Mật mã Tây tạng - Chương 29-30

Chương 29

TAM ĐẠI MẬT SƯ TRUYỀN

Không sao," Lạt ma Á La nói, : "Chuyện của Cường Ba thiếu gia chúng ta lúc này chưa tìm ra được manh mối gì đâu. Mặc dù khả năng bên phía kẻ địch đồng thời xuất hiện cả ba chức nghiệp bí truyền là rất nhỏ, nhưng chúng ta không thể đảm bảo rằng Đạo quân Ánh sáng đã tuyệt tích hay chưa được."

Trương Lập kinh hãi thốt lên: "Ối chà, sao tôi lại không nghĩ ra nhỉ, nếu chúng ta tiếp tục tìm kiếm Bạc Ba La thần miếu, vậy chẳng phải sớm muộn gì cũng phải đối mặt với Đạo quân Ánh sáng hay sao? Chẳng may không hợp một lời, vậy chẳng phải là chết rồi không thể chết lại lần nữa à?"

Lạt ma Á La nói: "Cũng không cần phải lo lắng dến vậy, chúng ta tập luyện đâu phải uổng phí, cho dù về mặt thân thủ có chỗ thiếu sót thì cũng có thể dùng ưu thế trang bị mà bù đắp vào. Hơn nữa sao cậu có thể đoán định được chúng ta và họ một lời không hợp chứ? Đạo quân ánh sáng có tồn tại hay không, đến nay vẫn còn là một câu đố chưa có lời giải, người Qua Ba ấy chẳng phải đã nói, tất cả mọi người đều chết sạch rồi hay sao? Tóm lại, không cần phải quá căng thăng, nhưng nắm thêm nhiều thông tin thì cũng không có hại gì cho mọi người hết. Tam đại mật truyền sư của Tây Tạng lần lượt là: thao thú sư, phòng bao sư (mưa đá) và thức tàng sư (1). Thực ra, Tây Tạng cổ đại còn có rất nhiều nghề nghiệp thần bí khác nữa, chẳng hạn như ảo thuật sư, thiên táng sư (2) , cổ sư, khôi lỗi (3) sư…nhưng sở dĩ chỉ có ba chức nghiệp này được gọi là Mật truyền sư,là vì ở thời cổ đại, chúng là những nghề bí mật không truyền cho người ngoài, hơn nữa cũng không thể học trộm được.

Chú giải: 1. Thao thú điều khiển thú vật; phòng bao: đề phòng mưa đá; thức tàng: nhận biết các kho tàng.

2. Sâu độc; 3. Con rối.

Hai chức nghiệp đầu tiên, thao thú sư và phòng bao sư đều được sinh ra trong Đạo quân ánh sáng, thao thú sư thì tôi không cần nói nữa, phòng bao sư hay còn gọi là thiên khí chú sư, nghề nghiệp này ra đời là bởi khi hành quân đánh trận thường xuyên phải đi qua những núi tuyết lớn không dấu chân người, tạm gác chuyện đường sá gian khó hiểm trở không nói, riêng thời tiết đã có những biến đổi rất lớn, nếu không thể giúp quân đội có phản ứng trước khi thời tiết thay đổi, tổn thất sẽ vô cùng to lớn. Ngoài ra, còn cả những thương nhân từ xa đến, khách quý ở các nước lân bang, muốn ra vào cao nguyên đều phải vượt qua những con đường nhỏ hiểm trở ven núi rìa vực, lại còn cả thời tiết thay đổi thất thường nữa, nếu họ thường xuyên gặp phải chuyện bất trắc giữa đường, thì thông thương qua lại giữa cao nguyên và thế giới bên ngoài sẽ gặp phải trở ngại rất lớn. Vì vậy, Tạng vương đã hạ lệnh chọn ra trong Đạo quân Ánh sáng một số binh sĩ giỏi quan sát, lại có trí nhớ tốt chuyên nghiên cứu các yếu tố khác nhau dẫn đến thời tiết thay đổi như tầng mây, hướng gió, độ ẩm không khí, từ đó mới sinh ra chức nghiệp phòng bao sư này. Thời kỳ đầu, vai trò của phòng bao sư giống như là nhân viên dự báo khí tượng ngày nay vậy, chỉ có điều là hiện nay người ta dùng ảnh mây vệ tinh để phân tích mà đưa ra dự đoán về tình hình thời tiết của hai mươi bốn giờ sau đó, còn các phòng bao sư khi ấy chỉ quan sát tầng mây và tinh tượng mà đưa ra được kết luận tương đồng. Đến thời kỳ sau đó, khi Đạo quân Ánh sang đã phát triển hoàn thiện, phòng bao sư lại có thêm một chức năng mới, đó là trực tiếp tham gia vào chiến tranh, tạo ra gió lớn, mưa to, mưa đá ở những nơi kẻ địch cho rằng không thể xuất hiện gió lớn, mưa to, mưa đá, giáng cho quân địch những đòn nặng nề."

Nhạc Dương không nén được thốt lên: "Chuyện…chuyện này hơi khoa trương thì phải, chẳng lẽ đại sư lại kể chuyện dân gian…"

Lạt ma Á La lắc đầu: "Không, không khoa trương chút nào cả, mặc dù phòng bao sư ra đời cách chúng ta từ rất lâu rồi, nhưng nghề nghiệp này vẫn tồn tại kéo dài cho đến mãi trước giải phóng. Hồi nhỏ tôi đã từng tận mắt trông thấy một vị phòng bao sư xua mây đi, ngăn không cho mưa đá rơi xuống. Tôi biết là nghe ra có vẻ rất khó tin, cũng rất không khoa học, nhưng đây là một sự thực. Chuyện này có liên quan đến tư tưởng triết học của người Châu Á chúng ta. Tổ tiên chúng ta chỉ coi trọng kết quả, còn những người phương Tây lại chú trọng đến nguyên nhân. Trong suy nghĩ của bọn họ, nếu không thể làm rõ nguyên nhân dẫn đến kết quả này thì hẳn là phi khoa học. Như Trung Y chẳng hạn, cho đến ngày nay vẫn có nhiều người phương Tây không thừa nhận đó là y học có tính khoa học, vì có rất nhiều phương pháp và mẹo trị bệnh không thể giải thích bằng khoa học được, nhưng cũng không thể vì không giải thích được nguyên nhân, mà phủ định đi hiệu quả trị liệu của Trung y được phải không. Phòng bao sư cũng vậy, Trung quốc cổ đại có một môn gọi là phong thủy học, cũng không thể từ bình diện khoa học mà giải thích rõ nguyên nhân, vả chuyện nọ có tác dụng thực sự hay không…thì cũng rất khó nói, nhưng tôi cho rằng cách làm của phòng bao sư tuy khác nhưng cũng có cùng hiệu quả với phong thủy sư. Tôi còn nhớ hồi nhỏ đã từng thấy vị phòng bao sư ấy làm phép. Ông ta cắm cờ ở cửa khe núi, đặt vài cái xe trâu xe ngựa ở giữa đường, hoặc di động một vài tảng đá lớn hay cây cối gì trên đỉnh núi, tất nhiên là cũng không thể thiếu được một số nghi thức và điều múa cầu khấn của tôn giáo, chỉ chốc lát sau đó, tầng mây tụ mù mịt đã tan biến mất. Phương Tây có một lý luận thế này, tôi nghĩ chắc mọi người đều nghe nói quá rồi, một con bươm bướm đập cánh trên Thái Bình Dương, đến châu Mỹ có khả năng diễn biến thành một cơn lốc lớn, đây gọi là hiệu ứng bươm bướm, dùng để giải thíc tính bất định và không thể dự báo của một số sự việc. Điều tôi muốn nói ở đây là, nếu nhất định phải giải thích một cách khoa học các hành vi của phòng bao sư, thì có lẽ là do cổ nhân đã nắm bắt được quy luật nào đó từ lúc bươm bướm đập cánh đến lúc diễn biến thành cơn gió lốc cũng không chừng!"

