Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 44

CHƯƠNG 44

Cùng Mahatma Gandhi ở Wardha

“Xin chào mừng các vị đến Wardha!” Mahadev Desai, thư ký của Mahatma Gandhi, chào cô Bletsch, anh Wright và tôi bằng những lời thân ái này, cùng món quà là mấy vòng hoa khaddar (vải tự dệt). Nhóm nhỏ chúng tôi vừa tới ga ở Wardha vào một sáng sớm tháng 8, mừng vì đã bỏ lại cái bụi bặm và nóng nực của tàu hỏa. Gửi hành lý trên một chiếc xe bò, chúng tôi lên một chiếc ô tô mui trần cùng anh Desai và các bạn đồng hành: Babasaheb Deshmukh và tiến sĩ Pingale. Chạy xe một quãng ngắn qua những con đường đồng quê bùn lầy, chúng tôi tới “Maganvadi”, ashram của thánh nhân làm chính trị của Ấn Độ.

Anh Desai dẫn ngay chúng tôi đến thư phòng, Mahatma Gandhi đang ngồi đó, chân xếp bằng. Một tay cầm bút còn tay kia cầm một mẩu giấy, ngài nở một nụ cười rộng, lôi cuốn, nồng hậu!

“Xin chào!” ngài viết vội bằng tiếng Ấn; hôm ấy là thứ Hai, ngày tịnh khẩu hàng tuần của ngài.

Dù đây là lần đầu gặp mặt nhưng chúng tôi nhìn nhau tươi cười trìu mến. Năm 1925, Mahatma Gandhi đã vinh danh trường Ranchi bằng một chuyến viếng thăm, và đã ghi trong cuốn sổ cảm tưởng một lời khen tặng hào hiệp.

Vị thánh nặng bốn mươi lăm cân nhỏ nhắn toát lên vẻ khỏe khoắn thể xác, tinh thần và tâm linh. Đôi mắt nâu nhạt của ngài ngời vẻ thông minh, chân thành, trí phân biệt; chính khách này đã đấu trí và nổi bật lên là người chiến thắng trong cả ngàn cuộc đấu tranh chính trị, xã hội, và pháp luật. Trên thế giới, không có nhà lãnh đạo nào giành được chỗ đứng vững chắc trong trái tim đồng bào mình như Gandhi làm được với hàng triệu người dân thất học ở Ấn Độ. Lời cảm ơn tự phát họ dành cho ngài là danh hiệu nổi tiếng - Mahatma, “thánh nhân”[397]. Vì họ mà Gandhi mới mặc mỗi

Paramahansa Yogananda cùng James J. Lynn, về sau là Sri Rajarsi Janakananda (xem hình trang 269 và 310). Sư phụ và đệ tử đang thiền tại Trụ sở Quốc tế HTG-HYS, Los Angeles, 1933. “Một số người nói: ‘Người phương Tây không thiền được.’ Điều đó là không đúng,” Yoganandaji nói. “Từ khi ông Lynn lần đầu tiên thọ Kriya Yoga đến nay tôi chưa hề thấy ông ấy không giao hòa với Thượng đế bên trong.” Paramahansaji và Faye Wright, giờ là Sri Daya Mata (xem hình trang 269) tại tu viện Hội Tự giác ở Encinitas, 1939. Bà vào ashram Hội Tự giác năm 1931 được ít lâu thì sư phụ bảo bà: “Cô là trứng trong tổ của thầy. Khi cô đến thì thầy hiểu rằng nhiều tín đồ chân chính của Thượng đế khác sẽ được thu hút theo con đường này.” Có lần thầy đã trìu mến nhận xét, “Faye của thầy, cô ấy sẽ làm được rất nhiều điều thiện!... Thầy biết thầy có thể truyền đạt qua cô vì cô có khả năng hấp thụ.”

SRI DAYA MATA GIAO HÒA CÙNG THIÊNG LIÊNG Sri Daya Mata, hội trưởng Hội Tự giác/Hội Yogoda Satsanga Ấn Độ, chìm trong thiền định, trong một lần đến thăm Ấn Độ năm 1968. “Paramahansa Yogananda đã chỉ cho chúng tôi con đường,” bà viết, “không chỉ bằng lời nói và tấm gương cao cả, mà còn bằng cách cho chúng tôi các phương pháp mang tính khoa học về thiền định của Hội Tự giác. Không thể làm thỏa cơn khát của linh hồn chỉ bằng cách đọc về chân lý. Ta phải uống tận Suối nguồn Chân lý — Thượng đế. Tự giác chỉ có nghĩa: trực chứng Thượng đế.” Một “Mẹ Từ bi” chân chính, như cái tên Daya Mata hàm ý, chủ đề xuyên suốt cuộc đời bà là yêu thương Thượng đế và chia sẻ tình yêu của Ngài với tất cả. Ông Goodwin J. Knight, phó thống đốc bang California (giữa), cùng Yoganandaji và ông A. B. Rose, tại lễ khánh thành Trung tâm Ấn Độ Hội Tự giác, liền kề đền Hội Tự giác chụp bên dưới, Hollywood, bang California, 8-4-1951 Đền Hội Tự giác (Đền thờ mọi Tôn giáo), Hollywood Paramahansa Yogananda trên khuôn viên tu viện Hội Tự giác ở Encinitas, nằm trên một dốc đứng nhìn ra Thái Bình Dương, 1940 Đại sứ Ấn Độ tại Hoa Kỳ, ông Binay Ranjan Sen, cùng Sri Yogananda tại Trụ sở Quốc tế Hội Tự giác, Los Angeles, ngày 4-3-1952 — ba ngày trước ngày đại yogi viên tịch. Trong bài điếu văn tại lễ tang ngày 11 tháng 3, đại sứ Sen nói: “Nếu hôm nay ta có một người như Paramahansa Yogananda ở Hoa Kỳ, thế giới có lẽ sẽ là một nơi tốt đẹp hơn. Theo hiểu biết của tôi, chưa có ai đã từng làm nhiều hơn, dâng mình nhiều hơn, để gắn bó hai dân tộc Ấn Độ và Hoa Kỳ lại với nhau.”

tấm khố, cái đã có vẽ biếm họa khắp nơi, biểu tượng cho sự đoàn kết của ngài với quần chúng bị chà đạp không còn chịu đựng hơn được nữa.

“Người trong ashram hoàn toàn sẵn sàng phục vụ thầy; xin hãy gọi họ nếu có cần gì.” Với sự nhã nhặn riêng có của mình, Mahatma đưa tôi mẩu giấy viết vội này khi anh Desai dẫn nhóm chúng tôi từ thư phòng đến nhà khách.

Người dẫn đường đưa chúng tôi qua những vườn cây ăn quả và những đồng hoa đến một tòa nhà lợp ngói có cửa sổ mắt cáo.

Một cái giếng ở sân trước, rộng bảy mét rưỡi mà theo anh Desai nói là nguồn tưới rau trái; gần đó là một cái cối xay lúa bằng xi măng. Mỗi phòng ngủ nhỏ của chúng tôi hóa ra chỉ có cái tối thiểu không thể tiết giảm thêm được nữa - một cái giường, được bện tay bằng thừng. Gian bếp quét vôi trắng khoe một vòi nước ở một góc và một lò lửa để nấu nướng ở một góc khác. Những âm thanh đồng quê thanh bình vọng tới tai chúng tôi - tiếng kêu của quạ và chim sẻ, tiếng rống của gia súc, và tiếng gõ của những chiếc đục dùng để đẽo đá.

