Tuấn, Chàng Trai Đất Việt - Chương 25

Chương 25

1920 – 1924

-Tình hình chính trị tổng quát ở toàn xứ , sau những vụ Phan-xích-Long ở Saigon (1916), vụ Duy-Tân ở Huế (1916) , vụ Đội Cấn ở Thái Nguyên (1917) và Phạm Hồng Thái ở Sa Điện (1923)

-Những ngày tàn của Nho học.

-Một lớp học chữ Hán sáng thứ Năm.

-Các cụ nhà Nho còn tôn kính " Hoàng - Thượng ".

-Một lễ "Bái mạng" trước Hành Cung , có sự chứng kiến của các ông Tây bà Đầm.

-"Văn minh khắp cả hoàn cầu , ông sư cũng cúp cái đầu 3 xu ".

-Sinh viên Cao Đẳng Hà Nội đã bắt đầu mặc đồ Tây trước tiên.

- Đá kiện , trò chơi phổ thông nhứt của học sinh

Từ 1920 đến 1924, tình hình chính trị tổng quát ở toàn cõi An-nam có thể gọi là yên ổn . Từ thành thị đến thôn quê , uy quyền của nước Pháp đã được triệt để tôn trọng , địa vị của chính phủ thuộc địa đã vững chắc , không có gì làm lay chuyển được.

Tất cả các cuộc vận động cách mạng trong nước hoặc âm mưu khởi nghĩa , đều đã bị thất bại . Ở Saigon , vụ Phan xích Long đánh phá Khám lớn năm 1916, ở Bắc Kỳ , vụ Đội Cấn và đảng Việt Nam Quang Phục đánh chiếm tỉnh Thái Nguyên năm 1917 , cho đến cả ở Quảng Châu , bên Tàu , vụ Phạm Hồng Thái ném bom ở tô giới Sa Điện toan giết viên Toàn quyền Merlin năm 1923 – không một cuộc hoạt động nào trên kia thành công , và tất cả những nhà ái quốc khởi xướng đều bị đàn áp , bị bắt , bị giết , hoặc bị đày đi xa . Trong toàn xứ An-nam , hình như không còn ai dám rục rịch nổi dậy đánh Tây , hoặc hô hào cách mạng nữa.

Nước Pháp lại vừa thắng nước Đức trong cuộc Thế giới Đại chiến 1914-1918 , và cứ hàng năm , đến ngày 11 tháng 11 dương lịch là chính phủ thuộc địa ở Đông Dương tổ chức ngày lễ Chiến Thắng ( họ gọi là “ Fête de la Victorie") rất long trọng , uy nghi , hùng hổ , vừa để mừng một ngày kỷ niêm vẻ vang nhất của họ , vừa để nhắc nhở cho dân An-nam rằng nước Pháp rất hùng cường , vĩ đại , "văn minh bậc nhất trên tòan cầu " . Người dân An-nam lúc bấy giờ cũng nhìn nhận rằng nước Pháp thật là văn minh , hùng cường hơn nước ta trên rất nhiều phương diện.

Phái nhà Nho "từ Tú-tài lên đến Tiến sĩ , Phó Bảng " mà có tinh thần chống Pháp , đã tham gia trực tiếp các phong trào cách mạng từ 1916 , thì đã bị giết chết hoặc đi Hải ngoại , phần đông sang Nhật , sang Tàu . Một số bị đày ra Côn Lôn , nhưng lúc mãn hạn tù trở về làng xã , hầu hết là trước 1924, đều lo an-thường thủ phận , không hoạt động gì nữa cả . Một số đông các cụ mở trường tư ngay tại nhà dạy chữ Nho và chữ Quốc-ngữ cho một ít học trò nhỏ để vui qua ngày tháng , hoặc làm nghề Đông-Y , xem mạch , bốc thuốc , hoặc chuyên về khoa bói , quẻ Dịch , quẻ Lục-nhâm , tử-vi , tướng-số , v.v…theo các sách Tàu.

