Mắt bão - Chương 41 + 42

Chương 41

Chiếc Nouvo cho tay thợ sửa xe vá lại lỗ thủng bánh sau, Hải bước đến, ngồi xuống bên cạnh Thái Vinh, trên băng ghế dợn sóng của trạm chờ xe bus. Cô nói liến láu vài câu tinh nghịch, rồi bỗng im bặt. Hải chợt hiểu, trạng thái vui vẻ của cô là giả. Trong bộ váy caro xếp pli ngắn trên đầu gối, cái áo len mỏng chui đầu cổ rộng, bên trong là chiếc chemise vải trơn nhàu nát, cô gái thoát bỗng trở về đúng tuổi thật của mình. Một tuổi mười chín ngơ ngác, hơi yếu ớt, hơi lạc lõng nhưng bình yên và trong trẻo. Chỉ duy nhất mái tóc nối ánh lên sắc đỏ tím, như một cánh rừng nhân tạo dày rợp đổ trên tấm lưng và đôi vai còm nhom, là dấu hiệu bất thường câm nín, hé lộ con người bất ổn và nổi loạn cất giấu. Một chiếc xe bus trờ vào bến. "Lên không?" - Người soát vé thò đầu ra, hỏi vọng xuống, giọng nói vang rõ, chuyên nghiệp và vô cảm. Hải ngước lên, đưa tay làm hiệu từ chối.

Chiếc xe rùng rùng lăn tiếp trên dải đường một chiếc xe mù mịt bụi khô. Bóng tối xám trắng dâng lên từ mặt đường xám đen. Từ ngã tư đằng xa, khi đèn xanh bật lại, những chiếc xe máy hối hả chạy ào về phía trước, tựa một bầy thú hoang lao vùn vụt, lướt ngang qua mặt họ. Bỗng dưng, Hải ngỡ như điều gì đó vừa lặng lẽ bay vụt đi, mà anh chẳng kịp nhận ra đó là gì. Đó là một cảm giác anh rất hay gặp gần đây. Càng gặp nhiều thành công, nó càng hay gõ cửa. Ừ, có lẽ đó là lời nhắc nhở thầm lặng, bảo với anh rằng khi anh chạm được vào một điều gì đó hay bỏ lỡ một điều gì đó, thì thời gian đang trôi qua. Và tuổi trẻ của anh cũng đang trôi qua…

- Anh đói bụng không? - Thái Vinh lên tiếng, lôi Hải quay về thực tại.

- Em muốn ăn gì hả?

- Từ sáng tới giờ, em mới uống một ly nước trái cây ép thôi. Em đói ghê gớm, mắt em như không thấy đường nữa! - Cô gái nhỏ thật thà, giọng rụt rè yếu mệt.

- Em mà cũng không có tiền sao? Em đùa hay thiệt đó? - Hải bực bội - Em có biết nhịn đói gây hại cho sức khỏe như thế nào không hả?

- Thật sự là em đang ép cân. Đợt rồi, đi casting cho một phim quảng cáo nhãn hiệu nước uống tinh khiết, em bị loại. Thua đau đớn trước một đối thủ già và xấu hơn em nhiều. Bên agency nhận xét em ăn hình, nhưng nhìn nghiêng, gò má em hơi bầu bĩnh. Nếu chụp hình, gương mặt em bị con nít. Họ đang chuộng mẫu người hốc hác.

- Thôi đừng lèm bèm nữa. Em luôn biết cách tỏ ra ngớ ngẩn hơn mức cần thiết rồi đó Vinh ạ! - Hải gắt gỏng - Đói thì ăn. Quá đơn giản mà em cũng không biết làm cho chính em nữa. Anh chẳng hiểu em muốn gì!

- Anh, stop la mắng em được không? Em lết tới trường kiếm anh như thế này, không phải để nghe quát mắng đâu! - Giọng cô nhóc hắt ra, vang lên như một tiếng van xin.

