Mắt bão - Chương 13 + 14

Chương 13

Vĩnh ngồi im, tựa hẳn vào lưng ghế. Những hạt thời gian bốc hơi. Bao quanh anh, bầu không khí đông cứng lại, biến thành lớp màn được dệt bằng sợi thủy tinh, ngăn cách và ngột ngạt. Sự thất vọng và chua chát sôi réo giày vò đột nhiên biến mất, nhanh như khi chúng ập đến. Giờ đây, chỉ còn trạng thái nhẹ bẫng choáng đầy từng khoang trống rỗng bên trong anh. Một bàn tay đưa lên, vẫy nhẹ trong luồng ánh sáng chói gắt. Người phục vụ quán từ đâu bước đến, rót thêm nước lạnh vào những chiếc cốc cạn khô trên bàn. Tiếng nước gõ lanh tanh vào lớp pha lê gợi nên cảm giác lạnh lẽo, buồn bã kỳ dị. Chiếc điện thoại di động của Thư để trên bàn, cái đèn tín hiệu màu đỏ chớp tắt đều đều… 

Vĩnh xoa nhẹ mí mắt. Lớp màn thủy tinh đầy các vết xước bỗng nứt rạn, đổ sụp xuống. Các hình ảnh sáng rõ trở lại. Thảm cỏ xanh bất tận. Khoảng trời xanh thẳm. Những dáng người chuyển động chậm chạp, kéo đến các chiếc ghế cách một quãng nơi anh và Thư đang ngồi. Các âm thanh cũng dày lên, rõ nét dần. Tiếng tranh cãi và giọng cười vui vẻ. Vẳng đến những câu nói tiếng Anh , tiếng Nhật đan xen nhau. Vĩnh đưa mắt nhìn thẳng vào cô gái đối diện. Vẫn là gương mặt xinh đẹp ấy. Vẫn là dáng vẻ tao nhã ấy. Vậy mà băng qua khoảng cách của vài phút đồng hồ, mọi nhìn nhận tốt đẹp nhất, mọi thương yêu thiết tha nhất về cô đã biến mất. Vĩnh thay đổi tư thế ngồi, cầm ly nước lạnh mới rót, uống cạn. Bất chợt, anh nhận ra ngón tay mình đã hết lẩy bẩy, hơi thở đều đặn trở lại, những thớ cơ mảnh trên lồng ngực cũng đã ngưng rung lên. Ý nghĩ bình tĩnh và rõ nét. Anh đã kiểm soát được chính mình. Sức mạnh đã quay trở lại. Chính xác là một sức mạnh khác. Khi không còn phụ thuộc vào tình yêu, người ta cứng rắn và vững vàng hơn nhiều.

Vĩnh thở ra nhè nhẹ. Dường như nhận ra sự thay đổi vô hình bên trong anh, Nhã Thư thoáng vẻ sợ hãi. Cô cụp mắt xuống, vươn tay cầm cốc nước, uống từng ngụm nhỏ. Những ngón tay tái xanh. Đôi môi lập bập khiến những chiếc răng trắng muốt va vào thành cốc. Trạng thái mất tự tin chuyển sang cô. Nỗi sợ khiếp đảm đang dâng lên chầm chậm, rõ ràng, không thể che giấu. Vẫn không từ bỏ ánh mắt như mũi khoan sắc nhọn xoáy vào người đối diện, Vĩnh hạ giọng vừa đủ nghe, nghiêm khắc:

- Nói đi, em chụp bức ảnh kinh tởm ấy lúc nào?

- Cách đây ba năm! - Thư mấp máy môi, nói rất khẽ. 

- Chỉ có tấm hình này hay còn nhiều cái khác? - Em chụp một hay nhiều lần? - Hệt như có ma quỷ thôi thúc bên trong, đột nhiên Vĩnh muốn biết hết, biết tất cả về cái thứ đã làm anh tổn thương khủng khiếp.

