Ngược Xuôi (Back and Forth)- Chương 43+ 44
Chương 43
Đã được hơn năm từ khi tôi ra khỏi cung, ứng xử với mọi người cũng đã tốt lên nhiều. Tôi mừng vì mình đã phần nào lấy lại được lòng tin con người. Tháng tám, lại có một đợt tuyển mỹ nữ vào cung rầm rộ. Tôi ở nhà mà nhìn thấy những sự việc này, lại ngán ngẩm cho một lớp thế hệ nữa chuẩn bị thay đổi cuộc đời của mình trong cái cung cấm ấy. Bác dâu Lễ Nghi học sĩ lại khuyên vua bắt giam hạng đàn bà ngỗ nghịch, vậy là luật lệ được đề ra.
Ở nhà chỉ có hai chị em, tôi ngậm ra chắc sẽ có một thời gian yên ổn, nhưng không ngờ chỉ sau có mấy tháng, đã có tin đồn Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ rất được trọng dụng trong cung, còn được vua sủng ái nữa (!) Chuyện này truyền ra ngoài còn đến được tai người sống ần dật như tôi, huống hồ là bác Nguyễn Trãi đang làm quan ở Côn Sơn. Tôi ngay lập tức cùng Quỳnh Dao đến chỗ Lễ Nghi Học Sĩ hỏi thăm. Đến nơi, thấy bà đang ngồi lặng, mắt ngấn nước, tay cầm chặt một lá thư. Gật đầu cho Quỳnh Dao đợi ở ngoài, tôi bước vào.
Thấy tôi bước vào, bà lén quay đi lau nước mắt, quay lại ngay lập tức có thể nhìn tôi cười: “Cháu đột nhiên đến đây thế này có một mình thôi sao? Vi nó đâu rồi?” Tôi đáp: “Bụng em nó có phần to lên, cháu nghĩ đi lại cũng bất tiện, nên một mình đến hỏi thăm bác.” Bà cười, mời tôi ngồi xuống ghế, rót trà đưa tôi. Tôi đặt cốc trà lên bàn, hỏi thăm bà: “Bác dạo này sao rồi? Cháu nghe nói tin đồn không hay đang được phao ra, không biết bác thế nào nên đến hỏi thăm thôi! Bác có cần cháu giúp đỡ gì không?” Bà nhìn tôi, thở dài: “Chuyện không có thật người có thanh thế cứ muốn đưa ra thì làm sao người thấp cổ bé họng như bác đây một mình thanh minh được. Chuyện thiên hạ điều tiếng, chỉ cần mình biết là không đúng là được rồi cháu ạ. Cứ để chín chín tám mốt ngày là nó hết ấy mà.”
“Người có thanh thế đó là ai mà lại có ý hại bác thế?” Tôi tò mò hỏi, tuy rằng đã có chút định hình. Bác nhìn tôi, lắc đầu: “Người ta giờ ở nơi cao có chút bất đồng với bác nên muốn hại thanh danh bác. Nhưng mà bác cũng già rồi, không nên chấp kẻ trẻ người non dạ, chấp vặt làm gì hả cháu?” Tôi nhìn bác, không muốn hỏi thêm gì về chuyện đó nữa, nhưng trong lòng canh cánh không biết hai vợ chồng bác, vì địa hình xa mặt, liệu có dẫn đến cách lòng không? Tôi đành chuyển đổi chủ đề, nói về sức khỏe của Vi cùng tiến triển của thai nhi nó đang mang. Nhưng lòng bác canh cánh nỗi lo âu khác, chuyện trò cũng không lâu, tôi đành tự mình rút lui. Về nhà, viết ngay một lá thư hỏi thăm, tiện thể trình bày giùm cho nỗi oan của bác dâu, tôi gửi đến cho bác Nguyễn Trãi tại Côn Sơn, chỉ mong mình giúp ích được gì đó.
