Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 43
CHƯƠNG 43
Sri Yukteswar sống lại
“Thần Krishna!” Hình dáng huy hoàng của hiện thân ấy hiện ra trong ánh sáng chói lung linh khi tôi đang ngồi trong phòng mình tại khách sạn Regent ở Bombay. Chiếu sáng bên trên mái tòa nhà cao bên kia đường, linh ảnh không thể tả nổi vừa chợt hiện ra trước cái thấy của tôi khi tôi nhìn ra ngoài cửa sổ cao đang mở trên tầng ba.
Hình dáng siêu phàm vẫy tôi, mỉm cười và gật đầu chào. Khi tôi không thể hiểu chính xác ý của thần Krishna, ngài biến mất với một cử chỉ ban phúc. Hân hoan lạ kỳ, tôi cảm thấy rằng một sự kiện tâm linh nào đó đã được báo trước.
Chuyến đi về phương Tây của tôi, tạm thời lúc này, đã bị hủy.
Tôi đã có lịch cho vài cuộc nói chuyện trước công chúng ở Bombay rồi mới về thăm lại Bengal.
Đang ngồi trên giường mình tại khách sạn ở Bombay lúc ba giờ chiều ngày 19-6-1936 - một tuần sau ngày có linh ảnh Krishna - tôi xuất thiền bởi một ánh sáng siêu nhiên. Trước đôi mắt tôi mở ra sửng sốt, cả căn phòng biến thành một thế giới kỳ lạ, ánh nắng hóa thành một vầng rực rỡ huyền diệu.
Tôi ngập trong những đợt sóng diễm phúc khi nhìn thấy hình hài bằng xương bằng thịt của Sri Yukteswar!
“Con trai ta!” Thầy nói dịu dàng, nụ cười hút hồn thiên thần trên mặt.
Lần đầu tiên trong đời tôi không quỳ dưới chân thầy để chào mà tức thì tiến tới khát khao ôm lấy thầy. Ôi khoảnh khắc trong mọi khoảnh khắc! Nỗi sầu đau những tháng qua là tổn thất mà tôi thấy nhẹ bỗng đi trước thác diễm phúc giờ đang tuôn xuống.
“Thầy của con ơi, thầy yêu dấu của lòng con, sao thầy lại bỏ con?” Tôi nói rời rạc vì quá đỗi vui mừng. “Sao thầy lại để con đi Kumbha Mela? Con đã đắng cay biết chừng nào tự trách mình đã bỏ thầy mà đi!”
“Ta không muốn cản trở con khi con háo hức vui mừng muốn nhìn thấy điểm hành hương lần đầu ta gặp Babaji. Ta chỉ bỏ con một lúc; không phải ta lại đang bên con đây sao?”
“Nhưng có phải là thầy không, thưa thầy, cũng là Sư tử của Thượng đế ấy? Thầy có đang khoác một xác thân như xác thân con đã chôn dưới cát Puri tàn nhẫn?”
“Phải, con ta, cũng chính là ta đây. Đây là một thân bằng xương bằng thịt. Dù ta thấy nó là thanh khí (ête), trước cái thấy của con thì nó là xác phàm. Bằng các nguyên tử vũ trụ ta tạo ra một thân hoàn toàn mới, đúng như cái xác phàm chiêm bao vũ trụ mà con đã đặt dưới cát chiêm bao ở Puri trong thế giới chiêm bao của con. Ta kỳ thực đã sống lại - không phải ở hạ giới mà là trên một hành tinh trung giới. Cư dân ở đó đáp ứng các chuẩn mực trác việt của ta tốt hơn loài người hạ giới. Ở đó, con và những người thân yêu cao quý của con một ngày nào đó cũng sẽ đến cùng ta.”
“Sư phụ bất tử, xin hãy kể thêm cho con!”
Thầy khẽ khúc khích cười vui. “Làm ơn, con thân yêu,” thầy nói, “con nới lỏng vòng tay một chút được không?”
“Chỉ một chút thôi!” Nãy giờ tôi đã ôm thầy chặt cứng. Tôi còn nhận ra được vẫn cái mùi tự nhiên, thơm, thoang thoảng riêng có nơi thân thầy ngày xưa. Cái cảm giác xúc động chạm vào da thịt thần thánh của thầy vẫn còn vương phía trong cánh tay và lòng bàn tay tôi mỗi khi tôi nhớ lại những giờ khắc rực rỡ ấy.
“Cũng như các đấng tiên tri được phái xuống trái đất để giúp con người giải nghiệp cõi trần, ta đã được Thượng đế lệnh cho làm một vị cứu độ trên một hành tinh trung giới,” Sri Yukteswar giải thích. “Nó được gọi là Hiranyaloka hay ‘Hành tinh Trung giới Giác ngộ’. Ở đó ta giúp các hữu thể tiên tiến giũ bỏ nghiệp trung giới và nhờ đó không còn phải tái sinh vào trung giới. Dân cõi Hiranyaloka đã tiến hóa cao về mặt tâm linh; tất cả họ, trong kiếp đầu thai ở hạ giới gần đây nhất, đã đạt được cái thiền lực dùng ý thức mà lìa bỏ xác thân khi chết.
Không ai có thể nhập vào cõi Hiranyaloka nếu ở hạ giới hắn chưa vượt qua trạng thái sabikalpa samadhi mà vào trạng thái nirbikalpa samadhi[382] cao hơn.
“Cư dân Hiranyaloka đã đi qua các cảnh trung giới bình thường rồi, nơi mà hầu như mọi loài hạ giới khi chết đều phải tới; ở đó, họ đã diệt nhiều chủng tử của nghiệp liên quan tới hành động trong quá khứ của mình ở các cảnh trung giới. Chỉ những tín đồ trình độ tâm linh cao mới có thể thực thi có hiệu lực cái sứ mệnh tiếp độ như vậy ở các thiên cầu trung giới[383]. Rồi, để giũ bỏ linh hồn mình sạch trơn mọi vết tích của nghiệp trung giới, những loài này bị quy luật vũ trụ thu hút, phải tái sinh vào các thiên thể khác trên Hiranyaloka, Mặt trời trung giới hay trời, nơi ta đang có mặt để giúp họ. Trên Hiranyaloka còn có các vị gần thành tựu vừa từ cõi thượng giới cao hơn đến.”
Tâm tôi lúc này đã hòa điệu với tâm của sư phụ toàn hảo đến mức thầy đang truyền đạt những hình ảnh-ngôn từ của thầy qua tôi phần bằng lời và phần bằng tâm truyền. Nhờ vậy tôi nhận rất nhanh những tin vắn-tư tưởng của thầy.
“Con đã đọc trong kinh,” thầy nói tiếp, “rằng Thượng đế bọc linh hồn con người vào ba thể liên tiếp - thể trí, hay thể nhân quả; thể vía hay thể dục vọng vi tế, nơi chứa các trạng thái tâm thần và cảm xúc của con người; và thể xác phàm thô lậu. Ở hạ giới, con người có được các quan năng thể xác. Loài trung giới hành xử bằng tâm thức, cảm giác và một thân thể được làm từ các lifetron[384]. Loài thượng giới ở trong cõi trí cực lạc. Công tác của ta là ở bên loài trung giới đang chuẩn bị bước vào thượng giới ấy.”
“Thầy đáng kính, xin hãy cho con nghe thêm về trung giới.” Dù tôi chỉ vừa nới vòng tay một chút, theo yêu cầu của Sri Yukteswar thì tay tôi cũng vẫn ôm quanh thầy. Báu vật hơn cả mọi báu vật, sư phụ của tôi, người đã cười nhạo cái chết mà đến với tôi!
