Lắng nghe nước mắt - Chương 04
Chương 4: Nguyễn Lâm Nguyên
“ Người ta yêu nên mong chiều thứ bẩy
Hoàng hôn về họ lại dẫn nhau đi
Tôi không yêu không thích chiều thứ bẩy
Hoàng hôn về tôi lại thấy cô đơn.”
Nhận được tin nhắn của Lam, Khang cảm thấy trái tim mình không còn trong
lồng ngực. Anh nghỉ sớm, ngồi trước cửa khu nhà Lam làm việc trồng cây si. Vừa
tan làm, thấy Khang lịch lãm, sơ mi trắng quần tây tối màu, ngồi bắt chéo chân
trên chiếc Sh đen nổi bật. Lam đi về phía anh cúi đầu ngại ngùng. Cô vẫn chưa
quen với việc đối mặt cùng anh trong tình huống thế này. Lại nhớ đến những gì
diễn ra trong ngày hôm nay, Lam không khỏi lúng túng. Hai tay Lam đan vào nhau
đầy bối rối. Nhìn cô, giọng Khang khàn đi mang theo chút mê hoặc :
“ Bạn gái anh tan làm rồi à? Anh có thể xin phép em được hộ tống bạn gái anh về
hay không? ”.
Lam vẫn cúi đầu, lí nhí trả lời:
“ Ai thèm làm bạn gái anh chứ. Vừa già, vừa xấu lại còn khó tính.”
Bộ dạng của Lam lúc này chẳng khác nào
con mèo nhỏ đang cố tìm chỗ ẩn mình. Nhưng Khang mặt dày, càng lấn tới:
“ Không thèm làm bạn gái người ta thì thôi. Nhưng người ta cứ thích làm bạn
trai em đấy. Biết làm sao được.”
Chẳng thèm đôi co với Khang, Lam rảo bước đi về phía chiếc Vespa xanh lam của
mình rồi nổ máy, cùng Khang sánh vai rời khỏi cơ quan.Hà Nội, một chiều cuối
xuân, có hai người đã bắt đầu yêu nhau như thế...
Sau này, cuối tuần nào Lam cũng cùng Khang về nhà chào ông và ba mẹ. Lam nấu ăn rất khéo, những món ăn cô nấu như dành riêng cho anh vậy. Cô nói chuyện cũng rất hợp ý ông nội. Có lần đi công tác Hà Giang, cô còn lặn lội tìm cho bằng được chè Tuyết San, mang về pha cho ông nội và ba anh thưởng thức. Khi chia tay rồi ba anh vẫn thường hay nói: “Uống quen trà rồi, giờ tự nhiên phải đổi sang vị khác thật không khác nào một hình thức hành hạ người thưởng trà.”
Anh biết, ba anh có bao ẩn tình trong câu nói ấy. Anh không thích uống
trà, nhưng anh thích cảm giác được ngồi nhìn cô pha trà. Đôi bàn tay búp sen tỉ
mẩn tráng từng chiếc chén đất, rồi lại lượm trà, tráng trà sau đó là các công
đoạn ướp trà và rót trà. Lam từng nói với anh rằng:
“Tình yêu cũng như một ấm trà. Ngụm trà đầu nóng, thơm dìu dịu, để nguội rồi chẳng
còn muốn chạm môi.”
Tất cả chỉ là một chút gì còn sót lại từ một kí ức xa xôi gắn liền với một thời không thể nào quên, người con gái ngày nào nay đã trở thành quá khứ, những yêu thương trở thành hoài niệm, và những nỗi đau rồi cũng sẽ ngủ quên với thời gian.Khi ta nhớ ra mình cần phải quên một cái gì đó, một nơi nào đó, một khoảnh khắc nào đó và một ai đó. Thế là tất nhiên ta lại nhớ về điều đáng lẽ ra phải quên đi thêm một lần nữa. Gom nhiều vô tình Nhớ để chất dồn thành không thể Quên!
................
Tiếng cô y tá đã kéo anh ra khỏi miền ký ức hoang hoải:
“ Ông đã tỉnh lần nào chưa anh? Không được
để ông ngủ nhiều quá, sẽ không tốt cho não.”
