Những đống lửa trên vịnh Tây Tử - Truyện 34 - Thao thức

Thao thức

Ga Nam Ninh, mùa hè năm 1977, hàn thử biểu treo trong phòng trưởng ga chỉ đến con số ba mươi chín độ rưỡi. Nắng như thiêu như đốt, mặt trời trút nắng hừng hực xuống biển người trên sân ga. Những chuyến tàu ngược lên phương Bắc, đi về khu tự trị chở đầy hàng hoá, lúa mạch, than và có những thanh niên thành thị tình nguyện vừa mới mười tám tuổi. Tưởng bị đẩy bật khỏi cửa bán vé, lập tức có người lấn ngay vào chỗ trống. Tưởng lại cố xông vào, hai tấm giấy giới thiệu trong tay anh nhàu nát. Một ông tóc cắt trụi kiểu Lôi Phong gạt mọi người chen tới, kêu to: "Hê, ưu tiên đây!". Tưởng tránh bước người đàn ông cao lớn rồi chản nản quay ra cửa ga. 

Đại Niên chờ anh ở phòng khách khu học xá: 

- Thế nào, cậu đã mua được vé chưa? 

- Tôi đã thử vào nhưng đông quá. Chuyến nào cũng kín chỗ. Sinh viên thực tập, học sinh kết thúc kỳ nghỉ, cả những người được đưa về nông thôn sau đợt thanh lọc "Bè lũ bốn tên" cũng đi mua vé tàu! Sao ai cũng đổ về phương Bắc thế nhỉ? Thôi giờ mình ra quán trà, cậu hãy kể nhiều vào để tôi tưởng tượng về phương Bắc của cậu, nhé Đại Niên! 

Hai người rời khu học xá, đi tới quán trà Nam Hài. Quán vắng teo, đồng chí phục vụ viên lúi húi sau quầy hàng, tóc dựng như cờ. Chiếc mũ vải dúm dó trên mặt bàn như mảnh giẻ. Tưởng quen Đại Niên ở chính quán trà này, cả hai đều tới Nam Ninh học trường dự bị Kỹ thuật quân sự. Hôm ấy mưa, Tưởng còn nhớ tiếng lanh canh rụt rè của những chiếc phong linh, trong cái nhìn bồn chồn ra mưa rơi của những vị khách sắp rời quán. Có điều gì phảng phất hương vị của phương Bắc, khách quen cũng đa phần là người phía Bắc nên có người bảo, đổi quán Nam Hài ra quán Những Người Phương Bắc đi thôi! 

- Nhà tôi quê gốc Tứ Xuyên, lên Bắc Kinh hai đời rồi. Uống trà, tôi lại nhớ ông nội ngày xưa, dạy tôi tập viết, mỗi tuần trà được một chữ! 

Đang nói chợt cậu ta há miệng đứng sững, mặt biểu lộ một vẻ vừa sững sờ vừa bối rối. Tưởng ngoái nhìn, thấy Thục đã đến từ lúc nào, đang đứng trong khuôn cửa mở rộng. Cô mặc chiếc váy xanh thẫm của nữ sinh Học viện, để lộ đôi chân thon thả, cặp tóc một bên giản dị, thật trong trẻo và đầy sức sống. 

Thục như một đoá hoa mới nở. Ngay cả khi cô mặc bộ quần áo kiểu hồng quân đi trong đoàn người diễu hành, tay nắm lại hô quyết liệt "Đả đảo!" cô cũng rất nổi bật với một vẻ vừa bướng bỉnh lại vừa dịu dàng. 

Đại Niên lúng búng, cậu ta như nuốt mất lưỡi. Khi Thục ngồi xuống, cậu ta cứ bối rối nhìn xuống chén trà, rồi lặng lẽ chấm ngón tay vào nước viết lên mặt bàn những chữ Hán rời rạc, có chữ nhiều nét quá nhoè nhoẹt. Hoặc có thể chữ ấy Tưởng chưa học đến. Tưởng nghĩ hẳn ngày xưa ông nội Đại Niên đã dạy cậu ta viết chữ bằng nước trà. Và bây giờ trước cô gái Ngạc Luận Xuân 1 đến từ bờ con sông Hắc Long Giang của vùng Đông Bắc, Đại Niên bỗng nhỏ đi mười mấy năm để trở thành cậu bé học viết với ông trên cái kỷ trà kê trong sân Tứ Hợp Viện 2, dưới bóng lá và mùi thơm những cây mộc lan, toả hương suốt những đêm thanh. 

