Ô cửa nhỏ màu trắng- Chương 11-12

Chương 11

Uy vũ ngắm bàn tay run rẩy − như tập trung tất cả các giác quan − đang tì trên mặt đá lạnh lẽo. Những ngón thon gầy lướt từ mái tóc, vầng trán, gương mặt đến đôi mắt, sóng mũi rồi dừng lại ở môi Nhật Văn, miết nhè nhẹ. Cử chỉ thân mật, dịu dàng, âu yếm khiến tim anh đập thình thịch vì linh cảm. Uy Vũ phân vân, nửa muốn quay đi, nửa muốn đứng yên. Gió thổi qua hàng cây. Tia nắng quái hiếm hoi chiều tà lọt qua kẽ lá in bóng anh xuống mặt đá, khẽ lay động. Bàn tay từ từ rơi xuống, cô đứng lên.
Uy Vũ nhận ra người phụ nữ này. Hôm đưa Nhật Văn đến đây, cô đứng ở góc kia. Lúc anh đỡ lấy thân hình mềm oặt của mẹ, cô cũng chao đi như chiếc lá. Ra về, Uy Vũ có ý tìm nhưng không thấy cô trong số những người đưa tiễn.
Uy Vũ nhìn đôi mắt chứa cơn bão nội tâm dữ dội trái ngược với hàng mi rũ xuống, mềm như tơ lặng gió càng tin chắc đây đúng là cô gái hôm nọ. Nam Giao hấp tấp quay đi.
− Xin lỗi, tôi không nhận ra có anh đến. Tôi đi ngay bây giờ.
Vẻ sợ hãi của cô khiến Uy Vũ ngờ vực.
− Khoan đã, tôi đã gặp em rồi phải không?
− ............
− Em là bạn của Nhật Văn à?
Nghĩa trang vắng lặng. Chiều xuống đỏ lừ đến cây cũng bị nhuộm thẳm thế mà gương mặt cô gái vẫn nhợt. Uy Vũ van nài trong tâm trí “Nói cho anh biết đi Văn. Có phải là cô ấy không?”. Nam Giao quay mặt đi, không dám nhìn nét giễu cợt của người trong ảnh, khác xa nụ cười thân thiện dễ mến khi lướt qua cô. Em ơi, mở đèn đi.
Nam Giao cắn môi. Dù Nhã Ca thuyết phục hết lời, cô vẫn đến nhà Văn. Để rồi ngây dại nhìn tấm ảnh phóng to, soi từng đường nét trên gương mặt mà nụ cười đọng mãi trong cô. Tim Nam Giao se thắt, anh trẻ quá. Giá anh cứ vụt qua cô như những người khác. Hôm ấy, trời giông gió mù mịt. Ai nấy đều vội vã. Cả anh cũng thế. Cô nhớ, anh đã phóng rất nhanh. Nam Giao vuốt mặt. Tại cô. Nếu cô về nhà ngay... nếu cô không nổi cơn điên... nếu cô mở đèn xe... nếu cô không lơ đãng... và nếu không chạy chậm lại để nhắc Nam Giao lần thứ hai có lẽ anh vượt qua được khoảng khắc ấy. Hàng trăm ước muốn bắt đầu bằng nếu như lưỡi khoan nhọn xoáy vào cô những vòng sâu hoắm. Nhật Văn − Nam Giao đọc tên anh với cảm giác lạ lùng.
Chân mày rậm, nét cười không ở trên môi mà đọng trong đôi mắt sáng. Cả tâm hồn hiện diện trong đôi mắt. Chỉ 1 giây trước khoảnh khắc nghiệt ngã, anh đã mỉm cười với cô “Em ơi, mở đèn đi”. Nụ cười chưa tắt nhưng thân xác đã gục xuống bởi tích tắc của định mệnh.
Dòng người nối đuôi nhau, lặng lẽ. Nam Giao thu mình vào một góc lắng nghe những mẩu chuyện về anh được kể bằng giọng bùi ngùi, thương cảm. Kỷ niệm về người chết thường là những kỷ nịêm đẹp, những đức tính tốt. Anh trong câu chuyện của họ là người nhiệt tình, tận tụy, hay quan tâm, giúp đỡ. Với cô, giá không như thế lại tốt hơn. Nam Giao lần lượt chứng kiến những bàng hoàng, tiếc thương, đau đớn nhưng không ai mạng tâm trạng giống cô. Cuối cùng thu hết can đảm Nam Giao bước vào, hướng về anh. Đôi mắt người trong ảnh thoáng cười, độ lượng như cây cao bóng cả nghiêng xuống mặt đất tầm thường “Em đấy à?”. Hệt con chim trúng bão, hốt hoảng tìm chỗ tránh, Nam Giao muốn vùng chạy nhưng chân bị đóng cứng xuống đất. Nhũn người trong cảm giác yếu đuối, sợ hãi cô cúi mặt nghẹn ngào “Xin anh tha lỗi cho tôi”. Ai đó đứng cạnh đỡ lấy Nam Giao “Cô ơi, cô có sao không?”
