Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 4 - Chương 2

Đổi tên Khải-thánh-từ (đền thờ cha Khổng-tử) ra Sùng-thánh-từ.

Theo vị thứ hàng Chiêu và hàng Mục[224] [7a] an bày thần vị của tiên nhân. Mỗi năm, hai kỳ, mùa xuân mùa thu cúng tế, thật là một thịnh điển.

Nhà Đường nhà Tống trở về sau khiến các huyện phủ châu trong thiên-hạ đều dựng nhà học, nhưng Miếu-học thật đã có thể-chế riêng.

Miếu đề tôn thờ Khổng-Tử: từ điện Đại-thành[225] cho đến hai dãy nhà ngang ở phía Đông và phía Tây, Kích môn[226] và Linh tinh môn[227].

Nhà học để giảng tập sinh viên: từ Minh Luân đường[228] cho đến hai phòng đọc sách bên tả và bên hữu, hiệu phòng[229] xạ phố[230] và nho-học môn cùng với nhà kho nhà chứa nhà bếp đều có nơi chốn cả.

Trong niên-hiệu Hoằng-trị (1488 - 1505) đời vua Hiếu-tông nhà Minh có chiếu chỉ khiến các đô ấp trong thiên hạ phải lập đền thờ các danh hoạn[231] các hương hiền[232] để khuyến khích người đời.

Cuối niên-hiệu Chính-đức (1521) nhà Minh, quan Đốc-học Lưu-Quân-Tiết trấn nhậm ở Kim-toàn châu có dựng đền ở phía tây nhà Học.

Trong đền phía tả thờ các bậc danh hiền từ ông Liễu-Khai[233] làm quan thứ sử đời nhà Tống trở xuống.

Phía hữu thờ các bậc hương hiền từ ông Chu-Đạo-Thành là người con có hiếu [7b] đời nhà Tống trở xuống. Mỗi năm hai lần, ba hôm sau lễ đinh-tế[234] trong ngày thuộc đinh (đinh nhật) ở thượng tuần tháng trọng xuân (tháng 2) và tháng trọng thu (tháng 8) các quan châu-thú đem thầy giáo và học sinh ở các nhà học đến đền ấy làm lễ.

Quan Các-lão[235] Tưởng-Miện làm bài ký đại lược nói: Làm quan ở địa-phương nào mà sau khi rời đi nơi khác được người ta tưởng nhớ, người ấy được gọi là danh hoạn.

Sống ở trong làng mà được dân chúng khen-ngợi luyến-mộ, người ấy được gọi là hương hiền.

Như Văn-ông được thờ ở Thục-quận, Chu-Ấp được thờ ở Đông-hương, hai vị này đều được gọi là danh-hoạn.

Phàm những người có đạo-đức dạy dỗ trong làng, khi chết được cúng tế ở nhà học Cổ-tông[236], những vị hương tiên-sinh[237] khi chết được cúng tế ở đền Xã đều được gọi là hương hiền.

Nghề làm quan như thế mà được phụng thờ thì kẻ-sĩ làm quan phải cố gắng.

Hiền đức như thế mà được thờ phụng thì kẻ-sĩ hưu-trí ở trong làng cũng không thể không cố gắng được.

Lễ thi-hành ở một nhà mà phong-hóa kích động ở một quận thì việc quan-hệ về giúp đời dựng dân không phải là ít-oi [8a] mà có thể không cẩn thận được.

Thiên Nhân-vật biện ở sách Thái-bình phủ chí của Cao-Bất-Căng chép: Danh-hoạn và hương-hiền, phép tắc ấy rất quan-trọng. Kẻ bề-tôi làm quan tại chức mà được nhập vào hàng danh-hoạn, ờ trong làng mà được nhập vào hàng hương-hiền, tất nhiên có đức rạng-rỡ, có công đáng tin, được nhân-dân nhớ tưởng, được sĩ-phu mến yêu, được người ta ca-tụng đồng một thanh-danh, được người ta đồn-đãi cùng một tiếng-tăm, rồi sau mới được tiến cử vào quan hiến-ty, và đề-đạt lên triều-đình, rồi đến khi chết được hợp chung mà cúng-tế hưởng lễ-vật trên mâm trên dĩa hàng ngàn năm.

