Ngược Xuôi (Back and Forth)- Chương 03+ 04
Chương 3
Thật là thảm, mới đến đây được một ngày, mà người xưng thầy đã chết, người làm dì cũng bị bắt lại với em gái, tôi có một cái gì đó thương cảm cho chính cơ thể cô bé này. Không biết tôi làm sao mà chiếm được thân thể này, nhưng có khi đây là kiếp trước của tôi. Cũng may là mình thần kinh đã được hai mươi hai tuổi, chứ người chưa nhìn thấy người bị chết như tôi chắc lúc tám chín tuổi đã ngất đi rồi. Nghĩ một hồi mới nhớ làm sao phải tìm cho ra Nguyễn Trãi, chắc ông giờ đang ở Hà Nội thời xưa, thành Thăng Long. Nếu tìm ra ông, có khi tôi sẽ cứu được phu nhân. Quân lính truy tìm tôi đã thưa dần, tôi nhìn vào trong bọc, tìm ra được một bộ quần áo nâu sồng của con trai khá vừa vặn, chắc là để dùng cho tôi lúc chuẩn bị trốn trước đây, cùng một ít cục kim loại nhỏ như bạc vụn và tiền đồng. Nhìn thấy chữ mới vỡ lẽ là thời này làm gì có chữ quốc ngữ, chữ hán thì tôi lập bập biết được từ 1 đến 10 cùng mấy chữ đơn giản, suy cho cùng cũng là mù chữ. Một đứa nhóc tám tuổi đầu, đường đường là con gái tướng quân mà lại mù chữ? Việc này đối với một người vốn là trí thức non như tôi thật là khó chấp nhận.
Thay đồ vào rồi giấu đồ đẹp vào lại trong bọc, tôi bắt đầu đi. Lúc đầu còn tỏ ra bình thường chậm rãi, sau là chạy thục mạng. Gặp một cái chợ con tôi vào mua một ít bánh trái ăn cho đỡ mỏi mệt rồi hỏi thăm đường đến thành Thăng Long. Mọi người nhìn đứa bé nhỏ nhắn, đều buồn cười. Nhưng khi tôi nói là đi tìm quan giải oan cho cha, mọi người đều ngạc nhiên chỉ đường. Cũng may có người chủ chiếc xe ngựa chở gà giúp tôi đi được một đoạn đến khoảng ngoại thành. Nghe đâu đấy là ở Chương Đức.
Lúc đến nơi trời đã tối mịt, tôi thật không biết đi đâu, lang thang khắp nơi chỉ sợ chó sủa vì tưởng trộm. Người đánh xe trên đường có hỏi chuyện, tôi cũng chỉ nói dối qua loa, như là bịa ra chuyện thầy tôi đi bán gạo trên kinh thành bị người ta vu oan bắt lại, bầm tôi lên kinh kêu oan nhưng mãi chưa về, tôi bị cô chú bắt nạt, quyết chí lên kinh thành kêu oan cho cha. Nghe chuyện, người đánh xe có vẻ khâm phục lắm. Tôi không nói gì nhiều thêm, chỉ đối đáp cho qua chuyện. Ông lái xe cũng không nói nhiều, chắc tưởng tôi lần đầu đi xa nhà nên sợ.
Thật ra đường đi đến Hà Nội tôi đã một mình đi qua từ năm ngoái. Nhưng không phải là bằng xe ngựa, mà là ô tô. Tôi mệt mỏi nhìn cảnh quan hoang vu đầy ruộng lúa lúc trời đông mà không phải nhà cao tầng cùng công viên. Đường đất xóc một cách thảm hại khiến tôi trên xe bị dìm lên xuống thật đau, nhưng nhớ lời tướng quân, vẫn không tủi thân mà khóc. Ngược lại vì quá mỏi mệt nên ngủ quên mất.