“Có nhiều hành tinh trung giới, nhan nhản loài trung giới,”
thầy bắt đầu. “Cư dân dùng các tầng trung giới, hay các khối ánh sáng, để đi từ hành tinh này qua hành tinh khác, nhanh hơn năng lượng điện và phóng xạ.
“Vũ trụ trung giới, được làm từ nhiều rung động ánh sáng và màu sắc vi tế khác nhau, lớn hơn vũ trụ vật chất hàng trăm lần.
Toàn thể sáng tạo hạ giới lơ lửng như một cái giỏ nhỏ đặc, treo bên dưới quả khí cầu to phát sáng là thiên cầu trung giới. Cũng như có nhiều mặt trời và sao hạ giới lang thang trong không gian, thì cũng có vô số hệ mặt trời và tinh tú trung giới. Các hành tinh của chúng có các mặt trời và mặt trăng trung giới, đẹp hơn mặt trời và mặt trăng hạ giới. Các thể sáng trung giới giống như các Bắc Cực quang - cực quang mặt trời trung giới thì rực rỡ hơn cực quang mặt trăng có tia dịu nhẹ. Ngày và đêm ở trung giới dài hơn ngày và đêm ở hạ giới.
“Trung giới đẹp đẽ, sạch, tịnh, và ngăn nắp vô cùng. Không có những hành tinh chết hay đất đai cằn cỗi. Những loài bất toàn kiểu trái đất - cỏ dại, vi khuẩn, sâu bọ, rắn rết - tuyệt nhiên không có. Không như các miền khí hậu và mùa hay thay đổi ở trái đất, các thiên cầu trung giới duy trì nhiệt độ điều hòa của một mùa xuân vĩnh cửu, thỉnh thoảng có tuyết trắng phát sáng và mưa ánh sáng nhiều màu sắc. Các hành tinh trung giới có rất nhiều hồ màu ngọc ô-pan biển sáng và sông cầu vồng.
“Vũ trụ trung giới bình thường - không phải thiên đường trung giới Hiranyaloka thanh tao hơn - có hàng triệu hữu thể trung giới sinh sống, những kẻ ít nhiều mới từ hạ giới lên, và còn rất nhiều tiên, người cá, cá, thú, yêu tinh, tiểu yêu, tiểu thần và hồn ma, tất cả đều ngụ trong các hành tinh trung giới khác nhau phù hợp với các tính chất nghiệp của mình. Nhiều đền đài thiên cầu khác nhau hay các vùng rung động được dành cho các hồn ác và hồn thiện. Những hồn thiện có thể đi lại tự do, nhưng hồn ác thì bị giam hãm trong các khu vực hạn định. Cũng hệt như con người sống trên bề mặt trái đất, giun dế dưới đất, cá dưới nước, chim trên trời, những loài trung giới thuộc các cấp khác nhau được phân định vào các vùng rung động phù hợp.
“Giữa các thiên thần xấu sa ngã, bị trục xuất khỏi các cõi khác, diễn ra các va chạm và giao tranh bằng bom lifetron hay các tia rung động mantra tinh thần[385]. Những loài này ngụ ở những vùng chìm trong u ám của vũ trụ trung giới thấp hơn, trả cho hết ác nghiệp của mình.
“Trong những cảnh giới bao la bên trên ngục trung giới tối tăm, muôn vật đều sáng ngời và đẹp đẽ. Vũ trụ trung giới hòa điệu với thiên ý và ý đồ toàn thiện một cách tự nhiên hơn hạ giới.
Mọi vật ở trung giới đều được hóa hiện chủ yếu bởi thiên ý, và một phần bởi ý muốn của loài trung giới. Họ sở đắc cái quyền năng sửa đổi hay tăng thêm sự duyên dáng và hình hài của bất kỳ thứ gì Thượng đế đã tạo ra. Ngài đã cho con cháu trung giới của Ngài sự tự do và đặc quyền tùy ý thay đổi hay cải thiện vũ trụ trung giới. Trên Trái đất, một vật rắn phải được chuyển thành chất lỏng hay dạng khác qua các quá trình tự nhiên hay hóa học, nhưng các chất rắn ở trung giới được chuyển hóa thành chất lỏng, khí, hay năng lượng trung giới tức thì và chỉ bằng ý muốn của dân trên đó.
“Trái đất tăm tối bởi chiến tranh và giết chóc trên biển, đất liền, và trên không,” sư phụ tôi nói tiếp, “nhưng các cảnh trung giới có được sự hòa hợp vui vầy và bình đẳng. Loài trung giới tàng hình hay hiện ra tùy ý. Hoa hay cá hay thú có thể tự biến hình, trong một thời gian, thành người trung giới. Mọi loài trung giới đều được tự do khoác lấy bất kỳ thể dạng nào, và có thể dễ dàng giao tiếp với nhau. Không có quy luật tự nhiên, cố định, rõ ràng nào vây hãm họ - ví dụ, họ có thể muốn bất kỳ cây trung giới nào cho ra quả xoài trung giới hay loại quả, hoa mong muốn nào đó, hay thực ra là bất kỳ thứ gì khác. Cũng có một số câu thúc của nghiệp, nhưng ở trung giới không có sự phân biệt về cái đẹp của các thể dạng khác nhau. Mọi thứ đều rung động bởi ánh sáng sáng tạo của Thượng đế.
“Không ai là do đàn bà sinh ra; loài trung giới hóa hiện ra con cái qua sự trợ lực của ý chí vũ trụ của họ thành những hình hài thanh khí kết tụ, theo mẫu một cách đặc biệt. Kẻ mới phân rã thân xác vật chất sẽ vào một gia đình trung giới qua lời mời gọi, thu hút bởi các thiên hướng tâm linh và tâm thần tương đồng.
“Thể vía không phải chịu lạnh hay nóng hay các điều kiện tự nhiên khác. Bên trong thể vía gồm có não thể vía, hay hoa sen ánh sáng ngàn cánh, và sáu trung khu đã được đánh thức ở sushumna, hay trục não tủy thể vía. Tim thu hút năng lượng và ánh sáng vũ trụ từ não thể vía, rồi bơm nó vào dây thần kinh và các tế bào thể vía, hay các lifetron. Loài trung giới có thể thực hiện các thay đổi nơi hình hài mình bằng lực lifetron và bằng các rung động mantra linh thiêng.
“Trong hầu hết trường hợp, thể vía là một bản sao chính xác của hình hài hạ giới gần nhất. Gương mặt và hình dáng của người trung giới giống gương mặt và dáng người của anh ta thời trẻ ở chốn trọ trần gian trước kia. Thỉnh thoảng một ai đó, như chính ta, sẽ chọn giữ lại vẻ bề ngoài già nua của mình.” Thầy, toát ra chính cái tinh hoa trẻ trung, vui vẻ cười tủm tỉm.
“Không như thế giới vật chất ba chiều không gian chỉ tri giác được bằng năm giác quan, các thiên cầu trung giới thấy được giác quan thứ sáu toàn diện - trực giác,” Sri Yukteswar nói tiếp. “Mọi loài trung giới đều thấy, nghe, ngửi, nếm, và sờ hoàn toàn bằng cảm nhận trực giác. Họ có ba mắt, hai mắt khép hờ. Mắt thứ ba nằm dọc trên trán và là mắt thể vía chính, thì mở. Các loài trung giới có mọi quan năng thụ cảm bên ngoài - tai, mắt, mũi, lưỡi, và da - nhưng họ dùng trực giác để cảm nhận cảm giác bằng bất kỳ bộ phận cơ thể nào; họ có thể thấy bằng tai, hay mũi, hay da. Họ có thể nghe bằng mắt hay lưỡi, và có thể nếm bằng tai hay da, chẳng hạn[386].