Quan sát thấy nhật ký hành trình của anh Wright, anh Desai mở ra và viết vào một trang, danh sách các lời thệ Satyagraha[398] mà mọi tín đồ (satyagrahi) thành tâm của Mahatma đã thề:

“Bất bạo động; chân lý; không trộm cắp; tuyệt dục; không sở hữu; lao động chân tay; kiểm soát khẩu vị; không sợ hãi; quý trọng mọi tôn giáo như nhau; swadeshi (dùng hàng nội địa); tự do không còn thuộc đẳng cấp tiện dân. Mười một lời thề này phải được tuân thủ trên một tinh thần khiêm cung.”

(Ngày hôm sau chính Gandhi đã ký lên trang này, còn ghi cả ngày: 27-8-1935.) Hai giờ sau khi tới nơi, các bạn đồng hành và tôi được mời ăn trưa. Mahatma đã ngồi dưới mái vòm ở hiên ashram, bên kia sân trong, đối diện thư phòng của ngài. Chừng hai mươi lăm satyagrahi chân trần đang ngồi xổm trước những chén bát và cốc bằng đồng thau. Một bài cầu nguyện chung cả nhóm; rồi một bữa ăn dọn trong những nồi đồng thau lớn gồm chapati (bánh mì nguyên hạt không men) rưới ghee; talsari (rau luộc rồi thái), và mứt chanh.

Mahatma ăn chapati, củ cải luộc, ít rau sống, và cam. Ở một bên đĩa của ngài là một nhúm to lá neem rất đắng, một thứ lọc máu có tiếng. Ngài lấy muỗng khều riêng ra một phần rồi để vào đĩa của tôi. Tôi nuốt nó xuống với chút nước, nhớ lại những ngày thơ ấu khi mẹ bắt tôi phải nuốt liều thuốc khó ưa. Còn Gandhi thì đang thong thả ăn neem mà không thấy khó chịu.

Trong sự việc nhỏ nhặt này, tôi nhận thấy Mahatma có cái khả năng tùy ý tách tâm khỏi các giác quan. Tôi nhớ lại một ca mổ cắt bỏ ruột thừa cho ngài được loan báo ít năm về trước. Không chịu cho gây mê, thánh đã vui vẻ chuyện phiếm với các tín đồ suốt ca phẫu thuật, nụ cười điềm tĩnh của ngài cho thấy ngài không biết đến cái đau.

Chiều đến, tôi có dịp chuyện trò với đệ tử nổi tiếng của Gandhi, là con gái của một đô đốc người Anh, cô Madeleine Slade, giờ người ta gọi cô là Mira Behn[399]; Harper & Bros., New York, 1950). Trong cuốn sách sau này (The Spirit’s Pilgrimage (Cuộc hành hương của Linh hồn); Coward- McCann, N. Y., 1960), cô Slade đã nhắc đến rất nhiều nhân vật đã đến thăm Gandhi ở Wardha. Cô viết: “Lâu thế này rồi, tôi không nhớ được nhiều người trong số họ, nhưng hai người vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi là: Halide Edib Hanum, nữ văn sĩ nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ; và Swami Yogananda, người sáng lập Hội Tự giác ở Hoa Kỳ.” (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).]. Gương mặt mạnh mẽ, điềm đạm của cô sáng lên sôi nổi khi cô kể cho tôi, bằng tiếng Hindi chuẩn, về những hoạt động hàng ngày của mình.

“Công việc tái thiết nông thôn rất đáng làm! Một nhóm chúng tôi, lúc năm giờ mỗi sáng, đi phục vụ dân làng gần bên và chỉ cho họ về vệ sinh đơn giản. Chúng tôi nhất quyết làm sạch những nhà tiêu và nhà tranh vách đất của họ. Dân làng không biết chữ; không thể nào dạy họ nếu không làm gương!” Cô cười vui vẻ.

Tôi nhìn ngưỡng mộ người phụ nữ Anh gia đình quyền quý mà tinh thần khiêm nhường Cơ Đốc giáo chân chính đã cho phép cô làm việc dọn rác thường chỉ do “tiện dân” làm.

“Tôi đến Ấn Độ vào năm 1925,” cô bảo tôi. “Ở xứ này tôi cảm thấy là mình vừa ‘trở về nhà’. Giờ tôi sẽ không bao giờ chịu quay lại cuộc đời cũ và những mối bận tâm xưa kia nữa.”

Chúng tôi trò chuyện về Hoa Kỳ một lát. “Tôi luôn hài lòng và ngạc nhiên,” cô nói, “khi thấy nhiều người Hoa Kỳ đến thăm Ấn Độ bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến các đề tài tâm linh[400].”

Hai bàn tay Mira Behn chẳng mấy chốc đã bận bịu với charka (guồng quay sợi). Nhờ những nỗ lực của Mahatma, charka giờ đây có mặt khắp nông thôn Ấn Độ.

Gandhi có những lý do kinh tế và văn hóa xác đáng khi khuyến khích sự phục hưng của các ngành tiểu thủ công nghiệp, nhưng ngài không khuyến khích một sự chối bỏ cuồng tín mọi tiến bộ hiện đại. Máy móc, xe lửa, xe hơi, điện tín đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời vĩ đại của chính ngài! Năm mươi năm phục vụ cộng đồng, vào tù ra khám, hàng ngày vật lộn với những vấn đề thực tế nhỏ nhặt và hiện thực khắc nghiệt trong giới chính trị chỉ càng làm tăng thêm ở ngài sự bình tĩnh, tinh thần phóng khoáng, sự minh mẫn, và sự phê phán hài hước trò đời kỳ quặc.

Bộ ba chúng tôi được Babasaheb Deshmukh mời ăn chiều lúc sáu giờ. Tới buổi cầu nguyện lúc 7 giờ tối thì chúng tôi lại đã có mặt ở ashram Maganvadi, lên nóc nhà, nơi ba mươi satyagrahi đang quây quần thành nửa vòng tròn quanh Gandhi. Ngài đang ngồi xổm trên một tấm chiếu rơm, một cái đồng hồ bỏ túi cổ đặt trước mặt. Nắng nhạt dần hắt tia sáng cuối cùng lên những cây cọ và cây đa; tiếng râm ran của đêm và lũ dế bắt đầu. Tự bầu không khí đã là sự yên bình; tôi say sưa mê mẩn.

Một bài tụng trang nghiêm do anh Desai dẫn, được nhóm đáp lại; rồi đọc Gita. Mahatma ra hiệu cho tôi đọc lời cầu nguyện kết.

Quả đúng là bản hợp xướng tuyệt trần của tư tưởng và khát vọng!

Một ký ức còn mãi: trầm mặc trên nóc nhà Wardha dưới những vì sao sớm.

Đúng tám giờ Gandhi chấm dứt thời gian tịnh khẩu. Lao động nặng nề của đời ngài đòi hỏi ngài phải phân chia thời gian từng giây từng phút.

“Xin chào mừng, thưa swami!” Lời chào của Mahatma lần này không phải qua giấy. Chúng tôi vừa từ trên nóc nhà xuống thư phòng của ngài, được bày biện đơn sơ với mấy tấm chiếu vuông (không có ghế), một cái bàn thấp cùng sách vở, giấy, và ít cây bút thường (không phải bút máy); một cái đồng hồ không có gì nổi bật tích tắc trong một góc. Một bầu không khí thanh bình và đạo hạnh thấm đẫm khắp nơi. Gandhi lại ban những nụ cười lôi cuốn, sâu hoắm, gần như móm mém.

