Tứ hoàng tử - Chương 41 - Phần 1
Chương 41: Liên hoàn kế thu phục triều thần
Sáng sớm không khí trong lành, gió mơn man thổi, cả kinh thành từ hoàng cung đến đường xá phố phường, từ mái đình đen đỏ đến đầu ngõ thôn làng đều như thay áo mới. Nhờ một cơn mưa lớn ngày hôm qua đã xua đi nóng bức, quét tan bụi bặm, thanh tẩy sự ngột ngạt bấy lâu khiến người người mệt mỏi.
Ngoài phố các cửa hàng, quán ăn lục tục chuẩn bị mở cửa đón khách, trong cung ngày mới cũng vừa bắt đầu, triều thần quan viên tề tựu đông đủ ở đại điện. Nhắc đến đám thần tử này thì, chậc chậc, mặc dù đạo đức chẳng ra gì, công đức chẳng có mấy, tóm lại chính là một đám rách việc không được tích sự, nhưng quan lớn quan vừa quan bé đều tuyệt đối đúng giờ lên triều dự chầu. Cho dù là nhất phẩm, nhị phẩm, tam phẩm, tứ phẩm gom lại một chỗ cũng không lôi ra được một vị nào dám chơi giờ "cao su" với hoàng đế.
Thế nên trong điện lúc này, như mọi ngày, trừ hoàng thượng còn đang ở tẩm cung thay long bào, thì hai vị vương gia và triều thần đều đã có mặt đông đủ. Người đông miệng nhiều, cho dù ở đây toàn là đấng mày râu, là rường cột nước nhà thì cũng không ngoại lệ... chính là rảnh rỗi tụm lại từng tốp xì xà xì xồ.
"Trịnh đại nhân, theo ngài thấy hôm nay tứ vương gia có dự chầu không?", Ngũ phẩm đông các Đại học sĩ hỏi người đứng kế bên, ngoài chút hiếu kỳ thì sắc mặt cũng được coi là bình thường, chỉ có điều khi phát âm mấy tiếng "tứ vương gia" thì thanh âm có phần run rẩy.
"Nhân vật chính sao có thể không tới, còn chưa đến giờ, Trần đại nhân ngài nôn nóng cái gì", Tứ phẩm Chỉ huy sứ Trịnh Lang Nhân hừ mũi đáp.
"Có thể không nôn nóng sao? Tứ vương gia lần này phụng chỉ làm Khâm sai, mang công trạng trị hạn trở về có thể nói là phong quang vô hạn, nhất định sẽ được phong chức lớn. Cũng không biết thánh thượng sẽ điều ngài ấy đến bộ nào".
"Lâm mỗ đoán nếu không phải Công bộ thì sẽ là Binh bộ, tuyệt đối sẽ không đến Lễ bộ", một viên quan Chủ sự của Lễ bộ xáp lại "góp vui". Ai ai cũng biết tứ vương gia vốn xem nhẹ lễ tiết, không chịu để mấy thứ quy định quy củ trói buộc, hẳn là sẽ không chạy tới Lễ bộ đánh mã điếu với bọn họ đâu.
Trịnh chỉ huy sứ xua xua tay, cười nhạo:
"Ha, ngài sợ cái gì, tính ra người được lợi nhất chẳng phải là Lâm đại nhân ngài, Liễu Vĩnh Đồng đè đầu cưỡi cổ ngài bấy lâu nay, giờ chẳng phải đã tàn phế nằm nhà dưỡng thương còn gì? Ta thấy tứ vương gia mà đến Lễ bộ thật thì ngài phải vui mừng mới đúng, cơ hội lấy lòng hiếm có như vậy không phải ai cũng có phúc hưởng đâu".
Những người xung quanh vừa nghe nhắc tới Liễu thị lang liền nhớ đến cảnh máu tanh trong đình hôm qua, nhất thời đồng loạt rụt đầu rụt cổ, toát mồ hôi lườm kẻ vừa lên tiếng, thầm oán trách: Cái tên Trịnh Đông Qua này mới sớm bảnh mắt đã banh cái miệng quạ đen ra rồi, nói chuyện không biết kiêng dè gì cả. Hù chết người ta!
Lâm chủ sự nghe mấy chữ "đè đầu cưỡi cổ" thì cũng không vui nhưng biết rõ Trịnh Đông Qua là quan võ nghĩ gì nói nấy nên cũng không trách, chỉ cười nhăn nhó:
"Lâm mỗ chỉ là một chủ sự nhỏ nhoi, đại sự không đến phiên Lâm mỗ thì Lâm mỗ có gì mà phải sợ. Chỉ là Lâm mỗ cũng như các ngài, đều hiếu kỳ đối với sự an bài của thánh thượng mà thôi".
