Vân Đài Loại Ngữ - Tiểu sử của Lê-Quý-Đôn

(1726 - 1784)

Lê-Danh-Phương (sau đổi là Lê-Quý-Đôn) tự là Doãn-hậu, hiệu là Quế-đường, sinh ra trong niên-hiệu Bảo-thái thứ 7 (1726) đời Vua Lê Dụ-tông thời Chúa Trịnh-Cương ở xã Diên-hà, tỉnh Sơn-nam (nay là tỉnh Thái-bình)t con của ông Lê Phú-Thứ (sau đổi là Lê Phú Thứ) và bà họ Trương.

Ông Lê Phú Thứ là một danh-nho đỗ tiến sĩ trong niên-hiệu Bảo-thái (1724) làm quan đến chức Hình-bộ Thượng-thư.

Từ thủa bé, Lê-Danh-Phương đã nổ tiếng là thần đồng về trí thông minh và óc nhớ dai:

- 2 tuổi đã biết đọc chữ Hữu 有 (là có), chữ Vô 無 (là không).

- 5 tuổi đã học được nhiều thiên trong kinh Thi.

- 11 tuổi học sử, mỗi ngày thuộc tám chín mươi trương và học kinh Dịch.

- 14 tuổi đã học hết Ngũ Kinh, Tứ thư sử truyện và đọc cả sách của Chư tử, trong một ngày có thể làm 10 bài phú mà không cần viết nháp.

Tài làm thơ của Lê-Danh-Phương lại càng đáng làm cho mọi người phải thán-phục.

Một hôm thấy Lê-Danh-Phương rắn đầu biếng học, cha ông quở trách, bắt ông phải ứng-khẩu làm một bài thơ Rắn đầu đề tạ tội với điều-kiện có nhiều tên rắn. Ông đọc ngay:

Chẳng phải liu-điu vẫn giống nhà,

Rắn đầu biếng học chẳng ai tha.

Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,

Nay thét mai gầm rát cổ cha.

Ráo mép chỉ quen lời lếu-láo,

Lằn lưng cam chịu vết roi tra.

Từ nay Châu Lỗ xin siêng học,

Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.

Thật đúng là bài thơ tạ tội rắn đầu biếng học, chứa đựng nhiều tên rắn như liu-điu, hổ lửa, mai gầm, hổ mang.

Một thần đồng như thế, thì ngũ-quan của ông ắt có gì đặc biệt khác thường: đó là hai mắt của ông luôn luôn dao-động.

Năm Canh-thân nhằm đầu niên-hiệu Cảnh-hưng (1740) Lê-Danh-Phương theo cha lên học ở kinh đô Thăng-long.

Năm Quý-hợi (1743), nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 4, ông ứng thí ở trường Sơn-nam đỗ Giải nguyên, lúc ấy ông 18 tuổi.

Năm Cảnh-hưng thứ 13. (1752), ông được 27 tuổi, thi hội đỗ đầu, vào thi Đình khoa Nhâm-thân (1752) đỗ Bảng nhãn.

Ông được bổ nhiệm chức Thụ-thư ở Viện Hàn-lâm.

Mùa xuân năm Giáp-tuất (1754), nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 15, ông được sung vào ban Toản-tu Quốc-sử.

Năm Bính-tý (1756), nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 17 ông phụng mệnh đi liêm phóng ở tỉnh Sơn-nam, tố giác một số quan chức ăn hối lộ.

Tháng 5 năm ấy, ông được biệt-phái sang Phủ Chúa Trịnh, coi Phiên-binh.

Tháng 8 năm ấy, ông được sai đi hiệp đồng ở các đạo Sơn-tây, Tuyên-quang, Hưng-hoá, đem cơ Tả-dực đánh giặc Hoàng-Công-Chất, có công to. Lúc về triều, ông dâng bài điều trần 19 khoản nói về chức chưởng Phiên-binh Chúa Trịnh khen và thưởng ông 50 lạng bạc.

Năm Đinh-Sửu (1757), nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 18, ông được thăng chức Thị-giảng Viện Hàn-lâm.

