Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 42
CHƯƠNG 42
Những ngày cuối bên Sư phụ
“Thưa sư phụ, con mừng là sáng nay được gặp thầy một mình.” Tôi vừa tới tịnh thất Serampore, xách nặng quả và hoa hồng thơm ngát. Sri Yukteswar liếc nhìn tôi quy thuận.
“Câu hỏi của con là gì đây?” Thầy nhìn quanh phòng như thể tìm cách thoát thân.
“Thưa sư phụ, con đã đến với thầy khi là một thanh niên trung học; giờ con đã là một người trưởng thành, thậm chí đã có một đôi sợi tóc bạc rồi. Thầy đã tắm cho con trong tình yêu thương lặng thầm từ phút đầu tiên cho đến bây giờ, thế nhưng thầy có nhận ra là chỉ duy nhất một lần thôi, vào ngày gặp gỡ, thầy từng nói, ‘ta yêu thương con’?” Tôi nhìn thầy van lơn.
Thầy nhìn xuống. “Yogananda, ta phải đưa vào thế giới ngôn từ lạnh lẽo những tình cảm nồng ấm được trái tim vô ngôn giữ gìn cẩn thận nhất hay sao?”
“Thưa sư phụ, con biết thầy thương yêu con, nhưng tai người của con khát khao được nghe thầy nói vậy.”
“Thì tùy ý con. Trong đời hôn nhân ta vẫn từng ao ước có một đứa con trai, để dạy dỗ theo con đường yoga. Nhưng khi con bước vào đời ta, ta đã mãn nguyện; nơi con ta đã tìm thấy đứa con trai cho mình.” Hai giọt lệ trong veo ngấn trong mắt Sri Yukteswar.
“Yogananda, ta mãi mãi yêu thương con.”
“Câu trả lời của thầy là tấm vé cho con lên thiên đường.” Tôi cảm thấy một gánh nặng trong tim mình nhẹ đi, tiêu tan mãi mãi khi nghe thầy nói vậy. Tôi biết thầy không dễ xúc động và tự kiềm chế, vậy nhưng tôi vẫn thường ngạc nhiên vì sự im lặng của thầy.
Đôi khi tôi sợ mình đã không làm thầy hài lòng trọn vẹn. Nhân cách kỳ lạ của thầy, không bao giờ thấu hiểu được hoàn toàn; một tư chất sâu lắng, khôn dò đối với những giá trị của thế giới bên ngoài mà từ lâu thầy đã vượt qua.
Vài ngày sau, tôi nói chuyện trước rất đông cử tọa tại Hội trường Albert ở Calcutta. Sri Yukteswar ưng thuận ngồi trên sân khấu, cùng Maharaja xứ Santosh và thị trưởng Calcutta. Thầy không nói gì với tôi, nhưng thỉnh thoảng khi đang nói tôi liếc qua thầy và nghĩ rằng thầy trông có vẻ hài lòng.
Rồi đến cuộc nói chuyện trước cựu nam sinh Đại học Serampore. Khi tôi nhìn các bạn học của mình ngày xưa, và khi họ nhìn “Thầy Tu Khùng” của chính họ, nước mắt mừng vui bộc lộ không ngượng ngùng. Giáo sư triết có tài hùng biện của tôi, tiến sĩ Ghoshal, lên phía trước để chào tôi, mọi hiểu lầm ngày xưa giữa chúng tôi đã tiêu tan nhờ thuật sĩ Thời gian.
Một lễ đông chí được tổ chức vào cuối tháng 12 tại tịnh thất Serampore. Như mọi khi, đệ tử của Sri Yukteswar xa gần kéo về.
Các sankirtan tôn giáo, những phần độc tấu với giọng mật ngọt của Kristo-da, một bữa đại tiệc do các đệ tử trẻ phục vụ, bài giảng vô cùng xúc động của thầy dưới những vì sao trong sân ashram đông người - những ký ức, ôi những ký ức! Những lễ hội vui vầy của những năm tháng đã qua từ lâu! Đêm nay, tuy vậy, có một nét mới lạ.
“Yogananda, con hãy nói chuyện với nhóm người họp mặt đây - bằng tiếng Anh.” Mắt thầy long lanh khi thầy nói lời yêu cầu rất bất thường này; phải chăng thầy đang nghĩ đến cái tình huống khó xử ở trên tàu trước bài nói chuyện đầu tiên bằng tiếng Anh của tôi? Tôi kể lại câu chuyện cho cử tọa là các đồng môn của mình, kết thúc bằng một lời tạ ơn chân thành dành cho sư phụ của chúng tôi.
“Sự dìu dắt không bao giờ sai của thầy bên tôi không chỉ trên chiếc tàu biển ấy,” tôi kết luận, “mà còn mỗi ngày suốt mười lăm năm tôi ở đất Hoa Kỳ rộng lớn và hiếu khách.”
Khi khách khứa đã ra về, Sri Yukteswar gọi tôi vào chính căn phòng ngủ mà (chỉ một lần thôi, sau một lễ hội tương tự) tôi đã được phép ngủ trong giường thầy. Đêm nay, sư phụ ngồi đó lặng lẽ, đệ tử ngồi thành nửa vòng tròn bên chân thầy.
“Yogananda, giờ con về Calcutta phải không? Mai hãy trở lại đây. Ta có đôi điều muốn nói với con.”
Chiều hôm sau, với vài lời ban phúc ngắn gọn, Sri Yukteswar ban cho tôi một pháp danh nữa là Paramahansa[372].