“Thể xác của người phơi ra trước vô số rủi ro, và dễ dàng bị đau hay thương tật; thể vía thanh khí thỉnh thoảng cũng có thể bị đứt hay bầm tím nhưng được chữa lành tức thì chỉ bằng ý muốn.”
“Sư phụ siêu việt, phải chăng người trung giới ai cũng đẹp đẽ?”
“Cái đẹp ở trung giới là một phẩm chất tinh thần mà không phải sắc tướng bên ngoài,” Sri Yukteswar đáp. “Loài trung giới do vậy không xem trọng đường nét khuôn mặt mấy. Tuy nhiên, họ có đặc quyền tùy ý mặc cho mình những thân mới, nhiều màu sắc, hóa hiện ra theo cách siêu nhiên. Cũng như người trên Trái đất ăn diện để đi dự các sự kiện hội hè, loài trung giới cũng có các dịp để mà trang điểm mình theo những hình hài được tạo ra một cách đặc biệt.
“Các hội hè vui vẻ trên các hành tinh trung giới cao hơn như Hiranyaloka sẽ diễn ra khi một người nhờ tiến bộ tâm linh được giải thoát khỏi trung giới, và do vậy đã sẵn sàng để bước vào thiên đường thượng giới. Vào những dịp như vậy, Thượng đế Toàn năng Vô hình và các thánh đã hợp nhất trong Ngài tự hóa hiện thành các thân tùy ý rồi dự lễ mừng trung giới. Để làm hài lòng tín đồ yêu dấu của mình, Thượng đế sẽ mang bất kỳ thể dạng nào mong muốn. Nếu tín đồ thờ phụng bằng sự sùng tín, hắn sẽ thấy Thượng đế là Thánh Mẫu. Với Jesus, khía cạnh Cha của Đấng Vô tận cuốn hút hơn mọi ý niệm khác. Tính cá thể mà Đấng Sáng tạo đã dùng để phú cho mỗi tạo vật của Ngài, đưa ra đủ mọi yêu cầu hiểu được cũng như không thể hiểu được cho sự vạn năng của Thượng đế!” Sư phụ và tôi cùng vui vẻ cười.
“Bạn bè từ các kiếp khác dễ dàng nhận ra nhau trên trung giới,” Sri Yukteswar nói tiếp bằng giọng đẹp như tiếng sáo. “Trong khi vui hưởng sự bất tử của tình bạn, họ nhận ra tính bất khả diệt của tình yêu, thường bị hoài nghi vào những giờ phút chia tay buồn bã, huyễn hoặc trong đời sống ở hạ giới.
“Trực giác của loài trung giới xuyên qua bức màn mà quan sát những sinh hoạt của con người hạ giới, nhưng con người không thể thấy trung giới, trừ phi giác quan thứ sáu của anh ta đã phát triển đôi chút. Hàng ngàn cư dân trái đất đã từng thoáng thấy một người trung giới hay một cảnh trung giới[387].
“Những hữu thể đã đạt trình độ cao trên Hiranyaloka chủ yếu ở trong trạng thái tỉnh giác cực lạc suốt ngày và đêm dài trung giới, giúp giải quyết các vấn đề nan giải của nhà nước vũ trụ và việc hóa độ những đứa con đi hoang, những linh hồn trói buộc với Trái đất. Khi các loài ở Hiranyaloka ngủ, thỉnh thoảng họ cũng có các linh ảnh trung giới giống như chiêm bao. Tâm họ thường đắm mình trong trạng thái tâm thức cực lạc vô phân biệt (nirbikalpa) cao nhất.
“Cư dân ở khắp nơi các cõi trung giới vẫn phải chịu những thống khổ tâm thần. Tâm nhạy cảm của các hữu thể cao hơn trên các hành tinh như Hiranyaloka sẽ cảm thấy đau nhói nếu họ có phạm bất cứ lỗi nào về hạnh kiểm hay giác ngộ. Những hữu thể đã tiến hóa này cố gắng điều hợp mọi hành vi và tư tưởng của mình với sự toàn hảo của luật tâm linh.
“Giao tiếp giữa các cư dân trung giới hoàn toàn diễn ra bằng thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông trung giới; không có sự mơ hồ và hiểu lầm ngôn từ viết hay nói mà dân Trái đất phải chịu. Cũng như người trên màn ảnh phim có vẻ như đi đứng và hành động qua một loạt hình ảnh ánh sáng và không thực sự thở, loài trung giới cũng đi đứng làm lụng như những hình ảnh ánh sáng được hướng dẫn và phối hợp một cách thông minh, không cần phải lấy năng lượng từ ôxy. Con người phụ thuộc vào chất rắn, chất lỏng, khí, và năng lượng để sống; loài trung giới sống chủ yếu bằng ánh sáng vũ trụ.”
“Thầy của con, người ở trung giới có ăn gì không?” Tôi đang hấp thụ những giải thích siêu phàm của thầy bằng khả năng tiếp nhận của mọi quan năng - trí óc, trái tim, linh hồn. Giác ngộ bằng siêu thức là bất biến và chân xác vĩnh viễn, trong khi những cảm nhận và ấn tượng thoáng qua của giác quan luôn chỉ đúng nhất thời và tương đối, và sẽ nhanh chóng mất đi toàn bộ sự sống động trong ký ức. Lời sư phụ tôi in sâu trên giấy da linh hồn tôi đến mức bất cứ lúc nào, hễ đưa tâm mình qua trạng thái siêu thức là tôi có thể làm sống lại rõ ràng chứng nghiệm siêu việt ấy.
“Rau cỏ như tia phát sáng có rất nhiều trên đất đai trung giới,” thầy đáp. “Loài trung giới ăn rau, và uống mật hoa tuôn ra từ những nguồn ánh sáng rực rỡ và từ sông suối trung giới. Giống như những hình ảnh vô hình của con người trên trái đất có thể lấy ra từ ête và làm cho hiển hiện nhờ máy vô tuyến truyền hình, rồi sau đó lại được trả về không trung, thì những mẫu rau và thực vật trung giới vô hình, do Thượng đế tạo ra, cũng trôi trong ête kết tủa trên hành tinh trung giới bằng ý muốn của cư dân. Cũng như vậy, từ sự tưởng tượng viển vông nhất của những loài này, toàn bộ những vườn hoa thơm ngát được hóa hiện, sau đó trở về với trạng thái vô hình trong thinh không. Dù dân trên các hành tinh tuyệt trần như Hiranyaloka gần như không còn cần phải ăn uống, thì sự tồn tại bản năng của những linh hồn gần như đã giải thoát hoàn toàn nơi thượng giới, những người không ăn gì ngoài lộc diễm phúc, còn cao hơn nữa.
“Loài trung giới giải thoát khỏi hạ giới sẽ gặp lại vô số bà con, cha, mẹ, vợ, chồng, và bạn bè mình có trong các kiếp đầu thai khác nhau ở hạ giới[388], khi họ thỉnh thoảng xuất hiện ở các nơi khác nhau trên các cảnh trung giới. Vì vậy y lúng túng không biết phải yêu thương riêng ai cả; y học theo cách ban phát tình yêu thương thần thánh và đồng đều cho tất cả, như những đứa con và biểu thị cá thể hóa của Thượng đế. Dù vẻ bề ngoài của những người thân yêu có thể đã thay đổi, ít nhiều theo sự phát triển của những phẩm chất mới trong kiếp gần đây nhất của một linh hồn cụ thể nào đó, nhưng loài trung giới vẫn dùng trực giác không thể sai mà nhận ra hết thảy những ai đã từng là thân yêu đối với y ở các tầng hiện hữu khác, và để đón chào họ đến mái nhà trung giới mới của họ. Vì mọi nguyên tử trong sáng tạo được phú cho tính cá thể không thể hủy diệt[389], một người bạn ở trung giới sẽ được nhận ra, dù y có ăn mặc ra sao, cũng như trên Trái đất, nhân dạng của một diễn viên được nhận ra nhờ quan sát gần, dù có được hóa trang thế nào.