Lúc tỉnh lại trời đã tối tự lúc nào. Người đánh xe không biết tôi muốn đến chỗ nào của Thăng Long nên cũng không nỡ kêu dậy. Đi suốt từ trưa đến tối mịt, tôi thật không biết kiếm đâu ra chỗ ngủ nhờ. Người lái xe thấy tôi ngơ ngơ ngác ngác, có chút thông cảm, nói với tôi: “Ở thành lớn, muốn lên quan kiện giải oan cho thầy ngươi thì cần có người giúp viết đơn trước. Ở đây có thầy học giỏi, trước nghe đâu đã làm thư kí cho quân khởi nghĩa của Hoàng Thượng, ta dắt ngươi vào xin mấy chữ. Nhưng mà xin được hay không là tùy ở ngươi. Mai đi kiếm xe đi nhờ vào thành mà tìm thầy ngươi.”
Thôi thì đành phải nói dối tiếp vậy, tôi chậc lưỡi nghĩ. Phát hiện mình thật sự ghét cái sự dối trá này. Nhưng người này trước ở nghĩa quân, không biết có gặp qua Trần Nguyên Hãn cùng gia đình chưa? Không biết có giúp đỡ mình được gì không? Có khi lại nhờ ông này mà gặp được Nguyễn Trãi không biết chừng. Các câu hỏi cứ quay mòng mòng trong đầu. Trời ơi, tôi mới có căm ghét người một chút vì cái kết quả tốt nghiệp hơi thảm hại mà người hại tôi thế này hả trời?
Trời tối, tôi vừa suy nghĩ vừa đi theo người lái xe ngựa tới một cái cổng gỗ sau bức tường đất dài trên con đường làng. Ông gõ cửa, chó sủa ầm ĩ cả lên. Một người phụ nữ tóc rối bời bước ra, chứng tỏ đang êm giấc nồng. Người lái xe quýnh quáng: “Thưa bà, cho tôi được gặp Ngô tiên sinh xin mấy chữ giúp cho cậu bé này kêu oan cho cha!”. Người phụ nữ nhìn hai người chúng tôi hơi ngạc nhiên, đang định nói gì đó thì có tiếng một người đàn ông vọng ra: “Có chuyện gì thế?”. Bà quay lại nói vào: “Có người đến xin viết đơn kêu oan!”. Lại thêm giọng nam nói: “ Cho vào đi!”
Vậy là hai người chúng tôi bước vào. Trời tối om om không ánh đèn nên tôi cũng không biết quang cảnh cái nhà này ra sao, đột nhiên xa xa có ánh lửa le lói, chúng tôi cứ hướng đó mà được đưa đi vào nhà. Trong nhà có đôi ghế dài và cái bàn như bộ trường kỉ bằng tre. Người đàn ông nhìn còn khá trẻ, chắc cùng lắm là khoảng ba mươi, đang ngồi trên ghế. Người phụ nữ vội lui ra sau nhà. Người lái xe dắt tay tôi đứng ở cửa: “Xin lỗi phiền giấc ngủ của tiên sinh, trên đường đi tôi có gặp đứa bé này, nói là trên đường đến kinh kêu oan cho cha. Tôi lấy lòng thương xót, cho nó đi cùng. Nhưng thiết nghĩ nó còn bé, cha mẹ lại không có ở bên cạnh, một mình tìm lên quan lớn thì làm sao mà giải bày cho họ nghe. Nên đến ông xin viết một lá đơn kêu oan cho nó ở nhờ một đêm mai lên kinh sớm.”
Người đàn ông cười, vội nói: “Bác nói cứ như chúng ta là chỗ không quen biết, nhà tôi vẫn mua gà chỗ bác thường. Mười mấy năm chiến tranh, tôi còn trẻ dại đi theo quân khởi nghĩa, vẫn nhớ bác đã cho mẹ già mua chịu mấy con gà lúc khó khăn, nhờ đó mà nhà tôi mới sống qua được ít ngày. Nay mẹ tôi đã mất, bác nhờ có ít chuyện mà chẳng lẽ tôi lại bỏ qua sao? Mời bác và cháu ngồi!”. Giờ tôi mới ngỡ ra sao người lái xe này lại có thể trời khuya mà đường đột gõ cửa nhà này.
