Đức Phật và Nàng p1 - Chương 19 - 20

Chương 19: Tham quan chùa Cakra

 

Tinh mơ hôm sau, tiếng kẹt cửa làm tôi thức giấc. Tôi gắng gượng hé đôi mắt vẫn đang đói ngủ của mình và lơ mơ thấy một bóng dáng cao gầy đang đứng giữa căn phòng ngập ánh sáng.

 

- Ra­ji­va, sao đến sớm vậy…

 

- Tôi… tôi… xin lỗi.

 

Ngược sáng, không thấy rõ biểu cảm trên gương mặt cậu ấy, chỉ nghe trong giọng nói có chút ngượng ngùng. Ra­ji­va vội vã lui ra ngoài, lại một tiếng kẹt cửa trả lại bóng tối cho căn phòng.

 

Tôi nhìn đồng hồ, mới bảy rưỡi sáng. Chết thật, tôi quên mất, ngày nào cậu ấy cũng thức dậy lúc hơn bốn giờ, từ năm giờ đến sáu giờ là thời gi­an tụng kinh buổi sáng, sau đó mới đến bữa sáng. Giờ này, với cậu ấy, đã không còn sớm sủa gì nữa. Nhưng tôi vẫn còn muốn ngủ, lại ngả xuống vớt vát thêm vài phút, sau đó mới uể oải xuống giường.

 

Khoảng chín giờ tôi cùng Ra­ji­va ra khỏi nhà. Thành phố Sub­ash bé nhỏ khi ấy đã tấp nập người qua lại, nhà sư, cư sĩ, thương nhân đủ cả, dòng người đông đúc trên phố xá chật chội. Tôi không muốn Ra­ji­va khó xử, nên ý tứ giữ khoảng cách với cậu ấy. Ra­ji­va đi trước, tôi theo sau, chốc chốc cậu ta lại dừng bước, ngoảnh đầu quan sát, rồi mới đi tiếp.

 

Có vẻ như Ra­ji­va rất được lòng người dân nơi đây. Trên đường đi, hầu hết mọi người đều lại gần chắp tay hành lễ với cậu ấy. Một đôi vợ chồng ẵm theo đứa trẻ sơ sinh đến xin Ra­ji­va cầu phúc. Cậu ấy xoa đầu em bé, lầm rầm đọc một đoạn kinh văn. Vợ chồng nọ vui mừng khôn tả, chắp tay tạ ơn, vẻ mặt hân hoan, mãn nguyện khi ra về. Ra­ji­va quay lại nhìn tôi cười rạng rỡ, rồi tiếp tục bước đi, chốc chốc lại dừng bước đáp lễ với người đi đường.

 

Ra khỏi thành Sub­ash là đến cổng chính của khu chùa Cakra phía tây. Ấn tượng ban đầu của tôi về ngôi chùa này là những vọng lâu được trang trí rất bắt mắt phía trên bức tường bao quanh. “Khâu Từ có hơn mười nghìn nhà sư, chiếm một phần mười dân số trong thành”. Chỉ riêng ở chùa Cakra đã có đến năm nghìn sư. Sự hưng thịnh của Phật giáo ở Khâu Từ được thể hiện sống động qua hình ảnh ngôi chùa Cakra nguy nga, đồ sộ. Tuy vậy, thời điểm này vẫn chưa phải là gi­ai đoạn cực thịnh của Chiêu Hộ Li tự. Quy mô ngôi chùa vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với thời nhà Đường, khi Huyền Trang đi lấy kinh qua đây. Khi mang thai Ra­ji­va, “năng lực giác ngộ của Ji­va tăng lên gấp bội. Bà nghe danh tiếng ngôi chùa Cakra đã lâu, lại nghe nói trong chùa có nhiều vị cao tăng đắc đạo, bèn cùng với những tín nữ quý tộc khác và các ni cô ngày đêm nhang khói lễ bái, ăn chay niệm Phật”. Hẳn là, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, Ra­ji­va đã “thấm nhuần” giáo lý Phật pháp. Trí tuệ siêu phàm của cậu ấy phải chăng có được từ bối cảnh đặc biệt này?

 

Ý nghĩ đó khiến tôi bật cười.

 

Chúng tôi bước đến một bức tường thành thấp hình vuông bên ngoài cổng chính. Bên trong có một điện thờ đặt tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Tôi lập tức dập tắt những ý nghĩ lan man, lấy lại tinh thần chuyên nghiệp thường ngày, chuẩn bị lôi cuốn tập ra và bắt tay vào công việc.

 

- Ngải Tình, không cần vội. Để tôi đưa cô đi tham quan hết một vòng, rồi quay lại vẽ cũng chưa muộn.

 

- Thật không?

 

Tôi mừng quýnh!

 

- Đúng rồi! Cậu là chủ trì, cậu có đặc quyền mà! Vậy, ngày nào tôi cũng đến đây vẽ nhé?

 

- Được chứ!

 

Ra­ji­va mỉm cười. Những chùm nắng đầu hạ rực rỡ chiếu rọi làm bừng sáng cả con người cậu ấy, toát lên thứ hào quang khiến tôi không dám nhìn thẳng.

 

Tôi ép mình ngoảnh đi hướng khác.

 

- Ra­ji­va, khối ngọc khổng lồ dưới chân tượng Phật nằm ở đâu vậy? Đưa tôi đến đó xem đi!

 

- Cô biết về khối ngọc này?

 

Ra­ji­va có vẻ ngạc nhiên, ánh mắt nhìn tôi như thăm dò.

 

- Đây là báu vật của chùa Cakra kia mà!

 

Làm sao tôi biết được ư? Đơn giản thôi! Câu trả lời là: Huyền Trang đã được tận mắt chứng kiến và ghi chép lại trong “Đại Đường Tây vực ký”. Cuối thế kỷ XIX, một nhà sưu tầm đồ cổ người Nga đã đào được khối ngọc này, ông ta còn ngu xuẩn hết mức khi đập vỡ nó làm đôi với ý đồ sẽ vận chuyển về nước. Nhưng người dân địa phương đã kịp thời ngăn chặn và bảo vệ được khối ngọc quý. Sau giải phóng, khối ngọc đã được đưa về trưng bày tại Viện bảo tàng tự nhiên Bắc Kinh. Nửa khối to nặng khoảng hơn một nghìn hai trăm kilôgam, nửa khối nhỏ hơn nặng khoảng hơn bảy trăm kilôgam. Còn bây giờ, không cần thiết phải đến Bắc Kinh, tôi vẫn có thể chiêm ngưỡng khối ngọc ấy và là khối ngọc hoàn chỉnh, bạn nói xem, tôi có nên sung sướng hay không? Bởi vậy, khi Ra­ji­va đưa tôi vào một điện thờ nhỏ nhưng được trang trí nguy nga, tráng lệ phía sau gi­an thờ chính và tận mắt nhìn thấy khối ngọc khổng lồ trong suốt, giống hình một con ngao biển với hai màu trắng và vàng đan xen ấy, tôi tiếc ngẩn ngơ vì không mang theo máy ảnh. Khối ngọc rộng khoảng hơn ba mươi cen­timét, dài hơn nửa mét, cao hơn mười cen­timét. Dấu chân Phật tổ được in thành hình hai vết lõm rất tự nhiên giữa khối ngọc. Những hình ảnh phác họa dấu ấn như thế này có rất nhiều. Bạn có thể bắt gặp dấu chân của đại sư Liên Hoa Sinh (Pad­masamb­ha­va) ở bất cứ đâu trên khắp vùng Tây Tạng, chỉ khác đó là hình phác họa trên những cây cối và sỏi đá tự nhiên, để Phật tử có thể cảm nhận được một cách chân thực pháp lực vô biên của Phật.

 

Nhưng tôi không nói điều đó với Ra­ji­va, sợ cậu ấy không vui. Tôi bắt chước Ra­ji­va, chắp tay cúi lạy thành kính và cắm hương lên khối ngọc thần thánh. Bước ra khỏi điện thờ nổi tiếng ấy, tôi chợt thấy một hành lang rất dài chạy hút về phía sau, nhưng hai bên được che phủ kín đáo, nom có vẻ tối tăm âm u kỳ lạ và cảm giác như nó kéo dài đến vô tận.

 

Thấy tôi lặng lẽ quan sát hành lang kỳ lạ đó hồi lâu, Ra­ji­va đến bên, nhẹ nhàng lên tiếng:

 

- Đó là nơi thọ đại giới. Cô là người phàm, không được phép vào đó.

