Điệp viên hoàn hảo - Chương 06

Điệp Viên Hoàn Hảo

Dịch giả: Nguyễn Đại Phượng
Chương 6
Những vai trò mập mờ: tháng 4/1975

Tôi sẽ mở căng mắt nhìn họ và nói: "Được rồi, các ông muốn làm gì tôi? Tôi là con địa chủ miền Nam".
Phạm Xuân Ẩn nói với Robert Shaplen, tháng 4/1975
Lúc mười giờ rưỡi sáng ngày 5/2/1975, tức ngày 25/12 âm lịch, một chiếc máy bay Antonov AN-24 cất cánh từ sân bay quân sự Gia Lâm, Hà Nội, đi Đồng Hới - một cảng cá nằm cách Hà Nội gần 500 km về phía nam. Trên máy bay có Đại tướng bốn sao Văn Tiến Dũng, người đã từng làm việc bên cạnh một Đại tướng bốn sao khác lừng danh hơn của miền Bắc Việt Nam là Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Tướng Văn Tiến Dũng từng làm Tham mưu trưởng từ năm 1958. Ở tuổi 56, ông trở thành uỷ viên Bộ Chính trị trẻ tuổi nhất. Để phục vụ cho tướng Văn Tiến Dũng lên đường, một kế hoạch cực kỳ bí mật nhằm đánh lừa đối phương được áp dụng: Người lái xe cho Đại tướng Văn Tiến Dũng vẫn hàng ngày hai lần đúng giờ lái chiếc xe Volga do Nga sản xuất từ nhà tướng Dũng đến Tổng hành dinh quân đội rồi lại từ Tổng hành dinh quân đội về nhà. Những người linh được chỉ thị tiếp tục chơi bóng chuyền hàng ngày trước nhà Đại tướng Văn Tiến Dũng. Báo chí ở Hà Nội vẫn đưa tin các hoạt động của Đại tướng Văn Tiến Dũng quanh thành phố trong nhiều tuần sau, khi ông đã ra khỏi Hà Nội. Thậm chí tướng Dũng còn tự mình ký trước vào những gói quà Tết để có thể chuyển bằng đường bưu điện tới người nhận trong thời gian ông đi vắng. Ông còn ký trước những bức điện chúc mừng ngày kỷ niệm của lực lượng vũ trang các nước Liên Xô, Cộng hoà Dân chủ Đức trong tháng 2, và Mông Cổ trong tháng 3/1975, để những bức điện đó được chuyển đi đúng ngày. Các bí danh tạo ra để ký dưới các bức điện được mã hoá trao đổi giữa Tướng Văn Tiến Dũng và Tướng Võ Nguyên Giáp là "Tuấn" cho Văn Tiến Dũng còn "Chiến" cho Võ Nguyên Giáp.
Tại Đồng Hới, Đại tướng Văn Tiến Dũng được thiếu tướng Đồng Sĩ Nguyên mang xe của chỉ huy Sư đoàn 559 ra đón. Sau đó, tướng Văn Tiến Dũng được chở đến bờ sông Bến Hải để xuống một chiếc xuồng máy. Khoảng cuối buổi chiều hôm đó dưới trời lạnh khác thường, họ đã tới sở chỉ huy của lực lượng 559 ở phía tây Gio Linh.
Đại tướng Văn Tiến Dũng tập trung phổ biến các chỉ thị của Bộ Chính trị về việc thành lập bộ tư lệnh mới cho Chiến dịch 275 nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trước đó gần hai tháng, các tình báo viên ở Sài Gòn đã báo cáo tất cả mọi chi tiết về một cuộc họp được tổ chức tại Dinh Độc lập giữa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu với những tư lệnh các lực lượng vũ trang của ông ta cùng tư lệnh các vùng quân sự. Chẳng ai trong phòng họp đó biết rằng ông Văn Tiến Dũng có một đặc tình đang dự họp cùng bàn về các mục đích chiến tranh năm 1975 của Cộng sản. Chỉ trong vòng hai tuần, toàn bộ những nội dung được đề cập tại cuộc họp chiến lược đó đã được chuyển đến tướng Văn Tiến Dũng. Nhờ vậy, ông Văn Tiến Dũng biết được những tư duy chiến lược của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và của các chỉ huy trưởng quân sự dưới quyền ông ta nhằm đối phó lại điều mà họ tin rằng, đó là kế hoạch chiến tranh của tướng Văn Tiến Dũng. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tin rằng, do trong các năm 1968 và 1972 đã bị thương vong nặng nề, nên giờ đây các lực lượng Bắc Việt Nam chỉ còn có năng lực tấn công vào các thị trấn nhỏ lẻ. Do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tiên liệu sự tấn công của đối phương sẽ nhằm vào Đồng bằng sông Cửu Long và Cao nguyên Trung phần, nên ông quyết định không củng cố cho Tây Nguyên. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi có nhiều nguồn tin tốt từ cuộc họp đó và họ đã nói cho tôi biết về đánh giá của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Có ít nhất hai người dự cuộc họp đó đã cung cấp đầy đủ mọi nội dung cho tôi và tôi lập tức viết báo cáo".
Vì những việc làm của Phạm Xuân Ẩn trong giai đoạn này, đặc biệt nhất là những đóng góp của ông ngay trước khi bước vào Chiến dịch 275, ông được tặng tấm Huân chương Chiến công cuối cùng. Ông Ba Minh, người giám sát trực tiếp của ông Phạm Xuân Ẩn trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh nói: "Tôi không biết thời gian trước đó ông Hai Trung đã làm những gì. Nhưng trong thời gian tôi làm chỉ huy trưởng mạng lưới tình báo này, Hai Trung luôn tìm cách lấy được tất cả các tài liệu của Mỹ về tầm quan trọng chiến lược hàng năm".
Tháng 10/1974, Quân uỷ Trung ương đã có cuộc họp với Bộ Chính trị ở Hà Nội để thảo luận về việc liệu cuộc chiến tranh đã đến giai đoạn cuối cùng hay chưa?
Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng thì vấn đề mấu chốt là "một khi các cuộc tấn công qui mô lớn của chúng ta đẩy Quân đội Sài Gòn đến nguy cơ sụp đổ, liệu Mỹ có thể đưa quân trở lại miền Nam Việt Nam hay không?". Các đại biểu tham dự cuộc họp liên tịch này đã thảo luận về vụ Watergate, về việc từ chức của Tổng thống Richard Nixon, và về việc Quốc hội Mỹ cắt giảm chi phí cho chiến tranh. Tại hội nghị này, kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu đã được duyệt. Kế hoạch đó được gọi là "Cuộc tổng tiến công 1975 mở rộng, qui mô lớn tại Tây Nguyên".