“Thọ mạng trên trung giới dài hơn thọ mạng ở hạ giới nhiều.
Kiếp trung bình của một loài trung giới có trình độ bình thường là từ năm trăm đến một nghìn năm, được tính theo các chuẩn thời gian của trái đất. Cũng như một số cây tùng bách sống lâu hơn phần lớn các loại cây khác đến hàng thiên niên kỷ, hay như một số yogi sống vài trăm năm dù phần lớn con người chết trước tuổi sáu mươi, thì một số người trung giới cũng sống lâu hơn thọ mạng của hiện hữu bình thường tại trung giới rất nhiều. Khách đến trung giới sẽ ngụ lại đó một quãng thời gian lâu hay mau tùy theo gánh nặng nghiệp cõi trần của họ, cái sẽ lôi họ trở lại hạ giới sau một khoảng thời gian nhất định.
“Loài trung giới không phải chống chọi đau đớn với cái chết lúc trút bỏ thân sáng rực của mình. Dù vậy, nhiều người trong số họ vẫn cảm thấy hơi bứt rứt khi nghĩ đến chuyện lìa bỏ thể vía mà khoác lấy thể trí vi tế hơn. Ở trung giới, không còn cái chết ngoài ý muốn, bệnh tật, và tuổi già. Ba thứ đáng sợ này là lời nguyền cho Trái đất, nơi con người đã để ý thức đánh đồng hắn gần như hoàn toàn với một xác thân tạm bợ cần sự giúp đỡ liên tục của không khí, thức ăn, và giấc ngủ mới tồn tại được.
“Cái chết thể xác kèm theo sự tắt thở và sự phân rã các tế bào da thịt. Cái chết ở thể vía gồm sự tan rã các lifetron, cái thể hiện các đơn vị năng lượng cấu thành sự sống của loài trung giới. Với cái chết thể xác, một người sẽ mất đi ý thức về xương thịt của mình và ý thức được thể vi tế của mình nơi trung giới. Khi đến lúc phải nếm trải cái chết thể vía, một người theo đó sẽ đi từ ý thức về sinh tử thể vía sang ý thức về sinh tử thể xác. Những chu kỳ lặp đi lặp lại đóng khung thể xác và thể vía là số phận không thể tránh khỏi của mọi loài chưa giác ngộ. Định nghĩa trong kinh điển về thiên đường và địa ngục đôi khi đánh thức các ký ức sâu hơn-tiềm-thức ở người về chuỗi dài trôi lăn trong trung giới và hạ giới quá ngao ngán của hắn.”
“Thầy yêu quý,” tôi hỏi, “xin thầy mô tả kỹ hơn về sự khác biệt giữa tái sinh ở hạ giới và ở các thiên cầu trung giới và thượng giới?”
“Con người với tư cách là một linh hồn cá thể thì về căn bản là thân xác thượng giới (thể trí),” sư phụ tôi giải thích. “Thân ấy là một cái khuôn ba mươi lăm ý niệm mà Thượng đế cần như những lực ý nghĩ cơ bản hay nguyên nhân để từ đó Ngài tạo ra thể vía tinh tế gồm mười chín nguyên tố và thể xác thô lậu gồm mười sáu nguyên tố.
“Mười chín nguyên tố trong thể vía thuộc về tâm thần, cảm xúc, và sinh lực (lifetronic). Mười chín thành tố là trí tuệ bản ngã; cảm xúc; tâm trí (ý thức-giác quan); năm khí cụ tri thức, là những bản sao tinh tế của thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác; năm khí cụ hành động, là sự tương ứng tinh thần với các năng lực hành động để sinh sản, bài tiết, nói năng, đi đứng và thực hiện các kỹ năng chân tay; và năm khí cụ sinh lực, những cái được trao quyền thực hiện các chức năng kết tinh, đồng hóa, bài tiết, chuyển hóa chất và tuần hoàn trong cơ thể.
Cái vỏ thể vía vi tế gồm mười chín nguyên tố này qua được cái chết thể xác, cái được làm từ mười sáu nguyên tố hóa học thô.
“Thượng đế nghĩ ra các ý niệm khác nhau từ trong Ngài rồi phóng hóa thành những giấc mơ. Quý cô Giấc mơ Vũ trụ do vậy mà ra đời, được trang hoàng với vô vàn trang sức nguy nga kỳ vĩ có tính tương đối của nàng.
“Trong ba mươi lăm loại ý nghĩ của thể trí, Thượng đế đã tạo ra mọi sự phức tạp của các bản sao mười chín yếu tố thể vía và mười sáu yếu tố thể xác của con người. Bằng cách cô đặc các năng lượng rung động, đầu tiên là tinh, rồi đến thô, Ngài tạo ra thể vía của con người rồi cuối cùng là thể xác của hắn. Theo quy luật tương đối, mà sự Giản đơn Tối thượng đã trở thành sự muôn hình vạn trạng khó hiểu, vũ trụ thượng giới và thể trí khác với vũ trụ trung giới và thể vía; vũ trụ vật chất và thể xác vật chất, tương tự như vậy, cũng khác biệt theo cách đặc trưng với các loài khác trong sáng tạo.
“Xác phàm được làm từ những giấc chiêm bao cố định, cụ thể hóa của Đấng Sáng tạo. Nhị nguyên tính vẫn luôn có mặt trên trái đất: bệnh tật và sức khỏe, đớn đau và lạc thú, được và mất. Con người tìm thấy giới hạn và tính đối kháng ở vật chất ba chiều. Khi lòng ham sống của con người bị lung lay dữ dội bởi bệnh tật hay các nguyên nhân khác thì cái chết đến; tấm áo khoác thịt da nặng nề tạm thời trút bỏ. Tuy nhiên, linh hồn, vẫn còn bị vây trong thể vía và thể trí[390]. Cái lực cố kết giữ cả ba thể lại với nhau là tham dục. Lực từ những ước muốn chưa toại là cội rễ của mọi sự nô lệ của con người.
“Dục vọng cõi vật chất bén rễ trong ngã chấp và dục lạc. Sự ép buộc hay cám dỗ của cảm nghiệm giác quan mạnh mẽ hơn dục lực thì có liên quan tới sự chấp luyến trung giới hay nhận thức thượng giới.
“Những dục vọng trung giới xoay quanh sự hưởng thụ về rung động. Loài trung giới thưởng thức nhạc trời trên các thiên cầu và bị hút hồn khi thấy toàn thể sáng tạo như những biểu hiện không bao giờ cạn của ánh sáng luôn biến đổi. Loài trung giới cũng ngửi, nếm, và sờ ánh sáng. Dục vọng trung giới do vậy có liên hệ với khả năng của loài trung giới làm kết tủa mọi vật thể và chứng nghiệm như những thể dạng ánh sáng hay như những ý nghĩ hoặc giấc mơ cô đặc.