Chết thật. Mải nghĩ đâu đâu, ông ngủ lúc nào Khang cũng không hay biết. Khuyến
mại cho cô y tá xinh đẹp một nụ cười rất duyên, Khang đáp lại:
“ Cứ để ông chợp mắt thêm một lúc. Hồi
chiều ông dậy và trò chuyện với tôi chắc có phần mệt mỏi”
Nguyên chẳng thèm để ý những gì Khang nói, cô lại gần bệnh nhân và đo huyết áp
cũng như nhịp tim thêm một lần nữa. Trước khi đóng cửa phòng, cô ngoái lại nói
với Khang:
“ Trời không còn sớm nữa, anh nên chuẩn bị cháo loãng và sữa để ông tỉnh dậy
không bị đói. Tốt nhất trong lúc này đừng trò chuyện nhiều quá, khiến ông mất sức.”
Nói rồi Nguyên đóng cửa phòng lại không kịp nghe tiếng cảm ơn của Khang. Lúc mẹ
anh mang thức ăn vào cho ông thì thấy ông đã tỉnh, tinh thần rất sảng khoái còn
Khang thì nằm sô pha ngủ ngon lành. Không hiểu con trai mình chăm sóc ông nội
kiểu gì nữa. Nghe thấy tiếng mẹ, Khang mới trở mình ngồi dậy nhìn mẹ cười hiền
lành. Sau khi rửa mặt cho tỉnh ngủ, anh ngồi xuống ăn cơm mẹ mang đến.
“ Phải nói là cơm mẹ nấu lúc nào cũng là nhất. Lâu rồi mới được ăn ngon không
cưỡng nổi.”
Bà Vi nhìn anh rồi mắng yêu :
“ Cái thằng chỉ giỏi nịnh. Ăn từ từ thôi. Đợi ông khoẻ, mẹ tìm vợ cho đảm bảo
lúc ấy chẳng còn nhớ được tới cơm mẹ nữa ấy chứ.”
Khang ngừng đũa nhìn mẹ:
“ Có khi nào trên đường tới đây, mẹ lại nhìn trúng con gái nhà ai rồi chứ?”
Bà Vi nheo mắt nhìn Khang cười:
“ Bí mật. Con gái đồng nghiệp của mẹ.
Con bé rất được.”
Không phải lần đầu tiên anh nghe những chuyện này, anh cứ gật đầu cho mẹ và ông hài lòng. Chỉ không ngờ, mẹ anh lại thuộc phe hành động. Nói là làm. Một tuần sau khi ông ra viện, anh bị triệu tập về nhà với lý do họp mặt gia đình.
Tối qua, mẹ gọi sáng nay phải về nhà họp mặt làm Khang không giám ngủ thêm. Anh tỉnh dậy cũng là lúc tám giờ. Vận đồ một cách tuỳ hứng, thoải mái. Vì không tiện cho ô tô di chuyển trên đường phố cổ, nên anh lôi vợ cũ của mình ra chạy. Lâu rồi anh mới dùng tới con Sh một thời gắn bó này. Vừa bước chân vào sân, anh đã thấy ông nội đang tỉa hoa ngoài vườn.
“ Ông hình như có chuyện vui hay sao mà da dẻ tươi tỉnh hơn cả hoa ấy.”
Ông nhìn Khang rồi nâng chiếc kính lão đã trễ lên : “ Bố anh chứ lại. Vào nhà trước đi. Chỉ đợi anh tới thôi đấy.”
Thằng cháu thấy anh về chạy ra ôm chân:
“ Bác Khang, cách đây rất lâu rồi có một
người đàn ông vĩ đại nói với cháu: nếu Bim được nhiều bé ngoan sẽ có máy bay.
Người đó chính là bác đấy ạ. Mẹ cháu bảo, cứ viết những gì thích ra, hôm nay
bác sẽ mua hết”.
Khang ôm thằng cháu lên véo má cưng chiều:
“ Mẹ Bim thật là biết bóc lột bác. Bim tìm nhầm địa chỉ rồi nhá, phải chạy ra
móc ví bố Trường kìa. Mẹ Dung hư quá, toàn dạy Bim cái xấu thôi.”
Vừa ôm cu Bim vào nhà, anh vừa ngạc nhiên thấy mẹ mình hôm nay rất chi
là....lạ.
“ Ba mẹ, con vừa về. Hôm nay mẹ mời cán
bộ cấp cao tới nhà à mà ăn mặc đẹp thế?”
Ba anh đang đọc báo chỉ liếc nhìn anh một cái rồi ừ coi như đáp lời. Em rể anh đang gục đầu vào lap có vẻ như nghiên cứu chứng khoán, về nhà vợ mà cũng không gác việc lại được! Còn em gái anh vừa bê hoa quả ra, vừa nhìn anh nháy mắt:
“ Hôm nay mẹ đi tìm cô Tấm cho anh nên chẳng ăn mặc đẹp thì sao.”