Bọn Trác Mộc Cường Ba nghe mà thẫn thờ hết cả ra. Lạt ma Á La lại tiếp tục giải thích: "Phương pháp mà các phòng bao sư sử dụng rất khác so với phương pháp nghiên cứu khoa học ngày nay, có lẽ là dựa vào một sự kiện hết sức ngẫu nhiên ban đầu. Chẳng hạn như đầu tiên người xưa nhìn thấy mây đen che kín bầu trời, tiếp sau đó là mưa đổ xuống, rồi lần thứ hai nhìn thấy mây đên che kín bầu trời, mưa lại đổ xuống, trong ký ức của họ sẽ dần hình thành một mối liên hệ, tức là mỗi khi mây đẹ che kín bầu trời, thì sẽ có mưa. Số lần mưa càng nhiều, mối liên hệ này không ngừng được củng cố, tự nhiên sẽ hình thành một quy luật, vậy là từ đó trở đi, người xưa đã biết, mỗi khi mây đen che kín bầu trời, chẳng bao lâu sau trời sẽ đổ mưa. Đây chính là tư duy triết học thuần phác nhất, nguyên thủy nhất, không cần biết tại sao, chỉ cần thấy kết quả như vậy là đủ rồi. Phòng bao sư cũng thế, hành vi của họ nảy sinh một cách ngẫu nhiên, trải qua vô số lần thử nghiệm, cuối cùng đã đạt được hiệu quả lý tưởng mà học mong muốn, đồng thời thời gian cũng xác định được nên sử dụng phương pháp nào là hợp lý, họ liền ghi lại phương pháp đó cho người đi sau tham khảo, thời gian trôi đi, các phương pháp được tích lũy mỗi lúc một nhiều, mỗi lúc một cụ thể tường tận hơn, Thế nhưng, nếu nhất định phải căn vặn, rốt cuộc là nguyên nhân gì dẫn đến mây đen tan đi hoặc mưa lớn đổ xuống thì họ không biết, cũng không cho người ta một suy đoán nào. Đó, mọi người đã biết phòng bao sư là gì rồi, nhưng có lẽ sẽ cảm thấy thức tàng sư còn huyền hoặc khó tin hơn nữa đấy."

Giọng lạt ma Á La khàn đi, ông nhấp một ngụm nước cho thấm giọng ,rồi nói tiếp: "Thức tàng sư, có thể nói là chức nghiệp có lịch sử lâu nhất, truyền thừa thần bí nhất. Trong tam đại mật truyền sư của Tây Tạng, thao thú sư đã tuyệt tích ở đất Tạng này, phòng bao sư thì có lẽ đã biến mất trên thế giới này rồi, nhưng thức tàng sư, có thể vẫn đang còn có truyền thừa tiếp nối. Bởi vì không một người nào biết ai là thức tàng sư cả, ai cũng có khả năng trở thành thức tàng sư, họ thường đột nhiên đốn ngộ trong một khoảnh khắc nào đó. Khụ khụ…" Giọng lạt ma Á La lại khản đặc. Nhìn vẻ mặt hoang mang của mọi người, giáo sư Phương Tân tiếp lời: "Tôi cũng biết một chút về thức tàng sư, để tôi nói với mọi người trước, nếu đại sư thấy cần bổ sung điều gì thì nói với tôi nhé."

Lạt ma Á La cầm cốc nước lên, khẽ gật đầu.

Giáo sư Phương Tân nói: Tôi sẽ kể cho mọi người theo cách của mình nhé. Thức tàng và phục tàng là hai công việc bổ trợ, tạo điều kiện cho nhau. Phục tàng là gì? Bạc Ba La mà chúng ta đang muốn tìm kiếm, chính là phục tàng lớn nhất trên cao nguyên này. Ý là chỉ trước khi bị bức hại, các tăng lữ trong tôn giáo đã nhận được tin báo trước hoặc nhận ra điều gì đó, liền mang hết những kinh văn, bảo vật và tất cả những dồ quý trọng của mình đem giấu đi, để không ai có thể tìm được, đây chính là phục tàng. Mọi người phải biết rằng, các vị vương thời kỳ đầu của Thổ Phồn đều theo tín ngưỡng khác nhau. Mỗi khi có sự thay thế vương chủ với một tín ngưỡng khác tiên triều, đa phần thường xuất hiện cục diện một tôn giáo này đè nén một tôn giáo khác. Về sau, tuy rằng Phật giáo đã dần chiếm được thế thượng phong, nhưng trong Phật giáo lại xuất hiện rất nhiều phái hệ, mỗi phái hệ chia nhau dẫn đầu mấy chục năm, nên từ cổ chí kim, trong lịch sử Tây Tạng xuất hiện rất nhiều phục tàng, triều đại nào cũng có hết. Những tăng lữ hoặc giáo đồ Bản giáo đã chôn vùi bảo vật kia hầu hết đều bị bức phải đi xa hoặc bị hại chết, nhưng cả đời cũng không bao giờ tiết lộ địa điểm đã chôn giấu báu vật. Những kho tàng chôn sâu dưới lòng đất ấy liền trở thành câu đố mãi không tìm được lời giải. Nhưng nếu một tôn giáo nào đó bị đề nén áp bức một thời gian, rồi chính quyền thay đổi, lại đột nhiên được tôn sùng, thì các tín đồ tôn giáo ấy lúc này tất nhiên muốn tìm lại bảo vật cùng kinh điển mà các bậc tiền bối của mình đã chon vùi, nghề khai quật kho tàng cũng theo đó mà sinh ra. Phương pháp của những người này khá khoa học. Những điều họ làm rất giống với những gì chúng ta đang làm lúc này, đó là dựa vào các đầu mối để lại trong bút ký, điển tích hoặc các truyền thuyết dân gian, sau khi nắm được chứng cứ xác thực thì tiến hành đào bới trong một phạm vi đại khái. Đây gọi là phái quật tàng, nhưng tỉ lệ thành công của họ rất thấp."

Nói tới đây, giáo sư Phương Tân không khỏi nở một nụ cười gượng gạo: "Nhưng trong rất nhiều phái quật tàng, lại xuất hiện một chức nghiệp cực kỳ khoa học, đó chính là thức tàng sư. Thức tàng sư có thể là người bình thường, hoặc là tăng lữ, cũng có cả cao tăng đắc đạo nữa. Bao giờ cũng là họ tình cờ đến một nơi nào đó, hoặc là đột nhiên đốn ngộ, vậy là hình thành nên một mối liên hệ thần bí nào đó với thần linh, sau đó họ sẽ nói với những người xung quanh, hoặc tự mình mang theo công cụ đến một nơi nào đó đào bới, có thể nói là bỗng dưng họ biết được bên dưới đó có chôn giấu kho tàng từ mấy trăm hoặc thậm chí cả nghìn năm về trước. Hừm, mọi người có tin không?"