“Nhiều năm trước,” ngài giải thích, “tôi bắt đầu giữ tịnh khẩu mỗi tuần một ngày như một cách để có thêm thời gian lo thư tín.

Nhưng giờ thì hai mươi bốn giờ đó đã trở thành một nhu cầu tâm linh quan trọng. Một quy định tịnh khẩu định kỳ không phải một nhục hình mà là một phúc lành.”

Tôi hết sức đồng tình[401]. Mahatma hỏi thăm tôi về Hoa Kỳ và châu Âu; chúng tôi thảo luận về Ấn Độ và tình hình thế giới.

“Mahadev,” Gandhi nói khi anh Desai bước vào phòng, “xin hãy thu xếp với tòa Thị chính để Swamiji nói chuyện về yoga ở đó vào tối ngày mai.”

Khi tôi chúc Mahatma ngủ ngon, ngài chu đáo đưa tôi một lọ dầu sả.

“Muỗi Wardha không biết gì về ahimsa[402] cả đâu, thưa swami!”

Sáng hôm sau nhóm nhỏ chúng tôi ăn điểm tâm sớm gồm cháo nguyên hạt với mật mía và sữa. Lúc mười giờ rưỡi chúng tôi được mời đến hiên ashram để dùng bữa trưa cùng Gandhi và các satyagrahi. Hôm nay thực đơn gồm cơm gạo lức, các thứ rau khác, và hạt bạch đậu khấu.

Buổi trưa, tôi tha thẩn trên đất ashram, tới chỗ đồng cỏ có mấy con bò cái ung dung tự tại. Bảo vệ bò là một niềm đam mê đối với Gandhi.

Kỳ Na giáo, một phái của Ấn Độ giáo, được Mahavira, một người cùng thời với Đức Phật, truyền bá rộng rãi vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên. Cầu mong Mahavira (“đại hùng”) nhìn xuyên qua nhiều thế kỷ về đứa con trai Gandhi anh hùng của ngài!

“Bò với tôi có nghĩa là toàn bộ cõi dưới người, sự mở rộng tình thương của con người vượt ra khỏi đồng loại,” Mahatma từng giải thích. “Qua bò, con người buộc phải nhận ra tính đồng nhất của mình với hết thảy chúng sinh. Tại sao các rishi xưa lại chọn bò để thờ thì tôi đã rõ. Bò ở Ấn Độ là sự so sánh tốt nhất; nó đem lại nhiều thứ. Bò không chỉ cho sữa mà còn làm cho nền nông nghiệp tồn tại. Bò là bài thơ về lòng trắc ẩn; người ta đọc thấy lòng trắc ẩn ở con vật hiền lành. Nó là người mẹ thứ hai cho triệu triệu con người nhân loại. Bảo vệ bò có nghĩa là bảo vệ toàn thể tạo vật câm lặng của Thượng đế. Lời kêu gọi của đẳng cấp thấp hơn trong sáng tạo càng mạnh mẽ hơn nữa vì nó không nói được[403].”

Một số nghi thức hàng ngày là bắt buộc đối với tín đồ Ấn giáo chính thống. Một là Bhuta Yajna, thí thực cho súc sinh. Lễ này tượng trưng cho việc con người nhận ra bổn phận của mình đối với các loài tiến hóa thấp hơn trong sáng tạo - bị trói buộc một cách bản năng vào tồn tại thể xác (một mê lầm mà con người cũng chịu) nhưng lại thiếu cái năng lực lý trí để giải thoát mà chỉ loài người mới có.

Bhuta Yjana do vậy khuyến khích thêm cái thiện ý giúp đỡ kẻ yếu ở con người, vì con người đến lượt mình cũng được biết bao sự quan tâm của các loài vô hình cao hơn độ trì. Nhân loại còn có nghĩa vụ khôi phục phẩm vật của Thiên nhiên - dồi dào trong đất, biển, và trời. Cái rào cản tiến hóa là sự không thể giao tiếp giữa Thiên nhiên, thú, người, và chư vị cõi trung giới đã bị vượt qua nhờ các yajna (nghi thức) tình yêu thương thầm lặng mỗi ngày.

Hai yajna hàng ngày khác là Pitri và Nri. Pitri Yajna là thờ cúng tổ tiên: tượng trưng cho việc con người công nhận là mình chịu ơn các đời trước, những người mà kho tri kiến của họ đã soi sáng nhân loại hôm nay. Nri Yajna là thí thực cho người lạ hay người nghèo: tượng trưng cho trách nhiệm hiện tại của con người, bổn phận của y đối với người cùng thời với mình.

Đầu giờ chiều tôi thực hiện một Nri Yajna hòa thuận láng giềng bằng việc đưa mấy cô bé tới thăm ashram của Gandhi. Anh Wright đi cùng tôi trên chuyến xe mười phút. Những gương mặt trẻ thơ tươi như hoa cùng những cái sari thân dài đủ màu! Tôi vừa dứt bài nói chuyện ngắn ngoài trời bằng tiếng Hindi[404] thì trời trút xuống một cơn mưa bất chợt. Anh Wright và tôi vừa cười vừa trèo lên xe rồi phóng trở lại Maganvadi giữa những màn mưa màu bạc dữ dội. Cái dữ dội nhiệt đới bắn tung tóe!

Khi vào lại nhà khách, một lần nữa tôi thấy xúc động bởi sự giản dị tột cùng và bằng chứng về tự hy sinh hiện diện khắp nơi.

Gandhi đã phát thệ không sở hữu từ hồi mới kết hôn. Bỏ hành nghề luật sư thành đạt đem lại thu nhập hằng năm hơn hai mươi nghìn đôla, Mahatma phân phát hết tài sản của mình cho người nghèo.

Sri Yukteswar từng nhẹ nhàng giễu những quan niệm từ bỏ sai lầm thông thường.

“Một kẻ ăn mày đâu thể từ bỏ tài sản,” thầy nói. “Nếu một kẻ than vãn: ‘việc làm ăn của tôi thất bại; vợ tôi bỏ tôi rồi; tôi sẽ xả bỏ mọi thứ mà vào tu viện,’ thì y đang nói đến sự hy sinh trần thế nào vậy? Y đâu có từ bỏ của cải và tình yêu; mà mấy thứ đó bỏ y!”

Các bậc thánh như Gandhi, ngược lại, không chỉ hy sinh những thứ vật chất hữu hình mà còn lìa bỏ những thứ khó hơn là động cơ vị kỷ và mục đích riêng tư, hòa con người bên trong sâu thẳm nhất của mình vào dòng chảy toàn thể nhân loại.

Người vợ đặc biệt của Mahatma, Kasturbai, đã không phản đối khi ngài không dành lại một phần của cải cho bà và các con.

Cưới nhau từ khi còn rất trẻ, Gandhi và vợ đã phát thệ tuyệt dục sau khi có với nhau bốn người con trai[405]. Là một nữ anh hùng thầm lặng trong vở kịch sôi động từng là cuộc sống chung của họ, Kasturbai theo chồng vào tù, chia sẻ với ngài ba tuần tuyệt thực, và gánh trọn phần mình vô vàn trách nhiệm. Bà đã bày tỏ lòng kính trọng Gandhi như sau:

Tôi cảm ơn ngài vì ân huệ được là bạn đồng hành và bạn đời suốt đời của ngài. Tôi cảm ơn ngài về cuộc hôn nhân toàn hảo nhất đời, dựa trên brahmacharya (tự tiết chế) chứ không phải dục tính. Tôi cảm ơn ngài vì đã xem tôi bình đẳng trong sự nghiệp cả đời ngài dành cho Ấn Độ. Tôi cảm ơn ngài vì không phải là ông chồng phí đời trong cờ bạc, những cuộc đua, đàn bà, rượu chè, xướng ca, chán vợ con mình như thằng bé chóng chán đồ chơi tuổi thơ của mình. Tôi biết ơn ngần nào vì ngài không phải là ông chồng dâng đời cho sự làm giàu dựa trên bóc lột sức lao động của người khác.