Còn phái nhà Nho thụ động , không có tham gia một cuộc hoạt động chính trị nào cả , thì hoàn toàn ngưỡng mộ người Pháp và triệt để ủng hộ chính sách thuộc địa , triệt để trung thành với Hoàng Đế An-nam . Những ông Tú-tài có đôi chút thế lực , đem tiền lo lót -- không có tiền thì bán đất bán ruộng -- để được làm một chức quan nho nhỏ như Đề-lại , Thư-lại . Mấy ông Cử nhân thì được bổ đi Tri Phủ , Tri Huyện , Tri Châu . Một số Tú-tài , Cử Nhân khác ở nhà làm ruộng , tham gia vào việc làng xã , hoặc sống một cuộc đời nhàn hạ , uống rượu , ngâm thơ , làm đối, làm liễn dùm cho các người ít học , và được dân làng trọng vọng như một bậc danh nhân ở địa phương.

Tuy từ năm 1919 không còn Thi Hương, Thi Hội nữa , và Nho-học đã chính thức bãi bỏ ở toàn xứ An Nam , bị chữ Pháp và chữ Quốc-ngữ hoàn toàn thay thế , nhưng chính phủ Nam triều vẫn còn dùng chữ Hán một cách mặc nhiên , người Pháp không ngăn cản . Chữ Nho bị bỏ , chứ không bị cấm . Cho nên, bên Hành Chính Thuộc Địa , các quan Tây thì dùng chữ Pháp ; còn bên Hành Chính Nam Triều các quan An-nam vẫn dung toàn chữ Nho . Các giấy tờ , công văn , từ Bộ về Tỉnh , từ Tỉnh về Phủ , Huyện , từ Phủ , Huyện về làng , đến năm 1924 vẫn còn áp dụng chữ Nho . Ngay ở các trường Tiểu học Pháp Việt, mỗi tuần vẫn còn 2 giờ học chữ Nho buổi sáng thứ Năm.

Theo chương trình tiểu học , lớp Nhất cũng như lớp Nhì A, Nhì B, và lớp Ba , đều phải học hai giờ chữ Hán sáng thứ Năm . Thầy dạy chữ Hán cho lớp Nhất của Tuấn học là một ông Tú-Tài , tên là ông Tú Cẩn . Một hôm đang học , bỗng có thanh tra người Pháp , tên là Délétie, ở Huế đi thanh tra các trường đột ngột bước vào lớp học , không báo tin trước cho thầy giáo và học trò biết trước . Ông Tú , khăn đen áo dài đen như thường lệ , đang đứng nơi bảng đen giảng nghĩa bài học về con Hoàng-ngưu ( con bò ) . Ông dạy theo nghĩa từng tiếng một theo lối nhà Nho :

-"Kỳ nhục sở thực , Kỳ nhũ sử ẩm", nghĩa là "Sửa thịt khá ăn, sửa sữa khá uống".

Ông Délétie mà ai cũng biết là giỏi chữ Nho, trố mắt hỏi học trò :

- Các anh có hiểu lời giảng của ông Thầy không ?

Dĩ nhiên , học trò chẳng ai hiểu cả . Ông Tây hỏi ông Tú :

- “ Sửa thịt khá ăn , sửa sữa khá uống “ là nghĩa làm sao ?

- Dạ bẩm quan lớn , kỳ là sửa , nhục là thịt , khả là khá , thực là ăn …kỳ là sửa , nhũ là sữa …ông Tây cười xòa , rồi bỏ lớp đi ra.

Tuy nhiên , các ông Tú , ông Cử cuối cùng của mùa Hán-học đã suy tàn , còn có thể hãnh diện là đã có lần được lĩnh áo mão của Vua ban hồi các ông mới thi đậu , mặc dầu những ngày vinh quang ấy đã khá xa rồi.

Họ còn tôn kính Vua , thờ Vua , và luôn luôn , dù ở trong hương thôn , mỗi khi có dịp gì nói đến Vua , họ đều cung kính suy tôn Hoàng Thượng, hay là “Đức Hoàng Thượng".