Mùa đông, tháng mười một, hoàng thượng ra chiếu sắc phong cho Bang Cơ chức Hoàng Thái Tử, chuyễn Hoàng Thái Tử Nghi Dân xuống làm Lạng Sơn Vương, còn một hoàng tử nữa là Khắc Xương xuống làm Tân Bình Vương. Mới sinh được nửa năm thôi mà Bang Cơ đã trở thành Hoàng Thái Tử, xem ra bà chị chồng của tôi, so với Dương thị Bí thời xưa còn cao tay hơn mấy lần. Thái phi Phạm Thị Nghiêu đang canh giữ Vĩnh Lăng cũng nhanh chóng được ban chiếu cho phép tự tử. Hạ bà ta xuống như vậy rồi, hắn vẫn phải làm vậy cho yên tâm sao?
Nhưng những sự việc này nhanh chóng trở nên không có giá trị gì khi tôi nghe được Quỳnh Dao báo tin dữ: Ngọc Dao đã bị hãm hại, bởi không ai khác ngoài Thần Phi, bà chị chồng của tôi. Bấy lâu nay tôi vẫn sai Quỳnh Dao quan tâm đến tin tức của Ngọc Dao. Từ khi Hoa Dung Công Chúa tôi được phao tin bệnh nặng qua đời, tin tức của em tôi đều được thông báo đều đặn. Nghe nói em hàng ngay buồn rầu, đều tụng kinh siêu thoát cho tôi. Một ngày thánh thượng đi ngang qua, thấy tấm lòng của em đã động lòng. Bây giờ em đã sớm có long thai, và cái ngôi thái tử của Bang Cơ mới ngồi lên chưa ấm chỗ đã có khả năng sẽ được đổi chủ. Việc này khiến Nguyễn Thần Phi lo lắng, đã tâu lên hoàng thượng, Ngọc Dao vì ganh ghét mà đầu độc hại Bang Cơ. Hiện giờ em đang được giam trong lãnh cung chờ xét xử.
Tôi lo lắng trong lòng, vì tôi mà Ngọc Dao vào cung. Hiện giờ cũng một phần vì tôi mà nó bị hại. Nói gì thì nói, làm chị em mấy năm trời, nó vẫn luôn tin tưởng tôi là chị gái nó, còn luôn cầu nguyện cho tôi. Còn tôi, trong lúc này có thể giúp gì được nó đây? Phi Lộ vẫn ở biên giới, chưa có tin tức gì là muốn về cả. Tôi đành bạo gan viết thư cầu giúp gửi cho hai vợ chồng bác Nguyễn cầu xin giúp đỡ vậy. Đến thẳng nhà Lễ Nghi Học Sĩ, tôi cầu xin bà giúp đỡ cho nó giảm cái án voi dày mà Thần Phi đề ra. Vì nể lời nói của bà mà Hoàng Thượng ngừng việc thi hành án, cho xét xử lại thành hình phạt lưu đày. Lúc này, Vinh Lộc Đại Phu Nguyễn Trãi cũng có mật tấu xin vua cho người nể tình cho tỉnh cảnh bụng mang dạ chửa của Ngô Tiệp Dư mà chuyển án thành giam giữ ở chùa Huy Văn ở ngay kinh thành.
Nghe được tin này, tôi thở phào nhẹ nhõm. Hoàng thượng rút cục vẫn còn tính người. Nhưng nghe thông báo Nguyễn Thần Phi không hề hài lòng về việc này chút nào, vẫn còn rất hậm hực, tôi lại thấy chột dạ. Tôi chuẩn bị một số tiền có được của mình. Vốn là công chúa, khi được sắc phong tôi cũng được ban cho rất nhiều của cải cùng đất đai và ruộng vườn. Khi để cho tôi đi, tuy không mang theo gì nhưng hoàng thượng cũng đã gửi cho tôi số của cải tương đương để làm của hồi môn và phòng thân. Số hồi môn được đưa cho nhà Phi Lộ, nhưng số phòng thân được Quỳnh Dao cất giữ và gửi đi. Nay tôi hỏi cô lấy một phần ra đưa cho gia đình Vinh Lộc Đại Phu để giúp tôi mua một vùng đất tại một xứ hẻo lánh, để có gì còn có thể để Ngọc Dao chạy đến đó.
