Mẹ vắng nhà - Chương 10
Chương 10
Ba chị em cùng ngoảnh phẳt về phía tủ buýp-phê. Và không ai biết phải phản ứng như thế nào. Lệ Hằng và Đức Thắng vẫn dán người trên ghế. Nhỏ Lệ Chi vẫn ngồi im thít đằng giường.
Cứ ngồi bất động như thế, sáu con mắt nhìn chằm chằm vào chiếc máy đặt trên đầu tủ như nhìn một quái vật. Chiếc máy mọi khi thân quen là thế, lúc này tự dưng trở nên bí hiểm và đáng sợ đến mức không ai dám mó tay vào. Cứ như thể cái đồ vật xinh xắn đó đang chứa bên trong một quả bom nguyên tử, bét ra cũng một quả mìn.
Nhưng bất động không phải là cách giải quyết. Im lặng một hồi, ba chị em cảm thấy thấp thỏm không yên. Chuông điện thoại reo liên tục gây cảm giác người ở đầu dây bên kia đang có chuyện gì cấp bách lắm.
Đến hồi chuông thứ sáu thì Đức Thắng quay sang Lệ Hằng:
- Nghe không hở chị?
- Thôi, nghe đại đi! Biết đâu mẹ gọi!
Vừa nói, Lệ Hằng vừa nhỏm người dậy.
- Ừ, mẹ đấy! Để em nghe cho!
Đức Thắng lên tiếng và vọt người lại chỗ chiếc máy.
- A lô!
Đức Thắng áp ống nghe vào tai, hồi hộp lên tiếng.
Nó mừng húm khi đầu dây bên kia không phải là tiếng thở dài hay tiếng tru hú. Nó nghe rõ tiếng người:
- Ta … ta …
- Mẹ hở mẹ? – Nó reo lên.
- Ta … ta …
Đức Thắng nhíu mày:
- Chị Bội Linh hở?
Giọng nói bên kia đầu dây chợt rít lên the thé:
- Ta … ta … là ma thằn lằn! Đêm nay các người phải chết!
Tóc gáy dựng đứng, thằng Đức Thắng ném chiếc ống nghe xuống đầu tủ lạnh đánh rầm một tiếng rồi ba chân bốn cẳng phóng lại đằng giường, vừa chạy nó vừa la:
- A … a … a … a … a …
Vẻ kinh hoàng tột độ của Đức Thắng khiến cho Lệ Hằng và Lệ Chi chết khiếp.
Lệ Chi nhanh chóng kéo mền trùm kín đầu. Còn Lệ Hằng đứng bật dậy, mặt xanh như tàu lá:
- Đức Thắng, gì thế?
Hai tai ù đặc, thằng Đức Thắng có nghe thấy gì đâu. Cũng như Lệ Chi, vừa bắn người lên giường, nó đã Quýnh quíu kéo một chiếc mền trùm kín từ đầu đến chân.
Nó đã chui vào mền rồi mà người vẫn còn run cầm cập. Nhìn hai hình người rung rinh sau lớp mền, Lệ Hằng muốn rung rinh theo quá.
Nhưng dù sao Lệ Hằng cũng không thể tỏ ra hoảng sợ quá mức. Nó là chị, nó phải là chỗ dựa của hai em trong những lúc hiểm nghèo như thế này.
Sau một thoáng bàng hoàng khiếp hãi, Lệ Hằng thắc thỏm hỏi tiếp, cố giữ giọng thật bình tĩnh:
- Em lại nghe tiếng hú hở?
Đức Thắng không mở miệng nổi, nhưng nhìn cái chỏm mền lắc qua lắc lại, Lệ Hằng biết là thằng nhóc đang lắc đầu.
- Hay là tiếng chó tru?
Cái mền lại lắc.
- Vậy chắc là tiếng thở dài rồi?
Lần này cái mền không lắc nữa mà rung bần bật kèm theo tiếng trả lời lắp bắp:
- Khô … ô … ông. Em nghe … có tiế … iế … iếng nói …
- Có tiếng nói?
Cả Lệ Hằng và Lệ Chi cùng buột miệng kêu lên. Lệ Chi vừa kêu vừa thò đầu ra khỏi mền, thấy lòng bớt sợ đi nhiều.
Lệ Hằng kinh ngạc:
- Vậy tại sao em lại sợ?
- Tiếng nói lạ lắm, em chưa nghe bao giờ.