Im lặng. Cô gái đặt hai bàn tay lên bàn, rồi rụt lại. Thật kỳ quặc, chính cái hành động đượm vẻ trẻ thơ ấy đã phơi bày hết, nó khiến cô không còn một Nhã Thư mạnh mẽ, luôn làm chủ tình thế. Chỉ là cô gái yếu ớt, buộc phải đối diện với tội lỗi của chính mình, vô phương chống đỡ. Vĩnh kiên nhẫn chờ đợi. Anh phải biết sự thật. Anh có quyền được biết. Quyền của một người đã yêu chân thành, mà bị lừa dối. Điện thoại di động trên bàn bất chợt rung lên, đổ nhạc. Như một con vật bị dồn đuổi tìm thấy lối hẹp cơ may thoát thân, cô gái chộp lấy nó. Nhưng, nhanh hơn, Vĩnh đã vươn người, đặt tay lên chiếc điện thoại. Chiếc điện thoại rung lên trong tay anh, rồi tắt ngấm. Nhã Thư đưa mắt dè dặt:

- Vị khách người Nhật gọi em quay trở lại làm việc. Em chỉ xin phép ra ngoài một lúc.

- Vậy sao? Ông thương gia ấy trả em bao nhiêu tiền?

- Ý anh là gì? - Cô gái nhìn thẳng vào Vĩnh, đôi mắt đựng đầy kinh hãi.

- Anh chỉ hỏi em đi phiên dịch, được trả công bao nhiêu? - Hơi chùn lại, Vĩnh đành loại bỏ ngầm ý mỉa mai mà anh đã tung ra.

- 50 đô một ngày…

Nhã Thư nói nhanh, rồi im bặt. Điện thoại lại rung lên. Trong điệu nhạc chuông quen thuộc kia, chất chứa một nỗi giận dữ, cay đắng và mệt mỏi không sao tả siết. Vĩnh cầm điện thoại, bấm nút từ chối cuộc gọi. Anh nhếch môi cười khẩy: " Coi như em bỏ cuộc làm việc cho ông khách ấy đi. Nếu cần, anh sẽ trả tiền cho những giờ làm việc của em. Được không?". Cô gái im lặng, đôi vai rũ xuống, choáng váng chống đỡ gánh nặng quá sức của lời nói tàn nhẫn. Vĩnh nhắc lại câu hỏi: "Được không? ". Bất thần, Nhã Thư ngẩng lên, đôi mắt nâu bỗng đen sẫm, ánh lên như một viên than sắp bén lửa. Giọng cô rành mạch, dứt khoát: " Được, em sẽ nói hết mọi điều mà anh muốn biết, một lần này. Duy nhất!". Thốt được câu nói này, chừng như bên trong cô, một cánh cửa vô hình nào đó đã đóng sập lại. Khi đồng ý phơi bày tất cả, cũng là khi người ta chấp nhận cái chết. Một cái chết ghê khiếp bên trong chính con người ấy. Một sự chối từ bản thân thẳng thắng nhất, và cũng tàn bạo nhất. Và cũng hệt như Vĩnh, một khi chấp nhận tình thế không thể cưỡng chống, cô tìm lại được sức mạnh. Nhưng ở cô, kiểu sức mạnh buồn thảm, gần như sự buông xuôi. Một nụ cười lờ mờ hiện ra trên mặt. Nụ cười làm cô vừa có thật, vừa xa vời như một chất dẻo huyền hoặc, hễ chạm vào là biến dạng, không sao nắm bắt. Vĩnh căm ghét nụ cười đó. Anh hỏi thẳng vào điều muốn biết:

- Ba năm trước, vì sao em chụp ảnh nude?

- Em cần tiền. Em tin vào lời nói của người đề nghị chụp. Họ bảo là ảnh nghệ thuật cho một bộ sưu tập cá nhân.