“Dục vọng trên thượng giới chỉ được thỏa mãn bằng nhận thức mà thôi. Các hữu thể gần như đã giải thoát chỉ bị bọc trong thể trí và thấy toàn thể vũ trụ như những sự hiện thực hóa ý niệm chiêm bao của Thượng đế; họ có thể hóa hiện ra bất cứ gì và mọi thứ chỉ bằng ý nghĩ. Loài thượng giới do vậy xem lạc thú của các cảm giác thể xác hay những vui thú của thể vía là thô lậu và bóp nghẹt những nhạy cảm tinh tế của linh hồn. Loài thượng giới thực hiện sở nguyện của mình bằng cách hóa hiện ra chúng tức thì[391]. Kẻ nào thấy mình chỉ áo một lớp mỏng manh của thể trí thôi thì có thể hóa hiện ra các vũ trụ như Đấng Sáng tạo. Vì toàn thể sáng tạo được tạo ra từ thớ vải chiêm bao vũ trụ nên linh hồn khoác áo thể trí mong manh có thể thi triển những quyền năng thật to lớn.
“Một linh hồn, kỳ thực là vô hình, chỉ có thể phân biệt được bằng sự có mặt của một thân thể hay các thân thể của nó. Sự hiện diện của một thân thể không thôi có nghĩa rằng hiện hữu đó có thể là do những ước muốn chưa thỏa[392].
“Bao lâu linh hồn con người còn bị bọc trong một, hai, hay ba cái thân vật chứa, đậy chặt bằng nút bần vô minh và tham dục thì hắn còn chưa thể hòa nhập với biển Tinh thần. Khi vật chứa xác phàm bị nhát búa của thần chết hủy diệt, hai lớp vỏ kia - thể vía và thể trí - vẫn còn mà ngăn không cho linh hồn hòa với Sự sống Vô biên một cách ý thức. Khi sự vô dục đã đạt được nhờ minh triết, uy lực của nó sẽ làm phân rã hai cái bình còn lại. Linh hồn con người bé bỏng hiện lên, cuối cùng cũng đã được tự tại; nó là một với Vô lượng Vô biên.”
Tôi xin sư phụ siêu phàm soi sáng thêm về thượng giới cao và huyền vi.
“Thượng giới thì vi tế không thể tả nổi,” thầy đáp. “Để hiểu nó, con người ắt phải có những khả năng định trí ghê gớm đến mức y có thể nhắm mắt mà hình dung ra các vũ trụ trung giới và vũ trụ vật chất hạ giới trong toàn thể sự bao la của chúng - quả khí cầu phát sáng cùng cái giỏ đặc - chỉ như tồn tại trong các ý niệm mà thôi. Nếu bằng sự định trí siêu phàm này, người ấy biến đổi hay phân giải được hai vũ trụ cùng toàn thể những phức tạp của chúng thành những ý niệm thuần túy thì y sẽ đến được thượng giới và đứng nơi lằn ranh hợp nhất tâm và vật. Ở đó người ta sẽ nhận ra vạn vật được sáng tạo - rắn, lỏng, khí, điện, năng lượng, chúng sinh, thần, người, thú, cây, vi khuẩn - là những sắc tướng của tâm thức, cũng như một người có thể nhắm mắt mà vẫn biết rằng hắn hiện hữu, dù thân ấy mắt trần của hắn không thấy được và chỉ tồn tại như một ý niệm.
“Bất cứ gì con người có thể làm trong tưởng tượng thì một loài thượng giới cũng có thể làm trên thực tế. Trí người có tính tưởng tượng phong phú nhất thì có thể, chỉ trong trí thôi, biến đổi từ một cực ý nghĩ này sang một cực ý nghĩ khác, trong ý lướt từ hành tinh này sang hành tinh khác, hay lộn vòng bất tận xuống một vực sâu không đáy, hay bay vút như hỏa tiễn vào vòm thiên hà, hay nhấp nháy như đèn pha trên dải ngân hà và các khoảng không gian giữa các vì sao. Nhưng loài trên thượng giới được tự do hơn nhiều và có thể dễ dàng hóa hiện ý nghĩ thành thực thể khách quan tức thì, mà không chịu cản trở trung giới hay hạ giới hay gò bó của nghiệp.
“Loài thượng giới nhận ra rằng vũ trụ vật chất chủ yếu không phải được dựng nên từ các electron mà vũ trụ trung giới về cơ bản cũng không gồm các lifetron - cả hai kỳ thực được tạo ra bởi các hạt cực tiểu từ ý nghĩ-Thượng đế, bị chia chẻ bởi maya, cái quy luật tương đối rõ ràng đã can thiệp vào để phân ly sáng tạo với Đấng Sáng tạo ra nó.
“Linh hồn trên thượng giới nhận ra nhau như là những chấm cá nhân hóa từ Tinh thần hân hoan; những vật-ý nghĩ của họ là những vật thể duy nhất bao quanh họ. Loài thượng giới thấy sự khác nhau giữa các thân và ý của mình chỉ thuần là ý niệm. Cũng như một người, nhắm mắt lại, có thể hình dung ra một ánh sáng trắng lóa mắt hay một màn mờ xanh nhạt, thì loài thượng giới chỉ bằng ý nghĩ không thôi cũng có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ; họ tạo ra mọi thứ, hay hủy nó đi, bằng sức mạnh của tâm thức vũ trụ.
“Cả cái chết lẫn tái sinh trên thượng giới đều trong ý nghĩ.
Các hữu thể mang thể trí chỉ yến tiệc bằng cao lương mỹ vị minh triết mãi mãi mới. Họ uống từ những suối nguồn thanh bình, rong chơi trên đất nhận thức không có đường đi, bơi trong đại dương-vô tận cực lạc. Lạ chưa! Hãy trông thân-ý sáng ngời của họ vút qua hàng tỉ hành tinh mà Tinh thần tạo ra, những bong bóng vũ trụ tươi mới, những tinh tú-minh triết, những giấc mơ quang phổ tinh vân vàng rực trong lòng trời Vô Tận!
“Nhiều loài ở lại trong vũ trụ thượng giới hàng ngàn năm.
Bằng những trạng thái nhập định sâu hơn, linh hồn đã tự tại lúc ấy sẽ rút mình ra khỏi thể trí bé mọn mà khoác vào cái bao la của vũ trụ thượng giới. Mọi lốc xoáy phân ly của ý niệm, những con sóng riêng biệt của sức mạnh, tình yêu, ý chí, niềm vui, sự thanh bình, trực giác, sự điềm tĩnh, tự chủ, và định trí sẽ hòa vào Biển Cực lạc mãi hân hoan. Linh hồn sẽ không còn phải nếm trải niềm vui như một cơn sóng tâm thức cá thể hóa, mà đã hòa trong Một Đại dương Vũ trụ, với hết thảy những làn sóng của nó - tiếng cười, những rung động, những rộn ràng bất diệt.
“Khi một linh hồn ra khỏi cái kén ba thể thân thì nó sẽ mãi mãi thoát khỏi quy luật tương đối và trở thành Thường hằng không thể mô tả được[393]. Hãy nhìn cánh bướm Vô biên, cánh nạm bởi trăng, sao và mặt trời! Linh hồn đã trải rộng vào Tinh thần còn lại một mình trong vùng ánh sáng không có ánh sáng, bóng tối không thấy bóng tối, ý nghĩ không ý nghĩ, say ngây với nhập định hân hoan trong giấc mơ sáng thế của Thượng đế.”
“Một linh hồn tự tại!” Tôi thốt lên kính sợ.
“Khi một linh hồn cuối cùng đã ra khỏi ba cái bình lừa dối thể thân ảo ảnh,” thầy nói tiếp, “nó sẽ trở thành một với Thượng đế mà không mất đi tính cá thể. Chúa đã đạt được sự tự tại tối hậu này ngay cả trước khi ngài được sinh ra là Jesus. Trong ba giai đoạn quá khứ của ngài, được biểu tượng hóa ở kiếp trần gian là ba ngày ngài trải qua cái chết và phục sinh, ngài đã đạt được khả năng sống lại trọn vẹn trong Tinh thần.
