Anh có thích nước Mỹ không? - Chương 03 part 03
Lần trốn học đầu tiên của Trịnh Vi bắt đầu từ những lời gợi ý của Lão Trương - người được mệnh danh là giang hồ Bạch Hiểu Sinh. Xuất phát từ tâm lý đối phó, sau khi gia nhập câu lạc bộ cờ vây, cô cũng mấy lần đến trung tâm hoạt động của câu lạc bộ. Lần thì đi vào sau khi tan học, lần thì đi lúc không có giờ, bất kể lần nào đến địa điểm tồi tàn đó, cô cũng đều nhìn thấy bóng dáng Lão Trương. Cuối cùng có một lần, không nén nổi tò mò, Trịnh Vi liền nói ra thắc mắc của mình: “Anh Trương, sao lúc nào anh cũng có mặt, anh không đi học à?” Lão Trương cười, điềm nhiên nói: “Cô bé ngốc ngếch thế, em tưởng rằng tất cả mọi người đều như các em tiết nào cũng cắp cặp đi học ư, thà đi làm những việc mình thích còn hơn là để tuổi xuân quý báu trôi qua một cách vô bổ trong những môn học vô vị”. Lúc đó Trịnh Vi thầm nghĩ, thảo nào mọi người đều nói trong câu lạc bộ cờ vây toàn là sinh viên bị đúp mình không thể như thế được.
Cho dù là năm thứ nhất
nhưng chương trình học của sinh viên các nhóm ngành tự nhiên đều đươc xếp khá
nặng, ngoài bốn môn chuyên ngành, còn có các môn chung bắt buộc như ngoại ngữ
và triết học Mác-Lênin, cơ sở pháp luật. Về cơ bản thời khóa biểu ngày nào cũng
được bố trí kín mít, thỉnh thoảng những buổi không có giờ lại phải đối phó với
các bài tập vi phân, tích phân dài lê thê.
Một buổi sáng trời mưa, Trịnh Vi tự cho phép mình được ngủ nướng với lý do đau
đầu để biểu tình việc rời khởi chăn ấm lên lớp đi học. Thấp thỏm một hồi, thấy
hậu quả không những không nghiêm trọng như mình tưởng tượng - thậm chí có thể
nói sau khi không để lại hậu quả gì, cô bắt đầu có những hành động liều lĩnh
hơn, ngoài môn chuyên ngành không dám bỏ học, sợ bỏ sẽ không theo kịp, các môn
học chung bắt buộc, bỏ được đều bỏ. Thời gian đầu cô còn nhờ Nguyễn Nguyễn làm
đơn xin phép nhét cho cán bộ lớp, nhưng sau khi mọi lý do ốm vặt đã sử dụng
hết, ngay cả giấy phép cũng không buồn viết nữa. Sau khi cha mẹ cô mỗi người bỏ
ra nửa tiền mua cho cô một chiếc máy tính, tình trạng này ngày càng nghiêm
trọng hơn, vua trốn học trong phòng chính là cô và Trác Mĩ - người nổi tiếng vì
đức tính ham ngủ lười học, thỉnh thoảng còn có Tiểu Bắc - người cũng dị ứng với
môn triết học Mác-Lênin tham gia, cứ rỗi rãi là mấy người lại thuê về mấy bộ
phim truyền hình mà nghiền ngẫm. Phim Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Mỹ, Đài Loan
rồi phim trong nước, phim nào cũng không chê, có lúc xem quên cả mình là ai,
ngay cả cơm cũng phải nhờ Nguyễn Nguyễn sau khi tan học mua về cho.
Mặc dù Nguyễn Nguyễn không phải tiết học nào cũng chăm chú nghe giảng, nhưng
nguyên tắc của cô là không có chuyện đặc biệt thì không trốn học, cho dù tâm
hồn có treo ngược cành cây, cũng phải tự mình đến tận hiện trường. Như lời cô
nói thì, Trịnh Vi đã bỏ học nhiều như vậy, nếu cô cũng làm như thế thì phòng ký
túc xá của cô vốn là phòng có các sinh viên học ở các khoa khác nhau, khi lớp
có chuyện gì cần thông báo sẽ chẳng ai biết, nếu chẳng may gặp phải hôm điểm
danh, kiểu gì cũng phải có người để đối phó.