Tôi biết ơn vô ngần vì ngài đã đặt Thượng đế và đất > nước lên trên của hối lộ, vì ngài đã can đảm có xác tín và đức tin trọn vẹn và tuyệt đối vào Thượng đế. Tôi biết ơn xiết bao về một người chồng đặt Thượng đế và đất nước trước tôi. Tôi biết ơn ngài vì đã khoan thứ cho tôi và cho những thiếu sót thời trẻ của tôi khi tôi phàn nàn và phản đối những thay đổi ngài làm trong lối sống của ta, nhiều hay ít.

Từ hồi còn là một đứa trẻ, tôi đã sống trong nhà cha mẹ ngài; mẹ ngài là một phụ nữ tốt bụng và cao cả; bà tập cho tôi, dạy tôi làm sao để là một người vợ khí phách, quả cảm và làm sao để nuôi dưỡng tình yêu và lòng kính trọng đối với con bà, chồng tương lai của tôi. Khi năm tháng trôi qua và ngài trở thành vị lãnh tụ kính yêu nhất của Ấn Độ, tôi không hề có nỗi sợ nào, cái vẫn ám ảnh người vợ là bị bỏ bê khi chồng đã leo lên nấc thang thành đạt, như vẫn thường xảy ra ở những xứ khác.

Tôi biết rằng cái chết vẫn sẽ tìm thấy chúng ta là vợ và chồng.

Nhiều năm trời Kasturbai nhận trách nhiệm giữ công quỹ mà Mahatma được tôn thờ có thể quyên góp đến bạc triệu. Trong các gia đình ở Ấn Độ người ta kể nhiều câu chuyện hài hước có ý rằng mấy đức ông chồng thấp thỏm nếu vợ mình có đeo món nữ trang nào mà đến dự cuộc họp mặt của Gandhi; cái lưỡi ma thuật của Gandhi, cầu xin cho những kẻ bị chà đạp, dụ vòng vàng và dây chuyền kim cương ngay trên tay và cổ của người giàu có vào giỏ quyên góp!

Một hôm, người thủ quỹ công, Kasturbai, không giải trình được một khoản thâm hụt bốn rupi. Gandhi đúng lúc công bố một bản kiểm toán, trong đó ngài điềm nhiên chỉ ra sự sai lệch bốn rupi của vợ mình.

Tôi thường kể câu chuyện này cho các lớp môn sinh của mình ở Hoa Kỳ. Một buổi chiều, một phụ nữ nọ trong hội trường kêu lên giận dữ.

“Mahatma hay không phải Mahatma cũng vậy,” bà ấy kêu lên, “ông ấy mà là chồng tôi thì tôi đã cho ông ta tím mắt vì sự sỉ nhục công khai không cần thiết như vậy!”

Chúng tôi nói đùa về đề tài các bà vợ Hoa Kỳ và Ấn một lát rồi tôi tiếp tục giải thích rõ hơn.

“Bà Gandhi không xem Mahatma như chồng mà là sư phụ mình, người có quyền phạt bà vì những lỗi dù nhỏ nhất,” tôi giải thích. “Sau lần Kasturbai bị khiển trách công khai ít lâu, Gandhi bị kết án tù về tội chính trị. Khi ngài điềm tĩnh từ biệt vợ, bà sụp dưới chân ngài. ‘Thầy,’ bà nói khiêm cung, ‘nếu tôi đã bao giờ xúc phạm thầy thì xin hãy tha thứ cho tôi.’ “

Ba giờ chiều hôm ấy ở Wardha, do có hẹn trước, tôi chăm chăm đi về thư phòng của vị thánh đã có thể thản nhiên áp dụng kỷ luật với vợ mình - chuyện lạ hiếm có! Gandhi ngẩng lên với nụ cười không thể quên được.

“Mahatmaji,” tôi nói khi ngồi xổm xuống cạnh ngài trên tấm chiếu không nệm, “xin cho tôi biết định nghĩa của ngài về ahimsa.”

“Tránh làm hại bất kỳ sinh linh nào trong ý nghĩ hay bằng hành động.”

“Lý tưởng thật đẹp đẽ! Nhưng người ta sẽ luôn hỏi: ta không được giết một con rắn hổ mang để bảo vệ một đứa trẻ, hay chính mình sao?”

“Tôi chẳng thể giết một con rắn hổ mang mà không vi phạm hai lời thệ của mình - không sợ hãi và không sát sinh. Tôi sẽ cố thầm dỗ dành con rắn bằng các rung động của tình thương hơn là làm vậy. Có lẽ tôi không thể hạ những chuẩn mực của mình xuống cho phù hợp với tình huống mình gặp phải.” Với sự thật thà đầy thu hút của mình, ngài nói thêm: “Tôi phải thú nhận rằng tôi không thể điềm nhiên tiếp tục cuộc trò chuyện này nếu tôi giáp mặt một con rắn hổ mang!”

Tôi nhận xét về vài cuốn sách của phương Tây mới xuất bản về chế độ ăn đang nằm trên bàn ngài.

“Phải, chế độ ăn là điều quan trọng trong phong trào Satyagraha - cũng như ở bất kỳ đâu khác,” ngài nói mà cười tủm tỉm. “Vì tôi ủng hộ sự tuyệt dục hoàn toàn cho satyagrahi nên tôi luôn cố tìm ra chế độ ăn tốt nhất cho người không có đời sống tình dục. Ta phải thắng được khẩu vị trước đã rồi mới làm chủ được bản năng sinh sản. Gần đói lả hay chế độ ăn không cân đối không phải là giải pháp. Khi đã vượt qua cái tham ăn trong lòng rồi, một satyagrahi phải tiếp tục theo một chế độ ăn chay hợp lý với mọi vitamin, khoáng chất, calo cần thiết và vân vân. Nhờ sự sáng suốt bên trong và bên ngoài trong việc ăn uống, dịch sinh sản của satyagrahi sẽ dễ dàng biến thành hoạt lực cho toàn cơ thể.”

Mahatma và tôi trao đổi hiểu biết về các chất thay thế tốt cho thịt. “Quả bơ rất tuyệt,” tôi nói. “Gần trung tâm của tôi ở California có rất nhiều rừng bơ.”

Mặt Gandhi sáng lên hứng thú. “Tôi đang nghĩ không biết chúng có mọc ở Wardha được không? Satyagrahi sẽ rất thích một món mới.”

“Tôi nhất định sẽ gửi vài cây bơ từ Los Angeles về cho Wardha.” Tôi nói thêm, “Trứng là thức ăn giàu protein; thế mà bị cấm không cho satyagrahi dùng?”

“Trứng gà công nghiệp thì được.” Mahatma cười nhớ lại.

“Nhiều năm trời tôi không cho phép ăn trứng; ngay cả giờ đây bản thân tôi cũng không ăn. Một trong mấy đứa con dâu của tôi có lần gần chết vì suy dinh dưỡng; thầy thuốc một mực bảo nó ăn trứng.