Năm 1924, những ngày mừng vua Khải- Định được 40 tuổi ( lễ Tứ-tuần ) . Tuấn-em có chứng kiến một buổi lễ phi thường , tại "Hành Cung" ở tỉnh . Lễ này được tổ chức khắp tất cả các tỉnh Trung-kỳ và Bắc-kỳ , trừ ra Nam-kỳ là "nhượng địa" của Pháp , không có . Tỉnh nào cũng có một Hành-Cung , là một gian nhà kiến trúc như một Cung điện nhà Vua , phía trước có sân Rồng lát gạch , và một cổng lớn có chạm rồng gọi là "Ngọ Môn".

Theo nguyên tắc , Hành Cung là tượng trưng Cung Điện của Hoàng Đế , khi nào vua đi kinh lý đến tỉnh , sẽ "ngự" nơi đây . Nhưng ít khi Vua đến . Vua ngự trị ở Huế , không bao giờ "Ngự du" đi đâu xa.

Cho nên Hành cung vẫn bỏ trống luôn luôn giữa ba bức thành bao bọc , cỏ mọc đầy sân , không có ai gìn giữ quét dọn , tuy là ở đối diện ngay trước dinh quan Tuần-vũ , hay quan Tổng Đốc , hai bên con đường chính nối dài từ Cửa Đông đến Cửa Tây . Chủ nhật , thứ Năm , bọn học trò tinh nghịch như Tuấn-em , thường rủ nhau đến đây chơi . Bởi không có lính canh gác , nên tui. con nít này tha hồ "ngự trị" trong Hành cung đào lỗ đánh bi , đánh đáo , và lấy gạch , lấy phấn viết , vẽ bậy bạ khắp các vách tường.

Thỉnh thoảng có trò đau bụng , ngồi làm bậy ngay một nơi góc tường của Hành cung , mấy trò khác bịt mũi cười la rất là náo động . Các chú lính lệ bên dinh quan Tuần bận uống rượu và đánh bài tứ sắc , và quan Tuần chễm chệ hút thuốc lào trong văn phòng có một chú lính đứng quạt hầu , không một ai hay biết lũ ôn con làm gì bên Hành cung.

Thế rồi , một buổi sáng Chủ nhật , Tuấn với mấy đứa bạn rủ nhau đến Hành cung để đánh bi , bổng thấy cờ xí treo chung quanh , và lính Khố Vàng ( của quan An-nam ) , lính Khố Xanh ( của quan Tây) mặc lễ phục toàn màu trắng sắp hang đứng chật ních hai bên sân rồng . Chiếu hoa trải kín hết sân , và Cung điện quét dọn sạch sẽ , kết hoa lá , treo cờ Pháp , cờ An-Nam , giữa cung có đặt một "ngai vàng" . Đó là một cái ghế fauteuil bằng mây , sơn màu vàng – kê trên một bục gỗ sơn màu đỏ.

Dân chúng không được vào trong , đứng đông nghẹt phía ngoài thành ( thành chỉ cao độ 1 thước ) chen lấn nhau để xem chốc nữa các quan lạy Hành cung , mừng lễ Tứ-tuần của Hoàng đế Khải- Định . Người ta đã cấm con nít không được vào trong , nhưng Tuấn cũng len lỏi thế nào để vào cho được , nhờ nó bé nhỏ và nó đứng nấp sau lưng một người lính khố xanh , cậu của nó.

Các quan An Nam đã lần lượt kéo đến rất đông và đã sắp hạng trên sân , tùy theo phẩm trật . Các quan nhỏ từ Thất phẩm , Lục phẩm , các thầy đề lại , các ông tú-tài , cử nhân đều mặc áo rộng xanh , đứng phía sau cùng , gần cửa Ngọ môn . Các quan Huyện , quan Phủ , đứng mấy hàng trước . Phía trước hết , các quan Án sát , Lãnh binh , cả các quan đã về hưu râu tóc bạc phơ , và riêng hang đầu là quan Tuần-vũ hay quan Tổng đốc . Mấy ông quan từ Ngũ phẩm trở lên đều mặc triều phục , mang hia , đội mũ cánh chuồn.