Làm quan tại chức mà được làm danh-hoạn thì lúc hưu-trí về nhà mới được liệt vào bậc hương-hiền.

Theo sách Chu-lễ, từ kinh-đô của thiên-tử cho đến làng xóm trong nước đều được cúng tế thần Xã-Tắc.

Nhà Đường nhà Tống trở về sau lại khiến các quận được cúng tế thần Phong-bá (thần gió), thần Vũ-sư (thần mưa) và thần Sấm.

Tế đàn có con vật hy-sinh, có ngọc, có lụa, có những lễ phẩm khác. Bày lễ vật thì có [8b] nghi-tiết. Mỗi năm có quan hữu-ty cử-hành lễ cúng tế.

Theo chế độ nhà Minh, ở mỗi phủ, huyện và châu đều có lập đàn Xã-Tắc, đàn Tiên-Nông[238], đàn thần Gió, đàn thần Mây, đàn thần Sấm, đàn thần Mưa, đàn thần Núi, đàn thần Sông, đàn thần Thành-hoàng và đàn thần Dịch-lệ.

Mỗi năm cúng tế theo thời-tiết để cầu phúc lành đền công ơn, đón lấy hòa khí, tiêu trừ lệ khí.

Đó cũng là giềng mối lớn-lao về việc thờ phụng quỷ thần mà trị dân.

Kinh Lễ chép: Về việc cúng tế, có điều đã phế bỏ thì không dám cử-hành lại, có điều đã cử-hành thì không dám phế bỏ.

Do đó có thể thấy được cái ý thận-trọng kính-cẩn của người đời xưa.

Đời sau những bề-tôi bàn-nghị có ý nệ-cổ, những tông-miếu đã bị hủy hoại, những đền thần đã bị bỏ hoang lại muốn làm lại, những đàn tế đã sửa chữa rồi, hàng chiêu mục đã định vị rồi lại muốn thay đổi. Đó cũng là lầm vậy.

Chu Tử nói: “Những đồ dùng như cái biên[239], cái đậu[240], cái phủ[241], cái quỷ[242] là của người xưa đã dùng cho nên lễ cúng tế lúc bấy giờ [9a] phải có những đồ dùng ấy” .

Nay lấy yến-khí[243] thay thế tế-khí[244], lấy món ăn thường thay thế trở-nhục[245], lấy tiền thay thế ngọc và lụa cũng là ý lấy những đồ-vật bình sinh vẫn dùng mà cúng tế, như thế gọi là tùng nghi.

Khâu Quỳnh-Sơn[246] nói: “Lời nầy thật thích-hợp, như cái ý sự tử như sự sinh” (thờ phụng tiền nhân lúc đã chết cũng như lúc còn sống).

Vì Trình-Tử đã có nói: “Hành sự không được hoàn-toàn câu nệ theo cổ, phải xem xét thói tục xưa nay không giống nhau thi việc xử sự cũng không được không khác hẳn với đời xưa. Như người đời nay mặt mũi dáng mạo không giống với người đời xưa. Nếu hoàn-toàn dùng đồ-vật đời xưa thì không xứng hợp. Dù thánh nhân cổ làm lại những món vật dụng ấy cũng phải có thêm bớt” .

Chu-Tử lại thường nói: “Thánh nhân làm ra cổ lễ, nhưng chưa ắt đã dùng hết, phải có điều để yên không dùng tới” .

Trình-Tử nói; “Sĩ đại phu ắt phải dựng miếu thờ tổ-tiên trong gia-tộc. Miếu phải hướng về hướng đông. Bài-vị của bậc thái-tổ (ông tổ cao nhất) phải ngoảnh mặt về hướng đông, bên tả là chiêu, bên hữu là mục, nam nữ đặt khác nơi, bài-vị của mẹ chồng và nàng dâu cũng đồng như của thái-tổ.