- Ảnh nghệ thuật ư? Nó chỉ là một bức ảnh tục tĩu, phơi bày da thịt bẩn thỉu - Vĩnh những muốn cười phá lên, để Nhã Thư phải cụp mắt xấu hổ. Nhưng cổ họng anh nghẹn lại - Em đừng nói là em bị lừa nhé.

- Em bị lừa! - Nhã Thư thì thào.

- Đừng bạo biện. Em thông minh thế kia mà. Ai có thể lừa nổi em chứ? - Vĩnh không thể không mỉa mai.

- Ba năm trước, em chỉ là cô sinh viên ngờ nghệch, chân ướt chân ráo từ Đà Lạt xuống thành phố. Em học một lúc hai trường, Kinh tế và Ngoại ngữ. Lúc nào, trong đầu em cũng ám ảnh tiền bạc. Em luôn tự nhủ phải làm việc, tự nuôi mình và duy trì việc học. Miễn đồng tiền do chính mình làm ra, không có gì khuất tất. Đi làm mẫu chụp hình cũng là cách kiếm tiền đàng hoàng. Người ta hứa sẽ giữ kín. Vậy nên em đồng ý. Em còn cẩn thận yêu cầu ký một thỏa thuận giữ bí mật bộ ảnh. Nhưng em không thể lường trước những sự cố sau này.

- Cô gái nào khi bị phát hiện phạm lỗi cũng nói rằng mình ngây thơ, bị sập bẫy - Vĩnh lạnh lùng - Em làm mẫu kiểu đó mấy lần?

- Duy nhất một lần. Thật khủng khiếp. Chỉ chụp hình thôi, em không làm gì khác - Giọng Thư khản đặc.

- Em không sợ hãi hay ngượng ngùng ư? - Vĩnh không thể ngưng lại. Anh nhìn mãi cái gương mặt xinh đẹp đang méo xệch đi vì đau đớn. Anh vừa thương xót nó, vừa muốn giày xéo nó cho thỏa cảm giác nhục nhã và chua chát đã phải trải qua.

- Em xin anh. Đừng hỏi nữa. Em van xin anh đấy… - Cô gái lại run lên bần bật.

- Thật ngu xuẩn. Ngu xuẩn không thể tin nổi! - Vĩnh gầm gừ trong cuống họng.

- Vâng, kẻ ngu ngốc mới kiếm tiền như em. Nhưng sự thật là thời điểm ấy, em chỉ biết lựa chọn như vậy- Thư nói thẫn thờ - Anh quá đầy đủ, qua sang trọng, Vĩnh ạ. Làm sao anh hiểu nổi cảm giác gần đến ngày thi học kỳ, chưa có tiền đóng học phí, có tên trong danh sách bị khuyến cáo cấm thi. Anh cũng không thể biết được cái cảm giác buổi tối đi làm gia sư, đạp xe về tới nhà trọ, bụng đói đến nỗi bủn rủn tay chân, mà vẫn phải nói khó với chủ nhà, xin cho hoãn tiền nhà mấy ngày. Không, chắc chắn anh không thể hiểu những vất vả ấy…

- Gia đình ở Đà Lạt không trợ giúp cho em sao? - Vĩnh thực sự khiếp đảm với sự thật Thư vừa nói. Anh vẫn biết những nổi khổ kiểu ấy, từ rất nhiều người bạn đồng môn. Nhưng anh không thể hình dung hết sự khắc nghiệt, khi nó từng bủa vây người anh yêu, đẩy cô vào lựa chọn sai lầm. Anh không muốn tin nó.

- Nhà em nghèo. Cho em học cao là một cố gắng khủng khiếp! - Đôi mắt cô gái mờ đi sau làn nước.

