Ngược Xuôi (Back and Forth)- Chương 19+ 20

Chương 19

Đương nhiên là từ đó về sau, tôi đã có được dường dây chuyển thư đến ông bác họ, thậm chí lâu lâu còn có thể gửi một lá hỏi thăm đến gia đình Ngô Sĩ Liên. Nói chuyện với bác dâu một lúc thì tôi cũng đã có được chút ít cảm giác an toàn. Lâu lâu chúng tôi còn bàn bạc việc làm sao có thể tin người với mấy kế của bác dâu nữa. Phi vụ đầu tiên là tôi nhờ một người phụ nữ trong xưởng gửi một lá thư đến tay Nguyễn Học Sĩ khi bà ra ngoài. Thư từ thì tôi đã chuẩn bị bằng cách đọc chéo từ phải sang trái thay vì từ trái sang phải như thời buổi này, viết trước các từ thành điều tôi muốn nhắn rồi mới bắt đầu điền vào chỗ trống sao cho nghe như một bài thơ hỏi thăm bình thường.

Lá thư đầu tiên thông qua trót lọt, bà nhận được và gửi lại phản hồi với cách nhắn tương tự. Đương nhiên tôi có dặn người phụ nữ đó phải kín miệng, và sau khi quan sát bà ta sau, tôi mới có thể tin tưởng được là không có gì từ miệng bà ta rơi ra cả. Sau đó mới đến các bà khác.

Từ lời khuyên của cô giáo, tôi mới bắt đầu nghĩ ra được hệ thống truyền thư mật cho phía dưới. Mạng lưới tôi phác thảo ra như nhánh cây, với lời truyền đạt từ nguồn là tôi cho các nhánh chính theo đường xéo từ phía trái sang phải, rồi thì nguồn chính liên hệ với nhau qua hàng ngang thứ ba của lá thư và cho cấp dưới là hàng ngang thứ tư. Đương nhiên là cấp dưới có thề gửi thư cho cấp cao hơn dùng tín hiệu như họ được dạy, nhưng phải thêm mật mã để cấp trên biết mà đọc cho dễ. Vậy là tôi dạy họ các chữ số ấn độ cùng dấu mũi tên để họ có thể viết váo góc thư cho người đọc hiểu nội dung thư là từ ai đến ai.

Nhưng sau khi đã có hệ thống viết rồi, điều tiếp theo là tìm các nhánh chính cho hệ thống của tôi, cái sự khiến tôi đau đầu. Đương nhiên, ông bác đã có ý giúp đỡ thì tôi cũng đỡ đi phần nào. Một thời gian ngắn sau, một hoạn quan tên Đinh Thắng được điều đến chỗ tôi. Quan hệ giữa bọn họ sâu sắc đến mức nào thì tôi không biết, nhưng anh Đinh Thắng này trông có vẻ khoảng hai mươi tuổi, cũng đã già dặn hơn nhiều người, biết khá nhiều chữ viết. Anh đặc biệt ít nói, nghe lời Đinh lão răm rắp nên cũng lấy lòng được bà đáng kể. Có anh bên cạnh, tôi cũng đã lựa ra được hai người đáng tin tưởng khác: một tiểu thái giám Nguyễn Thành và cung nữ Ngọc Lan. Hai người tuổi còn khá trẻ, Nguyễn Thành thì mười bảy con Ngọc Lan mới mười hai tuổi. Nguyễn Thành vì gia đình nghèo mà phải bán mình vào cung, còn Ngọc Lan, vốn mẹ cũng là một cung nữ tin tưởng làm việc theo mùa ở chỗ tôi, vì cái nghèo mà giúp mẹ và gia đình thêm cái ăn mà phải vào đây. Hai người này, dưới sự dẫn dắt của Đinh Thắng, ngày ngày đều cố gắng rèn luyện thân thể cùng chữ viết.

