Từ Bờ Bên Kia - Chương 08
VII
TÔI MANG THEO MÌNH TẤT CẢ NHỮNG GÌ CỦA MÌNH[176]
Không phải là Catilina đang ở trước cổng của các vị - ấy là cái chết!
Proudhon (Tiếng nói của Nhân dân)[177]
Hãy tới đây, ta cùng ngồi vào bàn!
Ai lại lo lắng vì một chuyện vớ vẩn như thế?
Thế giới đang phân rã, giống như con cá thối,
Chúng ta sẽ không ướp xác nó.
Goethe[178]
Cái châu Âu chính thức, già cỗi, nhìn thấy được, không ngủ - nó đang chết!
Những tàn tích cuối cùng, yếu ớt, bệnh hoạn, của cuộc sống trước đây, khó mà đủ để giữ lại một thời gian những bộ phận cơ thể đã tách rời ra, chúng đang hướng đến những kết hợp mới, đến sự phát triển các hình thức khác.
Có vẻ như nhiều thứ vẫn còn đứng vững, mọi chuyện vẫn còn đi theo trình tự của nó, quan tòa đang xử án, nhà thờ đang mở cửa, sở giao dịch đang sôi nổi hoạt động, quân đội đang thao diễn, các lâu đài đang rực sáng đèn, thế nhưng linh hồn của cuộc sống đã bay mất rồi, trong lòng mọi người đều không yên, cái chết đang rất gần, và thực chất mọi thứ đều không ổn. Thực chất chẳng có nhà thờ, quân đội, chính phủ, tòa án - tất cả đều biến thành cảnh sát. Cảnh sát giữ gìn, cứu rỗi châu Âu, các ngai vàng và bàn thờ đang đứng dưới sự chúc phúc và che chở của nó, đó là dòng điện cưỡng ép duy trì cuộc sống, để được thêm một phút hiện tại. Nhưng ngọn lửa ăn mòn của bệnh tật vẫn chưa được dập tắt, ngọn lửa ấy bị dồn vào bên trong, nó ẩn giấu. Tất cả những bức tường và dinh lũy đã thâm đen, cũ kĩ có vẻ vĩnh cửu của đá tảng, nhưng thực ra chúng chẳng hề vững chắc; chúng giống như những gốc cây đã bị đốn rất lâu rồi, chúng chỉ giữ được vẻ vững chắc kiên cường cho tới khi có ai đó đá chân vào chúng.
Nhiều người không nhìn thấy cái chết chỉ vì họ hình dung cái chết như một sự hủy diệt nào đó. Cái chết không hủy diệt các bộ phận cấu thành, mà tháo rời chúng ra khỏi sự thống nhất trước kia, cho chúng được tự do tồn tại trong những điều kiện khác. Hiển nhiên là một bộ phận của thế giới không thể biến đi khỏi mặt đất; nó vẫn còn lại, giống như La Mã đã còn lại trong những thế kỉ trung đại; nó sẽ tản đi, tách rời nhau trong một châu Âu ngày mai và mất đi tính cách hiện nay, nó sẽ phụ thuộc vào cái mới, đồng thời cũng ảnh hưởng lên cái mới. Di sản của người cha để lại cho con trai, trong ý nghĩa sinh lí và ý nghĩa công dân, người con tiếp tục cuộc sống của người cha đã quá cố; mặc dù vậy, giữa họ vẫn là cái chết - giống như giữa La Mã của Julius Caesar và La Mã của Gregorius VII.[179]
Cái chết của các hình thức đương đại của chế độ công dân đáng phải vui mừng hơn là buồn lòng. Nhưng thật đáng sợ là thế giới đang hấp hối không để lại một người thừa tự, mà là một quả phụ đang mang thai. Giữa cái chết của một người và sự sinh nở của người kia phải mất nhiều thời gian, sẽ trải qua một đêm dài của hỗn loạn và hoang tàn.
Chúng ta sẽ không sống được tới lúc ấy, như là Siméon Kẻ-tiếp-nhận-Chúa[180]. Dẫu sự thật này có nặng nề đến mấy thì chúng ta cũng vẫn phải chấp nhận, bởi vì không thể nào thay đổi nó được.
Chúng ta đã nghiên cứu cơ thể èo uột của châu Âu khá lâu rồi, ở khắp nơi chúng ta đều tìm thấy cái chết cận kề, và chỉ rất ít khi nghe thấy được lời tiên tri từ nơi xa. Thoạt tiên chúng ta cũng đã từng hi vọng, tin tưởng, đã cố gắng tin. Cuộc vật lộn lúc sắp chết đã làm biến dạng thật nhanh hết nét này đến nét khác, đến nỗi không thể nào lầm lẫn được. Cuộc sống đang tắt đi như những ngọn nến bên cửa sổ trước lúc rạng đông. Chúng ta hoảng hốt, sợ hãi. Chúng ta khoanh tay nhìn vào những thành công của cái chết. Chúng ta đã nhìn thấy gì từ sau cuộc Cách mạng tháng Hai? ... Chỉ cần nói rằng hai năm trước chúng ta vẫn còn trẻ và bây giờ thì đã già đi rồi.
Chúng ta càng lại gần các đảng phái và những con người thì khoảng hoang vắng bên ta càng trở thành lớn hơn, chúng ta càng cảm thấy cô đơn hơn. Làm sao mà chia sẻ được sự điên rồ của những người này và sự vô cảm ở những người kia? Ở đây là sự lười nhác, hờ hững, ở kia là sự dối trá và thiển cận - sức lực, sự hùng mạnh chẳng có ở đâu; có chăng ở một vài người tuẫn đạo, đã chết vì người ta mà chẳng đem lại ích lợi gì; ở một vài người đau khổ đã bỏ ra bao sức lực cho đám đông, sẵn sàng hiến dâng máu, trí tuệ của mình, nhưng bị bắt buộc phải giữ lại cả thứ này lẫn thứ kia, sau khi nghe thấy lời hát đồng thanh không cần đến những vật hiến tế ấy.
Bị lạc lõng không có sự nghiệp gì trong thế giới này, cái thế giới đã sụp đổ từ khắp mọi phía, bị điếc tai vì những cuộc tranh cãi vô nghĩa, những lăng nhục hằng ngày, - chúng ta đắm mình trong đau khổ và tuyệt vọng, chúng ta chỉ còn mong muốn đặt cái đầu đã mệt mỏi vào chỗ nào đó, mà không cần dò hỏi xem là mộng hay là thực.
Nhưng cuộc sống đã thắng và thay vì tuyệt vọng, thay vì muốn tiêu vong, giờ đây tôi muốn sống; tôi không còn muốn thừa nhận mình phải phụ thuộc vào thế giới như thế nữa, tôi không muốn suốt đời ngồi ở đầu giường kẻ hấp hối làm người than khóc vĩnh viễn.
Không lẽ trong bản thân chúng ta chẳng có gì hết và chúng ta chỉ là một thứ gì đó - cái thế giới này, ở trong nó, - đến nỗi giờ đây, khi mà thế giới đó bị hư hỏng bởi những quy luật hoàn toàn khác, đang tiêu vong đi, thì chúng ta chẳng còn việc gì khác hơn là ngồi buồn rầu trên đống đổ nát của nó, chẳng có giá trị nào khác hơn là làm tượng đài trên ngôi mộ của nó hay sao?