Đáng lẽ giờ này Đại Niên cùng Tưởng đang ở trên tàu về Bắc Kinh. Đại Niên muốn người bạn Việt Nam về nhà cậu ở đến hết kỳ nghỉ hè, ăn món bánh bao của mẹ cậu làm từ trong cái nồi hấp kềnh càng ở trên nóc bếp lò, buổi chiều hai người sẽ đạp xe ra ngoại thành chơi hoặc ra sân nắn than giúp mẹ. Tưởng nói tiếng Hoa còn chậm, ai muốn bảo gì phải kêu rành mạch từng tiếng một. Hai đứa em gái đại Niên sẽ rất thích thú tập nói cho người khách Việt Nam. 

Nhà Đại Niên nghe đâu hồi xưa ở Tứ Xuyên có mở hiệu thuốc đông y to lắm. Cụ nội của cậu bắt mạch kê đơn giỏi, và nổi tiếng cả về thư pháp tài hoa. Năm lập quốc (1912), Cách mạng Tân Hợi của ông Tôn Trung Sơn làm rung chuyển cả Trung Quốc, nhiều người phiêu bạt qua vùng, có ông thầy mãi võ đi qua hiệu thuốc cứ nấn ná đứng lại xem câu đối treo trên vách, mặt tỏ vẻ ưu tư. Cụ nội mời ông thầy một chén trà thu cúc, ông thầy võ không uống, chỉ than tiếc. Cụ hỏi duyên do, ông thầy võ thực tình nói: 

- Chữ ông đẹp lắm, rõ là người tâm sáng trí tĩnh, nhưng cái nét nối ngọn bút mà nhấn mạnh thế kia thì thật đa mang, nhiều phiền lụy. 

Nói xong, ông thầy đi mất. 

Cụ nội sai người đóng cửa tiệm thuốc sớm, ngồi trầm ngâm một mình bên ấm trà nguội ngắt mãi, cho đến lúc người nhà xách cây sào dài ra hiên treo lên chiếc đèn lồng đỏ thắm, toả sáng lung linh. 

Năm sau cụ bà mất khi sinh ông nội Đại Niên. Dao sắc chẳng gọt được chuôi, cụ nội thương quá nguyện ở không cả đời nuôi con trai. Nhưng đến năm nổ ra cuộc vận động Ngũ Tứ, binh lính đàn áp đã bắn tan cái tiệm thuốc mấy đời của nhà họ Lý. Cụ đem ông phiêu bạt lên tận Bắc Kinh. Cuối cùng nhờ tài trị bệnh cứu người mà cưới thêm bà hai, an cư lạc nghiệp ở đấy. Bộ bút lông quý có cái đáng giá trăm lượng bạc cụ để lại cho ông. 

Thư pháp là duyên nghiệp của mỗi người. Là duyên gặp gỡ cũng là cái nghiệp phải mang, tuy thanh cao nhưng nhiều dằn vặt. Ông nội Đại Niên chỉ muốn cháu giữ lấy nghề gia truyền. Nhưng thời thế đã thay đổi, bão táp cách mạng và đấu tranh thổi khắp đất nước Trung Hoa rộng lớn. Giang Thanh vào ngục, hồng vệ binh tan rã... Khi sắp mười tám tuổi, Đại Niên về Nam Ninh học trường dự bị Kỹ thuật quân sự. 

Trước lúc đi cậu vào gian thờ thắp hương cho cụ nội, kính cẩn đặt lên hương án bộ bút lông quý, lầm rầm khấn nguyện. Khi quay ra, Đại Niên thoáng thấy ông nội chống gậy đi tập tễnh sau mấy cây mộc lan, áo lẫn trong màu khói chiều... 

Hai người đưa Thục về. Ký túc Học viện Dân tộc sát với sân bóng của trường dự bị. Từ ngày quen Thục, Tưởng không bao giờ cởi trần đánh bóng chuyền nữa. Ngày mai, nếu Thục nhìn thấy có... hai người mặc may-ô đánh bóng giữa những tấm lưng trần, hẳn cô sẽ mỉm cười ! 

Ngày lễ Quốc khánh 1-10 đến tưng bừng với sinh viên và lưu học sinh các nước. Bên trường Thục mở dạ hội, mời tất thảy sinh viên nam của trường dự bị sang tham dự. Chương trình được giữ bí mật tới phút chót, đoàn lưu học sinh Việt đồng ca bài "Như có Bác Hồ", riêng Tưởng được Thục sang dạy hát mấy buổi chiều. Anh sẽ song ca với cô bài "Trăng sáng như tấm lòng em". Thục mà làm giáo viên thì học trò cứng đầu đến mấy cũng phải phục tùng cô giáo răm rắp. Nếu không là cô giáo... ứa nước mắt, quay ngoắt đi, đến khi ngoảnh lại đã thành một Thục khác, lạnh như tảng băng bảo : "Thế đồng chí có muốn làm ảnh hưởng cả đoàn không thì bảo!". 