- Anh không thể tin nổi em có quá khứ vất vả - Vĩnh đắn đo lựa chọn từ ngữ - Nhìn em rất khác với kiểu các cô gái lam lũ…

- Hồi mới vào đại học, em rất tầm thường. Gọi là xấu xí cũng được. Ăn mặc sao cho đúng kiểu em không hề biết. Mặc cảm với chiều cao trội lên của mình, lúc nào em cũng so vai rụt cổ. Em lại bị cận thị, phải đeo kính rất dày. Không ai đoái hoài tới em. Em chẳng quan tâm đến vẻ bề ngoài. Em chỉ có mục đích duy nhất là học thật giỏi, có hai bằng đại học, rồi kiếm việc làm ổn định. Em rất muốn được ở lại thành phố này làm việc, rồi sẽ đưa dần các em của em xuống, đi học, đỡ đần mẹ em, anh ạ - Thư nhìn Vĩnh, gắng nở nụ cười nhợt nhạt.

- Điều gì khiến em thay đổi?

- Khoảng cuối năm thứ hai đại học, em bắt đầu đi phiên dịch. Một vài người làm việc cùng nhận xét em đẹp. Họ bày cho em cách ăn mặc và trang điểm, dùng contact lens thay cho đôi kính cận. Công việc thuận lợi. Em bắt đầu kiếm được nhiều. Em cảm thấy tự tin. Anh biết đấy, khi tự tin, người ta trông dễ coi hơn.

- Thư này, nói thẳng ra, về sâu xa, em có thèm khát tiền bạc, đúng không?

- Đúng vậy! - Cô gái gật đầu, bình thản trở lại - Em biết mình thuộc type người gì. Có lẽ xuất thân từ nghèo khó, em thường sợ hãi cảm giác thiếu thốn và thua kém. Em luôn tìm cách kiếm cho mình càng nhiều càng tốt. Đủ mọi thứ. Bằng cấp. Tiền bạc… Anh không quan tâm đến những điều ấy, vì với anh, sở hữu chúng quá dễ dàng. Nhưng với những người nghèo khó đi lên như em, chúng là sự bảo đảm.

- Ừ! - Vẫn còn một vài điểm khuất lấp, nhưng Vĩnh không muốn hỏi nữa.

- Anh muốn biết thêm gì không?

- Không!

Anh đứng dậy, thanh toán tiền nước, đưa trả lại điện thoại cho Thư và nhặt chìa khóa xe. Anh bước thẳng, không ngoái nhìn lại dù biết chắc tia Thư dõi theo anh, như hai viênthan nóng rực, sợ hãi lẫn khẩn cầu. Anh biết, dù có khó khăn, nhưng anh vẫn có thể chấp nhận quá khứ của cô. Không dễ tìm được cô gái thông minh như thế, xinh đẹp như thế. Các thị phi từ bức ảnh tồi tệ ồn ào một thời gian, rồi nó cũng sẽ mất đi như vô khối chuyện rác rưởi của cuộc đời này. Anh biểt, chỉ cần quay lại, chìa tay ra, Thư sẽ chạy đến để được anh ôm vào lòng. "Ta sẽ tha thứ cho cô ấy. Nhưng không phải bây giờ. Cần cho cô ấy đau đớn đôi chút. Đừng nên dễ dàng quá. Hãy để cô ấy gọi ta trước và xin lỗi…" - Vĩnh tự nhủ. Vẫn bước đều đều, anh có cảm giác đang rẽ qua một làn nước dày đặc nhưng dễ chịu.

Vĩnh đi học và làm việc bình thường. Anh gắng không gọi cho Thư. Hai ngày trôi qua. Cô im lặng. Không thể chịu đựng được nữa, anh bấm máy. Đến lần thứ mười lăm, cuộc gọi được nhận. " Chúng ta sẽ bỏ qua hết chuyện cũ!" - Anh nói vội vã. "Không. Hết rồi. Quên em đi!" - Thư nói rành mạch. Tiếng tút tút còn lại trong tai Vĩnh, như vọng đến từ địa ngục. Anh bỏ giờ học buổi chiều, chạy khắp nơi, không mục đích.