“Giờ nó sẽ chính thức thay thế danh hiệu Swami của con trước đây,” thầy nói khi tôi quỳ trước thầy. Tủm tỉm cười thầm, tôi nghĩ về những vất vả mà các môn sinh của tôi bên Tây sẽ phải kinh qua khi phát âm Paramahansaji[373].
“Phận sự ở cõi trần của ta giờ đã xong; con phải tiếp tục.”
Thầy nói khẽ, ánh mắt thầy thanh thản và dịu dàng. Tim tôi phập phồng lo sợ.
“Con hãy cử ai đó phụ trách ashram của chúng ta ở Puri,” Sri Yukteswar nói tiếp. “Ta để lại mọi thứ trong tay con. Con sẽ lái được con thuyền đời mình và con thuyền của tổ chức chúng ta đến bến bờ thiêng.”
Tôi ôm bàn chân thầy mà khóc; thầy đứng lên rồi trìu mến ban phúc cho tôi.
Ngày hôm sau, tôi cho gọi một tín đồ ở Ranchi là Swami Sebananda lên rồi cử tín đồ này đến Puri để đảm đương các công việc của tịnh thất. Sau đó sư phụ bàn với tôi các khía cạnh pháp lý để giải quyết cơ ngơi của thầy; thầy nóng lòng muốn ngăn những tranh chấp có thể xảy ra nếu người thân, khi thầy mất rồi, giành quyền sở hữu hai tịnh thất và những tài sản khác của thầy, những thứ thầy chỉ muốn được chuyển nhượng vì mục đích từ thiện.
“Gần đây, đã thu xếp cho thầy đi Kidderpore, nhưng thầy không đi được.” Amulaya Babu, một đồng môn, đã nói vậy với tôi vào một chiều nọ; tôi cảm thấy làn sóng lạnh điềm báo. Trước những gặng hỏi của tôi, Sri Yukteswar chỉ đáp, “Ta sẽ không đi Kidderpore nữa.” Trong phút chốc, thầy run lên như một đứa trẻ hoảng sợ.
(“Chấp luyến chốn trọ thể xác, vọng lên từ bản chất của chính nó[374], dù ít thì cũng vẫn còn ngay cả ở các đại thánh,” Patanjali viết.
Trong một số bài sư phụ giảng về cái chết, thầy thường nói thêm:
“Cũng như một con chim bị nhốt trong lồng đã lâu, ngần ngại không dám rời mái nhà đã thân quen khi cửa đã mở.”) “Thưa sư phụ,” tôi khóc lóc van xin thầy, “xin đừng nói vậy!
Đừng bao giờ thốt ra những lời ấy với con!”
Mặt Sri Yukteswar dịu đi với một nụ cười thanh thản. Mặc dù đã gần đến sinh nhật thứ tám mươi mốt, trông thầy vẫn khỏe mạnh.
Ngày ngày được tắm mình trong ánh nắng tình thương của sư phụ, không nói ra nhưng lại được cảm nhận sâu sắc, tôi xua đuổi khỏi ý thức của mình nhiều lời bóng gió xa xôi thầy đã nói về sự ra đi gần kề.
“Thầy, Kumbha Mela tháng này được tổ chức ở Allahabad.”
Tôi chỉ cho thầy xem ngày mela trong một cuốn niên lịch Bengal[375].
“Con thật muốn đi sao?”
Không cảm thấy được là Sri Yukteswar miễn cưỡng phải để tôi đi, tôi nói tiếp, “Thầy đã từng có phúc được gặp Babaji tại một kumbha ở Allahabad. Có lẽ lần này con sẽ đủ may mắn được gặp ngài.”
“Ta không cho là con sẽ gặp ngài ở đấy.” Rồi sư phụ chìm trong im lặng, không muốn ngăn cản dự định của tôi.
Khi tôi lên đường đi Allahabad cùng một nhóm nhỏ vào ngày hôm sau, thầy im lặng ban phúc cho tôi theo cách thường lệ. Rõ ràng tôi vẫn không nhận ra những ẩn ý trong thái độ của Sri Yukteswar vì Thượng đế muốn tránh cho tôi buộc phải chứng kiến sự ra đi của sư phụ một cách vô vọng. Điều vẫn luôn xảy ra trong đời tôi là giờ phút ra đi của những người tôi vô cùng yêu thương, Thượng đế đã nhân từ thu xếp sao cho tôi xa cảnh ấy[376].
Nhóm chúng tôi tới Kumbha Mela ngày 23-1-1936. Đám đông náo nhiệt gần hai triệu người là một khung cảnh ấn tượng, thậm chí là choáng ngợp. Đặc tính riêng của người Ấn là sự sùng kính bẩm sinh, ngay cả ở người nông dân thấp kém nhất, dành cho giá trị của Tinh thần và cho các thầy tu và sadhu đã từ bỏ những trần lụy để tìm một nơi nương tựa thiêng liêng hơn. Quả đúng là có những kẻ lừa đảo và đạo đức giả; nhưng Ấn Độ kính trọng tất cả vì một số ít người soi sáng cho xứ sở bằng phúc thiêng. Người phương Tây đã xem cảnh tượng hoành tráng ấy sẽ có cơ hội độc nhất để cảm nhận được mạch đập của dân tộc này, cái nhiệt tình tâm linh mà nhờ đó Ấn Độ có được cái sinh khí không thể tắt dưới những ngọn gió thời gian.