Giờ người thanh niên cũng hốt hoảng:
− Này em, em có sao không vậy?
Cố hết sức để dằn cơn hoảng loạn tràn ngập trong lòng, Nam Giao nắm chặt đôi tay. Những ngón gầy guộc, trắng bệt đan vào nhau dù chông chênh vẫn tạo thành điểm tựa. Chúng như lực hút của địa cầu giữ lấy cô, giúp cô đứng thẳng. Rời lực hút đó ra Nam Giao sẽ trở thành không trọng lượng. Lúc này, tia hi vọng mỏng manh lại khuấy động trong anh những vòng tròn linh cảm. Văn ơi, là cô ấy phải không? Nhất định là cô ấy. Bước đến gần, Uy Vũ thận trọng gỡ từng ngón tay lạnh buốt. Tội nghiệp cô. Tội nghiệp em trai anh. Chuyện tử sinh sao oan nghiệt và suồng sã quá. Đôi mắt lạc lõng, bơ vơ của Nam Giao khiến anh thương xót. Giọng Uy Vũ khẽ khàng như van xin điều gì cho bản thân anh: 
− Em là cô ấy phải không?
Như người bị tuyên án, Nam Giao nhìn anh, cả ánh mắt cũng run rẩy:
− Là lỗi của tôi.
Anh siết lấy tay cô. Giọng vỡ ra:
− Chúng tôi tìm em khắp nơi.
Cơn ác mộng bóp nghẹt tim Nam Giao. Không còn chút sức lực nào để chống trả hay chịu đựng thêm, cô buông xuôi. Nguyền rủa? Căm thù? Oán hận? Thậm chí bị giết chết vẫn còn hơn thế này. Nam Giao cúi xuống, nghẹn ngào:
− Tôi không hề cố ý. Xin tha lỗi cho tôi.
Anh lắc đầu, chầm chậm:
− Không phải lỗi của em.
Vẫn nắm chặt tay cô, Uy Vũ nghiêng người đặt bó hoa trước ảnh Nhật Văn. Hai màu đỏ, trắng để cạnh nhau tạo thành sự kết hợp lý tưởng. Gương mặt hiền lành của em trai anh ánh lên nét mãn nguyện. Trong suy nghĩ, Uy Vũ thấy mình bước đến, cốc vào đầu như những lần nó đến cầu cứu anh. Được rồi, để đó cho anh. Xưa nay, Uy Vũ vẫn quan tâm đến Nhật Văn nhưng không bao giờ làm việc này một cách phô trương, cố ý hoặc đi quá mức bình thường của một người anh vì làm thế chắc chắn sẽ tổn thương đến lòng tự trọng của một người sớm ý thức tự lập và trách nhiệm như Văn. Miên man suy nghĩ, anh không nhận ra người phụ nữ đứng cạnh đang run lên. Mặt đất dưới chân bắt đầu xoay khi cảm giác kinh hoàng từ hai màu đỏ trắng đổ ụp xuống, phủ lấy Nam Giao, vẫn y nguyên như buổi tối định mệnh ấy. Màu của những cánh hoa này sau khi nhuộm bàn tay cô đã loang ướt chiếc che mặt trắng của Nhật Văn. Nhắm nghiền mắt, Nam Giao lại nghe thấy tiếng lao xao của đám đông, tiếng tắc lưỡi thương xót, tiếng còi xe. Âm thanh vật vã bên tai... và vượt lên trên hết vẫn là “Em ơi, mở đèn đi”. Mặt xám ngoét, cô bám lấy tay của người đàn ông bên cạnh. Anh cúi xuống:
− Gió lớn quá. Muộn rồi, chúng ta về thôi, em. 