Buồn thương thế đủ rồi. Chúng ta đã hiến cho thế giới cái thuộc về nó, chúng ta đã không keo kiệt, sau khi hiến cho nó những tháng năm tốt đẹp nhất của chúng ta, sự tham gia hoàn toàn thành tâm của chúng ta; chúng ta đã đau khổ nhiều hơn cái thế giới ấy bởi những đau khổ của nó. Giờ đây chúng ta hãy chùi nước mắt và dũng cảm nhìn vào xung quanh. Rốt cuộc thì dẫu chúng ta đã hình dung cái xung quanh ấy thế nào đi nữa, chúng ta cũng có thể và cần phải chịu đựng được. Chúng ta đã sống qua được cái tồi tệ nhất, mà sự bất hạnh đã trải qua là sự bất hạnh đã kết thúc. Chúng ta đã kịp làm quen với tình thế của chúng ta, chúng ta không hi vọng vào chuyện gì, không chờ đợi điều gì, hay có lẽ là chờ đợi mọi chuyện; thế cũng là một thứ mà thôi. Nhiều thứ có thể lăng nhục, bẻ gãy, giết chết chúng ta; nhưng chẳng có gì còn làm chúng ta ngạc nhiên nữa... hoặc là mọi suy tư và lời nói của chúng ta chỉ ở trên môi thôi.
Con tàu đang chìm xuống đáy. Giây phút hoài nghi thật kinh khủng, khi mà ở bên cạnh mối nguy còn có hi vọng; giờ đây tình thế đã rõ, con tàu không thể nào cứu được, chỉ còn có tiêu vong hoặc thoát thân. Hãy bỏ con tàu, xuống thuyền hay thân cây gỗ - cứ để cho mỗi người thử may mắn của mình, thử sức lực của mình. Giữ danh dự[181] người thủy thủ không hợp với chúng ta.
Hãy ra khỏi căn phòng ngột ngạt, nơi cuộc sống sôi nổi kéo dài đang kết thúc! Chúng ta hãy bước ra ngoài khí trời trong sạch từ bầu không khí nặng nề ô nhiễm; bước ra cánh đồng từ căn buồng bệnh viện. Thiếu gì thợ ướp xác lành nghề; những con trùng ăn xác thối rữa lại còn nhiều hơn nữa. Để lại cái xác chết cho bọn họ, không phải vì bọn họ tốt hơn hay xấu hơn chúng ta, mà là vì bọn họ muốn điều đó, còn chúng ta thì không muốn; là bởi vì bọn họ sống trong công việc đó, còn chúng ta thì đau khổ. Chúng ta tự do và bất vụ lợi lánh đi, trong khi biết rằng không có di sản nào cho chúng ta, và chúng ta cũng chẳng cần nó.
Sự đoạn tuyệt đầy kiêu hãnh ấy với đương đại đã bị người ta gọi là sự chạy trốn; những kẻ lãng mạn hết thuốc chữa cũng sẽ gọi như thế ngay cả lúc này, sau hàng loạt các sự kiện đã xảy ra trước mắt họ.
Thế nhưng con người tự do không thể chạy trốn, bởi vì anh ta chỉ phụ thuộc vào những tín niệm của mình, ngoài ra không phụ thuộc vào cái gì hết; anh ta có quyền ở lại hay bỏ đi, có thể câu hỏi không phải là về chuyện chạy trốn, mà là về chuyện con người có tự do hay không?
Hơn thế nữa, từ ngữ "chạy trốn" trở nên tức cười không sao tả nổi, được đưa ra cho những người đã có nỗi bất hạnh nhìn xa hơn, đi trước nhiều hơn là những người khác, và là những người sẽ không quay trở lại nữa. Những người như thế ắt có thể nói theo kiểu của Coriolan: "Không phải chúng tôi chạy, mà là các vị đang ở lại", nhưng thế này hay thế kia đều phi lí cả. Chúng ta làm công việc của mình, những người xung quanh chúng ta làm công việc của họ. Sự phát triển của bản ngã cá nhân và của quần chúng khiến cho họ không thể gánh chịu toàn bộ hậu quả lên trách nhiệm bản thân mình. Nhưng một mức độ phát triển nhất định, dẫu nó đã xảy ra theo cách nào hay vì nguyên nhân gì đi nữa, có bó buộc. Chối bỏ sự phát triển của mình có nghĩa là chối bỏ chính bản thân mình.
Con người tự do hơn là người ta vẫn tưởng. Con người phụ thuộc nhiều vào môi trường, nhưng không đến mức tự nô dịch bản thân vào môi trường. Phần lớn số phận của chúng ta ở trong tay chúng ta, chỉ cần hiểu rõ được nó và đừng buông tay. Thế nhưng nhiều người đã hiểu rõ mà vẫn để cho thế giới xung quanh cưỡng bức họ, lôi cuốn họ chống lại ý chí của họ; người ta chối bỏ tính độc đáo của mình, trong mọi trường hợp đều không dựa vào mình, mà dựa vào thế giới xung quanh, siết các nút thắt ràng buộc với nó mỗi lúc một chặt hơn. Người ta chờ đợi ở thế giới tất cả những thiện và ác trong cuộc đời, người ta hi vọng ở mình ít hơn cả. Với sự phục tùng trẻ thơ như thế thì sức mạnh chết người của ngoại cảnh trở nên không sao vượt qua nổi, con người cảm thấy đấu tranh với ngoại cảnh là chuyện điên rồ. Trong khi ấy, sức mạnh ghê gớm đó trở nên nhợt nhạt đi từ cái khoảnh khắc mà trong tâm hồn con người, thay vì sự quên mình và tuyệt vọng, sự sợ hãi và phục tùng, xuất hiện câu hỏi: ''Thật ra con người có nhất thiết phải gò bó mình một cách sinh tử như thế với môi trường, đến nỗi không có cơ hội thoát khỏi môi trường ngay cả khi thực sự đã tách ra khỏi nó, ngay cả khi con người chẳng còn cần gì ở môi trường nữa, ngay cả khi nó thờ ơ với những quà tặng của môi trường?"
Tôi không nói rằng sự phản kháng nhân danh tính độc lập và độc đáo của bản ngã ấy là dễ dàng. Không phải vô cớ mà nó bứt ra từ lồng ngực con người, mà trước lúc đó anh ta hẳn đã nếm trải, hoặc là những thử thách và bất hạnh cá nhân dài lâu, hoặc là những thời đại nặng nề - khi mà con người bất đồng với thế giới càng nhiều thì càng hiểu nó sâu sắc hơn, khi mà tất cả các nút thắt ràng buộc con người với ngoại giới biến thành những xiềng xích, khi mà con người cảm thấy mình hữu lí, đi ngược với các biến cố và khối quần chúng, khi mà con người ý thức được mình là đối thủ, là kẻ xa lạ chứ không phải là thành viên của đại gia đình mà nó thuộc về.