Đầu tháng 11, Bộ chính trị triệu tập tất cả những nhà lãnh đạo Đảng và chỉ huy trưởng các mặt trận ở miền Nam ra Hà Nội để đánh giá kế hoạch chiến lược cho cuộc Tổng tấn công năm 1975. Một trong số những nhà lãnh đạo từ miền Nam thực hiện chuyến đi ra miền Bắc khi đó là Tướng Trần Văn Trà. Ông Trần Văn Trà từng di chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh trong năm 1959 từ miền Bắc vào miền Nam. Ngày đó con đường mòn này còn sơ khai và được gọi với cái tên là đường 559. Chuyến đi từ Bắc vào Nam của ông ngày đó phải mất bốn tháng mới đến nơi nhưng lần này ông từ Nam ra Bắc chỉ mất mười ngày. Ngày 13/11/1974, ông Trần Văn Trà ngồi trên ghế trước của chiếc xe GAZ 69 do Nga sản xuất, ngoái cổ lại nhìn ông Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, người cấp cao nhất của Cộng sản ở miền Nam. Chiếc GAZ 69 rẽ sang đường 18 đoạn tại Lộc Ninh, nơi đóng chỉ huy sở của Quân khu B-2, vốn được coi là thủ đô của Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Khi đã đi cách Sài Gòn gần 100 kilômét, chiếc xe quay đầu nhằm thẳng hướng Bắc tiến trên đường 18 giữa ban ngày. Suốt dọc đường đi, ông Trần Văn Trà chỉ hơi sợ một chút về việc, có thể bị một vài đơn vị nhỏ đã suy yếu của quân đội Việt Nam Cộng hoà được giao nhiệm vụ ở lại trông giữ kho đạn và xăng dầu tấn công. Chưa đầy một giờ sau, ông Trần Văn Trà và những người cùng đi đã vượt biên giới sang Campuchia, nhằm hướng tây bắc, đi theo bờ sông Mê Kông đến gần Kratie thì dừng lại để đi bằng xuồng máy. Khi đến Nam Lào, họ lại đổi sang đi bằng xe tô tiếp tục chạy trên đường mòn Hồ Chí Minh. Tới Đông Hà, họ nhằm hướng bắc thẳng tiến để hoàn thành nốt chặng cuối cùng của hành trình ra Hà Nội.
Hội nghị kéo dài hai mươi hai ngày, từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975. Đây là cơ hội để Tướng Trần Văn Trà thanh minh vì ông đã phải trả giá đắt cho kế hoạch năm 1968 của mình để đạt được sự nổi dậy đồng loạt dịp Tết Mậu Thân. Do còn những thiếu sót ông Trần Văn Trà đã lỡ cơ hội vào Bộ Chính trị "nhưng là uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Thượng tướng, Tư lệnh các lực lượng quân đội Cộng sản vùng đồng bằng - tức là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tại hội nghị, ông đã trình bày các kế hoạch mới cho miền Nam".
Những người tham dự hội nghị đã có quan điểm rất khác nhau về chiến lược và thời gian biểu mà Tướng Trần Văn Trà trình bày. Một số uỷ viên Bộ chính trị vẫn còn lo ngại về việc Mỹ sẽ phản ứng như thế nào đối với một cuộc tổng tấn công mới. Họ đã từng đánh giá quá thấp Nixon hồi tháng 4 và tháng 12/1972. Ký ức về những trận đánh Linebaker lại hiện lên trước mắt họ. Bùi Tín, người sau này tham gia tiếp nhận đầu hàng của Chính quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975, mô tả các đợt đánh bom năm 1972 "giống như một trận bão khiến cây đổ hàng loạt, ánh chớp bom đạn đã biến đêm thành ngày". Nhưng vào lúc này, Nixon không còn là ông chủ trong Nhà Trắng nữa. Vụ Watergate đã phá tan giấc mơ làm tổng thống nhiệm kỳ hai của ông ta. Trước đó, Nixon đã từng nhiều lần cam kết riêng với Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu rằng Mỹ sẽ không bỏ rơi đồng minh của Mỹ, khi đồng minh gặp phải tình huống bị tấn công giống như kiểu cuộc tấn công đang được vạch ra đây. Phạm Xuân Ẩn nói với Shaplen: "Có lẽ vụ Watergate đã không cho phép Mỹ tổ chức một cuộc ném bom khác - để thực sự huỷ diệt miền Bắc Việt Nam". Shaplen coi nhận định này của Phạm Xuân Ẩn mang một ý rất quan trọng nên đã đánh dấu chú giải "PT PT" sau lời nhận định của ông Ẩn.
Các trận không kích Linebacker còn được coi là một thông điệp cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rằng Cộng sản sẽ phải chịu sự trừng phạt không khoan nhượng như vậy, nếu họ vi phạm bất cứ điều khoản nào của Hiệp định Paris. Nguyễn Văn Thiệu từng coi bản Hiệp định Paris là một bản hoà ước tự sát nhưng vì cần phải chặn đứng những sự phá rối của phe đối lập, nên ông đã đồng ý ký vào. Nguyễn Văn Thiệu từng được bóng gió cho biết rằng Henry Kissinger dự định sẽ ký một hiệp định vào tháng 1/1973. Sự lựa chọn của Nguyễn Văn Thiệu là chấp nhận. Ông ta đành phải chấp nhận trước lời hứa của Nixon rằng Mỹ sẽ đưa máy bay B-52 tới ném bom ngay từ khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên Cộng sản vi phạm. Nếu không chấp nhận, Thiệu sẽ phải đứng trước tình trạng quân đội không được hỗ trợ gì.