 

Thọ đại giới tức là thọ giới Cụ Túc (Up­asam­ba­da)! Chẳng khác nào nhận bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Phật học dành cho các đệ tử nhà Phật! Chỉ khi đã thọ giới Cụ Túc, mới được xem là đủ tư cách và điều kiện để trở thành một Tỷ khâu (Bhikkhu). Ra­ji­va nổi danh khi còn rất trẻ, những tri thức Phật học và sự giác ngộ Phật pháp của cậu, giới tăng sĩ đương thời, không ai bì kịp. Nhưng, cho dù đạt được cảnh giới cao đến đâu về kiến thức Phật học, cậu vẫn phải tuân thủ những quy định của giới tu hành trong các thiền viện. Vậy nên, mặc dù Ra­ji­va đã thông tỏ chân lý của Phật giáo Đại Thừa từ lâu, nhưng cậu vẫn phải thọ giới Cụ Túc giống như những tăng sĩ bình thường khác khi đến tuổi hai mươi.

 

Tôi đã từng nhìn thấy khu vực thọ đại giới của tăng sĩ tại chùa Long Hưng, thuộc huyện Chính Định, gần Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, một ngôi chùa được xây dựng từ thời nhà Tùy. Nhưng ở đó không có hành lang dài và u ám như thế này. Những ngôi chùa đủ tư cách truyền giới Cụ Túc không nhiều, đó phải là những ngôi chùa quy mô lớn. Chùa Cakra là ngôi chùa duy nhất ở Khâu Từ đủ tư cách truyền đại giới.

 

Bước chân vào dãy hành lang ảm đạm, hun hút ấy, hẳn trong lòng mỗi Sa di không khỏi dâng lên những suy cảm. Vậy là ta đã quyết, cả đời này sẽ gắn bó với kinh kệ, khói hương. Cả đời này sẽ từ bỏ mọi tình ái và dục vọng. Cả đời này, sẽ gánh vác trách nhiệm truyền bá giáo lý Phật pháp. Những suy cảm đó sẽ theo các Sa di chầm chậm bước đến điểm tận cùng của con đường – giới đàn (nơi tăng sĩ thọ giới). Ba vị pháp sư, bảy người làm chứng, hình ảnh chiếc dao cạo sáng lấp lóa, những tiếng tụng kinh lầm rầm trang nghiêm. Kể từ giây phút này, bước ra khỏi sự sống chết, thoát ly khỏi tham lam, dục vọng, đoạn tuyệt với thế tục…

 

Tôi quay đầu nhìn Ra­ji­va đang yên lặng ngóng về dãy hành lang ảm đạm ấy, vẻ mặt chất đầy suy tư. Có lẽ cậu cũng đang nghĩ về ngày trọng đại ấy. Rồi đây, trần ai, thế tục sẽ không còn duyên nợ gì với cậu ư, Ra­ji­va?

 

Chúng tôi bước vào một gi­an thờ ánh sáng yếu ớt, các nhà sư khác thấy Ra­ji­va liền cung kính hành lễ, Ra­ji­va gật đầu đáp lại rồi trò chuyện đôi câu với họ bằng tiếng Phạn. Gi­an thờ này không lớn, ở giữa đặt tượng Bồ Tát Địa Tạng Vương, bốn phía xung quanh là những bức bích họa. Tôi nhận ra tượng Bồ Tát Địa Tạng vì trên tay ngài có một cây tích trượng rất dài. Bồ Tát Địa Tạng từng thề rằng:

 

“Chúng sinh độ tận, phương chứng bồ đề

 

Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật”.

 

Nghĩa là:

 

Cứu độ chúng sinh hết khổ, mới là Giác Ngộ

 

Địa ngục còn chưa trống không, thề không thành Phật.

 

Điều đó có nghĩa, đối tượng cứu khổ của Bồ Tát Địa Tạng là những sinh linh tội lỗi dưới Địa Ngục. Vì vậy, sau khi Phật giáo được truyền bá vào Trung Nguyên, sức ảnh hưởng của vị Bồ Tát này ngày càng trở nên rộng rãi, cùng với Văn Thù, Phổ Hiền và Quan Âm, ngài được xem là một trong bốn vị Đại Bồ Tát. Tương truyền, Cửu Hoa Sơn ở An Huy chính là đạo tràng thuyết pháp của ngài.

 

Tôi đang quan sát và phân tích tỉ mỉ để nhận ra điểm khác biệt về tạo hình giữa Bồ Tát Địa Tạng ở Tây vực và Bồ tát Địa Tạng ở Trung Nguyên. Một chú tiểu từ bên ngoài bước vào, mang theo một ngọn đèn dầu, chuyển cho Ra­ji­va rồi lẳng lặng lui ra. Ra­ji­va nâng cao ngọn đèn, để ánh sáng chiếu rọi lên những bức vẽ trên tường. Lúc này, trước mặt tôi là hình ảnh những cánh tay tàn phế, những đôi chân gẫy gập, là biểu cảm đau đớn tột cũng trên những khuôn mặt người, là đủ mọi loại dụng cụ tra tấn, trừng phạt đẫm vệt máu. Quả rất đáng sợ!

 

Những bức họa này mô phỏng nỗi thống khổ của chúng sinh nơi tám địa ngục lớn.

 

Chả trách điện thờ này đặt tượng Bồ Tát Địa Tạng, lại âm u, ảm đạm đến vậy. Có lẽ mục đích là khiến cho các tín đồ cảm thấy kinh sợ trước những hình ảnh rùng rợn dưới các tầng địa ngục. Ở hầu hết các ngôi chùa từ quy mô trung bình trở lên đều có những bức bích họa phóng tác như thế này.

 

Tôi có biết về tám địa ngục lớn, nhưng không nhớ tên gọi cụ thể, nên đã nài nỉ Ra­ji­va diễn giải.

 

- Đây là địa ngục đẳng hoạt (địa ngục chết đi sống lại). Chúng sinh mắc tội sa xuống địa ngục này là những người vẫn còn chút tình cảm, họ không nguôi ngoai nỗi thương nhớ cha mẹ. Nhưng móng tay họ sẽ biến thành vuốt sắt, họ cấu xé lẫn nhau và khi tâm thần bấn loạn, họ cào cấu chính mình, cho đến khi thịt nát máu cạn và họ tắt thở. Nhưng một luồng gió lạnh thổi đến, da thịt hồi sinh, họ lại tiếp tục chịu sự trừng phạt như lúc trước.

 

Giọng nói của Ra­ji­va đượm vẻ u buồn, cậu dừng lại giây lát rồi mới tiếp tục:

 

- Những người mắc tội sát sinh, chà đạp lẽ phải, phỉ báng người ngay đều sẽ sa xuống địa ngục này.

 

Vừa ngắm nhìn các bức vẽ tôi vừa gật đầu, bước chân không ngừng di chuyển theo ánh sáng ngọn đèn dầu trên tay Ra­ji­va. Điện thờ trống trải chỉ còn lại hai chúng tôi. Giọng nói ấm áp của Ra­ji­va vang giữa không gi­an trầm mặc, khoảnh khắc ấy, cảm xúc trong tôi bỗng trở nên thê lương.

 

- Đây là địa ngục hắc thằng (nơi chúng sinh bị trói bằng dây sắt), chúng sinh phạm tội sẽ bị trói lại bằng dây sắt nung nóng, sau đó tứ chi bị chặt hoặc bị cưa đứt. Nỗi đau đớn, khổ sở lớn gấp mười lần địa ngục đẳng hoạt. Những người phạm tội sát sinh, trộm cắp đều sẽ sa xuống địa ngục này.

 

Ánh đèn tiếp tục được đẩy về phía trước.

 

- Đây là địa ngục chúng hợp (nơi chúng sinh bị núi đá ép chặt), người phạm tội bị đẩy vào giữa hai núi đá và bị ép chặt cho đến khi xương cốt nát vụn. Phàm những người mắc tội sát sinh, trộm cắp, tà dâm đều rơi xuống địa ngục này.

 

- Đây là địa ngục khiếu hoán (nơi chúng sinh kêu la thảm thiết), người mắc tội sẽ bị nướng trên vạc dầu hoặc bị đẩy vào lò lửa, hoặc bị dùng kìm nóng banh miệng, đổ đồng nóng chảy vào bụng khiến cho lục phủ ngũ tạng bị thiêu hủy. Phàm những kẻ mắc tội giết người, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu đều sẽ sa xuống địa ngục này. Nếu đệ tử Phật môn vi phạm năm điều giới luật, thì dù là người xuất gia hay người tu tại gia đều sẽ bị sa xuống địa ngục đại khiếu hoán (địa ngục mà sự trừng phạt khiến chúng sinh kêu la thống thiết gấp rất nhiều lần địa ngục khiếu hoán).

 

Tôi bỗng thấy rùng mình, sự trừng phạt đối với người nhà Phật còn khủng khiếp hơn cả người thường ư!

