Hồ sơ Một tử tù - Chương 08 - Phần 02

Sự im lặng này là khoảng lặng trước khi tấm lưới chụp xuống đầu hắn chăng? Điện đàm đã được nối giữa các tổ chốt canh phòng và tất cả các con đường ra khỏi xã đã bị thít chặt lại rồi chăng? Bóng đêm tan loãng ra rồi, ánh ngày sắp xuất hiện rồi, cái mặt hắn sắp lồ lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật, không tìm ra được nơi ẩn nấp nhanh thì lại khốn nạn thân tù bây giờ. Nhưng trốn đi đâu? Làm gì còn chỗ nào cho hắn dung thân nữa bây giờ. Hắn bỗng thấy âm ấm ở bắp chân. Chết cha rồi. Máu cứ rỉ ra thế này sẽ rất tai hại. Hắn móc trong bọc ra chiếc áo nâu nhà chùa, đưa lên miệng dùng răng xé roàn roạt rồi cúi xuống buộc chặt chỗ máu rỉ. Vẫn chưa yên tâm, hắn lại buộc thêm cả chiếc giày dưới bàn chân phải nữa. Như thế máu sẽ không rỉ xuống đường, không làm dấu cho người đàn ông có nốt ruồi đen ở mắt trái kia tìm đến bắt hắn.
Xong xuôi, hắn lao xe vào con đường dẫn lên chùa Áng Sơn. Khi hắn tới trước cổng tam quan thì cũng là lúc ánh ngày đang bắt đầu buông xuống. Như chờ đợi sẵn, chú tiểu mở cổng chính cho hắn vào, sau đó cánh cổng lại được khép lại. Hắn dựng xe ngoài thềm sân rồi tập tễnh bước vào phòng khách ngay phía ngoài nhà thờ tổ. Hiến đang ngồi đó, khuôn mặt đẹp như thiên thần, ánh mắt có phần nghiêm nghị nhưng vẫn chưa hết những tia ấm áp. Hiến chỉ cho hắn ngồi vào chiếc ghế đối diện rồi rót nước mời hắn.
- Hãy uống chén trà nóng này đi. Rồi sương sẽ tan, nắng ấm sẽ đến, lòng người sẽ thanh thản, bận tâm làm chi đến những lẽ vô thường.
Hắn đứng lên đặt chùm chìa khoá và gói tiền xuống trước mặt Hiến, bảo:
- Tôi trả lại cho ông đây. Tôi tận kiếp rồi. Bây giờ ông cho tôi một dải lụa hay một chén thuốc độc, tôi xin lạy ông ba lạy.
Hiến thấy hắn nhăn mặt vì đau, liền bảo:
- Bây giờ Đàn vào trong kia nằm. Để tôi bảo tiểu mang nước nóng lên xem cái chân kia của Đàn thế nào. Nếu nặng thì phải mời bác sĩ. Nếu nhẹ tôi có thể chữa được. Thầy tôi có nhiều bài thuốc nam chữa rất hay.
Đêm hôm ấy Hiến mang một chiếc giường gấp xuống buồng hắn, nửa nằm nửa ngồi, chuyện trò với hắn đến khuya. Hiến cho hắn uống thứ nước gì đó đen đen, nâu nâu, lại đắp lên vết thương ở bắp chân hắn một nắm lá giã nát, khiến người hắn cứ sốt li bì. Hiến bảo: "Đầu đạn không còn nằm lại nhưng nó phá nát phần bắp thịt, có thể dẫn tới teo cơ. Thuốc này tẩy trùng rất tốt, sau đó sẽ đắp thuốc nối lành vết thương. Vết này miệng khá rộng và lòng rất sâu. Kháng sinh mạnh nên đêm nay và ngày mai Đàn sẽ sốt nhẹ. Khi sốt người ta thường hay ác mộng. Tôi ngồi đây nói chuyện với Đàn vào những lúc cắt cơn sốt để Đàn đỡ sợ. Khi cô độc quá người ta có thể cắn lưỡi tự tử. Vào những lúc như thế này kẻ mạnh bạo nhất lại thường là người mềm yếu nhất".