Hải đưa mắt nhìn sang bên Thái Vinh. Đôi mắt to tướng viền đen cụp xuống. Cô gái nhỏ cúi mặt, ngồi co ro. Đôi vai nhô lên sau làn áo. Hai cánh tay mảnh xếp ngoan trên đầu gối gầy trơ xương. Bỗng dưng, nỗi bực tức trong anh dịu xuống, nhường chỗ cho cảm giác bâng khuâng pha lẫn thương cảm. Ngay từ cái ngày Vĩnh nhờ anh đón cô bé ở sân bay, một mối dây vô hình gắn kết họ với nhau. Những lúc cô bé gặp nguy khó, hệt như ma xui quỷ khiến, anh luôn hiện diện bên cô, chứng kiến cả sự lành lẫn sự dữ. Suốt một năm qua, những biến cố thăng trầm cuộc sống anh, chẳng ít thì nhiều, cũng in bóng Thái Vinh. Rồi lời đề nghị của ông Quang, muốn anh chăm sóc cho cô bé. Đôi khi nghĩ vẩn vơ, anh tự nhủ có lẽ kiếp trước, Thái Vinh chính là em gái mình. Chuyện Vĩnh bây giờ là anh trai cô nhóc chẳng qua chỉ là sự sắp đặt có chút nhằm lẫn của số phận mà thôi.

Hải băng qua đường. Một cái xe bánh mì vừa đẩy đến. Bà bán bánh mì loay hoay dọn hàng, đốt cái lò than, vừa tìm cách nối cái bóng đèn néon sáu tấc vào một sợi dây điện câu ra từ ngôi nhà ngay trước con hẻm. Anh giúp bà ta nối sợi dây, chỉnh lại công tắc bị lờn. Cuối cùng thì cái bóng điện cũng bật sáng. Vừa làm hai ổ bánh mì cho Hải, bà vừa phàn nàn về vật giá leo thang đắt đỏ, về cái bóng đèn thắp sáng mỗi tháng phải trả tiền điện đến năm chục ngàn đồng, về nỗi lo tăng giá bánh mì thịt thêm hai ngàn một ổ sẽ mất nhiều khách… Bà than thở đến nỗi dù thấu hiểu, Hải vẫn thấy chóng mặt. Anh chỉ biết im lặng cười trừ. Thế nhưng, khi biết Hải là sinh viên, bà bánh mì nhất định tính tiền theo giá cũ, lại còn nhét thêm vào nhân bánh một miếng chả lụa rõ là hậu hĩ: "Ráng ăn cho có sức mà học, bây ạ!". Xách hai cái bánh mì còn nóng hơi ấm bếp than, anh băng vội qua đường, nôn nao xúc động. Bao giờ cũng thế, những người lao động bình dân luôn gợi trong Hải cảm giác thân thuộc. Họ giống hệt ba má anh, lúc nào cũng chắt chiu dành dụm, lo lắng từng ngày sống, mà vẫn nguyên vẹn tình thương dành cho kẻ khác, chẳng bao giờ để trái tim cằn khô…

Chiếc xe đã được vá xong chỗ thủng, dựng ngay cạnh Thái Vinh. Cô ngồi một mình, ánh nhìn lơ đãng, trôi nổi, vô định. Phải mất mấy giây, cô mới nhận ra Hải đã quay trở lại. Anh đưa cho cô một ổ bánh mì. "Ăn đi nào. Coi chừng đói lăn ra giữa đường bây giờ!". Nở nụ cười méo mó, cô nhóc đề nghị:

- Em trả tiền vá xe rồi. Mình lên xe chạy luôn đi!

Hải nhướn mày, liếc nhìn đồng hồ. Tối nay anh cần làm cho xong vài thủ tục xin đầu tư để gửi hồ sơ lên Đà Lạt:

- Em muốn anh đưa em về nhà không? Cũng tối rồi đấy!

Đột nhiên, có gì đó giống như sự hoảng loạn choán đầy đôi mắt cô nhóc:

- Đừng. Đi đâu cũng được Miễn đừng về nhà!

Hải cho xe chạy chầm chậm trong thành phố lên đèn. Ngồi phía sau anh, Thái Vinh căm lặng. bám chặt vào thanh vịn phía sau yên sau. Đôi lúc anh ngoái lại, để biết chắc cô bé vẫn còn ở đấy, chưa bị gió cuốn đi. "Chắc lại vừa xảy ra chuyện gì bất ổn nên cô nhóc lại chạy đến tìm người bảo hộ, là mình đây!" - Hải thầm nghĩ, mệt mỏi lẫn xót xa. Rồi anh tự nhủ. Thôi kệ, đêm nay mình thức khuya một chút làm việc cũng được. Đi với con bé, không thì nó lại làm gì bậy bạ đáng tiếc!". Chẳng nói gì, nhưng mỗi khi anh định tấp vào trước cửa quán cà phê hay tiệm ăn nào đó, Thái Vinh lại hét lên: "Đừng có dừng lại, anh chạy tiếp đi!". Cuối cùng, anh dừng phắt xe giữa cây cầu lớn nối ra xa lộ, tuyên bố: "Anh không chạy lung tung nữa đâu, nhóc con. Hoặc dừng ở đây, em ăn bánh mì đi, rồi có điều gì thì nói cho anh nghe. Hoặc anh đưa thẳng em trả về nhà!". Cô nhóc gật ngay: "Vâng, em thích cây cầu này!".