Trần đại học sĩ liếc nhanh về phía hàng đầu nơi hai vị vương gia đang đứng rồi hạ giọng đưa ra ý kiến:
"Tám phần mười sẽ là Công bộ. Lễ bộ, Binh bộ hay Hộ bộ đều không thích hợp".
Đám "bà tám" vừa nghe đã hiểu, gật gật đầu. Binh bộ có nhị vương gia, Hộ bộ có tam vương gia. Xem ra khả năng cao nhất là người kia sẽ chạy đến Công bộ đóng đô rồi. Mấy vị thuộc Công bộ đưa mắt nhìn nhau, khóe môi giật giật, da đầu tê dại. Có người còn lẩm bẩm rất nhỏ: Tương lai mờ mịt, tương lai sao mà mờ mịt...
Nhất thời tiếng thở ngắn than dài vang lên khắp điện, chỉ có ba người là không có biểu hiện gì đặc biệt. Mã tể tướng mắt dòm mũi, mũi dòm tim, im lìm lim dim vuốt râu, môi có hơi cong cong khó nhận biết. Nhị vương gia nhíu mày không vui nhưng cũng không tỏ thái độ gì khác lạ. Tam vương gia đứng đầu đám quan văn sắc mặt nhàn nhã, dáng vẻ khoan thai, cơ hồ mấy lời bàn tán kia chưa từng lọt vào tai chút nào.
"Đến rồi! Đến rồi!", một giọng nói cất lên ở phía cuối hàng, gần cửa nhất.
Toàn bộ quan viên động tác đều tăm tắp, quay đầu nhướn cổ về phía cửa nín thở chờ đợi, ngay cả tam vương gia cũng hơi hơi nhướn mày.
Một chấm đỏ dần dần hiện rõ. Người nọ bước qua bậc thềm, chậm rãi đi vào đại điện. Đầu ngẩng cao, bước đi không chút dao động. Khi đến chỗ hai vị vương gia thì mới dừng lại, chắp tay cười nhẹ:
"Nhị ca, tam ca, lâu ngày không gặp".
Nhị vương gia gật đầu một cái rồi ngoảnh mặt quay đi, có điều sắc mặt có hơi ửng đỏ một cách khó hiểu. Tam vương gia nghe mấy chữ "lâu ngày không gặp" thì vô tình hữu ý liếc nhị hoàng huynh của mình một cái mới chăm chú nhìn Tứ Thụy, mắt hoa đào không chớp, qua một lúc mới cười đáp lời:
"Tứ đệ hình như gầy đi đó".
"Tam ca quan tâm, là phúc của đệ", Tứ Thụy giữ nguyên tư thế chắp tay, nét cười xán lạn trên mặt càng tăng thêm, quay sang bá quan văn võ chào hỏi, "các vị đại nhân, tiểu vương có lời chào".
Nhưng không ai đáp lời hắn. Quần thần lúc này, hồn vía đều đang bận chu du, ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Tứ Thụy hơi nghiêng đầu, ý cười càng sâu, cao giọng gọi:
"Các vị đại nhân?".
Một âm thanh bình thường chỉ có ở các bữa đại yến tiệc thì lúc này vang lên vô cùng lớn ở đại điện:
"Ực".
Tiếng nuốt nước bọt vừa lớn vừa rõ, từ một người tuyệt đối không thể tạo ra âm lượng lớn như vậy, vang vọng như vậy! Không biết là vị quan văn nào bên dưới xuất khẩu thành thơ:
"Tích thạch như ngọc
liệt tùng như thuý.
Lang diễm độc tuyệt,
thế vô kỳ thất". (*)
Cười một cái khuynh thành, cười cái nữa khuynh quốc... Nhân trung chi long**, thiên hạ vô song, không bút nào tả xiết... Tiếng lòng triều thần đều biểu lộ ở trên mặt. Nhìn bóng áo đỏ kia, không nỡ chớp mắt.