Tôi đã không đồng ý, rồi khuyên ông ta cho con bé một chất nào đó thay thế trứng.

“ ‘Thưa ngài Gandhi,’ thầy thuốc nói, ‘trứng gà công nghiệp không chứa mầm sống nào cả; chẳng liên quan đến sát sinh đâu.’ “Bấy giờ tôi mới vui vẻ cho phép con dâu ăn trứng; chẳng bao lâu, con bé khỏe mạnh trở lại.”

Đêm trước, Gandhi đã bày tỏ nguyện vọng được thọ Kriya Yoga của Lahiri Mahasaya. Tôi xúc động vì tư tưởng phóng khoáng và tinh thần cầu thị của Mahatma. Ngài như trẻ thơ trong cuộc kiếm tìm thiêng liêng, bộc lộ khả năng tiếp thu tinh khôi mà Jesus đã khen ngợi ở trẻ con, “... nước trời là của những kẻ ấy.”

Đã đến giờ hướng dẫn như tôi đã hứa; một số satyagrahi giờ đã vào phòng - anh Desai, tiến sĩ Pingale, và một vài người khác cũng muốn được học kỹ thuật Kriya.

Đầu tiên, tôi dạy cho lớp học nhỏ các bài luyện tập thể chất Yogoda. Cơ thể được hình dung là chia thành hai mươi bộ phận; ý chí sẽ hướng năng lượng đến lần lượt từng bộ phận. Chẳng mấy chốc, trước mặt tôi ai nấy đều rung như một động cơ sống. Rất dễ nhận thấy phản ứng dây chuyền trên hai mươi bộ phận cơ thể Gandhi, gần như lúc nào cũng phơi cả ra cho thấy! Dù rất gầy, ngài không gầy kiểu khó nhìn; da ngài mịn và không nhăn nheo[406].

Sau đó, tôi điểm đạo cho nhóm vào pháp môn Kriya Yoga giải thoát.

Mahatma đã thành kính tìm hiểu mọi tôn giáo thế giới. Kinh Kỳ Na giáo, Tân Ước trong Kinh Thánh và các tác phẩm về xã hội học của Tolstoy[407] là ba nguồn chính cho các xác tín về bất bạo động của Gandhi. Ngài đã phát biểu cương lĩnh của mình như sau:

Tôi tin là Kinh thánh, kinh Koran, và Zend-Avesta[408]được thần khải như Vệ Đà. Tôi tin vào thiết chế sư phụ, nhưng ở thế kỷ này hàng triệu người phải đành không có sư phụ, vì hiếm mà tìm được một sự kết hợp giữa sự cao khiết siêu việt và sự viên thông. Nhưng ta không nên tuyệt vọng là có bao giờ hiểu được chân lý trong tôn giáo của ta, vì những nền tảng của Ấn Độ giáo cũng như của mọi tôn giáo lớn đều bất biến, và dễ hiểu.

Cũng như mọi người Ấn, tôi tin vào Thượng đế và tính nhất thể của Ngài, vào tái sinh và cứu độ... Tôi không thể diễn tả tình cảm của mình dành cho Ấn Độ giáo cũng như không thể diễn tả tình cảm đối với vợ mình. Không người đàn bà nào trên thế giới này khiến tôi xúc động như bà. Không phải bà không có lầm lỗi; tôi dám nói bà có nhiều lỗi hơn tôi tự thấy ở mình. Nhưng vẫn tồn tại cái cảm giác về mối ràng buộc không thể chia cắt được. Tôi cũng thông cảm và cảm nhận về Ấn Độ giáo cùng mọi khiếm khuyết và hạn chế của nó như vậy. Không có gì làm tôi vui như nhạc Gita, hay Ramayana của Tulsidas. Khi tôi hình dung mình hít vào hơi thở sau cùng, Gita sẽ là niềm khuây khỏa cho tôi.

Ấn Độ giáo không phải là một tôn giáo độc tôn. Trong đó có chỗ cho sự tôn thờ mọi đấng tiên tri trên thế giới[409]. Nó không phải là một tôn giáo có tính truyền giáo theo nghĩa thông thường của từ này. Nó rõ ràng đã đón nhận nhiều giới khác nhau vào hàng ngũ tín đồ của mình, nhưng sự tiếp nhận này có tính chất tiến hóa, không thể nhận thấy. Ấn Độ giáo khuyên mỗi người tôn thờ Thượng đế phù hợp với tín ngưỡng hay dharma[410]của mình, và do vậy sẽ sống hòa thuận với mọi tôn giáo.

Gandhi đã viết về Chúa: “Tôi chắc chắn rằng nếu giờ Ngài đang sống giữa loài người đây, Ngài sẽ ban ân huệ cho cuộc đời nhiều kẻ có lẽ còn chưa từng nghe đến tên Ngài... đúng như đã được viết: ‘Không phải bất cứ ai thưa với Thầy, Lạy Chúa! lạy Chúa!... nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy[411].’ Trong bài học cuộc đời của chính Ngài, Jesus đã chỉ cho nhân loại cái mục đích cao quý và đích đến duy nhất mà tất cả chúng ta nên khao khát hướng về. Tôi tin rằng Ngài không chỉ thuộc về Cơ Đốc giáo mà còn thuộc về toàn thế giới, mọi xứ sở và dân tộc.”

Buổi chiều cuối cùng ở Wardha tôi nói chuyện tại cuộc gặp gỡ mà anh Desai đã mời ở tòa Thị chính. Gian phòng chật ních đến tận bậu cửa sổ với chừng bốn trăm người nhóm lại để nghe trình bày về yoga. Đầu tiên tôi nói bằng tiếng Hindi, rồi bằng tiếng Anh.

Nhóm nhỏ chúng tôi quay lại ashram vừa kịp để chúc Mahatma ngủ ngon - ngài đang chìm trong tĩnh lặng và thư tín.

Đêm vẫn còn vương vất khi tôi thức giấc lúc năm giờ sáng.

Cuộc sống làng quê đã nhộn nhịp rồi; đầu tiên là một chiếc xe bò đi ngang trước cổng ashram, rồi một người nông dân chòng chành đội hàng nặng trên đầu. Ăn sáng xong, bộ ba chúng tôi tìm Gandhi để pranam từ giã. Thánh đã dậy lúc bốn giờ để cầu kinh sáng.

“Thưa Mahatma, xin tạm biệt!” Tôi quỳ xuống chạm chân ngài. “Ấn Độ sẽ an toàn khi bên ngài.”

Bao năm đã trôi qua từ khúc đồng quê Wardha ấy; mặt đất, đại dương, bầu trời tối sầm lại vì thế giới đang có chiến tranh.

Trong số các nhà lãnh đạo vĩ đại, một mình Gandhi đã đưa ra lựa chọn bất bạo động thực tiễn thay cho sức mạnh vũ trang. Để bù đắp lại những khổ đau và xóa bỏ bất công, Mahatma đã dùng phương thức bất bạo động, cái mà không biết bao lần đã chứng minh tính hiệu quả. Ngài nói rõ học thuyết của mình trong những câu sau:

Tôi đã nhận thấy rằng nhân sinh cứ mãi trong hủy diệt. Do vậy, cần phải có một luật cao hơn luật hủy diệt. Chỉ dưới sự điều khiển của luật đó thì xã hội có trật tự mới thông minh và cuộc đời mới đáng sống.