Nhưng điều đáng ngạc nhiên là Hoàng Thượng cũng ban cho tôi một nàng hầu nữa, tên là Quỳnh Dao. Cậu ta bảo với tôi, Quỳnh Dao đã mười sáu, giỏi giang văn chương, tinh thông võ nghệ, là người có thể bảo vệ tôi nếu có trường hợp hy hữu bị ám sát. Quỳnh Dao vốn là con gái của một nhà theo nghiệp quan binh, đã tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, được dạy dỗ từ nhỏ. Nàng ta ở trong đội cung nữ thân cận của hoàng thượng, nay cậu ta thấy chỗ tôi cần người tin tưởng nên ban cho. Thật ra tôi không hiểu vì sao cậu ta lại có thể biết tôi đang cần người đáng tin, nhưng như vậy cũng được. Nếu cậu ta đã nói là đáng tin, và tôi đang tính mở đội làm việc trinh thám cho cậu ta, thì đương nhiên tôi cũng sẽ tin tưởng Quỳnh Dao như cậu ta đã muốn. Trái với Ngọc Lan ngây thơ hay cười đùa với tôi, Quỳnh Dao khá lạnh lùng như Đinh Thắng. Đúng là hai người có kinh nghiệm trong cung có khác, làm tôi cũng ý thức được nghĩa vụ của mình đang làm vài phần.

Mới đó mà đã đến Trung Thu. Lần này là cái tết Trung Thu đầu tiên trong cung tôi được tham dự, thật là háo hức. Thật ra các tiết Đoan Ngọ hay Tết ở đây cũng rất bày biện khác thường rồi, nhưng lúc Tết thì tôi không thấy có gì đặc sắc quá lắm, chỉ gật gà gật gù xem múa Lân, hát bội, chỉ mong được đổi lấy ít tiết mục gặp nhau cuối năm của VTV thôi. Thanh Minh thì đến lăng vua thăm nom, đi cả đoàn người đến tận gần nhà mà không gặp được mẹ, tôi cũng buồn. Tết Đoan Ngọ thì quá nhiều thức ăn, nhưng với các món bánh trái, Đinh lão cũng không cho tôi thả cửa một phen, làm hết cả vui. Lần này Trung Thu đến, đội ngũ làm mỹ phẩm của chúng tôi lại được tận dụng luôn làm đồ trang trí. Nào là làm đồ chơi, đan đèn dán giấy, thật là náo nhiệt.

Tôi vốn rất ghét mất vệ sinh thực phẩm, nên lúc làm keo dán bằng cơm có cho đan nhiều lồng bàn úp chống ruồi muỗi. Đèn lồng tôi cũng cho gấp các loại khác biệt để đưa đến các cung khác nhau cho đẹp, tùy theo ý các chủ nhân muốn thế nào. Tết Trung Thu vốn có nguồn gốc Việt nên tôi càng thêm thích thú hơn nữa. Hoàng thượng đến có nói qua, Trung Thu này các con em hoàng tộc lứa tuổi thiếu nhi cũng sẽ được vào cung xem múa lân khiến tôi rất trông đợi. Năm nay mùa màng có vẻ khá tốt, xem ra lại có thể thêm một đêm trung thu tươi đẹp.

Nhưng mọi việc dường như chỉ dừng ở đó, vì tối Trung Thu có mưa. Tôi buồn thiu ngồi trước hiên đối diện vườn sau. Ánh trăng lờ mờ không thể nào thoát khỏi những đám mây mù đang dày đặc trên trời. Đương nhiên với một đêm như thế này, chỉ có cỗ là có thể phá, chứ trăng thì chẳng thể chiêm ngưỡng gì được. Đã không có trăng như vậy, tôi quyết định xin khiếu cỗ mà ở nhà nhìn ra vườn, từ từ thưởng thức vị bánh nướng ngọt với nước trà nóng.