Tứ Thụy thân mặc triều phục, sắc áo đỏ thẫm tựa ánh bình minh như gom cả nền trời bên ngoài vào trong đại điện. Đầu đội kim quan, tóc vấn cao cài trâm bạch ngọc để lộ vầng trán cao như núi đẹp như tranh. Chân mang giày gấm thêu chỉ vàng hoa văn mây cuộn. Một thân quý khí bức người, gấm vóc tinh xảo mỹ lệ không những không che lấp dung mạo, ngược lại như tinh tú cạnh minh nguyệt, làm nền cho tư dung trác việt, nét nét tinh tế. Một đôi mày kiếm khẽ nhướn, chúng nhân cởi giáp xin hàng. Một đôi mắt hắc bạch phân minh, sáng hơn sao chiếu rọi nhân gian, vạn đóa hoa đăng không bằng một ánh nhìn kinh tâm động phách. Một nụ cười, than ôi, một nụ cười trân bảo, khuấy trời chọc nước, bắc nam đảo lộn.
Một chiêu "Mỹ nam kế" nhất kích tất sát! Haizz, quả không uổng công, Tứ Thụy thở dài trộm nghĩ. Bình thời hắn đều cải trang, cố ý che đi ba phần dung mạo thật, nhằm lu mờ bản thân. Không vì gì khác chỉ do gương mặt này quá... dọa người. Chính từ lần đại thọ sáu mươi của thái hậu, Minh Ỷ vừa gặp đã chỉ tay muốn gả cho hắn khiến Tứ Thụy ngộ ra không chỉ cần che giấu tài năng mà còn phải che lấp luôn cả ngoại hình. Nay nếu chuyện đóng kịch giấu tài đã "bại lộ" thì cũng không cần tiếp tục giấu giấu giếm giếm, ngược lại "tiên phát chế nhân"***, đem bất ngờ tạo thành lợi thế, trợ giúp cho nước cờ đang trù bị. Lúc này vẻ ngoài Tứ Thụy nhìn qua không có gì biến đổi, ngay cả nhị vương gia cũng đang tự vấn bản thân vì sao ban nãy nhìn Tiểu Tứ một cái lại khiến tim đập ngực nóng, phải ngoảnh mặt đi ngay, còn lập tức xuất ra lý do vì giận nên hỏa cấp công tâm, khó lòng kìm chế! Duy có tam vương gia dường như đối với sự thay đổi của Tứ Thụy vẫn không chút bất ngờ, chỉ là đôi mắt hoa đào kia vẫn đang dính chặt lên gương mặt trông nghiêng đang mỉm cười của hắn.
Lại nói, Tứ Thụy trước nay xuất hiện trước mặt người khác đều bày ra bộ dạng lưu manh, mang ba phần gian xảo, bảy phần tùy hứng. Dáng vẻ trễ nải còn không chín chắn, thần sắc trên mặt chẳng mấy khi nghiêm túc, cử chỉ hành động tùy ý chẳng theo quy củ. Nhưng hiện tại, đứng cạnh tam vương gia nổi danh chính nhân quân tử ôn hòa hữu lễ, ai dám nói hắn thua kém? Tứ Thụy lúc này đây phong thái đĩnh đạc đường hoàng, cử chỉ chừng mực trang nghiêm, khí độ bất phàm, so với tam vương gia còn hơn vài phần.
Hậu quả là cả đại điện đều nội thương một lượt, chưa ai kịp hoàn hồn. Vẫn là Mã tể tướng có sức chịu đựng cao nhất, quả không hổ danh rường cột nước nhà, tướng tài một phương, có kinh nghiệm hứng tên đón kiếm cản đao nhiều năm, tuy cũng ngẩn ra mất một lúc nhưng sức đề kháng so với đám bà tám kia thì cao hơn rất nhiều; cung kính hướng về phía tứ vương gia đáp lễ:
"Vương gia khách khí".
Bấy giờ bá quan văn võ mới chớp chớp mắt, đồng loạt "a" lên bừng tỉnh, vội vội vàng vàng khom lưng, cúi đầu hô lên:
"Vương gia thiên tuế".
Nhị vương gia thấy triều thần đối với Tứ Thụy đều vô cùng cung kính thì hai tay siết lại, sắc mặt đen kịt nhưng chỉ có thể im lặng, tức giận mà không có chỗ phát tác.
Tứ Thụy mỉm cười độ lượng, nhẹ nhàng nói:
"Các vị đại nhân không cần đa lễ".
Các đại thần vừa mới thở phào một hơi, chưa kịp ổn định tinh thần đã nghe thái giám cao giọng hô thánh giá đến, liền lật đật quỳ xuống. Ba vị vương gia cũng vén áo, nghiêm cẩn quỳ khấu đầu, hô cùng quần thần:
"Ngô hoàng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế".