Bình thường trên lớp đều do lớp phó phụ trách kỷ luật điểm danh, mặc dù giấy
xin phép mà Nguyễn Nguyễn đưa ra trông lem nhem, tệ hại, nhưng trước ánh mắt
khẩn cầu của nàng hoa khôi, hơn nữa Trịnh Vi cũng được bạn bè trong lớp quý mến
vì tính tình xởi lởi, vô tư nên lớp phó phụ trách kỷ luật cũng nhắm mắt cho
qua, chỉ có điều nếu gặp phải vị giáo sư nào mạnh tay, sự việc sẽ không đơn
giản như thế. Một lần, Trịnh Vi liều mạng bỏ giờ môn xây dựng công trình đại
cương. Thầy giáo dạy môn này là giáo sư Lý - người được mệnh danh là một trong
tam đại sát thủ của khoa Xây dựng; trước khi vào lớp mà vị giáo sư này phát
hiện số chỗ ngồi còn trống vượt quá lim chịu đựng của ông thì sẽ điểm danh rất
cẩn thận, lúc hết tiết ông còn đứng trên bục giảng đập bảng với vẻ đằng đằng
sát khí, “Giờ của tôi mà cũng dám bỏ hả, không biết ông Lý này là ai hả, học kỳ
này nếu hai lần điểm danh không có mặt thì điểm thi cuối kỳ nhất loạt là 0
điểm”.
Những lúc như thế, Trịnh Vi đang ngồi ở ký túc xá xem phim mà nước mắt lưng
tròng; Nguyễn Nguyễn tranh thủ giờ giải lao giữa hai tiết học, hổn hển chạy về
ký túc xá báo tin cho Trịnh Vi. Trịnh Vi lập tức thay ngay quần áo, rồi cùng
Nguyễn Nguyễn lên lớp trước khi và tiết hai. Từ trước đến nay, các môn đều học
liền hai tiết một lần, vừa nhìn thấy giáo sư Lý mặt đằng đàng sát khí, vẻ yếu
ớt của Trịnh Vi lại càng lộ rõ, cô nói: “Em xin lỗi thầy, em bị đau bụng đã hai
ngày nay rồi, vừa nãy em phải nghỉ một tiết của thầy”.
Vẻ ngây thơ, trong sáng đó có lợi như vậy đấy, nhìn ánh mắt ngơ ngác như nai tơ
của Trịnh Vi và vẻ thành khẩn không thể chê vào đâu của Nguyễn Nguyễn đứng bên
cạnh, ngay cả giáo sư Lý đã sống nửa đời người và nổi tiếng vì sự cứng rắn cũng
không khỏi động lòng trắc ẩn, ông xua xua tay và nói một câu: “Các cô đừng có
ăn vặt linh tinh không tốt cho sức khỏe, ảnh hưởng đến học tập, quay về chỗ
ngồi đi, lần này tôi cho qua”. Nghe nói, cách này đã có lần được một sinh viên
nam trong lớp bắt chước, kết quả không những vẫn bị đánh dấu bỏ học, mà còn bị
giáo sư Lý cho một bài ca không quên. Vì thế sinh viên nam đều thầm than thở
rằng tại sao mình không được sinh ra làm kiếp má hồng duyên dáng. Trịnh Vi nghe
thấy liền nói: “Từ trong trứng nước người ta đã được cha mẹ phú cho nét tươi
xinh, biết làm thế nào? Hơn nữa, người đầu tiên áp dụng chiêu bài này là thiên
tài, mà người nào học lỏm đều là ngu tài”.
Điều khiến mọi người ấm ức hơn cả là sau khi biết điểm thi học kỳ, Nguyễn
Nguyễn đứng trong top ba người có điểm cao nhất lớp chẳng nói làm gì, riêng
Trịnh Vi đi học bữa đực bữa cái nhưng môn nào cũng qua. Hôm thi môn triết học
Mác-Lênin, do được ngồi sau Nguyễn Nguyễn nên TV không phải thi lại.
Sống trong môi trường như vậy, Trịnh Vi như cá gặp phải nước, cô cảm thấy tương
lai tựa như một bức tranh sơn thủy theo phương pháp vẩy mực đang từ từ mở ra
trước mắt cô. Tuổi trẻ tuyệt vời biết bao, phía trước vẫn còn rất nhiều điều lý
thú đợi chờ cô khám phá, vẫn còn rất nhiều thời gian để có thể thỏa thích phung
phí, mặc dù đôi lúc nhớ đến Lâm Tĩnh, trong lòng cũng rầu rĩ, nhưng không có gì
có thể ngăn nổi nhịp chân vui vẻ tiến bước của Tiểu Phi Long.