Trúng số độc đắc - Chương 05

Chương 5


Sau vụ giúp đỡ bất thành kia, Quý ròm không còn tin vào óc nhận xét của mình nữa. Quý ròm được xưng tụng là “thần đồng toán” nhưng “thần đồng toán” lại không quen giải những “bài toán cuộc đời”.
Đến lớp, nó vẫn bí mật quan sát đám bạn nhí nhố của mình nhưng lòng dạ đã hoang mang lắm. Bây giờ thì nó chả biết đứa nào cần giúp đỡ, đứa nào không. Cứ mỗi lần liếc xuống đôi giày Ý mới tinh đang mang trong chân, Quý ròm lại thấy ngường ngượng làm sao. Nó định đi giúp đỡ người ta, loay hoay thế nào rốt cuộc nó lại hoá thành người được giúp đỡ.
Thằng Dưỡng đã tuyên bố rồi, nếu Quý ròm không nhận đôi giày thì nó sẽ giận. Nó sẽ nghỉ chơi với Quý ròm. Vì thế mà Quý ròm đành bấm bụng nhận lấy, dù đôi giày nó đang đi còn mang được ít nhất là sáu tháng nữa.
Quý ròm nhận giày nhưng không mang ngay. Nó cất trong tủ, đợi chừng nào đôi giày cũ hết đi được, mới lấy ra. 
Nhưng thằng Dưỡng vẫn không hài lòng. Hai ngày liền thấy thằng ròm vẫn mang đôi giày cũ, Dưỡng hỏi giọng phật ý:
- Đôi giày kia đâu hở mày?
- Tao cất rồi.
- Sao mày không mang?
Quý ròm nhìn xuống chân:
- Đôi này vẫn còn tốt mà.
Dưỡng chớp mắt:
- Thì một ngày mang đôi này một ngày mang đôi kia. Tao có kêu mày liệng đôi này đi đâu.
Quý ròm chưa kịp đáp, Dưỡng đã hừ mũi:
- Mày chê đôi giày của tao chứ gì?
- Bậy!
- Chứ gì nữa! Nếu không phải thế sao mày không thèm xỏ chân vào?
- Thôi được, xỏ thì xỏ!
Quý ròm đáp bằng giọng xụi lơ và ngày hôm sau nó đến lớp bằng đôi giày Dưỡng tặng.
Quý ròm mang giày mới mà bụng rầu muốn chết. Rầu nhất là thấy thằng Bá đội chiếc nón cũ mèm, nó không dám mở miệng hỏi. Nó sợ thằng Bá đang có hai chiếc nón mới ở nhà, sẽ đòi tặng cho nó một cái. Nó không muốn lần thứ hai từ người đi giúp đỡ hoá thành người được giúp đỡ.
Rốt cuộc, mấy ngày tập tành “để ý” của Quý ròm chẳng đạt được một kết quả gì.
Nhỏ Diệp không hiểu được tâm sự của ông anh nên thấy Quý ròm đi học về với bộ mặt dàu dàu, liền tò mò hỏi:
- Bữa nay anh làm bài không được hở?
- Sao mày lại hỏi thế?
- Tại em thấy anh buồn buồn.
- Đâu phải tao buồn chuyện đó.
- Chứ anh buồn chuyện gì? Hay anh nghịch trên lớp bị thầy cô phạt?
Quý ròm hừ giọng:
- Mày đừng nói mò. Tao chưa bao giờ bị phạt. Chỉ toàn được khen.
Đang bực bội, chợt này ra một ý, Quý ròm liền dịu giọng:
- Diệp nè.
- Gì hở anh?
- Trong lớp mày ấy mà.
- Trong lớp em sao?
- Mày có thấy đứa nào nghèo xác nghèo xơ không vậy?
Nhỏ Diệp ngạc nhiên:
- Anh hỏi chuyện đó làm gì?
Quý ròm nhăn nhó:
- Thì mày cứ trả lời tao đi đã!
Nhỏ Diệp bóp trán:
- Anh đợi em một chút! Để em nhớ xem!