Ngày đầu nhóm chúng tôi chỉ ngây ra nhìn mà thôi. Hàng ngàn người hành hương tắm dưới sông Hằng thiêng liêng để gột sạch tội lỗi; các tu sĩ Bà La Môn thực hiện các nghi thức thờ phụng long trọng; đồ cúng dường sùng kính rải dưới chân các sannyasi im lặng; những đàn voi, ngựa phủ tấm che, và lạc đà xứ Rajputana đủng đỉnh hàng một đi qua, theo sau là cuộc diễu hành tôn giáo cổ xưa gồm những sadhu lõa thể đã khước từ vương trượng bạc vàng hay cờ phướn nhung lụa.
Các ẩn sĩ chỉ quấn tấm khố ngồi thành từng nhóm nhỏ im lìm, mình mẩy lấm lem tro, thứ che chở cho họ khỏi cái nóng và lạnh.
Con mắt tâm linh được biểu trưng sống động trên trán bằng một chấm bột đàn hương duy nhất. Hàng ngàn swami đầu cạo trọc cũng có mặt, mặc áo màu hoàng thổ và cầm gậy tre và bình bát khất thực. Mặt các vị sáng lên niềm an lạc của kẻ xuất gia khi các vị đi quanh hay có những cuộc đàm đạo triết học với các đệ tử.
Đây đó dưới những tàn cây, quanh những đống củi to cháy rực, là các sadhu đẹp như trong tranh,[377] tóc họ tết và vấn lại thành từng vòng trên đỉnh đầu. Một số để râu dài đến vài thước, quăn và thắt nút lại. Họ lặng lẽ thiền định, hay đưa tay lên ban phúc cho đám đông đi qua - những người hành khất, các maharaja cưỡi voi, đàn bà mặc sari đủ màu sắc, vòng tay và lắc chân kêu lanh canh, các fakir cánh tay khẳng khiu dương lên kỳ dị, các brahmachari mang cái đỡ khủy tay để thiền, những hiền giả khiêm cung mà sự trang nghiêm che giấu an lạc nội tâm. Cao bên trên cảnh tượng huyên náo, chúng tôi nghe thấy những tiếng gọi không dứt của chuông đền thờ.
Đến ngày mela thứ hai các bạn đồng hành và tôi vào thăm nhiều ashram và các túp lều tạm, pranam các vị thánh thiện. Chúng tôi nhận ban phúc của sư trưởng nhánh Giri thuộc dòng Swami - một thầy tu khổ hạnh gầy gò có đôi mắt rực sáng tươi cười. Rồi nhóm chúng tôi đến thăm tịnh thất của một sư phụ suốt chín năm qua đã giữ lời thệ tịnh khẩu và chỉ ăn trái cây. Trên cái bệ trong gian phòng ashram, một sadhu mù lòa đang ngồi, Prajna Chakshu[378], thầy có học vấn shastra uyên thâm và được mọi giáo phái kính trọng vô cùng.
Khi tôi đã trình bày xong một bài diễn thuyết ngắn bằng tiếng Hindi về Vedanta, nhóm chúng tôi rời tịnh thất yên tĩnh để đến chào một swami gần đó, Krishnananda, một thầy tu tuấn tú có hai má đỏ au và đôi vai thật ấn tượng. Nằm bên thầy là một con sư tử cái đã thuần. Khuất phục trước sức hút tâm linh của thầy tu - không phải trước thể lực mạnh mẽ của thầy, tôi chắc chắn! - con thú rừng già không chịu ăn thịt mà chọn cơm và sữa. Swami đã dạy con thú lông vàng nâu niệm “Aum” bằng một tiếng gầm sâu, thu hút - một tín đồ họ nhà mèo!
Cuộc gặp gỡ tiếp đó của chúng tôi, một cuộc trò chuyện với một sadhu trẻ uyên thâm, được mô tả kỹ trong cuốn nhật ký hành trình sinh động của anh Wright.
Chúng tôi lái chiếc Ford qua sông Hằng cạn nước trên chiếc cầu phao kẽo kẹt, đi ngoằn ngoèo như rắn giữa những đám đông rồi qua những con hẻm nhỏ quanh co, đi ngang chỗ bên bờ sông mà Yoganandaji chỉ cho tôi là nơi Babaji và Sri Yukteswarji gặp nhau. Một lát sau xuống xe, chúng tôi đi bộ một quãng xuyên qua đám khói mù mịt từ các đám lửa của các sadhu rồi băng qua cát trơn trượt để tới một cụm những túp lều tranh vách đất nhỏ xíu rất đơn sơ. Chúng tôi dừng trước một trong những chỗ ở tạm không có gì nổi bật này, lối vào không có cửa, thấp lè tè, là chỗ che mưa che nắng của Kara Patri, một sadhu trẻ lang thang nổi tiếng nhờ trí thông minh hiếm có. Thầy kia, ngồi kiết già trên một đụn rơm, thứ che thân duy nhất của thầy - và nhân tiện, là vật sở hữu duy nhất của thầy - một tấm vải màu hoàng thổ phủ qua vai.
Quả thật, gương mặt thánh thiện đã mỉm cười với chúng tôi khi chúng tôi đã bò vào lều rồi pranam dưới chân bậc giác ngộ này, trong khi ngọn đèn dầu ở lối vào lập lòe kỳ lạ, những cái bóng nhảy nhót trên vách rạ. Mặt thầy, nhất là đôi mắt và hàm răng đẹp, rạng rỡ và long lanh. Dù tôi không hiểu được tiếng Ấn nhưng vẻ mặt của thầy cũng nói lên nhiều điều; thầy đầy nhiệt huyết, tình thương, hào quang tâm linh.