Đúng 9 giờ , các "quan Bảo Hộ" từ bên tòa Sứ đi xe hơi đến trước cổng Ngọ môn , được quan Tuần vũ đón chào và mời vào Hành cung . Tuấn nhận thấy có ông Sứ , ông Phó Sứ , ông Tây Kho bạc (ông này bị một chân thọt , thay bằng chân gỗ , học trò đặt cho ông biệt hiệu là “ông Tây Point-et-Virgule” , vì mỗi khi ông đi , chân thật bước một bước thì chân gỗ hất tới , y như thể một dấu chấm và một dấu phết ). Ngoài ra , còn có ông Giám binh đồn lính Khố xanh , ông Tây Lục-lộ, ông Tây GIây thép , ông Tây Thương chánh, ông Kiểm lâm , ông Đốc-tờ , ông Cò , với mấy bà Đầm . Tất cả đều được quan Tuần vũ , chủ tỉnh An Nam , mời vào Hành cung . Họ đứng một dãy cách "ngai vàng" độ ba, bốn bước.

Chuông trống nổi lên , có một ông quan làm xướng ngôn viên , hô lên từng tiếng , nhịp với tiếng kèn tiếng trống theo trong nghi lễ . Các quan An-nam sụp xuống lạy . Nói là lạy Vua để mừng "Thánh Thọ" 40 tuổi , nhưng kỳ thực là lạy mấy ông Tây bà Đầm đứng trong Hành cung nhìn ra , chứ cái ngai vàng để trống có Hoàng Thượng nào “Ngự Tọa" đấy đâu . Các quan An Nam cúi lạy liên tục bốn lạy , đồng một loạt với nhau , trong lúc lính Khố xanh , Khố vàng bồng sung chào . Các “Quan Bảo hộ " và các bà Đầm đứng gần bên chiếc ngai vàng nhìn ra với cặp mắt tò mò , ngạc nhiên . Tuy họ vẫn giữ lễ độ đứng đắn nhưng không phải là họ không lộ ra đôi chút kiêu hãnh , khinh khi.

Tuấn-em nhìn thấy trong đám các ông Cử , ông Tú sụp lạy ở đằng sau cùng , có cả ông Tú Cẩn , là thầy dạy chữ Nho của Tuấn mỗi buổi sáng thứ Năm . Ông mặc chiếc quần trắng dơ bẩn và chít áo rộng xanh bạc màu , rách một miếng to tướng nơi cùi chỏ.

Trước khi đi Qui-nhơn để thi lên các lớp Trung-học Pháp-Việt ( Collège Complémentaire francaise-indigène). Tuấn-em muốn hưởng cho hết thời niên thiếu trong ba tháng nghỉ Hè trong năm 1924. Vì bằng Tiểu học “ Primaire” có thể được coi như gần dứt thời kỳ niên thiếu của chàng trai đất Việt , thời kỳ mà Tuấn-em đã sống đầy đủ , hăng hái , đôi mắt mở to, hai tai vểnh rộng , để nhìn thấy và nghe ngóng bao nhiêu những mới lạ , trong lúc giao thời của Đất Nước đang nô nức ùa theo phong trào mới của “Văn minh tiến bộ".

Như các bạn đã biết , phong trào ấy đã bồng bột từ 1910, thế hệ của Trần anh Tuấn – bây giờ là Phán Tuấn – cho đến 1924. Một thời đại mà ngày nay chúng ta có thể gọi là thời kỳ thiếu niên của một nước An Nam mới , đang dần dần cởi bỏ những lốt cũ kỹ nghìn xưa.

Tuấn-em sung sướng và có thể có đôi chút hãnh diện là đã được may mắn sinh nhằm thế hệ này . Chàng khôn lớn cùng một lượt với xứ sở đang vươn lên song song với những tiến triển nhanh chóng của dân tộc mà nếp sống vật chất và tinh thần đã khác nhiều so với thời kỳ trước Thế giới Đại chiến thứ Nhất , mở đầu Thế kỷ.