Nhưng người lái xe lại từ chối khéo: “Thôi tiên sinh cứ hỏi han cậu bé này rồi đi nghỉ sớm, tôi còn phải đi về quán trọ nghỉ ngơi rồi mai đi bắt gà sớm.”. Nói rồi chờ người phụ nữ được kêu ra đưa ra ngoài cửa. Người phụ nữ đóng cửa cài then xong đi về lại phòng khách. Tôi hơi lo sợ, vẫn đứng ngoài cửa phòng từ lúc nãy đến giờ, trong đầu suy nghĩ cẩn thận nên nói những gì. Rốt cục vẫn cần phải thăm dò người đàn ông này một chút.
“Cậu bé kia, vào đây, ngồi xuống đi.” Người đàn ông thân thiện yêu cầu. Người phụ nữ thấy tôi hơi sợ, nhẹ nhàng dắt tôi bước vào, đặt ngồi lên trường kỉ đối diện ông, sau đó bắt đầu rót trà mời hai người nói chuyện rồi đi vào trong buồng bên. Tôi được ông mời, bất giác cầm lấy cốc nước uống một ngụm nhỏ. Là nước chè xanh, thật lâu rồi tôi chưa được uống vị đắng nhẹ này. Người đàn ông nhìn tôi dò xét, hỏi thăm nhẹ nhàng: “Nhà cậu ở đâu? Tôi trông cậu mặt mũi sáng sủa, trông không có vẻ gì là con nhà lao động. Cha mẹ cậu làm sao mà phải một mình lên kinh kêu oan thế này?”
Tôi lấm lét nhìn ông qua ánh đèn dầu leo lắt. Mặt ông trông khá thông minh lanh lợi, muốn qua mặt có khi khá khó khăn đây, tôi nuốt nước miếng khan, hỏi thăm ông một chút: “Xin hỏi, cao danh quý tính của tiên sinh là gì ạ?”. Hỏi xong lại nghĩ thật mắc cười, không biết có thể dùng từ ngữ kiếm hiệp tàu cộng thêm lễ phép việt nam hiện đại vào thời điểm này không? Nhưng người đàn ông không tỏ ra gì khác thường lắm, chỉ nói: “Có khi cậu có ít nghi ngờ, tôi họ Ngô, tên Sĩ Liên, vốn đi theo nghĩa quân làm chân thư kí từ khi mười sáu. Các loại văn thư đã từng viết qua, chắc có thể giúp cậu được ít nhiều trong việc viết giấy kêu oan.”
Tôi trân mắt nhìn ông, người này là Ngô Sĩ Liên? Sáng sớm được biết thân phụ là Trần Nguyên Hãn, bá phụ là Nguyễn Trãi, giờ tối khuya lại đích thân gặp mặt nhà sử học tiến sĩ Ngô Sĩ Liên lừng danh mà tôi đã từng phải tu đi tu lại trước mấy kì thi sử thật là một cú sốc lớn. Cái con bé Trần thị Lan này là ai mà hên thế? Tôi há mồm nhìn kĩ ông thêm một chút nữa, chắc là vì sốc nước chè nặng quá. Ông ngạc nhiên nhìn tôi, rồi bật cười: “Có chuyện gì mà cậu ngạc nhiên thế? Tuy là tôi có đi lính một thời gian, nhưng giờ về quê cũng lại tiếp tục làm nông dạy học, cũng không có gì to tát.”
“Không, không.” Tôi bất giác xua tay sau khi vội ngậm mồm nuốt nước miếng định thần: “Chỉ là tiên sinh không biết, danh tiếng ngài đồn xa cháu đã nghe qua, thật là rất hâm mộ từ lâu. Bây giờ được gặp mặt thật là, thật là… vinh hạnh cho cháu!”. Tôi quýnh quáng nói năng loạn xạ, không biết ngôn từ của mình có khác lạ gì không. Ngô Sĩ Liên tiên sinh nhìn tôi cười, nhìn kĩ cũng thấy ông khá đẹp trai. Đầu óc tôi lờ mờ đi một lúc, không biết nói gì nữa, hai bên im lặng. Rồi đột nhiên ông hỏi: “Việc của cậu…” , cùng lúc tôi cũng cất lời: “Xin tiên sinh…”. Hai người lại nhìn nhau cười. Ông nói: “Cậu cứ nói trước đi.”