Anh cầm lấy quả táo chưa ráo nước cắn một cách hồn nhiên. Bim nghe thấy mẹ nói tò mò hỏi lại:
“Bà ngoại tìm cô Tấm ở đâu hả mẹ? Con đi cùng được không? ”
Đón con trai vào lòng, Dung dỗ dành : “ Bà ngoại đi bắt bác dâu về chơi với Bim. Thích không? Bim phải ngoan, thì bác Khang mới cho Bim mượn. Không thì ngay cả nhà ông bà ngoại, Bim cũng không được tới nữa.”
Lúc này, Trường mới quay sang vợ và con trai:
“ Bim từ nay chịu khó ăn nhiều vào. Bao giờ lớn, mẹ cũng đi bắt bạn Sún về cho
con chơi. Lúc ấy không cần mượn bác dâu của bác Khang con nữa.”
Bim tròn mắt ồ lên như người lớn: “ À ra thế. Thế thì con chẳng dám mượn. Bác Khang đánh cho hỏng người.”
Cả nhà cùng phá ra cười. Bà Vi
lúc này mới bắt chuyện với con trai:
“ Lát mẹ có hẹn với người bạn cũ, con không bận gì thì đưa mẹ đi. Liệu mà ăn
nói, đừng làm cho con gái nhà người ta chưa kịp bắt về đã chạy mất.”
Bây giờ thì Khang đã hiểu anh được gọi về để đi coi mắt. Tặc lưỡi ăn nốt quả táo dở, nhìn về phía em gái như xin sự trợ giúp. Dung nhún vai tỏ vẻ bó tay như kiểu muốn nhắc nhở anh rằng: “ Anh không vào địa ngục thì ai vào?”
.....................
Nguyên vẫn còn rất mệt, dù công việc đòi hỏi phải trực đêm thường xuyên nhưng cô vẫn không thể nào thích ứng nổi. Huống hồ, hôm nay lại là thứ bẩy. Nhưng chương trình ngủ nướng của cô đã bị gác lại. Tám giờ, mẹ cô đã gõ cửa phòng lôi Nguyên dậy.
“ Dậy nào con, dậy chuẩn bị đi với mẹ”
“ Mẹ. Con mệt lắm. Để chiều đi mẹ. Không thì con dành cả ngày mai cho mẹ được chưa?”
“ Không được. Hôm nay có việc rất quan trọng. Chiều về rồi ngủ tiếp. Mẹ mặc kệ ngày thường con muốn thế nào cũng được. Nhưng hôm nay phải chiều theo ý mẹ.”
Đợi đến lúc Nguyên tỉnh ngủ cũng phải là một tiếng sau, nếu không chắc cô bị mẹ dày vò đến chết mất. Phải nói, hôm nay là một ngày rất đẹp trời, Nguyên vận một chiếc váy xanh kiểu cách đơn giản, áo choàng cách điệu màu nâu sữa, tóc đen buông tự nhiên. Cô trang điểm nhẹ nhàng càng tôn lên khuôn mặt thanh tú. Không biết mẹ định đi đâu nhưng Nguyên cảm thấy hít thở khí trời một ngày nắng đông cuối tuần cũng rất là tuyệt. Tự nhiên cô nhớ tới mấy câu thơ từng đọc được ở đâu đó rồi ngây ngẩn cười:
“ Người ta yêu nên thích chiều thứ bẩy.
Hoàng hôn về họ lại dắt nhau đi.
Tôi không yêu không thích chiều thứ bẩy.
Hoàng hôn về tôi lại thấy cô đơn.”
................
Tách cafe của Khang đã gần vơi nửa. Anh vẫn thản nhiên ngồi cầm điện thoại check face như chẳng hề quan tâm đến chuyện gì sẽ tới, Bà Vi lại không giấu được sự sốt ruột, ngóng về phía cửa. Vừa thấy mẹ con Nguyên đi vào, bà vội kéo tay áo Khang rồi đứng dậy.
“ Hơn một năm rồi không gặp mà nhìn em vẫn như trước, chẳng có thấy già đi gì. Chẳng bù cho chị. ”
“ Chị đến lâu chưa, em xin lỗi để chị và cháu phải đợi. Tại tắc đường ở đoạn Kim Mã.”
Đợi hai người lớn nói xong Nguyên cúi đầu đáp lễ một cách lịch sự: “ Cháu chào bác, chào anh.”
