Trúng số độc đắc - Chương 08
Chương 8
Hai tay đút túi, Dũng cò vừa đi vừa lẩm bẩm. Đang bực mình, nó thấy thứ gì cũng vướng mắt nên chốc chốc lại co chân đá tung các vỏ bưởi, vỏ dưa, các lon sữa rỗng trên vỉa hè.
Nắng ban trưa đổ lửa trên đầu, Dũng cò cũng, chẳng buồn để ý. Nó không đội nón nhưng chả nghe nóng, cứ đi lừng lững giữa đường. Nom bộ tịch của nó, biết là nó đang chán lắm.
Trong mắt Dũng cò, cuộc đời lúc này toàn một màu xám. Bởi lúc này nó luôn túng bấn, nhưng lại chẳng biết làm gì ra tiền. Đã thế, sau nhưng cuộc sát phạt đỏ đen ở nhà thằng Khìn, nó lại nợ đìa ra. Nợ chồng lên nợ. Đến mức bây giờ hễ thấy mặt nó ở đâu, tụi thằng Khìn lại réo om sòm, chẳng ra thể thống gì cả.
Nhớ lại những ngày tháng huy hoàng trước kia, mặt Dũng cò càng lúc càng cau. Nghĩ đến sự tan rã thảm hại của “đảng Chim Ưng”, Dũng cò thù bọn Quý ròm, Văn Châu tận xương tủy. Nhưng thù thì thù thế thôi, nó chả biết làm thế nào để trả được thù. Ngay với những tên phản phé như tụi Đô-mi-nô, nó còn chẳng làm được gì nữa là. Sau khi “đảng Chim Ưng” giải tán, thằng Bò Lục đã chẳng qua lại với nó nữa. Hâi thằng Bò Trổng và Bò Tứ có khá hơn, chịu theo “phò” nó thêm một thời gian, nhưng rốt cuộc thấy chẳng nên cơm cháo gì cũng âm thầm dông tuốt.
Dũng cò cảm thấy bơ vơ quá đỗi. Những lúc đi ngang qua một trường học, thấy những đứa trẻ cùng lứa chạy nhảy, nô đùa, la hét chí chóe, Dũng cò càng thêm tủi thân.
Dũng cò không phải là đứa cố chấp. Tất nhiên nó biết chính nó đã đẩy nó vào tình cảnh hôm nay. Nhưng dù sao một đứa trẻ không trường lớp, chẳng bạn bè đôi lúc vẫn có cảm giác bị xã hội gạt ra ngoài lề. Dũng cò cảm thấy cuộc sống đối với nó bây giờ chẳng còn bao lăm ý nghĩa.
Nhưng cuộc sống có ý nghĩa hay không thì nó vẫn phải nghĩ ra mẹo kiếm tiền để trả cho tụi thằng Khìn. Thằng Khìn khác hẳn thằng Há Chảy, không dễ trêu.
Dũng cò vừa đi vừa nghĩ ngợi, chẳng mấy chốc đã tới nhà. Nó mệt mỏi lê bước qua ngưỡng cửa. Nhà vắng tanh. Mẹ nó chắc sang nhà hàng xóm. Ba nó giờ này có lẽ đang quây quần với bạn bè bên chiếu rượu. Dạo này ba nó bớt rượu hơn, chắc là do yếu tiền.
Dũng cò buông phịch xuống ghế, chán nản. Một lát, đói bụng, nó lần mò ra nhà sau, bới một tô cơm nguội ăn với khúc cá kho mẹ nó chừa phần trong chạn.
Tô cơm khô khốc khiến Dũng cò mắc nghẹn mấy lần. Nó cố lùa thêm dăm miếng vào họng, tợp vài ngụm nước rồi buông đũa đứng dậy, bò lên giường nằm.
Đang thiu thiu, anh mắt Dũng cò chợt chạm phải cái hũ sành đặt trên nóc tủ, kế bộ lư hương bằng đồng.
Thế là nó bật dậy, phóc lại chỗ tủ. Nó cầm cái hũ lên ngắm nghía một hồi rồi tặc lưỡi đặt xuống. Thoạt đầu, nó định thó cái hũ đem đi bán, nhưng sau khi xem xét kỹ lưỡng, nó thấy cái hũ này chẳng có gì đáng giá chỉ là thứ vất đi.