Lạt ma Á La thấy mọi người đều mỉm cười, cùng lúc tỏ vẻ khó có thể tin được, chỉ có Trác Mộc Cường Ba là nhíu mày suy tư, rõ ràng là gã cũng biết về chức nghiệp thức tàng sư này. Chỉ nghe giáo sư Phương Tân thở dài nói: "Tôi biết, chuyện này nghe thì có vẻ như là một việc hoàn toàn phản khoa học, nhưng đúng là nó có tồn tại. Hpn nữa tỉ lệ thành công của cách thức tàng sư thường rất cao, gần như chưa bao giờ có chuyện bọn họ không đào được phục tàng cả, phàm là chỗ nào được thức tàng sư chỉ ra, thì đều được chứng thực là có bảo tàng cả." Thấy mọi người có vẻ không tin tưởng lắm, giáo sư Phương Tân liền ngưng lại.

Nhạc Dương thấy thế liền hỏi luôn: "Giáo sư đã gặp thức tàng sư bao giờ chưa?"

"Chưa." Giáo sư Phương Tân lắc đầu. "Có rất nhiều thức tàng sư cả đời chỉ có thể phát hiện ra một kho tàng nào đó, cũng có người phát hiện được hai ba chỗ, nhưng trường hợp này cực kỳ hiếm hoi. Trước khi bất ngờ hình thành mối dây liên hệ với thần linh, họ cũng chẳng khác gì người bình thường cả, thậm chí nhiều người còn chẳng hệ biết gì về phục tàng cả. Tất cả bọn họ đều đột nhiên nhận được một sức mạnh kỳ dị, có lẽ là nhận được …thần dụ hay hiệu triệu gì đó cũng nên. Còn nữa, rất nhiều người trong số họ sau khi phát hiện ra địa điểm phục tàng thì lại trở thành người bình thường. Chính vì vậy nên thức tàng sư mới gọi là mật truyền sư được truyền thừa theo phương thức thần bí nhất."

Đường Mẫn lắc đầu: "Không thể nào, nhất định là truyền thuyết dân gian rồi."

Giáo sư Phương Tân lại nói: "Phải, mới đầu tôi cũng không tin lắm. Có điều, tuy chưa gặp qua thức tàng sư nào, nhưng tôi đã từng gặp mấy vị nghệ nhân hát xướng được thần linh chỉ dạy, tôi biết địa chỉ của họ, ngay bây giờ cũng có thể dẫn mọi người đi gặp họ được luôn. Cường Ba cũng biết mà, phải không?"

Trác Mộc Cường Ba gật gật đầu. Đường Mẫn thắc mắc hỏi: "Nghệ nhân hát xướng được thần linh chỉ dạy là chỉ gì thế?"

Trương Lập nỏi: "người hát sử thi Cách Tát Nhĩ Vương ấy."

Giáo sư Phương Tân gật đầu: "Cách Tát Nhĩ Vương là bộ sử thi dài nhất, hùng vĩ nhất của Tây Tạng, à không, của toàn thế giới mới đúng. Những nghệ nhân hát xướng được thần linh chỉ dạy ấy hầu hết đều là dân du mục bình thường, thường là bị bệnh nặng, sốt cao một trân, hay là ngủ trên bãi cỏ nào đó tỉnh dậy, đột nhiên biết hát Cách Tát Nhĩ Vương luôn. Chẳng những vậy, ngoài Cách Tát Nhĩ Vương ra, họ còn biết hát những bộ sử thi khác nữa. Chúng tôi cũng bởi không tin, nên mới cất công đến thăm, nhưng không thể không thừa nhận, bọn họ hát rất hay, hay hơn đại sư Á La nhiều."

Đường Mẫn hồ nghi liếc mắt nhìn Trác Mộc Cường Ba rồi hỏi tiếp: "Đúng vậy không, anh Cường Ba?"

Trác Mộc Cường Ba nắm tay cô, gật gật đầu. Đường Mẫn lắc đầu nói: "Em không tin, nhất định là họ đã thuộc làu từ trước rồi, chỉ là không ai biết đấy thôi."

Trác Mộc Cường Ba cười khổ, một chú bé chăn trâu mười bảy tuổi, hay thậm chí chỉ mười ba mười bốn, ung dung hát suốt bốn năm tiếng đồng hồ một bài sử thi dài mấy chục vạn dòng, mà lại còn sinh động dạt dào, giọng điệu truyền thần, cho dù có mời thầy về dạy cũng không giỏi đến thế được. Lúc nghe hát sử thi, gã có cảm giác những nghệ nhân ấy dường như không phải đang hát thuộc lòng, mà họ đã hoàn toàn bước vào dị thời không nơi Cách Tát Nhĩ vương và yêu ma đại chiến, rồi chỉ miêu tả lại một cách chân thức những gì họ nhìn thấy mà thôi.

Nhạc Dương và Trương Lập cũng đều nghe nói về các nghệ nhân hát xướng được thần linh truyền dạy, nhưng chưa được nghe họ biểu diễn bao giờ, đối với chuyện này cũng bán tin bán nghi. Đột nhiên, Nhạc Dương phát hiện lạt ma Á La đang thong dong nhấp nước, anh đoán chắc chắn đại sư biết chuyện gì đó, và cũng có một lời giải thích cho chuyện này, giống như về trường hợp của phòng bao sư vậy. Lúc này, Đường Mẫn cũng quay sang lạt ma Á La định hỏi: "Đại sư Á La…"

Cô vừa mở miệng, lạt ma Á La đã ngắt lời: "Ta biết cháu muốn hỏi gì rồi, ta có thể nói với cháu một điều thế này, những gì giáo sư Phương Tân vừa nói đều là sự thật, cũng không hề khoa trương một chút nào đâu."

Đường Mẫn hấp tấp: "Thế…"

Lạt ma Á La tiếp lời: "Chuyện này nghe thì có vẻ không có căn cứ khoa học gì, nhưng có một quan điểm có thể dùng giải thích, quan điểm này là do các nhà khoa học phương Tây đưa ra, họ gọi là ký ức di truyền."

"Ký ức di truyền!" Mọi người cùng kêu lên kinh hãi, cả giáo sư Phương Tân cũng nghiêng tai lắng nghe.

"Đúng vậy," Lạt ma Á La nói: "từ khi được nêu lên, quan điểm này đã bị đưa ra tranh cãi rất nhiều, cuộc tranh cãi cho đến ngày nay cũng đã kéo dài gần trăm năm rồi. Những quan điểm liên quan đến cuộc bàn luận này, nếu có thời gian mọi người có thể đi tra trong các tài liệu, ở đây tôi không nói nữa. Điều tôi muốn nói là, có lẽ tổ tiên của chúng ta đã nắm bắt được phương pháp nào đó khiến gen di truyền có thể mang theo thông tin về ký ức, truyền từ đời này sang đời khác. Vùng ký ức này ẩn trong một góc sâu của ý thức, cho đến khi gặp được điều kiện đặc thù nào đó, sẽ được kích hoạt nơi các hậu nhân thích hợp. Giống như giáo sư Phương Tân đã nói, sinh bênh, nằm ngủ một giấc trên bãi cỏ, hoặc đến một địa điểm đặc biệt nào đấy, đây đều là những cách có thể kích hoạt lại ký ức di truyền."

Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, hồi lâu cũng không thể giải thíc rõ ràng. Một lúc sau mới nghe Đường Mẫn lên tiếng: "Kỹ ức cũng có thể di truyền sao?"