Sự cao khiết ở thầy thì không lầm với ai được.
Hãy thử hình dung cuộc đời hạnh phúc của một người không còn vướng lụy thế giới vật chất; không còn chuyện ăn chuyện mặc; không còn thèm khát thức ăn, không bao giờ xin xỏ, chỉ cách ngày mới động đến thức ăn nấu chín, không bao giờ cầm bình bát khất thực; không còn mọi vướng víu bạc tiền, không bao giờ dùng tiền bạc, không bao giờ tích trữ đồ đạc, luôn tin ở Thượng đế; không còn những bận tâm về đi lại, không bao giờ đi xe mà luôn đi bộ bên các con sông thiêng; không ở lại một chỗ quá một tuần để tránh hình thành quyến luyến.”
Một con người khiêm tốn biết chừng nào! Lại có tri kiến khác thường về Vệ Đà, và có bằng thạc sĩ và danh hiệu Shastri (thầy kinh thư) của Đại học Banaras. Trong tôi tràn ngập một tình cảm cao quý khi tôi ngồi bên chân thầy; tất cả cơ hồ là một lời đáp cho cái khát khao trong tôi được thấy Ấn Độ ngàn xưa, đích thực, vì thầy là một đại diện chân chính cho xứ sở của những người khổng lồ tâm linh này.”
Tôi hỏi Kara Patri về cuộc đời lang thang của thầy. “Thầy không có quần áo khác cho mùa đông sao?”
“Không, cái này là đủ.”
“Thầy có mang theo cuốn sách nào không?”
“Không, tôi giáo hóa theo trí nhớ cho những kẻ muốn nghe.”
“Thầy còn làm gì khác nữa không?”
“Tôi thong dong bên sông Hằng.”
Nghe những lời thanh thản này, trong tôi say sưa khát khao cái giản dị của đời thầy. Tôi nhớ tới Hoa Kỳ, và mọi trách nhiệm trên vai tôi.
“Không, Yogananda,” tôi buồn bã nghĩ một lát, “ở kiếp này thì thong dong bên sông Hằng không dành cho mi đâu.”
Khi sadhu đã kể cho tôi nghe vài giác ngộ tâm linh của thầy rồi, tôi buột miệng hỏi một câu đường đột.
“Thầy đưa ra những mô tả này từ hiểu biết kinh thư, hay từ chứng nghiệm nội tâm?”
“Một nửa là từ học hỏi sách vở,” thầy đáp với nụ cười chân thật, “còn một nửa là bằng chứng nghiệm.”
Chúng tôi may mắn được ngồi một lát trong tĩnh mặc trầm tư. Khi chúng tôi đã rời nơi có sự hiện diện thiêng liêng của thầy rồi, tôi nói với anh Wright: “Thầy ấy là một ông vua ngự trên ngai bằng rơm vàng.”
Đêm đó chúng tôi ăn tối trên đất mela dưới sao trời, ăn bằng những phiến lá kết lại với nhau nhờ những que nhỏ. Việc rửa chén bát ở Ấn Độ được giảm tối đa!
Thêm hai ngày kumbha thú vị nữa; rồi đi về phía Tây Bắc dọc hai bờ Yamuna tới Agra. Một lần nữa, tôi ngây nhìn Taj Mahal; trong ký ức, Jitendra đứng cạnh tôi, kính sợ trước giấc mơ cẩm thạch. Rồi chúng tôi đi tiếp đến ashram Brindaban của Swami Keshabananda.
Mục đích mà tôi tìm Keshabananda có liên quan đến cuốn sách này. Tôi chưa hề quên lời Sri Yukteswar yêu cầu tôi viết về cuộc đời của Lahiri Mahasaya. Trong thời gian ở lại Ấn Độ, tôi đã dùng mọi cơ hội để gặp các đệ tử thân cận và người nhà của Yogavatar. Ghi lại những cuộc chuyện trò của họ trong vô số ghi chép, tôi kiểm chứng các sự kiện và ngày tháng, rồi sưu tầm hình ảnh, thư từ cũ, và các tài liệu. Hồ sơ về Lahiri Mahasaya của tôi bắt đầu dày lên; tôi thất kinh nhận ra trước mặt mình là công trình cam go viết cuốn sách. Tôi cầu nguyện để mình có thể đủ sức trong vai trò người viết tiểu sử sư phụ vĩ đại. Một số đệ tử của thầy đã e sợ rằng trong một câu chuyện được viết ra, thầy của các vị có thể bị hạ thấp giá trị hay hiểu sai.
“Trong câu chữ lạnh lùng người ta khó mà đánh giá đúng cuộc đời của một hiện thân siêu việt,” Panchanon Bhattacharya có lần đã nói với tôi.
Các đệ tử thân cận khác cũng tương tự như vậy, mãn nguyện được giữ kín Yogavatar trong tim mình như một người thầy bất tử.
Tuy nhiên, nghĩ đến lời tiên tri của Lahiri Mahasaya về tiểu sử của thầy, tôi không tiếc công tìm và chứng minh cho được những sự kiện ngoài đời của thầy.
