Mật mã Tây Tạng ( Tập 8 ) - Chương 04 - Phần 01

Câu chuyện của A Mễ

Sau đó họ lại đi thêm hai ngày nữa. Trong hai ngày này, người nhàn nhã nhất chính là Sean, vì vết thương ở chỗ nhạy cảm nên anh ta được ung dung thoải mái nằm sấp trên cáng, ngày ngày chỉ có mỗi việc đọc tài liệu trong máy tính của giáo sư Phương Tân, bổ sung thêm kiến thức về các loài sinh vật khổng lồ thời tiền sử, nên giờ đây đã có thể phán đoán được tập tính sinh hoạt của các loại quái thú ở đây một cách chính xác hơn nhiều rồi.
Có điều, sự nhàn nhã của Sean được xây dựng trên cơ sở sự bận bịu của bốn người, Ba Tang, đội trưởng Hồ Dương, Trác Mộc Cường Ba và pháp sư Á La - bốn người này phải thay nhau khiêng cáng. Ba người còn lại không nói gì, chỉ có Ba Tang là rất nghi ngờ về vết thương của Sean. Đầu óc Sean vẫn tỉnh táo, vết thương cũng không hề có chiều hướng nhiễm trùng nặng hơn, tại sao lâu như vậy vẫn không đỡ chút nào? Ít nhất anh ta cũng phải tự đi được vài bước mới phải. Có điều lần nào thay thuốc cũng thấy Lữ Cánh Nam và Đường Mẫn nhíu chặt đôi hàng lông mày, lần nào cũng dẫn lưu được nhiều dịch như cũ, nhưng nếu bảo là vết thương bị nhiễm trùng, thì cơ thể Sean lại cũng không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào khác. Đối với trường hợp này, bọn họ cũng không thể nào giải thích nổi, các loại thuốc tiêu viêm, kháng sinh có thể dùng được đều đã dùng hết cả rồi, lẽ nào cả vi khuẩn ở Shangri-la này cũng khác với thế giới bên ngoài hay sao? Nhưng Trác Mộc Cường Ba cũng bị thương y như vậy, tại sao Trác Mộc Cường Ba không sao? Vết thương của gã về cơ bản đã khỏi hẳn, sẹo cũng liền lại rồi.
Nhưng chẳng phải Ba Tang quan tâm đến tình trạng sức khỏe của Sean, điều anh ta lo lắng là, Sean chẳng những không chia sẻ một phần việc vác đồ, ngược lại còn tăng thêm trọng lượng cho những người còn lại, khiến tốc độ hành trình của cả nhóm giảm xuống đáng kể, cứ tiếp tục thế này sớm muộn gì cũng bị đám phần tử vũ trang đằng sau kia đuổi kịp. Nếu là đội trước đây của anh ta, những thành viên như tay Sean này đã sớm phải rời khỏi đội ngũ, một mình tự sinh tự diệt trong rừng sâu rồi, còn nếu như gặp tình trạng quá sức đau đớn không thể sinh tồn được, thì những thành viên khác trong đội sẽ hoàn toàn không chút do dự giúp người bị thương giải thoát.
Mỗi lần nhìn thấy ánh mắt băng lạnh đầy sát khí của Ba Tang, Sean cũng không khỏi có chút áy náy, đương nhiên anh ta cũng biết hiện giờ mình đang là gánh nặng của cả đội, có điều lần “tiếp xúc thân mật” với con muỗi khổng lồ ấy có lẽ đã thương tổn đến thần kinh hay xương mông gì đó, cứ hễ đặt một chân xuống đất là lại đau đến thấu tim, mà anh ta thì cũng tuyệt đối không thể hy sinh bản thân vì nhóm người này được.
Trong thời gian nghỉ ngơi của hai ngày này, với sự cố gắng không mệt mỏi của mình, cuối cùng Trương Lập đã phát hiện được thêm hai đoạn ghi chép nữa có nhắc đến Mã Cát, pháp sư Á La đã dịch lại cho anh thành một đoạn văn đầy thi vị...