Dựa vào những lời đảm bảo riêng của Nixon rằng miền Nam Việt Nam sẽ không bao giờ bị bỏ rơi, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bớt nghiêm khắc hơn với những lực lượng đối lập với mình. Người Mỹ chuẩn bị rút khỏi Việt Nam. Các điều khoản quan trọng nhất của Hiệp định Paris ký ngày 27/1/1973 bao gồm cả việc đình chiến và việc rút quân đội Mỹ khỏi Việt Nam. Mỹ phải ngừng tất cả các hoạt động không quân, hải quân chống miền Bắc Việt Nam và phải tháo dỡ hoặc làm vô hiệu hoá vĩnh viễn toàn bộ số mìn và thuỷ lôi mà họ đã thả xuống các sông, biển ở miền Bắc Việt Nam. Trong vòng 60 ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tất cả các lực lượng Mỹ và các lực lượng đồng minh của Mỹ phải rút khỏi Việt Nam. Hoa Kỳ bị cấm không được cung cấp hoặc đưa trở lại Việt Nam những vật liệu chiến tranh và bị buộc phải tháo dỡ tất cả các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam. Các lực lượng vũ trang của hai bên Việt Nam được duy trì tại chỗ, nhưng sự ngừng bắn cấm việc đưa quân đội, cố vấn quân sự, nhân viên quân sự, kể cả các nhân viên kỹ thuật quân sự, vũ khí, đạn dược và các vật liệu chiến tranh vào miền Nam Việt Nam. Cả hai bên được phép theo định kỳ thay thế, bổ sung những vật liệu đã bị phá huỷ, hư hỏng, hoặc dùng hết trên cơ sở một đổi một dưới sự giám sát và kiểm soát quốc tế.
Hoa Kỳ và miền Bắc Việt Nam hứa tôn trọng nguyên tắc tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, bao gồm cả việc tổ chức bầu cử tự do, dân chủ, dưới sự giám sát của quốc tế. Để thực hiện được điều này, một Hội đồng Hoà giải và Hoà hợp dân tộc được lập ra và Hoa Kỳ bị cấm can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.
Miền Bắc Việt Nam hoan nghênh Hiệp định Paris như là một thắng lợi lớn. Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, cả chương trình phát đối nội lẫn chương trình đối ngoại đều đã dành mấy ngày liền để đọc đi đọc lại toàn văn nội dung nguyên gốc bản Hiệp định Paris. Tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ công bố Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ được kéo lên trên khắp mọi miền đất nước trong tám ngày, tính từ phút đầu tiên cuộc ngừng bắn có hiệu lực rơi vào ngày 28/1 cho đến ngày 4/2. Trong suốt ba ngày đêm liên tục, các đường phố Hà Nội đông nghẹt người đổ ra đường để ăn mừng sự kiện chỉ còn 60 ngày nữa sẽ không còn quân đội nước ngoài nào trên đất nước Việt Nam và các căn cứ quân sự Mỹ ở miền Nam sẽ phải bị tháo dỡ.
Trong khi đó, tại miền Nam không hề có niềm vui và sự tổ chức ăn mừng nào. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các cộng sự của ông ta biết rõ rằng ông Lê Đức Thọ đã thắng trong cuộc chiến ngoại giao. Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã thương lượng một Hiệp định chẳng đại diện cho cái gì khác ngoài một văn bản lễ tân ngoại giao về sự không can dự của Mỹ. Nhiều người, trong đó có cả trợ lý John Negroponte, đều thấy rõ rằng Ngoại trưởng Kissinger làm như vậy chẳng khác nào "cầu nguyện cho chính quyền Thiệu ở miền Nam Việt Nam nhanh chết".
Vào thời kỳ thực hiện Hiệp định, Hà Nội chưa có kế hoạch nào cho việc mở các cuộc tấn công vào miền Nam trong thời gian gần. Miền Bắc cũng cần có thời gian để phục hồi và chấn chỉnh nhân lực các cấp. Các tài liệu lưu hành nội bộ của Đảng cho thấy năm 1973 miền Bắc đã nghĩ đến việc mở lại chiến dịch tấn công qui mô lớn sau năm 1976, nhưng một số sự kiện chính trị nội bộ nước Mỹ đã ngăn cản việc thực hiện các kế hoạch này.
Chất lượng và sự khách quan trong đánh giá của Phạm Xuân Ẩn về các nguồn tin Chính phủ Việt Nam Cộng hoà được thể hiện rõ trong sự phân tích của ông về Hiệp định Paris 1973. Các mối quan hệ nguồn tin của Phạm Xuân Ẩn làm việc trong Chính phủ của Nguyễn Văn Thiệu, trong Quốc hội, và trong Quân đội Việt Nam Cộng hoà tốt đến mức, những điều mà Phạm Xuân Ẩn nói với Shaplen khiến người ta có cảm giác như chính ông có mặt tại các cuộc họp diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12/1972. Vài tuần trước khi Hiệp định Paris được ký kết, Phạm Xuân Ẩn đã nói với Shaplen: "Thiệu sẽ nhận được lời hứa từ Nixon về việc dùng máy bay B-52 để dội bom một cái Tết mới… trong trường hợp có cuộc tổng tấn công lớn của Cộng sản, Nguyễn Văn Thiệu sẽ cần đến máy bay B-52… ông Thiệu cần Mỹ viện trợ kinh tế, đảm bảo về chính trị và máy bay B-52. Viện trợ trong ba năm được vạch ra". Từ ngày 24 đến ngày 26/1/1973, tức là một ngày trước khi ký kết Hiệp định Paris, Shaplen đã viết bài nói rằng: "Người ta có một cảm nhận rằng chúng ta sẽ không cắt viện trợ - không thể làm điều đó trước dư luận thế giới về tái thiết. Nhưng chúng ta có thể cắt cổ Thiệu".
Phạm Xuân Ẩn đưa ra những sự phân tích tinh tế về tình hình chính trị trước năm 1973. "Ông Ẩn nói không có bất đồng giữa miền Bắc Việt Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời về việc tiếp tục chiến tranh. Chỉ đơn giản là có hai khả năng. Thứ nhất, ký được Hiệp định Paris. Thứ hai, nếu không ký được Hiệp định Paris thì chiến tranh tiếp tục diễn ra suốt năm 1973. Hiệp định càng được ký sớm càng tốt. Các tài liệu trong tháng 1 của Chính phủ Cách mạng Lâm thời mà Phạm Xuân Ẩn đọc được đều nói như vậy. Nhấn mạnh thắng lợi. Mỹ đã đồng ý ra đi… sau đó nguỵ sẽ nhào… những điều mà từ năm 1966 họ đòi thì nay họ đã có - quyền được tham gia vào chính phủ… Do vậy, giờ đây Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã có điều mà họ muốn. Có thể họ sẽ thúc đẩy trong 60 ngày hoặc là thúc đẩy để cho Thiệu bị lật đổ".