Nếu đó là luật đời thì ta phải thực hiện nó trong hiện hữu mỗi ngày. Nơi đâu có chiến tranh, nơi đâu ta đối mặt địch thủ, hãy chinh phục bằng tình yêu thương. Tôi thấy rằng luật yêu thương chắc chắn đã có kết quả trong chính đời tôi mà luật hủy diệt chưa bao giờ làm được.

Ở Ấn Độ chúng tôi đã có một minh chứng rõ ràng về sự vận hành của luật này trên bình diện rộng lớn nhất có thể.

Tôi không khẳng định rằng bất bạo động đã thấm nhuần ba trăm sáu mươi triệu người Ấn Độ, nhưng tôi khẳng định rằng nó đã thấm sâu hơn bất kỳ học thuyết nào khác trong một thời gian ngắn đến khó tin.

Cần có một quá trình tập luyện khó khăn mới đạt được tâm thái bất bạo động. Đó là một đời sống tu rèn, như đời sống của một chiến sĩ. Trạng thái hoàn hảo chỉ đạt được khi tâm, thân, và lời nói phối hợp đúng. Mọi vấn nạn sẽ tự tìm thấy lời giải nếu chúng ta quyết tâm làm cho luật chân lý và bất bạo động trở thành luật của cuộc đời.

Diễn biến tàn khốc của các sự kiện chính trị thế giới chỉ ra một cách dứt khoát chân lý là không có tầm nhìn tâm linh, con người sẽ diệt vong. Khoa học, nếu không phải là tôn giáo, đã khơi gợi ở nhân loại một cảm thức mơ hồ về sự bất an và thậm chí là tính mong manh ở mọi thứ vật chất. Quả thực con người giờ sẽ đi đâu, nếu không phải là về Nguồn và Cội của y, Tinh thần bên trong y?

Nhìn lại lịch sử, ta có thể nói một cách hợp lý là những vấn đề của con người đã không được giải quyết bằng cách sử dụng vũ lực. Thế chiến I đã tạo ra một quả cầu tuyết nghiệp chướng đáng sợ làm lạnh địa cầu, lớn dần thành Thế chiến II. Chỉ có hơi ấm tình huynh đệ mới có thể làm tan quả cầu tuyết khổng lồ hiện tại của nghiệp đẫm máu mà nếu không thì có lẽ sẽ lớn thành Thế chiến III.

Ba ngôi phi thiêng liêng thế kỷ hai mươi! Việc dùng luật rừng thay vì lẽ phải con người để giải quyết các tranh chấp sẽ biến Trái đất thành rừng rậm trở lại. Đã không là huynh đệ lúc sống thì làm anh em trong cái chết bạo tàn. Nào phải vì sự ô nhục đó mà Thượng đế đã yêu thương cho phép con người khám phá ra sự giải phóng năng lượng nguyên tử!

Chiến tranh và tội ác không bao giờ mang lại điều gì. Hàng tỉ đô la biến thành khói bụi bùng nổ vô ích là đủ để gây dựng một thế giới mới, nơi hầu như không còn bệnh tật và hoàn toàn không còn đói nghèo. Không phải một Trái đất sợ hãi, hỗn loạn, đói kém, bệnh dịch, danse macabre[412], mà là một miền đất bao la hòa bình, thịnh vượng, và tri thức mở mang.

Tiếng nói bất bạo động của Gandhi kêu gọi lương tri cao nhất ở con người. Làm sao để các dân tộc không liên minh với cái chết nữa, mà với sự sống; không phải với hủy diệt, mà với kiến thiết; không với hận thù, mà với phép lạ sáng tạo là tình yêu.

“Con người nên tha thứ, dù có phải chịu tổn thương gì,”

Mahabharata nói. “Sự kế tục các loài có được là nhờ con người biết dung thứ. Tha thứ là cao quý; nhờ tha thứ mà vũ trụ được giữ lại với nhau. Tha thứ là sức mạnh của kẻ phi thường; tha thứ là hy sinh; tha thứ là sự thư thái của tâm. Tha thứ và hòa nhã là những phẩm chất của kẻ điềm tĩnh. Những phẩm chất ấy đại diện cho đức hạnh bất diệt.”

Bất bạo động là kết quả tự nhiên của luật tha thứ và thương yêu. “Nếu hy sinh tính mạng trở nên cần thiết trong một cuộc chiến chính nghĩa,” Gandhi tuyên bố, “ta nên sẵn lòng, như Jesus, đổ máu chính mình, không phải máu kẻ khác. Thế gian cuối cùng sẽ bớt đi cảnh đổ máu.”

Một ngày nào đó sẽ có các sử thi viết về những satyagrahi Ấn Độ, những người đã chống lại hận thù bằng tình yêu, bạo lực bằng bất bạo động, những người thà để mình bị tàn sát không thương tiếc còn hơn là cầm vũ khí. Trong lịch sử đã có những lúc mà cuối cùng kẻ địch phải buông súng bỏ chạy - hổ thẹn, xúc động đến tận tâm can khi thấy những con người quý mạng sống kẻ khác hơn mạng sống chính mình.

“Tôi sẽ chờ, nếu cần, hàng thế kỷ,” Gandhi nói, “hơn là tìm kiếm tự do cho đất nước mình bằng giải pháp đổ máu.” Kinh Thánh đã cảnh báo chúng ta: “Tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm[413].” Mahatma viết:

Tôi tự gọi mình là người theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng chủ nghĩa dân tộc của tôi cũng bao la như vũ trụ. Phạm vi của nó bao gồm mọi dân tộc trên địa cầu[414]. Chủ nghĩa dân tộc của tôi bao gồm sự thịnh vượng của toàn thế giới. Tôi không muốn Ấn Độ của mình vươn lên từ đống tro tàn của những dân tộc khác. Tôi không muốn Ấn Độ bóc lột một ai. Tôi muốn Ấn Độ mạnh mẽ để nàng còn truyền cho các dân tộc khác sức mạnh của mình. Không một dân tộc nào ở châu Âu ngày nay như vậy cả; họ không truyền sức mạnh cho kẻ khác.

Tổng thống Wilson đã nêu ra mười bốn điểm cao đẹp của ngài, nhưng ngài nói: “Sau cùng, nếu cố gắng đạt được hòa bình này của chúng ta thất bại, chúng ta cũng vẫn còn vũ khí mà dựa vào.” Tôi muốn đảo lại trật tự đó, và tôi sẽ nói: “Vũ khí của ta đã thất bại rồi. Giờ ta hãy tìm kiếm cái gì mới; ta hãy thử sức mạnh của tình yêu và Thượng đế, là chân lý.” Khi ta đã có được điều đó rồi, ta sẽ không còn cần gì khác nữa.

CHỮ VIẾT TAY CỦA MAHATMA GANDHI, TIẾNG HINDI

Mahatma Gandhi đến thăm Yogoda Satsanga Brahmacharya Vidyalaya, trường trung học dạy yoga ở Ranchi, Ấn Độ. Ngài đã rộng lòng viết dòng trên đây trong sổ cảm tưởng. Ngài viết:

“Trung tâm này đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong trí tôi. Tôi nuôi hy vọng lớn là trường này sẽ khuyến khích thêm nữa việc sử dụng guồng quay sợi.”