 

- Đây là địa ngục tiêu nhiệt (nơi chúng sinh bị thiêu đốt), kẻ phạm tội nằm trên sắt nung, toàn thân bị đánh đến bầm dập vỡ nát. Phàm những kẻ vi phạm năm điều giới luật đều sẽ bị đẩy xuống địa ngục này.

 

Ánh sáng ngọn đèn dầu bỗng nhiên dừng lại, bàn tay người giữ đèn run run. Bóng dáng cao gầy hắt lên tường, khiến cho những hình ảnh thảm thương cho bức vẽ trở nên mờ ảo, tan loãng trong những dao động lập lòa của ánh sáng.

 

- Ra­ji­va, cậu sao thế?

 

Tôi ngước mắt lên nhìn cậu ấy, chúng tôi chỉ cách nhau một bước chân, ánh đèn leo lét rọi vào khuôn mặt ưu tư, một thoáng u buồn ẩn hiện, nhưng tan đi rất nhanh. Ra­ji­va lấy lại vẻ điềm tĩnh thường thấy, tiếp tục giảng giải.

 

- Nếu tăng sĩ phạm tội sát sinh, trộm cắp, tà tâm sẽ bị sa xuống địa ngục đại tiêu nhiệt, mức độ trừng phạt tàn khốc hơn rất nhiều lần so với địa ngục tiêu viêm.

 

Giọng nói của Ra­ji­va đượm vẻ chua xót, phải chăng vì lòng trắc ẩn đối với những hình phạt nặng nề dành cho giới tăng lữ. Phật môn quản giáo đệ tử của mình rất nghiêm khắc, trong số tám địa ngục lớn, có đến hai địa ngục dành để trừng phạt những tăng sĩ phạm tội.

 

Ra­ji­va lấy lại sự bình tĩnh, bàn tay mang theo chiếc đèn dầu khi nãy bất giác buông xuống, giờ đã lại được nâng cao.

 

- Đây là địa ngục vô gián, hay còn gọi là địa ngục a tỳ, người phạm tội bị hành hình liên tục, chịu đau đớn khổ sở không lúc nào ngơi nghỉ. Phàm những kẻ phạm phải năm tội đại nghịch (giết mẹ, giết cha, giết A- la- hán, gây chia rẽ tăng sĩ, phá hoại hình ảnh của Phật tổ), đều bị đày xuống địa ngục này.

 

Đó là bức vẽ cuối cùng, chúng tôi cũng vừa đi hết một vòng tròn.

 

Ra­ji­va đặt đèn dầu lên hương án phía trước pho tượng Bồ Tát Địa Tạng Vương, cung kính quỳ xuống vái ba vái, rồi cùng tôi bước ra khỏi điện thờ.

 

- Mỗi địa ngục trong số tám địa ngục lớn lại được chia thành mười sáu địa ngục nhỏ. Tội ác cũng chia thành ba cấp. Những kẻ phạm tội nặng nhất bị đẩy vào địa ngục lớn, những kẻ còn lại bị đẩy vào địa ngục nhỏ.

 

Ánh nắng rực rỡ bên ngoài xua tan đi những ảm đạm trong lòng, tôi giống như chiến binh Dante vừa dạo hết một vòng địa ngục, cảm xúc đầy vơi. Kết luận rút ra là: nhân gi­an thật tuyệt vời!

 

Gần đến giờ trưa, Ra­ji­va dẫn tôi đến nhà ăn dành cho các cư sĩ tu tại gia đến chùa Cakra cúng bái, cậu ấy ngồi ăn cùng tôi. Ra­ji­va ăn uống từ tốn, quả không hổ danh là con nhà quý tộc. Nhưng điều khiến tôi thiếu tự nhiên là những ánh mắt đổ dồn về phía chúng tôi, tuy họ không nói gì, nhưng tôi biết họ nghĩ gì. Tôi bỗng cảm thấy không thoải mái. Một người như Ra­ji­va nếu sống ở thời hiện đại, cũng chưa hẳn đã là một sự chọn lựa lý tưởng. Mặc dù nếu có cậu ấy ở bên cạnh, đi đến đâu, tôi cũng có thể hãnh diện với bạn bè và những người xung quanh, nhưng cậu ấy quá tài trí, thông minh, lại đẹp trai hút hồn như vậy, sẽ làm lu mờ hình ảnh của tôi. Không những tôi sẽ phải thấp thỏm lo âu từng giây phút, canh chừng mọi lúc mọi nơi, đề phòng những cô gái trẻ đẹp khác, mà tôi còn phải đau đầu tìm cách nâng cao tầm vóc trí tuệ của bản thân để có thể theo kịp cậu ấy. Cuộc sống mệt mỏi như thế, lấy đâu ra vui vẻ, thoải mái chứ! Cho nên, kết luận của tôi là: tôi – không – thèm!

 

- Không thèm gì vậy?

 

Tôi giật mình ngẩng lên, bắt gặp hai vực nước sâu hun hút đang xoáy vào mình, xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu, bối rối không biết phải thanh minh thế nào.

 

- Các thầy!

 

May quá! Có người đến giải nguy cho tôi rồi! Đó là… là người Hán, hai hòa thượng người Hán!

 

Họ trò chuyện với nhau bằng tiếng Phạn, tôi đứng bên chăm chú quan sát đồng hương.

 

Ra­ji­va giới thiệu với tôi, hai vị hòa thượng từ Trường An xa xôi đến đây xin nghe giảng đạo, pháp hiệu của họ là Tăng Thuần và Đàm Sung. Tôi trợn tròn mắt khi nghe thấy những cái tên đó.

 

Tăng Thuần và Đàm Sung! Chính là hai vị sư này! Họ đến Khâu Từ học đạo, sau đó trở về Trung Nguyên tấu trình với vua nhà Tiền Tần khi ấy là Phù Kiên rằng, Ku­mara­ji­va là vị pháp sư tài trí hơn người, là người đã truyền bá sâu rộng kinh văn Đại Thừa, tiếng tăm vang khắp vùng Tây vực. Một nhà sư nổi tiếng ở Trung Nguyên là Thích Đạo An, nghe danh Ku­mara­ji­va đã lâu, cũng thuyết phục Phù Kiên mời Ra­ji­va đến Trường An. Khi Phù Kiên quyết định tấn công Khâu Từ, nhà vua đã nói với Đô đốc Lữ Quang rằng: “Trẫm nghe nói Tây Quốc có Ku­mara­ji­va, thông hiểu pháp tướng, giỏi luận âm dương, là một bậc kỳ tài trong thiên hạ. Trẫm lấy làm ngưỡng mộ. Nhân tài là báu vật của quốc gia. Vậy, sau khi chiếm được Khâu Từ, khanh hãy lập tức đưa Ku­mara­ji­va về đây”.

 

Câu chuyện này đã được các tín đồ Phật giáo ngày sau truyền tụng khắp nơi. Họ cho rằng Phù Kiên phát động chiến tranh với Khâu Từ là vì muốn có được Ku­mara­ji­va. Giống như việc các cô gái tin rằng cuộc chiến thành Troy là vì nàng He­len xinh đẹp, hay Ngô Tam Quế bán đứng nhà Hán cho triều đình Mãn Thanh là vì nàng kỹ nữ Tô Châu – Trần Viên Viên. Một cuộc chiến tranh quy mô lớn đã nổ ra và cướp đi tính mạng của mấy chục nghìn người, chỉ vì muốn đoạt lấy một người thôi ư, những câu chuyện như thế mới hấp dẫn làm sao! Tôi là người nghiên cứu lịch sử, tất nhiên, tôi không tin Phù Kiên phát động chiến tranh chỉ vì muốn có được một vị cao tăng. Liệu Phù Kiên có thực sự hiểu rõ Ku­mara­ji­va sẽ mang lại lợi ích gì cho ông ta hay không? Nhà vua muốn có Ku­mara­ji­va chỉ vì cậu ta thông tỏ âm dương ngũ hành? Một người tài trí cao vời như Giả Nghị, lẽ nào Hán Văn Đế cũng chỉ vì muốn ông ta coi bói cho mình?

 

- Ngải Tình!

 

Tôi lại để tâm trí trôi tận đâu đâu rồi, quay lại đã thấy hai vị hòa thượng đang hành lễ với mình, tôi vội vàng đáp lễ. Họ là những đồng hương đầu tiên mà tôi gặp sau hai lần vượt thời gi­an đến đây.

