Giá trị của khoảng trống
Hẳn em cũng biết thừa rằng nhiều khi khoảng trống chẳng phải là vô nghĩa. Khoảng trống giúp em nhận biết âm tố này với âm tố kia, âm tiết này với âm tiết nọ. Khoảng trống đôi khi còn có cả tên gọi. Ví dụ như trong tiếng Việt có 5 thành phần âm vị trong một âm tiết. Vì một lẽ nào đó mà “sún” mất một âm vì thì âm vị bị “sún” đó vẫn có tên hẳn hoi : Âm vị zêrô, bởi chàng “sún” - khoảng trống – này đâu có hữu danh vô thực. Dẫu không có mặt nhưng hắn ta vẫn đang “làm nhiệm vụ” hẳn hoi, đó là nhiệm vụ phân biệt nghĩa của tiếng này với tiếng khác. Chẳng hạn với âm tiết HOA. Dẫu nó không có phụ âm cuối nhưng vẫn coi như tồn tại âm vị zêrô bởi chính khoảng trống zêrô này cho phép ta nhận diện ra âm tiết HOA mà không phải là HOAN hay HOANG nào khác…
Và cứ như vậy khoảng trống cũng góp cho đời những giá trị nếu em chịu khó “trò chuyện” cùng nó.
Khoảng trống của hàng cây cho em biết nâng niu bóng mát.
Khoảng trống của nấm đất nhắc nhở sự hữu hạn của phận người.
Khoảng trống trong thành quách, đền đài cho em ký ức quá khứ.
Khoảng trống trên chiếc ngai vàng cho em cảm phục ý chí của bước chân người, mải miết và mải miết đi, cho đến tận cùng ánh sáng dân chủ, cộng hoà.
Khoảng trống trong nồi cơm gợi nỗi ám ảnh về ngày giáp hạt.
Khoảng trống trong không gian cho người nhìn thấu lên tận các vì sao.
Khoảng trống trên trận địa được viết lên mỗi mét vuông đất hai chữ quý và giá. Quý là hương hoả. Giá là máu xương.
Khoảng trống trong mắt bạn cảnh báo em đã làm điều gì dại dột.
Khoảng trống một chỗ ngồi trong lớp học cho em thương cảm về một giọt mực đã lặng lẽ rơi bên ngoài cửa lớp.
Khoảng trống của chiếc răng cửa trên “hàng tiền đạo” nhắc em kỷ niệm ngày em đi qua thời mẫu giáo và trở thành nàng “sinh viên” lớp một.
Khoảng trống sinh học nhắc nhủ em về một giá trị thiêng liêng chẳng dễ gì bù đắp nổi.
Và hôm nay khoảng trống sân trường có cho em tiếc nuối năm học đã qua cùng bao dự định, khi những chiếc lá vàng ngồi cô đơn trên ghế đá mơ về một ngày trời đất sang thu?