Ở Brindaban, Swami Keshabananda niềm nở chào đón nhóm chúng tôi tại Ashram Katyayani Peeth của thầy, một tòa nhà gạch trang nghiêm với những cột trụ đen to, xây giữa một khu vườn xinh đẹp. Thầy dẫn ngay chúng tôi vào một phòng khách được trang hoàng bằng ảnh Lahiri Mahasaya phóng to. Swami đã gần chín mươi, nhưng thân hình rắn rỏi của thầy toát lên vẻ khỏe mạnh. Với mái tóc dài và chòm râu trắng như tuyết, đôi mắt long lanh niềm vui, thầy là một hiện thân trưởng tộc đích thực. Tôi thưa với thầy là tôi muốn nhắc đến tên thầy trong cuốn sách tôi viết về các vị thầy Ấn Độ.
“Xin kể cho con nghe về cuộc đời thầy trước đây.” Tôi mỉm cười khẩn khoản; các đại yogi thường kiệm lời.
Keshabananda làm một cử chỉ nhún nhường. “Chẳng mấy khi ở ngoài đời đâu. Gần như cả đời ta ở giữa cái cô tịch của Himalaya, đi bộ từ động vắng này sang động vắng khác. Có thời ta có một cái am ngoài Hardwar, bao bọc bốn bề bởi một rừng cây cao. Đó là một chốn thanh vắng ít khách vãng lai, vì rắn hổ mang nhan nhản.” Keshabananda cười tủm tỉm. “Về sau, lũ sông Hằng cuốn sạch cả am lẫn rắn. Các đệ tử bèn giúp ta xây ashram Brindaban này.”
Một người trong nhóm chúng tôi hỏi swami thầy phòng thân ra sao trước hổ trên Himalaya.
Keshabananda lắc đầu. “Trên độ cao tâm linh ấy,” thầy nói, “mãnh thú hiếm khi quấy phá các yogi. Có lần trong rừng rậm, ta chạm trán một con hổ. Nghe thấy tiếng kêu bất thình lình của ta, con thú chết đứng như thể bị hóa đá.” Lần nữa swami tủm tỉm cười khi nhớ lại kỷ niệm này[379].
“Thỉnh thoảng ta rời nơi ẩn dật, về Banaras thăm sư phụ.
Thầy thường trêu ta về những chuyến đi bất tận giữa hoang vu Himalaya.”
“ ‘Con mang dấu ấn kẻ ưa phiêu bạt ở chân,’ có lần thầy bảo ta. ‘Ta mừng là Himalaya thiêng đủ rộng để bao trùm con.’
“Nhiều lần,” Keshabananda nói tiếp, “cả trước và sau khi mất, Lahiri Mahasaya hiện ra bằng xương bằng thịt trước mặt ta. Với thầy thì không có độ cao nào của Himalaya là không lên tới được!”
Hai giờ sau thầy dẫn chúng tôi ra hiên ăn. Tôi thở dài ngán ngẩm trong lòng. Lại một bữa ăn mười lăm món khác! Chưa đầy một năm của lòng hiếu khách Ấn Độ mà tôi đã tăng được hơn hai chục ký! Thế nhưng có lẽ sẽ là rất thô lỗ nếu từ chối bất cứ món nào, đã được chuẩn bị công phu cho những bữa tiệc liên miên để mừng tôi. Ở Ấn Độ (than ôi, không ở đâu khác!) thấy một swami mập mạp được xem là điều thú vị.
Ăn xong, Keshabananda dẫn tôi đến một góc yên tĩnh riêng tư.
“Chuyện con đến chẳng phải là điều bất ngờ,” thầy nói. “Ta có một lời nhắn cho con.”
Tôi ngạc nhiên; chẳng ai biết dự định viếng thăm Keshabananda của tôi cả.
“Năm ngoái khi đang lang thang ở Bắc Himalaya, gần Badrinarayan,” swami nói tiếp, “ta lạc đường. Chỗ nương náu hiện ra dưới dạng một hang động mênh mông, không bóng người, dù than hồng của đám lửa còn sáng rực trong một cái hố giữa nền đá.
Thắc mắc về người cư ngụ ở nơi ẩn dật cô tịch này, ta ngồi xuống cạnh đống lửa, nhìn ngây ra cửa hang ngập nắng.
“ ‘Keshabananda, ta mừng là con ở đây.’ Những lời này xuất phát từ sau lưng ta. Ta quay lại, giật mình, và bàng hoàng khi thấy Babaji! Đại sư phụ hiện ra ở một hốc trong hang. Vui mừng quá đỗi khi gặp lại ngài sau nhiều năm trời, ta phủ phục dưới chân thiêng.
“ ‘Ta đã gọi con tới đây,’ Babaji nói tiếp. “Vì vậy mà con đã lạc đường và được dẫn dắt đến chỗ trú tạm thời của ta trong hang động này. Đã lâu rồi kể từ lần cuối ta gặp nhau; ta vui lại được đón chào con.’ “Vị thầy bất tử ban phúc cho ta bằng mấy lời khuyên nhủ tâm linh, rồi nói thêm: ‘Ta trao con một lời nhắn cho Yogananda. Thầy ấy sẽ đến thăm con khi trở về Ấn Độ. Nhiều vấn đề có liên quan đến sư phụ của thầy ấy và các đệ tử còn sống của Lahiri Mahasaya sẽ làm cho Yogananda rất đỗi bận bịu. Lúc ấy, hãy bảo thầy, rằng lần này ta sẽ không gặp thầy, như thầy ấy thiết tha mong mỏi; mà ta sẽ gặp thầy vào một dịp khác.”