Số tiền của tôi được ông đầu tư vào một trấn An Bang thuộc Quảng Yên. Tôi nói ông mua đất đai cùng ruộng vườn của nhiều nhà nghèo trong trấn, nhưng vẫn để họ canh tác trên đất, chỉ trả tiền thuê đất hàng năm là được. Điều này để phòng ngừa người của Nguyễn Thị Anh đến hại Ngọc Dao. Tôi cũng nhờ ông sai thợ xây sẵn nhà cửa cho Ngọc Dao, chuẩn bị cho nó sinh nở xong xuôi thì ngay lập tức chuyển đi. Năm sau tôi biết sẽ có biến cố. Cứ cái đà này thì Nguyễn thị Anh sẽ sớm thành Thái Hậu, hại Ngọc Dao chắc chắn sẽ rất có cơ nguy. Tôi ngồi thừ trong phòng suy nghĩ, sao cái ngôi cao cửu đỉnh đó lại có thể trở thành mục tiêu của biết bao nhiêu người, thanh đổi tính cách của họ, khiến họ bất chấp có thể gây ra biết bao nhiêu là tội ác như vậy?
Chương 44
Lúc đầu còn khá sợ hãi, Vi vẫn chưa quen được cung cách làm tiểu thư. Cả đời nó lớn lên được đối xử như người hầu, chưa từng được người khác hầu hạ. Dì cũng đã luôn im lặng bảo vệ nó, còn tôi mỗi khi nhìn thấy sự lúng túng đó lại như có một vết cắt vào tim. Từ con gái một vị tướng quân, mọi người đều nể phục, sinh ra đáng lẽ phải sống trong nhung lụa. Nhưng người con gái tôi đang vuốt ve chải mái tóc cho này, đôi tay đã chai sần ở tuổi mười ba, đôi vai cứng lại như đang e dè một tội lỗi gì đó sắp đổ lên đầu.
Mấy tháng này Vi ở chung với tôi, tình chị em dần dần được cải thiện. Phải nói chị em ruột thật có một sợi dây vô hình nối chắc, đến mức tuy lúc đầu có ít khó khăn khi mới gặp mặt, nhưng rồi phát hiện hai người cũng thật là chị em, rất giống nhau về mọi mặt, lại thân thiết như chưa bao giờ xa cách. Phi Lộ cũng không thường ở nhà, thường xuyên lúc thì ra biên giới, lúc lại vào cung. Việc Vi đến nhà ở như tiểu thư, hắn cũng không buồn quan tâm qua sau cuộc nói chuyện. Tôi đoán Hoàng Thượng đã cho tôi tự do mà tôi muốn, một tự do trong bình an.
Bụng Vi càng ngày càng to dần, tôi cho mời thầy thuốc, nhưng luôn cách một tấm màn, lại lấy danh tính thay cho em, khiến cho thầy thuốc cũng không biết có phải là phu nhân hay người nào khác ở trong đó. Vi tuổi còn nhỏ mà đã phải mang thai, tôi biết rất nguy hiểm, luôn tỏ ra lo lắng khi hỏi thầy thuốc. Ông vẫn nói thai nhi cùng tôi vẫn an toàn, đương nhiên là cần nhiều nghỉ ngơi. Tôi cũng căn dặn đầu bếp nấu nhiều thịt bò và rau quả để bổ sung sắt và dinh dưỡng cho em. Luôn hỏi thăm nó có thèm ăn gì không.
Tuy Vi vẫn tươi cười, nhưng tôi biết trong lòng nó luôn có một sự trông đợi, một sự trông đợi trong vô vọng. Nhìn cái cách chiều chiều nó ngồi trên ghế dựa, tay nhẹ nhàng vỗ về đứa bé trong bụng, mắt lặng lẽ nhìn về phía núi xa kia, tôi lại có phần nào đồng cảm. Cậu ấm đấy là ai, tôi chưa nhìn qua mặt, nhưng vẫn biết là em trai Lê tu dung, chắc hẳn cũng có ít nét thanh nhã của cô. Trong thời kì chạy trốn này, không biết cậu ta có như tôi thời xưa, đang ngày ngày làm ruộng, tối về mơ những ác mộng có người mang gậy gáo đến giết hại cả nhà, truy đuổi ráo riết không?