Năm Canh-thìn, nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 21 (1760), ông và Trần-Huy-Mật sung sứ bộ sang nhà Thanh báo tang Thái Thượng-hoàng Lê Ý-tông băng và dâng cống.

Năm Tân-tỵ nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 22 (1761), ông và sứ-bộ đến Bắc-kinh yết kiến Hoàng-đế nhà Thanh. Trong dịp này, các nho thần nhà Thanh nghe tiếng ông đều có đến sứ quán thăm hỏi, ông cũng có gặp và giao du với sứ thần Triều-tiên.

Từ trước sừ-bộ Việt-nam chưa từng đến nhà Thái-học bái yết Tiên-thánh Khổng-Tử. Ông liền cùng Trịnh-Xuân-Chú đến cung yết nhà Thái-học và hội-đàm với quan Trợ-giáo Trương-Nguyên-Quan và Bác-sĩ trương Phương Thú.

Trên đường về của sứ-bộ, ông thường biện luận với viên Bạn-tống Tần-Triều-Hãn uyên bác về học vấn. Tuy có nhiều điều bất đồng ý kiến, Tần-Triều-Hãn đã phải than rằng: “Nhân-tài như Lê-Quý -Đôn, ở Trung-quốc cũng ít có” .

Ta có câu ngạn ngữ: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.

Cuộc đi sứ sang Trung-quốc này đã mang lại cho ông nhiều kiến-văn quý báu mà ông sẽ lần lượt kể lại trong sách Vân-đài-loại-ngữ của ông.

Năm Nhâm-ngọ nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 23 (1762), ông về triều được thăng-thưởng quan Hàn-lâm-viện Thừa chỉ, ông được chọn làm chức Học-sĩ ở Bí-thư các.

Những kiến văn, những quan-sát và những suy-tư của ông trong hai năm đi sứ sang Trung-quốc đã giúp ông định hướng đường lối chính trị của ông. Ông có hoài bão dựa vào Chúa Trịnh để hoàn-thành sự-nghiệp chính-trị hầu bổ cứu cái tệ nhân tuần thủ cựu của đời bấy giờ.

Nhưng hoài-bão này của ông không thành đạt, vì sau khi đi sứ trở về ông có nhiều người đố kỵ ganh-ghét. Họ tìm đủ phương-cách để gièm pha đè nén ông.

Những tờ điều-trần của ông dâng lên đều bị xếp để yên.

Năm Giáp-thân, nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 25 (1764). được bổ nhiệm chức Đốc-đồng xứ Kinh-bắc (Bắc-ninh), ông ngăn cấm các nhà quyền quý không được áp bức dân nghèo.

Năm Ất-dậu, nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 26 (1765), được được bổ nhiệm chức Tham-chính xứ Hải-dương, ông từ tạ không đi và xin miễn quan về nghỉ, có lẽ vì là người nổi tiếng về văn-học mà phải bổ ra làm quan ở ngoài, nên bất đắc chí.

Ông nghỉ ở nhà được hai năm đặc-biệt chú trọng về địa-lý.

Năm Đinh-hợi, nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 28 (1767) ông được khôi-phục chức Thị-thư và tham gia biên tập Quốc-sử, kiêm chức Tu-nghiệp Quốc-tử-giám.

Năm Mậu-tý, nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 29 (1768), ông làm xong bộ sách Toàn Việt thi lục, dâng lên Chúa Trịnh, được thưởng 20 lạng bạc.

Tháng 8 năm Kỷ-sửu, nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 30 (1769), xứ Thanh-hoa bị bộ tướng của Lê-Duy-Mật và Lê-Đình-Bản đánh cướp. Phan phái hầu làm Đốc lĩnh, ông làm Tán-lý quân vụ đem quân đi đánh giặc, cả phá quân Lê-Đình-Bản ở núi Đồng-cổ vào tháng 9.

