Ma thổi đèn ( Tập 6 - Nam Hải Quy Khư ) - Phi lộ

Chuyện đào mồ trộm mả vốn có từ thời xa xưa, từ khi Hạng Vũ quật mộ vua Tần Thủy Hoàng, đã trải qua hai mươi ba triều đại, thế gian vật đổi sao dời, thay triều đổi đại là lẽ tự nhiên, bởi thế mà những hạng đào trộm mồ mả cũng nhiều như lông trâu. Dựa theo động cơ, thủ pháp, hệ phái để phân chia, tất cả không ngoài bốn đại phái: Phát Khưu, Mô Kim, Ban Sơn, Xả Lĩnh.
Hai phái Phát Khưu và Mô Kim, khởi nguồn vào thời Hậu Hán, vốn từ một mạch mà ra. Bí thuật của phái Mô Kim lấy “Dịch” làm đầu, lấy “Sinh” làm phép tắc: sinh sinh biến hóa, gọi là “Dịch”, đại đức của trời đất, gọi là “Sinh”. Sau giai đoạn mạt vận của nhà Nam Tống, không còn ai nhắc đến phái Phát Khưu nữa, mà hợp lại gọi chung người của hai phái này là Mô Kim hiệu úy. Mô Kim hiệu úy dựa theo Ngũ hành của Dịch học để phân kim định huyệt, đa phần là hạng có lòng lập thân tế thế cứu đời, thường tập hợp thành nhóm dăm ba người, không có danh phận sư đồ, chỉ dùng ấn Phát Khưu, bùa Mô Kim, Tầm Long quyết làm bằng, tiến thoái công thủ đều có chương pháp rõ ràng. Mô Kim hiệu úy tuy là trộm song cũng có đạo, gà gáy đèn tắt không hành nghề, đạo tặc mà không rời xa đại đạo, kính quỷ thần nhi viễn chi[1].
Ban Sơn đạo nhân gốc gác từ vùng núi Song Hắc, sông Khổng Tước ở Tây Vực, tuyền là người đồng tộc đồng tông, lúc bình thường đa phần đóng giả làm đạo sĩ đi chu du, không qua lại với người ngoài, độc lập độc hành, đời nào cũng có bậc kỳ nhân dị sĩ, trộm khắp các kho báu trong thiên hạ. Cũng có người nói: “Ban Sơn đạo nhân đào cổ mộ, là để cầu tiên dược bất tử đấy.” Người của phái Ban Sơn có thuật Ban Sơn Phân Giáp cực kỳ độc đáo, còn chia làm thuật Ban Sơn Trấn Hải và thuật Phân Sơn Quật Tử Giáp, gọi chung là “Ban Sơn chi thuật”, bao đời cũng không truyền ra bên ngoài. Ban Sơn đạo nhân tìm bảo tàng, đi trộm mộ, không ai là không dựa vào dị thuật này để làm căn bản. Những thuật này tuy chỉ là phương thuật của Tây Vực, nhưng lại bao hàm rất nhiều kỹ thuật, pháp môn, khẩu quyết khác nhau. Ban Sơn thuật không lấy Dịch học làm tổng cương, vì vậy khởi nguồn lý luận của phái hoàn toàn khác biệt so với phong thủy bí thuật của Mô Kim hiệu úy.
Phái Xả Lĩnh đông người nhất, nguồn gốc từ đám nông dân khởi nghĩa đào mộ vua chúa thời Hán mạt, dùng số đông đoạt lấy lợi, chia tiền tài mà tụ nghĩa, nhân số ít thì hàng trăm, nhiều thì lên đến số nghìn. Bình thường, những người này phân tán ra, kẻ làm phỉ, làm cướp, cũng có người làm quan quân, thành phần hỗn tạp. Trong nhóm có một thủ lĩnh, nhất hô bá ứng, khi gặp được mộ cổ liền thông báo tin tức, tụ tập nhân thủ để phá mộ lấy tài vật bên trong. Đám người này hành sự không tính đến hậu quả, cứ một cuốc một xẻng đào xuống, mang trâu mang ngựa đến chở đi, đại pháo hay thuốc nổ, phàm thứ gì dùng được đều dùng hết. Những ngôi mộ bị phái Xả Lĩnh nhắm tới, dẫu là cất sâu trong núi, vách đá như đồng, tường mộ đổ thêm ruột thép, thì cũng bị dùng ngoại lực mà phá đi.
Phát Khưu, Mô Kim, Ban Sơn, Xả Lĩnh: bốn phái này đã bao gồm ba hệ thống trộm mộ dựa vào “phong thủy, phương thuật, ngoại lực” trên đời, gọi tắt là “lý, kỹ, vật”, đồng thời, cũng đại biểu cho ba động lực thôi thúc họ trộm mộ: “tế thế, tìm thuốc, phát tài”. Còn lại chỉ là hạng trộm lẻ tẻ trong dân gian, đa phần đều là phường trộm gà trộm chó, như một đám cát khô, khó mà thành được việc lớn, không đáng nhắc đến.
Trong bộ Ma thổi đèn II này, sẽ chỉ nói về truyền kỳ của Mô Kim hiệu úy và Ban Sơn đạo nhân mà thôi.
Chú thích
[1] Kính trọng quỷ thần mà tránh xa. (Luận Ngữ - Khổng Tử).