"Đương nhiên," lạt ma Á La nói: "Dê con vừa sinh ra đã biết chạy nhảy, cá vừa ra đời đã biết trồi lên mặt nước, chó con chưa mở mắt cũng biết tìm đầu vú chó mẹ, thuyết di truyền ký ức cho rằng, có một số động vật bậc thấp không bao giờ học hỏi được điều gì, chúng phải dựa vào ký ức di truyền mà sinh tồn. Ví dụ như bươm bướm chẳng hạn, cả đời con bướm phải trải qua bốn giai đoạn, trứng, sâu, kén, bướm, điều này khiến cho con bướm đời trước và con bướm đời sau vĩnh viễn không thể gặp được nhau, nhưng sau khi hóa bướm nó lại có thể lặp lại một cách chính xác hành vi của con bướm đời trước, thậm chí còn nhớ cả chặng đường di chuyển dài mấy nghìn kilomet. Nghe nói bướm vua ở châu Mỹ còn có thể dừng nghỉ trên đúng cái cây mà con bướm đời trước nó đã từng nghỉ ngơi, ai dạy chúng những điều này chứ? Làm sao để giải thích hành vi này? Vì vậy mới có người nêu quan điểm di truyền ký ức để giải thích những hiện tượng này. Con người chúng ta cũng không ngoại lên, có một số thứ được gọi là bản năng, đến một giai đoạn trưởng thành nhất định sẽ biến mất, nhưng có bản năng lại giữ được cho đến cuối đời. Chỉ có điều là cho đến ngày nay con người vẫn chưa tìm được phương cách nào hiệu quả để truyền bá tri thức và ký ức thông qua di truyền đấy thôi."

Nhạc Dương nói: "Vậy thì người xưa làm được bằng cách nào?"

Lạt ma Á La mỉm cười lắc đầu: "Tư tưởng triết học phương Đông quyết định rồi, họ chỉ cần kết quả, không cần nguyên nhân. Người thời xưa đã không biết nguyên nhân, chúng ta ngày nay lại càng không có cách nào mà đoán biết được. Nhưng thức tàng sư và nghệ nhân hát xướng đều thực sự tồn tại, khiến chúng ta không thể không tin, đích thực là người xưa đã làm được."

Trác Mộc Cường Ba nói: "Ý của đại sư là, tổ tiên của những thức tàng sư ấy rất có khả năng chính là những người đã chôn giấu bảo tàng, còn tổ tiên của những nghệ nhân hát xướng được thần dạy, vốn chính là những nghệ nhân hát xướng kể chuyện thời cổ đại, tuy cách nhau vài đời hay thậm chí là vài chục đời, nhưng gặp phải một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, đột nhiên trong số con cháu bỗng có người có được ký ức của tổ tiên, vì vậy mới biết kho tàng được chôn giấu ở chỗ nào, và cũng có thể đọc thuộc lòng cả bộ sử thi dài mấy trăm nghìn dòng!"

Nhạc Dương nói: "Cách giải thích này cũng tạm chấp nhận được, chỉ là hơi quá huyền hoặc, người xưa liệu có thể nắm được kỹ thuật thần kỳ như thế không?"

Lạt ma Á La đáp: "Đây chỉ là một cách giải thích tương đối hợp lý trong rất nhiều cách giải thích về thức tàng sư, chúng ta cũng không có cách nào để chứng minh mà chỉ có thể tạm thời tin vậy thôi. Thông thường, các thức tàng sư sẽ đột nhiên có một đoạn ký ức khi đến gần hoặc ở nơi chôn giấu bảo tàng, điều này khá là khớp với thuyết ký ức di truyền, những hoàn cảnh tương đồng có thể làm khơi gợi lại ý thức tiềm ẩn, cũng khá là giống với tình trạng hiện nay của Ba Tang. Chúng tôi gọi quá trình đột nhiên sở hữu ký ức không nằm trong trải nghiệm bản thân này của thức tàng sư là thức tỉnh."

Trác Mộc Cường ba run bắn người lên như bị giật điện. Khi các trưởng lão thôn Công Bố nói đến chuyện "thức tỉnh", nhiều lắm gã chỉ cười cười cho qua, nhưng giờ nghe lạt ma Á La nói vậy, có vẻ như đúng là có chuyện như thế thật. "Mình sẽ …thức tỉnh thật sao?" Gã không nén nổi mà thầm tự hỏi.

Mẫn Mẫn lại rót cho lạt ma á La một cốc nước khác. Ông mỉm cười nói tiếp: "Được rồi, vừa trở về đã nói bao nhiêu chuyện với mọi người rồi, để tôi đi nghỉ ngơi một lát nhé, được không?"

* * *

Lạt ma Á La một mỉnh ngồi tĩnh tọa trên giường. Không lâu sau, Lữ Cánh Nam bước vào, cất tiếng hỏi luôn: "Sao rồi à?"

Lạt ma Á La thở dài: "Chỉ sợ chuyện con lo lắng nhất đã xảy ra rồi."

Lữ Cánh Nam nhíu mày, sau đó nói: "chuyện này cũng dự đoán được, nhưng còn chuyện Cường Ba thiếu gia vừa kể…"

Lạt ma Á La nói: "Đây đúng là một chuyện quái dị."

Lữ Cánh Nam nói: "Á La đại nhân, ngài nói xem liệu có phải Merkin cố ý…"

Lạt ma Á La lắc đầu: "Không thể nói vậy, lúc đó Cường Ba thiếu gia đến cả Tử kỳ lân ở đâu còn chẳng biết, ba chữ Bạc Ba La kia lại càng chưa từng nghe nói đến, hơn nữa quan trọng nhất là hắn muốn gặp Cường Ba thiếu gia để làm gì? Lẽ nào hắn biết thuật tiên tri? Muốn xem mặt đối thủ trong tương lai thế nào? Còn nữa, dựa vào biểu hiện sau này, có thể thấy Merkin cũng cảm thấy kỳ lạ khi một thương nhân nuôi và kinh doanh chó ngao Tây Tạng đột nhiên lại biến thành đối thủ cạnh tranh tìm kiếm Bạc Ba La thần miếu với mình. Cường Ba thiếu gia từng thấy bóng Merkin hai lần ở nhà mình và trong khách sạn, chứng tỏ từ lúc đó hắn mới bắt đầu để ý điều tra thân phận của cậu ấy, hơn nữa còn theo dõi cậu ấy, bắt cóc kẻ điên người Qua Ba, một loạt sự kiện này đều là do một tay hắn lên kế hoạch. Cũng nghĩa là, lúc gặp Cường Ba thiếu gia lần đầu tiên, tên Merkin này căn bản không hề hiểu gì về Cường Ba thiếu gia, cũng chẳng buồn để tâm đến cậu ấy. Không thông, không thông!" Lạt ma Á La ngửa mặt lên trần nhà nói: "Không thông, không thông!"

Lữ Cánh Nam cũng trầm ngâm suy nghĩ: "Vậy thì lần đầu Merkin và Cường Ba thiếu gia gặp mặt đúng là một sự trùng hợp ư?"

Lạt ma Á La gật đầu: "Trước mắt, chúng ta chỉ có thể đặt giả thiết là như vậy thôi."