Tôi nghĩ, một người tài như Ngô Sĩ Liên, chắc chắn sẽ biết thân phụ của mình, à không của Trần thị Lan này, hay ít ra cũng phải biết quan văn như bác Nguyễn Trãi. Thôi thì đành nói thật vậy, tôi nhìn thẳng vào mắt ông hỏi: “ Xin tiên sinh giúp đỡ cháu tìm một người trong kinh thành, chỉ có người này mới giúp đỡ được cháu!”. Tự nhiên nhìn thấy một cậu bé, lúc nãy mặt còn đỏ ngay vì ngượng ngùng, giờ đây nhìn mình rất như muốn dò hỏi một ân huệ rất lớn, Ngô Sĩ Liên chắc cũng thêm ngạc nhiên. Ông hỏi: “Là ai thế? Chẳng lẽ ta không giúp đỡ được cậu?”. Tôi nhìn ông thẳng thừng nói: “Nguyễn Trãi!”. Chắc không ngờ một cậu nhóc mấy tuổi đầu vắt mũi chưa sạch, mắt còn mọng nước lại nói trắng ra cái tên húy của vị Hàn lâm học sĩ lừng danh soạn thảo ra bản Bình Ngô Đại Cáo, một trong những tuyên ngôn độc lập của Đại Việt lúc bấy giờ, Ngô Sĩ Liên tròn mắt. Nhưng lại nghĩ cậu bé nói đùa hay nghe nói ông hay văn chữ muốn nhờ ông viết hộ oán cáo thay vì mình nên Ngô Sĩ Liên vẫn nói nửa thật nửa đùa: “Cậu là ai mà lại muốn gặp Hàn Lâm Học Sĩ lừng danh như vậy? Ông ấy rất bận, nếu không phải là người quan trọng, thì chắc không gặp được đâu.”
“Cháu là cháu họ của bác ấy, gia đình cháu gặp họa, thầy cháu có dặn đến chỗ bác ấy nhờ giúp đỡ, còn có lá thư này…” Tôi lo sợ Ngô Sĩ Liên không tin mình, rút ra lá thư của Trần Nguyên Hãn, nhưng chưa kịp đưa lại định thần rụt lại. Bây giờ là lúc cận chết, chỉ một nước đi sai cũng đủ bị bắt, biết đâu còn bị bán làm nô tỳ cho người ta thì sao? Nội dung lá thư ra sao tôi còn không biết, lỡ đâu đưa cho ông ta xem lại đem mình ra lãnh thưởng thì nguy. Không biết có tin tưởng được Ngô Sĩ Liên này hay không? Thấy tôi lại ngập ngừng, Ngô Sĩ Liên vẫn khá kiên trì: “Có gì không tiện cháu cứ giải thích, ta tuyệt đối sẽ không lừa dối cháu đâu.”
“Tiên sinh phải hứa sẽ giữ bí mật cho thân thế của cháu, nhất quyết không được nói với ai! Việc cháu nói với người đánh xe là dối trá để bác ấy giúp cháu đến kinh thành, cháu thật ra, thật ra,… không muốn kêu oan, mà là muốn nhờ bác Nguyễn Trãi giúp cứu dì cháu!”. Tôi ngập ngừng, các hình ảnh gia đình, người nhảy xuống sông, người bị lôi đi lại lần lượt hiện lên. Nước mắt lại trào lên thật cay mặc cho tôi cố gắng dìm nó xuống. Tôi lại cố mở to đôi mắt, chỉ vì tôi biết rằng, chỉ cần một cái chớp mắt là những giọt lệ kia sẽ tuôn trào. Hướng mắt về phía Ngô Sĩ Liên, tôi chưa thể đọc ra được cái nhìn phức tạp của ông.