 

Ra­ji­va giới thiệu với họ tôi là cháu gái của người thầy dạy tiếng Hán hồi trẻ của cậu và tôi đến Khâu Từ để lễ Phật. Tôi chỉ dám trò chuyện đôi câu với họ, bởi vì những gì tôi biết về thời kỳ Nam Bắc triều thập lục quốc chỉ là những kiến thức trong sách vở, tôi sợ mình lỡ lời, tiết lộ bí mật lịch sử thì nguy.

 

Sau vài lời xã gi­ao với tôi, họ quay sang thảo luận giáo lý Phật pháp cùng Ra­ji­va. Họ trao đổi bằng tiếng Phạn, tôi nghe không hiểu, nên cũng quay đi ngắm nghía những bức vẽ trên tường.

 

- Đoạn kinh văn ấy dịch sang tiếng Hán có nghĩa là: Bao nhiêu tâm ý của chúng sinh trong trời đất, Như Lai đều thấu tỏ. Vì sao lại như vậy?

 

Ra­ji­va giảng kinh bằng tiếng Hán! Tôi quay lại nhìn cậu ấy và nhận được một nụ cười đầy hàm ý. Cậu ấy muốn tôi nghe đoạn kinh văn này ư? Tôi ngạc nhiên, nghiêng tai lắng nghe.

 

- Đức Phật nói, mọi tâm niệm đều không thực sự tồn tại, đó chỉ là những ham muốn nhất thời, thoáng chốc nảy sinh trong từng bối cảnh. Nên người ta đặt cho nó cái hư danh là tâm niệm. Vì sao như vậy? Bởi vì những ham muốn trong quá khứ là cái đã trôi qua, không để lại vết dấu, ta muốn mà không có được. Những ham muốn hiện tại, quẩn quanh trong tâm trí ta, chẳng thể nắm bắt. Những ham muốn của tương lai, còn chưa sinh ra, càng khó nắm bắt.

 

Trình độ tiếng Hán của Ra­ji­va đã đạt đến mức lưu loát, trôi chảy rồi, lại thêm giọng nói trầm ấm truyền cảm, tựa như nhả ngọc phun châu ấy nữa, khiến mỗi câu mỗi chữ như làn gió nhẹ vương vào trái tim tôi.

 

- Vậy nên, người thuyết giảng Phật pháp vốn không có Phật pháp để thuyết giảng, thuyết pháp chỉ là danh xưng. Không những không tồn tại Phật pháp để có thể thuyết giảng, mà ngay cả người thuyết pháp cũng không tồn tại.

 

Dáng người cao lớn của Ra­ji­va tọa lạc giữa Phật điện, thoáng một nét cười thỏa nguyện trên vành môi, cậu khẽ nghiêng đầu về phía hai vị hòa thượng thấp nhỏ chỉ đến vai mình:

 

- Những luận giải của Ra­ji­va, không biết hai vị đã nắm rõ hay chưa?

 

Tăng Thuần và Đàm Sung như vừa giác ngộ được chân lý, miệng nhẩm đi nhẩm lại lời Ra­ji­va vừa giảng giải, ở cả hai vị hòa thượng người Hán đều toát lên vẻ say mê trong sự lĩnh hội. Tôi lặng ngắm Ra­ji­va. Sự tự tin tỏa khắp con người cậu, sức hút mãnh liệt từ trí tuệ uyên bác ấy khiến tôi không dám nhìn thẳng. Tuy tuổi còn trẻ, nhưng ở Ra­ji­va đã tụ hội đầy đủ phong thái của một bậc danh sư.

 

Buổi chiều, chúng tôi tiếp tục tham quan ngọn đồi phía bắc, nơi đây có một quần thể hang đá, gồm rất nhiều căn phòng tọa thiền của tăng sĩ. Nói là phòng tọa thiền nhưng thực chất chỉ là một hốc đá nhỏ, đủ chỗ cho một người ngồi lọt vào trong. Ra­ji­va chỉ cho tôi thấy trên vách tường phía sau có dấu vết in đậm hình hài một con người. Cậu nói rằng, rất nhiều vị cao tăng theo trường phái tu khổ hạnh đã từng ngồi thiền ở đây, lâu dần, hình hài của các vị đã in tạc vào vách đá. Phật giáo Tiểu Thừa coi trọng việc tu hành. Công việc hàng ngày của tăng sĩ chủ yếu là ngồi thiền trong căn phòng trống không, tĩnh tâm lĩnh hội Phật pháp. Phương pháp tu hành này xuất phát từ phép thiền Yo­ga của Ấn Độ. Trước khi giác ngộ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đã trải qua sáu năm tu hành khổ hạnh. Ngài ngồi thiền hết ngày này qua tháng khác, ăn uống rất ít, thân xác héo hon. Sau khi đắc đạo, ngài ăn uống bình thường trở lại và không khoác lên mình chiếc áo cà sa chắp vá rách rưới nữa. Tuy nhiên, ngài vẫn duy trì thói quen tĩnh tâm tọa thiền. Điều này đã trở thành một trong những đặc trưng nổi bật của Phật giáo Tiểu Thừa. Và cũng bởi vậy, trong cấu trúc của các ngôi chùa Phật giáo Tiểu Thừa, ít hay nhiều đều có những phòng đá tọa thiền dành cho các tăng sĩ.

 

Có điều, những căn phòng đó đang hiện ra trống trải không một bóng người trước mắt tôi. Tôi hỏi Ra­ji­va, cậu mỉm cười.

 

- Từ khi tôi tiếp nhận vai trò trụ trì chùa này, đã ra sức truyền bá giáo lý Đại Thừa, yêu cầu các nhà sư năng ra ngoài giảng đạo, thâm nhập vào đời sống của chúng sinh, việc tĩnh tâm tọa thiền có thể thực hiện vào lúc thuận tiện.

 

Mười năm trước, khi Ra­ji­va vừa tiếp xúc với Phật giáo Đại Thừa đã vấp phải rất nhiều trở ngại và chịu nhiều lời điều tiếng. Người ta phê phán cậu lén lút học đòi những giáo lý ngoại đạo sai trái. Trong vòng mười năm, bằng sự thông tuệ, bằng tài năng thuyết pháp khiến người nghe tâm phục khẩu phục và tận dụng mối quan hệ với hoàng thất, Ra­ji­va đã dốc toàn tâm toàn sức chuyển hướng tín ngưỡng của toàn bộ tiểu quốc Khâu Từ sang Phật giáo Đại Thừa. Truyện kể về Ra­ji­va chép rằng: “Khi ấy số lượng tăng sĩ Khâu Từ tin theo giáo phái Đại Thừa lên đến hơn mười ngàn người. Điều này thật đáng kinh ngạc. Từ đó, ai nấy đều tỏ ra kính trọng và nể phục Ku­mara­ji­va”.

 

- Lại ngơ ngẩn rồi!

 

Tôi kéo lại những suy nghĩ miên man đang vân du tận đâu đâu, đưa mắt lên nhìn khuôn mặt điển trai của Ra­ji­va.

 

- Ra­ji­va, cậu không còn là cậu thiếu niên năm nào lúc còn hoang mang, trăn trở với khát vọng thay đổi tông phái.

 

- Đúng vậy.

 

Ánh mắt cậu ấy như phiêu du về với quá khứ, tìm kiếm những những ký ức xa xưa, khóe môi hé cười.

 

- Ngải Tình, nếu không có những lời khích lệ của cô, Ra­ji­va không thể có quyết tâm và nghị lực mạnh mẽ đến như vậy. Mười năm qua, mỗi khi phải đương đầu với khó khăn, Ra­ji­va lại nhớ đến những lời cô nói. Phật giáo Đại Thừa xem trọng việc cứu rỗi chúng sinh, góp phần sửa đổi những khiếm khuyết của Phật giáo Tiểu Thừa. Phải như vậy, Phật pháp mới được truyền bá rộng rãi, mới cứu độ được nhiều chúng sinh thoát khỏi bể khổ. Tôi đã dành không ít công sức và tâm sức cho lý tưởng đó.

 

Ra­ji­va đưa mắt dõi nhìn về hướng xa xăm, giọng nói trở nên thanh thoát.

 

- Phật tổ phù hộ, đến nay Ra­ji­va đã thuyết phục được triều đình và các bậc tôn sư, Phật giáo Tiểu Thừa bắt rễ suốt mấy trăm năm ở Khâu Từ, cuối cùng đã có những cải biến nhất định.

