30 HÃY LÀM NGAY HÔM NAY

HÃY LÀM NGAY HÔM NAY

 

Tôi còn nhớ khi tôi mới vào làm giám thị ở một trường học tại Palo Alto, bang California, tôi có quen biết Polly Tyner, là Chủ tịch ban quản trị. Bà đã từng viết một lá thư được in trên tờ Thời báo Palo Alto. Jim, con trai của Polly, đã từng gặp rất nhiều khó khăn khi đi học. Cậu ấy bị coi là “thiểu năng về tiếp thu kiến thức” và đòi hỏi cực kỳ nhiều kiên nhẫn cũng như nỗ lực từ cả các thầy cô giáo lẫn bố mẹ. Nhưng cũng phải nói rằng Jim là một cậu thanh niên rất đáng để học tập. Jim luôn lạc quan, vui vẻ, trên môi luôn nở nụ cười có thể thắp sáng cả căn phòng. Bố mẹ cậu biết năng lực hạn chế về học tập của con mình, nhưng vẫn luôn cố gắng giúp cậu nhìn ra được những điểm mạnh của bản thân, để có thể tự hào về chính mình. Thật không may, sau khi Jim tốt trung học, cậu bị tai nạn giao thông và qua đời. Sau tai nạn đột ngột của Jim, mẹ cậu – Polly – đã viết một lá thư và gửi đến tòa soạn báo, bà viết rằng bà mong muốn nhiều người nhận ra được những điều quan trọng trong cuộc sống như bà.

 

Và đây là bức thư của Polly:

 

“Ngày hôm nay, chúng tôi vĩnh biệt đứa con trai 20 tuổi của mình. Nó mất đột ngột trong một tai nạn giao thông. Dù biết đây là chuyện không thay đổi được, nhưng giờ đây, tôi đang mong ước, nhiều vô cùng, rằng tôi đã biết được, và coi rằng, lần tôi nói chuyện với nó buổi tối hôm đó chính là lần cuối cùng. Giá như tôi biết, tôi sẽ nói với nó rằng: “Jim, mẹ luôn yêu con và luôn tự hào về con”.

 

“Tôi sẽ dành thời gian để chú ý đến những niềm vui – rất nhiều – mà nó đã đem đến cho cuộc sống của những người thương yêu nó. Tôi sẽ dành thời gian để trân trọng nụ cười đáng yêu của nó, tiếng nói líu ríu của nó, và tình yêu thương chân thành mà nó dành cho mọi người.

 

“Giờ đây, khi tôi nhớ lại những điều tốt đẹp ấy, và đặt lên cân, với bàn cân bên kia là những điều gây bực dọc như việc nó luôn vặn radio quá to, luôn thích tự cắt tóc theo những kiểu mà tôi thấy không hề đẹp, hay bỏ quên tất dưới gầm giường…, thì tôi thấy rằng những điều gây bực dọc đó chẳng đáng gì hết.

 

“Tôi sẽ không có thêm một cơ hội để nói với con trai tôi tất cả những gì tôi đã muốn nó được nghe. Nhưng tôi muốn nói với tất cả mọi người khác, những bậc phụ huynh khác, rằng các bạn còn cơ hội. Hãy nói cho những người mình yêu thương những gì bạn muốn họ được nghe, bởi bạn không thể biết khi nào sẽ là cuộc nói chuyện cuối cùng. Lần cuối cùng tôi nói chuyện với Jim chính là ngày nó ra đi. Nó đã gọi điện cho tôi và bảo: “Chào mẹ! Con chỉ gọi điện để nói rằng con rất yêu mẹ. Con phải đi làm đây. Tạm biệt mẹ”. Đó là kiểu nói rất trẻ con hàng ngày của nó. Ngày nào nó cũng nói đến mức tôi coi đó là bình thường. Nhưng giờ đây nghĩ lại, tôi thấy Jim đã để lại những câu nói cuối cùng để tôi trân trọng mãi mãi.

 

“Tôi đã từng nghĩ rằng mọi việc đều có nguyên nhân và ý nghĩa riêng của nó. Nếu có bất kỳ mục đích nào trong tai nạn của Jim, thì tôi nghĩ có thể đó là nó khiến mọi người biết yêu quý cuộc sống này hơn, và thúc giục mọi người, đặc biệt là những người trong cùng một gia đình, dành thời gian để nói cho những người mình yêu thương biết rằng mình yêu thương nhiều đến mức nào, quan tâm nhiều đến đâu.

 

Bởi làm sao biết chúng ta có còn cơ hội nào nữa hay không. Vì vậy, những gì bạn cần làm, hãy làm ngay hôm nay”.

 

ROBERT REASONER

 

Thục Hân (Dịch)