Một quãng im lặng, Ngô Sĩ Liên uống một ngụm trà rồi nói: “Xem ra ta đã đoán ra được phần nào thân thế của cháu, cháu cứ nói đi, ta hứa sẽ giữ bí mật cho.” Tôi thở phào, đoạn đưa lá thư cho Ngô Sĩ Liên, vừa nói: “Tiên sinh cứ đọc lá thư này trước, cháu thật không hay chữ, cũng không biết được thầy cháu đã viết gì, chỉ biết thầy dặn là phải đưa cho bác Nguyễn Trãi tại kinh thành, giúp đỡ dì cháu và em bé trốn thoát an toàn. Còn thân phụ thì đã, đã… trầm mình ở bến Sơn Đông, không biết sống chết thế nào? Dì cháu và em lại bị bắt, không biết đưa đi đâu.”. Thật khó mà không nháy mắt lần nào trong khoảng thời gian dài lúc nói chuyện, nước mắt ngắn dài lại đua nhau rơi ra. Tôi thật nhớ nhà quá đi thôi.
Ngô Sĩ Liên nhìn tôi, rồi mở lá thư ra đọc. Sắc mặt ông lúc trắng lúc đen, thay đổi liên miên. Đọc xong lá thư, ông đưa tay lên vuốt miệng, rồi lại nắm chặt nắm tay lại, không biết là cảm thông hay suy nghĩ vấn đề gì. Lại một lúc sau, ông mới lên tiếng: “Theo thư này, Tả tướng quốc có dặn Nguyễn đại nhân giúp đỡ cho tam phu nhân và hai tiểu thư, vậy cháu là ai? Cháu có phải vô tình nhặt được lá thư hay nghe trộm được ở đâu đó mà lừa ta không?” Tôi tròn mắt, thật ra tôi đa nghi chưa bằng ông này đa nghi, lâu rồi mới gặp được kì phùng địch thủ. Tôi phân trần: “Cháu là con của Trần Nguyên Hãn tướng quân thật, chỉ vì trong lúc trốn chạy, dì có đưa cháu quần áo con trai, nhờ vậy mới trốn thoát được đám quân lính. Còn nếu cháu trộm được bức thư này, thì đi gặp ngài nhiều hại hơi lợi, làm sao cháu có thể một mình mạo danh đường xá xa xôi đi đến đây làm gì?”
Nghe tôi nói năng rạch ròi, Ngô Sĩ Liên gấp lá thư lại đưa cho tôi: “Cháu nói vậy có vẻ thật, tuy nhiên chỉ cần gặp Nguyễn đại nhân là có thể ba mặt một lời, cháu đừng hòng lừa dối được ai. Nể tình trước có từng gặp qua Tả tướng quốc, sáng sớm mai ta sẽ đưa cháu đi gặp Nguyễn Đại Nhân. Cháu đi theo ta sang buồng bên mà ngủ.” Nói rồi dắt ra qua căn phòng phía bên phải, đặt tôi đứng ngoài cửa, một mình vào lấy một tấm phản xuống, phủi bụi rồi đặt chiếc chiếu đơn lên, mở tủ lấy một chiếc chăn bông cũ trong đấy, đưa cho tôi rồi ra hiệu nằm lên phản mà ngủ. Tôi lẳng lặng nằm xuống, đặt cái bọc vải làm gối. Mệt mỏi sau một ngày chạy trốn, nhớ ba mẹ, bất an vì tình cảnh của mình, tôi thiếp đi ngay.
