Mùa mưa ở Singapore - Chương 15-16-17

Chương 15

Caleb say sưa ngồi nhìn tôi vẽ những người khách đến. Tôi nhập tâm đến nỗi quên mất sự hiện diện của cậu ấy ở đây. Tôi vẽ bao nhiêu khuôn mặt, mỗi gương mặt cho tôi một cảm giác khác nhau trong khoảng hơn mười lăm phút, rồi sau đấy tan biến như chưa từng gặp, chỉ thi thoảng, một vài gương mặt nào đó đặc biệt để lại mờ ảo trong tâm trí tôi, nhớ đến để lấy thêm cảm hứng và duy trì sự đam mê với cái nghề này. Vẽ chân dung thật sự là một nghề rất kỳ diệu, tôi vẽ những gương mặt ra giấy, những đường nét của con người giúp tôi dần dần nhìn thấy họ thật sự, những mảnh tâm hồn như dần được phơi ra trước mắt tôi, bảo tôi vẽ chân dung như đơn thuần là không chính xác, thực chất tôi vẽ ra những tâm hồn, có khi tôi nhìn thấy người ta còn rõ hơn họ nhìn thấy chính mình.

Một ông khách tiến đến chỗ tôi, hỏi bằng cái ngữ điệu sỗ sang, trong lúc tôi còn chưa hoàn thành xong bức tranh dang dở.

- Này cô, cô vẽ tôi đi.

Ông ta nom ngoài ngũ tuần, mái tóc điểm bạc khô cứng lại như rễ tre, khuôn mặt choắt nhọn, mắt một mí dài nhỏ với hai con ngươi đen nhìn trừng trừng, lòng trắng mắt hiện lên những tia đỏ, cả hàm trên của ông ta nhô ra phía trước với hai chiếc răng cửa chìa ra phía trước, vài sợi râu lưa thưa ở mép. Một vài người xung quanh nhìn chăm chăm vào người đàn ông này.

- Xin lỗi ông, hôm nay người ta đã đăng ký trước để vẽ nhiều rồi, e là không có thời gian cho ông. – Tôi im lặng một lúc, rôi nói như vậy.

- Cô nói dối. – Ông ta nhìn chằm chằm vào mặt tôi, nhếch mép nói, đung đưa mấy sợi râu lưa thưa ở viền mép.

- Mong ông thông cảm. – Tôi bình thản, nhìn lại người đàn ông này với đôi mắt kiên định.

Ông ta hậm hực bỏ đi, còn quay lưng lại chửi đổng:

- Cái đồ họa sĩ dởm, suốt ngày lê la ở ngoài đường, vẽ thì chẳng ăn ai lại còn bày đặt lên mặt.

- Thằng mất dạy! – Bác Cheng phe phẩy cái quạt nan, nói vọng to và trừng mắt nhìn gã đó.

Tất cả mọi người vây quanh lại im lặng, tôi cảm nhận rõ những ánh mắt hiếu kỳ đang nhìn về phía mình. Nhưng hề gì, tôi quen rồi, đây cũng chẳng phải lần đầu tiên tôi rơi vào trường hợp này, và người đàn ông đó, thật sự rất khó ưa. Tôi có ngồi vẽ ở bến tàu điện ngầm hay trong đường hầm của các siêu thị thì tôi vẫn làm vậy thôi. Đôi bàn tay và trí óc thuộc về trái tim tôi. Những cảm xúc hội họa mang theo một niềm kiêu hãnh tự kỷ mà không ai có thể chạm vào được. Sự kiêu hãnh giúp tôi phân loại được những con người.

- Sao cậu lại từ chối vẽ cho ông ta, Minh Tuyên?

Caleb vừa hỏi vừa giúp tôi thu dọn đồ nghề sau một buổi tối chẳng ai nói với ai câu nào, chỉ có tiếng ồn ào xung quanh, tiếng xột xoạt của than chì và giấy trắng, tiếng gió rất nhẹ, không đủ làm xua tan cái oi bức trong người.

Chúng tôi bước đi trong ánh đèn đường tranh tối tranh sáng, gió thoảng hơn một chút những sợi tóc mai làm nhột nhạt vầng trán tôi. Ngày trước Di cũng từng chứng kiến, và cũng từng hỏi vậy, mà tôi chẳng trả lời. Di chưa bao giờ hiểu thật sự nghề của tôi là thế nào. Di chưa bao giờ thấy những suy nghĩ trong tôi. Anh ấy chỉ đơn giản là mơ hồ về cái tổng thể, và anh thấy tôi đẹp. Những cảm nhận ngày đó của anh mang sắc thái của sự yếu đuối và hèn nhát. Tôi chẳng còn thích những bông hoa tím đỏ.

- Cậu có nghe tỡ hỏi không? – Caleb quay đầu nhìn tôi.

