Câu chuyện nhỏ về thẩm mĩ và công năng

1. Ở di tích Đá Chông bên bờ sông Đà (Sơn Tây) có ngôi nhà Bác Hồ làm việc, thời chiến tranh. Kiến trúc theo lối dân tộc- hiện đại, ngôi nhà 2 tầng nhỏ xinh, xung quanh rải sỏi. Những viên sỏi rất đẹp, lớp cuội trắng như những quả trứng chim ở một xứ sở tiên cảnh nào đó. Mỗi khi bước đi, những viên sỏi lạo xạo như chào đón bạn vào nơi thanh tịnh. Du khách ngạc nhiên khi những người trông coi di tích ở đây cho biết, Bác Hồ cho rải sỏi quanh nhà không phải chỉ để cho đẹp. Một là để sân nhà khỏi mọc rêu. (Muốn không mọc rêu thì phải thường xuyên chuyển động!). Hai là để massage chân khi mình bước chân trần lên sỏi. Ba là để cảnh giác thú rừng đột nhập. Và bốn là đề phòng kẻ gian đột nhập. (Vì bước trên sỏi sẽ phát ra tiếng động, thời chiến tranh có nhiều lý do để cảnh giác).

2. Cái đẹp là thẩm mỹ, tác dụng thực tế là công năng. Câu chuyện về những viên sỏi đang nói chuyện với ta về cái đẹp và công năng. Ngày xưa, khi chưa cơ khí hoá, người Việt Nam đi bộ từ Bắc vào Nam. Dọc đường thiên lý, qua truông dài phá rậm vẫn trên đôi chân trần. Ngang qua những truông cát Quảng Bình, Quảng Trị nắng cháy phải chạy thật nhanh. Họ dùng những tấm mo cau, đục lỗ buộc dây xỏ vào ngón chân và gót chân để đi cho khỏi bỏng đôi bàn chân. Về sau thay mo cau bằng vỏ xe đạp hỏng cắt ra. Và từ đó hình thành nên đôi "dép râu" độc đáo mà sau này bộ đội ta thường dùng. Và giờ thì em đã hiểu vì sao đôi "dép râu" còn được gọi là dép Bình Trị Thiên rồi chứ?

3. Giờ đây, những đôi dép đôi giày ngày càng tiện dụng, và đặc biệt là ngày càng đẹp, có thể "nâng niu bàn chân Việt". Nếu như chỉ đẹp nhưng không tiện dụng, không vừa số chân, không "nâng niu" đôi bàn chân em thì em cũng chẳng đi được nào. Như vậy là câu chuyện về những đôi dép lại tiếp tục nói với chúng ta về cái đẹp và công năng. Mỗi sản phẩm phát minh, mỗi công trình kiến trúc đều phải có đủ 2 thành phần này. Thiếu công năng sẽ vô dụng, thiếu thẩm mỹ sẽ không thoả mãn nhu cầu văn hoá - tinh thần của con người ngày càng cao. Cùng với công năng, thẩm mỹ ra đời sau nhưng ngày càng được coi trọng. Thuở còn nghèo khó, cốt là ăn no mặc ấm, người ta hay nhấn mạnh đến công năng, "tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Ngày nay, gỗ cần phải tốt mà nước sơn cũng cần phải tốt. Một chàng trai thông minh học giỏi mà lôi tha lôi thôi, răng đen kịt, mồm hôi người chua thì không thể "đối ngoại" được, lại càng không thể "hội nhập" quốc tế được. Một nhân vật nổi tiếng tiết lộ bí quyết thành công của một doanh nhân thành đạt ngày nay là một hàm răng trắng, thơm tho lịch lãm, ăn mặc sành điệu, khoác chiếc áo vest không thể dưới 3 triệu.

4. Chính vì thế, không chỉ là số đo 3 vòng, không chỉ là nét mặt, mà chính là sự ứng xử tự chủ, ngôn ngữ trí tuệ không thừa không thiếu, không khoe khoang, được làm chủ bởi một đầu óc có bản lĩnh cùng với sự thông minh trong diễn đạt đã làm cho Nguyễn Thị Huyền ở vào một "đẳng cấp" khác hẳn 10 người đẹp còn lại, để rồi xứng đáng đăng quang ngôi Hoa hậu Việt Nam 2004.

5. Trong buổi lễ trao phần thưởng học giỏi quốc tế cho học sinh Việt Nam 2004 vào chiều thứ tư vừa qua, Thủ tướng Phan Văn Khải dặn dò một ý sâu sắc: Có nhiều bạn học giỏi nhưng không thành đạt. Phải biết sống với, sống cùng mọi người. Phấn đấu để được tập thể tôn vinh. Như vậy là bác Thủ tướng đã ân cần nhắc chúng ta về "công năng" đấy! Học giỏi mà không "xài được" tức là thiếu công năng, tức là …"thiểu năng" rồi còn gì!

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3