Thần chủ đều khắc bằng gỗ [9b] và có bài-vị bằng gỗ. Mỗi tháng đến ngày mùng một thì cúng trà rượu. Bốn mùa đều có cúng tế, mùa xuân vào tiết Hàn-thực, mùa hạ vào tiết Đoan-ngọ (mùng 5 tháng 5), mùa thu vào tiết Trùng-dương (mùng 9 tháng 9), mùa đông vào tiết Đông-chí.

Mỗi khi cúng tế xong thì giấu cất thần-chủ vào giáp-thất[247] ở vách phía bắc.

Việc ăn uống thì xứng hợp với nhà giàu hay nghèo mà làm mâm cỗ.

Vật dụng để cúng tế (tế-khí) và chiếu ngồi thì không được dùng lộn-xộn.

Cửa miếu nếu không nhằm ngày cúng tế thì đóng kín lại” .

Chu-Tử đính chính lại rằng: “Ngôi miếu phải hướng về phương nam, ngồi phải hướng về phía đông” .

Có người hỏi: “Việc cúng tế trong những ngày tục-tiết[248] như thế nào? ” .

Chu-Tử đáp: “Hàn Ngụy-công xử sự thật hay. Đã gọi là lễ tế theo thời-tiết thì phải kém hơn lễ giỗ chính thức” .

Tục-tiết là tiết Thanh-minh, tiết Hàn-thực, tiết Đoan-ngọ, tiết Trung-nguyên và tiết Trùng-dương.

Chu-Tử lại nói: Các bậc hiền-triết đời trước cúng tế ở mộ phần thì không nói gì đến nghĩa lý” .

Sách Mộng hoa lục chép: Tết Trung-nguyên (rằm tháng bảy) người ta bày đồ mã, áo bằng giấy màu, lấy tre làm cái giường ba chân hình-trạng giống như cái bầu dầu trong cây đèn [10a], gọi đó là Vu-lan bồn[249], người ta treo giấy và đồ mã ở trên mà đốt” .

Ông Lục-Du nói: “Thói tục đến ngày rằm tháng 7 làm đồ chay cúng tế tổ tiên, chuốt tre làm bồn chậu đựng tiền giấy rồi lấy cộng tre mồi lửa mà đốt” .

Sách Thích thị yếu lãm chép: Tiếng Phạm nói Vu-lan cũng như tiếng Trung-hoa nói cứu đảo huyền là cứu gỡ cha mẹ đang bị thọ hình treo ngược ở địa-ngục.

Sách Thông-giám đời nhà Đường chép: Vua Túc-tông nhà Đường cho Vương-Dư làm chức từ-tế sứ (quan coi giữ việc cúng tế).

Lúc cúng tế, Vương-Dư có khi đốt giấy tiền giống như những người đồng bóng.

Sách Vương-Dư truyện chép: Từ đời nhà Hán trở về sau khi chôn cất người chết người ta đều có chôn tiền theo.

Đời sau, tục quê lấy giấy làm tiền mà cúng quỷ thần.

Vương-Dư dùng giấy để cúng tế trừ tai-ương.

Chu-Tử nói: “Người đời xưa dùng ngọc và lụa để cúng tế. Người đời sau lấy tiền mà thay vào. Đến đời vua Huyền-tông nhà Đường, việc thờ phụng quỷ thần thật phiền-phức, không có nhiều tiền, Vương-Dư làm giấy tiền mà thay vào” .

Sách Thanh dị lục lại chép: Ngày xe đưa [10b] linh-cữu vua Huyền-tông nhà Đường đi an-táng, những thứ như vàng bạc tiền và đồ quý báu đều tượng hình để ngụ ý cả.

Chu-tử lại nói: “Đầu đời nhà Tống, hễ nói đến lễ thì làm mũ áo giấy, nhưng không dùng tiền giấy” .

Không biết tiền giấy và mũ áo giấy có khác biệt gì nhau chăng?

Tiền giấy để cúng tế có từ đời vua Túc-tông (756 - 762) nhà Đường do Thái-ất sứ Vương-Dư làm ra.

Còn mũ áo giấy để cúng tế có từ đời Ngũ-đại.