“Công chúa, trời mưa thế này mà người cứ ngồi đây, cẩn thận bị cảm đấy ạ!” Đinh Thắng ở một bên nói. Tôi quay lại: “Không sao đâu…, mà Đinh lão đâu mà để ngươi đứng hầu ta thế này?” “Dạ bẩm công chúa, Đinh lão trong người khó chịu đã đi nằm nghỉ rồi ạ!” Tôi thở dài, đúng là người già rồi có khác, trời mới có trái gió một chút là đã bị bệnh rồi. Đang tính đứng lên vào nhà, bỗng Nguyễn Thành đã lật đật chạy vào, thở hổn hển nói: “Công chúa, có chuyện rồi… Cung của Phạm tài nhân, đang bị cháy! Mọi người đều đang chữa lửa, Hoàng thượng có lệnh cho triệu người gấp!”

“Trời đang mưa thế này mà sao cung của Phạm tài nhân cháy được là sao? Được, vậy chúng ta đi!” Mới nói xong, tôi bước đi ra ngoài cung. Đinh Thắng sai người lấy lộng sẵn, ra đến bên ngoài là ngay lập tức dựng lên che cho tôi, Nguyễn Thành mang ô đi trước, sau là Quỳnh Dao đi theo sau. Đến hậu điện, nơi mọi người đang tụ tập, chúng tôi được thông báo cho vào. Phần lớn các họ hàng đã cáo từ ra về khi nghe tin có cháy, chỉ còn lại gia đình hoàng thượng ở điện này. Vào trong tôi đã thấy mọi người ngồi yên vị, đang rầm rì chuyện gì, nhìn tôi như không ưng ý lắm. Quỳ xuống hành lễ với các vị Thái Phi và Hoàng thượng xong, tôi đứng lên xem xét xung quanh rồi tính nép vào một góc bên cạnh, nhưng đã bị hỏi ngay bởi Phạm Thái Phi: “Hoa Dung, ngươi làm đèn như thế nào mà có thể gây cháy được thế?”

Đã được thông báo trước là vụ cháy ở cung Phạm tài nhân chỉ là do chùm đèn trung thu ba màu bốc cháy tại thư phòng, cháy lan ra là do trong phòng có nhiều giấy. Thiết nghĩ cháy thì bao giờ chẳng có thể xảy ra, nhưng mà bị hỏi tội vì mình làm đèn gây cháy thì tôi thật không ngờ đến. Tôi cúi xuống, đành xin lỗi: “Thưa thái phi, Hoa Dung làm đèn trung thu theo ý thích của Phạm tài nhân, thật không may gây cháy, đó là điều đáng trách, đó là điều đáng xin lỗi. Nhưng mà đèn trung thu làm bằng giấy, vốn dễ bắt lửa, mục đích chính là để treo bên ngoài, chứ không phải trong thư phòng, nơi có nhiều giấy dễ gây cháy. Xin nương nương giảm tội.”

“Hay cho cái miệng của nhà ngươi, việc làm không ra hồn rồi còn đổ lỗi cho người khác nữa sao?” Phạm thái phi bỗng lớn giọng. Trình thái phi bên cạnh muốn can: “Hoa Dung còn nhỏ, trung thu này giao việc đèn cho nó đảm nhận vốn đã là nhiều. Mà đèn ở tất cả mọi nơi khác đều bình thường, chỉ có ở chỗ Phạm tài nhân là có chuyện, sao có thể đổ lỗi hết cho con bé? Em yêu cháu mình, em lo là đúng. Nhưng con bé ở cung của mình cũng không có việc gì đấy thôi? Trung thu là tết của gia đình, chị thấy nên nương tay một chút cho Hoa Dung đi!” Không chịu nghe lời khuyên, Phạm thái phi vẫn cứng nhắc: “Có tội thì vẫn nên phạt. Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Nay Hoa Dung còn bé, phải trị cho nghiêm khắc mới được cái tốt về sau. Ta ra lệnh cho Hoa Dung công chúa, chịu trách nhiệm làm đèn kém chất lượng mà phạt quỳ hai canh giờ bên ngoài. Thi hành ngay lập tức!”