Dũng cò đánh mắt sang bộ lư hương, mặt lộ vẻ thèm thuồng. Bộ lư hương này mới là của quí, đem đi “giải” chắc bộn bạc! Dũng cò nghĩ thầm. Nhưng kẹt nỗi đây là đồ thờ, Dũng cò có gan hùm cũng không dám đánh cắp.
Đứng tần ngần chỗ đầu tủ một lúc, chẳng biết làm gì, Dũng cò lại cầm cái hũ sành lên lắc qua lắc lại. Đang lắc lắc cho đỡ buồn tay, Dũng cò chợt cau mày nghiêng tai nghe ngóng. Hình như có vật gì trong hũ?
Dũng cò ghé mắt vào miệng hũ, thấy bên trong tối thui, liền dốc ngược cái hũ lại.
Một gói giấy dẹp, bé bằng hộp thuốc lá rơi ra.
Dũng cò cầm cái gói bí mật lên, thận trọng mở mở dây thun ràng bên ngoài rồi hồi hộp gỡ từng lớp giấy bọc.
Khi lớp giấy cuối cùng rơi xuống, mắt Dũng cò bỗng trợn trừng. Trên tay nó là một tờ vàng lá sáng chóe.
Tờ vàng lá trị giá một lượng đúng là vật cứu nguy kịp thời cho Dũng cò.
Miệng khô rang, Dũng cò mân mê lá vàng một hồi rồi trân trọng ép miếng kim loại quí giá kia vào lòng bàn tay. Nó chắp tay lại, nom bộ dạng thật thành kính. Rõ ràng nó đang thầm cảm ơn ông Bụt vô hình nào đó đã thương tưởng đến nó bằng cách bỏ một cây vàng vào hũ sành vất đi này.
Nhưng rồi Dũng cò sực tỉnh. Mặt nó dần tái đi khi nó nhớ ra những ông Bụt chỉ có trong truyện cổ tích. Ngoài đời không có Bụt. Trong nhà nó cũng không có Bụt. Trong nhà nó chỉ có nó, ba nó và mẹ nó.
Lá vàng này không phải của nó, vậy dứt khoát là của ba nó hoặc mẹ nó. Dũng cò không biết ba nó hay mẹ nó đã giấu vàng trong hũ, nhưng dù là ai đi nữa, khi biết nó đánh cắp, chắc chắn chủ nhân của lá vàng sẽ nổi cơn lôi đình.
Dũng cò biết gia đình nó từ lâu đã rơi vào cảnh túng quẫn. Số tiền có được lúc đổi nhà đã đội nón ra đi từ đời tám hoánh. Lượng vàng này chắc ba nó hay mẹ nó đã nén lòng không đụng đến, phòng khi bất trắc hoặc ốm đau bệnh hoạn.
Ý nghĩ đó khiễn Dũng cò bất giác chùn tay. Đã mấy lần nó định gói lá vàng lại và bỏ và trong hũ như cũ. Nhưng cứ mỗi lần nó định thực hiện điều đó, hương mặt hầm hầm của thằng Khìn và đồng bọn lại hiện ra mồn một trong óc nó. Gần đây, thằng Khìn đã không tin vào lời hứa của nó nữa. Khìn dứt khoát không cho Dũng cò ngồi vào chiếu bạc cho đến chừng nào Dũng cò trả xong món nợ cũ.
Nhớ đến chuyện này, Dũng cò cảm thấy cay đắng vô hạn và nó nghe máu trong người như sôi lên.
Trong một thoáng, Dũng cò không còn nghĩ gì đến hậu quả. Nó nhét lá vàng vào túi quần rồi nhanh chóng chuồn ra khỏi nhà.
Dũng cò xài tiền như máy. Sau khi ở tiệm vàng ra nó ăn uống một chầu nó say rồi bon thẳng tới chỗ thằng Khìn. Trong vòng một buổi chiều, nó đã thanh toán sòng phẳng số nợ bạc triệu với tụi bạn và kịp tiêu nốt những đồng tiền còn lại vào sòng đỏ đen, sạch sẽ đến mức khi nó phủi quần đứng dậy và thất thểu đi ra, trong túi nó không còn dính một đồng xu lẻ.
Từ chỗ thằng Khìn về đến nhà nó mất khoảng hai mươi phút. Nhưng trong buổi chiều hôm đó, Dũng cò mất gần ba tiếng đồng hồ mới lần về tới đầu ngõ.