- Lạ như thế nào?
- Nghe the thé, rin rít, nhọn hoắt như chọc vào tai. Y như không phải tiếng người.
Thằng Đức Thắng mô tả nghe ghê quá. Nhỏ Lệ Chi muốn lạnh xương sống, lập tức rút nửa cái đầu vào lại trong mền, chỉ chừa cặp mắt, cái mũi và cái miệng.
Cái miệng sợ sệt hỏi:
- Thế tiếng nói là tiếng gì hở anh?
- Nó nói “Ta là ma thằn lằn! Đêm nay các người phải chết!”.
Nhỏ Lệ Chi bật kêu “Ối” một tiếng, nửa cái đầu còn lại biến theo nửa cái đầu kia ngay tút xuỵt.
Ở đằng bàn, Lệ Hằng tự nhiên nghe tay chân bủn rủn thì không ai đứng vững được nữa. Nó rơi phịch trở lại xuống ghế.
Lâu rất lâu, hai người trong mền và một người ở ngoài không ai nói với ai tiếng nào. Cũng có thể không ai biết nói gì trong hoàn cảnh như vậy. Cũng có thể các quai hàm đều cứng đờ. Trong hai giả thuyết, trường hợp thứ hai có vẻ chính xác hơn.
Nhưng nếu không biến thành đá thì quai hàm con người ta đâu thể cứng đờ mãi. Một lát, quai hàm Lệ Hằng nhúc nhích:
- Chị nghĩ đó là bọn trộm.
Chỉ đợi có vậy, nhỏ Lệ Chi hùa theo ngay:
- Đúng rồi! Khi nãy em đã bảo đấy là bọn trộm cố ý nhát mình thôi mà.
- Không phải đâu! – Đức Thắng phản đối bằng giọng muốn khóc – Bọn trộm làm sao biết được vụ thằn lằn. Đích thị là ma thằn lằn sắp sửa bắt mình đi rồi!
Lệ Hằng và Lệ Chi vừa mới lấy lại bình tĩnh được có một chút đã bị thằng Đức Thắng làm cho co rúm người trở lại.
Khổ nỗi, lý lẽ của thằng oắt nghe mới xác đáng làm sao!
Dĩ nhiên, nói xác đáng là trong trường hợp ba chị em Lệ Hằng không biết người ở đầu dây bên kia là ai.
Chứ nếu biết từ tối đến giờ những âm thanh ghê rợn và câu hù dọa hãi hùng kia đều do tụi “tứ quậy” bày ra thì chắc ba chị em nó không đến nỗi mất vía như thế.
Lúc này, cả bốn đứa trong băng “tứ quậy” đang tụ tập trên căn gác nhà thằng Lâm.
Xưa nay, chỉ có Quới Lương là đến ngủ lại nhà thằng này. Đó là dạo Quới Lương và Lâm nửa khuya thường kéo nhau lẻn ra ngoài phụ mẹ con thằng Đặng Đạo quét chợ.
Bữa nay tự dưng có cả Quốc Ân lẫn Hải quắn cùng đổ xô tới xin ngủ lại là lạ lắm. Cho nên mẹ thằng Lâm mới tròn xoe mắt:
- Ối, các cháu làm gì thế? Sao lại dồn cả vào một chỗ thế này?
Lâm nhanh nhẩu đỡ lời cho các bạn:
- Tụi con chung một nhóm thuyết trình mẹ à. Tối nay tụi con phải trao đổi, bàn bạc ghê lắm!
Lý do của Lâm hiệu nghiệm như thần. Nghe nó giở chiêu học tập, mẹ nó thôi ngay thắc mắc. Còn mừng nữa:
- Ờ, thế tụi con ráng lên nhé!
Bốn đứa lập tức rút lên gác. Nhưng muốn thực hiện kế hoạch hù dọa con nhỏ Lệ Hằng để trả mối thù hôm nọ trên lớp, tụi nó phải cần tới máy điện thoại.
Thế là thằng Lâm lại chạy xuống nhà.
Thấy Lâm loay hoay tháo máy ra khỏi ổ cắm, ba nó ngạc nhiên:
- Con đem máy điện thoại đi đâu đấy?
- Con đem lên gác.
- Cần gì thì xuống đây gọi, sao phải đem máy đi?