Phạm Xuân Ẩn cũng chia sẻ với Shaplen những suy nghĩ của ông về chiến lược của Cộng sản sau Hiệp định Paris: "Họ sẽ cố gắng làm bạn với Mỹ - một cuộc tổng tấn công ngoại giao - và sau đó, sẽ gạt bỏ Thiệu. Tấn công Thiệu trên cả ba mặt trận chính trị, kinh tế ngoại giao. Có thể chỉ kéo dài vài năm nếu không bị khiêu khích bởi Quân đội Việt Nam Cộng hoà. Do vậy, đường lối bây giờ là bám chặt Hiệp định. Giờ đây họ đã có tư cách hợp pháp và sẽ không muốn hoặc khao khát quá mức mà dẫn đến vi phạm Hiệp định. Do vậy, lại một nữa nhấn mạnh vấn đề nông thôn và cần thời gian để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thông qua hoà giải và hoà hợp dân tộc. Nhiều thành phố sau này sẽ rơi vào tay họ - trong khi đó, đưa người về nông thôn - trong mùa mưa - và giữ họ ở đó".
Phạm Xuân Ẩn nói với Shaplen quan điểm của Cộng sản là "thực hiện toàn bộ Hiệp định là điều họ muốn, không còn nghi ngờ gì nữa… Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam Cộng hoà chủ trương đi chậm lại. Họ muốn giữ nguyên trạng hoặc là tổ chức tổng tuyển cử theo điều kiện của họ mà Đảng Cộng sản không thể nào chấp nhận được. Thái độ của họ là Bắc Việt Nam và Mỹ đẩy họ đến tình trạng mọi chuyện đã rồi, một nền hoà bình độc ác, do vậy họ muốn giữ nguyên trạng càng lâu càng tốt và để tăng cường vị trí của họ… Nhưng cũng còn nhiều vấn đề nội bộ ở đây và đó là một lý do khác mà chúng ta không thể thương lượng. Các vấn đề kinh tế, chính trị, và quân sự tham nhũng, vấn đề xã hội phải được giải quyết ổn thoả trước khi chúng ta có thể đề cập đến bên khác".
Có lẽ một khía cạnh của Hiệp định Paris khiến Thiệu đau đớn nhất là ngừng bắn tại chỗ, cho phép quân đội miền Bắc vẫn được ở miền Nam. Tháng 10, Henry Kissinger đi thăm Campuchia rồi trở lại Sài Gòn. Ông ta đi thẳng tới thăm Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đúng lúc Tổng thống Việt Nam Cộng hoà đang trong trạng thái rất căng thẳng và đầy xúc động. Nguyễn Văn Thiệu nói với Kissinger: "Giờ các ông đã công nhận sự có mặt của quân đội Bắc Việt Nam ở đây. Nhân dân Việt Nam cho rằng chúng tôi đã bị Hoa Kỳ bán đứng. Bắc Việt Nam đã thắng trong cuộc chiến tranh".
Làm sao Nguyễn Văn Thiệu có thể chấp nhận sự có mặt của từ 200.000 đến 300.000 quân đội Bắc Việt Nam. "Nếu chúng tôi chấp nhận những điều nêu trong Hiệp định, chúng tôi sẽ tự sát". Chỉ lên tấm bản đồ treo trên tường, Nguyễn Văn Thiệu nói: "Mất một nước nhỏ như miền Nam Việt Nam thì có hề gì với Mỹ đâu? Đối với các ông, chúng tôi chỉ lớn hơn một dấu chấm trên bản đồ thế giới. Nếu các ông muốn từ bỏ cuộc chiến tranh, chúng tôi sẽ chiến đấu một mình cho đến khi nào chúng tôi hết sức, và đến lúc đó chúng tôi sẽ chết… Đối với chúng tôi, sự lựa chọn là giữa sống và chết. Đặt bút ký vào bản Hiệp định không khác nào một sự đầu hàng, là chấp nhận một bản án tử hình, bởi vì cuộc sống mà không có tự do là chết. Không, nó còn tồi tệ hơn cả cái chết!".
Bằng một hành động làm cho vấn đề còn tồi tệ hơn, Henry Kissinger để lại cho nhà lãnh đạo Campuchia Lon Nol ấn tượng về một điều không có thật rằng Hiệp định đã được ký kết và Nguyễn Văn Thiệu đã chấp nhận bản Hiệp định. Lon Nol vốn sôi nổi và bồng bột liền mở sâm banh ăn mừng: "Cuối cùng thì hoà bình cũng đã đến. Chúng ta phải uống để mừng cho điều đó và cho Tiến sĩ Henry Kissinger vì sứ mạng của ông". Lại một lần nữa các mối quan hệ nguồn tin của Phạm Xuân Ẩn tỏ ra là tốt nhất Sài Gòn. Ông nói với Shaplen và được Shaplen ghi lại trong sổ tay: "Ẩn nói rằng Nguyễn Văn Thiệu đã gửi một lá thư. Còn nói với Henry Kissinger: Nếu chúng tôi chết bây giờ hoặc sáu tháng sau, thì cũng chẳng có gì là khác nhau. Cũng nói Alexander Hai đã không tán thành, như thế tốt hơn… Thiệu sẽ chống lại Hiệp định Paris, vận động và đòi Hà Nội phải ký với ông ta. Henry Kissinger đã nói dối Lon Nol".
Phạm Xuân Ẩn đã gửi báo cáo ra Hà Nội về tất cả những sự bất đồng giữa Henry Kissinger và Nguyễn Văn Thiệu. Sau này, Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng đó là lý do vì sao phóng viên Arnaud de Borchgrave của Tạp chí Newsweek được mời ra Hà Nội để có cuộc phỏng vấn độc quyền với Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Trên thực tế, Arnaud de Borchgrave không xin phỏng vấn nhưng Hà Nội nhìn thấy một cơ hội làm bối rối Henry Kissinger trong con mắt của những người thuộc chính quyền Sài Gòn. Ngày 23/10, Tạp chí Newsweek đăng bài phỏng vấn, dẫn lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rằng, bản Hiệp định Paris đã thoả thuận xong. Lễ ký kết dự định được tổ chức tại Paris vào ngày 31/10. Hà Nội cũng cho phát toàn văn bản dự thảo Hiệp định Paris, mặc dù nó vẫn còn đang được thảo luận giữa Ngoại trưởng Henry Kissinger và Cố vấn Lê Đức Thọ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề cập một "sự liên minh tạm thời" và nói rằng các sự kiện đã di nhanh hơn ông Nguyễn Văn Thiệu. Cuộc phỏng vấn với Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nhằm đưa ra công luận, đặc biệt là dư luận ở Mỹ, một sự đã rồi. Hơn nữa, cuộc phỏng vấn này còn chứng tỏ ý đồ xấu xa của Richard Nixon và Henry Kissinger trong quá trình tìm kiếm hoà bình: Ngoài ra, cuộc phỏng vấn này còn để chứng tỏ cho Liên Xô và Trung Quốc biết rằng Hà Nội đang thực lòng muốn tìm kiếm một hiệp định với Hoa Kỳ và như vậy thì xứng đáng được tiếp tục nhận viện trợ từ hai nước này. Đại sứ Nguyễn Xuân Phong, Bộ trưởng trong Chính phủ Việt Nam Cộng hoà từ năm 1965-1975 nhớ lại: "Theo ý kiến tôi, đó mới là thành tích lớn nhất của ông Phạm Xuân Ẩn".