Còn hơn cả sự lo sợ của nó, nhà nó tan tành như vừa trải qua một trận giặc. Dũng cò đứng lấp ló ngoài đường nhìn vào, xanh mặt khi thấy bàn ghế đổ chổng kềnh, đồ vật ngổn ngang vương vãi. Mẹ nó ngồi đằng giường ôm mặt khóc rấm rứt, còn ba nó vừa nốc rượu vừa vung loạn xạ cái chai trên tay như Lữ Bố hươi kích, miệng lè nhè chửi bới.
Nhìn những gì xảy ra trước mắt, Dũng cò run rẩy đoán ra người cất giấu cây vàng kia chính là ba nó.
Như vậy là hết đường về! Dũng cò thở hắt ra. Nếu cây vang đó là của mẹ nó, nó còn dám chường mặt về nhà. Cùng lắm mẹ nó mắng chửi nó suốt một tuần, thậm chí suốt một tháng rồi thôi. Người ta không thể hào hứng chửi mãi một người với mỗi một tội danh. Nó chỉ cần giả điếc một thời gian, mọi chuyện sẽ từ từ đi vào quên lãng.
Nhưng ba nó khác mẹ nó. Ba nó không chửi suông. Vừa chửi ba nó vừa thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đấm đá bình bịch, thậm chí ông sẵn sàng huy động bất cứ thứ “vũ khí” gì sẵn có trên tay hay trong tầm tay như chai, ly, bát, đĩa, dao, nĩa, chân đèn, gạt tàn thuốc để tấn công nó.
Dũng cò là “cao thủ võ lâm” nhưng không thể giở võ ra với bậc sinh thànhTài nghệ của nó lại không siêu đẳng đến mức có thể tránh né được mọi thứ “phi tiêu tụ tiễn” phóng vèo vèo như mưa về phía nó. Trước đây nó đã từng nếm qua sự lợi hại của những trận tập kích ồ ạt như thế này rồi.
Vịn tay vào cổng rào, Dũng cò đứng thừ người lâu thật lâu, lòng phân vân quá. Có lúc nó muốn bước vào nhà, thú nhận mọi tội lỗi rồi mặc mọi chuyện ra sao thì ra. Nhưng cứ mỗi lần dợm chân, nó bỗng nghe ơn ớn, một luồng khí lạnh không biết từ đâu chạy dọc sống lưng khiến nó chùng bước.
Bụng rối như tơ, Dũng cò căng thẳng đến mức mồ hôi trên trán nó toát ra từng giọt. Nếu lúc đó ba nó không quát lên, chả rõ nó sẽ đứng trơ như thế đến bao giờ.
- Bà đừng can! Nếu nó vác xác về đây, tôi sẽ giết nó!
Tiếng ba nó bất thần vọng ra, sắt đá, hung hãn, kèm theo tiếng nghiến răng ken két khiến nó giật nảy. Trong một thoáng, Dũng cò chợt hiểu nó chỉ có một sự chọn lựa.
Buông một tiếng thở dài não ruột, Dũng cò đút hai tay vào túi quần, lững thững bỏ đi.
Kể từ hôm đó, Dũng cò bắt đầu cuộc sống dọc đường gió bụi giang hồ.
Dũng cò xưa nay vẫn là thằng nhóc lêu lổng, suốt ngày lang thang ngoài phố, ba mẹ nó ít khi thấy mặt. Nhưng đó chỉ là kiểu giang hồ vặt, đến tối vẫn phải mò về nhà lục cơm nguội ăn rồi chui vào giường ngủ.
Bây giờ khác. Bây giờ tự nó phải lo liệu lấy thân. Là đứa vô công rồi nghề, Dũng cò thấy chuyện đó sao mà khó quá.
Ba ngày đầu tiên, nó trú ở chỗ thằng Khìn. Nhưng thằng Khìn không thể nuôi nó mãi. Thế là nó ra đi.
Thoạt đầu nó định đi tìm Văn Châu. Gặp Văn Châu, cuộc đời nó xem như không còn gì đáng lo nữa. Nhưng dự tính đó chỉ thoáng qua đầu nó như một tia chớp rồi tắt phụt. Sự tự ái đã ghìm chân nó lại. Nó không muốn Văn Châu nhìn thấy sự xuống dốc của chúa “đảng Chim Ưng” oai phong ngày nào. Nó không muốn Văn Châu thương hại nó.
