Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 2 - Chương 4

Sách Dương-cốc mạn lục chép: Tý dần thìn ngọ thân tuất là thuộc dương cho nên thuộc vào số lẻ mà đặt tên. Con chuột có 5 ngón, con cọp có 5 vuốt, có rồng có 5 móng, con ngựa có 1 móng, con khỉ có 5 ngón, con chó có 5 ngón.

Sửa mão tỵ vị dậu hợi thuộc âm, cho nên thuộc vào số chẵn mà đặt tên. Con bò có 4 móng, con thỏ có 2 móng, con rắn có 2 lưỡi, con dê có 4 móng, con gà có 4 móng, con heo có 4 ngón.

Người theo học-thuyết Trung-quốc nói ngũ-hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ (sắt, cây, nước, lửa, đất).

Người theo học-thuyết Thiên-trúc (Ấn-độ) nói tứ-hành là địa, thủy, hỏa, phong (đất, nước, lửa, gió).

Người theo học thuyết Âu-Tây nói tứ-hành là hỏa, khí, thủy, thổ (lửa, hơi, nước, đất).

Cử ra ngũ-hành là nói đồ dùng hằng ngày của người ta.

Cử ra tứ-hành là nói toàn [25a] thể các thức đại dụng.

Kim (sắt) và mộc (cây) đều sinh ở thổ (đất) mà gió tức là hơi, về lý vốn không khác nhau.

Trong ngũ-hành, kim sinh thủy (sắt sinh ra nước). Có thuyết nói kim là mẹ khí, ở trên trời là tinh-tú, ở dưới đất là đá. Mây từ núi đá phát ra. Mưa từ tinh-tú rơi xuống.

Cho nên hễ tinh-tú dao-động thì xem về gió về mưa. Hễ đá tảng ướt tươm thì xem về mưa về nước.

Tạ-Tại-Hàng đời nhà Minh nói: “Thể sắt rất cứng mà có thể nấu chảy thành chất lỏng, đó là ứng với ý nghĩa kim sinh thủy (sắt sinh ra nước)” .

Tôi trộm nghĩ: Trời có bốn mùa. Mùa thu chuyển sang mùa đông. Người ta có ngũ-tạng và lục-phủ. Phổi chuyển sinh thận. Kim sinh thủy (sắt sinh ra nước) đúng là hợp với ý ấy.

Lửa vốn vô hình mà có thần, thần truyền sang củi tùy người ta đốt.

Văn-tự (chữ) vốn [25b] vô hình mà có thần, thần ấy truyền sang giấy tùy người ta viết hay vẽ.

Lúc chưa đốt hay viết vẽ, thì ý của lửa hay ý của văn-tự không chỗ nào là không có, đã vi-diệu và có thần. Cho nên người xưa về văn-chương lấy tượng ở lửa.

Kinh Dịch có câu: Vạn vật hiện hồ ly (vạn vật hiện rõ-ràng ở quẻ ly. Ly là phương nam, là quẻ về hành hỏa. Trong kinh Dịch những quẻ nào có thể ly ☲ (là lửa) phần nhiều là văn-minh.

Kim (sắt) sợ hỏa (lửa) khắc, nếu không có hỏa (lửa) thì kim (sắt) không lấy gì để thành hữu-dụng.

Thổ (đất) sợ mộc (cây) khắc, nếu không có mộc (cây) thì thổ (đất) không lấy gì để thành-công.

Mộc (cây) sợ kim (sắt) khắc, nếu không có kim (sắt) thì mộc (cây) không lấy gì để thành tài-liệu hữu-dụng.

Ba điều ấy (về kim, thổ, mộc) đều có ý nhờ vả nhau.

Thổ (đất) xung-khắc với thủy (nước) là chận ngăn được thế trôi chảy của nước.

Thủy (nước) xung-khắc với hỏa (lửa) là ngăn trở sức thiêu đốt của lửa.

Hai điều ấy (về thổ, thủy) đều có ý kềm chế nhau.

Nhờ vả nhau để giúp đỡ vào chỗ bất cập (thiếu kém khả-năng).