Hoàng thượng cất giọng ôn hòa:
"Bình thân".
"Tạ ơn thánh thượng".
Chúng nhân lục tục đứng dậy. Hoàng thượng lướt mắt nhìn xuống, dừng lại ở chỗ Tứ Thụy, mắt rồng thoáng ngạc nhiên sau đó long nhan vui vẻ, gật gù ra chiều rất hài lòng rồi lại nhìn khắp lượt quần thần, cảm thấy... có chỗ không đúng. Triều thần hôm nay sao đều có dáng vẻ... thẹn thùng? Quan võ đấm ngực, quan văn xoa ngực? Chẳng lẽ bị cái gì đả kích dẫn tới đau tim tập thể à? Nhưng mà không giống như sức khỏe có vấn đề, mà ngược lại, mặt mũi ai nấy đều hồng hào, nom rất có tinh thần?
Hoàng thượng ngồi trên ngôi cao nghi hoặc. Thần tử bên dưới bồn chồn, tận lực hít thở thật sâu, tận lực tránh né bóng lưng màu đỏ kia. Hoàng thượng thấy triều thần cứ chôn đầu trong ngực mãi thì ho lên một tiếng, bấy giờ bọn họ mới vội ngẩng đầu lên.
"Trẫm vừa nhận được tấu chương của hai vị Lý Ngư và Quách Hà. Lương thực triều đình đưa xuống đã được phát đến tay bách tính, người người hoan hỷ. Không có nơi nào xảy ra bạo loạn, hạn hán cũng không còn nghiêm trọng nữa. So với những đợt hạn hán trước thì ngay cả tình trạng nạn dân tha hương cầu thực cũng không xảy ra. Quả thật là việc đáng vui mừng".
"Thánh thượng yêu dân như con, trăm họ vui mừng. Bách tính Đại Tề đều nhờ hồng phúc của thánh thượng", triều thần trăm miệng một lời vội vàng hô lớn, tranh thủ lấy lòng.
Không ngờ hoàng thượng lại cười ha ha phủ nhận:
"Lần này trẫm không thể tranh công. Trị hạn thỏa đáng, chăm lo bách tính, đều là công của Cảnh Thù", đám bà tám còn chưa kịp chuyển hướng sang nịnh nọt Tứ Thụy thì hoàng thượng đã quay sang gọi hắn, "Thụy nhi".
Tứ Thụy liền bước ra khỏi hàng, cung kính chắp tay:
"Có nhi thần".
"Ngươi trị hạn vô cùng thỏa đáng, chưa đầy một tháng đã xử lý mọi việc ổn thỏa. Lần này đi lên phía bắc, ngoài việc trị hạn, ngươi có thu hoạch gì nữa không?".
Lời này khiến bá quan văn võ lấy làm ngạc nhiên. Sau nhanh chóng vỡ lẽ, hẳn là hoàng thượng muốn nhắc đến việc tứ vương gia diệt trừ tham quan, đây là có ý đề bạt vương gia, không muốn bỏ sót công trạng nào của ngài ấy. Xem ra hoàng thượng đối với tứ vương gia rất thưởng thức...
Tứ Thụy ngẩng đầu, sắc mặt nghiêm trọng bẩm trình:
"Khởi bẩm phụ hoàng, lần này đi tới sáu tỉnh phía bắc, nhi thần cảm thấy rất tức giận, rất đau lòng, rất thất vọng!".
Hả!? Triều thần tròn mắt.
Hoàng thượng vẻ mặt chăm chú hỏi:
"Vì sao? Phải chăng hạn hán rất nghiêm trọng?".
Tứ Thụy lắc đầu.
"Khởi bẩm phụ hoàng, hạn hán vốn không nghiêm trọng. Là thiên tai không bằng nhân họa. Trời không mưa, đất đai khô cằn, lượng nước thiếu hụt. Nhưng bách tính không ai chết vì khát, mà chết vì bị cướp bóc trắng trợn".
Hoàng thượng sửng sốt:
"Cái gì? Là thổ phỉ phương nào to gan như vậy?".
Tứ Thụy tiếp tục lắc đầu:
"Không phải thổ phỉ, là "phụ mẫu". Chính là quan viên trên dưới Hồ Bắc lợi dụng hạn hán để ra tay cướp đoạt lương thực, tài sản của bách tính, khiến bọn họ không còn cái ăn, hàng trăm người chết oan, khổ không kể xiết...".
Hoàng thượng thịnh nộ, vỗ ghế rồng.