Chương 30

LỜI NGUYỀN THẦN BÍ

Lữ Cánh Nam nhấp một ngụm nước, rồi lại nói: "Với những thông tin hiện nay chúng ta đang có, có thể nói tôn giáo thần bí kia đã từng vô cùng lớn mạnh, tôi nghĩ, sau khi nếm trải các cơ quan trong Đảo Huyền Không tự, mọi người chắc đều không phản đối tôi nói như vậy phải không. Thành tựu về mặt cơ quan học của họ có thể dùng hai chữ "đỉnh cao" để hình dung, theo những gì chúng ta được biết, bọn họ đã lợi dụng công trình thủy lợi một cách hoàn hảo để cung cấp động lực vĩnh cữu, họ cũng có nghiên cứu rất sâu với các hiện tượng quang học, về mặt khí động lực học, họ cũng tuyệt đối thuộc hàng đỉnh cao thời bấy giờ; đáng sợ hơn nữa là, hiểu biết của họ về sinh vật và vi sinh vật học thậm chí còn đạt tới trình độ cao khó thể với kịp, về mặt này cả khoa học kỹ thuật hiện đại ngày nay cũng chưa thể bì kịp với tôn giáo từ nghìn năm về trước này… 

Thời gian trôi nhanh, thấm thoắt đã ba tháng qua đi, tình hình hồi phục của những người còn lại đều rất tốt, chỉ có vết thương ở xương đùi giáo sư Phương Tân là hồi phục tương đối chậm hơn. Trong khoảng thời gian này, mọi người cũng không ai nhàn rỗi, hơi khỏe lên một chút là bắt đầu tiến hành huấn luyện thích ứng, ngay cả giáo sư Phương Tân tạm thời chưa thể tập luyện hồi phục cũng mải mê vùi đầu nghiên cứu các tư liệu tranh ảnh thu thập được.

Thời gian các thành viên trong nhóm ở cùng giáo sư gần như đã thành quy luật, sáng sớm Trác Mộc Cường Ba sẽ đẩy giáo sư ra vườn hoa bệnh viện tản bộ, đây là thời gian thuộc về riêng hai thầy trò bọn họ, cả Đường Mẫn cũng không đến quấy nhiễu; sau đó lạt ma Á La và giáo sư sẽ cùng lên mạng nghiên cứu những vấn đề về mặt tôn giáo gặp phải trong chuyến đi vừa rồi. Đại sư hết sức chú ý đến những hình ảnh mà mấy người bọn giáo sư Phương Tân quay được trong kiến trúc tựa như cung điện ba tầng kia, còn cả tòa Thiên Phật điện cuối cùng và ba gian điện xung quanh nữa, mỗi lần xem lại đại sư đều bồi hồi xúc động. Trong lúc đó các thương bệnh binh khác cũng đều đang phân tích chỉnh lý lại những tư liệu họ thu thập được trong Đảo Huyền Không tự. Buổi trưa, tất cả tập trung ở phòng bệnh dùng bữa, Lữ Cánh Nam thông báo những tiến triển mới nhất và tình hình của đối thủ. Buổi chiều cũng là thời gian làm việc – giáo sư và Trác Mộc Cường Ba chủ yếu phụ trách phiên dịch và liên hệ với các chuyên gia, điều tra tư liệu, xem Tạng sử, Đường Mẫn còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi xoa bóp cho giáo sư. Những người khác cũng đều bận rộn với công việc của mình: Trương Lập phụ trách nghiên cứu về cơ quan trong Đảo Huyền Không tự, chuẩn bị cho lần xuất phát tiếp theo; Nhạc Dương và Ba Tang thì lo phân tích vũ khí và phương thức tác chiến của đám người Ben dẫn đầu, hy vọng có thể sử dụng máy tính tạo ra một chương trình huấn luyện mô phỏng với kẻ địch giả tưởng; ngoài việc chăm sóc giáo sư Phương Tân, Đường Mẫn còn phụ trách giao tiếp với các bác sĩ phía bệnh viện, tìm hiểu tình hình hồi phục của các bệnh nhân, đồng thời, được giáo sư Bùi chỉ bảo, cô cũng tiến hành một số điều chỉnh thích đáng đối với các loại thiết bị mang theo, tăng thêm một số thiết bị phẫu thuật bằng hợp kim.

Một điều đặc biệt đáng nhắc đến là, trong thời gian này, dường như lạt ma Á La có rất nhiều cảm ngộ đối với những bích họa vẽ hình cổ nhân tu hành nhìn thấy trong thạch thất, hễ rảnh rỗi lúc nào là ông lại trầm tư mặc tưởng lúc ấy, những điều tâm đắc ghi lại kín cả mấy cuốn sổ dày, có lúc Trác Mộc Cường Ba còn kinh ngạc phát hiện ra tư thế của lạt ma Á La hoàn toàn giống hệt như tư thế của các tăng lữ trên bức bích họa mà họ trông thấy trong thạch thất.

Ngày hôm ấy, Trác Mộc Cường Ba đang đẩy giáo sư Phương Tân tản bộ trong hoa viên như thường lệ, giáo sư đột nhiên cất tiếng: "Phải rồi, Cường Ba à, các chuyên gia ở nước ngoài lại có phát hiện mới về di chỉ Maya kia đấy."

"Ừm, vậy sao!" Trác Mộc Cường Ba hờ hững đáp lại một tiếng. Trong tâm trí gã, Maya nói gì thì nói cũng cách Tây Tạng cả mười vạn tám ngàn dặm, cho dù có quan hệ gì đấy thì cũng chỉ hết sức mong manh nhỏ bé mà thôi.

Giáo sư Phương Tân tựa như nhìn thấu được nội tâm của Trác Mộc Cường Ba, mỉm cười nói: "Hình như cậu không để ý đến phát hiện ở di chỉ Maya lắm thì phải."

Trác Mộc Cường Ba nói: "Ừm, thầy giáo, tôi cho rằng trước mắt chúng ta nên tập trung vào tấm bản đồ, chỉ có phá giải được thông tin trên bản đồ, hành động của chúng ta mới có đột phá quan trọng, còn chuyện ở Nam Mỹ kia thì, tôi nghĩ…"

Giáo sư Phương Tân nghiêm túc nói: "Cường Ba à, cậu nghĩ như vậy là sai rồi. Đúng là Maya cách chúng ta rất xa, nhưng cậu đừng quên sự tích sứ giả đến châu Nam Mỹ. Theo những ghi chép về việc đến Nam Mỹ trong lịch sử, thời gian đi lại chỉ cần hai năm là đủ, nhưng trong tư liệu thì vị sứ giả đó đi về mất đến mười năm đằng đẵng, khoảng thời gian này rốt cuộc ông ta đã làm gì ở châu Mỹ, không ai biết cả."

Trác Mộc Cường Ba nói: "Nhưng chuyện này có liên quan đến chuyện chúng ta tìm kiếm Bạc Ba La thần miếu hay không?"

Giáo sư Phương Tân nói: "Ừm, tôi biết là cậu sẽ nghĩ như thế mà. Vậy tôi hỏi cậu nhé, theo những gì chúng ta đã biết, tấm bản đồ đó bị người ta lấy đi từ một trăm năm trước rồi, tấm mà chúng ta lấy được có lẽ chỉ là bản sao thôi. Đám người kia đã nghiên cứu suốt một trăm năm, tại sao vẫn không thể phát hiện ra vị trí chuẩn xác của Bạc Ba La thần miếu chứ? Chẳng lẽ cậu không cho rằng, đó chẳng phải là vì họ chỉ chuyên chú tìm hiểu bản đồ, mà xem nhẹ rất nhiều thứ khác hay sao? Chúng ta phải suy nghĩ trên cơ sở kết quả của những người đi trước, phát hiện ra càng nhiều bí mật chưa bị phát hiện, không thể bỏ qua bất cứ đầu mối nào. Cậu không cho rằng, nếu chỉ dựa vào khoảng cách xa gần mà phán đoán những di tích cổ đó không có giá trị đối với hành động của chúng ta là quá võ đoán hay sao?"