“Ngọn lửa chiến tranh, mặc dầu đã dần dần lắng xuống, nhưng mỗi lẫn nhìn thấy những gương mặt trẻ thơ vô tội, cùng những cặp mắt oán hận ấy, ta lại biết rằng, dấu ấn thù hận đã hằn sâu, bên dưới sự bình lặng bề ngoài ấy là sóng ngầm đang cuồn cuộn trào dâng. Ta thật không hiểu nổi, những kẻ sống ở phía trên kia nghĩ thế nào. Sự cân bằng thế lực giữa hai vương quốc lớn đã giữ được hơn trăm năm, phá vỡ thế cân bằng ấy, chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng khủng khiếp, bọn họ hẳn cũng hiểu rõ đạo lý ấy chứ! Thật đáng tiếc, chúng ta không thể nào trở lại trên ấy nữa, xem ra, mãi mãi ta cũng không thể nào biết được chân tướng sự thực.
Có điều, khi đi qua thôn Công Nhã Lạp, ta đã thấy một cảnh tượng khiến mình thật sự cảm động, một đám trẻ con tầm sáu bảy tuổi, quần áo rách rưới vây quanh một cô bé khoảng mười tuổi, ríu ra ríu rít, tiếng cười hân hoan vang lên không ngớt. Dường như chúng đã quên đi nỗi đau do ngọn lửa chiến tranh mang tới. Trong khoảnh khắc ấy, ở chúng toát lên vẻ thuần chân mà những đứa trẻ nên có, thật hài hòa với cỏ xanh mầm biếc nơi đây. Ta bất giác dừng ngựa đứng từ xa nhìn, không phải cố ý, nhưng bất chợt nghe thấy lũ trẻ ấy báo cáo với thiếu nữ đang quay lưng về phía ta bằng chất giọng non nớt trong trẻo.
“Chị Mã Cát, em giúp chú Lạp Cát tìm được cái chổi trong nhà, chú ấy khen em cẩn thận đấy nhé...”
“Chị Mã Cát, em giặt sạch khăn giúp a ma, a ma còn khen em rất giỏi giang nữa cơ...”
“Chị Mã Cát, chị Mã Cát... chú dê nhỏ nhà em bị thương ở chân, em băng bó cho nó rồi, nó còn liếm tay em nữa nhé...”
“Cả em nữa, cả em nữa, em tưới cây cho vườn quả của a ba, a ba bảo em đã lớn rồi...”
...
Những lời báo cáo hân hoan ấy, cùng với tiếng cười ngân nga như tiếng chuông bạc như mưa xuân tưới đẫm lên linh hồn của kẻ đang lắng nghe là ta đây. Tựa hồ lần đầu tiên ta biết được, thì ra, niềm vui còn có thể hưởng thụ được theo cách như thế. Lũ trẻ tranh nhau nói ra những điều khiến mình vui vẻ, những điều mình tự hào, bất giác, đã làm nhạt đi cảm giác đau đớn, quên đi cả đói khát và nỗi sợ, những gương mặt non nớt ngây thơ càng tôn thêm vẻ đẹp của nụ cười. Cô bé gái lớn hơn một chút ấy, tay xách một giỏ trúc nhỏ, chừng như đang phát phần thưởng cho lũ bé hơn. Ta có cảm giác, bóng lưng ấy sao mà quen thuộc thế, cả cái tên Mã Cát cũng cứ vương vấn mãi trong lòng. Khi nàng quay người lại, gương mặt tươi cười khiến người ta có cảm giác như được tắm trong gió xuân, khiến lòng người thấy ngọt ngào như có dòng suối mát chảy qua, chính là nàng... trong tâm trí ta lập tức hiện lên bóng hình nhỏ nhắn mong manh ấy, Mã Cát A Mễ. Cùng với năm tháng, Mã Cát càng ngày càng thêm xinh đẹp, bất cứ ai nhìn thấy nụ cười thanh bình của nàng, cũng đều mang một hồi ức cả đời khó quên.