Bên ngoài chúng ta mọi thứ đang biến đổi, lung lay, chúng ta đứng bên bờ vực và nhìn thấy bờ vực đang lở; hoàng hôn đang buông xuống, mà trên bầu trời chẳng hiện ra một ngôi sao dẫn đường nào. Chúng ta chẳng tìm kiếm bến đậu nào ngoài bản thân mình, trong ý thức về sự tự do vô bờ bến, về nền độc lập có quyền hạn vô thượng của chúng ta. Tự cứu mình bằng cách đó, chúng ta đứng lên cái nền tảng dũng cảm và khoáng đạt, mà chỉ có dựa trên đó mới có thể có được sự phát triển cuộc sống tự do trong xã hội, - nếu như nói chung xã hội ấy là khả hữu đối với con người.
Giả sử như người ta đã muốn thay vì cứu thế giới, là cứu bản thân mình, thay vì giải phóng loài người, là giải phóng bản thân mình, thì hẳn là người ta đã làm được thật nhiều việc để cứu thế giới và giải phóng con người.
Sự phụ thuộc của con người vào môi trường, vào thời đại là chuyện không còn ai hoài nghi nữa. Sự phụ thuộc ấy càng mạnh mẽ hơn do phân nửa những nút thắt được củng cố ở sau lưng của ý thức; ở đây có mối liên quan đến sinh lí học mà ý chí và trí tuệ hiếm khi đấu tranh nổi, ở đây có yếu tố di truyền mà chúng ta mang theo từ khi sinh ra, giống như nét mặt vậy, yếu tố ấy tạo thành sự bảo lãnh vòng tròn của thế hệ cuối cùng với hàng loạt những thế hệ trước đó; ở đây có yếu tố của đạo đức-sinh lí học, sự giáo dục cấy ghép lịch sử và tính đương đại vào con người, yếu tố của ý thức. Mỗi trường, nơi con người sinh ra, thời đại mà con người sống, sẽ lôi kéo con người tham gia vào những gì xảy ra xung quanh anh ta, tiếp tục những gì mà những người cha đã khởi đầu; một cách tự nhiên anh ta quyến luyến với những gì vây quanh anh ta, bản thân anh ta không thể nào lại không phản ánh thời đại, môi trường của mình.
Thế nhưng chính trong hình tượng của sự phản ánh hiện ra tính độc đáo. Phản ứng đối kháng lại được kích thích nên trong con người đối với những thứ xung quanh, ấy là câu trả lời của bản ngã anh ta đáp lại ảnh hưởng của môi trường. Câu trả lời ấy có thể đầy những cảm thông cũng như đầy những đối kháng. Tính độc lập về nhân cách của con người cũng là chân lí và thực tại hiển nhiên, không khác gì sự phụ thuộc của con người vào môi trường, điểm khác biệt là nó ở trong quan hệ ngược lại với môi trường: càng nhiều ý thức thì tính độc đáo càng lớn; càng kém ý thức thì sự ràng buộc với môi trường càng chặt chẽ hơn, môi trường càng nuốt mất bản ngã nhiều hơn. Giống như bản năng mà thiếu ý thức thì không đạt được sự độc lập đích thực, còn tính độc đáo thì hoặc là sự tự do hoang dã của con thú, hoặc là thể hiện trong những phủ định hiếm hoi bồng bột và không nhất quán đối với mặt này hay mặt khác của những điều kiện xã hội, những phủ định mà người ta gọi là tội lỗi.
Ý thức về tính độc lập vẫn còn chưa có nghĩa là sự tách rời với môi trường, tính độc đáo vẫn còn chưa phải là sự thù địch với xã hội. Môi trường không phải lúc nào cũng đối xử theo cách thức như nhau với thế giới, và hệ quả không phải lúc nào cũng gây ra sự chống trả từ phía bản ngã.
Có những thời đại, con người là tự do trong sự nghiệp chung. Khi ấy hoạt động mà mọi bản tính có năng lực đều nỗ lực hướng tới, trùng với sự nỗ lực của xã hội mà bản tính ấy sống trong đó. Trong những thời đại như thế - cũng rất hiếm hoi - tất cả mọi người đều lao vào vòng biến chuyển không ngừng của các sự kiện, sống trong vòng biến chuyển ấy, đau khổ, tận hưởng thú vị, tiêu vong. Một số bản tính thiên tài độc đáo, như Goethe, đứng xa ra, và những bản tính tầm thường không có màu sắc thì vẫn thờ ơ. Ngay cả những bản ngã thù địch chống lại dòng chảy chung, cũng bị lôi cuốn say mê và thỏa mãn trong cuộc đấu tranh chân chính. Những kiều dân cũng bị thu hút bởi cách mạng giống như những người phe Jacobin. Vào thời đại như thế không cần thiết phải bàn luận về sự quên mình và tận tụy, - mọi chuyện đều xảy ra tự nhiên và hết sức dễ dàng. Không có ai lùi bước vì mọi người đều tin tưởng. Thực ra chẳng có nạn nhân, nạn nhân là cảm nhận ở những khán giả của hành động - những hành động vốn đơn giản là sự thực hiện ý chí, là cách thức hành xử.
Cũng có những thời đại khác - và chúng phổ biến hơn cả - những thời đại bình yên, thậm chí ngái ngủ, mà khi đó những quan hệ của bản ngã đối với môi trường đang tiếp tục, giống như chúng được để lại như thế bởi cuộc biến chuyển gần nhất. Những quan hệ ấy không quá căng thẳng để đổ vỡ, không quá nặng nề đến nỗi không thể chịu đựng được, và cuối cùng là không quá đặc biệt và dai dẳng đến nỗi cuộc sống không thể bù đắp cho những thiếu sót và làm dịu đi những trúc trắc. Vào những thời đại như thế, vấn đề về sự ràng buộc của xã hội với con người không nổi cộm lên nhiều. Có những va chạm thường xuyên, những tai họa bi thảm dẫn đến cái chết của một vài bản ngã; vang lên những tiếng rên la lớn lao của con người bị gò bó; nhưng tất cả những thứ ấy tan biến đi không dấu vết trong trật tự được quy định, những mối quan hệ được thừa nhận vẫn còn là bất di bất dịch, được yên vị dựa trên tập quán, trên thói vô tâm và lười nhác của con người, trên sự thiếu thốn một khởi nguyên ma quái của phê phán và châm biếm. Người ta sống trong những mối quan tâm riêng tư, trong đời sống gia đình, trong hoạt động bác học và công nghiệp, phán xét và ăn diện, cần mẫn làm việc để chăm lo cho con cái, nhưng lại hình dung đang làm sự nghiệp; đến lượt mình con cái lại chăm lo cho con cái của chúng, khiến cho những bản ngã đang hiện hữu và hiện tại tựa như bị xóa nhòa và thừa nhận mình như một thứ gì đó mang tính quá độ. Thời đại như thế cho đến nay vẫn đang tiếp diễn ở nước Anh.