Lâm gãi đầu, giọng thật như đếm:
- Tụi con soạn bài thuyết trình, phải gọi hỏi ý kiến các bạn liên tục, để máy dưới này bất tiện lắm ba à.
Lâm giở mửng cũ. Và cũng như mẹ nó trước đó ít phút, ba nó rơi ngay chóc vào cái bẫy của nó. Thấy thằng con ham học quá, ông gật đầu một cách sung sướng:
- Vậy hở? Vậy thì con đem máy lên gác đi!
Đặt cái máy trước mặt, thủ lĩnh Lâm vạch chương trình:
- Tụi mình sẽ gọi làm nhiều lần.
Quốc Ân hăng hái tiếp:
- Mỗi lần vài chục phút.
Lâm nheo mắt nhìn Quốc Ân:
- Rồi cuối tháng mày trả tiền điện thoại dùm tao há?
Bị thằng Lâm bất ngờ kê tủ đứng vào miệng, Quốc Ân cụt hứng:
- Chơi quê anh em mày!
- Chứ gì nữa! – Lâm hừ mũi – Đây là nhát ma chứ cóbiểu diễn ca nhạc qua điện thoại đâu mà vài chục phút.
- Vậy nói được cái quái gì?
Lâm lạnh lùng:
- Không nói.
- Không nói?
Quốc Ân kêu lên lần thứ hai. Lần này không chỉ có nó mà Hải quắn lẫn Quới Lương đều lộ vẻ sửng sốt trước câu trả lời kỳ quặc của thằng Lâm.
Lướt mắt qua những gương mặt ngơ ngác của đồng bọn, Lâm nhe răng cười hì hì:
- Không nói nhưng mà thở.
Lâm không giải thích còn đỡ. Nó càng giải thích, tụi bạn nó càng mù tịt.
Quới Lương nhăn nhó:
- Ai mà chẳng thở. Không thở chết sao!
- Mày ngốc quá! – Lâm lườm bạn – Thở đây tức là thở dài. Tức là thở thành tiếng. Tiếng thở dãi não ruột truyền qua điện thoại chắc chắc sẽ nghe như tiếng than vãn, oán trách của một oan hồn từ âm ty vọng về dương gian để … đòi mạng.
Hải quắn toét miệng cười:
- Tuyệt lắm!
Lâm phấn khởi trình bày tiếp:
- Nhưng tụi mình không chỉ thở. Lần thứ hai tụi mình sẽ hú, sẽ tru lên thật rùng rợn.
Quốc Ân chớp mắt:
- Thế không nói tiếng nào thật à?
- Cuối cùng mới nói! – Lâm hoa tay – Tụi mình sẽ nói như thế này.
Tới đây, Lâm sửa giọng rít lên the thé:
- Ta … ta … là ma thằn lằn! Đêm nay các người phải chết!
Kế hoạch thằng Lâm đưa ra thật hết ý. Tụi bạn vừa reo hò vừa vỗ tay bôm bốp khiến mẹ nó phải thò đầu lên gác:
- Gì thế tụi con?
Lâm cười:
- Tụi con vừa nghĩ ra một ý hay cho bài thuyết trình mẹ à.
- Thế hở? – Mẹ nó gật gù – Nhưng chốc nữa có nghĩ ra ý hay thì tụi con ráng giữ im lặng nhé. Khuya rồi!
- Tụi con nhớ rồi ạ.
Lâm nói. Và đợi cho mẹ xuống dưới nhà, nó quay lại đám bạn, bắt đầu phân công:
- Hải quắn thở. Quới Lương hú. Quốc Ân tru. Còn tao sẽ giả giọng ma thằn lằn.
Lâm liệu việc như thần. Những màn dọa dẫm của nó diễn ra vô cùng suôn sẻ và quả đã khiến ba chị em Lệ Hằng thực sự muốn són ra quần.
Như ngay lúc này đây, trong khi thằng Đức Thắng và nhỏ Lệ Chi chui cứng trong mền không chịu ló mặt ra thì Lệ Hằng nơm nớp dán mình đằng bàn, mặt mày dáo dác, không biết phải làm gì để xua tan bầu không khí sợ hãi đang bao phủ căn nhà.
Đang nhìn quanh quất, chợt thấy cái ống nghe nằm lăn lóc trên đầu tủ, nó do dự một thoáng rồi bước lại nhấc cái ống nghe đặt vào giá đỡ.