Trác Mộc Cường Ba vẫn còn muốn nói gì đó: "Nhưng mà…"

Giáo sư Phương Tân ngắt lời: "Tạm thời đừng nói "nhưng mà" vội, tôi cho cậu xem một thứ này, xem xong rồi hãy đưa ra phán đoán." Giáo sư lấy trong lòng ra một cuốn sổ, đoạn nói, "Đây là văn bia trên trận đá do các chuyên gia dịch ra được. Lần trước đã phá giải một nửa, giờ đã được tám mươi phần trăm rồi, những chỗ còn lại cũng có thể đoán ra được một phần ý nghĩa, tôi có chỉnh lý và sửa chữa lại trong cuốn sổ đó, cậu xem thử coi."

Trác Mộc Cường Ba cầm lấy cuốn sổ, xem lướt qua mấy hàng, nội dung đoạn đầu cũng giống như lần trước, kể chuyện người Kukuer bôn ba vất vả, xây dựng nhà cửa quê hương, còn đoạn phía sau lại là phần đầu của một lời nguyền: Một khi để máu tanh vấy bẩn bậc thang Thánh miếu, vô số tai ương sẽ ùn ùn kéo đến như tuyết lở, giáng xuống tất thảy mọi nơi. Tất cả thành thị đều sẽ biến thành nơi hoang phế không một bóng người, giống sài lang an cư bên dưới Thánh đàn, lũ độc xà phơi nắng trên bậc cấp, lưới nhện bịt kín khung cửa, loài hoa chết chóc nở khắp mặt đất mênh mông… Đọc đến đây, Trác Mộc Cường Ba không khỏi thần người ra, rồi sau đó giật thót mình. Gã nhớ ra rồi, chẳng trách lần đầu tiên nghe Đa Cát ngâm nga phần nguyển rủa này gã lại cảm thấy quen thuộc đến thế, thì ra lần đầu tiên gã nghe thấy lời nguyền này, lại chính là trong bài sử ca mà Babatou đã hát dưới trăng đêm, chỉ có điều lúc ấy gã đã uống khá say nên đến giờ cũng không nhớ ra nổi. Nỗi kinh hãi trong lòng chặn cả lời nói, một hồi lâu sau Trác Mộc Cường Ba cũng không thốt được nên lời.

Giáo sư Phương Tân nói: "Sao thế? Có phải rất kinh ngạc hay không? Lời nguyền tương đồng, nội dung y hệt, có làm cậu có liên tưởng gì không?"

Khóe miệng Trác Mộc Cường Ba khẽ giật giật, giáo sư Phương Tân lại nói tiếp: "Tạm thời đừng trả lời tôi vội, cứ đọc hết đi rồi hẵng nói."

Nửa sau của bài văn bia viết về tình hình sau khi tai nạn xảy ra. Tất cả các vương quốc đều phải đối mặt với nguy cơ diệt vong, tuyệt đại đa số mọi người đều rời khỏi các tòa thành, lẩn sâu vào chốn rừng hoang núi thẳm, chỉ có một số rất ít người vì một nguyên nhân nào đó mà ở lại. Phần nói về nguyên nhân ấy có rất nhiều ký hiệu lạ nên vẫn chưa thể giải đọc ra được, ở giữa là một đoạn ký hiệu rất sơ lược, những người ở lại đã đứng trước lăng mộ của tổ tiên mà thề ước, dù chết cũng phải bảo vệ Bạch thành mà các bậc tổ tiên đã dùng máu và mồ hôi xây dựng nên, bày tỏ quyết tâm không bao giờ phản bội, phía sau là chú giải của chuyên gia, có bảy ký hiệu kiểu như ký tên. Đoạn văn dịch này hoàn toàn khớp với bài thành ca mà Babatou từng ngâm hát, duy chỉ có nguyên nhân kia là thiếu, dường như lúc đó người Maya hết sức kiêng kỵ việc đề cập đến nguyên nhân khiến họ diệt vong, ngay cả lời thề trên lăng mộ tổ tiên cũng mập mờ úp mở không nói rõ ra.

Dã thú, cơn bão khủng khiếp, trận đá khổng lồ, bộ lạc ăn thịt người, rừng Mãng Xà, Bạch thành, địa cung Ahezt, từng cảnh tượng như đoạn phim quay ngược hiện lên trong óc, những trải nghiệm của lần ấy đến giờ Trác Mộc Cường Ba vẫn còn nhớ rõ như in. "Tất cả các vương quốc đều phải đối mặt với nguy cơ diệt vong… Tất cả các vương quốc…" Tai họa đáng sợ quất mạnh vào từng dây thần kinh của Trác Mộc Cường Ba. Sau khi từ di chỉ Maya trở về, Trác Mộc Cường Ba cũng từng có thời gian chuyên nghiên cứu lại lịch sử Maya. Sự hủy diệt của nền văn minh này cũng thần bí hệt như sự ra đời của nó vậy, tựa hồ như đây là một nền văn minh tự dưng xuất hiện, rồi sau đó lại tự dưng biến mất vậy. Có chuyên gia khảo cổ từng nói: "Là một lần mất mát văn hóa triệt để nhất, toàn diện nhất trong lịch sử loài người."

Các chuyên gia có uy tín đưa ra nhiều giả thiết khác nhau, nhưng đều không có sức thuyết phục. Không ai giải thích được tại sao người Maya lại bỏ hết các thành trì, rồi làm thế nào lại mất cả nền văn minh. Chỉ biết rằng thời gian xảy ra sự kiện này đại khái vào khoảng năm 800 sau Công nguyên. Bấy giờ, những người Maya mà người đời sau cho là nhận được tri thức từ người ngoài hành tinh ấy tựa như được thần linh hiệu triệu, lũ lượt rời khỏi những thành trì hùng vĩ tiến vào rừng sâu rậm rạp đầy dã thú, ẩn mình rất kỹ. Khi xuất hiện trở lại trước mặt người đời, người Maya đã biến thành một đám người nguyên thủy sử dụng công cụ đá, mặc áo da thú, đã quên mất nền văn minh của mình, hoàn toàn không hề hay biết về một thuở xa xưa huy hoàng chói lọi. Đến nỗi mấy trăm năm sau, người phương Tây khi phát hiện ra di chỉ Maya cổ đại vẫn không chịu tin rằng những kiến trúc tồn tại như kỳ tích ấy lại do một đám người ăn lông ở lỗ, đốt rẫy gieo hạt kiến tạo nên.

Giáo sư Phương Tân đưa mắt nhìn Trác Mộc Cường Ba, chỉ thấy gã lật giở xem hết trang sổ cuối cùng rồi đứng ngẩn ra đó không nói một lời, tựa như đang suy tư. Ông lại điềm đạm nói: "Hai sự việc nhìn bề ngoài có vẻ hoàn toàn không liên quan đến nhau, kỳ thực lại có mối liên hệ không thể tách rời. Địa cung Ahezt đó có thể khiến giáo quan và đại sư Á La coi trọng như vậy, sao lại có thể nói là không có can hệ gì nhiều đến công cuộc tìm kiếm Bạc Ba La thần miếu cơ chứ?"

Trác Mộc Cường Ba đang suy tư, trong đầu óc lần lượt hiện lên hình ảnh trong tầng dưới cùng của địa cung Ahezt, núi xác chết trong Đảo Huyền Không tự, động xác khô ở Cổ Cách, còn cả huyết trì nữa, những thứ này dường như có một sợi dây vô hình nối liền với nhau. Gã biết, đầu mối của sợi dây có thể chính là ở trong Bạc Ba La thần miếu thần bí kia. Lúc này, gã mới hiểu dụng ý của giáo sư Phương Tân khi ông bảo gã cần phải nhìn lại di tích cổ Maya, giáo sư đang nói với gã, đây là một đầu mối cực kỳ quan trọng đã bị những nhóm thám hiểm khác bỏ qua, nếu không thể nắm bắt được, nói không chừng cả nhóm của gã cũng chỉ có thể bước theo vết xe của những nhóm truy tìm Bạc Ba La đi trước mà thôi. Trong ánh mắt ngời lên những tia sáng hy vọng, gã chân thành nói: "Thầy giáo, tôi hiểu rồi."