Nhận xét thật đứng đắn , ta thấy rằng tất cả mọi biến đổi trong thời kỳ ấy đều xảy ra một cách tuần tự lặng lẽ , gần như tự nhiên , không có một áp lực nào thúc đẩy , và cũng không có một trở ngại nào . Không phải một cuộc cách mạng xã hội , mà chỉ là một định mệnh , một sự kiện dĩ nhiên của Lịch sử mà chính những nhân vật đương thời , dù muốn dù không , cũng mặc nhiên công nhận , sẵn sàng để bị lôi cuốn theo.

Có điều nên lưu ý , là nếu “Đông và Tây không gặp nhau được" như lời của nhà văn Anh-quốc , Rudyard Kipling – và điều đó cũng đúng một phần nào , -- thì ta ngạc nhiên thấy rằng sự tiếp xúc đột ngột giữa hai văn hóa Pháp và Việt . Hai văn hóa cổ truyền của Tây phương và Đông phương cách biệt hẳn nhau , và trái ngược hẳn nhau , vẫn không gây ra một cuộc chống chọi nào cả . Xin nhắc rằng đây tôi không nói về phương diện chính trị và tôn giáo , mà nói tổng quát về văn hóa mà thôi . Trái lại , đã có nhiều cuộc phối hợp ngẫu nhiên và thuận lơi. , nếu không thì cũng có sự dung túng và thông cảm với tinh thần hiểu biết rộng rãi , không nề hà câu chấp.

Nhiều biến đổi trái hẳn với nguyên tắc Khổng – giáo , như dân chúng xem thường ông Vua , trai gái học chung một trường , đàn ông đàn bà giao thiệp thân mật , đàn ông hớt tóc v.v…đã được mặc nhiên công nhận , không bị phản ứng nào mãnh liệt .

Hơn nữa , chính các ông Tú , ông Cử Nho học , cũng đã bắt chước cắt bỏ búi tóc tượng trưng cho lòng Hiếu đến với Cha Mẹ , và đã đua nhau “cúp đầu carré" , phong trào đang lan tràn mau chóng nhất lúc bấy giờ .

Dân chúng ở hương thôn , thường là thủ cựu 100 phần 100, cũng đã rủ nhau ra huyện, ra tỉnh , để hớt tóc . Nghề hớt tóc đã thịnh hành , thợ hớt tóc đã mở tiệm khắp cả từ thành thị đến thôn quê .

Một câu ca dao xuất hiện thời bấy giờ , diễn tả rất vui vẻ và hóm hỉnh sự kiện thực tế ấy :

"Văn minh khắp cả hoàn cầu ,

Ông Sư cũng cúp cái đầu 3 xu ! "

Năm 1924, cúp cái đầu đã được coi là "bắt chước theo văn minh". Sự phối hợp giữa

“mới" và " cũ " được biểu hiện rõ rệt ngay trên tấm quảng cáo bằng ba thứ chữ treo trước các tiệm hớt tóc An nam từ năm 1924 như sau đây :

(COIFFEUR -- HỚT TÓC -- TIỂN PHÁT )

Tuy nhiên , đến năm 1921, đại đa số thanh niên An nam vẫn chưa mặc âu phục , và chưa chào nhau bằng cách bắt tay . Ngay ở Hà Nội và Huế ( Saigon có khác hơn vì gần gụi với Tây lâu hơn ) , chỉ có một thiểu số công chức , tư chức , làm việc trực tiếp với người Pháp -- nhưng cũng chỉ mới có một thiểu số thôi – là mặc âu phục gặp nhau bắt tay bonjour" và dở mũ . Sinh viên trường Cao đẳng Đông Dương ở Hà nội cũng đã bắt đầu “mặc đồ Tây" theo các giáo sư Pháp.