Chương 4
Gà gáy ò ó o khiến tôi giật mình tỉnh dậy. Trời vẫn đang tờ mờ sáng nhưng chắc là lượng adrenalin luôn chuẩn bị cho tôi sức để chạy trong bất kì tình huống nào. Tôi lò dò ra khỏi giường, gấp lại chăn màn rồi để lên phản vì tôi chưa đủ cao để với tới cái ngăn tủ chỗ hôm qua Ngô tiên sinh lấy nó ra. Ra khỏi phòng, tôi thấy người phụ nữ hôm qua đang lau dọn bàn. Nhìn cô tôi thoáng nghĩ, đây là phụ nữ Đại Việt sao? Chiếc áo tứ thân thắt gọn ở lưng khiến cho chiếc lưng ong lộ rõ, nhìn thật tần tảo cần cù. Màu nâu sồng đơn giản của áo váy không thể che dấu cho họ được dáng yểu điệu của phụ nữ Việt. Lau bàn xong, cô chợt quay lại, trông thật xinh xắn, nhìn thấy tôi cười nói: “Cậu dậy sớm thế? Cậu nhà tôi cũng mới dậy, nói hôm nay ông đưa cậu đi lên kinh kêu oan sớm, tôi có làm ít nắm xôi cho hai người đây. Cậu đi rửa mặt vệ sinh đằng này”, nói rồi chỉ tôi ra khu giếng nước cánh phải, còn chỉ cho tôi biết nhà vệ sinh ở đâu nữa.
Cái nhà ngoài này thật là đáng sợ, sàn thật cao vì phía dưới là hầm cầu. Tro được rắc vào để hút nước và giúp phân hủy để làm phân bón. Thật ra cái kiểu này là một phương pháp giữ gìn tài nguyên tốt, nhưng mùi thì thật khó chịu, đối với người thành phố hiện đại như tôi thì thật là như hành hình. Nhưng mà tôi còn phải đi gặp Nguyễn Trãi hôm nay, giúp đỡ được tam phu nhân của Trần Nguyên Hãn xong rồi mới lo được chuyện đi về của mình nữa chứ. Thăm nhà ngoài xong, tôi rửa mặt gần giếng nước rồi bước vào nhà.
Ngô Sĩ Liên đã thay quần áo xong, ông mặc chiếc áo dài, thắt thắt lưng, nhìn trông rõ dáng thư sinh. Tuy quần áo cũng đã cũ phần nào, nhưng sáng ra trông người thư sinh này càng đẹp trai hơn. Vợ ông đang giúp ông mặc đồ, trông thật đẹp đôi. Tôi chép miệng trong lòng, đúng là trai tài gái sắc mà. Chuẩn bị xong xuôi, tôi ăn một bát cơm hấp hại từ hôm qua với ít muối vừng và cà muối, thật là ngon miệng. Hai người sau đó từ biệt Ngô phu nhân rồi xuất phát ra chợ.
Thời này cũng có nhiều xe ngựa đưa người vào kinh thành buôn bán, chúng tôi được nhét vào chiếc xe khá đông các ông bà đi tới Thăng Long cùng với hàng hóa của họ. Xe cứ băng băng chạy, chúng tôi không ai nói chuyện với ai, mãi đến trưa mới đến được thành. Chúng tôi trả tiền rồi bước đi bộ, vẫn chưa có chuyện gì để nói. Lâu lâu chúng tôi hỏi người đi đường tới phủ đệ của Hàn Lâm Học Sĩ Nguyễn Trãi. Tới nơi thấy quan binh đã đến trước phong tỏa toàn nhà, tôi giật mình nghĩ: “Không biết Nguyễn Trãi đại nhân này có làm sao không? Mình nhớ không lầm thì ông này mãi đến lúc Lê Thái Tông chết bất thình lình ở Lệ Chi Viên mới bị vu oan mà chết mà.” Xong lại rùng mình vì cái chết bí ẩn của vị vua kia và cái nỗi oan khuất của gia đình này sau này.
Ngô Sĩ Liên dắt tay tôi hỏi thăm một ông lính có vẻ là nhóm trưởng thì mới biết, Nguyễn Trãi có nghi ngờ tạo phản với Trần Nguyên Hãn, lại là anh em họ hàng, nên bị giam để tra khảo. Tôi lặng cứng người, vậy là hy vọng cuối cùng để cưu người mẹ và em này đã tắt sao? Giờ tôi đi đâu, về đâu đây? Nghĩ lại cũng thấy tức mình cho hai vị đại quan này, cứ như bị dùng xong rồi diệt đi vì không được tin tưởng bởi Hoàng Thượng này.
