Em lớn lên rồi. Ta sao?
1. Gặp lại trò sau 2 tháng hè, ta thấy trò lớn lên hẳn. Ta lại nhớ tới bài tập đọc của các em lớp một: Năm nay em lớn lên rồi/ Không còn nhỏ xíu như hồi lên năm/ Nhìn trời, trời bớt xa xăm / Nhìn sao sao cách ngang tầm cánh tay. Trò, cùng với bao bạn bè, sẽ trở thành một lực lượng xã hội hùng mạnh, kế thừa. Khi mình lớn, trời đất cũng bớt cao, các ngôi sao cũng nhỏ lại.
2. Trong nỗi vui mong con khôn lớn từng ngày, trò có thấy nỗi ái ngại của mẹ cha khi chưa kịp đổi cho trò một bộ quần áo giờ đã ngắn cũn?
3. Trò có thấy nỗi ái ngại trong mắt thầy khi bàn ghế chưa kịp đóng mới? Khi chỗ ngồi giờ cũng trở nên chật chội theo những cô cậu đã lớn lên. Trò có thấy nỗi ái ngại trong mắt thầy khi chương trình giáo dục chưa được mạch lạc, hiệu quả, để cho hôm nay, dù chưa đến ngày khai trường nhưng trò đã phải đi học lại, đã phải tất tả đem mùa thu về trong mùa hạ?
4. Trò có nhìn thấy nỗi ái ngại trong mắt thầy khi hệ thống giáo dục chưa ưu việt, để mẹ cha phải băn khoăn chọn trường chọn lớp? Khi những cuốn sách, những bài học cải cách có thực sự có ích cho chính tương lai của các em hay là có ích cho hiện tại của một ai khác?
5. Trò có nhìn thấy nỗi ái ngại trong mắt người lớn khi trò lớn lên mà đất đai thì hẹp lại, đường sá không còn chỗ chen chân cho người sau? Những con đường thì đầy bụi khói, những cánh đồng xanh không còn, phù sa không còn, những cánh rừng cạn kiệt, những con thú còn lại bỏ ta đi…Trẻ em Nhật 4 tuổi có thể một mình đi ra phố mua đồ giúp mẹ và để chứng tỏ con đã lớn khôn, nhưng ở Việt Nam như thế là vi phạm luật pháp. Trẻ em Việt Nam dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị phải có người dắt tay, theo Điều 30 Bộ luật Giao thông đường bộ. Luật pháp bảo hộ các em bởi vì đường phố bề bộn chưa thực sự dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.
6. Phố phường phồn hoa, phát triển. Nhưng ta đang đi vay tiền. Em có đọc thấy không nỗi ái ngại trong mắt người lớn khi người lớn đang tiêu đi những khoản tiền của các em sẽ kiếm được trong tương lai?
7. Em lớn lên, là niềm vui trong mỗi gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng vẫn còn đó là những âu lo nếu gia đình, nhà trường và xã hội chưa kịp chuẩn bị vị thế cho em. Do đó mà em đã có thể nhìn thấy, đọc thấy đôi điều ái ngại. Trẻ em có quyền tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến- theo Bộ luật Bảo vệ, Chăm sóc và giáo dục trẻ em. Có thể trò chưa nói ra nhưng người lớn cũng đã thấy trách nhiệm của mình. Vì có lẽ nào các em thì lớn lên còn ta lại lớn xuống?
Nỗi niềm áy náy này như một lời tạ lỗi trước các em.