Dũng cò cũng có lúc định tìm đến băng Đô-mi-nô. Nhưng rồi nó vội xua đuổi ý nghĩ đó ra khỏi đầu óc. Nó từng là chủ tướng, là đại ca, bây giờ hạ mình đi nương náu đám đàn em thì nhục lắm.
Nhưng nếu không nhờ cậy người khác, cũng không nghĩ ra việc gì để lm thì lấy gì sống qua ngày? Chẳng lẽ cuối cùng mình phải ngửa tay đi xin ăn? Viễn cảnh u ám đó làm Dũng cò ứa nước mắt. Nó không ngờ cuộc đời nó lại hẩm hiu và thê thảm làm vậy.
Thật ra trong gần mười ngày lưu lạc, đã có lần Dũng cò mò về nhà. Đó là lúc chú nhóc mười sáu tuổi cảm thấy không chịu đựng nổi cái gánh nặng của kiếp sống không nhà không cửa.
Dũng cò trở về nhưng không vào nhà. Nó đứng thập thò ngoài rào, lặng lẽ nhìn vô trong.
Nhà nó trông vắng vẻ. Ba nó không biết đi đâu, chỉ có mẹ nó ngồi ủ rũ đằng bàn. Nói cho đúng, nhà nó xưa nay vẫn thế, vẫn neo người. Ngay cả buổi tối, gia đình nó cũng ít khi sum họp đông đủ. Thường nó chạy lông bông ngoài phố suốt ngày, tối mịt mới về nhà, lúc ba mẹ nó đã vào giường. Lúc chưa bỏ đi, Dũng cò không cảm thấy gì khác lạ. Nhưng bây giờ, nấp bên ngoài nhìn vô, không hiểu sao nó thấy khung cảnh quen thuộc kia trở nên đìu hiu quá đỗi.
Dũng cò quay về vì nhớ nhà và cả vì mệt mỏi. Nhưng nó không đủ can đảm bước qua ngạch cửa. Nó chôn chân bên hàng rào, bâng khuâng nghĩ ngợi hằng giờ.
Chỉ đến khi mẹ nó ngẩng lên, nhác thấy nó và ngỡ ngàng kêu to:
- Dũng, có phải con đấy không?
Thì nó mới giật mình và co giò vọt chạy.
Đó là cơ hội duy nhất để có thể quay về nhà nhưng Dũng cò đã bỏ qua.
Sau này nghĩ lại thời gian lưu lạc đó, Dũng cò không khỏi toát mồ hôi lạnh. Phần lớn những đứa trẻ bỏ nhà ra đi như nó, sớm muộn gì cũng bị bọn xấu rủ rê, cuối cùng đi vào con đường hút sách nghiện ngập, vô phương cứu vãn.
Dũng cò không rơi vào hiểm cảnh chỉ nhờ một sự tình cờ may mắn.
Chiều hôm đó, bụng đói meo, Dũng cò ngồi co ro trong công viên Văn Lang, đang lo lắng nghĩ đến ngày mai thì một người đàn ông đứng tuổi bước đến ngồi xuống băng ghế nó đang ngồi.
Dũng cò nhích qua một chút, tò mò đưa mắt nhìn người mới đến, bắt gặp người kia cũng đang nhìn lại nó.
Người đàn ông mỉm cười:
- Cháu ngồi đây lâu chưa?
- Dạ, lâu rồi.
- Thế từ nãy đến giờ cháu có thấy người phụ nữ nào đến đây không?
Dũng cò nhíu mày:
- Cháu thấy có tới ba, bốn người đi ngang qua.
- Người phụ nữ mặc áo tím ấy! – Người đàn ông nói.
- Thế thì không có. Cháu chẳng thấy người nào mặc áo tím cả! – Dũng cò uể oải đáp và nghe bụng sôi lên.
Người đàn ông không hỏi nữa. Ông ta khẽ đằng hắng một tiếng rồi tựa lưng vào thành ghế đá, kiên nhẫn nhìn ra đường.
Dũng cò cũng làm thinh, hai tay ôm bụng, cố trấn áp cơn đòi hỏi của dạ dày.