Hắn nằm nghe Đàn nói mà nước mắt cứ rỉ ra ở hai bên khoé mắt. Hiến bằng tuổi hắn mà sao Hiến đã có dáng vẻ của một tiên ông, một đạo sĩ cái gì cũng biết, cái gì cũng thông, cũng tỏ khiến hắn vừa e ngại lại vừa tủi hổ cho cái sự tối tăm, đểu cáng trong mình. Đúng là hắn ác mộng triền miên. Cứ hễ cơn sốt ập đến là y như rằng đài sen xuất hiện, quay tít, hắn bị buộc túm tứ chi, lủng lẳng phía dưới, ngột ngạt , rung vỡ, khó chịu lắm. Những lúc như thế hắn ở tình trạng bị bóng đè, toàn thân cứng đờ, tim ngừng đập, chới với, hun hút rơi vào một vòng xoáy vô hình nào đấy. Đèn vẫn sáng, nến vẫn cháy, trên tường bức ảnh sư tử đá nằm phủ phục, trên lưng đặt đài sen cho phật ngự mờ mờ, ảo ảo, bên cạnh Hiến vẫn ngồi như một pho tượng, thế mà hắn không sao cựa quậy được, không sao kéo được mình về với thực tại phảng phất u buồn này để tránh khỏi cái vòng xoáy khủng khiếp của cơn mộng mị. Phải rất lâu, hắn mới cử động được các ngón tay, rồi ngón chân, và cuối cùng là cựa quậy được thân mình để choàng tỉnh dậy. Hắn chỉ vào bức tranh treo ở trên tường, bảo Hiến:
- Cái đài sen kia nó cứ quay tít trong đầu tôi. Hiến bỏ nó ra treo ở chỗ khác được không? Tôi thấy kinh lắm.
Hiến bảo:
- Nếu không phải là đài sen này thì cũng sẽ là một cái gì đó quay tít trong đầu. Những hình ảnh khác sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều, ác mộng kia mà! Đàn cố gắng chịu đựng qua đêm nay, ngày mai thần thái sẽ ổn, mọi sự rồi sẽ lại trở về bình thường.
Hắn bảo:
- Hình như tôi ngửi thấy cả mùi hoa sen?
Hiến lắc đầu:
- Mùa sen qua lâu rồi. Đó là mùi trầm đốt ngoài ban thờ tổ đấy.
Hắn bỗng hỏi:
- Tại sao phật lại ngự trên đài sen hả Hiến?
Hiến không trả lời mà hỏi lại:
- Theo Đàn thì tại sao?
Hắn bảo:
- Có lẽ tại vì sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn chăng?
Hiến mỉm cười ý nhị, rồi nhẹ nhàng bảo:
- Sen có nhiều đức tính hợp với triết lý nhà phật. Sen ẩn sâu dưới bùn đất xa lìa trần cấu, gọi là u vi. Sen khiêm tốn, không khoe tài đua sắc với các loài hoa khác trên đồng nội gọi là ẩn vi. Lá sen ngửa rộng lên trời với những thớ mạch như nét vạch tự nhiên hút khí trời gọi là tế vi. Sen không sớm nở tối tàn mà sớm xoè thì tối cụp gọi là tuỳ nghi diệu. Sen mỗi năm một thân mới, một hoa mới gọi là hàn thử bất thiện diệu. Sen, hoa quây quần hạt, hạt xúm xít trong hoa, gọi là tổng biệt tề chương diệu. Sen vừa là hoa vừa là quả, gọi là nhân quả đồng thời diệu. Bởi có những ẩn vi cao quí đó mà sen được gần gũi Phật, nói được ý Phật, được chọn để Phật ngự. Đàn mơ thấy đài sen là ý tốt. Có lẽ tâm tính Đàn từ nay trở đi sẽ hướng thiện.
Mấy ngày hôm sau thì vết thương ở bắp chân hắn lành miệng. Buổi tối, Hiến bảo hắn:
- Đêm nay Đàn có muốn xem quỳnh nở không?
Hắn hỏi:
- Ở đâu?
Hiến bảo:
- Ở ngay khuôn viên của nhà chùa thôi.