Năm Canh Dần, nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 31 (1770), ông thống-lĩnh quân kinh và quân thổ hơn 9.000 người, hội với quân Nghệ-an càn quét quân giặc. Lê-Đình-Bản phải đầu hàng. Lê Duy Mật phải tự sát. Ông được phong chức Thị-phó Đô ngự-sử.

Tháng 6, ông được thăng chức Công-bộ Hữu Thị-lang.

Tháng 7, ông dâng sớ xin lập đồn-điền ở vùng thượng du phía trên huyện Yên-định, phía dưới huyện Cẩm-thủy và các động sách của huyện Quảng-bình (nay là Quảng-hóa) và Nông-cống.

Chúa Trịnh liền sai quan Thiêm-sai Lý-Trần-Thản đi xem xét tại chỗ. Lý-Trần-Thản về tâu rằng chưa thể làm được. Việc lập đồn-điền này bị xếp lại.

Năm Nhâm-thìn, nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 33 (1772) ông vâng lịnh Chúa Trịnh điều-tra về nỗi khổ-sở của nhân-dân và những điều nhũng-lạm của quan lại ở Lạng-sơn. Quan Đốc-trấn Lê-Doãn-Thân bị cách chức vì tờ báo-cáo của ông.

Ông đã định hướng đường lối chính-trị của ông là: Tận trung với Chúa Trịnh để trở thành một nhà chính-trị lỗi-lạc trong mai sau. Cho nên khi thấy quan Lễ-bộ Thượng-thư Trần-Huy-Mật, ngày trước đã đi sứ với ông sang Trung-quốc, tỏ thái-độ trung-thành với Vua Lê khi đứa con trai được chọn làm Phò-mã, ông liền đàn hặc Trần-Huy-Mật về tội bất kính đối với Chúa Trịnh. Lê-Duy-Mật bị giáng chức.

Ngày trước, khi Trịnh-Sâm còn ở Lương-phủ (cung riêng của Thế-tử), Phạm-Huy-Đỉnh rất được Trịnh-Sâm yêu mến. Ông liền lén lút tìm cách giao du thân mật với Phạm-Huy-Đỉnh. Do đó ông được Phạm-Huy-Đỉnh nâng đỡ dìu dắt lên cùng làm việc. Từ đó, phàm để tôn thờ Chúa Trịnh ức chế vua Lê, không có việc gì mà ông không hăng hái thi hành, cho nên quan lại đương thời đều kinh sợ ông.

Tháng 4 năm Quý-tỵ, nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 34 (1773), Phạm-Huy-Đỉnh được bổ nhiệm chức Thư-phủ sự của Chúa Trịnh, còn ông được bổ nhiệm chức bồi tụng.

Tháng 5 năm ấy, ông cùng với hoạn quan Nguyễn-Phương-Đình cùng với Xuân Quận-công Nguyễn-Nghiễm được lịnh cùng làm hộ tịch. Việc này do ông bàn định trước với Trịnh-Sâm, vì nhà nước nuôi dân phải biết rõ số dân để thi hành việc thuế má sưu dịch.

Nguyễn-Phương-Đình và Nguyễn-Nghiễm chỉ làm lấy lệ, mọi công việc đều do ông cáng-đáng.

Vì ông tra xét quá nghiêm khắc, nhân-dân phải căm hờn. Họ làm thơ nặc danh dán ở cửa Phủ Chúa, xin bãi chức Lê-Quý-Đôn mà dùng Hoàng-Ngũ-Phúc.

Chúa Trịnh-Sâm cho Hoàng-Ngũ-Phúc và Lê-Quý-Đôn lo làm hộ tịch.

Năm Giáp-ngọ, nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 35 (1774), ông đi đo và xét những ruộng cát ở ven biển xứ Sơn-nam. Ông đo được hơn chín ngàn một trăm mẫu, mỗi năm phải nộp 710.000 bát thóc cho nhà nước.