Chiều tối, về nhà, một mẩu giấy gắn trên cổng. Chữ của Hải. Tớ hết tiền nạp thẻ mobile. Có tin gấp. Lớp chia nhóm làm bài tập quảng cáo. Cậu vắng mặt. Tớ không thể chủ động. Giảng viên đã xếp thằng Hữu chung nhóm với tụi mình.

Chương 14

Hai vòng chạy buổi sáng bên công viên gần nhà đủ để khởi động một ngày bận rộn. Đôi giày jogging đời mới nhất hiệu Puma có lớp đệm khí ở gót khiến từng chuyển động của Hữu như nhảy vọt lên. Thật khoan khoái khi cơ bắp rã rời nhưng máu chảy rần rật trong các mạch máu dưới da. Lớp mồ hôi ẩm ướt đang bốc hơi qua lần vải của bộ trang phục thể thao hàng hiệu. Cảm giác biết rõ về chính mình, dẻo dai và đầy sức lực, khiến Hữu thật sự hài lòng. Sau thành công của cuộc thi Hoa khôi, tên tuổi anh bắt đầu lan xa. Một vài nhân vật khá tiếng tăm ở mấy công ty tổ chức sự kiện và quảng cáo gọi điện thoại cho anh, hẹn cà phê, trò chuyện bâng quơ, như một cách làm quen dễ chịu. Chẳng có kế hoạch cụ thể nào. Chẳng có lời mời chính thức nào. Nhưng Hữu không sốt ruột. Nếu có ý định gì, họ sẽ nói, vào một ngày không xa. Thế rồi ngày đó cũng tới. Cách đây vài hôm, Trung - tay bạn mới quen hiện làm cho một nhãn hiệu thể thao cao cấp đã hẹn gặp, bàn bạc với Hữu về dự án mở mấy cửa hàng thời trang dành cho giới trẻ. Chỉ cần Hữu góp ít vốn tượng trưng và làm quản lý. Mọi thứ khác anh ta sẽ lo, từ nguồn hàng cho đến tìm chỗ thuê mặt bằng. Hữu nhẳm lại số tiền dành dụm trong tài khoản. 150 triệu. Có vẻ to tát với một sinh viên năm ba. Nhưng chỉ là con số cỏn con cho một dự án làm ăn ở khu trung tâm. Tuy nhiên, nếu xem như hạt giống trong tay kẻ thông minh, khoản tiền đó sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Sau một ngày suy nghĩ, Hữu điện thoại cho Trung, trả lời đồng ý. Bộ trang phục thể thao và đôi giày Puma được gửi đến, một món quà từ Trung, với sự hài lòng.

Thong thả tản bộ về nhà, anh thờ ơ đưa mắt nhìn quanh. Vỉa vè vắng vẻ. Những khung cửa sắt còn cài chặt trước các ngôi biệt thự. Lọc qua vô số vòm lá bất động, ánh sáng lúc sáu giờ phảng phất làn sương trắng xám, vẩn lên thứ bụi mờ rơi rớt lại từ bóng tối vừa rời đi. Khung cảnh hệt như hiện ra từ một cõi khác, chẳng phải con đường anh vẫn phóng xe chạy ào qua mỗi ngày. Mất hồi lâu, Hữu mới sực hiểu xưa nay bối cảnh đẹp đẽ hay cảnh trí thiên nhiên vốn chẳng có chút ý nghĩa nào với mắt anh. Thế nên anh không thể chịu nổi buổi sáng đột nhiên khác lạ giữa cái khung cảnh vốn dĩ quen thuộc. Nếu như không gian này có thể đóng gói và bán để kiếm tiền, có lẽ ta đã chú ý tới nó nhiều hơn - Hữu tự nhủ, bật cười một mình.