Âm lịch hôm ấy là mười tám. Trăng vẫn còn sáng lắm. Hiến không muốn hắn chường mặt ra chỗ đông người vào ngày rằm nên mới chủ ý cho hắn ra sân xem hoa nở vào hôm đó. Khoảng chín giờ tối, chú tiểu cùng một cậu thanh niên độ mười chín, hai mươi vào buồng dìu hắn ra. Hiến đã ngồi đợi sẵn ở sân chùa. Lư hương bằng đồng đặt giữa sân toả mùi trầm ngào ngạt. Khóm quỳnh cao tới ba mét lúc lỉu những nụ là nụ. Trăng vẫn còn ẩn sau dãy núi xa nhưng Hiến đã cho tắt hết điện, cả ngôi chùa chỉ còn được thắp sáng bằng những ngọn nến to nhỏ đặt khắp các ban thờ, dọc hành lang, nơi hòn non bộ và trên bàn uống nước chỗ Hiến đang ngồi. Có ba chiếc ghế được đặt quanh bàn. Một chiếc Hiến ngồi, một chiếc dành cho hắn, còn một chiếc thuộc về cậu thanh niên vừa dìu hắn ra. Cậu thanh niên này có nét hao hao giống Hiến, khi cười cả khuôn mặt cậu ta bừng sáng bởi chiếc răng khểnh ở mép phải trông rất đáng yêu. Sau khi cậu ta rót nước ra chén mời hắn xong, Hiến mới quay sang hỏi hắn:
- Đàn có biết thằng bé này không?
Hắn lắc đầu. Hiến lại bảo:
- Không phải tự nhiên mà tôi lại mời Đàn ra đây vào một đêm trăng sáng như thế này để ngắm hoa quỳnh nở. Khung cảnh đêm nay có vẻ thần tiên quá, sách vở quá, nó chẳng hợp với Đàn, và thực ra, nó cũng chẳng hợp với tôi. Nhưng tôi biết với tôi những đêm như thế này thì còn nhiều, còn với Đàn, có thể sẽ là đêm cuối. Bởi vì Đàn khoẻ rồi, Đàn lại đi, cá nước chim trời, biết khi nào lại có một đêm uống trà, thưởng nguyệt, chờ hoa quỳnh nở. Một lý do nữa là vì đêm nay có liên quan tới cái tên khai sinh của thằng bé này. Cũng vào một đêm trăng cách đây mười chín năm, Đàn đã từng đặt tên cho nó đấy.
Hắn "à" lên ngạc nhiên rồi quay sang nhìn cậu thanh niên bên cạnh. Viên Minh! Chẳng lẽ đây là đứa bé con chị Tình, là đứa cháu gọi Hiến bằng cậu ruột? Không, hắn không còn nhận ra được một nét nào của đứa bé lên năm bê xảo khoai từ trên chùa đi xuống dưới chân núi hôm nào? Mà cũng đã quá xa rồi. Vật đổi sao dời. Cậu bé đẹp đẽ và tươi tắn quá. Cái tên Viên Minh mà hắn mò mẫm đặt bừa khi xưa giờ đã trở thành tên chính thức của chàng thanh niên này. Mới hay vòng đời của những đứa trẻ làng Áng Sơn như hắn và Hiến đã quay được quá nửa rồi.
- Viên Minh về chào tôi để tuần sau cháu nó sang Nhật dự triển lãm đồ gốm. Viên Minh bây giờ là sinh viên năm thứ hai trường Mĩ Thuật ở Hà Nội. Năm ngoái cháu được giải nhất Mĩ Thuật về gốm. Năm nay cháu được người ta mời đi trưng bày các tác phẩm gốm sứ. Đàn thấy đấy, cái gien nặn tò he của gia đình tôi hoá ra cũng có lúc thăng hoa. Cháu nó ở với tôi từ bé. Ăn cơm chùa mà học thành tài đấy Đàn ạ.
Hắn vỗ vỗ vai Viên Minh, trong lòng thấy vui mừng thật sự. Cả một thời khốn khó ngày nào mới như hôm qua thôi, còn nguyên vẹn trong trí óc hắn. Xét cho cùng cả hắn và Hiến đều chả sung sướng gì, đều hưởng đủ những đói kém, hèn mạt của kẻ nghèo khó. Bây giờ nhìn vào Viên Minh, Hiến thấy được khát vọng của mình nảy nở, hiện sinh giữa đời. Hiến mừng là đúng thôi. Còn hắn, hắn mừng vì thấy bạn hắn dù sao cũng được cuộc đời an ủi. Hiến đáng được hưởng nhiều hơn thế. Hắn mừng cho Hiến, vui cho Hiến và quả thực đến giờ phút này hắn mới thực sự hiểu Hiến, ơn Hiến, phục Hiến. Viên Minh có vẻ ngượng ngùng trước thái độ của hắn. Hiến bảo:
- Cháu đưa tập ảnh chụp các tác phẩm của cháu cho cậu Đàn xem.