Bỗng nhiên có tiếng hô của quân lính, sau đó Đinh lão lật đật chạy vào, dập đầu quì lạy: “Thưa Hoàng thượng cùng hai vị thái phi, lỗi này không phải của công chúa. Lúc công chúa làm có chia rõ phần nào của người nào chịu trách nhiệm. Đèn lồng của Phạm tài nhân là do nô tỳ chịu trách nhiệm giám sát, công chúa vì tin tưởng thần nên cũng không kiểm tra lại. Nếu có phạt, xin cứ phạt nô tỳ đây ạ!” Hoàng thượng từ nãy vẫn yên lặng nhưng ngồi nhấp nhỏm không yên, nay thấy cơ hội đã đến, vội vàng nói: “Nếu đã vậy, chuyển hình phạt của Hoa Dung sang cho Đinh thị Hoa chịu thay đi. Trẫm cũng đã mệt rồi, về cung đi nghỉ thôi!”

Tôi đứng ở đó, thật không hiểu có chuyện gì mới xảy ra. Hoàng Thượng đi rồi, hai vị Thái phi cũng đành đi sau khi Đinh lão bị lôi ra ngoài thực thi lệnh. Hậu điện mau chóng trở nên trống vắng. Tôi bước ra ngoài, nhìn bóng hình bà lão tôi không mấy ưa thích đang chịu thay hình phạt cho tôi. Trời vẫn đang mưa rả rích, bà đang quỳ ở trên thềm đá ngay ngoài hiên của điện. “Ra ngoài kia che dù cho Đinh lão nhanh lên!” Tôi sai Nguyễn Thành. Anh nhanh chóng chạy ra nhưng cũng chạy đến chỗ tôi lại: “Đinh lão ra lệnh không được làm thế, để người tự chịu. Công chúa, Đinh lão cũng khuyên người tự mình về đi, đừng quan tâm đến bà ấy nữa.”

Chương 20

Lần đầu tiên chứng kiến sự bất lực của mình cũng đã qua. Cái chết bất ngờ của Đinh lão sau một trận ốm cũng khiến tôi thay đổi ít nhiều. Nó đã cho tôi biết được thông tin có lợi đến mức nào và khiến con mắt nhìn người của tôi phần nào trở nên lợi hại hơn. Khi mất đi, Đinh lão đã cho tôi danh sách những người trong cung thuộc phe cánh Lê Sát và Lê Ngân. Ngay cả những người bên cạnh tôi, cũng có khá nhiều người đáng ngờ. Nhanh chóng, tôi bắt đầu cử họ đi làm những chuyện vô vị, lặt vặt. Nghĩa vụ của Đinh lão, Đinh Thắng bắt đầu đứng ra lo liệu. Quỳnh Dao được cử đi làm những chuyện trọng yếu như lấy cơm, thuốc và thử độc. Nguyễn Thành, Ngọc Lan cũng được đi kè kè bên cạnh để canh chừng cho tôi.

Trong năm sau đó, tôi bắt đầu đào tạo người của mình dưới lốt đào tạo nô bộc trong cung. Những bà cung nữ già trước làm cho phần mỹ phẩm tôi cai quản giới thiệu con cái của mình. Những cô con gái vào cung như Ngọc Lan được đào tạo thành người của tôi. Những cậu con trai ở ngoài cung được cử đi điều tra người thân của những người hầu cận có thế lực bên cạnh hoàng thượng cùng các vị phi tử khác, còn những người làm lính trong cung có nhiệm vụ đưa thư. Nhờ vậy mà tôi có thể giúp hoàng thượng điều tra ra được vài viên hoạn quan cùng cung nữ bên cạnh người là người có liên hệ với phe Lê Sát cùng Lê Ngân. Đương nhiên hoàng thượng không quá lộ liễu cách xa họ, thậm chí còn dùng họ để chuyển những thông điệp mình muốn cho những viên đại thần kia.