Tôi vô cùng cảm động đón nhận từ miệng Keshabananda lời hứa an ủi này của Babaji. Một nỗi đau nào đó trong tim tôi tiêu tan; tôi không còn buồn rằng, như Sri Yukteswar đã nói bóng gió, Babaji sẽ không xuất hiện tại Kumbha Mela.
Ở lại một đêm làm khách của ashram, chiều hôm sau nhóm chúng tôi lên đường đi Calcutta. Khi chạy xe qua cây cầu trên sông Yamuna, chúng tôi thưởng thức cảnh tráng lệ của chân trời Brindaban đúng lúc Mặt trời thắp lửa bầu trời - đích thực là một lò nung màu sắc của Thần Lửa, in bóng lên mặt nước phẳng lặng bên dưới chúng tôi.
Bờ sông Yamuna được thánh hóa bởi những ký ức về cậu bé Sri Krishna. Ở đây với vẻ đáng yêu hồn nhiên của mình, ngài đã tham gia vào các lila (trò chơi) với các gopi (thiếu nữ), điển hình cho tình yêu siêu việt vẫn mãi tồn tại giữa hiện thân trời và các tín đồ của ngài. Cuộc đời của thần Krishna đã bị nhiều nhà bình chú phương Tây hiểu sai. Ẩn dụ trong kinh thật khó hiểu đối với đầu óc phàm tục. Một sai lầm khôi hài của một dịch giả sẽ minh họa cho điểm này. Câu chuyện liên quan đến một bậc thánh cao quý thời Trung cổ, thợ sửa giày Ravidas, người rao hàng bằng những lời dung dị về vẻ rỡ ràng tâm linh ẩn sâu trong hết thảy chúng sinh:
Sống dưới vòm trời xanh bao la Những thánh thần mặc áo da.
Người ta sẽ ngoảnh đi cười thầm khi nghe sự diễn giải tầm thường về bài thơ của Ravidas bởi một tác giả Tây phương:
Sau đó ngài dựng một túp lều, trong đó đặt một tượng thần mà ngài làm bằng da sống, rồi một lòng thờ phụng nó.
Ravidas là đồng môn của Kabir cao cả. Một trong các chela xứng đáng của Ravidas là Rani xứ Chitor. Bà đã mời rất nhiều người thuộc đẳng cấp Bà La Môn đến dự bữa tiệc tỏ lòng kính trọng thầy mình, nhưng họ không chịu ngồi ăn cùng người thợ sửa giày hạ tiện. Khi họ ngồi xuống trong cách biệt phẩm giá để ăn bữa ăn không bị ô nhiễm của riêng mình thì, lạ thay! Mỗi tu sĩ Bà La Môn đều thấy bên cạnh mình hình dáng Ravidas. Cái linh ảnh tập thể này đã tạo nên một sự phục hưng tâm linh lan rộng ở Chitor.
Vài ngày sau, nhóm nhỏ chúng tôi về đến Calcutta. Nóng lòng muốn gặp Sri Yukteswar, tôi thất vọng khi nghe nói thầy đã rời Serampore và giờ đang ở Puri, chừng ba trăm dặm về phía Nam.
“Tới ashram Puri ngay.” Bức điện tín này được một đồng môn gửi vào ngày 8 tháng 3 cho Atul Chandra Roy Chowdhry, một trong các chela của thầy ở Calcutta. Tin về lời nhắn đến tai tôi; đau đớn vì cái ẩn ý trong đó, tôi quỳ sụp xuống khẩn cầu Thượng đế cứu mạng sư phụ mình. Khi tôi sắp sửa rời nhà cha lên tàu thì một giọng thiêng nói trong tôi.
“Tối nay đừng đi Puri. Lời cầu nguyện của con sẽ không được đáp lại.”
“Thượng đế hỡi,” tôi nói, lặng đi vì sầu đau, “Ngài không muốn đưa con vào một ‘cuộc giằng co’ ở Puri, nơi Ngài sẽ phải khước từ những lời cầu xin không dứt của con cho mạng sống của thầy. Thế thì, thầy con, phải vâng theo lời Ngài mà ra đi vì những sứ mệnh cao cả hơn sao?”
Vâng theo mệnh lệnh trong tâm, tôi không đi Puri đêm đó.
Chiều hôm sau tôi ra tàu; trên đường, lúc bảy giờ, một đám mây thiêng đen kịt bỗng đâu bao phủ bầu trời[380]. Sau đó, trong khi tàu rúc còi về hướng Puri, một linh ảnh của Sri Yukteswar hiện ra trước mắt tôi. Thầy đang ngồi, diện mạo rất nghiêm trang, hai bên là hai ngọn đèn.
“Phải chăng đã hết rồi?” Tôi giơ hai cánh tay lên khẩn khoản.
Thầy gật đầu, rồi từ từ biến mất.
Khi tôi đang ngồi giữa sân ga Puri sáng hôm sau, vẫn còn hy vọng hão huyền thì một người đàn ông lạ mặt đi lại chỗ tôi.
“Ngài đã nghe là Thầy của ngài mất rồi chưa?” Ông ta bỏ tôi đi không nói thêm câu nào; tôi không bao giờ biết được ông ta là ai và làm sao ông ta biết tôi ở đâu mà tìm.