Viên Minh đứng lên bước qua sân đi vào phía trong chùa, lát sau cậu ta mang ra một chiếc cặp nhỏ hình chữ nhật. Hắn đón nhận tập ảnh từ tay Viên Minh, lật xem lướt qua từng chiếc một. Đến chiếc cuối cùng thì Hiến bảo: "Đây là cái được giải đấy, Đàn thấy đẹp không?". Hắn dừng lại ngắm nghía bức ảnh chụp một khối gốm sành sần sùi, thô ráp, màu gạch non có hình ba chú trâu tựa vào nhau, dáng vươn khoẻ như một dãy núi, nâng lên ba đứa trẻ mục đồng. Viên Minh chỉ tay vào bức ảnh giảng giải thêm: "Kế bên dáng ngả của ba trẻ mục đồng là ba cánh diều đợi gió, hay có thể hiểu là ba mảnh trăng, ba con thuyền, ba chiếc lá đang đậu nhẹ vào nhịp đồng dao. Còn những khoảng tròn, những hình âm dương này mô phỏng xoáy đuôi, xoáy mắt, xoáy đùi của những con trâu. Thông điệp của bức gốm sành này là đời sống nông thôn, nông nghiệp còn mãi trong tiến trình lịch sử của dân tộc, nó sẽ là nền móng, là điểm tựa vững trãi cho mọi ước mơ, khát vọng".
Vừa nghe Viên Minh nói, hắn vừa ngước lên nhìn những nụ quỳnh đang đồng loạt mở cánh. Hương trầm thơm ngát, lan toả. Trăng đã ló rạng, vằng vặc một không gian rộng lớn. Chén trà trên tay hắn ngào hương sen thanh nhã. Hắn bỗng quay sang hỏi Hiến:
- Hiến ơi, suốt bao nhiêu năm tu hành Hiến đã hiểu được gì về đạo?
Hiến ngồi trầm ngâm như một pho tượng khi nghe hắn hỏi câu ấy. Một lúc lâu sau Hiến mới bảo:
- Sở học khôn cùng, đời tu cũng lắm nẻo. May ra tôi mới đạt được hai phép Nhân thừa và Thiên thừa thôi.
Hắn lại hỏi:
- Hai phép ấy nghĩa là gì?
Hiến đáp:
- Tu Nhân thừa là qui y tam bảo: Phật - Pháp - Tăng và tuân theo năm điều cấm: sát sinh, đạo tặc, tà dâm, vọng ngữ, tửu.
Hắn bảo:
- Tôi tạm hiểu. Thế còn Thiên thừa?
Hiến đáp:
- Tu Thiên thừa tích cực hơn Nhân thừa, ngoài những điều cấm đoán trên, còn làm việc thiện, mười điều cả thảy, gọi là thập thiện nghiệp.
Hắn hỏi:
- Là những điều gì?
Hiến đáp:
- Gồm có sửa thân ba phép: Phóng sinh, bố thí, tiết chế thị dục. Sửa miệng bốn phép: Chân thật, không thêu dệt, không nói độc ác, không xúi giục người khác thù ghét nhau. Sửa ý ba phép: Không tham, sân, si. Đây là hai phép tu sơ đẳng và thấp nhất của đạo, tôi e là mình chỉ đạt được đến phép thứ hai này thôi.
Hắn hỏi tiếp:
- Vậy còn những phép nào nữa?
Hiến đáp:
- Còn ba phép nữa. Tu Thinh văn, tu Duyên giác và tu Bồ tát thừa. Những phép tu này cao siêu và huyền nhiệm lắm. Ở Thinh văn thì nhờ Phật mà xuất ly khổ, còn Duyên giác thì tự giác mà được giải thoát. Còn Bồ tát thừa là phép tu của các đấng chí tôn, không chỉ tự giác ngộ mà còn nguyện đem chỗ giác ngộ của mình mà dạy chúng sinh cùng giác ngộ theo.
Hắn bảo:
- Đã bắt đầu thấy loạn óc và khó hiểu rồi đấy. Hiến có thể nói cho tôi một cách đơn giản nhất về cái phép tu cuối cùng, phép Bồ tát thừa ấy được không?