 

Đến trên ngọn đồi này, có thể quan sát toàn bộ quang cảnh chùa Cakra. Sóng nước dòng sông Tongchang lấp lánh ánh bạc. Bóng chiều đã ngả về tây, phủ lên dáng hình cao lớn ấy những vệt nắng cuối ngày, gió thổi mạnh làm tung bay vạt áo cà sa. Con người ấy, thần thái ấy tạc vào không gi­an của buổi hoàng hôn trên sườn đồi hình ảnh một chú chim đại bàng đang khát khao tung cánh bay lên bầu trời bao la. Dưới chân chúng tôi là quần thể đồ sộ, nguy nga những đền đài miếu mạo, đó là vương quốc của Ra­ji­va và cậu ấy là người cha tinh thần của hàng vạn chúng sinh trong vương quốc ấy. Đột nhiên tôi nhận ra rằng, mười năm trước tôi vẫn có thể đàm đạo với cậu ấy về Phật pháp, nhưng giờ đây, tư tưởng của cậu ấy, nhất là những kiến thức về Phật học, đã vượt lên một cảnh giới cao vời vợi mà tôi không sao vươn tới được. Tôi chỉ là một người bình thường, nhưng trí thức mà tôi có, chẳng qua là tích cóp được từ 1650 năm thời gi­an. Nếu chúng tôi sinh ra cùng thời đại, tôi cũng sẽ như những người bình thường khác, chỉ có thể lặng lẽ ngắm nhìn cậu ấy trên đỉnh cao vinh quang và đừng mơ có thể lại gần.

 

- Ra­ji­va.

 

Tôi hít một hơi thật sâu, cùng hướng mắt về khung cảnh nguy nga dưới ngọn đồi.

 

- Khâu Từ chỉ có mấy mươi vạn chúng sinh. Còn ở Trung Nguyên, lúc này chiến tranh xảy ra liên miên, hàng triệu người vẫn đang quằn quại trong bể khổ vô biên, hơn bao giờ hết, họ đang rất cần sự giải thoát về tinh thần để có thể vượt qua kiếp nạn này.

 

- Ngải Tình, đến Trung Nguyên truyền bá Phật pháp luôn là tâm nguyện bấy lâu nay của Ra­ji­va.

 

Ra­ji­va quay lại nhìn tôi, nụ cười ấm áp tựa gió xuân.

 

- Cô luôn muốn Ra­ji­va đến Trung Nguyên, Ra­ji­va luôn ghi nhớ điều đó.

 

Đón lấy nụ cười dễ làm say lòng người ấy, trái tim khó bảo của tôi lại bắt đầu lạc nhịp.

 

Đến giờ tụng kinh buổi tối, tôi ngỏ ý muốn đi về một mình. Ra­ji­va bây giờ đã là “CEO” của ngôi chùa lớn nhất Tây vực, cậu ấy không thể tùy tiện như hồi nhỏ, thích trốn là trốn. Cậu ấy phải biết cân nhắc. Thế nên, Ra­ji­va đã gật đầu, chỉ cho tôi đường về và dặn rằng hết giờ tụng kinh cậu ấy sẽ đến. Tôi vốn định mở lời can ngăn cậu ấy đừng đến, vì sợ có điều tiếng không hay. Nhưng ý tứ đã ra đến đầu lưỡi lại lặng lẽ rút vào. Tôi hiểu rõ tính cách của cậu ấy, Ra­ji­va không bao giờ để ý đến những lời đàm tiếu. Vả lại, hãy thành thật đi, lẽ nào tôi không mong chờ gì ư?

 

Kết quả là, khi Ra­ji­va xuất hiện trước cổng nhà vào lúc hơn sáu giờ tối thì tôi đang trong tư thế ngóng đợi, đôi mắt dán vào cánh cổng. Giây phút cánh cổng từ từ mở ra và một bóng dáng cao gầy hắt lên hàng hiên từ ánh sáng ngọn đèn dầu, tôi bỗng thấy tiếng trái tim mình đập rộn ràng, tưởng như vang động khắp căn nhà.

 

Ra­ji­va tiếp tục chăm sóc vết thương cho tôi. Lại là khoảng cách quá gần ấy, lại là mùi thơm dìu dịu của gỗ đàn hương ấy. Tôi… say mất…

 

 

 

Chương 20: Tiếp tục công việc gia sư

 

Sau khi sắp xếp ổn thỏa nơi ăn chốn ở, tôi bắt đầu công việc khảo sát, đo đạc, vẽ tranh ở chùa Cakra mỗi ngày. Ra­ji­va đã căn dặn các sư sãi trong chùa, từ người giữ công, người trông coi Phật điện, đến người quản lý tàng kinh các để tôi được tự do tiến hành công việc của mình. Khách thập phương đến chùa Cakra, ngôi chùa lớn nhất Tây vực thời đó sẽ bắt gặp cảnh này: một cô gái người Hán trong trang phục Khâu Từ tay cầm một cuốn tập, dùng một thứ bút kì lạ tô tô vẽ vẽ trên cuốn tập đó. Chốc chốc lại lôi từ trong túi ra một chiếc thước cuộn hình thù kì dị đo chỗ này, ướm chỗ kia. Và vị sư trụ trì chùa, đại pháp sư Ku­mara­ji­va nổi danh khắp Tây vực đã yêu cầu tất cả hòa thượng sư tăng trong chùa tạo mọi điều kiện và không gây trở ngại cho công việc của cô gái đó.

 

Khi tôi đo đạc, khi tôi vẽ tranh, tôi thường xuyên nhìn thấy Ra­ji­va. Đây là lần đầu tiên tôi được quan sát công việc thường ngày của cậu ấy ở trong chùa. Lúc thì trò chuyện, đàm đạo với các đệ tử về kinh Phật, lúc thì bận rộn tiếp đón các tăng sĩ, hòa thượng đến xin học đạo từ các quốc gia lân cận, thậm chí từ các khu vực thuộc Trung Nguyên xa xôi. Ra­ji­va cũng thường xuyên ra ngoài, thâm nhập vào đời sống của quần chúng để thuyết giảng và truyền bá những giáo lý kinh văn Đại Thừa. Giờ tụng kinh buổi sáng bắt đầu khi tôi còn say trong giấc ngủ, nhưng bù lại tôi đã được quan sát trọn vẹn giờ tụng kinh buổi chiều của cậu ấy từ bốn giờ đến năm giờ. Khi tiếng chuông ngân vang, tất cả sư tăng trong chùa đều đến tập trung trên đại điện. Ra­ji­va khoác áo cà sa, cùng chư tăng hành lễ, dâng hương trước tượng Phật tổ, sau đó cậu ngồi vào vị trí cao nhất, bắt đầu tụng kinh cầu nguyện. Âm thanh tiếng tụng niệm kinh văn của hàng trăm nhà sư ấy ngân nga trầm bổng tựa sóng biển, vang vọng khắp đại điện, xen với tiếng chuông tiếng mõ thanh thoát, trong veo. Linh hồn như được tắm gội trong biển thanh âm thanh khiết, thoát tục ấy.

 

Chiếc ba lô North­face thân thuộc của tôi đã trở về. Đồ đạc bên trong không thiếu thứ gì, kể cả chiếc khăn lụa Ata­la. Nhớ đến ngày Ra­ji­va tặng quà sinh nhật cho tôi, nhớ đến khuôn mặt đỏ lựng đi vì xấu hổ ấy, tôi tủm tỉm cười và bất giác hứng khởi quàng ngay chiếc khăn vào cổ. Một vài vật dụng đã thất thoát, như cuốn tập mới tôi chưa dùng đến, hay một vài cây bút chì và một vài cục tẩy. Nhưng những bức vẽ của tôi vẫn còn nguyên vẹn. Tôi cũng không vì thế mà âu sầu, tôi đoán Pusyse­da đã lấy ra nghịch và làm gãy hoặc làm mất rồi. Sau mười năm mà vẫn có thể tìm lại được bao nhiêu kỷ vật và chúng lại được giữ gìn cẩn thận như vậy, tôi không mong cầu gì hơn.

 

Buổi tối, Ra­ji­va vẫn đến và chăm sóc vết thương cho tôi. Thấy tôi quàng chiếc khăn lụa, cậu ấy thoáng ngạc nhiên, khóe môi ẩn hiện một nét cười. Ra­ji­va đề nghị tôi tiếp tục làm giáo viên tiếng Hán của cậu ấy. Cuốn sách đầu tiên mà cậu ấy muốn tôi giảng là cuốn “Sử ký” của Tư Mã Thiên. Thế là tôi bắt đầu khởi động chương trình “Trăm nhà thuyết giảng” với những câu chuyện thần thoại thời thượng cổ, những sự tích về Tam Hoàng Ngũ Đế. Tôi vốn là người rất yêu thích công việc giảng dạy. Vì học chuyên ngành lịch sử, tôi thường đến các Viện bảo tàng xin làm hướng dẫn viên du lịch “không lương”. Tôi cảm thấy rất phấn chấn mỗi khi du khách say mê lắng nghe những câu chuyện tôi kể.