“Người còn chưa tiến hóa phải trải qua vô số lần đầu thai vào hạ giới và trung giới và thượng giới rồi mới thoát ra khỏi ba thể của mình. Một bậc sư đạt được tự tại tối hậu có thể chọn trở lại trái đất như một đấng tiên tri để độ chúng sinh khác về với Thượng đế, hay như chính ta đây, ông ta có thể chọn ngụ trong vũ trụ trung giới. Ở đó một bậc cứu độ sẽ nhận lấy một ít gánh nghiệp của cư dân[394] và nhờ đó giúp họ đoạn diệt vòng luân hồi của mình ở vũ trụ trung giới mà đi tiếp mãi mãi lên các thiên cầu thượng giới.
Hay một linh hồn đã tự tại có thể đến thượng giới để giúp các loài ở đó rút ngắn thọ mệnh của mình trong thể trí và nhờ đó mà đạt Giải thoát Tuyệt đối.”
“Thưa Đấng Phục sinh, con muốn biết thêm về nghiệp buộc các linh hồn phải trở lại ba cõi.” Tôi nghĩ tôi có thể lắng nghe mãi mãi vị thầy toàn trí của mình. Hồi thầy còn tại thế, tôi chưa bao giờ trong một lúc mà được hấp thụ nhiều tri kiến của thầy đến như vậy. Giờ là lần đầu tiên tôi nhận được một tri kiến rõ ràng, chắc chắn, xuyên thấu vào những kẽ hở bí ẩn trên cái bàn cờ đam sinh tử.
“Nghiệp hay tham dục vật chất của con người phải được tận diệt rồi thì hắn mới lên ở tiếp trên các trung giới được,” sư phụ tôi giảng giải với giọng gây xúc động của thầy. “Có hai dạng hữu thể sống trên các thiên cầu trung giới. Những kẻ vẫn còn nghiệp hạ giới phải diệt và do vậy là kẻ lại phải ngụ trong một thể xác thô lậu để trả nợ nghiệp thì có thể được phân loại, sau cái chết thể xác, họ là khách tạm thời đến trung giới chứ không phải dân định cư.
“Loài có nghiệp hạ giới chưa trả thì sau cái chết ở trung giới không được phép lên thiên cầu thượng giới cao của ý niệm vũ trụ, mà phải đi tới đi lui giữa cõi trần và trung giới mà thôi, ý thức được liên tiếp về thể xác mười sáu nguyên tố thô và thể vía mười chín nguyên tố thanh của mình. Tuy nhiên, sau mỗi lần mất xác thân, kẻ chưa tiến hóa từ hạ giới lên vẫn chủ yếu chìm trong mụ mị giấc ngủ-cái chết và hầu như không nhận biết được thiên cầu trung giới đẹp đẽ. Khi đã nghỉ ngơi ở trung giới rồi, kẻ đó sẽ trở lại cõi vật chất để học hỏi thêm, dần dần, qua những hành trình lặp đi lặp lại, làm quen với những cảnh có kết cấu trung giới vi tế.
“Trong khi đó, dân thường hay người đã ở trên vũ trụ trung giới từ lâu là những kẻ mà, vĩnh viễn không còn những ham muốn vật chất, không cần trở về các rung động thô của trái đất nữa.
Những loài ấy chỉ có nghiệp trung giới và thượng giới phải diệt thôi. Lúc chết ở trung giới những loài này bước vào thượng giới vô cùng đẹp đẽ và huyền ảo hơn. Cuối một thọ mạng nào đó, do quy luật vũ trụ quyết định, những kẻ tiến hóa này bấy giờ sẽ quay về Hiranyaloka hay một hành tinh trung giới cao tương tự, tái sinh vào một thể vía mới để diệt nghiệp trung giới chưa trả xong của mình.
“Con trai, giờ thì có lẽ con đã hiểu đầy đủ hơn rằng ta sống lại do lệnh trời,” Sri Yukteswar nói tiếp, “làm một bậc cứu độ, đặc biệt cho những linh hồn từ thượng giới trở về tái sinh ở trung giới hơn là cho những loài trung giới từ hạ giới lên. Những kẻ từ Trái đất lên đó, nếu họ vẫn giữ lại những dấu tích nghiệp vật chất, sẽ không lên những hành tinh trung giới cao như Hiranyaloka.
“Cũng như phần lớn người trên Trái đất chưa học được, cách thưởng thức niềm vui và lợi lạc thanh cao của đời sống trung giới qua các linh ảnh có được từ thiền định, và do vậy mà, sau khi chết đi, mong muốn quay trở lại những lạc thú hạn hẹp, bất toàn của Trái đất, thì rất nhiều loài trung giới, trong quá trình phân rã thể vía bình thường của mình, cũng không thể hình dung được trạng thái cao của niềm vui tinh thần ở thượng giới và, trong khi cứ nghiền ngẫm lạc phúc trung giới thô thiển và lòe loẹt hơn, khát khao được thăm lại thiên đường trung giới. Những người đó phải trả hết nghiệp trung giới nặng nề đã, rồi sau cái chết ở trung giới mới được ở lại liên tục trong cõi-ý thượng giới, phân cách rất mong manh với Đấng Sáng tạo.
“Chỉ khi một sinh linh không còn ham muốn những cảm nghiệm vũ trụ trung giới vừa mắt nữa, và không thể bị cám dỗ trở lại đó thì y mới ở lại thượng giới được. Sau khi đã trả hết ở đó mọi nghiệp thượng giới hay chủng tử dục vọng trong quá khứ, linh hồn bị giam giữ xông ra khỏi cái nút bần vô minh cuối cùng trong ba nút bần và, thoát ra khỏi cái bình cuối cùng là thể trí, hòa vào trong Vĩnh cửu.
“Giờ con đã hiểu chưa?” Sư phụ mỉm cười rất thú vị!
“Rồi thưa thầy, nhờ ơn thầy. Con không nói nên lời vì vui sướng và biết ơn.”
Tôi chưa hề có được hiểu biết soi rạng như vậy nhờ thi ca hay chuyện kể. Dù kinh Ấn giáo có nói đến thượng giới và trung giới và ba thể của người, nhưng những trang ấy mới xa vời và vô nghĩa làm sao khi so với cái thực hữu ấm áp từ vị thầy phục sinh của tôi!
Với thầy thì quả thực không tồn tại lấy một “xứ sở xa lạ mà từ biên cương ấy không lữ khách nào quay về[395]”!
“Sự dung thông giữa ba thân người được thể hiện theo nhiều cách nhờ bản chất ba trạng thái của y,” sư phụ vĩ đại của tôi nói tiếp. “Trong trạng thái thức trên Trái đất, con người ít nhiều nhận biết được ba phương tiện của y. Khi y bằng giác quan định nếm, ngửi, sờ, nghe, hay thấy là y chủ yếu đang hành xử qua xác thân y.
Khi tưởng tượng hay ước muốn là y đang hành động chủ yếu qua thể vía của y. Thể trí biểu lộ khi con người suy nghĩ hay đi sâu vào tự quán xét hay thiền định; những tư tưởng vũ trụ thiên tài phát lộ ở người thường liên lạc với thể trí của mình. Theo nghĩa này thì một cá thể có thể được phân loại một cách rộng rãi là ‘người vật chất’, ‘người hoạt động’, hay ‘người trí tuệ’.