Kềm chế nhau để trừ bớt phần thái quá (dư thừa khả-năng).

Không thái quá và không bất cập thì Hóa-công [26a] thật đã toàn vẹn.

Tinh của hỏa (lửa) là động, tượng của hỏa (lửa) là ở trong thì tối ở ngoài thì sáng.

Người nào hấp-thụ được nhiều khí hỏa thì nông-nổi nóng-nảy, cho nên phần uẩn-súc không lâu dài.

Người nào hấp-thụ được nhiều khí thủy thì thường thâm-trầm dày-dặn, cho nên trí lự có thừa.

Văn-Tử nói: “Đạo của thủy (nước) thì lớn-lao không thể cùng, thâm sâu không thể dò. Vạn vật không có nước thì không sống. Trăm sự không có nước thì không thành. Nước ở trên trời là mưa là sương lộ, ở dưới đất là ao là đầm.

Hàn thi có câu: Núi là nơi mà hàng vạn người ngưỡng tròng, là nơi sinh ra các tài-liệu hữu-dụng, là nơi chứa giấu những của báu, là nơi các loài chim-chóc tụ tập, là nơi các loài thú ẩn náu, là nói đã nuôi dưỡng muôn loài mà không chán.

Sách Ngoại-thư của hai anh em họ Trình là Trình-Di Trình-Hiệu chép: Nước giếng nước suối khác nhau hoàn-toàn, mạch nước không đồng nhau.

Ông Bá-Thuần (tên tự của Trình-Hiệu) lúc ở Phù-câu, nước đều mặn, chỉ có nơi tăng-xá thì nước hơi ngọt, cho nên không cho đàn bà đến múc nước, bèn cấm ngặt. Đã bị cấm ngặt [26b] một huyện lại không có nước, người ta bèn xem xét đầu mạch nước đào một cái giếng. Nước giếng ấy có mùi khác. Đó là nước ở mạch dưới đất chảy ra.

Lại như ở thành Tương-dương, nước giếng ở trong chùa thì mặn, nước giếng ở ngoài chùa thì ngọt.

Một hôm thấy ở chân tường có một lằn nứt. Do đó mới thử cho người đào một cái giếng gần tường thành, nước cũng ngọt.

Do đó đào giếng phải xem mạch nước ở đất như thế nào.

Lại có nhiều người bị bịnh bại-xuội vì khí đất bị ngăn trệ. Thường có người lấy đồ chứa trữ nước giếng nhiều chỗ trong châu, thì thấy những nước ấy đều nặng và đục cho đến đóng cặn đặc như keo. Uống nước ấy làm sao mà không bị bại-xuội được?

Thuật chữa trị bịnh ấy ở đấy là khai đào nhiều ngòi lạch cho khí đất được bài-tiết ra ngoài thì mới bớt được.

Khuất-Đại-Quân nói: “Giếng do mạch nước từ xa chảy đến thì tốt nhất. Suối tốt phần nhiều là ở một bên đô-thị [27a] hay đường cái, đất ở đấy đã phẳng lại hòa, gió đông-nam đã thưa lại sạch, rất cần yếu cho bếp núc muôn nhà. Uống nước đó không bịnh.

Sách Quảng-đông tân ngữ của Khuất-Đại-Quân nói: Nước biển trong mùa thu thì mặn nhiều, trong mùa xuân mùa hạ thì lạt nhiều. Nước biển càng mặn thì càng trong thấy đáy. Có câu ngạn-ngữ nói: “Nước biển mặn thì trong, lạt thì đục” .

Khuất-Đại-Quân nói: “Người ở tỉnh Quảng-đông rong chơi ở biển vào tháng 5, có gió nồm rất mạnh. Thuyền mới phóng ra biển, từ bờ biển thấy nước chỗ gần thì thấp, chỗ xa thì cao như ngàn trùng mây núi kéo lên tiếp với trời xanh.

Mỗi khi trông thấy khí vàng bốc lên thì biết nơi đó có đất nước và người ta ở, trong thấy khí trắng bốc lên thì biết nơi đó có núi non, trông thấy khí đen bốc lên thì biết nơi đó có nước.