Ma lực từ giọng nói kéo Nam Giao đi. Ánh mắt Nhật Văn đầy vẻ đồng lõa. Cô lắc đầu “Tôi không giữ bí mật này nữa”. Nụ cười trong ảnh chuyển thành ngờ vực “Thật không? Nó giúp được gì cho họ?”. Nam Giao nghe lời thì thầm của chính mình “Ít ra người thân cũng được an ủi vì việc tốt cuối cùng anh làm cho cuộc đời này”− “Không đâu, việc tôi làm cho em cỏn con thôi nhưng tiếc là tôi không gặp may. Thật ra em muốn dung bí mật này để đổi lấy lương tâm yên ổn nhưng tôi không chắc em sẽ nhận được điều em muốn”− “Dù thế nào đi nữa, tôi vẫn làm”. Nam Giao khẳng định. Quyết định của cô lớn theo mỗi bước chân, cứ như chiều tà dần và không ai ngăn nổi mặt trời lặn. Họ vẫn đi cạnh nhau. Bóng đổ dài như hai vệt thẳng song song. 
Mỗi khi nhớ lại, Nam Giao không hiểu sai mình lại can đảm đến thế. Không phải can đảm, không phải vì anh không cho cô cơ hội thoái thoát, chỉ vì cô không đủ sức từ chối, không can đảm từ chối.
− Tôi đưa em về nhà. Mẹ tôi mong gặp được em.
Ánh mắt của người giúp việc cũng lạ lùng khi gặp Nam Giao. Dường như sự hiện diện của cô đã ở đó trước cả cô.
− Mẹ tôi thế nào?
− Bà vừa thức dậy.
− Em vào đây.
Tay người đàn ông nắm chặt như sợ cô biến mất. Cảm giác sẽ đối diện với 1 phiên tòa khiến Nam Giao sợ hãi. Một cách vô thức, cô trì lại, rất nhanh, những ngón tay lập tức lơi ra, bóp nhè nhẹ như động viên. Cửa phòng mở hé, người phụ nữ ngẩng lên nhìn cô. Cái nhìn chuyển từ Uy Vũ sang Nam Giao, vụt trân trối. Giọt nước lớn dần lên nhưng không rơi xuống khiến đôi mắt bà long lanh như vòng tròn sóng chao trên mặt hồ. Nam Giao bối rối đứng yên.
− Cháu đến đây.
Giọng nói nhẹ nhàng, yếu ớt thít nghẹt trái tim Nam Giao. Chắc chắn mẹ cô đã tha lỗi cho gã say rượu như người phụ nữ mất con này tha lỗi cho cô. Nam Giao bước đến gần. Giọt nước trong mắt bà rơi xuống cùng lúc với giọng vỡ òa của cô gái.
− Con xin lỗi bác.
Vòng tay bao dung, ấm áp của người mẹ bất hạnh vòng qua Nam Giao, vỗ nhè nhẹ vào lưng. Uy Vũ nhìn thấy vẻ kỳ lạ trong mắt cô gái loãng dần. Thoáng nhẹ nhàng, thanh thản xua đi cái u uất, nặng nề chỉ 1 giây trước còn nén chặt trong ấy. 
− Tội nghiệp. Giờ cháu sống thế nào? Lẽ ra chúng tôi phải tìm ra cháu sớm hơn.
− .............
− Cháu tên gì nhỉ? Bác xin lỗi. Bác đã không hỏi tên cháu.
− Dạ, con tên Nam Giao.
Người phụ nữ lẩm bẩm:
− Nam Giao... Nam Giao... bác không nhớ rõ. Lần trò chuyện sau cùng của chúng tôi, Nhật Văn có nói đến cháu. Đó là lần duy nhất nhưng tôi không chấp nhận. Cháu đừng giận, không phải tôi phản đối nhưng đột ngột quá khiến tôi... − Bà nấc nghẹn − Chắc Nhật Văn đã nói với cháu, thật lòng tôi không phản đối nhưng trước giờ nó rất ngoan, sống có trách nhiệm. Vì sống có trách nhiệm nên tôi biết nó chỉ thông báo thôi, phần quyết định nó đã quyết định rồi. Chỉ vì cái ích kỷ của người mẹ muốn giữ quyền sinh, quyền sát nên tôi phản đối. Đó chỉ là phản ứng tức thời. Lẽ ra tôi... tôi nên... Tôi nghĩ Nhật Văn hiểu. Nó không oán hận mẹ, nhưng tôi sợ suốt đời tôi không có cơ hội... − Đau khổ đang nhấn chìm người phụ nữ này và cô gái là chiếc phao cứu hộ. Bà cuống cuồng níu lấy Nam Giao− Giờ có cháu. Cháu chính là người cho tôi cơ hội đó.
