Xuân khứ, Nhất chi mai - chương 11
chương 11
Tôi và Hương ngồi như vậy suốt đêm. Hương vẫn tiếp tục thêu khăn, tôi bảo nàng nên nghỉ đi một lúc nhưng nàng không nói gì, à, ý tôi là nàng không tỏ thái độ gì. Trời vừa sáng, mấy cung nữ đã gõ cửa, Hương vừa mở ra, các nàng ùa vào như cơn gió sắc màu, trên tay đủ cả son phấn, quần áo, trang sức. Hôm nay mười bảy *, tôi lên xe hoa, chung quy vẫn cảm thấy ngày này không tốt lắm. Một cung nữ chạy vào hớt hải, báo quân Thát công thành. Tôi dang tay cho Hương mặc áo, bình tĩnh hỏi nàng :
- Trên thành thế nào rồi ?
- Bẩm công chúa, nô tỳ không rõ lắm, chỉ nghe nói Hoàng thượng sai bắn đá ạ !
Sẩm tối qua tôi cũng đi xem mấy cái xe bắn đá này, chắc cầm cự được đến trưa là cùng.
- Việc chạy dân thế nào rồi ?
- Dạ, bẩm, mới chỉ được già nửa, vì còn phải mang theo đồ đạc nên rất cập rập.
Tôi gật đầu với nàng cho lui. Các cung nữ khác cũng xong việc, dẫn đường cho tôi tới đại điện.
Tôi tới đại điện mới đúng một lần, vào lúc phụ hoàng băng hà. Có điều khi ấy mới mười tuổi, lại đội một tầng mũ mấn khăn sô, chẳng nhìn thấy gì. Đại điện rất rộng, chia làm ba gian, ngăn cách các gian là hàng cột lớn sơn son thiếp vàng, chân cột khắc rồng phượng uốn lượn. Gian giữa lát gạch vàng, dẫn tới bệ rồng. Hoàng thượng đang đứng bên dưới, chắp tay sau lưng, nghe thái giám truyền bèn quay đầu lại, sắc mặt rất mỏi mệt nhưng mắt sáng tinh anh.
- Cô đã tới ạ !
Tôi làm lễ, sau đó mới thấy một vị Vương gia đang ngồi. Vị này đã cao tuổi, râu tóc hoa râm, mặc áo bào màu lam đậm, thêu hoa văn đỏ tía. Cằm chẻ, mắt sâu, mày nhăn tít. Tuy vậy toát lên vẻ uy nghi, đáng kính. Bên trái Vương gia là một chàng trai còn trẻ, vai rộng thân cao, dáng mảnh khảnh yếu ớt. Tôi chợt nghĩ đến câu “ học trò dài lưng tốn vải”. Anh ta miệng hơi rộng, môi mỏng, khi tôi nhìn sang liền cúi đầu chào, giọng nói rất dịu dàng điềm nhiêm. Trần Khâm giới thiệu :
- Đây là Trung hiếu hầu Trần Dương, còn đây là Đại hành khiển Đỗ Khắc Chung. Hai người họ sẽ rước cô sang bên ấy.
Trung hiếu hầu Trần Dương chỉ ngồi yên trên ghế, mắt nhìn về phía cổng thành xa xa. Hoàng thượng ban tọa, tôi ngồi thoải mái nhưng Đỗ Khắc Chung vẫn đứng thưa chuyện. Tôi không để ý lắm, chỉ nghe loáng thoáng lương thảo gì đó.
Giữa trưa, trời vẫn còn xám xịt, hai bên ngừng chiến. Tôi lên xe ngựa ra khỏi thành, hướng về phía doanh trại địch. Đã có giao ước từ trước nên rất thuận lợi sang tới nơi. Thuộc hạ đánh xe cho tôi là Đào Kiên, người của Vương gia. Tôi không thích anh ta, đôi mắt dài và hẹp, nhìn đi nhìn lại vẫn thấy thiếu thật thà.
Tôi phải đợi ở ngoài, để Vương gia và Đỗ Khắc Chung đi trước thương thuyết. Nữ nhân không tham gia nghị sự, huống hồ tôi bây giờ, chỉ là một cống phẩm.