Tê tái, tôi xoay qua dựa vào tường sân ga, nhận ra rằng bằng nhiều cách sư phụ đã cố nhắn lại cho tôi cái tin tàn khốc. Sôi sục phản kháng, tâm hồn tôi như một ngọn núi lửa. Khi tới được tịnh thất Puri thì tôi gần như sụp xuống. Giọng nói nội tâm dịu dàng nhắc đi nhắc lại: “Hãy trấn tĩnh lại. Hãy bình tĩnh.”
Tôi bước vào phòng ashram nơi thân xác thầy, sống động không tưởng, đang ngồi kiết già - trông rất khỏe mạnh và đáng yêu. Không lâu trước khi mất, sư phụ sốt nhẹ, nhưng trước ngày thầy lên cùng Thượng đế, thân thể thầy đã trở nên hoàn toàn khỏe mạnh. Dù tôi có nhìn hình hài thân thương của thầy không biết bao lần rồi thì tôi cũng không thể nhận ra rằng sự sống trong nó đã không còn. Da thầy mịn và mềm mại; gương mặt thầy mang vẻ cực lạc tịch lặng.
Thầy đã ý thức từ bỏ thể xác mình vào giờ triệu hồi huyền vi.
“Sư tử xứ Bengal đã đi rồi!” tôi kêu lên bàng hoàng.
Tôi cử hành các nghi thức long trọng vào ngày 10 tháng 3. Sri Yukteswar được chôn cất[381] theo các nghi thức xưa dành cho swami trong vườn ashram của thầy ở Puri. Sau đó các đệ tử của thầy xa gần đổ về để tỏ lòng kính trọng thầy trong một lễ tưởng niệm xuân phân. Amrita Bazar Patrika, tờ báo hàng đầu ở Calcutta, đăng ảnh thầy và bản tin sau đây:
Tang lễ Bhandara cho Srimat Swami Sri Yukteswar Giri Maharaj, 81 tuổi, đã diễn ra tại Puri vào ngày 21 tháng 3. Nhiều đệ tử đã về Puri để làm lễ.
Swami Maharaj, một trong những người bình giảng Bhagavad Gita vĩ đại nhất, là đại đệ tử của Yogiraj Sri Shyama Charan Lahiri Mahasaya ở Banaras. Swami Maharaj là người sáng lập một số trung tâm Yogoda Satsanga (Hội Tự giác) ở Ấn Độ, và là nguồn cảm hứng vĩ đại đằng sau phong trào yoga đã được truyền bá sang phương Tây bởi Swami Yogananda, trưởng đệ tử của thầy. Chính các khả năng tiên tri và giác ngộ thâm sâu của Sri Yukteswar đã khích lệ Swami Yogananda vượt biển và hoằng bá thông điệp của các bậc sư Ấn Độ ở Hoa Kỳ.
Những diễn giải về Bhagavad Gita và các kinh điển khác của Sri Yukteswar đã chứng thực chiều sâu sự am tường của thầy về triết học, cả Đông và Tây, và vẫn còn là một khai sáng về sự hòa hợp giữa Đông và Tây. Tin vào sự tương đồng của mọi tín ngưỡng, Sri Yukteswarj đã tổ chức ra Sadhu Sabha (Hội Thánh nhân) với sự hợp sức của các trưởng môn thuộc nhiều giáo phái và tín ngưỡng khác nhau, để khắc sâu tinh thần khoa học trong tôn giáo. Trước lúc qua đời thầy đã chỉ định Swami Yogananda là người kế tục của mình làm sư trưởng của Sadhu Sabha.
Hôm nay Ấn Độ quả thực đã nghèo đi vì sự mất mát một vĩ nhân như vậy. Cầu cho tất cả những ai đã được may mắn đến gần thầy khắc ghi trong lòng tinh thần chân chính của văn hóa Ấn Độ và sadhana đã được nhân cách hóa ở thầy.
Tôi về lại Calcutta. Vẫn chưa dám tin mình có thể tới tịnh thất Serampore với những ký ức thiêng liêng, tôi gọi đệ tử nhỏ của Sri Yukteswar ở Serampore là Prafulla lên và lo liệu cho cậu bé vào trường Ranchi.
“Buổi sáng ngài đi mela Allahabad,” Prafulla bảo tôi, “thầy ngã vật xuống đi văng.
“ ‘Yogananda đi rồi!’ thầy kêu lên. ‘Yogananda đi rồi!’ Thầy nói thêm khó hiểu, ‘Ta sẽ phải nói với nó bằng cách nào đó khác.’ Rồi thầy ngồi đó hàng giờ trong im lặng.”
Ngày nào của tôi cũng kín cả thuyết giảng, lớp học, phỏng vấn, và họp mặt với các bạn cũ. Bên dưới cái cười gượng và làm việc không ngừng, một dòng đen kịt suy nghĩ ủ ê làm vẩn đục dòng sông cực lạc nội tâm biết bao năm rồi uốn khúc dưới bãi cát toàn thể tri giác tôi.
“Hiền nhân siêu phàm ấy đi đâu rồi?” Tôi thầm khóc từ đáy sâu tinh thần vò xé.
Không có câu trả lời.
“Thôi cũng tốt là thầy đã trọn vẹn cuộc hợp nhất với Đấng Yêu thương Vũ trụ rồi,” tâm trí dỗ dành tôi. “Thầy đang tỏa sáng mãi hoài trong cõi bất tử.”