Nhìn cảnh này, trong lòng lại vang lên bài Bèo dạt mây trôi. Hóa ra dân ca là thế, tức cảnh sinh tình, lại ra một bài hát mà ai cũng có thể nhớ lại khi mình lâm vào cảnh đó. Người hầu đưa sáo, tôi đặt lên môi, hít một hơi dài, rồi bắt đầu thổi. Lại từng nốt, từng nốt thoát ra, nhưng tôi có cảm giác rất khó nhọc mới thổi ra được từng nốt tròn. Tâm trạng như mắt kẹt lại trong lồng ngực, không thể nào thoát ra dù tôi có cố gắng đến đâu. Nước mắt cũng như vậy, như được chảy ngược vào trong, càng làm cho ngực thêm thắt chặt.
Vi không nhìn tôi đứng bên cạnh thổi sáo. Nó cũng thôi không nhìn xa xăm nữa. Mắt nhắm nghiền, nó đang thưởng thức bài dân ca trong tiếng sao của tôi, một phần nào cũng đang gặm nhấm chính hồi ức của mình. Bài nhạc tiết tấu rất chậm, tôi đã khiến nó thành ra như thế. Bản này không phải là ca thán, thương thân trách phận, mà chính là chấp nhận. Cũng như người đi trong mưa đến một nơi vô định, trước mặt là mưa, sau lưng cũng là mưa, nhưng không có nơi để dừng, vẫn tiếp tục bước chầm chậm trong mưa, chấp nhận số phận.
Ngày Vi sinh, có một nỗi sợ hãi cứ lảng vảng trong đầu tôi. Nỗi sợ to lớn dần lên từ buổi sáng sớm khi nó trở dạ đến khi ráng chiều vẫn còn tiếng rên đau đớn âm ỉ. Thật kiên cường làm sao một cô bé yếu đuối thế kia đang đấu tranh cho số phận của mình và đứa con sắp sinh. Mồ hôi em chảy dài thấm đẫm cả giường. Tôi không biết làm gì hơn là nhẹ nhàng nắm lấy tay em. Bàn tay nhớp nháp mồ hôi. Tôi lấy khăn thấm mồ hôi trên trán và tay cho em, cho nó nắm chặt mỗi khi lên cơn đau. Bà mụ cũng toát cả mồ hôi, nước nóng cũng đã được thay bao nhiêu lần rồi. Tôi thật không yên tâm, viết ngay một lá thư cho Đỗ thái y, sai anh lính gác mang ngay đến phủ ông kêu đến ngay.
Đỗ thái y đến với vẻ mặt bàng hoàng, lắp bắp: “Công chúa, người…” Tôi không còn thời gian cho mấy việc khiến bọn người ở tròn mắt ra, suỵt ngay ông rồi đưa vào phòng sinh của Vi, nói: “Ông hãy cố gắng cứu cô ấy.” Ông lật đật đến, bà mụ lui ra làm phụ giúp. Nét mặt Đỗ thái y căng thẳng thấy rõ, tôi biết có chuyện chẳng lành. Ông nói với tôi: “Công… Phu nhân, trở dạ quá lâu, thai nhi và thai phụ, chắc chỉ có thể cứu một.” Tôi nói ngay: “Cứu người mẹ trước đã.” Đã bị Vi hét lên trong đau đớn: “Không, hãy cứu con ta bằng mọi cách!” Tôi phân trần: “Tuổi em còn trẻ, muốn có đứa nữa sau này sẽ có, chị cần em sống vui vẻ khỏe mạnh.” Nước mắt rơi dài trên má, Vi nhìn tôi: “Nghĩa vụ của người mẹ là sinh con an toàn, nếu mất con rồi thì sao em có thể vui vẻ mà sống? Đại phu, ông là lương y, hãy như từ mẫu cứu con ta.”