Tuy đang khổ sở chống lại cơn đói, Dũng cò vẫn không ngăn được mình chốc chốc lại đảo mắt nhìn quanh.
Người phụ nữa áo tím mãi vẫn không thấy xuất hiện. Dường như cô ta đã quên mất cô ta có một cái hẹn vào giờ này. Dũng cò nghĩ thầm và lại liếc sang phía người đàn ông, tự nhiên cảm thấy sốt ruột giùm ông ta.
Nó ngạc nhiên thấy ông ta ngồi bất động như một pho tượng, chỉ có đôi mắt thỉnh thoảng chớp chớp. Chắc ông ta nôn nao lắm nhưng không để lộ ra ngoài đó thôi. Trong thoáng chốc, Dũng cò quên mất cơn đói, lòng nó tự nhiên cảm thấy bất bình giùm cho người đàn ông xa lạ kia.
- Chắc cô áo tím đó không đến đâu chú ơi.
Dũng cò đột ngột thốt lên, ngạc nhiên vì sự bạo dạn của mình.
- Ừ, có thể cô ấy đã quên. Hoặc bận chuyện gì bất ngờ.
Người đàn ông đáp bằng giọng bình thản.
Dũng cò trố mắt:
- Thế chú không giận cô ấy sao?
- Không! – Người đàn ông khẽ lắc đầu – Vì cô ấy là người thân nhất của chú. Không ai nỡ giận người thân bao giờ.
Câu nói vô tình của người đàn ông khiến Dũng cò bứt rứt quá đỗi. Nó không giận ba mẹ nó, nhưng nó bỏ nhà ra đi như thế này thực là không phải. Chắc mấy ngày qua ba mẹ nó lo cuống cuồng và chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm nó.
- Thế còn cháu? – Người đàn ông thình lình cất tiếng hỏi – Cháu đợi ai ở đây?
- Cháu không đợi ai cả. Cháu chỉ ngồi chơi thôi.
- Ngồi chơi một mình thế này ư? Thế bạn bè của cháu đâu?
Dũng cò cụp mắt xuống. Nó đáp lí nhí trong cổ họng:
- Cháu không có bạn.
Người đàn ông ngạc nhiên:
- Thế cháu không có bạn học cùng lớp hay cùng trường à?
- Cháu nghỉ học lâu rồi.
Người đàn ông buột miệng “à” một tiếng rồi gục gặc đầu:
- Ra vậy! Thế hiện nay cháu làm gì?
Dũng cò liếm môi:
- Cháu chẳng làm gì cả. Nếu muốn, cháu cũng chẳng biết làm gì. Cháu chẳng có nghề nào trong tay.
Người đàn ông trầm ngâm một thoáng rồi nhìn đứa trẻ ủ rũ trước mặt, dịu dàng nói:
- Thế chú giúp cháu đi học nghề nhé.
- Chú giúp cháu?
Dũng cò ngước nhìn người đối diện, tròn xoa mắt. Nó như không tin vào tai mình.
- Ừ, chú sẽ giúp cháu! – Người đàn ông mỉm cười thân thiện – Thế cháu thích học nghề gì nào?
- Nghề gì hả chú? – Dũng cò bối rối gãi má – Cháu sẽ học nghề … nghề sửa xe gắn máy.
Nói xong nó hồi hộp dán mắt vào mặt người đàn ông, nơm nớp sợ ông ta chê bai cái nghề nó vừa chọn.
Trái với sự lo lắng của Dũng cò, người đàn ông vui vẻ nói:
- Nghề sửa xe gắn máy hở? Ừ, hay lắm! Đó là một nghề rất đàn ông. Sau này cháu còn có thể mở cửa hiệu buôn bán xe. Rồi chế tạo xe nữa.
Người đàn ông vừa nói vừa nhìn nó bằng cặp mắt long lanh.
Lời cổ vũ của người đàn ông làm Dũng cò sướng phổng mũi. Đôi mắt nó lập tức long lanh theo. Bỗng chốc nó quên phắt cơn đói. Nó quên từ sáng đến giờ nó chưa ăn gì. Nó nói bằng giọng mơ màng:
- Rồi cháu sẽ mua lại chiếc Max 100 của cháu!
Nguồn: http://hgth.vn/diendan/showthread.php?20635-Kinh-van-Hoa-Tap-35-Trung-so-doc-dac#ixzz2OBcm5U4Y