Mã Cát đã không nhận ra ta nữa, nhưng nụ cười của nàng vẫn không hề thay đổi, đôi mắt trong suốt của nàng cũng không thay đổi. Bước lại gần, ta ngạc nhiên phát hiện ra, chiếc giỏ trúc nhỏ của Mã Cát, chứa đầy các loại hạt giống, hạt cỏ, hạt quả, hạt ngũ cốc. Còn lũ trẻ nhỏ hơn kia, thì nâng niu những hạt giống ấy trên tay như báu vật, nét mặt lộ ra vẻ dương dương đắc ý. Ta tò mò hỏi xem cả bọn đang chơi trò gì. Mã Cát bèn khẽ nói với ta rằng, lũ trẻ ấy đã phải chịu nhiều đau khổ trong chiến tranh, đứa thì mất người thân, đứa thì thành tàn phế, cặp mắt chúng đã phủ lên sắc màu u ám, nếu không có người nào giúp đỡ chúng, trái tim chúng sẽ như tảng băng ngàn vạn năm không tan trên cao nguyên tuyết phủ. Nhìn những đứa trẻ mất đi nụ cười hoan hỉ của tuổi thơ ấy, Mã Cát liền nghĩ đến bản thân mình. Nàng hy vọng những đứa trẻ mồ côi bị chiến tranh giày vò ấy có thể tìm được hạnh phúc trong bất hạnh; nàng hy vọng nỗi đau mà nàng từng phải chịu đựng, từng phải nếm trải, không còn giáng xuống đầu những đứa trẻ khác nữa. Vì vậy, nàng đã nhặt rất nhiều hạt giống, và nói với chúng, mỗi ngày chúng có thể mang những điều khiến mình vui vẻ, những điều khiến mọi người vui vẻ đến đây đổi lấy một hạt giống hạnh phúc. Mang những hạt giống ấy trồng xuống đất, rồi dùng trái tim yêu thương tưới tắm, dùng niềm vui để chăm sóc, hạt giống sẽ nảy ra những mầm xanh hạnh phúc, mầm sẽ lớn lên, đơm hoa kết thành những trái hy vọng. Như thế, mỗi ngày lũ trẻ đều đi thu thập niềm vui, bọn chúng sẽ quên đi những điều bất hạnh.
Nhìn nụ cười thuần khiết vô tà của Mã Cát, ta bất giác rung động cả cõi lòng. Rốt cuộc nàng là người như thế nào? Chỉ với một hạt giống bé nhỏ đã có thể khiến lũ trẻ ấy quên đi nỗi đau đi thu nhặt niềm vui. Nàng đã gieo trồng những hạt giống hạnh phúc vào lòng lũ trẻ ấy. Chữa lành vết thương do chiến loạn gây ra là việc ta đã vắt óc nghĩ suy cũng không thể nào làm nổi, vậy mà nàng đã làm được. Nàng mới chỉ là một thiếu nữ mười tuổi. Sau khi vào thôn Công Nhã Lạp, ta nghe được một tin đau lòng: nửa năm trước, bà của Mã Cát đã qua đời. Cô bé vừa nãy mang đầy một giỏ hạnh phúc phân phát cho đám trẻ đã phải một mình gánh vác cuộc sống rồi hay sao? Khi nhìn thấy vẻ kính ngưỡng và sùng bái trong mắt lũ trẻ ấy, ta càng có niềm tin rằng, thiên sứ bé nhỏ ấy, chính là Độ Mẫu trên trời chuyển thế đến nơi đây cứu vớt những linh hồn bị thương tổn vì chiến loạn như chúng ta đây.
...
Lúc trở về, khi đi qua thôn Công Nhã Lạp, Địch ô Lạp Tố mời ta cùng đón tết Vọng Quả, ta lại nhớ đến cô thiếu nữ ấy. Mã Cát giờ chắc đã mười hai tuổi rồi. Khi ngọn lửa cháy lên, ta liền thấy nàng. Giờ nàng đã trổ mã, càng thêm duyên dáng thướt tha. Mã Cát nhảy múa quanh đống lửa, vạt váy tung bay, ngọn lửa cũng lay động hòa theo nhịp múa của nàng, mặt đất cũng đang rung lên theo nhịp chân nàng, nụ cười toát ra từ trong ánh mắt nàng...