Nhưng còn có một loại thời đại thứ ba nữa, rất hiếm hoi và bi ai nhất, ấy là những thời đại mà cái hình thức xã hội đã hết thời, chậm chạp và nặng nề tiêu vong đi; nền văn minh không những đã đạt tới giới hạn cao nhất, mà còn vượt quá phạm vi khả năng được hiện thực lịch sử ban cho, thành thử có vẻ như nó đang thuộc về tương lai, nhưng thực chất đã tách rời khỏi quá khứ mà nó khinh bỉ, và cũng tách rời khỏi tương lai đang phát triển theo những quy luật khác. Chính là ở thời đại này mà bản ngã đụng độ với xã hội. Quá khứ hiện ra như đòn đánh điên cuồng. Bạo lực, dối trá, hung dữ, thói luồn cúi vụ lợi, sự thiển cận, mất đi hết cảm giác nhân phẩm, tất cả những thứ ấy trở thành quy tắc chung của đa số. Tất cả những gì vẻ vang của quá khứ đã biến mất, thế giới già nua không còn tin vào bản thân mình và chống đỡ một cách tuyệt vọng vì nó sợ hãi, do bản năng tự vệ nó quên mất các thần linh của mình, giẫm đạp lên pháp luật mà nó đã dựa vào để đứng vững, chối bỏ học vấn và danh dự, trở thành con thú, truy bức, xử tử, nhưng đồng thời sức mạnh vẫn còn ở trong tay nó; người ta tuân phục nó không chỉ vì hèn nhát, mà còn bởi vì mọi thứ đều lung lay, chưa có thứ gì được quyết định, được chuẩn bị - và điều chủ yếu là người ta còn chưa sẵn sàng. Mặt khác, tương lai không quen thuộc đang hiện ra phía chân trời đang còn phủ mây đen, - là cái tương lai gây bối rối cho mọi logic nhân bản. Vấn đề thế giới La Mã được giải quyết bằng Kitô giáo, là cái tôn giáo mà con người tự do của La Mã đang tiêu vong có thật ít ràng buộc, giống như với đa thần giáo vậy. Để tiến lên phía trước từ những hình thức chật hẹp của pháp luật La Mã, nhân loại phải thoái lui về sự man dã của rợ tộc Germain.
Trong số những người La Mã, ai mà vì sự nặng nề của cuộc sống, bị đeo đuổi bởi nỗi buồn bã, sợ hãi, đã lao vào Kitô giáo, những người đó đã được cứu thoát; thế nhưng lẽ nào những người cũng đã đau khổ không kém, nhưng tính cách và trí tuệ rắn chắc hơn nên không muốn thoát thân bằng cách từ bỏ điều phi lí này để tiếp thu điều phi lí khác, lẽ nào họ lại đáng bị chê trách hay sao? Họ có thể nào lại theo Julianus Apostata đứng về phe các thần linh xưa cũ hay là theo Constantinus[182] đứng về phe các thần linh mới? Trong khi nhìn thấy tinh thần thời đại đi về đâu, lẽ nào họ lại có thể tham gia vào sự nghiệp đương đại hay sao? Vào những thời đại như thế con người tự do thường dễ đi hoang, xa lánh mọi người, còn hơn là đi chung một con đường cùng mọi người, con người tự do ấy thà tự làm mất mạng sống của mình còn hơn phải hi sinh cuộc sống.
Lẽ nào con người ấy lại ít có lí hơn vì chẳng có ai đồng ý với anh ta hay sao? Mà lẽ nào trí tuệ lại cần đến sự kiểm tra nào khác hơn là bằng trí tuệ chăng? Và vì sao mà sự điên rồ toàn thể lại có thể bác bỏ được tín niệm của cá nhân?
Những người La Mã minh triết nhất đã rời bỏ hoàn toàn khỏi vũ đài, và họ đã làm chuyện đó thật tuyệt vời. Họ đã tản ra khắp các bờ biển Địa Trung Hải, biến mất đi đối với những người khác trong sự oai nghiêm lặng lẽ đầy bi ai, nhưng không biến mất đi đối với bản thân họ - và sau mười lăm thế kỉ chúng ta cần phải thú nhận rằng, thực ra họ mới là những người chiến thắng, họ là những đại diện duy nhất, tự do và hùng vĩ cho bản ngã độc lập của con người, cho phẩm giá của con người. Họ đã là những con người, không được đếm họ theo kiểu đồng loạt, họ đã không thuộc về bầy đàn - và họ đã không muốn nói dối, chẳng có gì chung với bầy đàn nên họ đã lánh đi.
Thế chúng ta thì có gì chung với thế giới xung quanh ta? Một vài bản ngã liên kết với chúng ta bởi những tín niệm chung, ba người tốt ở Sodome và Gomorrhe[183], họ ở trong tình thế giống như chúng ta, họ hợp thành nhóm thiểu số phản kháng, mạnh mẽ về tư duy, yếu ớt về hành động. Ngoài họ ra thì mối ràng buộc tích cực giữa chúng ta với thế giới đương đại cũng không hơn gì mối ràng buộc với nước Trung Hoa (tôi tạm thời bỏ qua mối ràng buộc sinh lí học và tập quán). Điều này thật đúng đến mức, ngay cả trong những trường hợp hiếm hoi, khi người ta với chúng ta cùng phát âm những từ ngữ giống nhau, nhưng lại hiểu những từ ngữ ấy khác nhau. Liệu các vị có muốn sự tự do của những người miền núi, trật tự của quốc hội lập pháp, chế độ làm việc theo kiểu Ai Cập của những người cộng sản hay không?
Giờ đây tất cả đều chơi bài ngửa và bản thân cuộc chơi đã giản lược đi rất nhiều, không thể nhầm lẫn được - trên mỗi mảnh đất châu Âu đều cùng một cuộc đấu tranh, đều cùng có hai phe như nhau. Anh hoàn toàn cảm nhận được thật rõ ràng anh đang chống lại ai; nhưng liệu anh có cảm nhận được mối ràng buộc của anh với phe kia cũng rõ ràng như là sự kinh tởm và căm thù đối với phe này hay không?...
Thời gian cởi mở đã đến, những người tự do không lừa dối bản thân mình, cũng không lừa dối người khác, bất cứ sự thương xót nào cũng dẫn đến thứ gì đó giả trá, lệch lạc.
Để kết thúc một cách xứng đáng và hoàn thành biện pháp của mọi sự lăng nhục và tra tấn, năm vừa qua đã trình diễn cho chúng ta một cảnh tượng thật kinh hãi: cuộc đấu tranh của con người tự do với những người giải phóng nhân loại[184]. Diễn từ đầy dũng cảm, hoài nghi cay độc, phủ định không thương xót, châm biếm nghiệt ngã của Proudhon gây bối rối cho những nhà cách mạng nhiệt thành không kém hơn cho những nhà bảo thủ; họ đã tấn công ông ta dữ dội; họ trở thành những kẻ bảo vệ truyền thống và sự cứng nhắc của những kẻ chính thống; họ đã hoảng sợ chủ nghĩa vô thần của ông ta, chế độ vô chính phủ của ông ta; họ không thể hiểu nổi làm sao lại có thể tự do không có nhà nước, không có sự quản lí dân chủ; họ ngạc nhiên nghe diễn từ vô luân nói rằng nền cộng hòa là để phục vụ con người, chứ không phải các cá nhân phải phục vụ nền cộng hòa. Rồi khi họ không có đủ cả logic lẫn hùng biện thì họ tuyên bố Proudhon là kẻ khả nghi, họ rút phép thông công cách mạng của ông ta, bãi bỏ sự thống nhất chính thống của ông ta. Tài năng của Proudhon và sự hung tàn của cảnh sát đã cứu Proudhon thoát khỏi lời vu khống. Lời buộc tội đê tiện về sự phản bội đã được rỉ tai nhau trong bè lũ dân chủ, khi Proudhon ném những bài báo nổi tiếng của ông vào tổng thống, gã này bị choáng váng vì cú đánh, đã không tìm được lời đáp trả nào tốt hơn là chèn ép người tù bị xiềng xích giam hãm vì ý tưởng và lời nói[185]. Sau khi thấy chuyện đó, đám đông đã cam chịu.