17-9-1925 (ký tên) Mohandas Gandhi

Bằng việc dạy dỗ hàng ngàn satyagrahi chân chính (những người đã tuyên thệ mười một điều nghiêm ngặt đã được nhắc đến ở đầu chương này), những người đến lượt mình sẽ truyền bá thông điệp; bằng việc kiên trì giáo dục quần chúng Ấn Độ hiểu ra các lợi ích tinh thần và cuối cùng là vật chất của bất bạo động; bằng cách vũ trang cho dân mình vũ khí bất bạo động - bất hợp tác với bất công, cam chịu sỉ nhục, tù đày, và chính cái chết còn hơn là cậy đến vũ khí; bằng cách giành được sự đồng cảm của thế giới qua vô số tấm gương hy sinh vì nghĩa anh hùng của các satyagrahi, Mahatma Gandhi đã mô tả một cách xúc động tính thực tiễn của bất bạo động, sức mạnh uy nghiêm của nó khi dàn xếp các tranh chấp mà không cần đến chiến tranh.

Bằng phương pháp bất bạo động Gandhi đã giành được nhiều nhượng bộ chính trị cho xứ sở mình hơn bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào khác từng giành được nhờ đạn dược. Các phương pháp bất bạo động để tận diệt mọi cái sai và cái ác đã được áp dụng xuất sắc không chỉ trên vũ đài chính trị mà còn trong lĩnh vực tế nhị và phức tạp là cải cách xã hội Ấn Độ. Gandhi và các đệ tử đã xóa bỏ nhiều mối hận thù truyền kiếp giữa tín đồ Ấn giáo và Hồi giáo; hàng trăm ngàn tín đồ Hồi giáo đã xem Mahatma như lãnh tụ của mình. Những kẻ tiện dân đã thấy ở ngài người anh hùng quả cảm và bất khả chiến bại của họ. “Nếu tôi được đầu thai,” Gandhi viết, “tôi ước mình được sinh ra làm một tiện dân giữa những tiện dân, bằng cách ấy tôi mới có thể phụng sự họ tốt hơn.”

Mahatma quả thực là một “thánh nhân”, nhưng chính hàng triệu con người thất học mới sáng suốt trao tặng danh hiệu ấy.

Nhà lập thuyết nhu hòa này được quý trọng ở chính quê hương mình. Người nông dân thấp hèn đã có thể vươn tới thách thức cao của Gandhi. Mahatma một lòng tin vào sự cao quý vốn có của con người. Những sai lầm không thể tránh khỏi chưa bao giờ làm ngài vỡ mộng. “Dù kẻ đối địch có lừa dối satyagrahi hai mươi lần,’ ngài viết, “satyagrahi cũng sẽ sẵn sàng tin tưởng hắn lần thứ hai mươi mốt, vì một niềm tin tuyệt đối ở nhân tính chính là cốt lõi của tín điều[415].”

“Mahatmaji, ngài là một người khác thường. Ngài không nên mong chờ thế giới hành xử như ngài được.” Một nhà phê bình có lần đã nói vậy.

“Thật khó hiểu, sao chúng ta lại có thể tự lừa dối mình, cho rằng thể xác thì có thể tiến bộ, nhưng đánh thức những sức mạnh tiềm ẩn trong linh hồn thì lại không thể,” Gandhi đã đáp lại. “Tôi sẽ cố chứng minh xem tôi có khả năng nào trong những khả năng ấy không, vì tôi cũng là một con người yếu ớt như bất cứ ai và vì tôi chưa từng có gì đặc biệt mà giờ cũng không. Tôi là một cá thể bình thường dễ mắc sai lầm như bất cứ đồng loại nào. Song, tôi thừa nhận, tôi có đủ khiêm tốn để thừa nhận sai lầm của mình và quay lại. Tôi thừa nhận rằng tôi có một niềm tin không lay chuyển được vào Thượng đế và lòng tốt của Ngài, và một niềm đam mê không bao giờ mất dành cho chân lý và tình yêu. Nhưng chẳng phải đó là cái tiềm ẩn trong trong bất cứ ai hay sao?” Ngài nói thêm: “Nếu chúng ta có thể có những khám phá và phát minh mới trong thế giới hiện tượng, ta phải tuyên bố khánh kiệt trên bình diện tâm linh hay sao? Lẽ nào không thể nhân rộng những ngoại lệ mà biến chúng thành quy luật? Nếu mà như vậy, con người phải luôn là súc vật trước đã rồi mới là con người hay sao?”[416] Người Hoa Kỳ có thể tự hào nhớ rõ về thể nghiệm bất bạo động thành công của William Penn khi ông thành lập khu định cư ở Pennsylvania vào thế kỷ mười bảy. Ở đó “không có pháo đài, không lính, không dân quân, thậm chí cũng không có vũ khí”.

Giữa các cuộc giao tranh biên giới dữ dội và các cuộc tàn sát diễn ra giữa những người mới định cư và người da đỏ Bắc Mỹ, chỉ có người Quaker ở Pennsylvania là không bị quấy nhiễu. “Một số bị giết; số khác bị thảm sát; nhưng họ thì an toàn. Không một phụ nữ Quaker nào bị tấn công; không một trẻ em Quaker nào bị giết, không một đàn ông Quaker nào bị tra tấn.” Khi cuối cùng, người Quaker buộc phải từ bỏ quyền lãnh đạo bang, “chiến tranh nổ ra, và một số người Pennsylvania bị giết. Nhưng chỉ có ba người Quaker bị giết, ba người ấy lúc bấy giờ đã từ bỏ niềm tin đến mức cầm vũ khí tự vệ.”

“Dùng đến vũ lực trong Đại chiến (Thế chiến I) đã không thể đem lại sự bình yên,” Franklin D. Roosevelt đã chỉ ra. “Chiến thắng và chiến bại đều vô nghĩa như nhau. Bài học đó thế giới có lẽ đã học được.”

“Càng lắm binh khí tham tàn, càng nhiều khổ đau cho nhân loại,” Lão Tử dạy. “Chiến thắng của bạo lực kết thúc trong đám tang.”

“Tôi tranh đấu cho hòa bình thế giới trọn vẹn,” Gandhi đã tuyên bố. “Nếu phong trào của Ấn Độ dẫn tới thành công dựa trên Satyagraha bất bạo động thì nó sẽ đem lại một ý nghĩa mới cho chủ nghĩa yêu nước và, nếu tôi có thể nói vậy với tất cả sự khiêm cung, cho chính nhân sinh.”

Trước khi bác bỏ cương lĩnh của Gandhi như cương lĩnh của một kẻ mơ mộng hão huyền, phương Tây hãy nên suy ngẫm về một định nghĩa Satyagraha của vị Thầy xứ Galilee:

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.

Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa[417].”

Thời đại của Gandhi đã kéo dài, với sự chính xác tuyệt hảo của lịch trình vũ trụ, đến tận cái thế kỷ điêu tàn và bị tàn phá bởi hai cuộc Thế chiến. Một chữ viết tay cao quý xuất hiện trên tường đá granit của đời ngài: một lời răn phản đối việc đổ máu thêm nữa giữa huynh đệ.

* * *

Chú thích:

[397] Họ của ngài là Mohandas Karamchand Gandhi. Ngài không bao giờ tự xưng mình là “Mahatma”.

[398] Dịch theo nghĩa đen từ tiếng Phạn là “một lòng với chân lý”. Satyagraha là phong trào bất bạo động nổi tiếng do Gandhi lãnh đạo.

[399] Cô đã xuất bản một số bức thư Mahatma viết, cho thấy sự huấn luyện tự kỷ luật mà sư phụ dành cho cô (Gandhi’s Letters to a Disciple [Những lá thư của Gandhi cho một đệ tử

[400] Cô Slade làm tôi nhớ đến một phụ nữ phương Tây lỗi lạc khác, cô Margaret Woodrow Wilson, trưởng nữ của vị tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ. Tôi đã gặp cô ở New York; cô rất quan tâm đến Ấn Độ. Về sau cô tới Pondicherry, nơi cô dành năm năm cuối đời của mình, thanh thản theo đuổi con đường tu hành dưới chân vị thầy giác ngộ Sri Aurobindo Ghosh.