Hải nhấc xe lên vỉa hè dành cho người đi bộ. Dọc theo cầu, mấy đôi tình nhân mặc áo len, ngồi sát nhau trên yên xe máy, dõi mắt ngắm nhìn dòng sông đang chìm vào bóng tối và thảm đèn lấp lánh sao sa đang hắt lên từ một góc thành phố. Đèn cao áp hai bên thành cầu tỏa ánh vàng rực rỡ, như phủ một lớp bụi ánh sáng mềm xốp và ấm áp xuống những người đang cần hơi ấm trong cái thời tiết se lạnh. Hải bắt đầu gặm ổ bánh mì, huých cùi chỏ vào be sườn cô nhóc: "Ăn với anh cho vui, nhóc!". Vài cái xà lan trôi lờ lững trên mặt nước tím biếc, biến mất dưới gầm cầu. Tiếng động cơ xe nối nhau xé gió. Gió sông thổi lên lồng lộng. Thái Vinh vươn cổ về phía trước, chóp mũi trắng toát, khuôn mặt trông nghiêng như một đầu tượng bí ẩn. Một lọn tóc bay sang, quấn vào cổ Hải. Anh gỡ ra, thoáng chút bối rối. Khi nhìn cô nhóc, bất chợt, anh nhận ra cô đang khóc. Những hạt nước mắt, cũng như chủ nhân im lìm, đọng trong khóe mắt to viền đen, bất động.

- Em ốm mệt hả? - Hải thật sự lo lắng.

Cô nhóc lắc đầu. Anh bảo cô đứng dậy, để anh mở cốp dưới yên xe, lấy cái jacket vải jeans cho cô mặc đỡ lạnh. Cái khóa yên xe bị kẹt. Hải cuối xuống, lúi húi hồi lâu. Khi anh lôi ra khỏi cốp cái áo, toan khoác lên vai Vinh, thì cô nhóc đã biến mất. Phải mất một lúc, anh mới nhận ra cách đó chừng ba mét, cô nhóc đã vươn nửa người qua chấn song thành cầu từ bao giờ. Đôi tay cô dang rộng. Mái tóc tung bay. Vầng trán trắng muốt căng thẳng. Đôi mắt bị kéo dài ra một cách kỳ lạ. Gió mạnh đến nỗi các đường nét trên gương mặt cô đã bị gió xô lệch, bóp méo. Nhìn chếch xuống, gót giày Thái Vinh chỉ bám hờ vào một thanh sắt mỏng nối giữa các chấn song. Hải chết sững. Với tất cả sợ hãi điên giận, anh lao tới. Đúng khi cô nhóc sắp nhào xuống sông, anh túm chặt cổ áo phía sau, kéo giật lại. Anh lẳng mạnh. Thái Vinh lảo đảo, gần như ngã chúi mặt trên vỉa hè cây cầu.

- Điên hả, Vinh!- Anh quát to đến lạc cả giọng.

- Em đùa đấy! - Cô nhóc ngước lên anh, mắt gườm gườm.

- Ừ, đùa! - Hải lắc đầu, thở hắt ra. Anh mệt đến nỗi chẳng thể mắng mỏ hay nổi giận được nữa.

Thái Vinh lủi thủi leo lên yên xe, hơi nép vào Hải. Anh choàng áo cho cô, hạ giọng:

- Em chuẩn bị qua Sing học lại chưa?

- Anh sẽ đi cùng em qua Sing, phải không?

- Có thể là vậy. Nhưng anh cũng chưa biết chắc… - Hải thoáng bối rối.

- Em thì biết chắc em sẽ chẳng đi đâu hết!

- Nghĩa là sao?

- Vô nghĩa hết!

- Anh không hiểu. Em nói rõ hơn cho anh nghe coi nào! - Hải nghiêng đầu, nhìn cô bé chăm chú.