Quý ròm ngồi xuống ghế, mắt dán vào mặt nhỏ em, khoanh tay chờ đợi. Nó đã tính rồi. Giúp đỡ người nghèo không nhấtm thiết phải giúp đỡ bạn bè cùng lớp. Lớp nó chỉ có Đặng Đạo và Mỹ Linh là gặp khó khăn, nhưng Tiểu Long và nhỏ Hạnh đã nhanh tay “xí phần” trước rồi. Ngoài hai đứa này ra, dường như không còn đứa nào thực sự cần giúp đỡ. Nếu vậy, mình có muốn “chia sẻ niềm vui” cũng chẳng được! Quý ròm nghĩ vậy và nó quyết định tìm kiếm đối tượng trong lớp của nhỏ Diệp.
Nhưng nhỏ Diệp là con nhỏ chả ra làm sao. Nó nghĩ lâu thật lâu khiến ông anh nó sốt cả ruột.
Quý ròm nhấp nha nhấp nhổm một hồi, không nén được, bèn giục:
- Mày nghĩ gì lâu lắc thế? 
- Anh chờ em một chút!
Quý ròm lại chờ một chút. Rồi lại nhăn nhó: 
- Một chút qua lâu rồi Diệp ơi!
Nhỏ Diệp nhìn ông anh, lắc đầu:
- Em chả nhớ được gì cả.
- Là sao?
- Là em chẳng biết trong lớp em có đứa nào nghèo xác nghèo xơ như anh hỏi không chứ sao!
- Thế mà cũng bày đặt nghĩ với ngợi!
Quý ròm càu nhàu. Nó nhìn nhỏ Diệp, hất hàm:
- Ngày mai đi học, mày dò xét kỹ xem nhé! Tao tin thế nào mày cũng tìm ra những đứa nhà nghèo trong lớp mày.
- Nhưng để làm gì? – Nhỏ Diệp thắc mắc, nó không hiểu tại sao ông anh ròm của nó lại nhờ nó một chuyện lạ lùng như thế.
- Để làm gì hở? – Quý ròm tặc lưỡi – Để … để cứu trợ ấy mà.
- Cứu trợ? – Đôi môi nhỏ Diệp vẽ thành hình chữ O.
- Ừ, cứu trợ! – Quý ròm chớp mắt – Hôm qua có một đoàn công tác xã hội đến trường tao. Họ nhờ tụi tao điều tra về những người có hoàn cảnh khó khăn rồi báo lại cho họ biết …
Quý ròm phịa chuyện y như thật. Nhỏ Diệp nghệt mặt nghe, rồi gật gù:
- Hèn gì anh cứ hỏi mãi về chuyện đó! Được rồi, sáng mai vô lớp em sẽ tìm hiểu xem bạn nào cần giúp đỡ. Rồi sẽ cho anh hay.
Quý ròm mừng rơn:
- Nhanh nhanh lên nhé!
- Ừ, nhanh nhanh.
Nhỏ Diệp không phải đứa quen hứa suông. Nó nói “nhanh nhanh” và trưa hôm sau, vừa về đến nhà là nó lật đật đi tìm Quý ròm: 
- Em điều tra ra bạn nào nghèo nhất lớp em rồi.
- Đứa nào vậy?
- Nhỏ Oanh.
Quý ròm giật thót:
- Nhỏ Oanh em Tiểu Long ấy hở?
- Ừ.
Kết quả điều tra của nhỏ Diệp làm Quý ròm muốn khóc thét. Tưởng sao, nhỏ Oanh là em gái của Tiểu Long. Mà Tiểu Long cũng như nó, nghĩa là đang có một số tiền lớn. Và thằng mập cũng đang tích cực tìm các đối tượng khó khăn để giúp đỡ.
Nhỏ Diệp không hiểu được sự ngoắt ngoéo bên trong đó nên thấy Quý ròm xụi lơ khi nghe “báo cáo” của mình, nó tròn xoe mắt:
- Bộ anh không tin em hở?
- Tin chứ! – Quý ròm hờ hững đáp – Gia cảnh Tiểu Long tao còn lạ gì!
Nhỏ Diệp nhìn ông anh lom lom:
- Tin sao trông anh uể oải thế?