Sách Triều dã thiên tái chép: Theo phong-tục vùng Lĩnh-nam, hễ trong nhà có người bịnh, thì trước hết giết gà giết ngỗng cúng để cầu phúc. Nếu bịnh chưa khỏi, người ta liền giết bò dê lợn mà cầu đảo.

Tục nầy đến nay vẫn còn.

Người xưa chê cười thói nầy đã lâu vì muốn cầu sinh lại sát sinh, đó là điều quỷ thần giận ghét.

Vùng Trung-châu, để cầu đảo người ta chỉ dùng hương đèn tiền giấy ngựa giấy hoa quả đồ chay, chớ không nghe làm [11a] thịt sát hại sinh mệnh loài vật.

Đã gìn lòng nhân và giữ phúc dày, cầu thần thêm tuổi thọ tất phải dùng đến nhân và phúc, dâng hiến lòng thành chớ há đâu ở lễ vật?

Sách Thương thư có thuyết về đồng cốt.

Quẻ Tốn trong kinh Dịch cũng có lời bói của vu-sử[250]

Sách Chu lễ đặt ra chức quan Ty-vu coi giữ bọn đồng cốt, có cốt nam và cốt nữ, đều có tham-dự vào những cuộc cầu đảo cúng tế.

Đồng cốt vốn là để thông-cảm với quỷ thần không thể nào bỏ được.

Xem những điều ghi chép trong Tả-truyện thì rành rành có chứng-nghiệm.

Đời sau nhiễm về yêu tà dối trá mà gây hấn gieo họa cho nên thường nghiêm cấm việc đồng cốt.

Vua Vũ-đế nhà Hán cúng sao Thái-ất từ chiều hôm đến sáng. Đời sau lễ phóng đăng[251] vào ngày Thượng-nguyên (rằm tháng giêng) bắt đầu từ đấy.

[11b] Ngày nay trong ngày tiết Lập-xuân người ta thường cắt giấy màu hay giấy có bông vàng thành hai chữ Nghi-xuân dán ở cửa để đón tân xuân.

Theo bài Yến phú của Phó-Hàm đời Tấn có câu: Ngự thanh y dĩ tán thì, trứ nghinh xuân chi gia chỉ (nghĩa là: Mặc áo xanh để tán thưởng mùa xuân, gây dựng phúc lành mà đón xuân).

Bài Tuế thì ký của người nước Tấn chép: Trong ngày tiết Lập-xuân người ta cắt giấy màu thành hình con chim én mà đội và dán hai chữ Nghi-xuân ở cửa.

Sách Đường thiên kim nguyệt lịnh chép: Trong ngày tiết Lập-xuân người ta dán hai chữ Nghi-xuân ở cửa.

Sách Tuế thì ký của người nhà Tống chép: Trong đêm trừ-tịch (đêm 30 tháng chạp, đêm cuối năm) người ta dán tờ thiếp Thiên-hành, thiếp Tiến-tài ở cửa.

Tục ngày nay cũng hơi giống như thế.

Sách Tỏa-ngôn của Tô-Hựu đời nhà Minh chép: Cung điện nhà cửa người xưa đều hướng về phía Đông, cho nên gọi góc tây-nam trong nhà là ảo (chỗ bí-mật tối-tăm), góc tây-bắc trong nhà là ốc-lậu (góc tối-tăm đặt thần chủ trong nhà).

Theo sách Lễ-ký, hướng về tây làm tôn (tôn-trọng), hướng về nam làm chiêu (chiếu sáng), hướng về bắc làm mục (đẹp-đẽ).

[12a] Sách Thuyết văn giải tự chép: Người xưa làm nhà, nửa phần trước để trống gọi là đường, nửa phần sau gọi là thất.

Sách Lý-quật của Trương-Tử chép: Ở nhà, gian chính gọi là miếu, cũng như điện nhận chính-sóc của thiên-tử. Ở gian chính-sảnh người ta không được ở thường vì những việc cát hung: quán[252], hôn[253], tang[254], tế[255] đều được thi-hành ở đấy.

Phía sau chính-sảnh gọi là tẩm.