Có chiếc lồng nào sập xuống Nam Giao. Họ không biết cô, hoàn toàn không biết cô. Họ đang nhầm lẫn cô với người nào đấy. Đầu óc mù mờ nhưng Nam Giao vẫn đoán ra, đó là người phụ nữ của Nhật Văn. Nam Giao lấp bấp:
− Cháu... Cháu... 
− Xin đừng từ chối chúng tôi. Hãy để chúng tôi thay Nhật Văn chăm sóc cháu.

Chương 12

Gương mặt mẹ hiện ra, vằng vặc trong trí nhớ. “Đây là bạn của anh Phương Đàn. Anh ấy đến thăm và mang quà anh Đàn gửi cho mẹ. Anh con vẫn khoẻ mẹ à”. Hạnh phúc đẩy lùi đau đớn. Mẹ cười. Nụ cười âu yến, ngọt ngào dành cho đứa con ở xa dù bệnh tật hành hạ, bào mòn cả thể xác vẫn không dập tắt được. Lúc ấy nỗi xót xa luồn vào tận cùng những ngõ ngách nhưng nét cảm thông, thương xót, khích lệ từ ánh mắt Trung Dũng an ủi Nam Giao phần nào. Dù sao đó vai diễn kéo dài và nhàm chán nên chưa đến cuối cùng anh đã bỏ cuộc.
Giờ đối diện với Nam Giao là gương mặt đau khổ, ân hận cùng vòng tay ôm riết của người mẹ mất con cộng thêm vẻ chờ đợi của người đàn ông như chỉ cần cô gật đầu ưng thuận là mọi đau khổ trên đời này chấm dứt. Tất cả diễn ra trong im lặng nhưng hiệu nghiệm hơn mọi lời thuyết phục. Người đàn ông bước đến gỡ tay mẹ, dỗ dành:
− Mẹ đừng lo. Nam Giao đã hứa với con rồi.
− Phải vậy không con? Phải không con?
Trong đơn độc, Nam Giao nhận lấy vai diễn của mình. Con đường phía trước hiện ra dài hun hút, quanh co như đi trong lòng ống dẫn đến một nơi nào khác. Cố nuốt khan những cơn nghẹn trào từ ngực chèn kín cổ, cô nói một cách tuyệt vọng, nghe giọng mình vỡ vụn như của người nào khác.
− Dạ.
− Cảm ơn con. Bác cảm ơn con nhiều lắm.
Như người nói mê, giọng bà ríu vào nhau. Uy Vũ nhìn cô gái thu người trong lòng mẹ anh − mảnh như sợi tơ. Không phải để được bảo vệ, được chở che mà vì vòng tay. Như thể chạm vào người sẽ làm cô đau đớn. Bóng mờ màu xám nhạt phủ lên đôi mắt đen mềm. Nụ cười… cảm giác như cô dốc cả lòng để chỉ phung phí một nụ cười vì ánh mắt thăm thẳm kia u uẩn một cách kỳ lạ. 

o0o

Phong Châu nhìn vào kính chiếu hậu. Vẫn gương mặt ấy − đã qua mấy con đường − lặp lại hành động của anh như cái máy: chậm, nhanh, dừng… Đột ngột Phong Châu cho xe quay ngoắt lại. Cô gái giật mình, loạng choạng.
− Tại sao cô đi theo tôi?
Mái tóc rối tung khẽ lắc, cô gái yếu ớt phủ nhận:
− Tôi không có.
Phong Châu chậm rãi:
− Tôi biết cô đã theo tôi đoạn đường khá dài. Có việc gì không? Cô nói đi, tôi nghe − Anh xua tay − Nhưng nói xong rồi thì đừng theo tôi nữa nhé. Nguy hiểm lắm. Tôi đã chạy khá chậm đấy. Nếu tôi đi với tốc độ bình thường cô cũng không đuổi kịp đâu.
Chắc người đàn ông đã trông thấy cô vất vả lao qua mấy cái ngã tư thế nào để không lạc mất anh. Cô ấp úng:
− Tôi muốn biết nhà anh.
Kinh nghiệm thường giúp Phong Châu nhận diện, đánh giá được người tiếp xúc một cách nhanh chóng và khá chính xác nhưng cô gái trước mặt có vẻ gì rất khó đoán. Phong Châu quan sát. Mảnh mai đến tiều tuỵ, mái tóc bị gió thổi tung, đôi tay gầy với những ngón thon dài không sơn, da trắng xanh nhưng không phải cái nhợt nhạt của làn da quen son phấn. Trông cô như đứa trẻ lạc đường đang tìm sự giúp đỡ.
− Tôi muốn biết nhà anh. Tôi chỉ theo anh về đến nhà thôi.