Góc ngã tư, một ngôi nhà lớn đang xây dựng dở dang. Những tấm lưới nylon ngăn bụi bọc quanh khối bê- tông cao lừng lững. Hữu dừng chân trước hàng rào lót đá hộc đã hoàn tất, thán phục ngước nhìn công trình xây dựng. Anh đưa tay vuốt thử lớp sơn ẩm ướt. Mùi sơn hăng hắc, kích thích cơn thèm khát vô hình. Các thanh sắt uốn cầu kỳ vươn cao kiêu hãnh phía nửa trên tường rào. Bên trong, khoảng đất thoai thoải hơi dốc đổ về một cái bể bơi vẫn còn cạn khô. Hẳn chủ nhân ngôi biệt thự sau này sẽ phủ kín khoảng sân bằng thảm cỏ xanh nhức mắt. Rồi những bậc tam cấp lót đá hoa sáng bóng. Những bóng điện tỏa ra thứ ánh sáng vàng chói, lấp lánh quanh bể bơi... Một khung cảnh hoàn hảo, phù hoa nhưng có thật, xứng đáng để ước mơ. Tất cả chuỗi hình ảnh đó đột nhiên hiện ra trên võng mạc Hữu, hết sức rõ ràng. Rõ ràng đến mức ngay anh ta cũng ngạc nhiên. Phải chăng hình ảnh ngôi biệt thự chính là các mục đích mờ ảo thường xuyên biến hình, giờ được cô đúc lại, cụ thể vá sáng rõ? Phải chăng những người giống như Hữu luôn cần thiết hình ảnh xác thực kiểu như thế, để đuổi theo, để đổ sức tính toán, để cạnh tranh không mệt mỏi? Chắc chắn vài tháng nữa, cái khu phố nhà giàu kiêu kỳ này sẽ phải chấp nhận thành viên mới. Một tòa nhà như một cơ thể trẻ trung tràn đầy năng lượng, với vẻ ngoài hiện đại sáng loáng, chẳng ngại ngần phô trương. Khi xuất hiện, nó sẽ khiến tất cả những tòa nhà vẫn tự xem mình là thanh nhã và quý phái xung quanh trở nên lép vế, mờ nhạt. Cuộc sống là vậy, chỉ cần mạnh mẽ và bất chấp, mọi quy ước cũ kỹ sẽ tự mất đi giá trị, bất kể các nỗ lực níu kéo. Giống như ngôi nhà đang xây kia, con người ta hẳn cũng vậy thôi. Khi trở nên giàu có và vững tin, người ta chẳng cần đếm xỉa chung quanh nữa. Chung quanh sẽ phải lắng nghe, tìm cách phục tùng chính ta. Ý nghĩ này đột nhiên khiến Hữu phấn chấn khủng khiếp.

Hữu rẽ ngoặt sang con đường nhỏ. Một đám mấy đứa con nít chen chúc quanh những chồng báo mới. Sau khi đếm báo, chúng tản ra, ngồi dưới mái hiên rộng, hối hả nhét tập quảng cáo vào tờ báo chính, rồi co giò chạy túa ra trên đường. Một thằng nhóc chạy sượt qua, đâm sầm vào Hữu. Khay báo trên tay nó đổ ụp xuống. Vũng nước mưa trong cái ổ gà bắn tung tóe lên đôi giày và bộ quần áo thể thao trắng tinh trị giá gần hai triệu bạc.Phải lúc khác, anh đã túm đầu thằng nhỏ bất cẩn, sạc cho một trận nhớ đời. Nhưng thình lình, ở trang báo bay ra, đập vào mắt Hữu một dòng chữ nhỏ, in đậm khác thường: Tuyển dụng giám đốc nhân sự. Ngay cạnh dòng chữ này là logo Mana, một công ty quảng cáo Nhật mà Hữu từng biết qua, khi làm việc trong bộ phận phục vụ khách hàng ở cửa tiệm thời trang. Mặc dù chẳng hề có ý định xin việc, nhưng Hữu vẫn muốn chụp lấy nó, biết thật rõ về nó. Từ lâu, thói quen đọc quảng cáo thấm vào Hữu. Anh thường tự kiểm tra mình có thể đáp ứng yêu cầu tuyển dụng ở mức độ nào. Điều này giống như các bài tập leo núi. Trèo cao, sẽ nhìn được xa. Cúi xuống gom lại cho thằng nhỏ mấy tờ báo lấm lem bùn đất, anh nói rộng lượng: "Để anh mua giùm cho em mấy tờ này nghe!". Thằng nhóc há hốc miệng, đưa tay nhận đồng xu hai ngàn, rồi dông thẳng. Hữu bóc mấy trang báo dính bùn đất, vứt vào một thùng rác công cộng gần đó. Anh chỉ giữ lại trang quảng cáo có in mẩu tuyển dụng, thứ duy nhất mà anh quan tâm, rồi bình thản bước tiếp về nhà.

