Những đống lửa trên vịnh Tây Tử - Truyện 26 - Những đồng Đài tệ

Những đồng Đài tệ

Tờ Đài tệ mệnh giá lớn nhất hai nghìn tệ, tính ra xấp xỉ một triệu đồng tiền Việt. Cầm tờ Một Triệu ấy ra phố chỉ đủ để đi qua Siêu thị A+1 - một loại siêu thị bán hàng giá ưu đãi - mua những thức vật dụng hàng ngày dùng cho một tháng. Đồng xu bé nhất mệnh giá một tệ, chả mua được gì, nhưng sao tôi thương đồng xu bé tí hin màu xin xỉn ấy nhất, như cầm trên tay đồng bạc tuổi thơ từng nâng niu không dám tiêu. Cảm giác về một chút giá trị nhỏ nhoi trên tay, bao người từng cầm qua, bao cảnh nghèo vét túi đến đồng xu cuối cùng, người giàu dẫm lên đồng xu lẻ, những thanh toán vội vã đổi những vật dụng khiêm tốn, trả lại tay đồng xu bé xíu tượng trưng cho cuộc mua bán sòng phẳng. 

Hôm qua, tờ Thời báo Trung Quốc Chinatimes ra ở Đài Bắc chụp ảnh một người cha ở Cao Hùng, túng quẫn mở bình gas tự sát cùng đứa con trai bảy tuổi. Anh ta bỏ vợ năm 27 tuổi, một mình nuôi con, giờ mất việc, trong túi chả còn một xu, nghĩ tới tương lai và đứa con bé bỏng mà đứt ruột. Khi cảnh sát giải thoát, biết mình sống, anh ta lăn ra giường vật vã. Chết vì nghèo là bởi muốn chết nhất, bởi sống lại cũng không thể có ngày mai tốt đẹp hơn? 

Trước ngày bãi khoá, rời Học viện, anh dành hai ngày chở tôi đi lang thang qua tất cả các huyện thị của Đài Loan, từng ngóc ngách xó xỉnh trên mảnh đất này, nông thôn, thành phố, phồn hoa, heo hút, nghèo và giàu cách nhau một trời một đất. Cứ đi không cần ngày tháng, trong say mê và xót xa. Buổi chiều tối, trên đường về ký túc, anh đưa cho tôi một Thẻ tín dụng của Ngân hàng Yushan - và bảo: 

- Anh gửi tiền lương ở nhiệm sở kia hết trong thẻ này. Đây là số tiền lương anh bắt đầu tiết kiệm kể từ ngày đầu tiên anh quen em, anh đã nghĩ nên để tiền dành ra giúp cho em học tiếp ở Đài Loan. Nửa năm, anh không biết hiện giờ nó đã có bao nhiêu vạn tệ vì anh chưa từng tiêu ở đó đồng nào. Và hàng tháng tiền lương của anh vẫn tiếp tục tự động chuyển vào đây. Anh muốn em dùng tiền để học thật tốt. Vì học mà học giỏi chứ không phải vì tiền mà học giỏi! 

Nước mắt bắt đầu ngập ngừng trên mi, tôi cắn môi nhìn đi phía khác. Không dám nói không hoặc là nói có. Câu trả lời nào cũng đều nặng như nhau, phải vậy không, tôi tự hỏi tôi, người phụ nữ đã mệt mỏi trên đường đời. 

Suốt nửa năm quen nhau, giờ mới biết giữa chúng tôi luôn có một điều gì đó khó giải thích. Từ khi tôi là người dưng, từ khi tôi còn bận rộn với những trục trặc, lơ đãng, bất cẩn, vụng về của mình thì anh đã ở đâu đó âm thầm. 

- Em đừng buồn, đừng tự ái vì tấm Thẻ tín dụng này. Anh yêu em nên anh lo cho em những ngày tới ở xa anh sẽ sống ra sao. Nếu không yêu, một xu anh cũng không cho ai. 

Tôi đã không sòng phẳng được như thế, tôi luôn giấu tôi là ai. Cho nên khi đèn xe khuất sau những rặng cây phượng vĩ trơ trụi tháng ba dưới con dốc dài, nước mắt tôi mới rơi xuống ngực áo. Những giọt nước mắt không màu sắc. 

Thời gian qua nhanh, tháng Ba chuyển qua tháng Tư. Tháng Tư có ngày tự dưng trở gió lạnh, rồi có ngày tự dưng rơi một cơn mưa đêm bất ngờ. Tháng Tư, một tối anh chở mẹ anh qua trường tìm tôi, để ngồi chơi trên bờ kè đá gần cổng trường, chỗ nhìn ra cây đèn biển lối vào cảng nước sâu khu Tiền Trấn. Mẹ anh xách theo ba tách cafe nóng vừa mua ởBranchCafe. Anh thường đùa BranchCafe là nơi "mấy trăm Đài tệ mà mua được của em ba mươi phút vui vẻ!", biết đâu mấy trăm Đài tệ đó đã bằng nửa tháng lương giảng viên đại học ở Việt Nam. 

Chúng tôi ngồi trên bờ kè đá, gió thổi mạnh và êm trong đêm ấm áp, cafe thơm không ngờ, phía ngoài xa là những con tàu cập dần vào cảng, chạy qua chỗ ba người kéo từng hồi còi dài sung sướng. Mẹ anh mới ngoài năm mươi và bà rất thích trò chuyện. 

Tôi không thể nào quên đôi vai vạm vỡ và vóc dáng cao lớn của anh trong bóng đêm, khi bế mẹ xuống kè đá sau lúc chia tay. Đấy là một sự thu xếp, giống tấm thẻ Tín dụng, để toan tính kéo tôi gần thêm vào những sự ràng buộc êm ái. 

Nhưng những toan tính ấy cảm động quá khiến tôi dường như mất đi những mặc cảm, làm tôi gặp lại tuổi thơ, gặp lại những ước mơ thật đẹp đẽ của đời người mà tôi đã từng mơ, rồi từng cố quên đi bởi biết trong đời này tôi sẽ không bao giờ gặp được. 

Tháng Năm đã tới, hoa phượng vĩ nở rực rỡ quanh trường Đại học Trung Sơn. Mỗi lần chạy xe qua khu cổng phụ của trường, chúng tôi đều sung sướng nhìn hoa nở và nói khẽ: 

- Anh nhìn hoa phượng kìa! Em nhìn hoa phượng kìa! 

Nó cũng đã từng toan tính để nở được vào tháng Năm, một cách không hề toan tính, đúng hẹn biết bao.

Những đồng Đài tệ