Đại Niên tránh mặt Thục. Những buổi chiều Thục sang hát với Tưởng, cậu ta đi đâu không rõ, không xuống sân chơi cũng không ra quán Nam Hài. đêm tắt đèn sớm nhưng không ngủ được, cậu ta cứ trằn trọc làm Tưởng lại lục đục bò dậy. 

- Có chuyện gì không Đại Niên ? 

- Không, tôi không có chuyện gì. 

Tình yêu, phải nỗi im lặng mơ hồ và đau đớn này giống tình yêu đầu đời? 

- Chỉ hai năm nữa, tôi sẽ về Việt Nam, về vĩnh viễn. Thế đấy! - Tưởng im lặng, rồi nói tiếp - Cậu nên dũng cảm hơn! Còn tôi, tôi biết mình là ai! 

Khi Tưởng nói về Thục, giọng anh mềm lại. Đại Niên im lặng. Tiếng phong linh ở đâu vẳng lên khe khẽ trong đêm, vắng lặng và cô đơn. Gió trên những ngọn phong sau nhà, gió về từ bờ sông, từ phương Bắc, từ những miền đất rộng còn chưa có dấu chân người đi qua... 

Tiết mục của Thục và Tưởng được hoan hô nhiệt liệt. Bài hát nói về tấm lòng cô thiếu nữ như vầng trăng sáng, còn tình yêu như làn gió nhẹ lay động bóng trăng trên mặt nước hồ! Thục kéo Tưởng vào giữa đám đông. Những tiết mục văn nghệ kết thúc, dàn nhạc chơi sang bài "Xuân về trên dòng sông". Đại Niên lên sân khấu tuyên bố dạ hội sẽ kết thúc bằng những điệu nhảy của sinh viên hai trường để bày tỏ tình đoàn kết quốc tế. Nói xong cậu ta xuống, len lách giữa đám đông để tìm đến bên Thục. 

Tưởng sắp ra đến cửa thì thấy Thục. Mấy sợi tóc ướt đẫm mồ hôi dán chặt bên đôi má ửng hồng của cô. 

- Tưởng! đi đâu? 

- Tôi về trường. 

- Nhảy với em! Anh biết nhảy! 

- Tổ chức không cho phép! Nhảy là vi phạm kỷ luật. 

Thục bướng bỉnh chắn lối đi, hai má càng đỏ ửng lên : 

- Không có tổ chức nào cứng nhắc như thế! Sao người Trung Quốc thì khiêu vũ được, còn Tưởng thì không? 

Đại Niên nắm khuỷu tay Thục từ phía sau, cậu ta chững chạc nhưng cứng đờ trong bộ vét dạ xám trang trọng : 

- Thôi để cho anh ấy đi! 

- Hèn! - Thục phẫn nộ, mắt cô ánh lên cái gì như thương hại lẫn như đau đớn. Thương hại và đau đớn. Tưởng ra ngoài sân, các lưu học sinh người Việt đã có mặt đầy đủ. Cả đoàn lủi thủi về trường trong văng vẳng tiếng nhạc vui tươi và tiếng nói cười râm ran. Sau năm phút kiểm điểm và điểm danh, ai về phòng nấy. Tưởng khoác chiếc áo, băng qua vườn cây sau trường đến bờ sông tìm một chỗ ngồi. Bây giờ anh mới hiểu, những buổi chiều buồn bã Đại Niên đã ở đâu. 

Rất lâu. Có người đến bên Tưởng, hơi thở đứt quãng, nhưng không nói. Anh nhận ra Đại Niên, sao cậu ta lại ở đây, vào lúc này ? 

- Đại Niên, cậu có nhớ tôi nói cậu phải dũng cảm hơn không? 

- Tôi nhớ. 

- Cậu dám cùng tôi bơi sang bờ bên kia rồi quay lại đây không? Nếu ai thua thì đừng bao giờ nói đến cái tên của Thục nữa! 

Hình như Đại Niên lưỡng lự. Nước sông đen ngòm và không nhìn thấy gì ở bờ kia cả. 

- Hay là cậu quay lại với Thục, và nói với cô ấy rằng cậu mới chính là thằng hèn nhát? 

Tưởng đã cởi áo ném xuống chân. Chiếc thắt lưng quân dụng kiểu giải phóng quân Trung Quốc cào sứt tay anh. Gió lạnh rờn rợn. Nếu chết lúc này đoàn thể có cho mình là kẻ phản bội không? Mình mới mười tám tuổi, mình chưa được nhìn thấy Bắc Kinh lần nào! Đại Niên cũng đang lúng túng cởi khuy áo. Chợt một hồi kẻng gấp gáp vẳng tới từ khu học xá. Báo động! Tập hợp! Tưởng vơ áo chạy bổ về trường. 