“Mình sẽ không bao giờ còn được thấy thầy trong tòa nhà Serampore cũ nữa,” tim tôi than van. “Mình sẽ không còn được đưa bạn đến thăm thầy nữa, hay hãnh diện mà nói: ‘Nhìn đây, Jnanavatar của Ấn Độ đang ngồi đấy!’”
Anh Wright đã lo thu xếp cho nhóm chúng tôi đi tàu từ Bombay sang phương Tây vào đầu tháng 6. Sau nửa tháng 5 dành cho những yến tiệc chia tay và diễn thuyết ở Calcutta, cô Bletsch, anh Wright và tôi lên chiếc Ford đi Bombay. Khi chúng tôi tới nơi, các viên chức trên tàu yêu cầu chúng tôi hủy vé, vì không thể kiếm ra chỗ trống cho chiếc Ford, cái chúng tôi sẽ lại cần ở châu Âu.
“Không sao cả,” tôi rầu rĩ nói với anh Wright. “Thầy muốn trở lại Puri một lần nữa.” Tôi thầm nói thêm, “Hãy để nước mắt mình lần nữa tưới lên mộ phần sư phụ.”
* * *
Chú thích:
[372] Nghĩa đen, parama, tối thượng; hansa, thiên nga. Con thiên nga trắng theo thần thoại tượng trưng cho cỗ xe hay ngựa cưỡi của Brahma Đấng Sáng tạo. Người ta nói rằng hansa thiêng liêng có khả năng lấy sữa ra từ hỗn hợp sữa và nước, và do vậy là biểu tượng của trí phân biệt. Ahan-sa hay ’han-sa (đọc là hong-sau) nghĩa đen là “Ta là Ngài”. Những âm tiết Phạn có uy lực này có một mối liên hệ rung động với hơi thở vào và ra. Do vậy với mỗi hơi thở, một cách vô thức con người khẳng định chân lý về bản thể mình: Ta là Ngài!
[373] Họ thường gọi tôi là sir cho dễ.
[374] Nghĩa là trỗi dậy từ những căn gốc xa xưa, những lần nếm trải cái chết trong quá khứ. Đoạn này xuất hiện trong Yoga Sutra II:9 của Patanjali.
[375] Các mela tôn giáo được nhắc đến trong Mahabharata xưa. Người lữ khách Trung Hoa là Huyền Trang đã miêu tả về một Kumbha Mela lớn tổ chức năm 644 tại Allahabad. Kumbha Mela được tổ chức ba năm một lần, kế tiếp nhau, ở Hardwar, Allahabad, Nasik, và Ujjain, quay lại Hardwar để hoàn tất một chu kỳ mười hai năm. Mỗi thành phố tổ chức Ardha (nửa) Kumbha vào năm thứ sáu sau Kumbha của mình; do vậy Kumbha và Ardha Kumbha được tổ chức, ở các thành phố khác nhau, cứ mỗi ba năm. Huyền Trang kể cho chúng ta là Harsha, vua ở Bắc Ấn Độ, phân phát cho các thầy tu và người hành hương tại Kumbha Mela toàn bộ của cải (sự tích trữ năm năm) trong quốc khố. Khi Huyền Trang lên đường về Trung Hoa, thầy đã từ chối quà chia tay là vàng bạc châu báu của Harsha; nhưng lại thỉnh về, vì có giá trị cao hơn, 657 cuốn kinh.
[376] Tôi không có mặt khi mẹ tôi, anh Ananta, chị cả Roma, thầy, cha, và nhiều người thân yêu khác qua đời. (Cha tôi mất ở Calcutta năm 1942, thọ tám mươi chín tuổi).
[377] Hàng trăm ngàn sadhu Ấn Độ được kiểm soát bởi một ủy ban điều hành gồm bảy người đứng đầu, đại diện cho bảy khu vực lớn ở Ấn Độ. Mahamandateswar hay sư trưởng hiện nay là Joyendra Puri. Con người thánh thiện này cực kỳ ít nói, thường chỉ nói gói gọn trong ba chữ - chân lý, tình thương, và công việc. Một cuộc trò chuyện thật đầy đủ!
[378] Một danh hiệu có nghĩa đen là “kẻ thấy bằng trí của mình” (không có thị giác).
[379] Xem ra có nhiều phương pháp để đánh lừa hổ. Nhà thám hiểm người Úc, Francis Birtles, đã kể lại rằng ông thấy rừng rậm Ấn Độ “đa dạng, xinh đẹp, và an toàn”. Cái bùa hộ mệnh của ông là giấy bẫy ruồi. “Đêm đêm tôi trải một lượng giấy quanh lều và không bao giờ bị quấy rầy,” ông giải thích. “Lý do thuộc về tâm lý. Hổ là loài thú có ý thức tự trọng cao. Nó lảng vảng và khiêu khích người cho đến khi nó tiến lại chỗ bẫy ruồi; nó bèn lẻn đi. Chẳng có con hổ có lòng tự trọng nào lại dám đối mặt với người sau khi đã ngồi xổm trên một cái bẫy ruồi nhớp nháp!”
[380] Sri Yukteswar mất vào giờ này - 7 giờ tối, ngày 9-3-1936.
[381] Phong tục tang lễ Ấn Độ đòi hỏi hỏa táng cho các cư sĩ; các swami và thầy tu các dòng khác không được hỏa táng, mà chôn. (Thỉnh thoảng cũng có những ngoại lệ). Xác của thầy tu một cách tượng trưng. được xem là đã trải qua hỏa táng trong ngọn lửa minh triết lúc phát thệ đi tu.