Henry Kissinger bị buộc phải về Washington để tổ chức một cuộc họp báo với tư cách một người tham gia đàm phán Hiệp định Paris về Việt Nam. "Thưa quí bà, quí ông, hiện nay chúng ta đã nghe nói từ cả hai miền Việt Nam và trên thực tế cuộc chiến tranh từng tồn tại hơn mười năm, giờ đây đang đi đến hồi kết. Và đây là sự trải nghiệm đáng buồn cho tất cả các bên tham gia. Tổng thống cho rằng, có lẽ sẽ là hữu ích nếu tôi đến đây để nói với các quí vị về những điều gì chúng ta đang làm, hiện nay chúng ta đang đứng ở đâu và để làm rõ một số lời đồn đại khác nhau và những lời buộc tội… Chúng tôi tin rằng hoà bình đang ở trong tầm tay".
Phạm Xuân Ẩn cả quyết rằng về mặt cá nhân ông cảm thấy rất hài lòng khi giúp Hà Nội làm cho Henry Kissinger bối rối chẳng khác nào việc mỗi lần ông viết được tin bài hay và đúng cho Tạp chí Time. Trưởng đại diện Tạp chí Time, Stanley Cloud tán thành. Phạm Xuân Ẩn nói với Cloud rằng một số nguồn tin cho biết, đã có một bước đột phá trong cuộc đàm phán ở Paris, nhưng hoà bình vẫn chưa ở trong tầm tay. Phạm Xuân Ẩn đảm bảo tính chính xác từ một nguồn tin của mình, mặc dù trên thực tế ông có ba nguồn tin bao gồm các mối quan hệ của ông trong cơ quan tình báo Pháp, CIO, và Cộng sản. Sau này tôi có dịp trao đổi với Stanley Cloud, được ông ta khẳng định rằng những thông tin mà Phạm Xuân Ẩn cung cấp cho Tạp chí Time đều chính xác. Stanley Cloud thậm chí điện thoại cả cho Henry Kissinger để khẳng định điều ông Phạm Xuân Ẩn nói. Ông Cloud nhớ lại: "Phạm Xuân Ẩn luôn nói với tôi rằng chưa hề có kế hoạch hoà bình, mọi chuyện vẫn còn chưa rõ ràng, chưa có gì được giải quyết cả. Tôi rất tự hào về những điều ông ấy đã làm cho Tạp chí Time trong bài viết này và nhiều bài khác nữa". Phạm Xuân Ẩn cho rằng một trong những lý do Arnaud de Borchgrave nêu sự buộc tội trong bài viết của mình là vì ông ta là đặc tình của trung tâm gieo rắc thông tin thất thiệt, đặc biệt là về cuộc hành quân hồi tháng 10/1972. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi nhiều lần rằng "chúng tôi đã có bài giật gân hay hơn bài của Arnaud de Borchgrave nhiều và ông ta biết rõ điều đó".
Ngày 9/8/1974, Tổng thống Richard Nixon phải từ chức. Sự kiện này khiến Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu choáng váng. Nixon từ chức có nghĩa là mọi lời đảm bảo và cam kết của ông ta sẽ không thể thực hiện được. Như vậy, người bảo lãnh cho Thiệu đã ra đi, mặc dù ngày 10/8, Tổng thống mới của Hoa Kỳ Gerald R. Ford viết rằng: "Những cam kết hiện tại mà Hoa Kỳ đã đưa ra trước đây mà còn giá trị, thì chính quyền của tôi sẽ hoàn toàn tôn trọng". Nhưng một làn sóng thuỷ triều đang dâng lên làm thay đổi chính trị nước Mỹ. Tháng 11/1974, trong cuộc bầu cử Quốc hội, phe Dân chủ thắng lớn giành được ba mươi tư ghế Hạ viện và ba ghế Thượng viện. Kết quả này giúp cho Đảng Dân chủ được hưởng quyền đa số khổng lồ với tỷ lệ 291 - 144 tại Hạ viện và 61 - 39 tại Thượng viện. Người Mỹ đã sẵn sàng từ bỏ Việt Nam và chôn vùi toàn bộ một chương nhớp nhúa bẩn thỉu của lịch sử.
Tất cả những nhân tố này góp phần giải thích tại sao tướng Trần Văn Trà và các chỉ huy trưởng những đơn vị ở miền Nam phải có mặt tại Hà Nội và tại sao Đại tướng Văn Tiến Dũng lại phải nhanh chóng vào miền Nam. Khi phát biểu tại hội nghị, tướng Trần Văn Trà đưa ra ví dụ về một trận thắng lợi lớn của Cộng sản ở tỉnh Phước Long chỉ cách Sài Gòn khoảng 180 kilômet. Tướng Trần Văn Trà nghĩ ra kế hoạch tổ chức trận đánh này là để thử phản ứng của Mỹ. Trong Bộ Chính trị có nhiều người không tán thành với kế hoạch này của tướng Trần Văn Trà, nhưng riêng nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam Lê Duẩn thì lại ủng hộ và phê duyệt kế hoạch trận đánh. Ông Lê Duẩn chỉ cảnh báo người chỉ huy trưởng quân sự cao nhất ở miền Nam là "cứ tiếp tục tấn công… nhưng phải chắc thắng".
Phước Long là tỉnh tương đối cô lập, nên là mục tiêu tấn công dễ dàng cho Quân đoàn 301 của Quân đội miền Bắc Việt Nam. Quân đoàn này bao gồm Sư đoàn 7 Quân đội Bắc Việt Nam từng được thử thách nhiều trong chiến tranh, một tiểu đoàn xe tăng T-54 do Liên Xô cung cấp, một Lữ đoàn trọng pháo, một lữ đoàn pháo phòng không, các đơn vị lính công binh địa phương và bộ binh, cùng Sư đoàn 3 Quân đội Bắc Việt Nam mới được thành lập. Trận đánh mở màn ngày 13/12/1974. Thị xã Phước Long bị thất thủ gần như ngay từ đầu đã khiến Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại Sài Gòn với các tướng lĩnh của ông ta. Một vấn đề đặt ra ngay tại cuộc họp này là có nên tăng viện cho Phước Long hay không?