Rồi lại những cơn đau đến ngày càng dồn dập, tôi biết Vi đang càng ngày càng kiệt sức. Theo từng cái xiết tay, tôi có thể cảm nhận được cơn đau tăng dần đến như thế nào, chỉ để em có chút thời gian thở. Bà mụ lấy một mảnh vải trắng xếp cẩn thận cho Vi cắn chặt trong cơn đau, rồi cầm lấy tay bên kia của em. Những đợt cuối cùng trông em thật thống khổ, người quằn quại, phải ngồi dậy để rặn đứa bé ra. Mùi máu lan rộng trong phòng, váy áo em đã nhuộm hồng. Cuối cùng đứa bé cũng đã ra, trời đã sớm tối mịt, những vì sao chắc đang lấp lánh trên trời mừng vui cho em. Tiếng khóc oa oa của đứa bé tí xíu chấn động cả nhà, thấm sâu vào tâm hồn tôi, đây là một mạng sống mới đã được tạo ra. Một niềm vui khôn tả xâm chiếm cả tinh thần lẫn thể xác tôi, không còn những lo âu, phiền muộn nữa, một cô gái kháu khỉnh đã ra đời.
Lúc được lau rửa xong, cô bé đỏ hỏn được bà mụ trao cho tôi, tôi lại nhẹ nhàng đặt nó lên cánh tay dang rộng của em. Một nụ cười tươi tắn nhất xuất hiện trên khuôn mặt nhợt nhạt nhất từng thấy của em. Đây là một cảnh thật khó tả, dựa lưng vào gối, em nhẹ nhàng ầu ơ đứa bé mắt nhắm chặt kia. Một cảnh thật thanh bình trong nền cảnh bà mụ và Đỗ thái y đang tất bật cầm máu cho em. Nhưng dường như điều đó không còn là vấn đề gì to tát cả đối với em, bây giờ cũng không còn điều gì to tát cả đối với em, em đang nằm đó, vẻ mặt vui sướng, chỉ chăm chăm vào đứa bé. Em bất giác vạch áo cho đứa bé ngậm vào đầu vú mình, nút lấy nút để những tình cảm tích trữ lâu ngày trong lồng ngực.
Mùi máu ngày càng nặng, nỗi sợ hãi mới đó biến mất lại quay về tấn công tôi mạnh hơn bao giờ hết. Tôi quay lại nhìn em, Vi đang chập chờn như muốn ngủ gật, hơi thở bắt đầu nặng nề hơn. Tôi lấy đứa bé trong lòng em ra đưa cho bà mụ để vào nôi, Vi đang dần bị mất ý thức. Tôi lo lắng kêu tên em, lúc đầu thật nhỏ nhẹ, sau dần dần to lên. Tôi lắc lắc đôi vai em, ôm em vào lòng, quay mặt em gần mặt tôi, gào tên em lên. Đỗ thái y đã sớm lắc đầu, tôi vẫn đang yêu cầu ông ta làm gì đi chứ, bà mụ quay đi, lén chấm những giọt nước mắt. Hơi thở của em đang nhẹ dần. Bàn tay em mới lúc nãy còn nóng rực đầy mồ hôi, giờ đang từ từ lạnh đi trong tay tôi. Không những bàn tay, cả người em tựa vào tôi cũng vậy.
Tôi vội ôm em chặt hơn, miệng gào lên trong tuyệt vọng sai ai đó mang lò sưởi vào. Tôi cố gắng làm mọi sức giữ hơi ấm cho em, nhưng cái không khí mùa hè này đột nhiên trở lạnh, lại lấy đi hết của em. Tôi vẫn cứ tiếp tục ôm ấp em, trong đầu hoang mang không biết em đã trút hơi thở cuối cùng tựa lúc nào. Hơi thở em chắc phải nhẹ lắm, vì tôi không nghe thấy bất cứ tiếng động nào cả, em thật đúng là con gái tướng quân, chịu biết bao nhiêu đau đớn, qua biết bao chướng ngại mà vẫn nhẹ nhàng, không chút thở dài. Không như tôi, một con người, hở chút là muốn khóc.