Đấy gọi là vọng dương (trông biển).

[27b] Nói về con nước ở biển buổi sáng và buổi tối lên xuống thì chỉ có bài tựa ở sách Hải triều đồ của Dư-Tương-Công là rõ-ràng nhất.

Thủy-triều lên xuống đều do mặt trăng.

Mặt trăng đến phương mão dậu thì thủy-triều dâng lên ở phía đông phía tây.

Mặt trăng đến phương tý ngọ thì thủy-triều dâng lên ở phía nam phía bắc.

Về ngày và đêm, hễ mặt trời đi một độ thì mặt trăng đi 13 độ có lẻ. Cho nên thời-kỳ mặt trăng lặn ở phương tây thường chậm hơn mặt trời 3 khắc có lẻ. Tin-tức về thủy-triều lên đều như thế.

Từ mùng một đến ngày rằm con nước thường chậm một đêm. Từ ngày rằm đến ngày mùng một con nước thường chậm một ngày.

Trước và sau ngày mùng một và ngày rằm mặt trăng đi mau hơn, cho nên ba ngày trước cuối tháng thì con nước đương thế lớn lên.

Ba ngày sau ngày mùng một con nước đương thế to-tát.

Trong ngày rằm con nước cũng như thế.

Trong thời trăng lưỡi liềm, mặt trăng đi hơi chậm cho nên con nước lên xuống hơi kém.

Trong một tháng con nước lên mạnh sau ngày mùng một và ngày rằm.

Trong một năm con nước lên mạnh vào [28a] giữa mùa xuân mùa thu.

Con nước ban ngày trong mùa hạ thường to.

Con nước ban đêm trong mùa thu mùa đông thường to, bởi lẽ một năm có mùa xuân mùa thu cũng như một tháng có ngày mùng một ngày rằm. Đó là con số thường của trời đất.

Sự lên xuống của con nước quan-hệ theo mặt trăng tới hay lui, chớ không phải do đất nổi hay chìm.

Sách Tựu nhật lục của nhà nho đời Nguyên đã đính-chánh những điều bàn luận về con nước thủy-triều với những lý-thuyết rất rõ-ràng.

Sách ấy nói: Thuyết con nước thủy-triều ở sông Tiền-đường trước sau đã ghi chép không nhất trí.

Sách Sơn-hải kinh cho đó là mức độ ra vào hang của loài cá du[87] ở biển.

Sách nhà Phật cho đó là sự biến hóa của con Thần-long (rồng thần).

Sách Triều-ký của Cát-Hồng cho đó là nước sông Thiên-hà tung vọt lên.

Sách Động chân chính nhất kinh nói là mặt trăng đi khắp một vòng trời thì con nước thủy-triều ứng theo.

Sách Luận-hành của Vương-Sung nói: Nước là huyết mạch của đất tùy theo khí tới lui mà thành con nước thủy-triều.

Sách Hải-đào chí của Đậu-Thúc-Mông cho rằng con nước thủy-triều lúc sớm tối dậy sóng cồn là tất phải chờ mặt trăng.

[28b] Trăng với biển đun đẩy nhau. Biển với trăng chiếu dọi nhau.

Sách Hải-triều luận của Đông-hải Ngư ông chép: Đất nổi lên mặt nước thông với đại hải, theo khí mà ra vào lên xuống. Đất trầm xuống thì nước biển xanh chảy vào sông, gọi là nước mai (triêu). Đất nổi lên thì nước ở sông lạch chảy về biển xanh, gọi là nước hôm (tịch).

Sông Chiết-giang bắt nguồn rất gần, hễ nước sông ít thì nước biển nhiều cho nên con nước thủy-triều dâng lên rất to.

Bài Chiết luận (luận về sông Chiết-giang) của Phan-Động có nói: Cửa biển có hai trái núi, núi Khám và núi Sinh, ở giáp bờ biển con nước thủy-triều lúc bắt đầu dâng đến cũng mênh-mông, khi tràn gần đến hai núi ấy gặp bờ hẹp và thế gấp thì tung vọt lên thành sóng cồn.