Giáo sư Phương Tân nói: "Vậy là tốt nhất rồi, mặc dù nói Bạc Ba La thần miếu không phải là mục tiêu tìm kiếm cuối cùng của cậu, nhưng đến gần thần miếu một bước, cũng có nghĩa là tiến gần đến chiến ngao thêm một bước. Phải rồi, cậu còn nhớ tượng thần hình ngưu đầu mã mà lần trước chúng ta thấy trong địa cung Ahezt không?"

Trác Mộc Cường Ba sao có thể quên được, ở tầng nào tượng thần ấy cũng xuất hiện, thậm chí còn ở nơi trung tâm nhất và ngang hàng với thần Rắn tối cao của người Kukuer. Nhưng gã cũng biết, dường như không thể tìm được tư liệu nào liên quan đến tượng thần đó cả. Giờ nghe giáo sư Phương Tân nhắc đến, gã không khỏi buột miệng thốt lên: "Đó là thần gì vậy?"

Giáo sư Phương Tân mỉm cười thần bí: "Có quan hệ rất mật thiết với cậu đấy nhé." Thấy nét mặt nặng nề của Trác Mộc Cường Ba, ông đoán là gã không nghĩ ra được, lại gợi ý thêm: "Có quan hệ rất chặt chẽ với công việc của cậu…" Trác Mộc Cường Ba nhíu mày, vẫn không thể nghĩ ra. Giáo sư đành mỉm cười nói: "Là thần Chó."

"Thần… thần Chó?" Trác Mộc Cường Ba hết sức kinh ngạc, bộ dạng như thế mà gọi là chó được ư?

Giáo sư Phương Tân nghiêm mặt nói: "Các chuyên gia đã nhiều lần phân tích khảo chứng, cuối cùng xác định đó chính là thần Chó trong tâm trí người Maya. Thần Chó "Huluter" là anh em ruột với thần Kukulcan, thần tối cao của người Maya, hằng ngày thần phụ trách lấy mặt trời dưới địa ngục nâng lên bầu trời, đến đêm lại đưa mặt trời trở về địa ngục. Trong tín ngưỡng của một số người Maya, thần Chó thực sự có địa vị chí cao ngang hàng với thần Rắn Kukulcan. Vị thần này chỉ được lưu truyền ở một số vùng nhất định, tượng hay hình ảnh rất ít, hơn nữa hầu hết những tượng khai quật được cho đến thời điểm này đều là tượng bốn chân nâng chén, bức mà chúng ta quay được, có lẽ là bức duy nhất thể hiện thần Chó ở tư thế đứng. Tuy nhiên, ở những nơi khác, tượng thần Chó và thần Rắn Kukulcan đều được đặt tách rời, vẫn có khác biệt nhất định về đẳng cấp. Chỉ có những người Maya trong Bạch thành mới đặt thần Chó ở địa vị quan trọng như thế. Về mặt này, có lẽ bên trong còn mối liên hệ gì đó nữa."

Trác Mộc Cường Ba nghĩ ngợi giây lát rồi nói: "Thầy giáo, ý thầy muốn nói là có liên quan đến vị sứ giả kia phải không?" Gã biết, trên đất Tạng này, các địa phương khác nhau có những câu chuyện thần thoại khởi nguyên khác nhau, đại đa số dân Tạng cho rằng tổ tiên của họ là khỉ, cũng có người nhận là chó, hay cả cá nữa làm tổ tiên. Nếu như vị sứ giả kia có địa vị vô cùng cao trong tâm trí người Maya, thì rất có khả năng tín ngưỡng của ông ta cũng được người Maya phóng đại đề cao lên.

Giáo sư Phương Tân gật đầu: "Đúng thế, tôi suy đoán như vậy đấy. Vị sứ giả kia rốt cuộc đã làm gì ở châu Mỹ? Lời nguyền mà người Maya cũng biết kia là như thế nào? Bên trong đó có ngàn vạn mối dây liên hệ với nhau, tôi tin nếu chúng ta có thể tháo gỡ những liên hệ này, chắc hẳn sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc tìm kiếm Bạc Ba La thần miếu đó. Trước mắt thì các bạn bè chuyên gia nước ngoài mà tôi tìm được, có một nhóm đang giải dịch thứ văn bia khó hiểu kia, ngoài ra còn một nhóm chuyên nghiên cứu những bức bích họa thần bí trong địa cung. Còn nhớ bức tranh trong lăng tẩm của vị vua Maya ấy không? Các chuyên gia nước ngoài dường như đã tìm được điểm đột phá, không biết họ sẽ mang đến cho chúng ta niềm vui bất ngờ gì nữa đây. Còn nữa, các đầu mối khác cũng quan trọng như vậy cả, các tư liệu lấy được trong Đảo Huyền Không tự đương nhiên là rất quý trọng, mà trong thôn Công Bố chắc chắn cũng vẫn còn khá nhiều thông tin ẩn giấu. Cường Ba à, có vẻ sức khỏe cậu đã hồi phục rồi, không cần ngày nào cũng ở đây với tôi nữa, hãy đi điều tra những đầu mối bị xem nhẹ ấy đi. Cho tôi biết, trước mắt cậu có dự định gì không?"

Trác Mộc Cường Ba nói: "Tôi định về nhà một chuyến trước đã, hỏi a ba xem chuyện Thánh sứ kia là như thế nào, xem gia tộc chúng tôi và Bạc Ba La thần miếu rốt cuộc là có quan hệ gì không. Sau đó, sau đó tôi sẽ đến thôn Công Bố báo cho họ biết việc của Đa Cát."

Giáo sư gật đầu nói: "Ừm, vậy là tốt nhất, cậu phải tranh thủ, nếu bắt đầu huấn luyện hồi phục kiểu khép kín thì không còn thời gian đâu."

Trác Mộc Cường Ba cũng gật đầu: "Vậy được rồi, tôi sẽ đi nói với Lữ Cánh Nam một tiếng."

Trác Mộc Cường Ba nói chuyện này với Lữ Cánh Nam, không ngờ cô lại lập tức đồng ý luôn, hơn nữa còn tuyên bố rằng hiện nay tình hình hồi phục của mọi người đều rất tốt, công việc dở dang cũng gần hoàn thành rồi, nên tất cả đều được nghỉ một tuần, mọi người có thể nhân khoảng thời gian này mà đi làm những chuyện mình muốn làm. Mỗi người đều có việc riêng của mình, Trương Lập, Nhạc Dương chuẩn bị về quê một chuyến, sau đó nếu còn thời gian sẽ về đơn vị thăm thú, lạt ma Á La sẽ trở lại chùa Sắc Lạp, còn Ba Tang thì về nhà Trác Mộc Cường Ba gặp anh trai, Đường Mẫn muốn sang bệnh viện tâm thần Andrea thăm anh trai cô. Vậy là Trác Mộc Cường Ba cũng điều chỉnh lại hành trình của mình một chút, trước tiên sẽ đưa Đường Mẫn trở lại Mỹ, sau đó về nhà, cuối cùng mới đến thôn Công Bố. Còn giáo sư Phương Tân thì muốn ở lại Lhasa tiếp tục dưỡng thương. Trác Mộc Cường Ba biết chuyện liền hỏi ông: "Sao thầy không sang Canada thăm con trai?"