Quý ròm chép miệng:
- Tại vì tao tưởng mày nói đứa nào. Chứ nhỏ Oanh thì tao đã nghĩ tới trước đó rồi. Hôm qua tao muốn nhờ mày tìm hiểu là tìm hiểu đứa khác cơ!
Nhỏ Diệp sốt sắng:
- Được rồi! Để ngày mai em sẽ dò hỏi kỹ lần nữa xem!
- Ừ, nhanh nhnh lên nhé!
Quý ròm lặp lại lời nhắc nhở hôm qua. Đến nay nó đã sốt ruột lắm rồi. Đã mấy ngày trôi qua mà nó vẫn chưa tìm ra được đứa nào để “chia sẻ niềm vui”.
Lần này, Quý ròm chẳng đặt nhiều hy vọng vào nhỏ Diệp. Nó nghĩ tự mình tìm kiếm vẫn hơn.
Nhưng làm sao để tìm kiếm? Làm sao để biết được bạn nào trong lớp có hoàn cảnh khó khăn? Xưa nay, Quý ròm chỉ biết mỗi trường hợp của Đặng Đạo. Đặng Đạo nhà nghèo, mẹ nó là công nhân vệ sinh, ngày ngày phải theo xe rác đi quét chợ. Nhưng Đặng Đạo đã được Tiểu Long “đỡ đầu”. Thằng mập “ngốc tử” lần này đã tỏ ra nhanh nhẹn hơn nó.
Quý ròm nghĩ mãi, nghĩ mãi, vẫn chưa biết nên bắt đầu cuộc điều tra từ đâu. Mấy hôm nay, vào lớp nó đã cố tâm quan sát, nhưng chẳng ăn thua gì.
Có lẽ phải đến nhà từng đứa! Cuối cùng, Quý ròm tặc lưỡi nghĩ. Có như thế mới biết được nhà đứa nào khó khăn, túng bấn. Còn ở trên lớp thì chịu. Quý ròm mếu xệch miệng khi nhìn xuống đôi giày Ý dưới chân.
Thằng Phước không hiểu được dự định của Quý ròm nên tròn xoe mắt khi nghe thằng này đòi ghé nhà nó chơi:
- Mày nói thật đấy hở?
- Ừ. Tao muốn ghé thăm nhà mày.
Phước chưa hết ngạc nhiên:
- Sao tự dưng mày muốn ghé thăm nhà tao?
Quý ròm khịt mũi:
- Bạn bè ghé thăm nhà nhau là chuyện bình thường sao suốt mấy năm nay mày không ghé, bây giờ lại đòi ghé?
- Ờ, ờ …
Thằng Phước hỏi khó quá xá, Quý ròm phải “ờ, ờ” cả buổi mới nghĩ ra câu trả lời:
- Tại vì … tại vì mấy năm trước tao bận quá.
Câu trả lời của Quý ròm chẳng làm Phước thoả mãn tí ti nào. Nhưng thấy thằng ròm có vẻ phật ý trước những thắc mắc liên tục của nó, Phước đành chẹp miệng: 
- Ừ, ghé thì ghé!
Phước nói thêm:
- Nhưng nhà tao không có gì ngon để đãi mày đâu đấy.
Quý ròm đập tay lên vai bạn:
- Tao ghé là để biết nhà mày chứ đâu phải để ăn uống.
Nhà thằng Phước không có món ngon vật lạ thật. Chiều, đến nhà Phước, Quý ròm ngồi dòm quanh, chẳng thấy tủ lạnh nằm đâu.
- Nhà mày không có tủ lạnh hở?
- Ừ.
- Thế nhà mày có máy giặt không?
- Không.
- Thế nhà mày có ti-vi không?
Quý ròm hỏi như thế nó là chuyên viên điều tra xã hội học. Chỉ thiếu mỗi khoản lấy giấy bút ra cặm cụi ghi chép thôi.
Phước vẫn vô tâm:
- Ti-vi thì có.
Quý ròm đảo mắt:
- Sao tao không thấy?