Dắt tay tôi ra khỏi đám người nhốn nháo, Ngô Sĩ Liên đưa tôi đến một quan nước gần đó, kêu hai bát nước chè rồi đưa nắm xôi cho tôi ăn. Tôi chỉ lặng thinh nhìn ông, cầm lấy nắm xôi mếu máo đưa vào miệng. Không biết sao tôi lại có nhiều tình cảm thế này, cái gì cũng muốn khóc. Chẳng bằng mầy năm làm đồ án nhóm trước, xì trét quá đến mức mấy năm gần đây muốn khóc cũng không được, chỉ có thể cười hì hì vô vị. Nghĩ đến chuyện khác khiến tôi đỡ buồn hơn. Ngô Sĩ Liên cũng nói với tôi: “Xem ra nhờ vả Nguyễn Đại nhân có vẻ hơi khó, thôi thì để ta hỏi thăm tin tức cho cậu vậy. Cậu cứ ăn uống trước đi rồi chúng ta đi.”
Dò hỏi tin tức ở kinh thành này mà muốn yên ẩn chỉ có cách đi hỏi thăm mấy quán rượu. Ngô Sĩ Liên dắt tôi đi vòng quanh mấy khu nhà tù, thấy mấy quán nào có quân phục là vào xin ly rượu, lăm le hỏi thăm các chú cai. Tin tức thu thập được như thế này: Trần Nguyên Hãn trầm mình tự tử, hai phu nhân đầu và con thì trốn thoát, còn tam phu nhân cùng hài tử thì bị bắt quản thúc, vẫn đang yên ổn, không hề có tin tức gì về tôi cả. Ngô Sĩ Liên cho rằng vì không kiếm được tôi, nên bọn lính nhém luôn chuyện có tôi trong nhà bắt được. Vậy là tôi thoát nạn.
Sau khi đã thu thập được mấy tin tức quan trọng này. Ngô Sĩ Liên mang tôi ra chợ, mua cho một bộ quần áo gái trẻ con thường dân, kiếm chỗ cho tôi thay rồi nói: “Lần này về nhà, ta sẽ nói là ngươi là em họ xa của ta, cha mẹ chết sớm nên mới gửi đến nhà ta nuôi, tên là Lan. Ngươi nhất quyết không được nói năng gì với bất cứ ai về thân thế của mình, ngay cả thê tử của ta kẻo không cả nhà ta và ngươi có khi lại bị hại thì khốn. Ở nhà ta, ngươi như người nhà, phải giúp đỡ vợ ta việc nhà. Nếu nuôi ngươi đến khi lớn được thì ta sẽ cố gắng kiếm cho ngươi chỗ nương tựa an toàn đến hết đời. Cái này cũng như là trọn nghĩa với công ơn của Tả tướng quốc cho dân cho nước.” Tôi đành phải gật đầu, tuy trong bụng lại nghĩ: “Cái gì mà chỗ nương tựa? Người giúp ta, ta cảm ơn. Nhưng phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay chẳng phải mới là chỗ nương tựa cho đàn ông sao? Ai mà chả biết câu: “Của Chồng Công Vợ”, cái lí lẽ của người Tàu này sao lại khắc sâu vào trong đầu mấy anh thư sinh gàn này thê không biết!”
Vừa bán lại xong đồ con trai của tôi để làm mất tông tích, Ngô Sĩ Liên lại gặp phải một người đang là ngà gọi lại, thì ra là đồng đội trong nghĩa quân thời xưa. Hai người nói chuyện một hồi tôi mới vỡ lẽ người này là Thái bảo Ngô Từ trong triều, đi theo Lê Lợi từ nhỏ. Không biết ông này có chuyện gì u khuất trong lòng mà phải ra đây mươn rượu giải sầu thế này. Tôi núp sau vạt áo của Ngô Sĩ Liên một hồi thì Ngô Từ mới phát hiện ra ta. Ông nhìn ta kinh ngạc, còn tôi thì sợ ông này quen biết thân phụ, đã từng nhìn thấy mặt mình nên có phần hơn tái xanh. Ngô Sĩ Liên giải thích cho ông tôi là em họ, cha mẹ mất sớm nên mới đưa về nuôi. Ngô Từ vẫy tay nói tôi ra trước mặt ông.