 

Trước mặt tôi lúc này tuy chỉ có một thính giả, nhưng trình độ học thức của vị thình giả này lại rất cao. Vị thính giả ấy đang tập trung tinh thần cao độ để lắng nghe và liên tục gật đầu tán thưởng. Tôi cảm thấy như mình đang trở lại khoảng thời gi­an làm gia sư mấy tháng trước đó, chỉ khác là, tuy học trò không thay đổi, nhưng thời gi­an đã trải qua mười năm đằng đẵng. Giờ đây, tôi không thể cốc vào đầu cậu ấy, cũng không thể làm bộ nghiêm khắc, lên lớp với cậu ấy được nữa. Tình hình trở nên tệ hơn, vì cô giáo thường xuyên nhìn trộm gương mặt điển trai hệt như bức tượng điêu khắc trong thần thoại Hy Lạp của học sinh, sức lôi cuốn của vẻ đẹp ấy khiến cô giáo mất tập trung, ánh mắt cứ vân du tận chốn nao và giọng nói trở nên nhỏ nhẹ đến mơ hồ. Mất một lúc mới kịp lấy lại tinh thần, mặt đỏ như gấc chín, vờ uống nước, vờ hắng giọng, vờ tìm quạt, vờ đi vệ sinh, vân vân và vân vân các phương thức chữa thẹn.

 

Ở chùa Cakra, tôi từng được chứng kiến Ra­ji­va chủ trì một ngày hội cầu nguyện Phật Quan Âm. Tên gọi Quan Âm Bồ Tát được dịch ý từ tiếng Phạn, lẽ ra phải dịch thành Quan Tự Tại, nhưng sau khi truyền vào Trung Nguyên, người Hán đã đọc sai thành Quan Thế Âm. Thời nhà Đường, vì không muốn phạm húy khi có âm đọc trùng với tên vua Lý Thế Dân, triều đình đã hạ lệnh lược bỏ chữ “Thế”, nên tên Bồ Tát chỉ còn là Quan Âm. Tôi vốn không hề biết đây chính là ngày hội cầu nguyện Quan Âm Bồ Tát mà sau này đã được truyền bá rộng rãi tại Trung Nguyên, vì tên tiếng Phạn của Quan Âm rất khó nhớ. Nhưng khi nhìn thấy pho tượng Quan Âm thì tôi đã hiểu ra. Vào thời kỳ này, Quan Âm Bồ Tát không phải là hình tượng một vị Phật nữ giàu lòng từ bi mà chúng ta thường gặp, mà là một vị Phật nam uy nghiêm với hai vành râu rất đẹp, giống hệt hình ảnh trên những bức bích họa ở Mạc Cao, Đôn Hoàng và hình ảnh điêu khắc về Phật giáo thời kỳ Nam Bắc triều. Trước thời nhà Đường, Phật Quan Âm mang hình tượng của một vị Phật nam. Nhưng vì Quan Âm đi chu du khắp nơi, ngài thường cứu vớt chúng sinh bằng những phép thuật khéo léo tài tình và ngài còn có thể ban tặng con cái cho chúng sinh, nên có lẽ hình tượng Phật nữ phù hợp với ngài hơn chăng?

 

Lễ hội kéo dài bảy ngày và vì là lễ hội cầu nguyện cho mọi chúng sinh nên ai cũng có thể tham gia. Phật tử viết tên người thân đã qua đời của mình lên một thẻ gỗ, rồi trao cho vị sư phụ trách tiếp nhận để đặt lên hương án trước ban thờ Phật. Ra­ji­va cùng các Phật tử đặt hoa và dâng hương lên bàn thờ Quan Âm, sau đó chắp tay quỳ xuống vái ba vái, mỗi động tác, cử chỉ đều rất mực từ tốn, nho nhã, thanh thoát. Rồi cậu ngồi trên bục cao, khẽ lắc chiếc chuông đồng trên tay, âm thanh giòn giã trong trẻo vang xa, bỗng chốc, cả đại điện trở nên yên ắng lạ thường.

 

Ra­ji­va đưa mắt quan sát một lượt, vầng trán cao rộng, đôi mắt sáng ngời và gương mặt đức độ dạo qua tất cả mọi người, trong khói hương nghi ngút, hình ảnh của Ra­ji­va tựa như một vị tiên hạ phàm. Khi cậu cất tiếng, âm thanh như có sức mạnh thấu suốt, vang động mãi trong không gi­an thánh khiết.

 

Tự giác ngộ và giải thoát là biểu hiện của trí tuệ sáng suốt, giúp người giác ngộ và giải thoát là biểu hiện của lòng từ bi hỉ xả. Quan Thế Âm Bồ Tát với trí tuệ sáng suốt và tấm lòng đại từ đại bi luôn dõi theo chúng sinh. Ngài ban phát những lời răn và sự giúp đỡ dựa trên năng lực, phẩm hạnh và mong muốn không giống nhau của mỗi người. Từ đó, giúp chúng sinh vơi bớt thống khổ, giúp niềm hân hoan được nhân lên, giúp con người sống cuộc đời tự do tự tại, không phiền muộn, ưu sầu.

 

Chúng tăng quỳ rạp bái lạy, đồng thanh niệm đọc A di đà Phật. Những người dân đứng bên cạnh tôi cũng quỳ xuống bái lạy, tôi vội vàng học theo. Tiếp đó, Ra­ji­va đọc một câu kinh, sư tăng trong đại điện cất giọng đọc theo, biển thanh âm thành kính, từ tâm ấy ngân vang, bay lên cao như lay động cả trời xanh.

 

Ngày hôm đó, chùa Cakra phát lộc cho mọi thiện nam tín nữ đến chùa. Ra­ji­va đích thân chia lộc và ban phước cho mọi người. Hàng ngũ kéo dài đến tận cổng chính của chùa. Tôi len lỏi từng chút một để nhích dần lên phía trước và không ngừng nghển cổ ngóng trông. Ra­ji­va miệng niệm A di đà Phật, tay chắp lại kính cẩn, phân phát từng phần lộc đã được gói bọc cẩn thận cho từng người, tay cầm cây trượng dài được khắc chạm tinh xảo gõ nhẹ lên đầu mỗi người cầu phúc cho họ. Ai nấy đều tươi cười mãn nguyện. Xếp hàng hai tiếng mới đến lượt tôi, bụng đói cồn cào. Nhìn thấy tôi, Ra­ji­va thoáng vẻ ngạc nhiên, đáy mắt gợn nhẹ một ánh cười, quay sang nói nhỏ với đệ tử bên cạnh đôi câu. Rồi đặt lễ lên tay tôi, tôi mỉm cười chắp tay đáp lễ, cúi đầu nhận lời cầu phúc. Một vật gì đó chạm nhẹ trên đầu, mùi gỗ đàn hương tỏa khắp không gi­an, ngẩng đầu nhìn Ra­ji­va, trên gương mặt ấy là vẻ an nhiên tự tại và khí chất thanh tao không thuộc về thế giới trần tục, bỗng tôi thấy tim mình đập mạnh. Đang định rảo bước thì vị sư khi nãy chạy tới trao cho Ra­ji­va một chùm nho. Ra­ji­va tươi cười đón lấy, đặt vào tay tôi. Nho là hoa quả phổ biến nhất ở Khâu Từ nên rất rẻ. Tôi len lén nhìn quanh, thấy không ai có phản ứng bất mãn nào với phần quà đặc biệt dành cho mình, liền vội vàng cúi đầu nhận lộc và nhanh chân bước đi.

 

Chùm nho ấy tôi không nỡ ăn, tôi lấy một tờ giấy bọc lại cẩn thận rồi cất vào trong ba lô. Buổi tối khi trở về, Ra­ji­va có vẻ mệt mỏi, nhưng tinh thần rất phấn chấn và vui vẻ. Cậu ấy cả ngày không ăn uống gì, lại phải ở đó phát lộc và cầu phúc cho mọi người bốn tiếng đồng hồ liền, tôi thấy thương, vội lôi từ trong ba lô chùm nho để dành ra, nhưng ngập ngừng chưa biết phải thuyết phục cậu ấy như thế nào.

 

Ra­ji­va chăm chú quan sát từng động tác của tôi. Khi thấy tôi bóc lớp vỏ bọc và chìa chùm nho ra trước mặt, cậu hơi ngạc nhiên. Không chờ tôi mở lời, cậu đón lấy, ngắt một quả bỏ vào miệng, nhìn tôi cười:

 

- Ngọt lắm!