- Em chán hết mọi thứ. Bây giờ em chỉ muốn được yên. Đừng có thay đổi gì nữa! - Hít một hơi dài, Thái Vinh giải thích nhanh - Tự nhiên em nghĩ là em đã biết tất cả. Và em cũng sợ hãi tất cả trong cuộc sống này. Có lẽ với em, thế là đủ rồi!

- Này Vinh, em lảm nhảm cái gì đó? Đừng có nói là em dùng ma túy hay cái gì giống như thế nhé!

- Không đâu, em tỉnh táo mà! - Cô nhóc bỗng cười phá lên - Hải này, anh có muốn nghe lời khuyên của em không?

- Ừ, nói đi!

- Đừng đi Sing nếu đó là ý người khác. Em nhận ra, đáng căm thù nhẩt trên đời này là phải làm theo điều người khác muốn. Anh hiểu ý em không?

- Không hiểu lắm! - Hải thành thật.

- Rồi anh sẽ hiểu thôi! - Thái Vinh mỉm cười, nhợt nhạt- Mọi thứ trên đời này ấy mà, xấu hay tốt, không phải người khác gây ra cho mình đâu. Tự mình chọn hết, anh ạ. Mình làm. Và mình chịu trách nhiệm. Nên chẳng có gì phải hối tiếc nữa.

- Ừ, nếu em biết chịu trách nhiệm về những gì em làm,thì cố gắng qua Sing học tiếp, nhé! Những chuyện lộn xộn thời gian qua, bỏ mặc hết đi.

- Thôi không nói nữa. Anh chở em về nhà đi. Em thấy lạnh quá, anh Hải ạ. Cái áo khoác này không đủ ấm…

Hải cho xe quay vào thành phố. Khi anh thả Thái Vinh trước cổng nhà, cô nhìn sâu vào mắt anh, vẫy nhẹ mấy ngón tay ra hiệu tạm biệt. Trái tim anh bỗng nhói lên trong lồng ngực, rồi sau đó là cảm giác trống hoác. Đến lúc này, Hải mới lờ mờ nhận ra với cái lọn tóc bám vào anh lúc trên cầu, dường như trong cô gái bé nhỏ kia đã cất lên tiếng kêu cứu câm lặng, mong muốn bấu víu vào anh, thiết tha được anh cứu giúp. Nhưng hình như đã muộn…

Hải về nhà trọ, tắm qua loa, ngồi vào bàn cặm cụi làm cho xong các hồ sơ thủ tục cho ông Quyền. Khoảng năm giờ sáng, chuông điện thoại vang lên. Hải ngồi bật dậy. Tên Vĩnh hiện ra trên màn hình sáng lóa. Giọng Vĩnh vọng đến, như từ một hành tinh xa thẳm: "Em gái tớ chết rồi. Tự sát!"

 

Chương 42

Khủng khiếp và không thể hiểu được!

Ngay cả khi mọi việc lo liệu cho Thái Vinh đã hoàn tất, thì hàng ngàn lần, câu nói ấy vẫn vang lên trong đầu Hải.

Vang lên bằng giọng nói đau xót cùng cực của anh.

Ban đầu, chỉ là nỗi hụt hẫng, kinh hoàng không giới hạn. Về sau, cơn sóng thần hung hãn của sự kiện cũng rút đi, để lại những vết hằn trống trải và buồn thảm trên bề mặt cuộc sống của cả hai người bạn.