Bà Vi không thôi xuýt xoa trong lòng chỉ trách không bắt cô gái kia về
làm con dâu nhà mình ngay được. Khang rất hiểu ý mẹ mình. Anh cười lịch sự :
“ Cháu chào cô. Nghe mẹ cháu nhắc nhiều về cô mà hôm nay cháu mới có cơ hội được
gặp. Quãng trước nhờ có em nên ông cháu sớm được ra viện. Không nghĩ là lại có
cơ hội được gặp lại thế này.”
Nghe con trai nói vậy, cả hai bà mẹ đều rất vui, kéo nhau ngồi xuống và gọi món rồi bắt đầu đàm đạo chuyện cũ từ thời cổ đến kim. Thỉnh thoảng Khang cũng phụ hoạ theo lời của hai bà. Còn Nguyên từ đầu tới cuối đều cười theo. Cô trong lòng không khỏi ngầm trách mẹ mình. Nếu biết đến đây để làm vật trưng bày thế này thì cô nhất định bằng chết cũng không đi. Chuyện gì thế không biết!
Những chuyện như này với Khang cũng không phải là lần đầu tiên. Anh biết chống đối không bằng tuân lệnh. Cũng chỉ là ăn một bữa cơm thôi mà. Quan sát cô gái trước mặt, anh hiểu cô ta cũng không mặn mà lắm với việc mối mai của hai bà mẹ. Mẹ anh đã tính sai một nước cờ mất rồi. Tiếng chuông điện thoại của Khang đã kéo anh rời bàn ăn sớm hơn là anh tưởng.
“Buổi sáng hôm ấy thấy em chợt khóc
Rồi vội vàng lau thật nhanh nước mắt
Vẫn biết ta đã sai khi gặp nhau
Vì em đã có người yêu..”
Lịch sự đứng dậy: “ Xin lỗi, con xin phép ra ngoài nghe điện thoại.”
“ Alo, Hương à. Anh nghe đây”
“ Anh Khang à. Anh có bận gì không? ”
“ Sao thế em? ”
“Em đang ở làng trẻ, em muốn nhận một đứa bé về nuôi. Nhưng giấy tờ cần đang gặp phải một số vấn đề khó khăn không trong khả năng giải quyết của em. Anh qua giúp em được chứ?”
“ Ok, ok. Em nói địa chỉ đi, anh tới liền.”
Kết thúc cuộc gọi, Khang trở lại bàn ăn nhìn hai bà mẹ và cô gái trẻ đầy
ái ngại:
“ Dạ, xin lỗi mọi người, con có việc không thể làm khác được. Con xin lỗi mạn
phép về trước.”
Chẳng đợi mẹ anh lên tiếng, anh nhìn bà rồi để lại một câu:
“ Lát mẹ đi taxi về nhá. Tối xong việc con sẽ về bên nhà dùng cơm với nội và
ba. Mẹ nhớ nấu cả phần của con nữa đấy.” Nói rồi, anh ra quầy thanh toán trước
và rời khỏi Kim Bạch Vạn.Bà Vi lắc đầu nhìn con trai và quay sang bạn:
“ Chắc là nhiệm vụ không làm khác được. Em và cháu thông cảm. ”
“ Bọn trẻ giờ đều phải lo cho sự nghiệp mà chị. Có chí hướng như cháu Khang thật tốt. Thực ra, cái Nguyên nhà em cũng thường xuyên bị gọi đi bất chợt. Em thấy cháu nhà chị còn trẻmà đã biết nghĩ thật chu đáo. Có một đứa con như thế thật là mở mày, mở mặt.”
Bà Vi xua tay:
“ Ối dào. Nó vẫn còn mải chơi lắm em ạ, bố chồng chị chỉ mong nó biết nghĩ cho
gia đình nhiều hơn một chút. Vợ chồng chị cũng muốn nó thành gia thất để đỡ phải
lo nghĩ nhiều thêm. Nhưng phiền nỗi, thằng bé chẳng có duyên hay sao ấy. Muốn
tìm một cô con dâu mà khó quá. Không biết cháu Nguyên đã có đám nào chưa? Để chị
xin bắt về làm con dâu.”
Nguyên nghe bà Vi nói xong không khỏi lúng túng, ánh mắt tràn đầy sửng sốt.
Mẹ Nguyên thì ngược lại, được lời như mở tấm lòng:
“ Chắc chị nói thế nào chứ, cháu Khang vừa
đẹp trai lại tài giỏi như vậy. Bối cảnh gia đình tốt thế mà thật sự chưa có bạn
gái sao? Haizz. Cái Nguyên nhà em sớm tối chỉ biết đến cái bệnh viện và khu phố
quanh nhà , ngay đến cuối tuần cũng ở lì một chỗ thì lấy đâu ra đám nào chứ.”
