Ngược Xuôi (Back and Forth)- Chương 05+ 06

Chương 5

Tiếng gà gáy lại làm tôi thức giấc thêm lần nữa. Cứ mỗi lần thức dậy tôi lại cầu mong mình đang ở nhà, chỉ cần đi xuống lầu là có thể thấy ba tôi đang tận hưởng cốc cà phê sáng và mẹ tôi đang trong bếp nấu bát phở cho tôi và em gái ăn sáng. Tất cả chỉ là một cơn mơ. Nhưng đây vẫn là một sự thực không thể chối cãi, tôi vẫn đang ngồi trên tấm phản cứng ngắc. Ánh sáng mặt trời sớm luồn qua khe thông gió trên cánh cửa gỗ nói cho tôi biết đã đến giờ phải dậy.

Tôi ở đây đã được một tuần, cũng đã quen được ít nhiều tập quán sinh hoạt của cặp vợ chồng son này. Sáng sớm phu nhân luôn là người dậy đầu tiên, cô xách nước nấu cơm, chuẩn bị cho ngày mới. Lúc tôi dậy thì xuống bếp phụ cô. Ngô tiên sinh dậy thay quần áo, ăn uống cùng chúng tôi rồi học sinh bắt đầu vào lớp. Bọn học trò cũng khoảng bằng tuổi tôi hay ít hơn. Lúc đầu tôi còn tránh, theo chị dâu đi chợ, nhưng rồi cái việc ra chợ nghe các bà các chị lời qua tiếng lại so với việc học lóm như kiểu Mạc Đĩnh Chi thời xưa chẳng bằng một góc. Cái tính mọt sách của tôi lại nổi lên. Ít ra tôi đã phát hiện ra việc làm em họ hờ của một ông Nho sĩ thời này có lợi đến nhường nào.

Cái việc học lóm này cũng khá gian nan, bọn nam sinh thì có giấy có bút có bàn, còn tôi thì sao? Chỉ có than có củi có sàn đất. Lúc đầu là giả vờ lảng vảng đi chơi, sau đó lại ngồi ngoái góc, lén nhìn vảo xem chữ viết như thế nào. Bọn nhóc này hình như đang học Kinh Thi, cứ như mấy kiểu phim Trung Quốc thời xưa, tiếng thầy vang vảng trước, tiếng trò bập bè theo:

“Quan quan thư cưu,

Tại hà chi châu

Yểu điệu thục nữ

Quân tử hảo cầu”

Nghe thì đơn giản, nhưng mỗi ngày chỉ học mười sáu chữ này rất khó. Nghĩ cho kĩ lại, vốn trước kia tôi rất thích chữ Nho chữ Nôm, tự hào nó phức tạp mới rèn luyện được cho con người trí nhớ tốt. Nhưng giờ mới biết, người ngoài chỉ thấy được vẻ hào hoa mà không thể biết được cái đau xót của kẻ bên trong học hành mấy cái chữ này. Thời cấp 1, 2, 3, thời gian nhiều nhất tôi dành cho các môn khoa học, tính toán, tích phân, vi phân, hình học, phương trình đụng đến là nhiều. Sách ngữ văn thì hết lớp 3 đã đọc trôi chảy, viết chính tả cũng không có nhiều sai sót nhờ hệ thống chữ viết logic. Thời gian còn lại học tiếng Anh tiếng Nhật. Giờ đây ngồi ngoài sân học lóm. Anh họ hờ vừa viết gì là phải tập trung nhớ từng nét, lúc học thì dùng que kẻ trên đất, lúc có người phát hiện quệt chân mấy cái là phi tang xong. Cũng may là ở đây trong thân hình cô bé này, tôi mắt sáng, nhìn đâu thấy đó, chứ nếu mắt mà cận thì cái trò này chắc phải bỏ sớm. May hơn nữa là tôi trước cũng bập bẹ được hai ba lớp tiếng Nhật nên nhớ nét rất nhanh. Tối chị dâu về có thể luyện lại một lần nữa lúc chơi trong bếp.