Phước chỉ tay vô nhà trong:
- Ba mẹ tao đặt ti-vi trong phòng ngủ. Mẹ tao bảo tối lên giường nằm xem ti-vi mau buồn ngủ lắm.
- Ti-vi nhà mày là ti-vi màu hay ti-vi đen trắng vậy? – Quý ròm tiếp tục dò hỏi.
- Ti-vi màu chứ.
Phước đáp. Nó chợt nhìn Quý ròm lom lom:
- Ủa, làm gì mày hỏi kỹ vậy?
- Ờ, ờ, tao hỏi cho biết vậy thôi.
Quý ròm bối rối đáp, bụng nghĩ: Nhà thằng Phước không giàu nhưng cũng không đến nỗi nghèo mạt rệp. So với nhà Tiểu Long, nhà Phước khá hơn. Nhà Tiểu Long chỉ có ti-vi đen trắng, mấy năm nay vẫn chưa đổi được.
Quý ròm lại hỏi:
- Ba mẹ mày đâu rồi?
- Ba mẹ tao đi dự đám cưới, tối mới về.
- Thế mày là con một hở?
- Tao còn một đứa em gái nữa. Nó đi học thêm rồi.
Thấy không còn dịp gì để dò xét nữa, Quý ròm đứng dậy:
- Thôi, tao về nhé!
Lời cáo từ đột ngột của Quý ròm khiến Phước ngẩn ngơ. Nó không hiểu thằng ròm ghé thăm nhà nó với mục đích gì mà vừa bước vào nhà đã hỏi chuyện tía lia, rồi không kịp nhắp miếng nước nào đã lật đật bỏ về. 
- Sao mày về vội thế? – Phước chớp mắt – Ở chơi tí đã!
Quý ròm tặc lưỡi, vừa nói nó vừa bước ra cửa:
- Hôm khác tao sẽ ở chơi lâu hơn! Hôm nay tao phải về đi công chuyện với ba tao. Tí nữa tao quên béng mất.
Phước đực mặt nhìn theo bạn, bụng bán tín bán nghi. Nhưng thấy Quý ròm nêu ra lý do quá xá chính đáng, nó không tiện bắt bẻ, chỉ lẩm bẩm: Thằng ròm này bữa nay nó mắc chứng gì vậy hả?
Thằng Cung cũng thắc mắc y như Phước, khi ngày hôm sau Quý ròm đòi nó dắt về nhà chơi. Rồi cũng như Phước, hoạ sĩ Cung bị Quý ròm đặt ra hết câu hỏi này đến câu hỏi khác và trong lúc nó sắp xỉu vì phải trả lời liền tù tì hàng đống câu hỏi không đâu vào đâu của bạn thì đùng một cái, Quý ròm thình lình đứng lên nói lời từ giã rồi nhanh chân vọt mất.
Sau thằng Cung, đến Quang sứt. Sau Quang sứt, đến thằng Tần. Cứ thế Quý ròm ghé thăm lòng vòng hết nhà đứa này đến nhà đứa khác, trừ những đứa nó đã biết rõ gia cảnh và từng ghé chơi trước đó như nhà thằng Lâm hay nhà thằng Đỗ Lễ.
Rốt cuộc, sau khi đi hết một vòng, nó trở về ngồi bệt trước hiên nhà, buồn bã rút ra kết luận: Không nhà đứa nào nghèo bằng nhà Tiểu Long!
À quên, còn một đứa. Đó là Quới Lương. Nghĩ đến Quới Lương, đang xìu như bún, Quý ròm nhanh chóng lấy lại sự phấn chấn. Thế là cuối cùng nó cũng tìm ra được một đối tượng để “chia sẻ niềm vui”. Cuối cùng nó cũng chứng minh được nó không thua kém gì Tiểu Long và nhỏ Hạnh trong việc giúp đỡ bạn bè.
Năm ngoái nếu không có sự giúp đỡ nhiệt tình của cô Trinh chủ nhiệm, Quới Lương đã nghỉ học từ đời tám hoánh. Từ ngày mẹ Quới Lương mở quán bán xôi chè, nhà nó đỡ chật vật hơn chút đỉnh, nhưng vẫn chưa thể gọi là thoát khỏi cảnh nghèo.