Những người của tôi đi khắp mọi cung, và mạng lưới có khả năng chằng chịt hơn nhiều. Giờ đây tôi cũng không cần đích thân Nguyễn phu nhân đưa thư nữa. Bà cũng đã thôi không dạy cho tôi nữa rồi. Sau khi biết được các tin tức, tôi ngày càng biết được tình hình thế nào. Tin tức của dì và em cũng đã có, sau khi bị sung công làm nô tỳ, dì và em gái tôi đã được chuyển đến phủ Lê Sát làm người hầu được mấy năm nay rồi. Tuy chưa có thể viết thư được cho dì, nhưng tin tức về hai người cũng đã làm tôi thấy an tâm hơn.

Trong triều đại tư đồ Lê Sát và hành khiển Nguyễn Trãi bác tôi ngày càng có ý kiến trái chiều gay gắt. Lúc đầu chỉ là việc nhỏ như từng chữ từng câu trong tờ tâu cầu phong của nhà Minh mà gây ra hiềm khích. Sau thì bè cánh Lê Sát ngày càng nhiều, chèn ép ông không kiêng nể gì nhiều nữa. Chuyện của bảy tên ăn trộm còn ít tuổi, thật ra ai trong lòng cũng nghĩ không nên chém chết, nhưng khi Nguyễn Trãi xin gia ơn thì đã ngay lập tức bị bọn họ hùa nhau đổ trách nhiệm lên đầu. Điều này cũng khiến ông trở nên buồn chán với việc công.

Đại tư đồ càng ngày càng có nhiều sát ý, cứ hở một chút là ra lệnh chém giết. Có người làm việc thổ mộc nặng quá, lỡ miệng nói một câu chê trách hoàng thượng, vậy là chết. Đồng tri bạ tịch Bắc Đạo Bùi Ư Đài dâng sớ tâu vua khuyên nhủ nên cải cách hàng ngũ quan lại, bè cánh Lê Sát cũng hùa nhau mà ba lần bốn lượt ép hoàng thượng phải đày ông ta ra châu xa. Đại tư đồ Lê Sát cũng được truy phong hai đời, mọi quan lại tâu lên gì đều phải coi qua mặt ông. Vua dù có muốn điều tra gì, bọn quan lại đều che dấu cho ông ta. Một năm sau khi Thái Tổ mất, hoàng thượng mới lên ngồi ngai son trên điện Càn Đức. Trước đó cậu ta ngày ngày phải đứng dựa cột trên điện Hội Anh mà nghe việc, kể cũng gọi là học hỏi.

Nhưng một người con trai đang ở tuổi dậy thì, trong một năm trời đối đầu với những áp bức, phe cánh trong chính phủ, thì sẽ làm gì? Nhận ra chính giọng nói của mình không hề có chút giá trị mặc dù ở ngôi cao cửu đỉnh, chính mình không biết nên phải làm gì, thì phải làm sao đây? Càng ngày, hai chúng tôi càng thấy hoàn cảnh xung quanh thật đáng sợ. Nỗi lo sợ của tôi khiến mình càng trở nên một con người khác, suy nghĩ lạnh lùng hơn. Còn nỗi lo sợ của cậu ta lại càng không lộ ra, thể hiện bằng những cử chỉ kháng nghị của chính mình. Có lần cậu ta cầm cung bắn chim, bị quản lĩnh thị vệ can ngăn, đang cơn tức giận, cậu ta cầm luôn cung bắn người đó. Vậy là chỉ mấy hôm sau, đã có sớ tấu lên phê bình. Điều này chứng tỏ bên cạnh cậu ta luôn có người của bọn họ theo dõi.