Lệ Hằng vừa nhấc tay, chuông điện thoại bỗng reo inh khiến nó giật bắn, suýt chút nữa ngã lăn ra giữa nhà.
Tiếng thằng Đức Thắng cà lăm trong mền:
- Nó … ó … ó đấy!
Lệ Hằng cố trấn tĩnh. Nó nhìn trân trân chiếc máy, không biết có nên cầm ống nghe lên hay không.
Chuông vẫn reo từng chặp khiến nó bồn chồn quá. Nếu là ma thật thì đằng nào chúng cũng đã dọa rồi, còn tránh đi đâu được nữa. Nhưng nếu là mẹ ở dưới quê gọi lên mà mình không trả lời, hẳn mẹ sẽ lo lắm! Lệ Hằng thầm nghĩ và sau một hồi lưỡng lự, nó run run nhấc ống nghe ra khỏi giá đỡ.
Lệ Hằng sè sẹ áp ống nghe vào tai, cố không lên tiếng trước. Nó đã định bụng rồi. Hễ nghe một tiếng thở dài, một iếng hú hay một giọng nói rùng rợn là nó dập máy ngay.
- Alô! Alô! Có ai ở đầu dây bên kia không? Cả nhà đi ngủ hết rồi hay sao? Hay trộm vào nhà trói hết ba chị em nhét dưới gầm giường rồi?
Lệ Hằng mừng Quýnh khi nhận ra giọng nói của Quý ròm. Gọi cả buổi không nhge ai trả lời, Quý ròm tức mình tuôn một tràng. Gặp lúc khác, chắc Lệ Hằng sẽ không bỏ qua cái tội trù ẻo của ông bạn ròm này. Nhưng lúc này nó chẳng để ý đến tiểu tiết đó.
- Quý hả? – Lệ Hằng hân hoan đáp – Mình đây!
- Trời đất ơi! Nãy giờ Lệ Hằng ở đâu mà để tôi đợi cả buổi thế?
- Mình vẫn ở nhà. Nhưng … nhưng …
- Nhưng sao? – Thấy Lệ Hằng ấp a ấp úng, Quý ròm ngạc nhiên quá.
- Nhưng … nhưng mình không dám nghe điện thoại.
Câu trả lời của nhỏ bạn khiến Quý ròm sốt ruột hỏi dồn:
- Sao? Có chuyện gì thế? Tại sao lại không dám nghe điện thoại?
- Như thế này này …
Lệ Hằng bắt đầu kể, giọng nó ấm ức như thể vừa bị ai bắt nạt.
Lúc này, Đức Thắng và Lệ Chi đã biết người đang nói chuyện với mình là Quý ròm, liền vội vã tốc mền và len lén leo xuống khỏi giường, lần đến đứng sau lưng bà chị, dỏng tai nghe.
- Quý nghĩ xem, như vậy thì làm sao mình dám nhấc máy kia chứ? – Kể xong, Lệ Hằng ai oán kết luận.
Ngược lại với giọng điệu rầu rĩ của nhỏ bạn, Quý ròm cười hê hê:
- Sợ gì mà sợ! Tụi thằng Lâm đấy chứ ai!
- Quý nói sao? – Lệ Hằng há hốc miệng – Tụi “tứ quậy”?
- Chứ còn ai vô đây! Tụi nó cố tình dọa bạn đấy! Hôm trước bạn và Bội Linh chả gây gổ với tụi nó là gì!
- Ừ, có thể lắm! – Lệ Hằng lẩm bẩm – Đúng rồi! Tụi nó biết chuyện thằn lằn nên đem ra hù mình.
Lệ Hằng vừa lầm rầm trong miệng vừa gục gặc đầu.
Nhỏ Lệ Chi níu tay chị:
- Anh Quý nói gì thế hở chị?
Lệ Hằng không trả lời em. Vì ngay lúc đó nó sực nghĩ ra một điều, liền phân vân quá:
- Quý nè.
- Gì?
Lệ Hằng rụt rè:
- Thế nhỡ đó không phải tụi thằng Lâm mà là ma thật thì sao?
- Ma đâu mà ma! Tụi thằng Lâm đấy!
- Mình bảo nhỡ cơ mà.
- Nếu là ma thật cũng chẳng sao!
Lệ Hằng cắn môi:
- Thế những chiếc bẫy của Quý có hiệu quả với cả ma à?
- Tất nhiên rồi.
Giọng Quý ròm rất quả quyết. Nhưng Lệ Hằng vẫn chưa tin tưởng lắm.