"Há lại có lý đó. Đáng hận, đáng trảm".
Tứ Thụy cao giọng hô lên:
"Đã trảm rồi ạ".
"Ồ? Ai trảm, trảm ai?".
"Bẩm phụ hoàng, nhi thần xử trảm Lữ Hách tri phủ Hồ Bắc, tống giam mười lăm viên quan dưới quyền hắn, toàn bộ đều giam vào đại lao cho ăn cơm tù, chờ phán quyết của phụ hoàng".
"Tốt. Rất tốt. Cái gì mà cho ăn cơm, một đám phản phúc hại dân, đều bỏ đói hết cho trẫm. Nước cũng không cho uống".
"Phụ hoàng anh minh".
Đại điện im phăng phắc.
Cái này...
Cha con hai người này...
Rõ ràng là kẻ tung người hứng! Việc tứ vương gia xử trảm tham quan, đám thần tử bọn họ đều nghe cả rồi, có lý nào hoàng thượng lại không biết? Một màn hỏi qua đáp lại này... Hoàng thượng xưa nay nho nhã, kiệm lời, đôn hậu, thật thà... Vậy mà, vậy mà lại phối hợp với tứ vương gia diễn kịch, vừa quát vừa vỗ long ỷ, trừng mắt thở dốc, thật là có tiết tấu, thật là... nổi da gà.
Nhị vương gia há miệng rồi ngậm miệng, nhìn người phía trên rồi nhìn người bên trái, thái dương giật giật. Tam vương gia sắc mặt bình thản, mày không nhíu mắt không chớp, lưng thẳng vai... ồ, vai rung rung.
Tứ Thụy lại như không hề hay biết không khí quái dị xung quanh, thở dài buồn bã, thanh âm như ngọc nói ra vừa có giận vừa có bi vừa có khổ, hệt như có nỗi oan khó giải bày, đúng là không hổ danh diễn viên nam chính:
"Người xưa có câu: mắt không thấy, tim không đau. Hai mươi mấy ngày qua nhi thần nhờ ơn phụ hoàng đi trải nghiệm thực tế một chuyến, cảm thấy thực đau thấu tâm can. Quan lại ngạo ngược ác bá khiến nhi thần thực tức giận, địa phương nào cũng có tham quan khiến nhi thần thực thất vọng, bách tính cơ khổ khiến nhi thần thực đau lòng. Thế mới biết phụ hoàng thực vất vả, đại sự trong thiên hạ trăm mối phải lo, ngàn chuyện phải quản", nói đến đây hai mắt tràn ngập xúc động, nghẹn ngào hướng về triều phần hai hàng trái phải mà chắp tay, "cũng may còn có các vị đại nhân vì phụ hoàng phân ưu giải nạn, vì trăm họ lầm than mà nhọc lòng".
Quần thần sửng sốt, vội vàng khom mình chắp tay, đồng thanh đồng lòng:
"Chúng thần hổ thẹn, có thể vì thánh thượng, vì xã tắc cống hiến là chức trách, là phúc phận của chúng thần".
Tứ Thụy "gạt lệ" vui mừng kêu lớn:
"Có thật không?", rồi lại cười rạng rỡ nói với "diễn viên nam phụ" trên ngai vàng, "phụ hoàng đã nói các vị đại nhân có thể vì xã tắc, vì bách tính mà không quản nề hà, dầu sôi không sợ lửa bỏng không ngán, xả thân quên mình, vậy mà nhi thần còn chưa dám tin. Đúng là nhi thần hiểu biết nông cạn, không sánh được với phụ hoàng anh minh, phụ hoàng kim khẩu, nói đâu đúng đó", rồi như con thoi lại quay về chân thành chắp tay tạ lỗi với triều thần, "các vị đại nhân độ lượng chớ trách, xin chớ trách".
Hả!? Đám bà tám còn đang ngơ ngác thì diễn viên nam phụ đã vuốt râu cười.
"Chúng ái khanh tấm lòng quảng đại, sẽ không trách cứ tứ vương gia đâu, có đúng không?".
Hoàng thượng hỏi thế, ai dám đáp không, mặc dù còn đang ngu ngơ, trước tiên cứ xu nịnh cái đã:
"Chúng thần không dám, không dám".
"Tốt, tốt", hoàng thượng vuốt râu liên tục, vô cùng hài lòng, "có lời này của chúng khanh gia, trẫm rất yên tâm. Thụy nhi!".
"Có nhi thần", người nào đó dõng dạc đáp.