Tôi vẫn ôm em, không biết bao lâu rồi, người cứng đờ, mong hơi ấm của tôi lan tỏa, sẽ thay đổi vận mệnh của em, sẽ khiến em tỉnh lại mà không thấy lạnh. Một đôi bàn tay thật mạnh thô bạo đang cố gắng gỡ từng ngón tay của tôi ra, tách tôi ra khỏi em. Tôi không muốn, tôi cố níu kéo, tôi quay nhìn người lỗ mãng kia, là hắn – Phi Lộ. Mắt tôi căm hờn nhìn hắn, bất kể trước đây tôi đã làm gì có lỗi với hắn hay không, hắn không được quyền tách tôi ra khỏi Vi. Bà mụ cùng Đỗ thái y cũng đang giúp hắn, bọn họ cũng đang muốn tách em ra khỏi tôi. Tại sao? Tại sao? Tôi đã làm gì có lỗi với họ luôn chăng?
Hắn ôm ngược tôi vào lòng, bất kể tôi giãy dụa, bế tôi đi ra khỏi phòng em. Tôi bất kể đau tay vẫn đánh thật mạnh vào thân thể rắn chắc của hắn, hắn không lay động, vẫn chầm chậm bước đi. Hắn đặt tôi vào giường của mình, tôi lại chồm tới chực chạy, hắn ôm chặt tôi vào lòng, cản lại. Chặt đến mức tôi không giãy dụa gì được, chặt đến mức tôi đau đớn muốn khóc lên, chặt đến mức nước mắt bị ép chảy ra ngoài. Tôi chợt không còn sức lực mà giãy dụa nữa, tôi đã đầu hàng. Hắn thả lỏng người ôm tôi, nới tay ra một chút, tay nhẹ nhàng vỗ về tôi. Hắn không nói gì cả, không nói điều vô ích chính là phương châm của hắn. Hắn vẫn cứ vỗ về, tay nhẹ nhẹ đập đều đều lên lưng tôi.
Nước mắt chảy dài thêm, tôi bây giờ đã chấp nhận sự thật, em đã đi. Tôi gào lên: “Không!!!!”, nước mắt đua nhau tuôn chảy. Tôi chợt cảm thấy căm ghét em, chính em đã vì một chút vui sướng trong lòng mà khiến tôi lại ra như thế này. Em thật ích kỉ, thật đáng ghét, cứ khăng khăng đòi làm theo ý của mình. Em có bao giờ quan tâm đến tôi chăng? Người chị duy nhất này của em? Trong lòng em chỉ có cậu ấm kia. Không biết cậu ta gieo bùa chú gì vào đầu con bé thơ dại mà khiến em trở nên lì lợm thế? Trong lòng em cũng chỉ có đứa con gái của mình, dành hết cả cuộc đời chưa hề đạt đến tuổi nở hoa của mình chỉ để cho con bé. Tôi ghét nó, tôi hận nó, như một người bị loại khỏi cuộc chơi, tấm tức khóc một mình. Tôi còn khóc thêm, to dần lên, như một đứa trẻ be be vòi mẹ mua quà. Hắn đã thả người tôi ra, ngồi bên cạnh, đặt tôi vào lòng mà khuyến khích khóc cho đã đi.
Rồi tôi nhớ đến dáng vẻ của nó, cao gầy, khuôn mặt xinh xinh luôn cố gắng tươi cười để làm vừa lòng tôi mặc dù trong lòng luôn canh cánh lo cho ai khác. Một nỗi chua xót hiện lên khi tôi nhớ lại dáng vẻ ngồi một mình của nó, một dáng vẻ thật cô đơn. Là tôi cũng chưa hoàn toàn hết sức bù đắp cho nó. Nấc lên từng tiếng, tôi như muốn dụi vào người bên cạnh là hắn. Bất kể tôi luôn dè chừng hắn là người của hoàng thượng, bất kể tôi luôn tội lỗi vì đã bỏ người xưa giống hắn như tạc. Bây giờ tôi không còn có cảm giác gì hơn là nghẹn ngào, và tôi bất kể mình không có lễ nghĩa gì, tôi mừng là hắn có ở đây, tôi mừng là có một bờ vai cho tôi dựa vào.