Năm 1978, mùa xuân, tình hình biên giới căng thẳng. Quán Nam Hài toàn khách vãng lai. Lưu học sinh được tập hợp, bí mật về nước. Tưởng không được ra khỏi trường, anh không dám công khai gặp Thục. Mười giờ đêm đoàn sẽ lên đường, về nước theo con đường ngoại giao. Tưởng lồng lộn đi lại trong phòng. Cho đến lúc anh xách ba lô lên thì thấy Đại Niên và Thục ướt sũng ngoài cửa sổ. Hai người đi bằng lối bờ sông. Thục gọi : 

- Tưởng! 

Không còn thời gian nữa. Tưởng cuống cuồng nắm tay hai bạn qua song sắt cửa sổ. Sau này nhé, mười hai giờ ngày Quốc khánh ở bờ sông, còn món nợ cậu phải trả. Tôi đi đây! Chào Thục! Chào Đại Niên!

° ° °

Rồi tháng 2 năm 1979, rồi những biến cố, xung đột... Trung Quốc xa lắc mười năm chưa thấy lại bóng dáng người con gái mười tám tuổi, năm nào lúng túng làm quen. Gặp nhau không nói gì nhưng quay đi rồi còn ngoái lại nhìn theo. Tưởng rằng xa hẳn thì sẽ quên chứ! 

Anh trở lại Nam Ninh, mùa thu trong veo, phố xá tưng bừng cờ hoa. Anh mượn xe một mình ra bến sông Nam Dương. Nắng mùa thu hơi mờ ảo, đầu sông như có ít nhiều mây khói. đồng hồ của anh chỉ đúng mười hai giờ. 

Anh ngồi nghịch cỏ ở bờ sông, lắng nghe tiếng tiêu năm trước lướt bay trên cỏ, trên những ngọn sóng nhấp nhô. Nắng như những mắt lưới nho nhỏ buông quanh anh. Lá phong đã đỏ trên sườn đồi bên kia sông dịu dàng. Sóng vỗ tóp tóp vào mũi thuyền câu. Tựa lưng vào gốc liễu, mắt Tưởng díp lại vì cuộc hành trình mấy ngàn cây số. 

Tưởng cứ ngỡ rằng khi mở mắt ra, Thục đã đến ngồi bên anh, và cười với anh như năm nào. Mười năm qua đã bao nhiêu lần Tưởng mơ thấy cuộc gặp gỡ, rõ ràng và đầy đủ. Bóng chiều đổ dài. Tưởng dụi mắt, đi xuống bến ngó vào mui thuyền. 

- Lão ông, ông còn nhớ tôi không? 

- Ây dà, người nhiều như nước sông, lão nhớ làm gì! 

- Thế những ngày Quốc khánh có ai đến đây không? 

- Năm có, năm không. Có cô gái đẹp cùng một cậu Tứ Xuyên, đợi mãi đến mười hai giờ mới đi. Họ bảo sẽ tới Thâm Quyến lập nghiệp, năm sau không tới đây nữa đâu. Con trai Tứ Xuyên thấp đậm, mắt xếch lão nhận ra ngay. Mà chờ đợi gì, hoa khói đầu sông, nước ở cuối nguồn, biết bao nhiêu mà kể. Ây dà! 

Rồi lão chài vỗ tay, hát vu vơ: "Khi về hỏi liễu Chương đài..." 3 

Mười hai giờ? Chiếc đồng hồ trên tay Tưởng vẫn tích tắc giờ Hà Nội 4 Mà đằng nào anh cũng đã đến muộn kia mà! 

Tưởng lái xe trở về thành phố, tìm đến quán trà Nam Hài, giờ đã đổi tên là quán Những Người Phương Bắc khi nắng chiều chỉ còn là một vệt vàng ánh lên trên quảng trường. Nhiều đôi nam nữ đi bên nhau lướt qua chỗ anh, gợi nhớ đến những vạt áo lụa bay sột soạt trong Hoàng Cung xưa. 

Mùa thu bình yên và đầy hơi ấm. Cờ hoa rực rỡ khắp quảng trường. Anh tưởng như đôi mắt tươi cười của Thục sẽ hiện ra từ ô cửa màu xanh nào trên phố. Đại Niên thật là hạnh phúc. Cậu ta xứng đáng với Thục, cậu ta sẽ thay anh mang đến cho Thục tình yêu, ở bên cô ấy cả trong buồn vui lẫn trong chờ đợi. 

Tưởng đứng dậy trả tiền, bước ra phía quảng trường. Trời đã tối. Anh sẽ đến trạm điện thoại nào gần nhất và gọi cho Quân ở Hà Nội, cô đã đợi anh từ lâu rồi. Có thể đêm nay cả hai sẽ đều thao thức.