa Ấn Độ qua các thời đại) của S. V. Venkatesvara (New York: Longmans, Green & Co.).
[370] “Việc thuộc về một trong bốn đẳng cấp này ban đầu không phụ thuộc vào dòng dõi của một người mà các thiên khiếu của y được chứng minh bởi mục đích trong đời mà y chọn để đạt được,” Tara Mata viết trong Đông-Tây tháng Giêng năm 1935. “Mục đích này có thể là (1) kama, dục vọng, các hoạt động của đời sống theo giác quan (giai đoạn Sudra), (2) artha, đạt được, thỏa mãn nhưng kiểm soát các dục vọng (giai đoạn Vaisya), (3) dharma, tự kỷ luật, đời sống trách nhiệm và chính nghiệp (giai đoạn Kshatriya), (4) moksha, giải thoát, đời sống tâm linh và giáo hóa (giai đoạn Bà La Môn). Bốn đẳng cấp này phụng sự loài người bằng (1) thân, (2) trí, (3) tâm lực, (4) Tinh thần. “Bốn giai đoạn này có sự tương ứng với các guna bất biến hay phẩm tính của tự nhiên, tama, raja, và sattva: cản trở, hoạt động, và phát triển; hay, khối lượng, năng lượng và trí tuệ. Bốn đẳng cấp tự nhiên được đánh dấu bởi các guna như (1) tama (vô minh), (2) tama-raja (kết hợp của vô minh và hoạt động), (3) raja-sattva (kết hợp của chính nghiệp và giác ngộ), (4) sattva (giác ngộ). Theo cách đó, thiên nhiên đánh dấu mỗi người bằng đẳng cấp của mình, bằng ưu thế ở người đó trong một, hay kết hợp của hai guna. Dĩ nhiên mỗi con người đều có cả ba guna theo những tỉ lệ khác nhau. Sư phụ sẽ có thể xác định đúng đẳng cấp hay tình trạng tiến hóa của một người. “Trong một chừng mực nào đó, mọi chủng tộc và dân tộc đều tuân theo trong thực tiễn, nếu không phải là trên lý thuyết, các đặc điểm của đẳng cấp. Nơi nào có sự cho phép rộng rãi hay cái gọi là tự do, nhất là trong việc hôn phối giữa các cực trong các đẳng cấp tự nhiên, chủng tộc sẽ lụn bại dần và trở nên tuyệt chủng. Purana Samhita so sánh hậu duệ của các cuộc hôn phối như vậy với các loài lai vô sinh, như lừa, thứ không thể nhân giống chính loài của mình. Các loài nhân tạo cuối cùng sẽ bị tiêu diệt. Lịch sử đã cung cấp rất nhiều bằng chứng về rất nhiều chủng tộc lớn đã không còn đại diện sống nào nữa. Hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ được phần lớn các nhà tư tưởng uyên thâm của Ấn Độ công nhận là sự kiểm tra hay sự cho phép có tính ngăn ngừa đã bảo tồn sự thuần khiết của chủng tộc và đưa nó qua nhiều thiên niên kỷ thăng trầm một cách an toàn, dù nhiều chủng tộc xưa khác đã biến mất hoàn toàn.”
[371] 1. Danh xưng chính thức của thầy là Swami Sri Sadasivendra Saraswati mà thầy dùng để ký trong các sách của mình (các bình chú về _Brahma Sutra_ và cả _Yoga Sutra_ của Patanjali). Thầy rất được các triết gia Ấn Độ ngày nay kính trọng.