Đẩy nhẹ cánh cổng, bước vào sân, đã nghe thấy mùi cà phê mới pha thơm nồng. Trên cái bàn gỗ ngoài vườn, vài món điểm tâm đã sẵn sàng. Như thường khi, vợ chồng người chủ nhà chờ Hữu về cùng ăn. Ông Sáu Minh đang ngồi đọc báo. Nhìn mấy cuộn báo trong tay anh, ông lắc đầu tỏ ý không hài lòng: "Mua làm gì uổng tiền, cháu. Nhà có sẵn báo rồi mà!". Hữu cười: "Thấy mấy đứa nhỏ bán báo phải dậy sớm, tội nghiệp quá, cháu mua giúp vài tờ mở hàng bác ạ!". Từ trong nhà, bà Sáu mang ra một thố cháo trắng bốc hơi nghi ngút, chia đều ra mấy cái chén nhỏ, nói với ông Sáu như trách cứ: "Đó, ông thấy chưa. Ông cứ nói tụi trẻ bây giờ vô tâm, ích kỷ. Nhưng cứ nhìn mấy chuyện nhỏ xíu tụi nó làm, thấy tụi trẻ vẫn biết quan tâm đến người ta lắm chớ. Đúng hôn?". Ông Sáu ậm ừ: "Thì cũng tùy người. Tui đâu có vơ đũa cả nắm!". Hữu cười thầm, chúi mũi vào trang báo, đọc kỹ từng tiêu chuẩn tuyển dụng. Bà Sáu hồ hởi đẩy chén cháo đầy sang phía Hữu, mời: "Ăn đi cháu!". 

Trên đời này, nếu phải nói món ăn nào căm ghét nhất, Hữu sẽ gọi ngay tên cháo trắng. Cái món ăn tầm thường nhưng dính chặt vào ký ức ghê khiếp. Nó nhắc anh nhớ tới tuổi nhỏ khốn khó, khi ba má anh còn dính chặt với những chuyến buôn bán cá tôm lặt vặt ngoài chợ, thua lỗ thường xuyên. Chỉ ngửi thấy mùi cháo trắng thoáng qua, Hữu thấy ngay ánh mắt tuyệt vọng của má anh khi những ngày bán hàng lỗ lã đến nỗi cụt vốn. Chỉ ngậm một miếng cháo nhạt hoét trong miệng, anh như lấy lại dư vị giọt nước mắt khi ba anh thất vọng phát điên, đập phá đồ đạc trong nhà. Ơn trời là chuỗi ngày vất vả ấy cũng đã qua. Ba má anh làm ăn khấm khá lên, không giàu có, nhưng đủ cho anh lên thành phố học đại học và sống tử tế, chưa rơi vào cảnh thiếu hụt...