- Mình không nghĩ thế.
- Bạn nghe nè! – Quý ròm “e hèm” một tiếng rồi bắt đầu giảng giải – Nếu ma có thể tác dộng lên thế giới chung quanh được, nghĩa là có thê xê dịch đồ đạc hoặc … bóp cổ người ta được thì có nghĩa nó là một dạng vật chất, đúng không?
- Ờ … ờ …
- Nếu như vậy, chúng ta tất có thể thu âm tiếng nói của nó, chụp hình nó. Vì nếu như vậy, nó chẳng khác gì các dạng vật chất đang tồn tại trong vũ trụ. Và đã là một dạng vật chất, khi tiến vào nhà bạn, nó bắt buộc phải vấp dây, phải lãnh nguyên thùng bột lên đầu …
Quý ròm học siêu các môn toán lý hóa có khác. Nó nói chuyện cứ như một nhà bác học! Lệ Hằng nghĩ bụng và buột miệng hỏi lại:
- Thế nếu nó không phải là một dạng vật chất thì sao?
Lệ Hằng nghe thấy tiếng bạn mình cười hì hì bên kia đầu dây:
- Thì càng khỏe cho mình chứ sao! Nếu không phải là vật chất, tất nó không sập bẫy. Nhưng như vậy nó cũng chẳng làm gì được mình, vì nó đâu có thể tác động đến chung quanh.
Lập luận của nhà bác học ròm quá rõ ràng, dễ hiểu. Lệ Hằng thấy lòng nhẹ nhõm đi nhiều. Nhưng nó vẫn cố hỏi thêm một câu:
- Thế theo Quý, nó thuộc trường hợp thứ nhất hay trường hợp thứ hai?
- Tôi chưa gặp ma bao giờ, cũng chưa xem ảnh chụp hoặc nghe băng thu tiếng nói của nó. Vì vậy, nếu trên đời thật sự có ma thì tôi nghĩ rằng nó ở trường hợp thứ hai.
Rồi có cảm giác cô bạn của mình chưa thực yên tâm lắm, Quý ròm nói thêm:
- Nhưng nếu như Lệ Hằng vẫn còn thấy sờ sợ, theo tôi bạn nên rút dây nối điện thoại ra khỏi ổ cắm.
Như vậy thì dù đó là tụi “tứ quậy” hay ma thằn lằn cũng chẳng ai quấy rối bạn được!
Câu nói cuối cùng của Quý ròm khiến Lệ Hằng thấy óc mình như bừng sáng. Ừ, đơn giản thế mà mình không nghĩ ra! Rút dây nối ra thì chuông sẽ ngừng reo, thì ba chị em sẽ tha hồ mà ngủ, chẳng còn phải lo sợ vẩn vơ.
Thấy Lệ Hằng hí hoáy rút dây điện thoại ra khỏi ổ cắm trên vách, thằng Đức Thắng không kềm được thắc mắc:
- Chị làm gì thế?
Lệ Hằng tủm tỉm:
- Để tụi bạn quỷ quái của chị khỏi phải giả ma nhát chị em mình.
Đức Thắng ngẩn tò te:
- Thế ra từ tối đến giờ bạn chị giả làm ma trêu tụi mình đó sao?
Nhỏ Lệ Chi nhíu mày:
- Ai chơi gì kỳ cục ghê!
Lệ Hằng trả lời hai em bằng cách đi đến cạnh giường, đập đập tay lên gối, vui vẻ nói:
- Bây giờ thì ba chị em mình tha hồ mà ngủ, chẳng còn sợ ai phá nữa!
Lệ Hằng nói câu đó với giọng hết sức tự tin. Và nó tự tin là đúng. Bởi vì từ khi nó rút dây nối ra khỏi ổ cắm, tụi thằng Lâm chỉ biết vò đầu bứt tóc ngó nhau:
- Chắc nhỏ Lệ Hằng rút dây nối rồi! Chứ làm gì chuông reo cả buổi như thế, nó có thể làm ngơ được!
Sự yên tĩnh gần như suốt đêm hôm đó đã chứng minh câu nói của Lệ Hằng đúng tới chín mươi chín phần trăm.
Lệ Hằng chỉ nói trật có một phần trăm. Đó là do nó không ngờ vào khoảng bốn giờ sáng, lúc cả nhà đang ngáy khò khò, những lon sữa rỗng trên đường dây báo động thình lình reo lên leng keng khiến ba chị em bật dậy như ba cái lò xo.