Cả tuần đã khiến tôi có thêm chút gì đó đỡ xa lạ với cặp vợ chồng này. Tuy nhiên có một chuyện nữa tôi sắp phải đối đầu với. Đó là sắp đến đợt gieo lúa mới, chị dâu có nói cho tôi biết là có khi nhà cần tôi ra đồng giúp anh chị. “Trời ơi, một con nhóc tám tuổi này từ bé chắc gì đã được cho ra ngoài nghịch đất mà bây giờ đã chuẩn bị công cuộc học tập làm nông dân! Thôi thì tôi cũng gốc từ bần cố nông ra cả, quay trở về cội như lá rụng có sao đâu, chỉ là mới học có mấy bài thơ thôi, học thì khó thật đấy nhưng tôi vẫn chưa thấy học chán mà!” Tôi quay ra hỏi thăm chị thời gian gieo thóc và công cuộc làm nhà nông như thế nào, rồi suy tính làm sao để mình thuyết phục được bà chị này cho mình nghỉ buổi sáng nghe trộm ông anh họ giảng bài.

Thấy tôi trầm ngâm, chị cười: “Cô cứ yên tâm đi, sáng ra cô ra trễ một chút không sao đâu, nhưng cứ đi với tôi trước để cho anh cô khỏi nghi ngờ trước đã.” Nhìn bà chị dâu thật tinh ý này, tôi thật muốn nhảy cẫng lên ôm chị quá. Oh yeah, vậy là từ nay mình đã có một thời khóa biểu chính thức rồi. Sáng tôi ra đồng gần nhà với chị một chút trước, rồi quay về học lóm viết trộm bài học lên một mảng tường bằng than. “Chữ nhỏ là nghề của bà đây mà!”. Tôi cười trong bụng. Thầm nghĩ cái này là để sau khi đi làm về rồi sẽ đọc lại và viết lại thêm một lần nữa, cũng có cái để ôn lại bài hôm qua cho nó từ từ thấm vào trí nhớ dài hạn. Sau đó tôi chạy ngay ra ngoài giúp chị làm đồng. Tay tôi bé, chân tôi ngắn hay chỉ là không quen việc nên lúc đầu nghe chị chỉ dạy rồi mà vẫn quýnh quáng. Nhưng rồi từ từ tôi cũng nhanh việc lên, tuy không giúp được là bao. Trưa về chị nấu cơm, tôi vừa giúp vừa nhìn vách tường lẩm nhẩm bài học. Ăn trưa xong, anh họ tôi chiều không có lớp cũng đi chung với hai chị em ra đồng. Thế này tuy làm nhiều chuyện cùng một lúc nhưng nhờ thế mà tôi biết được thêm nhiều thứ. Cứ như lời mẹ tôi nói mỗi khi tôi ở kí túc xá luyện thi nhớ nhà: “Chú tâm vào chuyện học thì sẽ quên được nỗi nhớ!”

Lúc đầu tôi rất tự tin về cái học lỏm của mình, chắc mẩm không ai biết. Nhưng không ngờ có nhiều ngày Ngô tiên sinh này lại thích chí dạy mấy bài chữ quá khó. Viết nhỏ thì làm sao viết được đủ nét, sau làm sao mà ôn bài được? Thế là chữ tôi to dần ra, cộng thêm mấy lần tôi suýt để lộ dấu vết, cho đến một ngày, ngài Ngô tiên sinh này đột nhiên bước vào trong bếp đúng lúc tôi đang hí hoáy viết mấy chữ bằng than mà chị dâu thì không có ở đó che cho tôi mới chết chứ! Chắc ngài tưởng tôi đang vẽ cái gì đó nên mới lại xem, ai ngờ đâu tôi đang vẽ mấy chữ chính ngài mấy giờ trước vừa mới dạy…

Vậy là có chuyện! Tôi thật sự lo sợ không biết trong đầu con người đầy tư tưởng Nho học Khổng giáo này đang nghĩ gì. Nhưng tôi biết với tiêu chí chủ nghĩa cá nhân bình đẳng mà tôi đã được nuôi lớn lên trong cái xã hội văn minh kia, tôi chưa làm gì sai. Lúc chị dâu về, hai chúng tôi đang nhìn nhau trong gian phòng khách. Nói thật ra là Ngô tiên sinh ngồi trên trường kỉ không nói gì, chỉ đưa mắt quan sát tôi, còn tôi thì cúi mặt đứng trước người anh họ hờ này. Lâu lâu có nhìn lên đôi chút, nhưng mà nhóc con tám tuổi làm sao đọ mắt được với người gần ba mươi?