 

Tôi sững người trong giây lát, rồi cũng ngắt một quả thưởng thức, đúng là rất ngọt, ngọt hơn bất cứ loại nho nào tôi từng ăn…

 

Chúng tôi ngồi đối diện và cùng thưởng thức chùm nho ấy. Đột nhiên, nhớ đến một câu nói vui: Ăn nho nhớ bỏ vỏ nho đó![9] Tôi phì cười, muốn dạy lại cho Ra­ji­va. Tiếng Hán của cậu ấy chịu ảnh hưởng khẩu âm Khâu Từ nên phát âm không chuẩn, mấy lần bị líu lưỡi, làm tôi cười ngất. Không khí vui vẻ ấy khiến tôi bồi hồi, giá như, giá như thời gi­an ngưng đọng trong giây phút này…

 

Những ngày diễn ra lễ hội cầu nguyện, Ra­ji­va rất mệt mỏi, nhưng vẫn kiên trì đến chỗ tôi. Tôi tạm ngừng việc giảng bài và nghĩ cách để cậu ấy được nghỉ ngơi, thư giãn. Đôi lúc rất muốn mas­sage cho cậu ấy, nhưng tất nhiên chỉ dám nghĩ trong đầu. Buổi tối ngày cuối cùng, cả ngôi chùa rực rỡ ánh sáng. Trên tay mỗi người đều có một cây đèn nhỏ. Ra­ji­va đến trước tượng Phật tổ, khấu đầu vái lạy, rồi thắp sáng ngọn đèn trong tay mình. Rồi lần lượt các tăng sư sắp xếp theo phẩm giới từ cao xuống thấp, người phía sau đón ánh lửa từ ngọn đèn của người phía trước để thắp sáng ngọn đèn trên tay mình. Phút chốc, cả đại điện lung linh rực rỡ. Tôi cũng thắp sáng ngọn đèn của mình, cảm giác như ánh sáng ấy có thể chiếu rọi cả cõi tâm linh. Trong không khí linh thiêng ấy, Ra­ji­va tựa như một vị thánh với hào quang tỏa sáng, thần tuệ siêu phàm, dẫn dắt cả nghìn người cầu nguyện, rồi thả từng thẻ gỗ có ghi tên những người đã khuất vào trong đống lửa. Âm thanh tụng niệm vang vọng, bay lượn trong không gi­an và rót vào tai tôi. Khung cảnh này, cảm xúc này khiến tôi cảm động tưởng như có thể bật khóc.

 

Lễ hội kết thúc đã nhiều ngày rồi, vậy mà tôi vẫn không ngừng hồi tưởng về bầu không khí tâm linh trang nghiêm hôm đó, thêm một lần nữa tôi đã lĩnh hội được sức mạnh tinh thần lớn lao của tôn giáo. Có lẽ vì thế chăng mà ngay từ khi loài người xuất hiện, tôn giáo cũng theo đó ra đời. Và tôi tin rằng, tôn giáo sẽ tiếp tục tồn tại trường tồn cùng với sự tồn tại của con người và chỉ biến mất khi loài người diệt vong. Ai cũng có nhu cầu ký thác tâm nguyện, nhất là khi phải trải qua những khổ nạn. Phật giáo đã bắt rễ rất sâu và lưu truyền rộng rãi ở Trung Nguyên vào thời kỳ Nam Bắc triều, bởi vì đó là một gi­ai đoạn lịch sử thảm khốc. Khi tôi nói với Ra­ji­va về suy nghĩ và cảm nhận đó, cậu ấy mỉm cười đồng tình. Phần lớn kinh văn Phật giáo tôi đều không thuộc, tôi chỉ có thể thảo luận với cậu ấy về tôn giáo dưới góc độ lịch sử và triết học mà thôi. Có đôi lúc, cậu ấy không lí giải nổi những điều tôi nói, nhưng chỉ trong giây lát, tư duy thần tốc đã cho cậu ấy câu trả lời trọn vẹn. Khoảng thời gi­an ngắn ngủi mỗi buổi tối trôi qua trong chớp mắt. Tới khi nhận ra đã đến giờ cậu ấy phải về chùa, tôi không khỏi ấm ức, vì sao học thuyết tương đối của Ein­stein lại đúng tuyệt đối kia chứ!

 

Tôi tiếp tục công việc khảo sát và vẽ tranh trong chùa. Có lúc, tôi đang ngồi xếp bằng bên ngoài đại diện để đo đạc, thì cậu ấy bước vào trong trò chuyện với các đệ tử. Khi tôi ngồi trong đại điện họa lại những bức vẽ trên tường, thì cậu ấy dẫn theo một số hòa thượng vào điện thuyết pháp, không quên ra hiệu cho tôi tiếp tục công việc của mình, đừng để ý đến họ. Khi tôi kiễng chân lên đo chiều cao của ngôi tháp, sẽ có một bóng người cao gầy bước đến cầm lấy chiếc thước cuộn, che trên đầu tôi. Khi tôi khát nước, lập tức sẽ có một chú tiểu mang nước đến cho tôi, sau đó sẽ thấy bóng chiếc áo cà sa màu nâu sòng thân thuộc lướt qua bậc cửa…

 

Không thể tiếp tục như vậy! Giờ đây mỗi lần nhìn thấy Ra­ji­va, trái tim tôi lại đập rộn ràng một cách khó hiểu. Ngày nào không thấy cậu ấy, tôi như người mất hồn, không thể tập trung làm được việc gì cả. Buổi tối, khi gối đầu trên chiếc gối của cậu ấy, đắp lên mình tấm chăn của cậu ấy, một niềm vui bất trị cứ trào dâng trong tôi. Lúc đến chùa Cakra, tay tôi cầm bút nhưng mắt tôi không ngừng dõi theo từng bước chân của cậu ấy, cho đến khi Ra­ji­va ngước lên và mỉm cười với tôi. Tôi biết rất rõ những biểu hiện ấy có nghĩa là gì. Nếu tôi vẫn tiếp tục ngắm nhìn gương mặt ấy, tiếp tục lắng nghe giọng nói của của cậu ấy, tôi sẽ sa vào “vòng trầm luân”, không thoát ra được và cũng không muốn thoát ra. Nhưng, Ngài Tình ơi, cô có thể có tình cảm với bất cứ ai, nhưng không được có tình cảm với cậu ấy. Cậu ấy không phải là tách trà cô uống mỗi ngày. Giữa cô và cậu ấy là khoảng cách 1650 năm thời gi­an. Và điều quan trọng nhất là: cậu ấy mãi mãi là một hòa thượng, còn cô, sớm muộn cũng phải quay trở về thế kỷ XXI của mình.

 

Vậy nên, sau hai tháng trời kéo lê, công việc khảo sát ở chùa Cakra của tôi không thể không kết thúc. Trăn trở mãi, cuối cùng tôi cũng quyết định sẽ nói với cậu ấy về dự định của mình vào buổi học tiếp theo.

 

Hôm đó, tôi giảng giải cho Ra­ji­va quyển thứ sáu mươi mốt trong tập “Sử ký” của Tư Mã Thiên có tên gọi – Bá Di liệt truyện. Bá Di và Thúc Tề lấy việc nước mất làm xấu hổ, thề không ăn thóc nhà Chu, bỏ lên núi hái rau dại ăn qua bữa, nhưng rau dại không thể nuôi sống con người, nên cuối cùng hai ông đã bị chết đói tại núi Thú Dương. Dưới ngòi bút của Thái Sử Công Tư Mã Thiên, lòng trung thành và phẩm hạnh cao khiết lẫm liệt ấy đã được đánh giá rất cao. Phần truyện kể về Bá Di, Thúc Tề rất ngắn gọn súc tích, nhưng nội dung chính lại nằm trong đoạn Thái Sử Công bày tỏ những suy cảm của riêng mình.

 

- Thế nhưng, chúng ta có nên học theo hành động “ngu trung” đó của Bá Di và Thúc Tề hay không? Khi ấy, thiên hạ đã thuộc về nhà Chu, họ thề không ăn thóc nhà Chu, bỏ lên núi hái rau dại, nhưng rau dại ấy vẫn là rau dại của nhà Chu, họ sống trên núi Thú Dương thuộc lãnh thổ của nhà Chu và sau khi họ chết, chính người nhà Chu đã an táng cho họ.

 

Tôi thở dài:

 

- Ai rồi cũng phải đối mặt với những khó khăn thử thách trong cuộc đời và trước mỗi khó khăn thử thách ấy, mỗi người đều phải đưa ra lựa chọn và quyết định của riêng mình. Sẽ nhẫn nhục tiếp tục sống hay học theo Bá Di, Thúc Tề thà chết đói chứ nhất định không chịu nhục. Nếu là tôi, tôi sẽ chọn cách tiếp tục sống. Bởi vì chỉ có như vậy chúng ta mới có thể thực hiện được lý tưởng của mình. Vậy còn những lời phán xét của người đời sau thì sao? Tôi đã thành người thiên cổ rồi thì còn để tâm đến điều đó làm gì nữa!