Đó là những hiệp sĩ thập tự chinh vì tự do, những người giữ đặc quyền giải phóng nhân loại đấy! Họ sợ hãi tự do; họ cần có ông chủ để khỏi nghịch ngợm; họ cần quyền lực bởi vì họ không tin tưởng vào bản thân. Có khó hiểu chăng, khi một nhúm người đi cùng Cabet sang Mĩ, vừa mới thu xếp được trong những lán trại tạm thời, thì mọi khó xử rắc rối của đời sống nhà nước châu Âu đã bộc lộ ra ngay trong môi trường của họ?[186]
Bất chấp tất cả những chuyện ấy, họ có tính đương đại hơn chúng ta, có ích hơn chúng ta, bởi vì họ ở gần với sự nghiệp hơn chúng ta; họ sẽ tìm được nhiều cảm thông hơn trong quần chúng, họ cần thiết hơn. Các khối quần chúng muốn chặn lại bàn tay trâng tráo giật miếng bánh mì mà họ làm ra, - đó là nhu cầu chủ yếu của họ. Họ thờ ơ với tự do cá nhân, độc lập ngôn luận; quần chúng ưa thích quyền uy, sự choáng lộn đầy nhục nhã của quyền lực vẫn còn làm cho họ lóa mắt, con người đứng độc lập vẫn còn sỉ nhục họ; họ hiểu bình đẳng là cái ách chia đều; trong khi e ngại độc quyền và đặc quyền, họ vẫn lườm nguýt tài năng và bắt ép người ta phải làm theo những gì mà đám quần chúng đang làm. Quần chúng mong muốn một chính phủ xã hội cai trị họ vì họ, chứ không chống lại họ như chính phủ hiện nay. Tự quản lí bản thân là chuyện họ chưa hề nghĩ tới. Đó là vì sao mà những người giải phóng lại gần gũi với những biến chuyển đương đại hơn là bất cứ con người tự do nào. Con người tự do có thể là con người hoàn toàn không cần thiết; nhưng từ điều này không suy ra rằng anh ta phải hành động ngược lại với những tín niệm của mình.
Thế nhưng các vị sẽ bảo rằng cần phải hạn chế bản thân. Tôi e rằng chẳng thu được gì từ chuyện đó; khi con người toàn tâm toàn ý hiến mình cho công việc, anh ta cũng chẳng làm được bao nhiêu; anh ta sẽ làm được gì đây, khi cố tình bớt đi một nửa sức lực và phương tiện? Cứ đặt Proudhon vào chức bộ trưởng tài chính, tổng thống, ông ta sẽ thành một Bonaparte thứ hai. Gã này [Bonaparte] dao động, do dự mãi vì hắn đắm đuối giấc mộng hoàng đế. Proudhon cũng sẽ luôn luôn phải phân vân, bởi vì ông ta cũng thấy ghét cái nền cộng hòa hiện hữu như Napoleon đã thấy, mà nền cộng hòa mang tính xã hội thì hiện nay còn ít có khả năng hơn nhiều so với đế chế.
Tuy nhiên, người nào trong thâm tâm cảm thấy bất đồng, muốn và có thể thẳng thắn tham gia vào trận chiến của các đảng phái; người nào không đi theo con đường của mình vì thấy con đường của những người khác không đi về đó; người nào không cho rằng thà đi lạc đường rồi chết còn hơn phải từ bỏ chân lí của mình, - người ấy cứ việc hành động cùng với những người khác. Anh ta thậm chí sẽ làm được những việc rất hay, bởi vì trong lúc không có được thứ gì khác thì những người đi giải phóng loài người sẽ lôi những hình thức quân chủ xưa cũ của châu Âu cùng với họ lao xuống vực; tôi thừa nhận quyền cho con người muốn hành động, cũng như quyền cho người muốn né tránh; tùy theo ý của anh ta thế nào, chúng ta không tranh cãi gì về điều này.
Tôi rất vui là đã đụng chạm đến vấn đề còn chưa rõ ràng này, đụng chạm đến cái xiềng xích vững chắc nhất trong các xiềng xích vẫn cùm kẹp con người, - vững chắc nhất vì con người, hoặc là không cảm thấy bạo lực của nó, hoặc còn tệ hơn nữa là thừa nhận nó chính đáng vô điều kiện. Ta sẽ xem thử nó đã han gỉ hay chưa?
*
Sự lệ thuộc của con người cá nhân vào xã hội, nhân dân, nhân loại, ý tưởng - là sự tiếp tục của việc hiến tế sinh mạng con người, dâng tế con cừu non để lấy lòng Thượng Đế, đóng đinh người vô tội thay cho những người có tội. Tất cả các tôn giáo đều dựa vào đức hạnh phục tùng, tức là thói nô lệ tự nguyện, vì vậy mà các tôn giáo bao giờ cũng có hại hơn là các chế độ chính trị. Ở đó là bạo lực, còn ở đây là sự sa đọa ý chí. Sự phục tùng đồng thời có nghĩa là chuyển giao toàn bộ tính độc đáo của bản ngã cho những phạm trù mang tính toàn thể vô diện mạo, không phụ thuộc vào bản ngã. Kitô giáo là tôn giáo của những mâu thuẫn, một mặt thừa nhận phẩm giá vô bờ bến của bản ngã, cứ tựa như là để hủy diệt nó một cách trang trọng hơn trước sự chuộc tội, trước giáo hội, trước người cha ở trên trời. Quan điểm của Kitô giáo đã thâm nhập vào nếp sống, nó tạo thành cả một hệ thống đạo đức mang tính nô lệ, thành cả một phép biện chứng méo mó, hết sức nhất quán trong tự thân nó. Thế giới ngày một trở thành tao nhã hơn, hay nói đúng hơn là nhận ra mình vẫn tao nhã như trước, đã trộn lẫn những nhân tố của mình vào học thuyết đạo đức Kitô giáo, nhưng cơ sở của nó thì vẫn như cũ. Bản ngã, cái đơn tử thực sự chân thực của xã hội, lúc nào cũng bị hi sinh cho một khái niệm chung nào đó có tên gọi mang tính tập hợp, cho một lá cờ nào đó. Từ bỏ tự do của bản ngã là để làm việc cho ai, hi sinh cho ai, để cho ai sử dụng, để giải phóng cho ai, về điều này thì chẳng ai hỏi đến cả. Tất cả mọi người đều hi sinh (ít nhất cũng trên lời nói) bản thân mình và hi sinh lẫn nhau.