“Một người, mỗi ngày chừng mười sáu giờ, tự đánh đồng mình với phương tiện thể xác của y. Rồi y ngủ; nếu y chiêm bao, y ở trong thể vía của mình, dễ dàng tạo ra bất kỳ vật gì như loài trung giới làm. Nếu giấc ngủ của con người sâu và không mộng mị, trong vài giờ y có thể đưa tâm thức, hay cảm thức về cái ta của y, vào thể trí; giấc ngủ như vậy làm hồi sinh. Kẻ nằm mơ tiếp xúc với thể vía của mình chứ không phải thể trí; giấc ngủ của y không hoàn toàn làm khoan khoái.”
Tôi đã trìu mến quan sát Sri Yukteswar trong khi thầy cho bài giảng tuyệt luân.
“Sư phụ thiên thần,” tôi nói, “thân thầy trông hệt như tấm thân con đã than khóc lần cuối ở ashram Puri.”
“Ồ, phải, thân mới của ta là một bản sao toàn hảo của thân cũ. Ta hóa hiện ra hay làm mất đi hình hài này bất kỳ lúc nào tùy ý, thường xuyên hơn nhiều so với ta đã làm khi ở hạ giới. Nhờ biến hình nhanh chóng mà giờ ta đi lại tức thì bằng xe tốc hành ánh sáng từ hành tinh này sang hành tinh khác hay, thực ra, từ vũ trụ trung giới sang vũ trụ thượng giới hay đến vũ trụ vật chất.” Sư phụ siêu phàm của tôi mỉm cười. “Dù gần đây con đi lại rất nhanh thì ta cũng chẳng thấy khó khăn gì khi tìm ra con ở Bombay!”
“Ôi, thầy, con đã rất đau buồn về cái chết của thầy!”
“À, trong suốt thời gian đó ta đã chết sao? Có một sự mâu thuẫn nào đó chăng?” Mắt Sri Yukteswar long lanh tình yêu thương và vui thú.
“Con chỉ đang mơ trên Trái đất; trên Trái đất ấy con thấy thân chiêm bao của ta,” thầy nói tiếp. “Sau đó con đã chôn hình ảnh chiêm bao ấy. Giờ nhục thể thanh hơn của ta - cái mà con thấy và thậm chí bây giờ đang ôm khá chặt! - hồi sinh trên một hành tinh chiêm bao khác thanh hơn của Thượng đế. Một ngày nào đó thân chiêm bao thanh hơn ấy và hành tinh chiêm bao tinh tế hơn ấy sẽ mất đi; cả chúng nữa cũng không là mãi mãi. Mọi bong bóng chiêm bao cuối cùng rồi cũng sẽ phải vỡ tan trước một cái chạm thức tỉnh cuối cùng. Hãy phân biệt, con trai Yogananda của ta, giữa mơ và Thực!”
Ý niệm sống lại kiểu Vedanta[396] này làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi hổ thẹn là đã khóc thương thầy khi tôi thấy thân thể không còn sự sống của thầy ở Puri. Cuối cùng thì tôi đã hiểu rằng sư phụ của mình vẫn luôn thức tỉnh nơi Thượng đế, nhận chân rằng sự sống và cái chết của mình ở Trái đất, và sự sống lại của thầy lúc này đây, chỉ là những điều tương đối của các ý niệm thiêng liêng trong giấc mơ vũ trụ.
“Giờ ta đã kể cho con, Yogananda, những chân lý về sự sống, cái chết và phục sinh của ta rồi. Đừng đau buồn cho ta; mà nên rao truyền khắp nơi câu chuyện về sự phục sinh của ta từ Trái đất của con người mà Thượng đế mơ, đến một hành tinh Thượng đế mơ ra khác của những linh hồn được khoác thể vía! Niềm hy vọng mới sẽ truyền vào trái tim của những kẻ ngủ mơ sợ chết, điên đảo vì phiền não trên thế gian!”
“Dạ, thưa thầy!” Tôi sẽ vô cùng sẵn lòng được chia sẻ với người khác niềm vui của mình trước sự phục sinh của thầy!
“Trên trái đất những tiêu chuẩn của ta cao một cách khó chịu, không phù hợp với căn chất của phần lớn con người. Đáng lẽ ta không nên quở trách con nhiều đến thế. Con đã qua được thử thách của ta; tình yêu thương của con soi sáng qua mây mù mọi quở trách.” Thầy nói thêm dịu dàng, “Hôm nay ta đến còn để cho con hay: ta sẽ không bao giờ còn có cái nhìn khiển trách lạnh lùng nữa. Ta sẽ không quở trách con nữa.”
Tôi thấy nhớ kỷ luật của đại sư phụ của mình biết mấy! Mỗi sự trừng phạt là một thần hộ mệnh chở che.
“Thầy yêu quý nhất! Hãy quở mắng con triệu lần - giờ hãy quở trách con đi!”
“Ta sẽ không khiển trách con nữa.” Giọng thiêng của thầy trang nghiêm, nhưng ngầm một tiếng cười. “Con và ta sẽ mỉm cười cùng nhau, chừng nào hai hình hài chúng ta vẫn có vẻ khác nhau trong giấc mơ-maya của Thượng đế. Cuối cùng chúng ta sẽ hòa làm một với Đấng Yêu Thương Vũ trụ; nụ cười của hai ta sẽ là nụ cười của Ngài, bản hoan ca chung của ta ngân vang khắp vĩnh hằng để được lan truyền đến những linh hồn hòa điệu cùng Thượng đế!”
Sri Yukteswar soi sáng cho tôi một số vấn đề mà tôi không thể tiết lộ ra ở đây. Trong hai giờ hiện diện bên tôi trong phòng khách sạn ở Bombay, thầy đã trả lời mọi câu hỏi của tôi. Một số lời tiên tri về thế giới mà thầy hé lộ vào cái ngày tháng 6 năm 1936 ấy đã trở thành hiện thực.
“Giờ ta chia tay con đây, con yêu dấu!” Khi thầy nói vậy thì tôi cảm thấy thầy tan đi trong vòng tay tôi.
“Con ta,” giọng thầy vang lên, rung động vào tới chính bầu trời-linh hồn tôi, “bất cứ khi nào con bước vào cửa nirbikalpa samadhi và gọi ta, ta sẽ đến với con, bằng xương bằng thịt như hôm nay.”
Cùng lời hứa siêu phàm này, Sri Yukteswar biến mất khỏi cái thấy của tôi. Một giọng nói-đám mây lặp lại tiếng sấm du dương: “Hãy kể lại tất cả! Kẻ nào bằng giác ngộ nirbikalpa hiểu rằng Trái đất của các ngươi là một giấc mơ của Thượng đế thì có thể đến hành tinh Hiranyaloka được giấc mơ tạo ra đẹp đẽ hơn, và ở đó sẽ thấy ta phục sinh trong một thân đúng như thân phàm.
Yogananda, hãy kể lại tất cả!”
Nỗi đau ly biệt đã hết. Nỗi tiếc thương và sầu đau cho cái chết của thầy, cái cướp đi sự thanh thản của tôi đã lâu, giờ bỏ chạy tuyệt đối ngượng ngùng. Diễm phúc tưới xuống như suối nguồn qua những lỗ chân lông linh hồn vô tận vừa mở. Ngày xưa bịt kín vì không dùng đến, giờ chúng mở rộng thanh khiết trước lũ tràn cực lạc. Những tiền kiếp của tôi hiện ra trước cái nhìn nội thể theo trình tự như phim. Nghiệp thiện và ác của quá khứ tiêu tan trong ánh sáng vũ trụ, tỏa quanh tôi nhờ sự viếng thăm thiêng liêng của thầy.