Sách Luận-hành của Vương-Sung chép: Đời thường kiêng cữ:

1) Không trao đũa cho nhau vì sợ tình ý không bền.

2) Không thay nhau quét nhà vì kẻ dọn dẹp nhà cửa sẽ mong người khác đến thay thế mình.

Tục nầy đến nay vẫn còn được kiêng kỵ.

Sách Thuyết phu chép: Con trai vào trường học thường được 7 tuổi hay 9 tuổi, bởi vì thói tục có thuyết: con trai thì kỵ số chẵn, con gái thì [12b] kỵ số lẻ.

Cho đến lễ đội mũ của con trai được 20 tuổi và lễ cài trâm của con gái được 16 tuổi cũng như thế.

Em trai của Lý-Hồn ở Bắc-Tề là Luân lên 6 tuổi xin vào học, vì nhà có tục kỵ tuổi chẵn mà không được nhận cho học. Luân bèn học lén mà hiểu thông được sách Cấp tựu chương.

Sách Bác-vật chí chép: Từ khi nhà Tần thống-nhất thư-văn trong thiên-hạ, quan Thừa-tướng Lý-Tư làm thiên Thương-Hiệt, quan Trung-quân lịnh Triệu-Cao làm thiên Viên-lịch, quan Thái-sử Kính làm thiên Bác-vật, quan Văn-viên lịnh Tương-Như làm thiên Phàm-tướng, quan Hoàng-môn lịnh Du làm thiên Cấp-tựu.

Theo sách Nhan thị gia huấn, con em của bậc sĩ đại-phu đến một số tuổi nào trở lên thì không ai là không được dạy bảo, nhiều khi thì được dạy đến phần truyện[256] trong kinh Lễ, ít thì không sót phần luận trong kinh Thi, đến tuổi đội mũ và tuổi lấy vợ, lúc ấy tính tình và thể chất đã an định, nhân cơ thần thiên-nhiên ấy của con người mà gia tăng việc dạy bảo.

Người đời cho rằng đến tuổi đội mũ và lấy vợ mà chưa học thì gọi là chậm trễ, nhân đó chịu không thấy biết gì như quay mặt vào tường cũng là ngu dốt vậy.

Theo triều nhà Lương, bậc hoàng-tôn (cháu nội của vua) trở xuống, những con trẻ còn để tóc hai trái đào trên đầu được vào học trước nhất[257].

[13a] Khi nói chuyện với ai mà nói đến ông bà cha mẹ bậc trưởng cố của người ấy đều phải chữ tôn (như Tôn tổ phụ, ông nội của ông), còn từ hàng chú trở xuống thì thêm vào chữ hiền. Đó là sự khác biệt giữa người trên và kẻ dưới.

Người phương Nam, khi khách đến thì không đón, gặp nhau thì ôm lấy tay mà không chấp, đưa khách ra khỏi chỗ ngồi mà thôi.

Người phương Bác đón khách hay đưa khách đều đến cửa, gặp nhau thì chấp tay vái chào. Đó là lề lối đời xưa.

Tôi cho tục đón khách và chấp tay vái chào khách là phải.

Theo sách Chu lễ, khi gã chồng hay cưới vợ phải nộp thứ trắng tinh không quá 5 lượng.

Sách ấy có chú rằng: 5 lượng là 10 đoan[258].

Nhà giàu làm lễ nộp tệ cũng không được quá số 5 lượng lụa ấy. Nhà nghèo cũng có thể lo đủ số 5 lượng lụa ấy (vì không nhiều).

Có người nói: “Lễ nộp tệ 5 lượng lụa thì quá ít, khó coi.” .

Chu-Tử nói: “Tính nhiều ít mà lấy lợi mà nói. Đời sau phong-tục của nhân-dân khinh bạc thường nói đến tiền-tài. Về lễ-nghi thì đòi tiền bạc. Nhà quan phẩm lại muốn lấy thể-diện đã đưa nộp vàng [13b] lụa rất nhiều. Người nào nộp ít không đầy đủ thì chê trách. Đó thật là phi lễ” .