Đây không phải lúc để phân tích xem sự kém phát triển của các dân chúng biện minh được đến đâu cho biện pháp giáo dục như thế. Rất có thể những biện pháp ấy đã là tự nhiên và tất yếu, chúng ta gặp chúng ở mọi nơi, nhưng chúng ta có thể cả gan nói rằng nếu những biện pháp ấy quả có đem lại những kết quả vĩ đại, thì chắc cũng làm chậm lại chừng đó quá trình phát triển, bằng việc làm méo mó trí tuệ bởi quan niệm trá ngụy. Nói chung tôi không tin mấy vào lợi ích của sự dối trá, đặc biệt là khi người ta không còn tin vào nó nữa: toàn bộ cái kiểu cách Machiavelli ấy, toàn bộ những lối văn hoa mĩ ấy tôi thấy có vẻ giống nhiều hơn với trò đùa quý tộc dành cho các nhà truyền giáo và các thầy giảng đạo đức.
Cơ sở chung của quan điểm, mà tình trạng nô ; lệ đạo đức của con người và "sự hạ nhục" bản ngã của nó dựa vào, thật là vững chắc, hầu như toàn bộ cơ sở là ở tính lưỡng diện thấm đẫm trong tất cả các xét đoán của chúng ta.
Tính lưỡng diện - ấy là Kitô giáo đã được nâng lên thành logic, là Kitô giáo đã được giải phóng khỏi những truyền thuyết và tính huyền bí. Thủ thuật của nó bao gồm việc phân chia cái thực sự không thể phân chia thành những đối lập trừu tượng, thân thể và linh hồn; biến những đối lập trừu tượng ấy thành thù địch, và hòa giải một cách gượng gạo cái vốn đã liên kết với nhau trong thể thống nhất không tách rời. Đó là huyền thoại Thượng Đế và con người được Đấng Kitô hòa giải, được phiên dịch sang ngôn ngữ triết học.
Giống như Đấng Kitô tự chà đạp thân xác để chuộc tội cho loài người, chủ nghĩa lí tưởng trong tính lưỡng diện cũng lấy một phía này của cái bóng để chống lại phía kia, bằng cách trao độc quyền cho linh hồn đứng trên vật chất, cho giống loài đứng trên cái không thể phân chia được nữa, và như vậy là hi sinh con người cho nhà nước, hi sinh nhà nước cho loài người.
Bây giờ các vị hãy hình dung toàn bộ sự hỗn loạn gieo vào lương tâm và trí tuệ người ta, những con người từ lúc tuổi thơ đã chẳng được nghe điều gì khác. Tính lưỡng diện đã làm méo mó đi ngay cả những khái niệm đơn giản nhất, đến nỗi người ta phải nỗ lực rất nhiều mới nắm được những chân lí vốn rõ như ban ngày. Ngôn ngữ của chúng ta là ngôn ngữ lưỡng diện, trí tưởng tượng của chúng ta không có những hình tượng nào khác, những ẩn dụ nào khác. Một ngàn năm trăm năm mọi thứ học hỏi, mọi thứ dạy dỗ, mọi thứ văn viết, mọi thứ hành động đều thấm đẫm tính lưỡng diện, và hầu như chỉ có vài người ở cuối thế kỉ XVII là mới bắt đầu hoài nghi về nó, thế nhưng trong khi hoài nghi thì do lịch sự nên người ta vẫn tiếp tục nói bằng ngôn ngữ của nó, và vì cũng có phần sợ hãi nữa.
Lẽ tự nhiên là toàn bộ nền luân lí của chúng ta cũng sinh ra từ khởi nguyên ấy. Nền luân lí ấy đòi hỏi cống hiến liên tục, chiến công không ngừng, hi sinh không ngừng. Do vậy mà đa số các quy tắc của nó không bao giờ được thực hiện. Cuộc sống ngoan cố hơn các lí thuyết rất nhiều, cuộc sống tiến triển độc lập với các lí thuyết và lặng lẽ chiến thắng chúng. Không thể có được một sự phản đối đầy đủ hơn đối với nền đạo đức đã được chấp nhận, thế nhưng người ta vẫn thản nhiên sống trong mâu thuẫn ấy; người ta đã quen với nó hàng thế kỉ rồi. Kitô giáo trong khi phân đôi con người thành cái lí tưởng nào đó và con vật nào đó, đã làm sai lệch khái niệm con người; không tìm được lối thoát ra khỏi cuộc đấu tranh của lương tâm với các khao khát, con người đã quen với thói giả nhân giả nghĩa thật công khai, đến nỗi sự mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm không hề làm nó bối rối. Nó viện đến bản chất yếu đuối, ác độc của mình, và giáo hội vội vã đưa cho nó phương tiện dễ dàng thanh toán với lương tâm bị hoảng hốt, bằng lễ xá tội và rửa tội, vì e ngại sự tuyệt vọng có thể dẫn đến một trật tự khác của tư duy chăng, những tư duy không dễ thu xếp được bằng thú tội và tha thứ. Những trò tinh nghịch ấy đã bén rễ thật sâu đến nỗi vượt qua cả bản thân quyền lực giáo hội. Những phẩm hạnh công dân gượng gạo đã thay thế cho thói đạo đức giả gượng gạo; từ đó sinh ra sự phấn khích mang tính nhà hát theo điệu La Mã và theo kiểu các vị tuẫn đạo Kitô giáo cũng như các hiệp sĩ phong kiến.
Đời sống thực tiễn vẫn đi theo trình tự của nó, chẳng hề bận tâm đến đạo đức anh hùng.
Thế nhưng tấn công nó thì chẳng ai dám làm, và nó đứng vững được, một mặt dựa vào một thỏa ước bí mật nào đó về lòng thương xót và kính trọng, giống như nước cộng hòa San-Marino, mặt khác dựa vào thói hèn nhát, ươn hèn của chúng ta, dựa vào nỗi xấu hổ trá ngụy và thói nô lệ đạo đức của chúng ta. Chúng ta sợ hãi lời buộc tội vô đạo đức, và điều này kiềm chế chúng ta. Chúng ta lặp lại những lời đạo đức nhảm nhí được nghe thấy mà không gán cho chúng ý nghĩa nào hết, nhưng không phản đối chúng, cũng giống như các nhà nghiên cứu tự nhiên vì lịch sự mà nói trong lời dẫn về Đấng Sáng tạo và kinh ngạc vì sự anh minh của người. Lòng kính trọng, được nhồi nhét cho chúng ta bằng nỗi sợ hãi những tiếng la hét man rợ của đám đông, biến thành thói quen đến nỗi khiến chúng ta kinh ngạc và giận dữ nhìn vào sự táo tợn của con người tự do đầy thẳng thắn, là người dám hoài nghi vào tính chân lí của lối văn hoa mĩ ấy; sự hoài nghi đó lăng nhục chúng ta cũng giống như xưa kia một nhận xét thiếu tôn trọng về con tàu là lăng nhục thần dân, đó là sự hãnh diện của kẻ mang đồng phục, thói vênh váo của lũ nô lệ.
