Câu chuyện những ánh lửa

1. Từ trong bóng tối chập choạng của thời tiền sử, một ánh lửa loé lên! Con Người xuất hiện. Chấm dứt một thời đại vượn- người! Từ đó, ánh lửa chiếu sáng, dẫn dắt con người miệt mài đi qua các thời đại văn minh, cho tới ngày nay. Và từ đó, "muôn năm ánh sáng, bóng tối cút đi!" (Puskin). Và kể từ đó, trong ký ức của con người luôn thường trực nỗi sợ hãi bóng tối của buổi hồng hoang ăn sống nuốt tươi khi chưa phát hiện ra lửa. Nỗi sợ đó còn lưu lại trong những câu chuyện đêm 30, đêm tối trời, với chập chờn những bóng ma xuất hiện. Nỗi sợ hãi đó lưu lại trong thế giới trẻ con, sợ bóng tối như là một nỗi ám ảnh bản năng. Trong ánh sáng văn minh tràn ngập ngày nay, thảng hoặc con người thức dậy một nỗi lo sợ vu vơ, "một ngày nào đó, ánh dương sẽ không còn, loài người chìm trong giá băng…"

2. Cho đến cuối thế kỷ 19, thế kỷ của Anđecxen, của con người đã viết  những hoan ca cổ tích vĩ đại về "thắng lợi của ánh sáng trước bóng tối và của trái tim người trước cái ác", những cây thông Giáng sinh giữa đêm đông lạnh luôn được thắp sáng bằng hàng trăm ngọn nến. Những ngọn lửa được giữ suốt tuần lễ từ Noel cho đến ngày đầu năm mới. Lửa được giữ để truyền đi sự ấm áp, và để tri ân con người đã giữ lửa cho đời sau xuyên qua hàng triệu năm. Đầu thế kỷ 20, khi có ánh điện, những cây thông Noel mới thôi được thắp nến và thay bằng hằng trăm bóng đèn điện lấp lánh.

3. Có một câu chuyện về ánh lửa nhỏ nhoi, một câu chuyện cổ Anđecxen viết cho trẻ em, nhưng đủ sức lay động bất cứ trái tim của người lớn nào. Một câu chuyện của mọi thời đại, cho đến chừng nào trái tim con người còn đập. Câu chuyện Em bé bán diêm. Mỗi năm, khi Giáng sinh về, ký ức ấu thơ của ta lại thổn thức về cái chết của em trong lạnh giá, và ám ảnh trong ta một nỗi hối tiếc, ân hận, dẫu rằng chúng ta vô can, nhưng ta lại không thể vô can, chỉ vì chúng ta là con người. Đêm Giáng sinh. Bóng tối. Lạnh lẽo. Tuyết rơi. Em bé chân trần, chân em đỏ ửng lên rồi tím bầm vì rét. Em đi bán diêm. Nhưng suốt ngày chưa bán được bao diêm nào. Tuyết rơi thành từng búp trên mái tóc em. Giáng sinh năm nào em còn ấm áp bên bà nội của em. Giờ đây bà không còn nữa. Em nép mình trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà. Một tạp dề đựng đầy diêm và trên tay còn cầm thêm một bao. Chà, giá em có thể rút một que diêm đánh lửa và hơ tay nhỉ? Sợ cha em đánh chết. Nhưng cuối cùng em cũng đánh liều rút một que. Ôi, ánh sáng mới kỳ diệu làm sao! Hiện ra một lò sưởi ấm áp. Que thứ hai, hiện ra một phòng ăn ấm áp. Que thứ ba, hiện ra một cây thông Noel với hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi. Nhưng hễ diêm tắt thì mọi thứ lại biến mất, trước mắt em lại là bức tường tối tăm lạnh lẽo. Một que diêm tiếp theo, bà em hiện ra. "Bà ơi, cho cháu đi với, cháu biết rằng diêm tắt thì bà cũng biến đi mất như lò sưởi, ngỗng quay và cây thông Noel ban nãy, nhưng bà đừng bỏ cháu ở nơi này." Thế là em cuống cuồng quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao. Bà cầm tay em. Hai bà cháu bay lên, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe doạ họ nữa.

4. Sáng hôm sau, người ta thấy một em bé chết bên góc tường, môi đang cười. Em nằm chết giữa nhiều bao diêm, có một bao đã đốt hết. Người ta nghĩ chắc là em đốt cho ấm. Không ai biết là em đốt để được nhìn thấy bà. Để được kết nối với tình yêu thương của bà. ánh lửa còn có một sự mạng cao cả hơn là sưởi ấm, nó thắp lên yêu thương và hy vọng. ánh sáng đối lập với bóng tối mù loà niềm tin.

5. Bạn đọc Hoa Học Trò thân mến ạ, xoay ngược trái tim của em lên, sẽ có hình ngọn lửa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3