Khác với Trương Lập chỉ chăm chú lắng nghe những dòng văn đẹp đẽ ấy, pháp sư Á La và đội trưởng Hồ Dương để tâm hơn đến các thông tin ẩn chứa đằng sau những ghi chép dạng như du ký cá nhân hay tùy bút đó, giờ họ đã hiểu được đại khái, nơi này chắc là một vùng đất cách biệt với thế giới bên ngoài ở trong dãy núi tuyết, cực kỳ khó ra vào. Nếu các loại truyền thuyết cũng có thể coi như lịch sử, vậy thì cách đây khoảng mười nghìn năm, đã lần lượt có các dân tộc thiên di đến đây để tránh chiến loạn hoặc nạn đói. Những dân cư nguyên thủy ở đây thống nhất gọi cả ba tầng bình đài là Thánh vực, hoặc cũng có thể mấy nghìn năm trước họ đã từng có một mô thức thống nhất, nhưng về sau đã lại bị phân tán ra; từ sau khi người Qua Ba đến đây, họ bèn gọi nơi này là núi thánh Tu Di, còn một nơi nào đó trên tầng bình đài thứ ba, sau khi được người Qua Ba xây dựng kiến tạo, đã được đặt tên là Shangri-la, là nơi được kiến tạo giống như trong truyền thuyết, không có chiến tranh, không có đói khát, cơ hồ mọi thứ đều có thể tự động hoàn thành.
Sở dĩ họ cho rằng trước đây đã từng xuất hiện một mô thức thống nhất, là vì trong các phần ghi chép tản mạn, sự phân bố quyền lực trong các bộ lạc có nét tương đồng rất lớn, giống như bộ lạc người Kukuer ở rừng rậm châu Mỹ, quyền lực được chia thành thần quyền và vương quyền, người đại biểu cho thần quyền gọi là Địch ô. Pháp sư Á La giải thích, Địch ô là một dạng thầy mo có thể trực tiếp đối thoại với thần linh, có thể đoán biết tương lai, đồng thời cũng sở hữu năng lực tiêu trừ khổ bệnh hoặc giáng tai họa trong Bản giáo cổ đại. Trong các bộ tộc ở tầng bình đài thứ hai này, địa vị của Địch ô đã được nâng lên đến gần bằng hoặc có thể nói là ngang với vương quyền, mỗi bộ lạc đều có một Địch ô, chức trách của họ giống như trưởng thôn, cũng đồng thời là thầy lang của thôn làng ấy, trong chiến tranh lại có tác dụng như Thiên khí chú sư, hoặc Cổ độc sư, Thao thú sư...
Trong những ghi chép dạng hồi ức ấy, còn một điểm cực kỳ quan trọng... chiến tranh. Nhật ký thôn Công Bố dường như không hề nhắc đến chiến tranh, có thể là ngọn lửa chiến tranh không bao giờ lan đến thôn Công Bố ở tận tầng bình đài thứ nhất, cũng có thể là người phụ trách việc ghi chép của thôn Công Bố rất kín kẽ đối với vấn đề chiến tranh, nên sự việc vốn trọng đại hơn thiên tai, tế lễ gấp bội phần này không hề xuất hiện trong các bản ghi Nhật ký lấy một lần.
Từ những đoạn ghi chép hồi ức, trải nghiệm của những người thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, có thể thấy rằng, nơi này không chỉ từng bùng nổ một trận chiến, mà cứ cách chừng mấy chục năm lại nổ ra một trận. Người Qua Ba khi mới đặt chân đến đây cũng không được thuận buồm xuôi gió, mà đã từng nảy sinh vô số xung đột lớn nhỏ với những dân tộc sống ở đây từ trước, cuối cùng mới xác lập được địa vị của mình. Trong một bản chép tay cổ xưa nhất, có nhắc đến một cuộc chiến tranh gian khổ nhất kể từ sau khi bộ tộc Qua Ba đến núi thánh Tu Di, ở trên tầng cao nhất, họ giằng co bất phân thắng bại với một bộ tộc nào đó.