Đại tướng Văn Tiến Dũng viết: "Tin quân ta đã chiếm được hoàn toàn thị xã Phước Long đến giữa lúc chúng tôi đang họp. Mọi người phấn khởi đứng cả dậy bắt tay nhau chúc mừng thắng lợi… Điều này có ý nghĩa lớn thể hiện rõ năng lực chiến đấu của quân đội ta và sự yếu kém của quân đội địch. Một chương sử mới đã mở ra". Ngày 7/1/1975 toàn bộ tỉnh Phước Long đã hoàn toàn do Cộng sản kiểm soát. Quân đội Việt Nam Cộng hoà và lực lượng đặc biệt đã chiến đấu tốt, nhưng họ đã gặp phải vô vàn điều bất lợi. Trong trận tấn công của Cộng sản được vạch kế hoạch rất khéo này, phía Quân đội Việt Nam Cộng hoà chỉ còn 850 người sống sót trong tổng số 5.400 quân tham chiến. Dân số của tỉnh Phước Long khoảng 30.000 người nhưng chỉ có 3.000 thường dân chạy khỏi địa phương. Các quan chức tỉnh, thôn ấp bị tiêu diệt. Đại tá Harry Summers đã nói ngắn gọn về trận Phước Long trong vài lời như sau: "Trận đánh nhỏ ít được biết đến ở Phước Long là một trong những trận đánh mang tính chất quyết định nhất, vì nó đánh dấu việc Mỹ từ bỏ đồng minh cũ của mình… trước sự vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris này - và nó được thiết kế một cách có tính toán kỹ lưỡng để vi phạm một cách trắng trợn như vậy rõ ràng là nhằm thăm dò thái độ của Mỹ - Tổng thống Gerald Ford giới hạn một cách nhu nhược sự phản ứng của mình chỉ trong một công hàm ngoại giao. Miền Bắc Việt Nam đã được bật đèn xanh cho việc chinh phục miền Nam Việt Nam". Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng sau trận Phước Long, có một lần duy nhất cấp trên còn nghi ngờ đánh giá của ông về tình hình. Hà Nội nhận được các tin tình báo nói rằng tàu sân bay USS Enterpnse của Mỹ và các lực lượng hộ tống đã rời Philippines tiến gần tới Việt Nam và sư đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở Okinawa đã được đặt trong tình trạng báo động. Có một số hoạt động tại căn cứ hải quân Mỹ ở Vịnh Subic (Philippines), có thể là dấu hiệu người Mỹ quay trở lại. Phạm Xuân Ẩn sau này nói: "Tôi đã nói rằng người Mỹ sẽ không đánh đâu. Mặc dù người Mỹ có một vài hành động, nhưng đó là những hành động trống rỗng. Tôi đã báo cáo với Hà Nội rằng người Mỹ sẽ không bao giờ trở lại nữa, thế nhưng vẫn có những hoài nghi. Hà Nội lại cho thử một trận đánh nữa ở Ban Mê Thuột để xem người Mỹ có can thiệp hay không. Chỉ đến khi đó, Hà Nội mới tin điều tôi đã nói là đúng. Tôi gửi cho cấp trên của mình những báo cáo về việc hiện nay các tướng lĩnh của Nguyễn Văn Thiệu đang suy nghĩ đến những điều gì. Sau đó, tôi lên gặp và nói chuyện với Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột. Ông Tỉnh trưởng này chỉ có thể nói rằng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã từ chối bảo vệ cho tỉnh của ông. Vị Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột đang mất hết nhuệ khí vì biết rằng mọi chuyện đang đến hồi kết, người Mỹ đã ra đi. Khi đó, tôi biết họ đã kết thúc rồi. Tổng thống Thiệu khi đó nghĩ rằng, cứ để mất một tỉnh đi để rồi xem Mỹ sẽ phản ứng thế nào. Nhưng tôi đã hiểu rằng tính khí người Mỹ giờ đã mệt mỏi về chiến tranh. Máy bay ném bom B-52 sẽ không trở lại".
Vào thời gian này, nhà báo Australia Denis Warner chạy đến tìm gặp Phạm Xuân Ẩn tại phòng giải lao của Khách sạn Continental. Warner vừa đi miền Trung Việt Nam về. Trong chuyến đi này, Warner trực tiếp được thấy hiệu quả từ chương trình cắt giảm viện trợ quân sự của Mỹ. Quân đội Việt Nam Cộng hoà thiếu đạn dược, xăng dầu, và tiền lương. Tinh thần đã suy sụp. Các đơn vị pháo binh buộc phải sử dụng đạn một cách hạn chế, ngặt nghèo và để tiết kiệm xăng dầu, các máy bay trực thăng cũng hạn chế cất cánh và chỉ được bay khi phải vận chuyển y tế.
Phạm Xuân Ẩn hỏi Warner: "Cậu thấy tình hình ở miền Trung thế nào?".
"Tôi đã nói với ông ấy là tôi nghĩ rằng, miền Trung Việt Nam mặc dù có năm sư đoàn của Quân đội Việt Nam Cộng hoà đóng quân ở đó, nhưng vẫn có thể bị chọc thủng nếu miền Bắc tấn công".
Mười tám năm sau, Phạm Xuân Ẩn và Warner hồi tưởng lại cuộc nói chuyện hôm đó của họ. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi vừa gửi một chuyến thư cho Trung ương Cục miền Nam xong thì gặp ông. Trong chuyến thư đó có một thông điệp nói rằng, tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để mở một cuộc tổng tấn công qui mô lớn và rằng cuộc tổng tấn công như vậy nên để chậm lại vào cuối năm". Khi tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn rằng, vậy ông đã làm gì sau khi gặp được Warner, ông cho biết: "Tôi luôn nghĩ Warner khi đó đang làm việc cho tình báo Australia. Do vậy mà tôi tin ở báo cáo của Warner và vì thế mà tôi đã gửi ngay một báo cáo mới cho Trung ương Cục miền Nam dựa vào đánh giá của Warner. Sau này, tôi đã cám ơn Warner vì thực tế chứng tỏ những thông tin ông ấy nói với tôi là rất giá trị".