Tôi đành phải ra trước mặt để ông nhìn, ông nhìn tôi một hồi lâu, chậm chạp nhắc đi nhắc lại: “Giống quá, thật giống!”, nói rồi lại hỏi:”Cháu năm nay bao nhiêu tuổi rôi?”. Tôi nhìn cái gật đầu của Ngô Sĩ Liên mà trả lời: “Dạ, năm nay cháu tám tuổi ạ.”
Nhìn tôi hồi lâu, Ngô Từ quay lại nhìn Ngô Sĩ Liên, mắt đầy hi vọng. Ông gọi bà chủ quán, nói tôi ra bàn bên cạnh ăn bún, còn mình thì đối đáp với Ngô Sĩ Liên. Làm bộ như đang rất hưởng thụ bát bún măng, tai tôi vẫn đang căng ra xem thử họ đang bàn bạc gì. Họ nói rất nhỏ, rì rầm như ong bay khiến tôi nhức cả đầu, chuyện gì mà phải bí mật thế? Nói chuyện hồi lâu, Ngô Sĩ Liên đứng lên, trả tiền cho bán bún của tôi, cáo từ Ngô Từ rồi lấy cớ phải đón xe về nhà, dắt tôi đi một mạch.
Lúc về cũng như lúc đi, rất im lặng. Cả hai người chúng tôi đều suy nghĩ mông lung. Không biết Ngô tiên sinh nay nghĩ gì, nhưng tôi thì nghĩ nhiều lắm. Tôi đột nhiên thấy tương lai của mình sáng lên được một chút. Nhưng nghĩ lại thì tôi lại nhớ ba mẹ tôi da diết. Xa nhà mới có hai ba ngày mà như hai ba năm rồi, nỗi nhớ như ngậm vào từng tế bào não của tôi. Chỉ cần không quan tâm đến cái sống chết một chút là lại nhớ gia đình mình. Bất giác một tiếng thở dài phát ra, Ngô Sĩ Liên nhìn tôi tròn mắt, không biết lại ngạc nhiên cái gì nữa đây.
Về đến nhà Ngô Sĩ Liên, ông lại giới thiệu tôi là em họ với vợ. Ngô phu nhân nhìn tôi ngờ ngợ, nhưng vẫn không nói gì mà chuẩn bị chỗ cho tôi ngủ, vẫn là cái buồng hôm trước. Tôi lặng lẽ đưa cho hai người ít bạc vụn và tiền trong bọc, nói: “Thầy bầm mất đi, thân là nữ nhi chỉ còn cái này được gia đình lưu cho, nếu tiên sinh và phu nhân có cần gì, xin cứ dùng chỗ này, chỉ xin hai người đừng bỏ rơi tôi. Ơn tình này của hai người, nhất quyết tôi không quên.” Phu nhân nhìn chồng rồi đến tôi, Ngô Sĩ Liên nhìn tôi trân trối. Xong tôi nhìn căn nhà ba gian đơn sơ này cùng bếp và giếng ở bên phải, một gian dạy học ở bên trái là biết hai người này chắc cũng không khá giả gì. Chỉ một cái lướt mắt là cả nhà, bất cứ đồ dùng gì cũng có thể sơ lược qua một lần là nắm được hết, thế thì làm sao nuôi dưỡng thêm một đứa bé như tôi?
Ba người nhìn nhau không nói gì, không khí thật nặng nề. Ngô Sĩ Liên nhận lấy tiền từ tay tôi, đưa cho vợ cất đi, rồi đưa tôi ra giếng lau mặt mũi để đi ngủ. Vợ đi rồi, ông nói: “Cô đừng sợ, tôi đã hứa với cô thì sẽ chăm lo cho cô chu đáo. Cô cứ an tâm.” Rồi kêu tôi đi ngủ. Nằm trên phản cứng này, cả ngày lang thang khiến tôi díp mắt lại, ngủ một giấc an toàn.