Tháng 9 năm ấy, tướng Hoàng-Ngũ-Phúc đem quân đánh Chúa Nguyễn. Chúa Trịnh-Sâm cũng đem quân đóng ở Hà-trung, để Lê-Quý-Đôn, Nguyễn-Đình-Thạch, Nguyễn-Hoãn, Nguyễn-Đình-Huân làm chức Lưu-thủ kinh-đô. Những việc như hịch dụ văn thư, thiết quân mệnh tướng đều do Lê-Quý-Đôn làm cả.

Ông công-bố 24 khoản thân sức đồn phòng, ngày ngày lo việc vận lương cho quân-đội Nam chinh, tuyển-bổ quân-sĩ.

Tháng 12 năm ấy quân Trịnh lấy được Thuận-hoá.

Năm Ất-vị nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 36 (1775), Chúa Trịnh đem quân về Thăng-long.

Lê-Quý-Đôn được thăng chức Lại-bộ Tả thị-lang kiêm Quốc-sử quán Tổng-tài.

Tháng 10 năm ấy, xảy ra vụ gian lận ở trường thi. Lê-Quý-Đôn cấu kết với hoạn quan Phạm-Huy-Đỉnh cho Đinh-Thời-Trung (học trò của Lê-Quý-Đôn) tráo bài thi với Lê-Quý-Kiệt (con trai Lê-Quý-Đôn). Việc gian lận bị phát giác, Lê-Quý-Kiệt bị hạ ngục, Đinh-Thời-Trung bị đày ở Yên Quảng

Còn Lê-Quý-Đôn thì được Chúa Trịnh cho miễn nghị vì là bậc đại thần.

Mùa xuân năm Bính-thân, nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 37 (1776), Chúa Trịnh đặt ty Trấn phủ ở Thuận-hoá, ông được bổ vào Thuận-hoá làm chức Hiệp-trấn Tham-tán Quân-cơ, cùng với Nghiêm Quận-công Bùi-Thế-Đạt làm chức Đốc-suất kiêm Trấn-phủ.

Vào đến Thuận-hóa, ông quy định thể-lệ tố-tụng, hạ lịnh cho dùng tiền kẽm, ba đồng ăn một, khai thông việc chở chuyên thóc gạo, giảm thuế đò thuế chợ, cấp bằng nấu muối và cải-cách y-phục.

Ông lại có dịp khảo cứu sấm-ký và hình-thế núi sông đất Tây-sơn.

Tháng 9 năm ấy, ông trở lại triều tâu với Chúa Trịnh-Sâm rằng: “Tây-sơn có đất thiên-tử, 12 năm nữa, sức mạnh của họ sẽ không có ai chống nổi. Đại-tướng trấn ở Thuận-hoá e không phải là tay đối địch với họ, xin Chúa để ý” .

Nhưng Chúa Trịnh-Sâm cho là lời quá đáng không hề lưu ý. Ông cũng là thầy địa lý cao siêu.

Tháng chạp, ông nhậm chức Hành-bộ phiên Cơ mật-vụ kiêm chưởng tài phú

Năm Mậu-tuất, nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 39 (1778), ông được bổ-nhiệm chức Hành Tham-tụng. Ông cố xin đổi sang võ ban, liền được trao chức Hữu Hiệu-điểm, quyền Phủ-sự, phong tước Nghĩa-phái-hầu.

Năm Kỷ-hợi, nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 40 (1779), có người bổn thổ đất Tụ-long tên là Hoàng-Văn-Đồng, cha truyền con nối làm chủ mỏ đồng nơi ấy. Vì thiếu thuế, Hoàng-Văn-Đồng bị Lê-Quý-Đôn giam vào ngục. Hắn lại đút tiền cho cai ngục và trốn thoát. Sau đó hắn khởi loạn đem quân vây đánh Tuyên-quang và Sơn-tây, bị Nguyễn-Khản đánh dẹp và phải đầu hàng.

Những người đố kỵ với Lê-Quý-Đôn cho rằng ông đã gây biến và xin giáng chức. Ông bị biếm chức.

Năm Tân-sửu, nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 42 (1781), ông được sung chức Quốc-sử Tổng-tài.

Năm Quý-mão, nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 44 (1783), ông được bổ ra làm chức Hiệp-trấn xứ Nghệ-an.