Sách Tùng-ngữ của Diêu-Hợp-Uy chép theo tấm bia đá ở Cối-kê đại khái nói: Nguyên khí thở ra thở vào. Trời tùy theo khí mà dâng tràn lên và qua lại. Con nước thủy-triều cũng theo trời mà tới lui.

Sông Chiết-giang, phía nam từ huyện Toản-phòng, phía bắc từ huyện Gia-hưng giáp với núi, mà nước thì rộng mênh-mông, ở phía dưới cái đầm cát suốt từ nam [29a] đến bắc, khi nước đầy thì ngăn được sóng to, khi rút thì chận được thế con nước thủy-triều, chớ không phải vì nước sông cạn sát mà khiến ra như thế.

Sách Vận-lộc mạn sao[88] của Triệu-Cảnh-An sao lại sách Sứ Cao-ly lục của Từ-Thúc-Minh có chép: Trời bao lấy nước, nước nâng lấy đất mà nguyên-khí thì lên xuống trong cõi thái-hư (khoảng không-gian). Đất chịu sức nước mà tự giữ vững, lại cùng với nguyên-khí lên xuống mà cùng cất lên hay đè xuống với nhau mà người ta không hay biết.

Trong những lời bàn nghị về con nước thủy-triều thì chỉ có luận thế của Phan-Động khá hợp lý. Nhưng luận-thuyết này chỉ nói: “Thế bức-bách mà làm ra sóng cồn” .

Luận-thuyết của Đông-hải Ngư-ông nói: Nguồn gần hay xa mà phân ra con nước thủy-triều to hay nhỏ. Lý-luận cũng giống nhau với của Phan-Động. Nhưng luận-thuyết ấy nói: “Đất nổi ở trong nước” . Lý-luận ấy lại gián-đoạn, không bằng như của trong sách Sứ Cao-ly lục do Từ-Minh-Thúc viết: Trời bao lấy nước, nước nâng lấy đất mà nguyên-khí thì lên xuống.

Luận-thuyết của Đậu-Thúc-Mông nói: Sóng cồn nổi lên vì mặt trăng. Luận-thuyết này thật hợp với nghị-luận ở bia đá ở Cối- [29b]Kê và của Triệu-Cảnh-An.

Vả lại mặt trăng là âm, thủy-triều là nước đều ứng với công-dụng của quẻ Khảm trong kinh Dịch.

Cho nên thiên Thuyết-quái trong kinh Dịch nói: Khảm là nước, là mặt trăng. Do đó có thể thấy được lẽ ấy.

Cho nên luận-thuyết của ba nhà kể trên (Từ-Thúc-Minh, Đậu-Thúc-Mông và Triệu-Cảnh-An) là đắc lý.

Khuất-Đại-Quân đời nhà Minh lại có luận-thuyết cũng hợp lý, tôi xin biên chung vào đây:

Trong bức Hà-đồ, hành thủy (nước) được đặt ở phương bắc. Phương bắc là bờ của nước. Con nước thủy triều là khi mở ra. Hơi thở của trời đất hít vào và thở ra, mà con nước thủy-triều cũng noi theo mà dâng lên và rút xuống.

Khí mà trương lên ở mặt đất thì nước từ phương bắc chảy về nam, đó là con nước lớn dâng lên. Dâng lên cùng cực thì nước đầy tràn ở phương nam đó là con nước đứng (không lên không xuống).

Dâng lên cùng cực thì rút xuống, nước chảy về phương bắc, đó là con nước ròng.

Này, chỉ vì khi hít vào và thở ra không dừng cho nên con nước thủy-triều có lớn có ròng đúng theo thời-kỳ không bao giờ sai.

Còn như con nước thủy-triều có lớn có nhỏ, có sớm, có trễ khác nhau [30a] là do ở giờ-giấc thời-tiết có giao biến, khi có thịnh suy mà động-cơ ấy đều ứng hợp với mặt trăng. Cho nên nói: “Hải triều ứng nguyệt” là con nước thủy-triều ứng hợp với mặt trăng.