Mặc dù chấp nhận thực tế nghiệt ngã, nhưng ở một ngóc ngách sâu thẳm, Hải vẫn chẳng thể tin Thái Vinh không còn hiện diện trong cuộc đời này. Hệt như mới vừa đây thôi, anh được Vĩnh nhờ đến sân bay đón giúp đứa em gái trở về từ Singapore. Cô bé vắt vẻo trên chiếc valise, ngước nhìn anh bằng đôi mắt to tướng, vui thích điên lên khi được anh chở đi bằng chiếc xe cub cũ kỹ nghèo nàn. Cứ nhắm mắt ngủ, anh lại thấy cô bé hiện ra, kéo ghế ngồi trước mặt anh, nghiêng đầu cười rạng rỡ. Một cách ương bướng, cô bé ra sức cãi cọ với anh, ngốc nghếch chứng tỏ mình đã thành người lớn bằng cách hút một điếu thuốc, ho sặc sụa, rồi sau đó uống bia lạnh thẳng từ trong chai với chiếc ống hút... Từ đáy sâu tiềm thức, vô số hình ảnh ngỡ như đã bị lãng quên kéo nhau hiện ra, sống động khôn siết. Chồm dậy giữa các giấc mơ, Hải lầm bầm tự nhủ Thái Vinh chỉ vừa lẩn trốn vào một vùng tối bí mật nào đó, như hàng chục lần cô đã biến mất khỏi tầm mắt anh, đi du lịch, thực hiện bộ ảnh quảng cáo cho sản phẩm, hay theo đuổi các kế hoạch kỳ khôi vốn liên tục mọc ra trong đầu cô bé. Ngồi học hoặc đang chạy xe trên đường, Hải bỗng dừng khựng, vội vã rút điện thoại. Anh ngỡ chuông vừa rung lên, hay tín hiệu báo có tin nhắn mới. Chỉ cần anh mở máy, giọng nói líu ríu, ngỗ ngược của Thái Vinh sẽ vang rõ bên tai. Dù ra lệnh xấc xược hay van nài khẩn thiết, thì cô bé cũng chỉ muốn được anh đến đón tại ngóc ngách bất ngờ nào đó trong thành phố. Gần giống như vậy, casc tin nhắn trước kia từ Thái Vinh cũng chẳng có thông tin gì nhiều. Thế mà chúng đã luôn làm anh mỉm cười bởi đủ kiểu biểu tượng nhăn nhó, cười cợt, vui sướng... Nhưng giờ đây, chẳng có gì kết nối với anh ngoài cảm giác trống hoác, vô vọng đến thắt đau.

Ký ức, các giấc mơ và thực tại trộn lẫn vào nhau, đẩy Hải vào trạng thái hỗn loạn, ngờ vực. Tại sao Thái Vinh quyết định ra đi chóng vánh đến vậy? Lằn ranh giữa sự sống và cái chết có thật hay không? Sau cái chết, linh hồn bé bỏng của cô ấy trôi dạt đến nơi đâu? Người ta nỗ lực điên cuồng trong đời sống để làm gì nhỉ? Hàng loạt câu hỏi không lời đáp như vòi bạch tuộc bủa vây, hút rỗng Hải. Đột nhiên, Hải nhận ra, bên cạnh nỗi đau xót không thể tránh né, thì sự ra đi của Thái Vinh chính là một cú đập, lôi anh ra khỏi trạng thái tự tin ngây ngô, buộc anh đối diện thực tế khắc nghiệt. Cứ thế, anh phải vật lộn với chính mình. Ngoài đời, thì anh vẫn phải đến trường, nghe giảng bài, làm việc với cử tri sinh viên, chuẩn bị các động tác cuối cùng cho kỳ bầu cử đã đuổi sát sau lưng. Bên văn phòng đại diện của resort, hồ sơ giấy tờ ông Quyền giao phó càng lúc càng nhiều hơn. Khác với kinh nghiệm lâu nay, công việc và sự bận bịu không còn là nơi ẩn náu, giúp Hải lẩn tránh đối diện với những vấn đề đầu óc và tinh thần. Giờ đây, chỉ có phân nửa trí não anh hoạt động. Nửa kia đông cứng. Ngay cả khi Hải ở tận đáy của đau khổ và sợ hãi, thì cuộc sống xung quanh anh vẫn vận hành và đòi hỏi anh phải vận hành. Chẳng có gì thay đổi. Phải chăng, anh đang ở trong một thế giới vô cảm? Nó chỉ đòi hỏi ở anh, mà không bao giờ chia sẻ với anh? Có một lần, chẳng cơn cớ gì trầm trọng, anh lại tức giận gào lên trước một đối tác đặt phòng dài ngày tại resort. Sau đó bừng tỉnh, anh phải điện thoại xin lỗi. Mọi việc thu xếp êm thấm. Thậm chí, đối tác còn tỏ ra thông cảm với hội chứng stress thời thượng. Nhưng, Hải tự hiểu nếu tình trạng này kéo dài, việc mất kiểm soát hành vi sẽ chỉ là bước đầu của tình trạng suy sụp cực kỳ tồi tệ mà thôi.