Giáo sư Phương Tân đáp: "Con trai tôi lớn rồi, nó cũng có chuyện riêng của nó, có gì mà phải thăm thú chứ? Giơ vác bộ dạng thế này đến thăm nó, chẳng phải là lại khiến nó thêm lo cho tôi hay sao? Mọi người cứ đi làm việc của mọi người đi, ở đây tôi còn rất nhiều tư liệu phải chỉnh lý lại, còn phải giữ liên lạc với chuyên gia các nước nữa. Hoàn cảnh ở đây cũng tốt lắm, không cần lo cho tôi đâu."

Tối hôm đó mọi người tổ chức một cuộc liên hoan nho nhỏ, mời cả đội trưởng Hồ Dương, các bác sĩ phụ trách điều trị trong bệnh viện, ngày hôm sau ai đi việc nấy, còn Hồ Dương ở lại với giáo sư.

Ngồi máy bay một ngày, cuối cùng cũng đến được ban Pennsylvania, nước Mỹ. Lúc gần đến bệnh viện, Đường Mẫn bỗng thấy thấp thỏm không yên. Cô hy vọng được trông thấy anh trai mình khỏe mạnh trở lại biết bao, nhưng lại sợ phải thấy bệnh tình của anh vẫn chưa hề khởi sắc, ngồi trên máy bay mà cứ ngơ ngẩn thất thần, nhắc đến anh trai là lại rơi nước mắt lã chã, nơm nớp lo âu cứ như một chú thỏ con run rẩy. Trác Mộc Cường Ba ôm chặt lấy bờ vai Đường Mẫn, bình tĩnh nói: "Yên tâm đi, em cũng biết các phương pháp chăm sóc bệnh nhân của bệnh viện ấy cực kỳ tiên tiến mà, anh trai em ở đấy chắc chắn là đã hồi phục phần nào rồi, nói không chừng còn đã hoàn toàn bình phục rồi ấy chứ."

"Xin lỗi, thưa cô, anh trai cô đã được người ta đón ra khỏi bệnh viện này từ nửa năm trước rồi!" Không ngờ, câu trả lời của bệnh viện giáng cho họ một đòn phủ đầu choáng váng.

"Cái gì? Cô nói cái gì? Chắc chắn là nhầm rồi! Cô tra lại cho rõ đi, anh trai tôi tên là Đường Thọ, Tang, Tao, phiên âm viết thế này này, cô nhìn rõ chưa. Ngoài tôi ra, anh trai tôi không có người thân trực hệ nào nữa mà." Đường Mẫn lo lắng đến sắp phát khóc lên.

Cô y tá tư vấn khẳng định: "Không sai, là Đường Thọ, người Trung Quốc, hai mươi bảy tuổi, cao một mét bảy, nặng tám mươi sáu cân. Đây là ảnh của anh ấy, có đúng không? Để tôi xem nào, đã được đón đi từ bảy tháng trước."

Đường Mẫn biến sắc, toàn thân mềm nhũn không còn chút sức lực nào, sắp ngồi phịch xuống đất thì được Trác Mộc Cường Ba nhanh tay đỡ dậy. Gã nghiêm giọng hỏi: "Theo quy chế của bệnh viện các cô, mỗi khi bệnh nhân thuộc diện ủy thác chăm sóc xuất viện hẳn, hoặc bệnh tình có biến chuyển, đều cần phải cho người thân trực hệ mà. Tại sao chúng tôi không nhận được bất cứ thông báo gì vậy?"

Cô y tá tư vấn nhíu mày nói: "Thế này nhé, xin chớ lo lắng, để tôi tra lại giúp hai người. Đường… Thọ, à, ở đây này, mời xem…" Cô y tá tư vấn chỉ vào số liệu trong máy tính, nói: "Khi đó, người ta trình công văn trực tiếp của Viện Kiểm sát, lấy tư cách là người giám hộ pháp định duy nhất của Đường Thọ mà đưa anh ta đi, bệnh viện chúng tôi không có quyền can thiệp. Còn việc thông báo với thân nhân trực hệ của người bệnh, vì phía bên kia là người giám hộ do phát luật chỉ định, thế nên việc thông báo với những thân nhân khác của người bệnh đã không còn nằm trong phạm vi trách nhiệm của bệnh viện chúng tôi nữa."

Trên màn hình máy tính hiện ra một văn bản pháp luật, bên trên viết rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người giám hộ, cuối cùng là một chữ ký như rồng bay phượng múa, lối viết rất kỳ quái. Trác Mộc Cường Ba săm soi một hồi lâu mới có phản ứng. Đó là phiên âm tiếng Trung của chữ "Cường Ba" chứ không phải tiếng Anh. Gã ngẩn ra mất một lúc, không biết là ai đã giở trò đùa ác, Đường Mẫn cố vớt vát hỏi: "Vậy cô còn nhớ là người nào đã đưa anh trai tôi đi không?"

Cô y tá tư vấn thoáng bần thần, rồi áy náy đáp: "Xin lỗi, hình như hôm ấy không phải ca trực của tôi, tôi không nhớ được. Tôi có thể giúp hai người kiểm tra lại trong danh sách ký tên của bệnh viện. À, là chữ ký của bác sĩ Owen."

Đường Mẫn gật đầu nói: "Tôi biết rồi, cảm ơn cô, tiện cô cho hỏi luôn, hôm nay bác sĩ Owen có đi làm không vậy?"

Cô y tá kiểm tra trong máy tính, rồi gật đầu đáp: "Có, ông ấy đang ở đây."

Bác sĩ Owen là bác sĩ chủ quản của Đường Thọ, phụ trách việc trị liệu tâm lý. Trong phòng làm việc, Trác Mộc Cường Ba và Đường Mẫn đã gặp được vị bác sĩ trung niên có mái tóc lấm tấm điểm bạc trước tuổi này. Sau khi nghe họ nói mục đích, bác sĩ Owen trầm ngâm nhớ lại, rồi đột nhiên kêu lên: "À, tôi nhớ ra rồi, anh trai cô chính là người Trung Quốc mãi vẫn không có chuyển biến chút nào. Đúng vậy, theo quan sát của tôi, tinh thần của anh ấy không hề có chuyển biến tốt lên. Lúc anh ta được đưa ra khỏi viện và lúc cô rời khỏi đây, bệnh tình về cơ bản là không có gì thay đổi. Có lẽ chính vì vậy nên các vị mới nghĩ đến việc đổi bệnh viện khác phải không? Nhưng thực là chúng tôi đã làm hết sức rồi. Tôi có cảm giác, căn bệnh của anh trai cô dường như thuộc trường hợp nghiêm trọng nhất. Mỗi lần chúng tôi tiến hành thôi miên hòng mở tiềm thức, anh ấy đều tỏ ra vô cùng khép kín, căn bản không thể đoán biết được nội tâm anh ấy có những gì. Các biện pháp trị liệu thông thường đều không có hiệu quả, các tác dụng phụ của thuốc cũng không xảy ra trên cơ thể anh ấy, đây đúng là một trường hợp không thể tin nổi. Cái gì? Anh chị muốn biết ai đã đưa anh ta đi hả? Nói vậy là anh chị không hề biết anh ta đã rời khỏi bệnh viện? Chuyện này là như thế nào? Hôm đó, người kia còn đưa ra cả giấy của Viện Kiểm sát cơ mà, sao anh chị lại không biết chuyện này được? Để tôi nghĩ lại xem nào, người đó cao xấp xỉ bằng tôi, khoảng một mét chín, đầu rất to, còn có mấy người nữa đi cùng, hình như là quân nhân, bọn họ đều mặc quân phục…"