Phần nội dung này Nhạc Dương phát hiện ra, anh rất ngạc nhiên vì trong phần tư liệu do những người khác phụ trách, chiến tranh chỉ được nhắc đến hết sức qua loa đại khái. Xét cho cùng ở thời đại đó, thế lực có thể đối kháng ngang hàng với Đạo quân Ánh sáng gần như không tồn tại, bộ lạc có thể buộc Đạo quân Ánh sáng phải huyết chiến nhiều ngày, ắt hẳn cũng tương đối lớn mạnh chứ chẳng chơi.
Nhạc Dương đưa phần tư liệu ấy cho pháp sư Á La. Pháp sư vừa nhìn thấy tên bộ lạc đó, liền bất giác biến sắc thốt lên: “Mã Tang!”
Nhạc Dương vội hỏi: “Đây là bộ lạc gì vậy ạ?”
Pháp sư Á La giải thích: “Mã Tang là một bộ lạc trong truyền thuyết. Tương truyền rằng, trước khi Thổ Phồn thống nhất cao nguyên Thanh Tạng, nơi đây đã từng trải qua mười mấy vương triều khác nhau, Mã Tang chính là một trong số đó. Thời kỳ thống trị của bộ tộc này có lẽ còn trước cả vương triều Tượng Hùng, chắc là cùng thời kỳ với triều nhà Thương ở Trung Nguyên. Nhưng đồng thời, Mã Tang cũng là một loại ma vật có sức mạnh vô song trong Bản giáo cổ xưa, về sau khi dung hợp với Phật giáo, Mã Tang được đổi thành Dạ Xoa và gọi như vậy cho đến ngày nay! Ngoài ra, trong các truyền thuyết thần thoại xa xưa, còn một câu chuyện rất nổi tiếng về Mã Tang nữa.”
Gần đây, Trương Lập trở nên cực kỳ mẫn cảm với các loại thần thoại truyền thuyết, vội vàng ngó đầu vào hỏi: “Thật không ạ? Truyền thuyết gì thế?”
Pháp sư Á La bèn kể vắn tắt: “Là một truyền thuyết khác về nguồn gốc của người Tạng. Trong câu chuyện ấy, tổ tiên của chúng ta từ đầu đã ở trên cao nguyên rồi. Họ sống trong những hang động nằm lưng chừng núi, còn được gọi là người ở hang đá; còn ở nơi cao hơn nữa trên núi tuyết, thì có người núi tuyết sinh tồn, tên của họ chính là Mã Tang. Vì vậy Mã Tang còn có thể gọi là người núi tuyết. Trong truyền thuyết, người Mã Tang cao lớn hơn chúng ta, bên ngoài cơ thể mọc một lớp lông tóc dày, tay dài chân rộng, có thể bước đi như bay trên núi tuyết. Thời viễn cổ xa xưa, người núi tuyết thường xuống núi ức hiếp người ở hang đá. Người ở hang đá phản kháng, nhưng vì sức khỏe không bằng đối phương nên vẫn luôn bị người núi tuyết chèn ép áp bức. Về sau, vì muốn sinh tồn, người ở hang đá đã đến cầu xin mẹ của các thần Sa Đô Ngải Tang. Vậy là, trong một trận quyết chiến giữa người núi tuyết và người ở hang đá, thần Mẫu đã giúp đỡ người ở hang đá, biến vũ khí trong tay họ thành những tảng đá khổng lồ, còn vũ khí của người núi tuyết bị biến thành những quả cầu tuyết. Cuối cùng, người ở hang đã dùng những tảng đá ấy đuổi người núi tuyết sang tận phía bên kia núi, rồi từ đó vui vẻ sinh sôi nảy nở dưới chân núi tuyết, cuối cùng đã hình thành nên các bộ tộc trên cao nguyên.”
“Hả?” Trương Lập và Nhạc Dương đều cho rằng mình đã tìm hiểu đủ về cao nguyên Thanh Tạng rồi, vậy mà pháp sư Á La chỉ cần thuận miệng kể ra một câu chuyện thôi cũng khiến họ cảm thấy hoàn toàn mới mẻ.