Nghe mẹ nói mà mặt Nguyên tái mét, cô cúi thấp đầu xuống gượng cười cho xong chuyện.
Buổi tối, Khang về nhà thấy ba ra hiệu chỉ lên trên phòng. Anh hiểu ý liền đi theo.
Ông Cao Tuấn năm nay ngoài sáu mươi. Bằng tuổi ông, người ta con cháu đầy nhà. Đằng này chỉ có mỗi thằng cháu ngoại tiếng là cùng trong một thành phố nhưng hơn một tháng mới thấy mặt. Thế mới hiểu rằng con gái là con người ta, cháu ngoại là cháu nhà thông gia chứ không phải cháu nhà mình. Đóng cửa phòng lại, ông kêu Khang ngồi xuống.
“ Sức khoẻ ông không phải anh không biết. Ba chẳng nói nhiều với anh làm gì. Anh năm nay cũng gần ba mươi rồi. Công việc cũng coi như là ổn định. Hôm trước chú anh có nói qua về việc đưa anh đi Trung Quốc tập huấn. Nhưng ba bảo cứ để từ từ. Công việc không lúc này thì còn lúc khác, song chuyện cả đời của anh thì đến lúc phải quyết rồi. Tuổi trẻ yêu đương thế nào ba không quản. Nhưng hôn nhân lại là chuyện khác. Ba và mẹ anh chẳng có yêu đến chết đi sống lại mà vẫn đẻ ra anh và em gái anh, sống với nhau cũng hoà bình hơn ba mươi năm rồi đó thôi. Nếu thấy vừa mắt ai thì dẫn về đây để ông vui lòng. Còn nếu không thì chiều ý mẹ một chút. Anh năm bữa, nửa tháng mới đặt chân về đây. Chứ tôi thì ngày nào cũng nghe ông cụ và mẹ anh ca cẩm phát chán lắm rồi.”
Khang lặng im nghe ba mình nói. Hôm nay anh mới hiểu thì ra ba anh cũng có nhiều tâm sự đến thế. Cứ mỗi lần về nhà lại nghe người lớn đề cập đến vấn đề này, bản thân anh cũng thấy vô cùng mệt mỏi. Cứ kéo dài cũng không phải là ý kiến hay. Nhưng biết tìm ai để lấy bây giờ. Không phải cứ muốn lấy vợ là được. Lại nghĩ đến cô y tá sáng nay. Thấy dáng vẻ cúi đầu cười đầy khổ sở của cô ấy, Khang cảm thấy có một chút đồng cảm. Phải chăng gia đình đã vô tình tạo áp lực cho bọn họ quá lớn?
.........................
Một ngày đầy mệt mỏi, trở về căn hộ riêng của mình Khang thấy thoải mái vô cùng. Anh nghĩ đến đứa bé trưa nay Hương nhận nuôi. Trẻ con thật sự rất đáng yêu, nhất là khi nó nằm trong vòng tay anh rồi gọi một tiếng ba nuôi yếu ớt. Cảm giác có con chắc hẳn là vô cùng kỳ diệu? Tự nhiên anh thèm cảm giác có một gia đình, một gia đình của riêng mình. Nhớ đến tờ giấy nhớ mẹ đưa cho anh sau khi dùng bữa tối, Khang mở ra xem. Nét chữ mẹ anh chỉ cần nhìn một cái là có thể nhận ra. “ Nguyễn Lâm Nguyên. Số điện thoại 0912 xxx 268”. Bất giác Khang mỉm cười. Nhập từng chữ số lưu vào danh bạ, sau đó Khang gửi đi một tin nhắn : “ Chào Nguyên. Anh là Khang. Rất xin lỗi vì sáng nay có việc đột xuất. Khi khác, anh có thể mời em dùng cơm được chứ?”
Vừa lau mái tóc còn đang rỏ nước, Nguyên vừa kiểm tra tin nhắn đến. Tưởng tổng đài phát tin khuyến mại. Hoá ra là anh chàng công an buổi sáng. Khang không để lại trong cô nhiều ấn tượng lắm, nói một cách chính xác Nguyên đã quen khép kín lòng mình với chuyện yêu đương. Nhưng dù sao cũng nên lịch sự đáp lại thịnh tình của mĩ nam. Cứ tin nhắn qua lại rồi Nguyên ngủ quên lúc nào chẳng biết. Còn Khang một công đôi việc. Anh vừa nhắn tin vừa vào mạng tích gió thổi bão với mấy đứa em. Rồi ngày mai lại là một ngày mới...
( Còn tiếp)