Bà chị dâu về thấy ngay có chuyện không lành, cũng im lặng đứng bên cạnh tôi. Lâu mới có tiếng của anh họ: “Cô trước học được đến đâu rôi?” Tôi nuốt nước bọt nói: “Em trước cũng biết mấy số từ một đến mười và mấy chữ Nho đơn giản như chỉ người, hướng đông tây nam bắc, còn không biết gì thêm nữa.” Lại thêm câu hỏi “Cô học lỏm tôi được bao lâu rồi?” Tôi ấp úng: “Thật ra em không cố ý, lúc đầu chỉ là nghe mấy bài hay hay, đọc mấy lần thì đã thuộc nên em mới nhìn, sau đó mới biết còn học thêm viết chữ cho vui nữa, sau đó, sau đó…” “Tôi hỏi cô học được bao lâu chứ có hỏi học làm sao đâu?” Tôi chột dạ, biết mình không vòng vo được: “ Dạ khoảng mươi ngày”

“Viết ra đây bốn câu đầu cuả bài Lục Nga,” nói rồi đưa ra một tập giấy và một cây viết cùng nghiên mực đã được mài sẵn. Tôi đang định cầm viết, nhưng lại nhìn thấy tay mình lấm lem than củi, từ lúc bị bắt quả tang tới giờ vẫn chưa rửa tay, liền nói với ông: “Tiên sinh chờ một chút,” rôi chạy thẳng ra ngoài giếng múc nước rửa tay, lại lau cho sạch. Sau lại lật đật chạy vào, tay cầm cây bút lông, tôi biết lắm là chữ thể nào cũng xấu. Bởi thủa trước đón năm mới cũng đã từng được cô giáo đưa bút cho khai bút đầu xuân, chữ lúc đó không ngờ lại xấu như ma, nên tôi biết muốn viết cho đẹp bằng bút lông là rất khó. Cây bút lại khá to cho tay tôi, không tiện đổi bút, tôi vẫn hiên ngang, đứng thẳng người, chấm ít mực vào đầu cây bút bắt đầu viết, cố gắng dùng chỉ chút ít đầu bút thôi để cho chữ nhỏ vừa đủ:

“Lục lục giả nga

Phi nga y cao

Ai ai phụ mẫu

Sinh ngã cù lao[1]”

Bài thơ này đối với người xa nhà như tôi lại thêm da diết, từng chữ từng chữ viết cứng ngắc vì phải dụng lực, nhưng không chỉ có tay dụng lực, mà mắt tôi cũng phải dụng lực để kìm chế những giọt nước mắt tủi thân cho chính mình đang chực trào ra. Trong lúc viết, sự ngứa ngáy vì cái nhìn của Ngô Sĩ Liên đối với tôi dần dần bị khuất dần bởi nỗi nhớ ba mẹ: “Ba mẹ ơi, con thật phụ công hai người.”

Nhìn bài thơ một lúc, ông anh họ hờ này thở dài, rồi nói tiếp: “Chúng ta đi ăn cơm thôi!”

Vậy là xong chuyện lần này. Không biết ông anh lại nghĩ gì, chứ tôi thì vẫn quyết chí thế nào cũng vẫn học lóm tiếp. Nhưng không ngờ sau buổi hôm ấy, lúc chiều tôi đi làm đồng vể đã nhận được một xấp giấy, một nghiên mực cùng cục mài và một cây bút con vừa tay đặt sẵn trên phản. Lần này lại muốn ôm ông anh này quá đi.

Lại thêm được dăm bữa nửa tháng nữa, đời tôi lại thêm một lần thay đồi khi Ngô Từ đại nhân và phu nhân đến thăm gia đình Ngô Sĩ Liên.


[1] Xanh tốt rau nga, Nga hóa ra cao, Thương thương cha mẹ, Sinh ta cù lao (Nga là loại rau tốt, cao là một loại cỏ xấu, ý rằng cha mẹ nuôi con khôn lớn nhưng con lại không báo đáp được ân tình ấy)

Chương 6

Sáng hôm đó cũng như mọi ngày khác, mọi chuyện đều bình thường, nhưng đến trưa thì Ngô Từ tiên sinh cùng một người phụ nữ mặt mũi tái mét, không nói không rằng gì gõ của nhà Ngô Sĩ Liên. Chị dâu ra mở cửa, Ngô Từ tiên sinh xin gặp mặt Ngô Sĩ Liên, rồi dắt phu nhân bước vào, người hầu đợi ở ngoài. Tôi không tiện ngồi ngoài, trốn vào trong bếp luyện chữ tiếp, đang tính đợi lúc nào chị dâu ra đồng thì tôi đi theo. Không ngờ mãi chả thấy chị dâu đâu không vào bếp, mà tôi lại được triệu lên nhà.