Chiều hôm đó, Quý ròm mò đến nhà Quới Lương.
Nhà Quới Lương ở xa, lại ở trong một hẻm sâu, lắm ngóc ngách chằng chịt, bình thường nghĩ tới chuyện ghé nhà thằng này, Quý ròm đã thấy nản.
Nhưng hôm nay nó hăng hái tợn. Chân bước thoăn thoắt, nó vừa đi vừa huýt sáo miệng, chẳng mấy chốc đã vượt qua khỏi căn nhà gỗ cửa xanh của bà Ba bán cháo lòng, láng giềng của Quới Lương.
Quới Lương đang phụ mẹ bưng xôi cho khách, thoáng thấy bóng người bước vào, liền đon đả:
- Mời anh ngồi …
Đang hăm hở mời chào, miệng nó bỗng há hốc:
- Mày đi đâu vậy hở Quý ròm?
Quý ròm cười hì hì:
- Tao ghé đây ăn xôi chè không được hở?
Rồi quay sang mẹ Quới Lương, Quý ròm lễ phép:
- Chào bác ạ.
- Chào cháu. Cháu đến chơi với Quới Lương hả?
Đang bới xôi vào đĩa, mẹ Quới Lương ngừng tay, niềm nở đáp lời Quý ròm.
Quới Lương giới thiệu bạn bằng giọng hãnh diện:
- Bạn Quý là “thần đồng toán” của trường con đó mẹ.
Trên cõi đời này, bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào cũng muốn con mình kết bạn với những đứa trẻ học giỏi. Vì những đứa trẻ học giỏi thường là những đứa trẻ ngoan. Tâm lý đó đã có từ xưa. Chả thế mà ông bà dạy “Chọn bạn mà chơi”, rồi sợ con cháu khù khờ không hiểu tại sao phải chọn bạn làm chi cho cực, ông bà bèn sốt sắng giải thích: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Mẹ Quới Lương cũng vậy. Bà vui vẻ nói với con:
- Thôi, con chơi với bạn đi. Để Hưng Vinh phụ mẹ được rồi.
Hưng Vinh là em Quới Lương. Thằng nhóc khoảng mười một, mười hai tuổi, mặt mày giống anh nó nhưng nom ít ngổ ngáo hơn, tháng nào cũng được xếp hạng học sinh giỏi. Vì vậy năm ngoái, lúc gia đình lâm cảnh túng bấn, buộc phải bấm bụng cho một đứa đi làm, mẹ Quới Lương quyết định đứa nghỉ học là Quới Lương.
Hưng Vinh nhìn Quý ròm, tươi cười lễ phép:
- Hai anh trò chuyện đi, một mình em phụ mẹ được rồi! 
Quới Lương kéo Quý ròm lại góc nhà, thắc thỏm hỏi:
- Mày kiếm tao có chuyện gì không?
- Không! Tao ghé chơi thôi.
- Xạo đi mày! – Quới Lương cau mày – Tự dưng lại ghé chơi!
- Thật mà, tao chỉ ghé chơi! – Quý ròm đảo mắt nhìn quanh – Với lại tao cũng muốn biết dạo này mẹ mày làm ăn buôn bán ra sao.
Quới Lương như không tin vào tai mình. Nó nhướn mắt:
- Chà mày vào ban công tác xã hội của trường tự bao giờ thế? 
Quý ròm phớt lờ lời giễu cợt của bạn, bụng âm thầm đánh giá: Nhà Quới Lương chẳng khác hơn trước bao nhiêu, trong nhà chẳng sắm sửa thêm được đồ đạc gì mới. Kết luận xong, nó giơ tay:
- Tao về nhé!
Sự cáo từ vội vã của Quý ròm khiến Quới Lương chưng hửng. Trong khi nó đang đứng trơ ra vì sửng sốt, chưa kịp có phản ứng gì, Quý ròm đã kịp chào mẹ nó và chuồn thẳng.


Nguồn: http://hgth.vn/diendan/showthread.php?20635-Kinh-van-Hoa-Tap-35-Trung-so-doc-dac#ixzz2OBb2OXHg

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3