Tôi giật mình. Cười bang quơ. Caleb hay bảo cậu ấy không thích mỗi lần tôi cười như vậy, vì cảm giác tôi cứ vô định ở đâu, cậu ấy không sao giữ lại được.

- Hằng ngày cậu vẽ ra những bức tranh bằng gì, Caleb? – Tôi hỏi.

- Bằng sự tiếp nhận của đôi mắt, và cảm xúc của trái tim. – Caleb cười.

- Ừ. Đúng rồi. Tớ cũng vậy. Tất cả những điều đó chi phối đôi bàn tay tớ. Có những gương mặt khiến tớ cảm thấy bức bối, khó chịu, không muốn tiếp nhận nó vào cảm xúc của mình khi vẽ.

- Nghĩa là cậu không thích gương mặt ông ta?

- Không phải là chuyện thích hay không thích nữa, mà thật sự gã đàn ông đó có gương mặt rất ác. Càng nhìn vào các chi tiết trên khuôn mặt ông ta, tớ càng thấy rõ những đường nét mình sẽ vẽ ra, nó làm tớ bức bối. Tớ không muốn vẽ sự gian ác ra giấy. Tớ không muốn phải dùng cảm xúc của mình để vẽ những khuôn mặt như vậy. Caleb, hội họa cần có sự tinh tế và kiêu hãnh của nó.

- Giống như Minh Tuyên sao?

- Cậu thấy vậy sao?

- Ừ. Về khoản này, có khi còn hơn cả bản chất của hội họa đấy. Một họa sĩ chuyên nghiệp thì có thể dung hòa được. Cậu thì không, vì cậu quá kiêu hãnh.

- Thực tế, tớ chẳng có gì cả.

- Và thực tế, cậu vẫn luôn tồn tại như thế… cho đến lúc chết.

- Thật ra, trong tớ chất chứa quá nhiều nỗi ưu sầu, nó khiến tớ không vượt qua được bản thân mình. Có một cái gì đó ở phía trước mà tớ cứ mò mẫm mãi trong bóng đêm mà không với tới được.

Tôi cúi mặt nói trong hơi thở nhẹ của gió.

Caleb đưa tôi về, cậu ấy chào tạm biệt với đôi mắt tràn đầy yêu thương và đồng cảm, tuyệt nhiên không nói gì, Caleb quay lưng, khuất dần vào bóng đêm, ánh đèn đường không đủ sáng. Ngày mai lại thấy Caleb với nụ cười tươi rói bên cạnh những đứa trẻ của tôi. Ngày mai Caleb sẽ lại kể tiếp cho tôi nghe về Bắc Kinh, sẽ lại hỏi tôi có muốn trở về cùng cậu ấy không?

Chúng tôi sẽ lại im lặng. Caleb lại cười. Những gì đang tồn tại ở mối quan hệ… chỉ đến chừng đó thôi. Tôi muốn giữ mãi nó như vậy. Đó là bức tranh đẹp nhất trong ngày của tôi.

 

Chương 16

Mười giờ tối, Nhiên nhắn tin giục tôi về. Sự có mặt của Nhiên bên cạnh hằng ngày vô tình làm nên một sự ràng buộc và trách nhiệm vô hình nào đó. Nhiên không quan tâm nhiều đến những suy nghĩ sâu xa như vậy, cô ấy hài lòng với điều đó, và cũng chờ đợi điều gì hơn thế.

Những ô cửa nhỏ với rất nhiều màu sắc sặc sỡ trong một con phố nhỏ làm chùn bước chân tôi lại, sự hoang tàn của bóng đêm và ánh đèn đường le lói không làm sắc thái nó thay đổi. Tôi thích khu Tiểu Ấn về đêm hoặc vào ban trưa, khi đó tất cả mọi nét đẹp ở đây lặn vào bên trong từng chi tiết, không còn người mua kẻ bán, không còn sự nhốn nháo, chỉ còn lại dư âm của một ngày tàn với những kiến trúc hoang sơ và cổ kính. Những chiếc sari lúc này mới thật sự hiện ra trước mắt, thoang thoảng mùi trầm hương lạc loài bên ngoài một vài ô cửa nhỏ và tiếng cười khúc khích của những cô gái Ấn, vọng lại mơ hồ.

Giữa tiếng gió vi vu nhẹ, bất chợt nghe tiếng bước chân ai đó đang đi theo sau, cách một khoảng vừa đủ để có thể cảm nhận nhau. Tôi quay lại. Halali cười hiền lành giữa con phố vắng lặng. Cô ấy đã đi theo tôi từ bao giờ?

Tôi rút thêm một điếu MB27, thấy mình đang lơ lửng như khói. Halali cứ đứng lặng, không nói năng gì, cô ấy cùng tôi đứng nhìn ra con phố đêm. Tôi rút đến điếu thuốc thứ ba, Halali bỗng cất tiếng, hòa trong mùi hương trầm dịu nhẹ và da diết.