Nền đạo đức quy ước, ngôn ngữ quy ước được tạo thành như vậy đó; chúng ta dùng nó để chuyển giao cho con cái chúng ta niềm tin vào những thần linh giả trá, chúng ta lừa dối chúng giống như cha mẹ đã lừa dối chúng ta, và giống như con cái chúng ta sẽ lừa dối con cái của chúng cho tới chừng nào mà một cuộc biến chuyển còn chưa chấm hết với tất cả cái thế giới dối trá và giả bộ này.
Cuối cùng thì tôi không sao chịu nổi lối văn hoa mĩ ấy của những ngôn từ huênh hoang mang tính ái quốc và bác ái, vốn chẳng có chút ảnh hưởng nào tới cuộc sống. Liệu có được nhiều người sẵn sàng hi sinh tính mạng vì bất cứ điều gì đó hay không? Tất nhiên là không nhiều, nhưng dẫu sao cũng vẫn nhiều hơn những người có can đảm nói rằng "Chết vì tổ quốc" thực ra không phải là niềm hạnh phúc cao cả của con người, và rằng nếu cả tổ quốc và con người đều còn nguyên vẹn thì vẫn tốt hơn.
Chúng ta thật trẻ con biết bao, chúng ta thật nô lệ biết bao, khi mà toàn bộ trọng tâm, điểm tựa cho ý chí của chúng ta, cho đạo đức của chúng ta lại ở bên ngoài chúng ta!
Điều dối trá ấy không những có hại, mà còn lăng nhục phẩm giá cá nhân, làm đồi bại tư cách; phải có tính cách thật mạnh mẽ để nói và làm đi đôi với nhau; ấy là lí do vì sao người ta cần phải thừa nhận trên lời nói về những gì mà cuộc sống hằng ngày vẫn thừa nhận. Có thể là những lời ba hoa đầy mẫn cảm ấy đã có chút ích lợi nào đó vào những thời hoang sơ, nhưng hiện nay thì nó làm suy yếu, ru ngủ, và đánh lạc hướng chúng ta. Đã lâu rồi, chúng ta đã cho phép ngâm nga những bài tập lối văn hoa mĩ ấy, được tạo ra từ Kitô giáo được hâm nóng, pha thêm chút nước đục của chủ nghĩa duy lí và một dung dịch có mật ngọt của lòng bác ái. Cuối cùng thì cũng đã đến lúc phải phân tích những cuốn sách dạy văn minh ấy, đã đến lúc đòi hỏi các thầy giáo của chúng ta phải giải trình.
Tất cả những lời huênh hoang chống thói vị kỉ, chống chủ nghĩa cá nhân có ý nghĩa gì đây? - Thói vị kỉ là gì? - Tình huynh đệ là gì? - Chủ nghĩa cá nhân là gì? - Và tình yêu nhân loại là gì?
Tất nhiên người ta đều vị kỉ cả, bởi vì người ta là những bản ngã; làm sao là chính mình được, mà lại không có ý thức rạch ròi về cá nhân mình? Tước đi cái ý thức ấy của con người có nghĩa là giải thể con người, biến nó thành một thực thể vô vị, nhàm chán, không có tính cách. Chúng ta là những người vị kỉ và vì thế mà chúng ta cố giành lấy độc lập, sự sung túc, sự thừa nhận các quyền của chúng ta, vì thế mà chúng ta khao khát tình yêu, tìm kiếm hoạt động... và chúng ta không thể khước từ những quyền như thế đối với những người khác, mà lại không tự mâu thuẫn.
Một thế kỉ trước đây chủ nghĩa cá nhân đã thức tỉnh người ta khỏi giấc ngủ nặng nề do ảnh hưởng của thuốc phiện Thiên Chúa giáo. Nó dẫn đến tự do cũng như sự cam chịu dẫn đến việc khuất phục. Những áng văn của người vị kỉ Voltaire đã làm được nhiều hơn cho việc giải phóng, hơn là những áng văn của Rousseau yêu thương đã làm được cho tình huynh đệ.
Những nhà thuyết giảng đạo đức nói về thói vị kỉ như một thói xấu, mà không đặt câu hỏi, liệu con người có còn là con người hay không nếu mất đi cảm nhận sinh động về bản ngã, mà không nói cho biết, sự thay thế nó ở trong "tình huynh đệ" và trong "tình yêu nhân loại" sẽ là cái gì vậy, lại cũng không giải thích tại sao nên kết tình huynh đệ với tất cả mọi người và nghĩa vụ yêu thương tất cả mọi người trên thế gian là gì vậy. Chúng ta cũng không thấy nguyên nhân để yêu thương hay ghét bỏ một thứ gì đó, chỉ vì nó hiện hữu. Hãy để cho con người được tự do trong cảm nhận của nó, nó sẽ tìm được người nó yêu thương, tìm được người để nó kết tình huynh đệ, để làm điều này nó chẳng cần đến cả những điều răn lẫn mệnh lệnh; nếu nó không tìm được thì đây là chuyện của nó, là nỗi bất hạnh của nó.
Kitô giáo, ít nhất cũng không chịu dừng lại ở những chuyện vô bổ như thế, mà còn táo bạo ra lệnh yêu thương không phải chỉ tất cả mọi người, mà chủ yếu là yêu thương kẻ thù của mình. Mười tám thế kỉ rồi người ta đã mủi lòng trước điều này; cuối cùng cũng đã đến lúc phải thú nhận rằng quy tắc ấy thật trống rỗng... Yêu thương kẻ thù vì cái gì kia chứ? Hay là nếu họ thật dễ thương đến thế, thì vì cái gì mà lại thù địch với họ nhỉ?
Vấn đề là ở chỗ thói vị kỉ và tính xã hội đều không phải là đức tính tốt hay thói xấu; đó là hiện tượng tự nhiên của cuộc sống con người, nếu không có chúng thì đã chẳng có lịch sử, sự phát triển, mà ắt đã là một cuộc sống rời rã của những con thú hoang, hay là một bầy đàn sống ở hang động được thuần hóa. Diệt đi tính xã hội trong con người, ta sẽ có được con đười ươi hung dữ; diệt đi thói vị kỉ ở trong nó, nó sẽ thành con khỉ được thuần hóa hiền lành. Những kẻ nô lệ có ít thói vị kỉ nhất. Bản thân từ ngữ "vị kỉ" tự thân nó không có nội dung đầy đủ. Có thói vị kỉ hẹp hòi, có tính súc vật, bẩn thỉu, cũng giống như có tình yêu bẩn thỉu, súc vật, hẹp hòi. Mối quan tâm đích thực hoàn toàn không phải ở chỗ giết chết thói vị kỉ trên lời nói và ca ngợi tình huynh đệ, nó chẳng có tác dụng gì, - mà là ở chỗ kết hợp một cách hài hòa thật tự do hai khởi nguyên không thể tách rời nhau ấy của đời sống con người.