Được một năm, ông lại về triều và được thăng chức Công-bộ thượng-thư.

Ngày 14 tháng 4 năm Giáp-thìn, nhằm niên-hiệu Cảnh-hưng thứ 45 (1784), ông Lê-Quý-Đôn thất lộc tại làng Nguyễn-xá, huyện Duy-tiên, hưởng thọ được 58 tuổi.

Qua nhưng hành vi của ông như thẳng tay đàn hặc bạn đồng liêu (việc ông Trần-Huy-Mật bị giáng) để tỏ dạ trung thành với Chúa Trịnh, như lén lút giao kết chặt chẽ với Phạm-Huy-Đỉnh để được ông này dìu đắt nâng đỡ cho làm việc, như cấu kết với Phạm-Huy-Đỉnh để gian lận bài thi cho con, như không từ một hành động nào để ức chế vua Lê và tôn thờ Chúa Trịnh, chúng ta có thể thấy Lê-Quý-Đôn có học vấn uyên thâm nhưng không phải là bậc cao-sĩ.

Về sự-nghiệp văn chương, ông Lê-Quý-Đôn có lưu lại cho đời khá nhiều sách:

I. Về thi văn:

A. Sáng-tác:

- Quế-đường thi tập.

- Quế-đường văn tập.

B. Biên-tập:

- Toàn Việt thi lục.

- Hoàng Việt văn hải.

II. Về sử:

- Đại-Việt thông-sử.

- Phủ-biên tạp lục.

- Bắc sứ thông lục.

- Kiến văn tiểu lục.

III. Về kinh-điển chú-giải:

- Thư kinh điển nghĩa.

IV. Về tổng-loại:

- Vân-đài loại-ngữ.

- Kiến văn tiểu lục.

V. Về triết-học:

- Quần thư khảo biện.

- Thánh mô hiền phạm lục.

- Âm chất văn chú.

Ngoài những tác-phẩm kể trên, ông Lê-Quý-Đôn còn để lại những bài văn hài-hước bằng chữ nôm:

- Lấy chồng cho đáng tấm chồng (kinh nghĩa).

- Chim khôn đậu nóc nhà quan (kinh nghĩa).

- Mẹ ơi con muốn lấy chồng (kinh nghĩa).

- Gái quá thì (phú).

Vân-đài loại-ngữ

(芸臺類語)

Vân 芸 tức vân-hương 芸 香, tên một thứ cây sống nhiều năm, cao hai ba thước, lá xanh lợt, khoảng tháng 6 tháng 7 trổ hoa, hoa có bốn cánh màu vàng nhiều hương thơm, dùng làm thuốc, trừ được loài mọt trong sách. Cho nên người ta dùng vân-hương ghép vào trong sách để giữ sách được nguyên vẹn lâu dài.

Vân đài là đài chứa sách (có trừ mọt bằng vân hương).

Loại-ngữ là những lời nói những câu chuyện được xếp thành môn thành loại chung với nhau.

Vân-đài loại-ngữ là một bộ sách bách-khoa tập hợp những kiến-thức về triết-học, khoa-học, văn-học, vạn-vật-học xếp thành loại với nhau trong 9 đề-mục:

1. Lý-khí (vũ-trụ luận).

2. Hình-tượng (vũ-trụ học).

3. Khu-vũ (địa-lý).

4. Vựng-điển (điển lệ, chế độ).

5. Văn-nghệ.

6. Âm-tự (ngôn-ngữ văn-tự).

7. Thư-tịch (sách vở).

8. Sĩ-quy (phép làm quan).

9. Phẩm-vật (vật-dụng và vạn-vật học).

Trong Sách Vân-đài loại-ngữ, Cụ Lê-Quý-Đôn phần nhiều trích nhặt những lời nói của người xưa của sách xưa. Cho nên đọc sách Vân-đài loại-ngữ chúng ta gặp luôn cách trình-bày: ông này nói thế này, sách kia chép thế nọ.