 

Tôi lặng ngắm Ra­ji­va và bâng khuâng nghĩ đến khúc ngoặt trên hành trình số mệnh của cậu ấy mười một năm sau. Khi ấy, chắc hẳn cậu ấy đã phải chịu những nỗi dằn vặt đau đớn đến đứt từng khúc ruột?

 

- Vì vậy, Ra­ji­va ạ, nếu sau này gặp phải khó khăn hay trở ngại, cậu hãy nghĩ đến lý tưởng lớn lao của mình, lấy đó làm động lực tiếp tục sống.

 

Mười một năm sau, tôi sẽ không xuất hiện, nên chỉ có thể đưa ra lời khuyên như vậy với cậu ấy.

 

- Viết sách làm thơ, đó là điều những người trong lúc cùng khốn dùng để truyền đạt chí hướng và suy cảm của mình. Xưa Tây Bá (tức Chu Văn Vương) bị tù ở Dũ Lí nên diễn giải Chu dịch; Khổng Tử gặp nạn ở đất Trần, đất Sài nên viết Xuân Thu; Khuất Nguyên bị đuổi nên viết Ly Tao; Tả Khâu Minh bị mù làm Quốc Ngữ; Tôn Tẫn cụt chân bàn Binh Pháp; Lã Bất Vi bị đày sang Thục, đời truyền lại sách Lữ Lăm; Hàn Phi bị tù ở Tần làm nên những thiên Thuyết Nan, Cô Phẫn; ba trăm bài ở “Kinh thi” phần lớn đều do thánh hiền làm ra để giãi bày nỗi phẫn uất. Những người ấy đều vì những điều uất ức không biểu lộ ra được, cho nên thuật lại việc xưa mà lo truyền lại người sau.

 

Ra­ji­va nhìn tôi, mượn lời của Thái Sử Công đáp lời tôi.

 

Chúng tôi cứ thế nhìn sâu vào mắt nhau, mặc cho không gi­an xung quanh trở nên tĩnh lặng thất thường, giữa chúng tôi là bầu không khí khó đặt tên. Gương mặt Ra­ji­va hiện dần sắc đỏ, cậu đột nhiên quay đi. Vẻ mặt mà tôi nhìn thấy là sự đan xen của rất nhiều xúc cảm: một chút khó xử, một chút buồn và một chút… hối hận.

 

Ra­ji­va, thực ra cậu đâu cần tôi dạy. Đoạn sử “Thái Sử Công tự thuật” cậu vừa đọc nằm trong chương cuối của bộ Sử ký. Tôi tin rằng, nếu yêu cầu cậu đọc thuộc cả bộ Sử ký này, cậu cũng có thể làm được. Vậy thì vì sao cậu vẫn muốn tôi lên lớp? Trái tim tôi bỗng đập nhanh dữ dội, tưởng như có thể nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi có thể suy luận ra được, là vì cậu muốn được gặp tôi mỗi ngày, nên mới vờ như chưa từng đọc “Sử ký”, đúng không? Nhưng mà… nhưng mà…

 

Tôi nhắm nghiền mắt lại, cố sức kìm chế nhịp đập gấp gáp, vất vả của trái tim và nói với cậu ấy bằng sự bình tĩnh lớn nhất mà tôi có được:

 

- Ngày mai tôi không đến chùa Cakra nữa, tôi đã vẽ xong rồi. Cậu biết phải tìm đoàn thương nhân đi Trường An ở đâu không? Nếu cậu không biết, tôi tự tìm hiểu cũng được.

 

Trầm tư trong giây lát, Ra­ji­va hỏi tôi:

 

- Lúc này Trung Nguyên đang trong hoàn cảnh loạn lạc, chiến tranh liên miên, người Hán và người Hồ ra sức tàn sát lẫn nhau. Cô một mình thân gái dặm trường, vì sao cứ nhất định phải đến nơi nguy hiểm ấy? Khâu Từ tuy chỉ là một quốc gia bé nhỏ, nhưng dù sao vẫn an toàn hơn nơi đó rất nhiều. Chi bằng…

 

- Ra­ji­va…

 

Tôi khẽ ngắt lời cậu ấy.

 

- Lý tưởng của cậu là cứu độ cho mọi chúng sinh thoát khổ. Để hoàn thành lý tưởng này, cậu sẵn sàng đến Trung Nguyên, dấn thân vào chốn binh đao khói lửa đó chứ?

 

- Tất nhiên là tôi sẵn sàng.

 

- Tôi cũng vậy.

 

Tôi ngắm nhìn cuốn “Sử ký” vốn là tâm huyết một đời của Thái Sử Công.

 

- Tôi cũng có lý tưởng của mình. Tôi từng nói với cậu, ước nguyện của tôi là viết nên một cuốn sách sử, ghi lại những sự kiện lịch sử chân thực, trả lại cho lịch sử tính xác thực vốn có.

 

Ngũ Hồ Loạn Hoa là thời đại lịch sử bi thảm nhất của người Hán. Cha con Thạch Hổ nước Hậu Triệu lấy việc giết hại người Hán làm thú vui, chỉ trong vòng hai mươi năm đã giết hại mấy mươi vạn người.

 

Nhiễm Mẫn diệt Triệu, ban lệnh tàn sát người Hồ, phàm những người có dung mạo giống người Hồ là thẳng tay giết chết không tha. Chỉ trong một năm, đã giết hại hơn hai mươi vạn người Hồ. Phương bắc Trung Quốc, trong vòng hơn hai mươi năm, xương trắng đầy đồng, xác người chất cao thành núi, tiếng than khóc dậy trời. Nếu là thời đại đó, có cho tôi đem theo vũ khí hạt nhân, tôi cũng không dám đi. May thay đó là gi­ai đoạn khi Ra­ji­va vừa chào đời. Tình hình Trung Nguyên hiện nay, nhà Tiền Tần đã lấy được vùng Lương Châu và Liêu Đông, cơ bản thống nhất được phương bắc. Và Phù Kiên là vị vua mà tôi ngưỡng mộ nhất trong thời kỳ Thập lục quốc. Tôi rất mong muốn được đến tham quan nước Tiền Tần do ngài cai trị hiện nay, bởi vì sau mười năm nữa, với thất bại thảm hại ở trận Phì Thủy, nhà Tiền Tần của ngài đã nhanh chóng suy yếu và tan rã, phương bắc lại tiếp tục rơi vào cuộc tranh đoạt thảm khốc của các thế lực ly khai.

 

Tôi nhìn Ra­ji­va, thầm hy vọng ánh mắt kiên định của mình sẽ nói lên điều gì đó. Cậu ấy nhìn tôi, rồi lại ngoảnh mặt đi hướng khác, ánh mắt lạc lõng thả trên ngọn đèn dầu lập lòa, giọng nói nhẹ như hơi thở:

 

- Tôi sẽ sắp xếp cho cô.

 

Tôi tiếp tục giảng bài, Ra­ji­va tiếp tục lắng nghe. Cứ xem như tôi không hiểu tâm trạng của cậu ấy. Cứ vờ như thế đi, tiếp tục làm ngơ đi…

 

Kết thúc buổi học, như thường ngày, Ra­ji­va lặng lẽ ra về. Tôi đang định thở phào một tiếng, chợt cánh cửa phòng lại mở ra.

 

- Cô còn nhớ Thiên Phật động Kizil không?

 

Vẫn dáng vẻ bình thản thường thấy đó.

 

- Sau mười năm kể từ ngày cô nói ở đó sẽ có một ngôi chùa hang đá, đến nay đã có hơn mười hang động lớn nhỏ được xây dựng rồi đó.

 

- Bảy ngày sau tôi sẽ tới đó lễ Phật.

 

Ra­ji­va nhìn tôi, mắt sáng long lanh.

 

- Cô có muốn đi không?

 

Tôi… tôi… tôi muốn chứ! Cậu ấy hiểu rõ điều gì có thể hấp dẫn tôi. Nếu đến đó, tôi sẽ xác định thời gi­an và trình tự xây dựng các hang đá của ngôi chùa vĩ đại ấy và còn có thể phác họa lại những bức vẽ tuyệt đẹp trên tường mà về sau đã bị phá hoại nặng nề. Những tài liệu này sẽ là những tài liệu lịch sử vô cùng quý giá. Tôi không kháng cự nổi sức hấp dẫn này. Trì hoãn thêm vài ngày có lẽ không vấn đề gì. Có lẽ tôi vẫn còn đủ thời gi­an.

 

Thấy tôi gật đầu, Ra­ji­va tươi cười.

 

- Bảy ngày sau chúng ta sẽ lên đường.

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3