Phụ nữ , dĩ nhiên chưa có một người nào uốn tóc , độn ngực , đeo xu-chiêng ( Soutien-gorge ) , -- kể cả các Bà , các Cô “ tân thời " nhất . Hầu hết nữ sinh đều đi chưn không ,các cô Trợ giáo mang guốc , đội nón .

Ở Nam Kỳ , đàn bà thành thị phần đông che dù , ngoài Bắc Kỳ che ô , ở Trung Kỳ đội nón gò găng , hoặc nón lá , thứ đẹp cho các bà các cô nhà giàu , thứ xấu cho phụ nữ bình dân.

Năm 1924, thiếu nữ miền Trung không ăn trầu nữa , nhưng một số đông còn nhuộm răng đen , và chưa dám mặc quần trắng ( thời bấy giờ chỉ có con gái “ nhà thổ , gái điếm , mới mặc quần trắng) . Ở Nam Kỳ thì đã để răng trắng từ lâu , và mặc áo quần “bà ba" bằng hàng lụa ngoại quốc.

Về Thể thao, học trò lớn đã chơi ballon ( Foot-ball, đá bóng ) . Tennis là môn chơi dành riêng cho hạng trí thức sang trọng và quý phái , phần nhiều chỉ chơi với Tây Đầm . Bóng rỗ và bóng bàn chưa được thông dụng trong đám thanh niên và học sinh.

Bọn học trò nhỏ , 15, 16 tuổi như Tuấn-em , chưa ham chuộng các môn Thể thao và cũng rất ít khi đi chơi lang thang ngoài phố . Môn chơi thịnh hành nhất trong đám học trò Tiểu học là “Đá Kiện" . Có nhiều trò đá giỏi , đến 200 cái một lượt . Có khi bốn trò đứng bốn góc sân đá chuyền cho nhau một trái “kiện", hàng nửa tiếng đồng hồ mà trái "kiện" vẫn chưa rơi xuống đất . Tuấn-em môn nào cũng khoái chơi , đá kiện , đánh bi , đánh đáo , xích đu , bắt cóc , bắt thằn lằn , bắt dế.

Mấy thầy Trợ giáo và thầy Thông làm việc các sở , ngoài những buổi sáng xách ô đi tối xách về , thường tiêu khiển bằng âm nhạc An Nam ( các cây đờn cổ điển ) hoặc trồng bông , đánh cờ tướng , đi bẩy chim . Ít có ai đi câu cá hoặc đánh Tennis.

Có những thầy dùng cả những sáng Chủ nhật để lau chùi chiếc xe máy , là món đồ được đa số công chức tâng tiu nhất.

Trừ Hà Nội , Huế , Saigon , còn toàn xứ An nam chưa có tỉnh nào có rạp chiếu bóng . Mỗi tỉnh chỉ có một rạp : ở Nam Kỳ là hát cải lương ( còn sơ khai ) , ở Trung Kỳ hát bội , ở Bắc hát chèo . Tất cả những tuồng hát đều có tính chất Khổng giáo , Phật giáo , nêu gương đạo đức , luân lý , và luôn luôn đến đoạn kết là kẻ hiền tài được thành đạt vẻ vang , được khán giả khâm phục , còn kẻ dữ , kẻ bất lương thì không tránh khỏi bị Trời phạt đích đáng và khán giả phê bình , nguyền rủa.

Nếu thỉnh thoảng một vài cô thiếu nữ đa cảm và nhẹ dạ mê kép hát đến nỗi trốn nhà đi theo chàng , thì toàn là những anh kép đóng vai oai hùng , hiệp sĩ . Những vai độc ác , bất nhân , bọn nịnh thần , quân phản chúa , dù cho hát hay thế mấy , cũng không bao giờ được ai khen ngợi , không đời nào được các cô gái say mê.

Đấy , tình hình tổng quát về tinh thần và vật chất của xã hội An Nam từ năm 1910 đến năm 1924 , dưới cặp mắt quan sát tò mò của Tuấn-em , một thiếu niên nước Việt.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3