Lần này thì sai bét. Phong Châu lắc đầu, ngao ngán. Sao cô lại chọn công việc này? Nếu bật thành câu hỏi, chắc chắn anh sẽ nghe được bài hát khác lời nhưng công thức y chang nhau − nghèo nàn và thiếu sáng tạo. Đại loại nhà em nghèo, mẹ em chết, ba em bệnh nan y, em út đông… Những cái lý lịch não lòng nghe rất thật. Thật đến nỗi đôi khi tác giả lầm tưởng đó là cuộc đời thật của chính mình.
Anh thấy tiếc cho cô. Như thế này thì thánh cũng làm giả được.
− Tôi không có nhu cầu.
Cô đứng yên như không hiểu, Phong Châu nói thêm:
− Thật đấy, tôi không có nhu cầu. Chỉ mất thời gian của cô thôi.
− Tôi không sợ mất thời gian. Tôi muốn trông thấy anh an toàn về đến nhà. − Ngừng một lúc, cô nói thêm − Tôi không làm hại anh đâu, tôi hứa.
Lúc này thì cô có vẻ mặt của người điên muốn chứng tỏ mình… điên. Phong Châu phì cười. Ở đời phải biết bỏ chạy và có khi bỏ chạy đúng lúc còn được xem là bậc thức thời. Việc mình cần làm lúc này là dĩ đào vi thượng.
− Không ai làm hại được tôi cả. Giờ cô về nhà đi. Nhà cô ở đâu?
Nhìn gương mặt ngây ngây của người đối diện, anh chắc lưỡi:
− Tôi sẽ đưa cô về nhà. Nào!
Cô vội vã lắc đầu, gần như sợ hãi:
− Không… không cần đâu. Anh về đi. Cho tôi số điện thoại của anh là đủ rồi − Cô xoa mặt − … chỉ để tôi chắc chắn anh đã về đến nhà thôi. Tôi không làm phiền anh đâu.
Phong Châu nheo mắt, lạ lùng:
− Cô có nhầm lẫn tôi với ai không? Tôi không phải là diễn viên X, ca sĩ Y, đạo diễn Z đâu. Tôi không mang theo ảnh và không tặng chữ ký.
Cô nói nhỏ:
− Tôi không nhầm lẫn. Có thể anh thấy việc này rất kỳ dị nhưng mà tôi…
− Việc tôi về đến nhà an toàn quan trọng với cô đến thế sao?
Xác nhận bằng cái gật đầu mạnh mẽ và cương quyết, có vẻ như cô sẵn sàng đứng cả đêm để đôi co. Nhìn đồng hồ, Phong Châu lắc đầu:
− Về nhà đi cô bé.
− Nhưng…
Kiên nhẫn bị đẩy lùi về số 0, anh xua tay chịu thua:
− Thôi được, tôi sẽ gọi điện cho cô để… để làm gì nhỉ?
− … để tôi biết anh đã về nhà an toàn.
Cho tay vào túi áo, Phong Châu lôi ra mảnh giấy:
− Được rồi. Ghi số điện thoại của cô vào đây.
Cái nhìn dán vào anh như đo lường sự thành thật rồi cúi xuống cắm cúi viết. Phong Châu ngán ngẩm, sao mình lại dính vào chuyện ngớ ngẩn này nhỉ? Nhét bừa vào túi, anh khoát tay:
− Xong rồi. Giờ cô về đi. Đừng theo tôi nữa nhé.
Cô gái nhìn ngực áo Phong Châu, ngần ngại. Chứng tỏ hành động qua loa vừa rồi không qua được mắt cô. Phong Châu thở hắt ra. Đi rong rong thế này chắc không đến nỗi điên, có thể tự về nhà được. Rút mảnh giấy khỏi túi, à không, ngờ nhìn kỹ Phong Châu mới biết nó là namecard của chính anh. May mà không trao nó cho cô. Một cách cường điệu, Phong Châu cẩn thận đặt vào ngăn nhỏ.
− Ok. Tôi sẽ để nó ở đây. Giờ cô an tâm rồi chứ? Thôi, về đi nhé.
Lần này giọng chân thành của cô lại không có vẻ gì là điên cả:
− Có thật là anh sẽ gọi cho tôi không?
− Thật chứ. Tôi hứa.
− Anh không hiểu điều này đối với tôi quan trọng thế nào đâu. Anh nhớ nhé. Cảm ơn anh rất nhiều.
Phong Châu đứng yên chờ cô gái đi khỏi.
Nam Giao đợi cả đêm nhưng anh không gọi.