Hiến đáp:
- Tôi cũng đang cố gắng hiểu nó mà chưa hiểu nổi. Nói chung tu Bồ tát thừa là tu theo sáu phép ba la mật hay còn gọi là tu lục độ, tức là sáu phép độ ta qua bờ bên kia của chính giác. Sáu phép ấy là Bố thí ba la mật, Trì giới ba la mật, Nhẫn nhục ba là mật, Tinh tấn ba la mật, Thiền định ba la mật và Trí huệ bát nhã ba la mật.
Hắn ôm đầu choáng váng nhưng vẫn cố gượng hỏi:
- Phép thứ nhất ấy được hiểu như thế nào?
Hiến bảo:
- Bố thí ba la mật gồm Tài thí, Pháp thí và Vô uý thí. Tài thí là bố thí của cải, Pháp thí là bố thí phập pháp, Vô uý thí là bố thí lòng dũng cảm, bố thí cái "Không sợ". Ở phép tu này...
Hiến nói đến đây thì hắn ngất xỉu, đầu gục xuống bàn, gạt đổ cả tách trà chú tiểu vừa châm, còn đang bốc khói. Hiến vội đưa hắn vào trong nghỉ. Đêm bắt đầu nối canh. Hiến còn lại một mình, ngẩng đầu nhìn trời rồi đưa tay lên bấm từng đốt. "Không kịp rồi!", Hiến lẩm bẩm. Những ngọn nến cháy hết lần lượt tắt phụt. Ngôi chùa chìm vào yên ắng. Hiến bước về trai phòng, ngồi xếp bằng vừa đọc kinh vừa lần tràng hạt. Trăng trôi trên nóc chùa, đến khi mệt nhoài mờ nhạt nơi góc trời thì những bông quỳnh thay nhau héo rũ.
Buổi sáng hôm sau, vị sư trẻ trụ trì chùa Áng Sơn vừa kéo cửa phòng bước ra ngoài thì vấp ngay phải hắn đang phủ phục trước thềm. Sư Pháp Thiện kinh hãi, giật lùi trở lại, miệng lắp bắp:
- Kìa Đàn! Đừng quì thế, vết thương ở chân chưa lành đâu...
Hắn ngẩng đầu lên, khẩn cầu:
- Xin đại đức hãy nhận tôi vào chùa, không còn cánh cửa nào mở ra cho tôi nữa rồi, tôi xin làm đệ tử cho đại đức, xin suốt đời làm tiểu ở đây. Xin đừng từ chối.
Sư Pháp Thiện không ngờ hắn lại thay đổi nhanh đến thế, sau những phút bối rối, nhà sư trẻ bảo:
- Phạm luật trời thì trời phạt, phạm luật đời thì đời trị, phạm luật người thì người đòi. Đàn chưa trả hết nợ cho đời, chưa thể vào chùa được. Người của đời đến đòi Đàn kia kìa. Đàn hãy vui vẻ ra với họ đi. Nhân ấy thì quả này, không tránh được đâu.
Hắn từ từ quay đầu lại. Cổng chùa đã mở rộng từ bao giờ. Ngay bậc tam cấp bước xuống sân chùa năm, sáu người mặc cảnh phục đang đứng sẵn đợi hắn. Hắn lại nhận ra khuôn mặt quen quen có nốt ruồi to bằng đầu đũa ở đuôi mắt trái. Người này bước lên thềm, tiến đến chỗ hắn và tra chiếc còng số tám vào hai cổ tay hắn. Hắn được xốc dậy đưa ra sân. Chiếc Xít đờ ca đỗ ngoài cổng chùa chỉ chờ hắn ngồi lên nữa là lao xuống chân núi. Hắn quay lại nhìn ngôi chùa lần cuối, thấy vị sư trẻ đang đứng trước điện nhìn theo hắn. Không thể nào biết được sư Pháp Thiện đang nghĩ gì. Vị sư trẻ này đã thức trắng đêm để sáng nay đưa tiễn một tội đồ về nơi anh ta phải chịu những phán xét. Chú tiểu tiến đến bên cạnh, bẩm: "Thưa thầy, xe đã đi xa rồi, mời thầy rửa mặt rồi vào dùng trà ạ".
Sư Pháp Thiện khẽ gật đầu nhưng lại đi ra chỗ khóm quỳnh. Nhà sư đưa tay cầm lên từng bông quỳnh mềm oặt, héo rũ, lẩm bẩm một câu gì đó rồi mới thủng thẳng bước lên trai phòng.
Bình minh bắt đầu ló rạng trên đỉnh tháp chuông.