Vừa lấm lét bước vào phòng khách, chưa kịp lên tiếng chào thì vị phu nhân đã thốt lên: “Xuân ơi! Con đã về với mẹ rồi!” Nói rồi ôm chầm lấy tôi vào lòng, tôi to mắt ngỡ ngàng nghe bà nói tiếp: “Mẹ không tin là con đã chết mà, con biết không, mẹ tìm con mãi, mẹ và em Dao không tin con đã mất đâu, con về nhà với mẹ với em con nhé?”

Ngô Sĩ Liên nói: “Đây là phu nhân của Ngô Từ tiên sinh”. Tôi vẫn đang trong giai đoạn không biết nói gì, sao từ con gái Trần Nguyên Hãn lại ra con gái Ngô Từ thế này? Tôi nhất thời bị làm cho quýnh quáng, không còn biết mình là ai nữa. Ngô Từ đi đến gỡ tay bà vợ ra khỏi người tôi, nói với bà: “Bà nhìn thấy con rồi thì yên tâm chưa? Để cho nó ở đây với Ngô tiên sinh dưỡng bệnh mấy năm, lúc nào nó khỏi rồi thì tôi đưa nó về ở với bà với con Dao, được chưa?”

Bà quay lại nói với Ngô Sĩ Liên: “Thầy giúp tôi chữa trị cho nó an toàn với, cứ hàng tháng tôi sẽ đến thăm nó, nhìn nó thế này tôi chỉ muốn mang nó về Thanh Hóa ngay thôi, khi nào nó khỏi bệnh ngài nhớ báo tôi ngay nhé! Tiền bạc dù có bán cả nhà tôi cũng sẽ lo đủ cho ngài!” Nói rồi lịm đi. Tôi thật ngạc nhiên, từ nãy đến giờ vẫn chưa nói gì. Ngô Tiên sinh ra lệnh cho bọn tôi tớ ra đỡ phu nhân về xe, còn mình thì ở lại nói với tôi: “Thân cháu mồ côi, còn gia đình ta đây lại bị mất đi đứa con gái trạc tuổi cháu, nhìn rất giống cháu. Phu nhân ta từ khi con gái bị mất đi đến giờ đã là ba tháng trời, có lần còn muốn tự tử theo con. Trời cho ta gặp cháu là do duyên số để cứu lấy bà ấy. Cháu có đồng ý làm con gái nhà ta không? Ta sẽ chăm lo cho cháu đầy đủ. Ngô Sĩ Liên anh họ cháu đây cùng họ với ta, mà cháu là em họ anh ta, nên ta nghĩ đây cũng là do trời sắp đặt…”

Ta yên lặng nhìn người đàn ông này, từ lúc gặp ông đến giờ đã gần tháng, vậy sao mà nhìn ông tiều tụy thế kia. Phu nhân ắt hẵn rất thương con mà bệnh, còn ông thì chắc rất yêu vợ mà sầu. Tôi nhìn lại Ngô Sĩ Liên thăm dò, nhưng hình như ông ta lần này để tôi quyết định. Tôi ở đây cũng lâu rồi, không nỡ xa hai người này để đi đâu hết, nên đang tìm ý thoái thác: “Cháu, cháu chỉ còn hai anh chị đây là người thân, thật không nỡ rời xa họ.” Ngô Từ liền nói: “Không cần phải rời xa, chỉ cần cháu muốn, ta, phu nhân và em Dao chỉ thi thoảng đến thăm cho đỡ nguôi nỗi nhớ, cũng để vợ ta an tâm tinh thần. Cháu không cần phải lao tâm khỗ tứ, tiền nuôi cháu đây ta sẽ đóng góp một it gọi là…”

Ngô Sĩ Liên đang muốn nói gì, nhưng Ngô Từ vẫn tiếp tục cầu xin: “Cháu đã thấy phu nhân ta như thế rồi, từ giờ cứ coi chúng ta như người trong nhà, là cha mẹ cháu, ta thật xin cháu cứu lấy phu nhân nhà ta…” Cả nhà như thật sự thương cảm cho Ngô Từ đại nhân. Tôi nhìn ông mà chỉ khẽ gật đầu. Ông thấy vậy, nở một nụ cười cám ơn thật to rồi xiết mạnh tay tôi thật ấm áp. Vậy là giờ đây tôi đã có thêm một thân phận mới: Ngô thị Ngọc Xuân. Cái tên gián tiếp khiến cho nhiều chuyện xảy ra khiến cả cuộc đời tôi thay đổi như khi người ta dùng cần đổi đường tàu. Mà đây lại là một đường rất quanh co.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3