Tiếng các lon sữa va nhau chưa dứt, một tiếng thét kinh hoàng cất lên ngay trước cửa rồi tiếng một thân người đổ huỵch.
Nhỏ Lệ Chi mặt mày xanh lè xanh lét:
- Trộm đấy!
Đức Thắng đột nhiên trở nên bạo dạn. Nó lấy một thanh gỗ tròn, lồm cồm bò xuống khỏi giường:
- Để anh ra coi!
Lệ Hằng níu vai em:
- Gượm đã!
Đức Thắng vùng ra khỏi tay chị:
- Sợ gì! Nó xỉu rồi!
Thế là Đức Thắng đi trước, Lệ Hằng và Lệ Chi rụt rè bám theo sau, cả ba lần tới chỗ cánh cửa, mở chốt thò đầu dòm ra ngoài.
Quả nhiên, ngay trước cửa một bóng người trắng toát đang nằm dài trên đất.
- Ối, ma! Ma!
Đức Thắng thụt vội lại phía sau, bưng mặt hét thất thanh.
- Bình tĩnh nào!
Lệ Hằng nạt em, rồi sau một hồi làm gan căng mắt nhìn chằm chằm vào cái bóng trắng, nó thở phào:
- Bột mỳ đấy! Tên trộm này bị bột mỳ trong thùng nhựa phủ khắp người rồi!
Đức Thắng hoàn hồn, buột miệng tấm tắc:
- Cái bẫy của anh Quý tuyệt thật!
Nhỏ Lệ Chi nín thở:
- Giờ làm sao ở chị?
Lệ Hằng trầm ngâm một thoáng rồi mím môi:
- Khiêng nó vào nhà. Sau đó, gọi điện thoại báo cho công an.
Thế là Lệ Hằng ôm ngang hông, Lệ Chi nhấc tay, Đức Thắng nhấc chân, cả ba hì hục khiêng tên trộm xui xẻo vào nhà.
Tên trộm vẫn mê man bất tỉnh, mặc ai làm gì thì làm.
Khi tên trộm được đặt nằm ngay giữa nhà, thằng Đức Thắng lật đật chạy lại chỗ công tắc điện bật tất cả bóng đèn. Căn phòng thoáng chốc sáng trưng.
Căn phòng sáng trưng thì chuyện lạ xảy ra.
Nhỏ Lệ Chi kêu lên:
- A, tên trộm này là đàn bà.
Đức Thắng kêu tiếp:
- Sao em thấy tên trộm này hình như quen quen.
Lệ Hằng không kêu. Nhưng nó hồi hộp cúi xuống phủ lớp bột mỳ trên mặt tên trộm.
Nó phủi tới lần thứ ba thì cả ba chị em không hẹn mà cùng buột miệng la hoảng:
- Mẹ!
Đức Thắng rơm rớm nước mắt:
- Sao lại là mẹ được?
Nhỏ Lệ Chi mếu máo câu quen thuộc:
- Giờ làm sao hở chị?
Lệ Hằng không đáp, cũng không có thì giờ để đáp. Trong khi Đức Thắng và Lệ Chi ôm lấy mẹ lay lay và kêu rầm trời thì nó hổi hả vọt ra nhà sau.
Nhoáng một cái, nó quay trở lên với chiếc khăn lau và ca nước trên tay.
Lệ Hằng ngồi xuống bên mẹ, nhúng khăn vào ca nước rồi cẩn thận áp lên mặt mẹ, vừa lau vừa thút thít.
Nhờ nước lạnh thấm vào người, chẳng bao lâu, bà mẹ cựa quậy, thở hắt một cái và từ từ mở mắt ra.
- Tôi đang ở đâu thế này?
Đó là câu đầu tiên bà mẹ thốt ra.
- Mẹ ở nhà mình chứ ở đâu!
Nhỏ Lệ Chi mừng rỡ, nó vừa liến thoắng đáp vừa chồm sát vào mặt mẹ.
Đức Thắng cũng sà vào:
- Mẹ ơi, mẹ! Mẹ đã tỉnh chưa?
Chỉ có Lệ Hằng là tiếp tục lặng lẽ lau mặt mẹ. Tại nó đang lo sốt vó về tai nạn vừa xảy ra đó mà.