Phạm Xuân Ẩn được thưởng Huân chương chiến công vì đã có bản báo cáo về Phước Long đề ngày 30/11/1974. Các sách lịch sử Việt Nam so sánh những đóng góp của Phạm Xuân Ẩn trong giai đoạn này ngang với báo cáo nổi tiếng của trùm tình báo Liên xô Richard Sorge, trong đó ông Sorge khẳng định rằng "Nhật Bản sẽ không mở mặt trận phía đông". Nhờ báo cáo này của Richard Sorge mà Liên Xô đã yên tâm chuyển các lực lượng quân sự của mình sang phía tây để chặn đứng cuộc tiến quân của quân đội Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Phạm Xuân Ẩn cũng lấy được bản báo cáo bí mật "Nghiên cứu Chiến lược" trong đó nói rằng Quân đội Việt Nam Cộng hoà đang trong tình trạng cả tinh thần lẫn vật chất đều thấp và rằng máy bay B-52 của Mỹ sẽ không trở lại. Tác giả của bản báo cáo mật này chính là tướng Nguyễn Xuân Triển, Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược quân đội đã xác định Ban Mê Thuột là điểm mong manh dễ chọc thủng nhất trong hệ thống phòng thủ của Việt Nam Cộng hoà.
Phạm Xuân Ẩn rất hay chỉ trích Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Bằng chứng rõ nhất về điều này có thể tìm thấy trong sổ tay ghi chép của Shaplen, tại đó ông Ẩn so sánh sự lãnh đạo của Tổng thống Thiệu như một con khỉ làm xiếc nghiện thuốc phiện. Sổ ghi chép của Shaplen: "Ẩn: Thiệu, chúng ta đã dựng ông ta lên như vậy, và nếu chúng ta để ông ta tự đi, ông ta sẽ chết chìm. Nhiều người Hoa và người Sài Gòn nuôi khỉ, cho khỉ ăn thuốc phiện, thức ăn ngon, dạy làm trò, đội mũ lên đầu, xiếc. Nhưng khi chủ gánh xiếc quay mặt đi chỉ trong ba phút, chú khỉ sẽ trở lại bản năng gốc của nó, lại bốc phân ăn ngay, giống như Nguyễn Văn Thiệu vậy. Vì thế, nếu chúng ta chỉ cần chậm trễ hỗ trợ trong năm phút, Quân đội Việt Nam Cộng hoà sẽ bị nuốt chửng ngay. Chúng ta đã tạo ra một bầu khí hậu con khỉ ở đây". Phạm Xuân Ẩn giải thích cho Shaplen rằng sự khủng hoảng lãnh đạo ở Sài Gòn là kết quả trực tiếp của việc Hoa Kỳ chẳng làm gì để đào tạo một thế hệ lãnh đạo mới ở miền Nam Việt Nam. "Máu và đô la đã đổ vào đây, nhưng thử hỏi chúng ta đã làm được gì cho người Việt Nam và cho Sài Gòn? Hầu hết mọi người Mỹ đều chỉ tiếp xúc với những con khỉ và chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ rút đi. Chúng ta chỉ biết có những con khỉ. Khi chúng ta tới đây, chúng ta đã sử dụng những người Việt Nam do Pháp đào tạo và một đám đông quan lại và rồi chúng ta biến họ thành những viên tướng mới, đô la, v.v, và những con khỉ không biết sử dụng những thứ đó như thế nào. Đám người Việt đó chẳng có học thuyết, người Mỹ cũng chẳng có học thuyết gì cả. Chúng ta xây dựng nên những toà nhà trường học, nhưng không có giáo viên. Chúng ta xây dựng đường bộ và mở những con kênh, nhưng đám người Việt đó không biết sử dụng nó. Chưa bao giờ có sự huấn luyện lãnh đạo thực sự". Phạm Xuân Ẩn dự đoán rằng một khi Hoa Kỳ rút đi, Chính quyền Sài Gòn sẽ chỉ còn là "một cái xác khô".
Sau khi Phước Long thất thủ, Đại tướng Văn Tiến Dũng và các đồng sự của ông theo dõi mọi phản ứng từ phía Mỹ, nhưng chẳng thấy gì. Tướng Trần Văn Trà nhớ lại lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó đã nói: "Mỹ đã rút quân phù hợp với Hiệp định Paris - một hiệp định mà Mỹ coi là một sự thắng lợi sau khi đã chịu nhiều thất bại và không tìm được lối ra. Giờ đây Mỹ không còn có thể lại can thiệp bằng cách đưa quân vào miền Nam Việt Nam được nữa. Mỹ có thể hỗ trợ Chính quyền Sài Gòn bằng không quân, hải quân, nhưng điều đó không thể quyết định được vấn đề thắng, bại". Tướng Trần Văn Trà cười và nói rằng: "Nói cho vui vậy thôi. Tôi nói thật nhé, bây giờ có cho kẹo người Mỹ cũng không dám trở lại nữa".
Nghị quyết kết thúc hội nghị ở Hà Nội nhận định: "Chưa bao giờ chúng ta có được các điều kiện chính trị và quân sự thuận lợi như vậy, cũng như chưa bao giờ chúng ta có được lợi thế chiến lược to lớn như hiện nay: Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam và tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc…".
Đại tướng Văn Tiến Dũng tạm dừng chân ở Ban Mê Thuột vào đêm giao thừa Tết năm Ất Mão 1975. Ông vui Tết cổ truyền cùng với những người lính của mình tại chỉ huy sở Sư đoàn 470. Bữa sáng có bánh chưng và thịt. Chặng cuối cùng trong hành trình đã đưa Đại tướng Văn Tiến Dũng đến một thung lũng đầy sương mù, và cây rừng rậm rạp ở phía tây Ban Mê Thuột.
Tại đây, ông đặt đại bản doanh cho chiến dịch sắp tới "Chúng tôi ở trong khu rừng rậm gần với rừng cây khộp, một loại cây vào mùa khô lá rụng rơi dầy dưới mặt đất giống như một tấm thảm vàng. Mục tiêu tấn công là thành phố Ban Mê Thuột - thủ phủ tỉnh Đắk Lắk. "Đây là một thành phố cao nguyên có phong cảnh đẹp nhất. Nơi đây có người dân tộc Ba Na, Ê Đê mặc trang phục thêu sặc sỡ đi bộ trên các đường phố. Nơi đây vẫn còn lâu đài đi săn đổ nát của cựu hoàng Bảo Đại, gợi lại những ngày thanh bình khi vua Bảo Đại và các đại thần tới đây săn bắn lợn lòi, hươu, hổ ở những quả núi xung quanh".