Nhưng phần nhiều những tác-giả và những sách sử kể ra là người Trung-quốc là sách Tàu, và những sự-vật được trình-bày là việc bên Tàu và vật bên Trung-quốc.

Thỉnh-thoảng Cụ Lê-Quý-Đôn có ghi thêm lời phê-bình hay nhận xét của Cụ, hoặc có trình-bày những sự vật của nước ta để so sánh với của Trung-quốc.

Đọc sách Vân-đài loại-ngữ rất có ích, chúng ta thu-thập được những kiến-thức, học-thuật, phong-tục, nhận-xét, phương-pháp, suy-luận, tư-tưởng của thời xưa một cách tổng-quát, bởi vì nước ta học theo văn-minh Trung-quốc.

Nhờ đọc sách Vân-đài loại-ngữ, chúng ta được biết:

- Ông Lê-Trừng con ông Lê-Quý-Ly (Hồ-Quý-Ly) được nhà Minh trọng dụng, đã đúc súng đại-bác cho nhà Minh.

- Nguồn gốc tiếng cây bồ-hòn, vốn là cây vô-hoạn (无患) đọc sai thành bồ hòn.

- Sự tích thuốc lào và hiểu được câu ca-dao từ xưa còn để lại:

Nhớ ai như nhớ thuốc lào,

Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.

Nguyên đầu tiên thuốc lào từ Ai-lao đem sang nước ta. Người ta hút thuốc lào trị được chứng hàn. Lúc mới đầu thuốc lào giá rất đắt, có người đã đổi một con ngựa lấy một cân thuốc lào. Thoạt tiên chỉ có người có bịnh hàn mới hút thuốc lào, dần dần đàn bà con trẻ ai ai cũng hút thuốc lào. Phong-trào hút thuốc lào bừng lên quá mãnh liệt, khiến nhà vua phải ra lịnh cấm hút thuốc lào, cấm trồng thuốc lào.

Nhiều người quá ghiền thuốc lào phải đục ống tre ở cột nhà làm ống điếu hút thuốc lào gây thành hỏa hoạn. Có người phải đào đất chôn bình điếu thuốc lào để tránh quan quân dò xét, rồi lén đào lên để hút nữa.

Đọc sách Vân-đài loại-ngữ chúng ta còn gặp được nhiều tích xưa chuyện lạ, lắm khi có vẻ hoang đường khó tin, như chuyện răng voi làm thành chữ thập xâu vào gỗ sơn-du, ném xuống sông thì Thủy-thần phải chết, vực sẽ biến thành gò.

Tất cả những kiến-thức về triết học, khoa học, văn học, vạn-vật học được xếp thành loại với nhau trong 9 mục sau đây:

1. Lý-khí. Mục này luận về vũ-trụ, về Thái-cực, Vô-cực. Cụ Lê-Quý-Đôn trình-bày những luận-thuyết của Chu-Hy, của hai anh em Trình-Hiệu, Trình-Di, của Trương-Tải. Trong khoảng trời đất chỉ có Lý và Khí. Lý là cái thể hình như thượng, là cái gốc của vạn-vật. Khí là cái vỏ hình nhi hạ, là cái khí-cụ làm nên vạn-vật. Cho nên khi sinh ra, người và vật đều bẩm-thụ cái lý mới có tính-tình, và cái khí mới có hình-hài.

Theo Cụ Lê-Quý-Đôn, đầy dẫy trong khoảng trời đất là khí. Còn theo chữ Lý thì chỉ để nói rằng cái khí là thực-hữu, chớ không phải hư không. Lý không có hình-tích, nhờ khí mới hiện ra được. Lý ở ngay trong khí.