- Anh đã suy nghĩ gì?

- Sao cô lại đi theo tôi, từ cái ngày đầu tiên hôm ấy? – Tôi nói, mắt nhìn theo làn khói, khói bay lên cây, tán lá cao rộng bị bóng đêm nuốt chửng.

- Tôi không biết. Kể từ lần đầu tiên nhìn thấy anh đứng bên kia đường ở gian hàng basv Savi, tôi đã thấy lòng mình không yên. Anh đi qua đi lại con phố này rất nhiều, như thể anh chỉ có một con đường chính để đi vậy, và tôi bắt đầu có thói quen quan sát theo từng cử động của anh, cho đến một ngày sự thôi thúc khiến tôi không còn đủ kiên nhẫn. Tôi đi theo anh. Tôi cố tình để lại lời nhắn gửi và không mong nhận lại chiếc kẹp tóc.

- Cô mong chờ điều gì ở tôi?

- Điều đó đâu có gì quan trọng. Tôi không phải là người giữ câu trả lời.

Tôi bật cười, khẽ lắc đầu. Điếu thuốc cuối cùng cháy hết, tôi quay mặt bước đi. Halali vẫn đứng lặng nhìn. Đêm nay, ánh mắt cô đã thay đổi, tôi không tìm thấy sự sắc sảo đầy thách thức. Một điều gì đó trong Halali đã tan chảy rồi.

- Tôi sẽ trả lại chiếc kẹp tóc cho cô.

Lời cuối trong đêm tàn, gió nhẹ. Bỗng thấy hết mùi trầm hương đêm.

 


Chương 17

“Khủng khiếp quá chị ạ! Sao người ta lại đối xử như thế với những thằng công nhân lao động chân chính? Hôm nay lại một thằng bạn người Việt của em bị quản lý công trường đánh cho một trận nhừ tử, chỉ vì nó bị mệt, và không đủ sức làm phần việc của ngày hôm nay. Em phát ốm với đất cát, xi măng và những viên gạch thô kệch ở đây. Nắng nóng ở Johor khiến em thêm căm tức bọn Mã Lai đen hôi và mất tính người. Rồi em sẽ đi chị ạ, chắc chắn là vậy. Không phải trở về Sing, em sẽ đến Penang. Em sẽ làm một công việc khác nhẹ nhàng hơn. Ở Penang, người ta đối xử với dân lao động dễ chịu hơn nhiều. Ở đó có biển, biển rộng lớn sẽ sẽ xoa dịu em.

Hôm nọ đi Kuala Lumpur, đêm đến em thả bộ trên phố Bukit Pintang, em thấy những họa sĩ vẽ chân dung, ngồi la liệt trên vỉa hè. Chẳng ai vẽ được như chị của em. Em thấy nhớ chị vô cùng.

Cũng tại con phố đó, em gặp một cô gái còn khá trẻ, mặc chiếc váy màu bạc rất ngắn, trang điểm sặc sỡ, và đứng chui lủi ở một gốc cây. Em đã hiểu cô ấy làm nghề gì. Em đi qua, cô ta có ý định mời gọi. Giọng nói, và các nét trên mặt khiến em nhận ra cô ấy là người Việt. Em hỏi cô ấy nếu bây giờ có khách, cô ấy lấy bao nhiêu tiền. Cô ấy nhìn em lưỡng lự, và bảo RM120 cho một tiếng đồng hồ. Nhìn cô ấy lúc ngã giá trông thật tội, không mang vẻ trơ tráo và rành đời như những cô gái khác làm nghề này. Em đưa RM100, và bảo cô ấy về đi vì đêm ở đây thường rất lạnh. Cô ấy cầm tiền và bảo cô ấy hay đứng ở đây các tối thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật, rồi bỏ đi.”

Minh Kha nhắn sáu, bảy cái tin dài liên tục chỉ để kể về những câu chuyện rời rạc ấy. Những tin nhắn của Minh Kha lúc nào cũng khiến tôi cảm thấy xót xa. Tôi đến chùa, tôi ngồi im lặng, tự kể lại những tâm tư của em trai, tôi giãi bày những nỗi niềm mơ hồ trong mình. Tôi cúi mặt dưới sàn nhà lạnh buốt, hương khói không làm tôi tịnh. Tôi hy vọng được nhìn thấy Phật khóc, nhưng Người lại luôn mỉm cười.

Tôi lang thang ngoài cổng chùa. Một vị Tăng vận y phục nâu sồng bỗng tiến lại gần, chắp hai tay nhìn tôi cười hiền hậu:

- Phật được tìm thấy trong tâm ta.

Tôi cười, bỏ đi, vị Tăng ấy chắc đã nhìn thấu tâm tôi.

Những khuôn mặt tôi vẽ, còn vương víu nhiều với thế tục.

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3