Như một hữu thể sống hợp quần, con người hướng tới yêu thương, và về chuyện này chẳng cần phải ra lệnh cho nó. Căm ghét bản thân hoàn toàn không cần thiết. Những nhà thuyết giảng đạo đức xem mọi hành động đức hạnh đều thật đáng kinh tởm đối với bản chất con người, đến nỗi tôn vinh mỗi hành vi thiện lên hàng phẩm giá vĩ đại, chính vì vậy mà họ quy tình huynh đệ vào nghĩa vụ, giống như việc tuân thủ các chức vụ, giống như việc giết hại thể xác. Hình thức tôn giáo mới nhất của sự nô lệ dựa trên sự phân đôi xã hội và con người trong sự thù địch ảo của chúng. Chừng nào mà còn một mặt là Thiên thần-Tình huynh đệ, mặt kia là Quỷ dữ-Thói vị kỉ, thì sẽ vẫn còn có chính phủ để dàn hòa và kiềm chế chúng, sẽ vẫn còn có các quan tòa để trừng phạt, cấc đao phủ để xử tử, giáo hội để cầu xin Thượng Đế tha thứ, Thượng Đế để gieo nỗi sợ hãi, - và thanh tra cảnh sát để bỏ tù.
Sự hài hòa giữa cá nhân và xã hội không thực hiện được một lần cho mãi mãi, nó hình thành nên từng thời kì một, từng đất nước một và biến đổi theo những hoàn cảnh giống như mọi sinh thể. Không thể có chuẩn mực chung, lời giải chung được. Chúng ta đã từng thấy vào những thời đại nhất định con người đã dễ dàng hiến mình cho môi trường thế nào và vào những thời đại khác thì chỉ có thể bảo tồn mối liên kết bằng sự xa cách, rời đi, mang theo mình tất cả những gì của mình. Không phải theo ý của chúng ta mà thay đổi được mối quan hệ lịch sử của cá nhân đối với xã hội; nhưng tùy thuộc ở chúng ta là việc trở thành đương đại phù hợp với sự phát triển của chúng ta, nói ngắn gọn là sáng tạo nên hành vi của chúng ta để đáp lại hoàn cảnh.
Thực vậy, con người tự do tạo nên đạo đức của mình. Chính đó là điều mà những người khắc kỉ muốn nói, khi họ bảo rằng "không có luật lệ cho người minh triết". Hành vi tuyệt vời của ngày hôm qua có thể là cực kì tồi tệ cho ngày hôm nay. Cũng không hề có một nền đạo đức vĩnh cửu bất di bất dịch, giống như không có những phần thưởng và sự trừng phạt vĩnh cửu vậy. Cái thực sự bất di bất dịch trong đạo đức quy về những thứ chung chung nhất, khiến cho mọi thứ riêng biệt hầu như mất đi hết, ví dụ như là: mọi hành động đi ngược lại với những tín niệm của chúng ta đều là tội lỗi, hay như Kant đã nói, rằng mọi hành động mà con người không thể khái quát lên thành quy tắc thì đều là vô đạo đức.
Ngay ở đầu bài viết, chúng ta đã khuyến cáo không nên tự mâu thuẫn với bản thân mình, dù điều đó có phải trả giá đắt thế nào đi nữa và cắt đứt nhưng mối giao du không chân thực, được duy trì bởi nỗi xấu hổ giả dối, bởi sự quên mình không cần thiết (giống như trong tác phẩm Alfred của Benjamin Constant).[187]
Hoàn cảnh đương đại có phải như tôi đã trình bày hay không, đó là chuyện có thể tranh cãi, và nếu như các vị chứng minh được là không phải thế, tôi sẽ xin bắt tay các vị để cảm ơn, các vị sẽ là ân nhân của tôi. Rất có thể tôi đã quá mải mê đau khổ nghiên cứu những điều kinh khủng xảy ra xung quanh, nên mất đi khả năng nhìn thấy mặt tươi sáng. Tôi sẵn sàng lắng nghe, tôi mong muốn được đồng ý. Thế nhưng nếu quả thực hoàn cảnh là như vậy thì chẳng có gì để tranh cãi cả.
Các vị sẽ bảo: "Vậy là chúng ta sẽ hiến mình cho việc vô vi đầy giận dữ, trở thành người xa lạ với mọi thứ, giậm chân và tức giận vô ích, giống như những lão già tức giận rời khỏi vũ đài, là nơi cuộc sống đang sôi sục và chuyển động, rồi cố sống nốt những ngày tàn, chẳng giúp ích gì cho người khác và tự làm khổ thân mình".
- Nhưng tôi không khuyến cáo chửi rủa cuộc sống, mà là bắt đầu một cuộc sống độc lập, độc đáo, một cuộc sống để có thể tìm thấy ở đó sự cứu rỗi cho chính mình, ngay cả khi giả như toàn bộ thế giới quanh ta tiêu vong. Tôi khuyến cáo hãy nhìn thật kĩ xem cái đám đông có thực là đi về phía mà chúng ta tưởng là họ đi về hay không, và có đi cùng họ hay tách ra khỏi họ thì cũng phải biết rõ con đường của họ; tôi khuyến cáo vứt bỏ đi những ý kiến sách vở mà người ta đã nhồi nhét vào chúng ta từ thuở ấu thơ, cho người ta biết họ hoàn toàn khác với những gì họ thực là như thế. Tôi muốn chấm dứt "giậm chân vô ích và bất mãn thất thường", tôi muốn hòa giải với người ta, sau khi xác tín rằng người ta không thể tốt hơn, rằng hoàn toàn không phải lỗi của họ mà họ cứ là như thế.
Rồi ra cái hoạt động bề ngoài sẽ là thế này hay thế khác, hay sẽ chẳng có hoạt động nào hết, chuyện đó thì tôi không biết. Mà thực ra chuyện đó đâu có quan trọng. Nếu anh mạnh mẽ, nếu anh quả có thứ gì đó không những có giá trị, mà còn gây xao xuyến sâu sắc cho những người khác, thì nó sẽ chẳng mất đi đâu - tính tiết kiệm của thiên nhiên là vậy. Sức mạnh của anh như một giọt men, nhất định sẽ gây xao xuyến, bắt tất cả những gì chịu ảnh hưởng của nó cũng lên men; những lời nói của anh, những việc làm, những ý tưởng sẽ chiếm được vị trí của mình mà không cần phải bận rộn. Nếu như anh không có được sức mạnh như thế, hay là có sức mạnh nhưng không tác động lên con người đương đại, thì chuyện đó cũng chẳng hề gì, cả cho anh, cả cho những người khác. Chúng ta là những diễn viên hài vĩnh viễn, những người đàn ông công cộng hay sao! Chúng ta đâu phải sống để gây chú ý cho những người khác, chúng ta sống cho bản thân mình. Đa số người ta đều luôn thực dụng, hoàn toàn chẳng bận tâm đến chuyện không có được hoạt động lịch sử.
Thay vì thuyết phục dân chúng để họ tha thiết muốn cái chúng ta muốn, tốt hơn là nên nghĩ xem, vào giây phút này đây, liệu họ có muốn điều đó hay không, và nếu họ muốn thứ hoàn toàn khác, thì hãy tập trung lại, rời khỏi cái chợ, lặng lẽ bỏ đi, đừng cưỡng bức người khác và đừng uổng phí bản thân mình.
Rất có thể, hành động phủ định ấy sẽ khởi, đầu một cuộc sống mới. Ít nhất thì đó cũng sẽ là một hành vi lương thiện.
Paris, Hôtel Mirabeau, 03 tháng 04 năm 1850