Đội trưởng Hồ Dương nói: “Truyền thuyết này tôi cũng có nghe nói. Còn nhớ khi đó có một vị chuyên gia nghiên cứu Tây Tạng đã từng phân tích, bảo rằng truyền thuyết này chắc là để ám chỉ cuộc chiến giữa người da vàng phương Đông và người da trắng ở phương Tây. Mọi người biết đấy, đám người nước ngoài kia thường thường thể hình đều cao lớn hơn chúng ta, hơn nữa lông tóc trên người cũng dài mà rậm rạp hơn. Thậm chí có người còn nói đấy là cuộc chiến giữa người Neanderthal và người Homo Sapien nữa.”
Pháp sư Á La lắc đầu nói: “Không, không phải, đây có lẽ là một lần thay đổi vương triều trong thời kỳ nô lệ, thời kỳ vẫn chưa có văn tự ghi chép. Hơn nữa, về người núi tuyết này, tôi có khuynh hướng nghiêng về...”
“Người Tuyết!” đội trưởng Hồ Dương tựa hồ bỗng nhiên sực nghĩ ra điều gì đó, vội vội vàng vàng nôn nóng tiếp lời.
Trương Lập và Nhạc Dương cũng lập tức lần lượt nói theo: “Dạ Đế?” “Chính là cái thứ lần trước chúng ta ở trên núi tuyết nghe thấy tiếng, mà không thấy đâu ấy ạ?”
Đội trưởng Hồ Dương gật đầu nói: “Ừm, trên cao nguyên Thanh Tạng vùng nào mà chẳng có các truyền thuyết về người tuyết, dã nhân, miêu tả cũng tỉ mỉ kỹ lưỡng lắm, nhưng trước nay vẫn chưa có chứng cứ nào xác thực cả. Nhiều nước trên thế giới còn tổ chức các đội khảo sát khoa học đến Tây Tạng và Nepal để tìm kiếm chứng cứ về người tuyết nữa đó.”
Nhạc Dương tò mò hỏi: “Đội trưởng Hồ sao lại nắm rõ những thông tin kiểu ‘thế giới đó đây’ này thế?”
Đội trưởng Hồ Dương nhe răng cười, đáp: “Không đơn giản chỉ là chuyện lạ đó đây đâu, rất nhiều nước coi việc điều tra về người tuyết như một hạng mục nghiên cứu khoa học. Năm đó, thời tôi mới vừa tham gia công tác, cũng từng theo ông đội trưởng già lên núi tuyết tìm cái thứ ấy đấy.” Đội trưởng Hồ Dương ngước mắt nhìn trời, như hồi tưởng: “Ở vùng Thanh Tạng và cả dãy Himalaya này, những câu chuyện về người tuyết thật nhiều vô số kể. Những khu vực khác nhau cũng có cách gọi khác nhau, cách gọi ‘Dạ Đế’ là phổ biến nhất, cả vùng núi thuộc Trung Á và Đông Á đều gọi như thế cả, gần như đã trở thành tên gọi chính thức của người tuyết. Nhưng ở khu Mặc Thoát thì lại gọi là ‘Tắc Thị’, gần vùng núi Lạp Ca Ba gọi là ‘Khang Mễ’, vùng phía Bắc Thanh Hải gọi bằng tên ‘Cách Lý’, các ghi chép thời nhà Thanh thì gọi là ‘Nhân Đồng’. Đối với vấn đề dã nhân có tồn tại hay không, nhà nước xưa nay vẫn rất coi trọng, chỉ có điều trọng điểm là ở khu vực Thần Nông Giá, còn về phương diện người tuyết thì các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu kỹ hơn chúng ta nhiều. Họ hoạt động ở phía Nepal và Ấn Độ, ngoài ra các hoạt động bí mật điều tra về người tuyết cũng được triển khai khá nhiều ở xung quanh ngọn Chomolungma.”
“Không đúng.” Pháp sư Á La nở một nụ cười điềm đạm, nói với đội trưởng Hồ Dương bằng giọng hết sức khẳng định.