Trong chương này của cuốn tự truyện, tôi đã vâng theo yêu cầu của sư phụ mà rao truyền đi khắp tin mừng, dù điều đó một lần nữa sẽ làm một thế hệ thờ ơ phải ngỡ ngàng. Khom lưng quỳ gối, con người biết rất rõ; nỗi tuyệt vọng hiếm khi xa lạ; vậy nhưng đó là những sự cố chấp, không phải một phần trong định mệnh đích thực của con người. Cái ngày y muốn thì y sẽ dấn bước trên con đường đi đến tự do. Đã lâu quá rồi, y nghe theo cái bi quan âm u của những kẻ khuyên bảo y rằng “ngươi là cát bụi” mà lơ là không quan tâm đến linh hồn không thể khuất phục.
Tôi không phải là người duy nhất có được ân huệ thấy Sư phụ Phục sinh.
Một trong các chela của Sri Yukteswar là một cụ bà, được gọi một cách trìu mến là Ma (mẹ), nhà bà gần tịnh thất Puri. Thầy thường dừng lại trò chuyện dăm câu với bà trong những lần đi dạo buổi sáng. Buổi chiều ngày 16-3-1936, Ma tới ashram đòi gặp sư phụ.
“Sao vậy, thầy viên tịch đã một tuần rồi!” Swami Sebananda, giờ phụ trách tịnh thất Puri, nhìn bà buồn bã.
“Làm sao có chuyện đó được!” bà mỉm cười phản đối.
“Đúng là vậy.” Sebananda kể lại tỉ mỉ buổi lễ chôn cất. “Đến đây,” thầy nói, “tôi sẽ dẫn cụ ra vườn trước, tới mộ ngài.”
Ma lắc đầu. “Chẳng có mộ nào cho thầy cả! Sáng nay, lúc mười giờ khi đi dạo như thường lệ, thầy đi ngang trước cửa nhà bà! Bà nói chuyện với thầy vài phút trước thanh thiên bạch nhật.
“ ‘Chiều nay hãy tới ashram,’ thầy nói.
“Bà đã đến đây! Phúc lành tưới trên mái đầu bạc này! Sư phụ bất tử muốn bà hiểu rằng sáng nay thầy ghé thăm bà trong xác thân siêu việt nào!”
Sebananda kinh ngạc quỳ trước bà.
“Ma,” thầy nói, “thật là cụ đã cất đi một gánh nặng trong tim tôi! Thầy đã sống lại!”
* * *
Chú thích:
[382] Xem trang 311-312. Trong sabikalpa samadhi tín đồ đạt được giác ngộ về sự nhất thể của mình với Tinh thần nhưng không thể duy trì tâm thức vũ tru,ï trừ khi trong trạng thái nhập định bất động. Bằng thiền định liên tục tín đồ sẽ đạt đến trạng thái cao hơn là nirbikalpa samadhi, trong đó tín đồ có thể di chuyển tùy ý trong vũ trụ mà không đánh mất giác ngộ Thượng đế. Trong nirbikalpa samadhi, yogi diệt những vết tích nghiệp lực vật chất hay trần thế sau cùng của mình. Dù vậy, yogi có thể vẫn còn nghiệp trung giới hay thượng giới nhất định phải diệt, và do vậy mà đầu thai vào trung giới rồi thượng giới trên các thiên cầu có rung động cao.
[383] Vì phần lớn người, vui hưởng cái đẹp ở trung giới, không thấy cần gì phải tinh tiến tu hành công phu.
[384] Sri Yukteswar dùng từ prana; tôi đã dịch nó thành lifetron. Kinh Ấn Độ giáo không chỉ nói đến anu, “nguyên tử”, và paramanu, “trên nguyên tử”, năng lượng điện tử tinh tế hơn, mà còn nói đến prana, “sinh lực sáng tạo”. Nguyên tử và electron là những năng lượng mù lòa; prana là thông minh cố hữu. Các lifetron sinh lực trong tinh trùng và tế bào trứng, chẳng hạn, dẫn dắt sự phát triển của phôi tùy theo một dạng nghiệp.
[385] Mantra, những âm thanh-chủng tử đã được niệm mà súng tinh thần là sự định trí bắn ra. Các Purana (kinh hay sách xưa) mô tả các cuộc giao tranh bằng mantra (chân ngôn) này giữa các deva và asura (thần thánh và ma quỷ). Một asura có lần đã cố giết một deva bằng bài niệm uy lực. Vì niệm sai mà quả bom tinh thần trở thành thứ gậy ông đập lưng ông và giết chết ác ma.
[386] Các ví dụ về các khả năng như vậy không thiếu ngay cả trên Trái đất, như trường hợp Helen Keller và rất ít vị khác.
[387] Ở Trái đất, trẻ con đầu óc trong sáng đôi khi cũng có thể thấy thể vía duyên dáng của các tiên. Bằng ma túy hay đồ uống gây say mà mọi kinh điển đều cấm dùng, một người có thể làm rối loạn ý thức của mình đến mức y thấy những hình thù gớm ghiếc dưới địa ngục ở trung giới.
[388] Đức Phật đã từng được hỏi tại sao một con người phải yêu thương tất cả mọi người như nhau. “Vì,” đại sư đáp, “trong hằng hà sa số kiếp khác nhau của mỗi người, hết thảy chúng sinh đều đã từng lần này hay lần khác rất đỗi thân yêu đối với người đó.”
[389] Tám phẩm tính cơ bản đi vào trong mọi sự sống được tạo ra, từ nguyên tử đến con người, là đất, nước, lửa, không khí, ête, trí tuệ giác quan (mana), giác (buddhi), và bản ngã hay ngã chấp (ahamkara). (Xem Bhagavad Gita VII:4.)
[390] “Thân thể” có nghĩa bất kỳ vỏ bọc linh hồn nào, dù thô lậu hay vi tế. Ba thể là cái lồng cho Chim Thiên đường.
[391] Giống như Babaji đã giúp Lahiri Mahasaya vứt bỏ một mong muốn vô thức từ một tiền kiếp nào đó là được nhìn thấy một cung điện, như được mô tả trong chương 34.
[392] “Người nói với các ông: Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.” - Tin Mừng theo thánh Luca 17:37. Dù linh hồn bọc trong thể xác hay thể vía hay thể trí thì diều hâu dục vọng - rình chực sự kém cỏi giác quan của con người, hay chấp luyến ở trung giới hay thượng giới - cũng sẽ bu lại để biến linh hồn thành tù nhân.
[393] “Ai thắng, Ta sẽ cho làm cột trụ trong Ðền thờ Thiên Chúa của Ta, người ấy sẽ không hề ra khỏi đó nữa (nghĩa là, sẽ không đầu thai nữa.)... Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã thắng và ngự bên Cha Ta trên ngai của Người.” - Sách Khải huyền 3:12, 21.
[394] Sri Yukteswar muốn nói rằng, cũng như trong hiện thân của thầy trên Trái đất thầy vẫn thỉnh thoảng gánh bệnh tật để làm nhẹ nghiệp của đệ tử, thì trên trung giới sứ mệnh của thầy với tư cách vị cứu độ cho phép thầy nhận lấy nghiệp trung giới nào đó của dân trên Hiranyaloka, và nhờ vậy mà thúc đẩy sự tiến hóa của họ vào cõi thượng giới cao hơn.
[395] Hamlet (hồi III, cảnh 1).
[396] Sống và chết chỉ là những sự tương đối của ý nghĩ. Vedanta chỉ ra rằng Thượng đế là Thực tại duy nhất; vạn vật hay tồn tại tách biệt là maya hay ảo giác. Triết lý về nhất nguyên này được trình bày rõ nhất trong các bình chú Upanishad của Shankara.