Hải tắt điện thoại di động. Anh quyết định ở yên trong nhà cho đến khi tỉnh táo, thu xếp ổn thỏa với chính mình. Anh ăn uống, hít thở và bước đi như một người máy. Ngoài kia, âm thanh cuộc sống vẫn vang động. Các cô thợ may công nghiệp trong khu nhà trọ vô tư trêu chọc cười đùa. Một cái radio phát ra các bài hát thời thượng, kèm theo những lời nhắn đầy ắp yêu thương người ta gửi tặng cho nhau. Ngỡ như trái đất này được bao bọc bằng bầu khí quyển căng đầy trìu mến. Ý nghĩ đó khiến Hải đau khủng khiếp. Thỉnh thoảng, nằm úp mặt xuống gối, mắt anh như muốn vỡ tung ra. Giá có thể khóc được thì còn dễ chịu. Rồi anh ngủ thiếp lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, ánh sáng ban ngày chói chang luồn qua khe cửa, rạch trên mí mắt anh các đường rạch nóng bức và sắc lẻm. Anh mua một gói thuốc lá, thử hút. Đắng ngắt. Trống rỗng. Thật vô nghĩa. Trạng thái u ám không suy xuyển.

Một cách chậm rãi, Hải bóc tách từng lớp ngày tháng, hành động, nhìn lại chuỗi lựa chọn và các mối quan hệ của chính anh trong quãng thời gian đầy biến cố vừa qua. Sự thật là anh quá nhiều bận rộn. Quá nhiều thói quen. Dần dà, chúng tạo nên cho anh lớp vỏ chai lì. Chúng khiến mắt anh chỉ có thể nhìn thấy bề mặt mọi thứ đang diễn ra. Chẳng hạn, bên dưới chuỗi hành động kỳ quặc của Thái Vinh là gì, cô bé đã truyền đi thông điệp câm lặng gì, anh đã không thể nhận biết, không thể đồng cảm. Anh sử dụng thời gian, vắt óc nghĩ về đủ thứ, bài vở, tiền bạc, lo lắng cho các cái hóa đơn, chứng từ và đời sống nhân viên công ty. Những thứ ấy, anh cứ nghĩ chúng rất quan trọng. Giờ đây, anh mới nhận ra, nếu không có anh, thì sẽ có người khác làm đúng các công việc ấy. Mọi thứ sẽ vẫn suôn sẻ. Chỉ có Thái Vinh cần anh nhất, thì anh lại thờ ơ. Thế mà anh vẫn tự tin mình là người che chở, là chỗ dựa tin cậy của cô bé. Giá như...

Hải thấm thía, luôn là muộn mằn và đau đớn khi nhận ra rằng, chính cái chết là thứ buộc người ta phải nhìn lại cuộc sống, với từng chi tiết sáng rõ và sòng phẳng hơn bao giờ hết.

Buổi sáng chủ nhật, có tiếng đập cửa dồn dập. Hải lảo đảo rời khỏi mặt ghế mà anh nằm im suốt từ đêm. Giữa khung cửa sáng lóa, Vĩnh đứng im, như một cái bóng gầy xọp. "Vào nhà đi!" - Hải thoáng rùng mình khi giọng nói của chính anh vang lên. Vĩnh bình thản hơn hải hình dung. Anh cất xe máy vào trong nhà, đề nghị Hải ra ngoài, đi bộ loanh quanh đâu đó. Hải sợ hãi lắc đầu. Anh chỉ muốn được yên, lẩn trốn giữa các bức tường. Một cách dứt khoát và kiên quyết, Vĩnh nắm tay Hải, gần như lôi anh ra khỏi cửa.

Họ ngồi ở quán cà phê cóc, trên vỉa hè bên ngoài khu công viên nhỏ. Chẳng ai nói gì. Các làn gió buổi sáng mát dịu. Một đốm nắng nhỏ xíu xuyên qua vòm cây bằng lăng xanh non, chập chờn đung đưa trên đầu gối và bàn tay úp xuống của Hải. Anh chợt nghĩ về sự lóe sáng cuối cùng. Anh muốn nắm giữ đốm nắng hiếu động đáng thương ấy, che chở cho nó. Một trận gió mạnh hơn. Đốm nắng biến mất. Rồi nó hiện ra ở mí đường, nơi những bánh xe thản nhiên lăn nghiến qua nó, lao đi vùn vụt.