[401] Trong nhiều năm ở Hoa Kỳ có những lúc tôi giữ tịnh khẩu, khiến những người đến thăm và thư ký kinh ngạc.

[402] Không sát sinh; bất bạo động; những hòn đá tảng trong tín điều của Gandhi. Ngài chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các tín đồ Kỳ Na giáo, những người coi trọng ahimsa như đức hạnh nguồn cội.

[403] Gandhi đã viết rất hay về hàng ngàn đề tài. Về cầu nguyện thì ngài nói: “Nó là lời nhắc nhở cho chính chúng ta rằng chúng ta bơ vơ nếu không có sự cưu mang của Thượng đế. Không có nỗ lực nào là trọn vẹn nếu không có cầu nguyện, nếu không có nhận thức rõ ràng rằng cố gắng lớn nhất của con người sẽ không có kết quả nếu đằng sau nó không có sự ban ơn của Thượng đế. Cầu nguyện là lời kêu gọi đức khiêm cung. Nó là một lời kêu gọi tự thanh lọc, tìm kiếm nội tâm.”

[404] Tiếng Hindi là ngôn ngữ Ấn-Aryan chủ yếu dựa trên gốc tiếng Phạn; nó là ngôn ngữ chính ở Bắc Ấn Độ. Phương ngữ chính của tiếng Hindi ở miền Tây là tiếng Hindustani, được viết cả bằng chữ Devanagan (như trong tiếng Phạn) và chữ Arập. Thổ ngữ của nó là Urdu, được người Hồi giáo và người Ấn ở Bắc Ấn nói.

[405] Gandhi đã mô tả đời mình với sự chân thật vô cùng trong The Story of My Experiments with Truth (Câu chuyện về những thể nghiệm chân lý của tôi) (Ahmedabad: Navajivan Press, 1927-28, 2 tập). Tự truyện này đã được tóm tắt trong Mahatma Gandhi, His Own Story (Mahatma Gandhi, câu chuyện đời ngài), do C. F. Andrews biên soạn, với lời giới thiệu của John Haynes Holmes (New York: Macmillan Co., 1930).Nhiều tự truyện dày đặc những tên tuổi nổi tiếng và sự kiện đầy màu sắc lại gần như hoàn toàn không nói gì đến một giai đoạn tự mổ xẻ hay tu tâm nào. Người ta bỏ từng cuốn ấy xuống với một sự bất mãn nhất định, như muốn nói: “Đây là người quen biết nhiều người nổi tiếng nhưng là người không tự biết mình.” Phản ứng này là không thể có với tự truyện của Gandhi; việc ngài phơi bày lỗi lầm và những thủ đoạn của mình cùng sự trung thành khách quan với sự thật là hiếm thấy trong các tự truyện ở bất kỳ thời nào.

[406] Gandhi đã trải qua nhiều gian đoạn tuyệt thực ngắn và dài. Ngài có được sức khỏe tốt một cách khác thường. Sách của ngài, Diet and Diet Reform (Chế độ ăn và cải cách chế độ ăn); Nature Cure (Chữa bệnh bằng thiên nhiên); và Key to Health (Bí quyết để có sức khỏe) có tại Nhà xuất bản Navajivan, Ahmedabad, Ấn Độ.

[407] Thoreau, Ruskin, và Mazzini là ba nhà văn phương Tây khác có quan điểm xã hội học được Gandhi nghiên cứu cẩn thận.

[408] Kinh thiêng mà Zoroaster trao cho Ba Tư vào khoảng năm 1.000 trước Công nguyên.

[409] Nét độc đáo của Ấn Độ giáo trong các tôn giáo thế giới là nó không bắt nguồn từ một đại giáo chủ duy nhất mà từ các kinh Vệ Đà khuyết danh. Ấn Độ giáo do vậy cho phép tín đồ tôn thờ các đấng tiên tri mọi thời đại và mọi xứ sở. Kinh Vệ Đà điều chỉnh không chỉ các thực hành sùng tín mà còn mọi tập quán xã hội quan trọng, nhằm đưa mọi hành vi con người vào hòa hợp với luật trời.

[410] Một từ Phạn bao quát để chỉ quy luật; sự tuân theo luật hay sự công bằng tự nhiên; bổn phận tự thân của con người trong mọi hoàn cảnh và mọi lúc. Kinh định nghĩa _dharma_ là “các quy luật chung tự nhiên mà tuân thủ nó sẽ giúp con người cứu mình khỏi băng hoại và đau khổ.”

[411] Tin Mừng theo thánh Matthêu 7:21.

[412] Tiếng Pháp: vũ điệu thần chết. (ND - BBT).

[413] Tin Mừng theo thánh Matthêu 26:52. Đây là một trong rất nhiều đoạn trong Kinh Thánh ngụ ý một cách tất yếu về sự tái sinh của người (xem chú thích trang 235-236). Rất nhiều điều phức tạp của cuộc đời chỉ có thể được giải thích nhờ hiểu biết về luật nhân quả công bằng.

[414] “Chớ vui mừng vì ta yêu đất nước mình; Nên vui mừng vì ta yêu đồng loại của mình.” - Ngạn ngữ Ba Tư

[415] “Bấy giờ, ông Phêro (Peter) đến gần Ðức Giêsu (Jesus) mà hỏi rằng, Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Giêsu nói với ông, Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” - Tin Mừng theo thánh Matthêu 18:21-22. Tôi đã thành tâm cầu nguyện để hiểu được lời khuyên dứt khoát này. “Lạy Chúa,” tôi phản đối, “có thể nào vậy chăng?” Khi cuối cùng Giọng Trời đáp thì Nó đem lại một cơn lũ ánh sáng làm ta phải khiêm cung: “Biết bao lần, hỡi người, mỗi ngày ta tha thứ cho mỗi người các ngươi?”

[416] Charles P. Steinmetz, kỹ sư điện lỗi lạc, có lần được ông Roger W. Babson hỏi: “Lĩnh vực nghiên cứu nào sẽ chứng kiến sự phát triển lớn nhất trong vòng năm mươi năm tới?” “Tôi nghĩ phát minh vĩ đại nhất sẽ diễn ra trong các lĩnh vực tâm linh,” Steinmetz đáp. “Đây là sức mạnh mà lịch sử đã cho thấy rõ ràng là sức mạnh lớn nhất trong sự phát triển của nhân loại. Thế nhưng chúng ta đã chỉ đùa với nó mà chưa hề nghiêm túc nghiên cứu nó như ta đã làm với các lực lượng vật chất. Một ngày nào đó, người ta sẽ học được rằng những thứ vật chất không mang lại hạnh phúc và không mấy hữu ích trong việc làm cho đàn ông đàn bà sáng tạo và mạnh mẽ. Bấy giờ các nhà khoa học trên thế giới sẽ giao phòng thí nghiệm cho việc tìm hiểu Thượng đế và cầu nguyện và những sức mạnh tâm linh mà hầu như vẫn chưa được bàn đến. Khi ngày đó đến, thế giới sẽ thấy tiến bộ trong một thế hệ nhiều hơn trong bốn thế hệ qua.”

[417] Tin Mừng theo thánh Matthêu 5:38-3.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3