Hữu với tay lấy tách cà phê, từ chối nhẹ nhàng: "Cảm ơn bác. Cháu không thích cháo trắng lắm đâu!". Bà Sáu ngạc nhiên, khựng lại: " Sao hôm bữa cháu bịnh, cháu nói cháo trắng là món ăn cháu ưa nhất từ hồi nào tới giờ?". Anh chột dạ, cụp mắt. Đúng là đợt vừa rồi, bị cảm sốt, anh đã nói khéo để cảm ơn lòng nhiệt tình chăm sóc của bà Sáu chủ nhà. Kỳ thực khi bà quay đi, anh đã đổ quách tô cháo giải cảm vào la- va- bô. Ánh mắt ngờ vực của bà Sáu vẫn đăm đăm đặt lên Hữu. Anh đành kéo tô cháo về phía mình, làm vẻ mặt vui vẻ: "Cháu nói vậy vì không muốn ăn nhiều quá, hết cả đồ ăn sáng của hai bác thôi mà". Bà Sáu gắp vào chén anh nửa miếng hột vịt muối, vui vẻ trở lại. Bên kia bàn, ông Sáu Minh vẫn chăm chú đọc báo, không tham gia câu chuyện vặt vãnh. Nhưng đôi lông mày rậm của ông thoáng cau lại.

Buổi sáng không phải lên giảng đường, Hữu nằm khểnh trên phòng, đọc tài liệu về quảng cáo hiện đại. Việc sắp sửa làm bài chung nhóm với Vĩnh và Hải thực ra chẳng khiến anh xáo trộn hay bận tâm. Những tên ngốc ấy sẽ lo lắng và tưởng tượng ra đủ thứ chuyện cho xem. Trong khi đó, ta sẽ làm cho qua quýt, để đầu óc tập trung vào cửa hàng thời trang thể thao sắp mở. Hữu bật cười khi nhớ lại khuôn mặt cau có, vưa tức giận, vừa sợ hãi của thằng Hải quê mùa khi biết chung nhóm với anh. Điểm số, tranh giành hơn thua trong lớp học đúng là trò trẻ nít mà những tên ngạo mạn như Vĩnh hay ngớ ngẩn như Hải mới lấy làm quan trọng. "Ta sẽ đi con đường khác. Ta sẽ có những thứ ta muốn. Ta sẽ bỏ xa lũ đồng môn tầm thường lại phái sau!" - Hữu trở người, lẩm bẩm một mình. Anh lại nhẩm tính khoản tiền trong tài khoản, suy nghĩ miên man về kế hoạch khai trương, quảng bá tên tuổi cửa hàng thời trang thể thao tương lai.

Ngủ quên tới gần giờ học chiều, Hữu mới chồm dậy. Anh cuống quýt dắt chiếc SH ra cổng. Ông Sáu Minh gọi giật, báo có thư. Hữu hơi ngạc nhiên. Má anh không gọi điện thoại mà gửi một lá thư dài. Bà cho biết chuyến hàng vừa rồi, lô tôm sú mà vựa thủy sản gia đình anh thu mua đã bị trả lại, vì dư lượng kháng sinh tồn đọng. Hữu đọc lướt, mồ hôi ứa trên trán, dấp dính lưng áo. Má anh cho biết cần gấp một khoản tiền, chừng hơn trăm triệu. Ông Sáu nhìn Hữu đọc thư, chợt hỏi: "Có chuyện gì mà sao thấy mặt cháu căng thẳng vậy?". Hữu lắc đầu, gấp nhỏ lá thư, nhét vào túi quần. Anh mỉm cười, lên xe nổ máy. Hương vị cháo trắng lại choán đầy trong khoang miệng. Đi ngang thùng rác công cộng ngay đầu ngã tư, Hữu chạy chậm lại. Bằng một động tác chính xác, anh ném gọn lá thư gấp nhỏ vào miệng thùng. Như một con chim nhỏ xíu tuyệt vọng, lá thư mất tăm trong cái miệng rộng ngoác tăm tối.

Mọi việc phải tự tìm cách giả quyết. Rồi ba má sẽ tự xoay sở được. Coi như ta không nhận được lá thư. Ta không thể đánh mất cơ hội làm ăn lớn đầu tiên kiếm được ở cái đất Sài Gòn này... Hữu phóng xe nhanh, rất nhanh. Bên trong đầu anh, hệt như có một bóng ma không ngớt gào lên, hung dữ, cay đắng.