Chính ngọ, Đào Kiên ra mời tôi vào. Mấy nữ tỳ nhanh chóng chỉnh trang cho tôi, sau xếp hàng đi theo. Thoát Hoan ở trong một dinh thự lớn, chắc là đoạt của hào phú hay quan gia nào đó. Xung quang tường bao, các lều trại mọc san sát. Tầm một khắc liền có tốp lính đi tuần, áo giáp sáng lóa, tay nắm chuôi kiếm, thập phần cẩn trọng. Tôi bước vào sảnh lớn, người đã ngồi đầy hai bên, trước mặt sắp sẵn bàn rượu thịt. Chính giữa trên cao, hẳn là Thoát Hoan. Hắn nửa ngồi nửa nằm, tay lắc lắc chén rượu, tay khác chống lên bàn, mĩ nữ bên cạnh dựa lưng vào chân hắn ta, áo trễ ra bờ vai trắng ngần. Thấy tôi, nàng lườm bén ngọt, đôi mắt xếch lộ rõ sự ghen ghét cùng khinh bỉ. Tôi cúi đầu chào, hoàn toàn phớt lờ nàng. Vương gia vẫy tay cho tới tới đứng đằng sau ngài. Từ đầu tới cuối, Thoát Hoan không nói một lời nào, cũng không liếc tôi lấy nửa cái. Vương gia cười giả lả :
- Đứa trẻ này là An Tư, năm nay mới mười bảy tuổi. Tuy chẳng được chim sa cá lặn, nhưng trong Đại la cũng là xuất chúng, cầm kì thi họa nữ công gia chánh không dám xưng tụng tinh thâm nhưng là kẻ hiểu nghệ. Điện hạ từ nơi xa xôi đến, chắc thổ nhưỡng chưa quen, vậy xin để nàng hầu hạ mấy ngày.
Xong lại quay lại bảo tôi :
- Con tới kính Điện hạ một chén !
Tôi còn chưa nhấc chân, đã có tiếng người nói :
- Khoan, Điện hạ quá chén, không cần rót thêm rượu
Nhìn sang đối diện, người đàn ông vừa nói rậm râu sâu mắt, khác với vị tướng quân vai hùm tay gấu cầm búa bên cạnh, ông ta có vẻ nho nhã hơn. Thủng thẳng vuốt râu, rồi làm như phẩy mấy hạt bụi vô hình trên áo giáp, ông ta nói tiếp :
- Hôm nay Điện hạ có chút say rượu, nên việc giảng hòa chắc không bàn tiếp được.
Đỗ Khắc Chung nãy giờ ngồi yên, đột nhiên lên tiếng, anh ta cười như hồ ly. Tôi thở dài, thảo nào cứ bảo trông quen mặt, điệu cười này, đúc của Lục ca chứ còn ở đâu nữa.
- Vậy phiền Tả thừa tướng xếp cho Vương gia một chỗ nghỉ tạm qua đêm, đợi sáng mai Điện hạ tỉnh sẽ lại xin diện kiến. Hà, Tả thừa tướng yên tâm, Vương gia rất kiên nhẫn, không sợ phiền phức, Ngài chỉ ngại quân doanh chật chỗ thôi. Nhưng tôi nghĩ doanh trại lớn thế này, thêm vài người đáng là bao. Mà nói đi cũng phải nói lại, tới gặp Điện hạ một chút thành ý chờ đợi cũng không bày tỏ được thì thật không phải.
Viên tướng kia trợn mắt lên, thô bạo cầm chén rượu trên bàn. Ngược lại, Đỗ Khắc Chung vẫn cười, nâng chén rượu còn cố ý hướng về phía ông ta, gật một cái. Tôi thở dài lần nữa, chỉ hận chẳng thể đến bên hắn xem có cái đuôi nào lọt ra ngoe ngẩy không. Đúng lúc ấy, tôi cảm nhận một ánh nhìn lạnh giá chiếu thẳng vào người, theo bản năng, tôi nhìn lại, thấy Thoát Hoan, kẻ vốn say rượu khật khù trên kia đang nhìn tôi chằm chằm. Chỗ này thím Liên dạy tôi rất kĩ, rằng thục nữ khi nam tử ngắm nhìn không được phép nhìn lại, mà phải cúi đầu e thẹn, hai má đỏ ửng. Tôi vội cúi đầu nín thở để mặt nóng lên, nhưng trang điểm lớp phấn dày, dẫu mặt có đỏ thì người ngoài trông vào cũng chỉ một màu trắng bạch, mà tôi nín thở hồi lâu, suýt chết ngạt. Khó khăn lắm mới điều chỉnh cho nhịp thở bình thường như cũ, Thoát Hoan đã quay đi.
(*) ý An Tư là câu nói " chớ đi mùng bẩy chớ về mùng ba ". theo giân gian, những ngày âm có đuôi là 7 như mùng 7, 17 hay 27 thì không nên đi xa, tương tự với những ngày 3, 13, 23 không nên trở về