Hải đăm đắm nhìn đốm nắng càng lúc càng rời xa. Hốc mắt và sống mũi anh nóng rực, ướt đẫm. Anh khóc từ lúc nào mà chẳng biết. Vĩnh đưa cho anh một tờ giấy gấp tư: "Cậu đọc đi. Thư của Thái Vinh. Nó viết riêng cho cậu, nhưng hình như không gửi. Tối qua, tớ bẻ pass- word và mở được laptop con bé bỏ lại. Thật kỳ quặc, Thái Vinh chỉ nói với cậu..."

Rất lâu, Hải mới mở lá thư. Các dòng chữ đánh máy loạng choạng, vẫn xen lẫn các biểu tượng khôi hài. Có đoạn, Thái Vinh viết: "Cuối cùng thì em biết rồi Hải ạ, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về chính mình thôi. Em ghét nhất là biện hộ hay đổ lỗi. Bây giờ em thấy tỉnh táo và bình thản. Hồi đầu, em thấy vui khi thử làm các trò hư đốn, bậy bạ. Em cứ tưởng mình còn trẻ, có thể làm lại mọi thứ, nếu sai lầm. Nhưng không phải vậy đâu. Cứ mỗi khi sập bẫy, dính líu vào với những người như anh Hữu, như ông Dee, em càng căm ghét và coi rẻ em hơn. Chỉ có điều là em rất muốn, nhưng không thể dừng lại. Một cái quái quỷ gì đó cứ lôi tuột em đi. Có nhiều lần, em rú lên, sợ khiếp ấy chứ. Biết làm gì để bớt sợ nhỉ. Anh biết đấy, em chỉ có một mình thôi mà.

Em mệt ghê luôn Hải ạ. Mệt quá, nên em quyết định dừng lại. Hư hỏng như vậy là đủ rồi. Chẳng nên thách thức mọi người xung quanh và làm cho họ nhục nhã vì em nữa. Em không biết nói cho chính xác, nhưng em tuyệt vọng về em lắm. Phía trước, toàn là thứ tồi tệ chờ em thôi. Em sợ bị tống qua Sing lắm. Cứ nghĩ đến khoảng thời gian bị cô độc bên ấy, là em như muốn khùng lên...

Em sắp đi rồi đấy. Chẳng tiếc gì đâu. Mọi người hẳn sẽ sợ hãi, lại giận em nữa. Nhưng rồi tất cả sẽ ổn thỏa ngay mà. Em chỉ tiếc chút ít là chưa bao giờ em xin lỗi anh, Hải ạ. Em đã kéo lê anh đi khắp nơi với em, chất lên vai anh đủ thứ phiền toái do em gây ra. Nhưng một lần, anh hãy tin em, Hải nhé. Tin rằng nếu như em làm anh khốn khổ, thì bản thân em cũng khốn khổ không kém đâu. Em chẳng tài giỏi như anh, luôn bình thản, vượt qua mọi khó khăn, che giấu mọi cảm xúc. Ngay cả khi anh thầm yêu bạn gái của anh trai em, cái chị Nhã Thư ích kỷ, thì anh vẫn nhường nhịn và nhẫn nhục im lặng. Qua anh, em biết sống là phải cố gắng nhiều lắm. Em không cố gắng được, và em dừng lại. Lẽ ra em chấm dứt sớm hơn nữa đấy. Nhưng vì yêu anh, vì có chút hy vọng, nên em kéo dài thêm một thời gian. Tuy nhiên, giờ thì em hiểu đã đến lúc rồi..."

Gấp lại mảnh thư, Hải đưa mắt nhìn bạn. Vĩnh nở nụ cười méo mó, một lần nữa thốt câu quen thuộc gần đây giữa họ:

- Khủng khiếp và không thể hiểu được!

- Ừ, thật khủng khiếp! Nhưng giờ thì tớ đã hiểu được vấn đề.

- Cậu hiểu gì? - Vĩnh thì thào.

- Những kẻ như chúng ta, từ lúc nào đó, đã đánh mất lòng yêu thương với người khác rồi! - Hải nói khẽ, khó nhọc - Chúng ta nói ra rả về tình yêu, sự cảm thông hay lòng hy sinh và chia sẻ. Nhưng thực chất, chúng ta chẳng biết gì về nó đâu...

Vĩnh đứng lên đột ngột. Mặt tái nhợt. Một nỗi âu lo mới ập đến Hải:

- Cậu đi đâu bây giờ?

- Tớ đến gặp Nhã Thư. Tớ phải giành lại cô ấy khỏi tay Hữu, trước khi mọi việc lại quá muộn!