Tôi buồn cho thân phận của tôi, đối mặt với biết bao nhiêu con người khó tính khôn lường trong cái cung này, nhưng chỉ có thể thở dài cho thân phận của cậu ta, thật chỉ là thấp cổ bé họng so với bọn bắt nạt như họ thôi. Tuy vậy, cậu ta cũng đã ban chiếu nêu rõ ràng việc thuế má và kiện cáo. Cùng thêm việc học tập và tổ chức thi cử tuyển quan lại về sau. Một ngày tôi đang đánh đàn ở vườn sau thì hoàng thượng đến. Cho tất cả mọi người tránh ra canh chừng, cậu ta ngồi xuống tràng kỉ với tôi, nói nhỏ giọng: “Hoa Dung, cô giúp trẫm làm một chuyện được không?” Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta: “Có chuyện gì hoàng thượng cứ nói.” “Cô cứ đánh đàn đi, trẫm vừa nói vừa nghe!”

Tôi đành dạo một khúc dành cho buổi sáng, với các giai điệu ngắn lập đi lập lại. Vừa giữ cho tay đều đều, vừa căng tai nghe tiếng cậu ta: “Trẫm muồn điều tra các vụ hối lộ của một số vị quan, mạng lưới bên ngoài của cô có thể làm được không?” Nói rồi, hắn đưa cho tôi một tờ giấy, trong có li chi những chữ nhỏ ghi chức tước của các quan khả nghi. Tôi lấy tờ giấy, giấu ngay vào dưới thân đàn, miệng khẽ mỉm cười, đây là phi vụ đầu tiên của tôi.

Nhưng khi bắt tay vào làm, tôi mới nhận ra phi vụ này khó đến mức nào. Các quan lại tạo một mạng lưới chằng chịt tham nhũng, từ bé ăn hối lộ, biếu xén lớn, rồi thì ghi sai sổ sách, thuế má thì mập mờ. Điều tra những vị quan này thì liên quan đến các vị quan khác, có người công tư phân minh, cực kì chính trực. Nhưng có người lại rất tráo trở, đa mưu túc trí. Người của tôi nhiều lúc không thể nào tìm ra được chứng cứ, còn phải tự cãi nhau đưa ra quan kiện mà bắt đầu thử nghiệm hối lộ, chịu đòn roi đủ cả. Nhưng đây mới chỉ là con tép, đến con tôm thì tinh vi hơn nhiều. Việc mua quan bán chức, cất nhắc bên trong đi qua một lối cửa sau cực kì xảo quyệt. Các quan lớn túm tụm với nhau canh chừng vua nên càng thêm cảnh giác, khiến tôi không thể moi ra gì nhiều.

Chuyện này tiếp tục quá lâu, sau mấy tháng không thêm được kết quả tôi đành phải nhờ Hoàng thượng giúp đỡ. Tôi thấy việc lần trước cậu ta chơi bắn chim làm cho các quan nhao nhao, lần này nhờ cậu ta làm trẻ hư thêm một lần nữa cho các quan giảm cảnh giác đi. Vậy là cậu ta bắt đầu tập cưỡi voi, rồi còn nghĩ ra cho voi đấu với sơn dương, đến mức con voi bị sơn dương húc mà ngã xuống giếng. Cậu ta cũng không thèm quan tâm đến việc bổ nhiệm thầy dạy học tại tòa Kinh Diên, liên tục chối bỏ ý kiến của các quan dâng sớ lên ngăn. Đương nhiên là sau một hồi lâu Lê Sát liền dâng sớ xin chém một tiểu thụ[1] Nguyễn Cung mà cậu ta tin tưởng, mọi chuyện đã đến cao trào.

Một tiếng “không” của cậu ta để bảo vệ cho người cậu ta muốn đã khiến cho Lê Sát khởi đầu chuyện biểu tình không vào triều. Quan lại hùa theo ông ta, không ai thèm lên triều cả, cậu ta đã bị đánh hội đồng. Trong lúc này, tôi càng thúc giục người đi xem xét tình hình các quan ở nhà làm gì, xong nộp lên bản báo cáo để tôi có thể viết danh sách cho hoàng thượng. Chỉ là, trong lòng tôi không khỏi khắc khoải lỗi lầm, rốt cục vẫn phải dùng đến hạ sách như vậy.

[1] Một hạng hầu nhỏ ở trong cung. Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3