2. Hình-tượng nói về vũ-trụ học. Cụ Lê-Quý-Đôn gom nhặt những kiến-thức về sự vận-chuyển của mặt trời mặt trăng và tinh-tú trong vũ-trụ, về phận dã của các ngôi sao, về phép làm lịch, về thuyết trái đất tròn, về phép đo bóng mặt trời, về các động-vật được ghép vào thập nhị chi, về ngũ hành tương sinh tương khắc, về thủy-triều…

3. Khu-vũ nói về mối tương-quan giữa thiên-văn và địa-lý, giữa chính-trị và địa-lý, về phép làm bản-đồ, về các phương-hướng, về các kinh-đô của Trung-Quốc qua các triều-đại, về địa-dư và lịch-sử của nước Việt Nam, về bốn đại châu trong thiên hạ…

4. Vựng-điền nói về tế-tự, về việc dùng hương khi cúng tế, về việc cầu mưa khi hạn-hán, về cách-thức giải-cứu nhật-thực, về lễ Vu-lan rằm tháng 7, về tiền giấy, về đồng cốt, về hôn-lễ nộp lụa nộp tiền xin cưới, về ngày sinh-nhật của Vua, về triều-hội, về nghinh-giá, về nhà trạm, về việc dùng kiệu, về phẩm-phục đời Đường, về tiền chi-phí của sứ-giả, về chế độ lương-bổng của nhà Đường và nhà Minh, về chế-độ ấm-sinh, về chế-độ khoa-cử, về chế-độ thi võ đời Đường, về cách-thức tuyển-dụng quan-lại, về quan-chế, về hộ-khẩu, tô thuế, lực-dịch, về quán-xá, điếm, trạm, về quân-chế, binh-chủng, vũ-khí…

5. Văn-nghệ nói về nguồn gốc của văn-học. Lục kinh là kho-tàng của tông-giáo và đạo-đức. Văn-chương bắt rễ ở Lục kinh. Kinh Dịch là mối đầu về luận-thuyết. Kinh Thư mở dòng cho chiếu, sách, chương, tấu. Kinh Thi lập ra thể-cách cho phú, tụng, ca, tán. Kinh Lễ gây mối cho minh, chầm, tụng, chúc. Kinh Xuân-thu làm gốc cho ký, truyện, hịch.

Mục này lại nói về văn-chương thực-dụng, về văn-pháp, về thi-pháp, về cách bồi-dưỡng đạo-đức, tính-tình, tư-tưởng của nhà văn nhà thơ, về phép đọc sách…

6. Âm-tự nói về nguồn-gốc của âm dương của thinh âm và văn-tự, về mối tương-quan giữa thinh-âm và ca nhạc, về thinh-âm và lý-số, về hình và ý trong chữ Nho, về thổ-âm Quảng-đông, về phép viết chữ Nho, về ấn-loát…

7. Thư-tịch nói về các sách Kinh, sách Vĩ, về sách Quản-tử, sách Lão-tử, sách Âm phù kinh, sách Liệt-tử, sách Tuân-tử, sách Hàn-Phi-tử, sách Lữ-thị Xuân-thu, sách Tố-thư, sách Tân-ngữ, sách Khổng-tùng-tử, sách Thuyết-uyển…

8. Sĩ quy nói về cách xử sự của người làm quan đối với dân, với nước, với vua, với quan trên, với quan-chức đồng đẳng, với kẻ dưới sao cho phải đạo, cho ích nước lợi dân, để tránh tai vạ để phúc lành cho con cháu, về mánh khóe làm quan…

9. Phẩm-vật nói về nguồn-gốc của lâu-đài nhà cửa, xe thuyền, vải lụa, gầm vóc, về các giống lúa nếp lúa tẻ ở Việt-nam, về sự biến hóa của loài cá thành chim, về giống tê-giác, giống voi, giống cá…

Sách Vân-đài loại-ngữ không phải là một công-trình tập-thể, mà là công-trình của một cá-nhân sưu-tập mọi vấn-đề trong khi đọc sách, chất chứa lâu ngày, sau đó mới phân-loại mà sắp đặt vào 9 mục.

Với những ưu-điểm và khuyết-điểm của nó, sách Vân-đài loại-ngữ rất có ích cho chúng ta về văn học, triết học, sử học, ngữ-học và về sinh-vật học.

Sài-gòn, ngày 16 tháng 5 năm 1972

TẠ-QUANG-PHÁT

Dịch-giả