Sách Thông-điển chép: Trong đời vua Huyền-tông (713 - 755) nhà Đường, Đường-Thiệu có dâng biểu nói: Trong dân chúng ngày rước dâu ở nơi quê mùa thô bỉ thường có việc chận ngăn đám cưới và đòi tiền rượu thịt. Thói nầy trở thành thịnh-hành nhiễm đến hàng vương-công. Chúng tụ họp nhiều bè lũ chận ngăn đường lộ. Lúc giữ đám cưới lại chúng đòi tiền của, đến nỗi món lễ đút lót khi chúng chận xe rước dâu còn nhiều nhiều hơn món tiền sính-lễ. Xin cấm hẳn những việc ấy.

Vua Đường Huyền-tông nghe theo.

Thói ấy tức là tiền đón ngõ mở dây ngày nay.

Sách Nhan thị gia huấn chép: Con trẻ sinh giáp năm (một tuổi) thì được may quần áo mới, tắm rửa trang-sức sạch-sẽ, con trai thì người ta dùng cung tên giấy bút, con gái thì thước kéo kim chỉ cùng các món đồ ăn uống [14a] và đồ chơi quý báu đặt trước mặt con trẻ. Xem ý nó muốn vật gì mà nghiệm biết nó sẽ tham-lam hay liêm-khiết, ngu-si hay thông-minh.

Tục ấy gọi là hý-nhi. Rồi bà con nội ngoại tụ họp lại ăn uống.

Sách Ngọc hồ dã sử cũng chép: Ngày lễ thôi-nôi của Tào-Bân, cha mẹ lấy các thứ đồ chơi bày la-liệt ở chiếu để xem Tào-Bân bắt lấy món nào.

Sách Bắc hộ lục chép: Theo phong-tục ở vùng Lĩnh-nam, nhà giàu khi đàn bà sinh đẻ được ba ngày hoặc đầy tháng thì tắm rửa đứa con rồi làm một bữa cơm đoàn du[259].

Theo thiên Nội-tắc trong kinh Lễ, người đời xưa chỉ trọng lễ tiếp con sau ba ngày được sinh ra.

Theo sách Gia-lễ, chủ nhà sinh đứa con đích trưởng đầy tháng thì tiếp-kiến con.

Đời sau tùy theo phong-tục ở từng địa-phương, người ta tụ hợp lại vui chơi, trang-sức và ăn mừng lần lần thêm to.

Nay theo phong-tục ở Trung-quốc, người ta sinh đẻ con được 3 ngày thì hội họp bà con lại.

Tục nước ta, người ta sinh đẻ con được 3 ngày thì chỉ làm vài mâm cỗ cúng thần Dưỡng-bà. Đợi đến bảy ngày, chín ngày và đầy tháng, một trăm ngày, giáp [14b] năm thì đều bày lễ cáo lên tổ tiên, rồi bày yến tiệc linh-đình, đem thơ văn đồ chơi quần áo đến chúc mừng. Những lễ mừng một trăm ngày và giáp là trọng đại hơn hết.

Lễ mừng giáp năm, người ta bày các thứ đồ chơi ở trước mặt trẻ con để xem nó bắt lấy món gì, giống với tục ở Giang-nam.

Sách Điền nghi lục ở Nam-tống chép: Về việc sinh đẻ ở trong cung có những lễ-nghi sau đây: Tam-triêu, mãn-nguyệt, Nhất-lạp, Nhị-lạp, Tam-lạp, Bách-tối và Đầu-tối[260].

Trong những lễ tiết kể trên, vua đều có ban cho bạc và lụa.

Tháng 8 năm Khai-nguyên thứ 7 (729) đời nhà Đường, vua Đường Huyền-tông lấy ngày sinh-nhật của mình ban yến cho các quan ở dưới lầu Hoa-ngạc.

Trương-Thuyết và Nguyên-Kiền-Diện xin lấy ngày mùng 5 tháng 8 mỗi năm làm tiết Thiên-thu bố-cáo cho khắp thiên hạ đước yến ẩm vui chơi nghỉ-ngơi ba ngày.

Đó là bắt đầu đặt lễ tiết theo ngày sinh-nhật.