"Các vị đại thần đều đã đồng ý, trẫm không có lý gì lại không. Trẫm chuẩn tấu!".
"Tạ ơn phụ hoàng".
Ơ... khoan, chuẩn tấu? Tấu gì? Một đám diễn viên quần chúng bất đắc dĩ nhìn nhau ù ù cạc cạc. Lại thấy tứ vương gia khắc trước mặt chau mày ủ như đưa đám, lúc này mắt cong cong môi cũng cong cong...
"Tiểu Lục Tử!", người nào đó đang híp mắt cao giọng hướng về phía ngoài đại điện mà gọi.
Lập tức một tiểu thái giám dẫn đầu một đoàn tiểu tiểu thái giám bê một chồng sổ sách tiến vào. Đám bà tám cơ mặt bắt đầu vặn vẹo, cái tình huống này, sao mà, sao mà... quen quen nha.
Tiểu Lục Tử không hổ danh ở cạnh Tứ Thụy mấy năm, động tác hết sức dứt khoát mau lẹ, chân thoăn thoắt lướt khắp đại điện, tay chộp lấy đống sổ sách phân phát tới tay từng vị đại thần. Triều thần ai nấy đều đổ mồ hôi thấm ướt triều phục, nhìn thấy tên mình lại như hôm qua, viết hết sức rõ ràng, rành rành trên bìa sổ thì dây thần kinh thị giác đứt phựt, mắt hoa cả lên, thân hình lảo đảo. Cả đại điện như hóa thành biển, có trăm ngọn sóng lắc lư nghiêng ngả.
"Đừng để vị đại nhân nào thiếu phần", nam phụ áo vàng thanh âm mười phần mạnh mẽ nhắc nhở, có điều động tác vuốt râu có hơi run run.
"Nô tài tuân lệnh", Tiểu Lục Tử lớn tiếng đáp lời, ánh mắt thật thà biểu thị quyết tâm sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chỉ là... cả người rung rung.
Tể tướng đại nhân đã nhịn cười sắp tắt thở, mặt đỏ lựng, vận khí đan điền ép... cơn buồn cười xuống khỏi cuống họng... cũng đang rung rung.
Nhị vương gia chưa từng chứng kiến thế trận kiểu này bao giờ, hai mắt mở lớn hết cỡ, hết nhìn đám thái giám một đoàn đi tới, bước đến chỗ nào, đại thần chỗ đó giật mình nhảy lùi về sau, cầm sổ sách như cầm cục tạ, tay bê không nổi chân trụ không vững, đứng cũng không nên thân; lại nhìn đến phụ hoàng và tứ hoàng đệ đều có dáng vẻ như sói nhìn cừu, hết sức nham hiểm! Nhất thời ngu người tại chỗ, không phản ứng kịp.
Tam vương gia quả nhiên định lực kinh người! Nhìn một đống hỗn loạn trong đại điện kinh thiên động địa, quỷ khóc thần sầu mà dung sắc vẫn nhàn nhạt như cũ, hệt như một pho tượng phật bất động, cho đến khi...
"Tam vương gia, của ngài".
Hả!?
"Nhị vương gia, của ngài đây".
Cái gì!?
"Tể tướng đại nhân, đã khiến ngài đợi lâu".
Sao cơ?
Ba người đứng đầu hình tượng sụp đổ, đồng loạt... trượt chân, đồng thanh hô lên:
"Ta/ Bản vương/ Lão phu cũng có phần?".
Tiểu Lục Tử nhịn cười sắp nội thương, nghiêm túc nhìn ba người địa vị siêu lớn trước mặt, nghiêm túc nói:
"Thánh thượng đã phân phó, nô tài không dám nhất bên trọng nhất bên khinh".
Nói rồi dẫn đám tiểu thái giám, một đoàn rút đi như thủy triều.
Chú thích:
(*):
"Tích thạch như ngọc
liệt tùng như thuý.
Lang diễm độc tuyệt,
thế vô kỳ thất".
(Nhạc phủ thi tập, chương 47).
"Đá kết như ngọc quý,
thân tùng như ngọc xanh.
Vẻ tươi riêng một cõi,
thiên hạ chẳng người tranh".
(**): Nhân trung chi long: Rồng trong đám người
(***): Tiên phát chế nhân: Kế sách trong tam thập lục kế (ba mươi sáu kế), ra tay trước để chiếm ưu thế, đoạt lợi, giành chiến thắng trước khi đối phương kịp hành động.