Hình ảnh các con đập vào mắt khiến mẹ Lệ Hằng dần dần trở lại với thực tại.
Bà chỏi tay ngồi dậy:
- Chính các con đã đưa mẹ vào nhà đấy ư?
- Dạ.
Bà đưa tay vỗ vỗ trán và ngoái nhìn ra cửa, giọng chưa hết hoang mang:
- Ở trước cửa nhà ta có cái gì ghê quá! Lúc mẹ vào nhà, chân thì vướng dây suýt té, trên đầu thì khói bụi mịt mù, còn tai thì nghe toàn âm thanh lốc cốc leng keng cứ như có thiên binh vạn mã.
Nhỏ Lệ Chi tay chùi nước mắt còn miệng thì cười hí hí:
- Thế là mẹ xỉu hở mẹ?
Thằng Đức Thắng cũng cười hi hi:
- Bẫy trộm của tụi con đấy!
- Bẫy trộm gì? – Mẹ nó trợn tròn mắt – À, thì ra là trò tinh nghịch của tụi con đấy ư?
- Không phải trò tinh nghịch đâu mẹ! – Lệ Hằng phân trần – Tụi con sợ trộm vào nhà ban đêm nên đề phòng ấy mà.
Đức Thắng bênh chị:
- Làm sao tụi con biết được mẹ lên giữa đêm khuya thế này. Mẹ bảo sáng mai mẹ mới lên kia mà!
Bà mẹ lúc lắc đầu, thở đánh thượt:
- Khoảng mười giờ rưỡi tối hôm qua, mẹ gọi điện thoại về nhà. Chuông reo liên tục mà sao chẳng thấy các con nhấc máy. Mười một giờ, mẹ lại gọi lần nữa, vẫn thế. Mười một rưỡi, mẹ lại gọi. Vẫn chẳng có ai nghe. Mẹ lo quá, chả hiểu tụi con gặp chuyện gì nên phải thuê xe đi suốt đêm về đây.
Nhỏ Lệ Chi láu táu:
- Tại chị Lệ Hằng rút dây điện thoại ra khỏi ổ cắm đó mẹ.
- Rút dây khỏi ổ cắm? Tại sao lại rút dây ra khỏi ổ cắm?
Bà mẹ ngơ ngác, từ nãy đến giờ ba đứa con khiến bà đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Phải mất đến cả tiếng đồng hồ sau, nghĩa là sau khi đã đi ra phía trước nhà nhặt giỏ trái cây văng tuốt đằng góc sân đem vào, đã đi tắm rửa thay đồ, đã leo lên giường ngồi quây quần với ba con, nghe chúng ríu rít tranh nhau kể lại đầu đuôi mọi chuyện, bà mới dần dần hiểu ra cơ sự.
Vừa tội nghiệp các con vừa cảm thấy buồn cười bà ôm choàng cả ba đứa vào lòng, vui vẻ và cảm động nói:
- Tụi con cảnh giác như vậy là rất tốt! – Đang nói, bà chợt mỉm cười – Chỉ tiếc là trộm đâu không thấy, rốt cuộc chỉ có mẹ và bác Sáu bị một phen sống dở chết dở!
Lời bình luận hóm hỉnh của bà mẹ khiến Lệ Hằng, Đức Thắng và Lệ Chi cười rúc rích. Căn nhà tự dưng ấm cúng hẳn lên.
Hôm sau, nghe được câu chuyện đó, Tiểu Long không bỏ lỡ cơ hội trêu Quý ròm:
- “Ngài pháp sư” lần này bị tổ trác rồi! Cái này người ta gọi là gì hả nhỏ Hạnh?
Nhỏ Hạnh mỉm cười::
- Là “gậy ông đập lưng ông”.
Hai đứa kẻ tung người hứng, ngoảnh lại thấy Quý ròm đã không còn ở bên cạnh. Ngoảnh sang phía khác, thấy nó đang lúi húi chỗ hàng rào.
- Mày đang làm gì đó hở ròm? – Tiểu Long kêu lớn.
Quý ròm quay lại, tay cầm một khúc cây vừa bẻ và đáp bằng giọng đằng đằng sát khí:
- Tao đang kiếm gậy để đập lên lưng mày chứ chi! Chính mày nằng nặc xúi tao đem tài nghệ trừ tà ma ra giúp bạn mà bây giờ còn lên giọng xỏ xiên tao hả!