Trong những tuần tiếp theo, Đại tướng Văn Tiến Dũng dành để thảo luận về việc phối hợp và kết thúc các kế hoạch tác chiến. Trong những năm qua, tướng Văn Tiến Dũng đã trở thành nhân vật chủ yếu trong việc đổi mới quân đội miền Bắc Việt Nam thành một cỗ máy chiến tranh hiện đại. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tướng Văn Tiến Dũng chịu trách nhiệm xây dựng lại lực lượng quân sự của miền Bắc và mở rộng mạng lưới đường bộ dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Sản phẩm từ các nỗ lực của ông là miền Bắc đã xây dựng được một lực lượng dân quân 200.000 người để bảo vệ miền Bắc và một lực lượng gồm 22 sư đoàn quân chính qui được hỗ trợ của hàng trăm xe tăng do Liên Xô và Trung Quốc chế tạo, trọng pháo tầm xa, pháo phòng không cỡ lớn, và nhiều loại tên lửa. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả những cỗ hoả lực đơn thuần và những con số về sức mạnh là tính cơ động của lực lượng. Quân đội Bắc Việt Nam có thể đánh bất cứ nơi nào ở miền Nam chỉ trong vòng vài tuần, thậm chí vài ngày.
Đêm 25/2/1975, tướng Văn Tiến Dũng ký giao nhiệm vụ phác thảo trên bản đồ về bố trí lực lượng, đường tấn công vào Ban Mê Thuột. Chỉ trong một vài ngày tiếp theo, Đại tướng Văn Tiến Dũng và các nhà chỉ huy quân sự của ông đã chuẩn bị xong lực lượng, sẵn sàng lâm trận. Ngày 9/3, "Tuấn" đã gửi một bức điện được mã hoá cho "Chiến" ở ngoài Hà Nội nói rằng: "Ngày 10/3, chúng tôi sẽ tấn công Ban Mê Thuột".
Bốn mươi tám giờ sau, quân đội Bắc Việt Nam đã kiểm soát được Ban Mê Thuột. Lúc này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không thể ngồi yên được nữa. Ông ta ra lệnh phải chiếm lại, chỉ thị cho tất cả các lực lượng triển khai để hỗ trợ cho việc chiếm lại Ban Mê Thuột. Kế hoạch này của Nguyễn Văn Thiệu được đưa ra thực hiện mà không hề tham vấn Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn hay bất kỳ ai khác. Tổng thống Thiệu đã thực hiện một hành động nguy hiểm là triển khai lại lực lượng quân đội của mình giữa lúc đang giao tranh với đối phương. Khi những người dân địa phương nhìn thấy quân đội Sài Gòn từ trong thành phố kéo quân đi ra, họ đã hiểu lầm rằng quân đội Sài Gòn đang tháo chạy chứ không phải là đang triển khai lại lực lượng. Ngay lập tức, dân chúng trở nên hoảng loạn ùn ùn như sóng thuỷ triều chen nhau bỏ chạy về hướng bờ biển.
Ngày 11/3/1975, "Tuấn" lại gửi tiếp một bức điện được mã hoá khác cho đồng chí "Chiến": "Chúng tôi đã hoàn toàn kiểm soát được Ban Mê Thuột. Chúng tôi đang tiến tới quét sạch các mục tiêu xung quanh".
Ngày hôm sau, "Chiến" đáp lại bằng một bức điện chỉ thị của Bộ Chính trị: "Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, và Võ Nguyên Giáp đồng ý rằng chúng ta phải nhanh chóng quét sạch những đơn vị tàn quân địch ở Ban Mê Thuột" và tiến sang hướng Pleiku. Quân đội Việt Nam Cộng hoà đã hoàn toàn thiếu gắn kết khi lực lượng tham chiến đang giao tranh.
Bắc Việt Nam đã công khai đưa các sư đoàn quân chính qui vào tham chiến ở miền Nam. Tổng thống Mỹ Gerald Ford từng cả đời làm nghị sĩ Quốc hội nên hiểu rằng, Quốc hội sẽ không duyệt chi khoản ngân sách bổ sung theo đề nghị để cung cấp các thiết bị mà Sài Gòn cần để ngăn chặn các cuộc tấn công của đối phương. Tổng thống Gerald Ford phái Đại tướng Tham mưu trưởng Fred Weyand sang Nam Việt Nam để đánh giá tình hình, nhằm đưa ra khuyến nghị cho các hành động tương lai. Weyand đến thăm Nam Việt Nam từ ngày 27/8 đến ngày 4/4/1975, nên được chứng kiến sự thất thủ của Đà Nẵng ngày 30/3. Trở về Mỹ, Weyand đã đến gặp ngay Tổng thống Gerald Ford tại Palm Springs ngày 5/4. Tướng Weyand tán thành rằng, Mỹ còn nợ Chính quyền Nam Việt Nam lời hứa làm tất cả mọi điều có thể để giúp họ bổ sung nguồn lực nhằm đối phó với cuộc tổng tấn công hiện nay. "Chúng ta đến miền Nam Việt Nam để giúp đỡ nhân dân Nam Việt Nam, chứ không phải để đánh bại quân đội Bắc Việt Nam. Chúng ta chìa tay ra với người miền Nam Việt Nam và họ đã nắm lấy. Bây giờ là lúc hơn bao giờ hết, họ cần một bàn tay giúp đỡ" - Weyand nói. Tướng Weyand còn khuyến nghị một khoản viện trợ bổ sung 722 triệu USD giúp Chính quyền Sài Gòn đáp ứng sự tự vệ tối thiểu khi phải đối phó với tình hình hiện tại. Weyand nói: "Bổ sung viện trợ Mỹ là điều có trong cả tinh thần lẫn lời văn của Hiệp định Paris trong khi Hiệp định này vẫn còn khuôn khổ thực tế cho một giải pháp hoà bình ở miền Nam Việt Nam". Cuối cùng, Weyand kết luận: "Tình hình quân sự là rất nguy kịch và khả năng tồn tại của Nam Việt Nam là rất khó".
Trong lần cầu viện cuối cùng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu viết một lá thư tay gửi riêng cho người mà ông ta chưa từng gặp mặt bao giờ, đó chính là Tổng thống Mỹ Gerald Ford. Tổng thống Thiệu viết: "Ý định của Hà Nội là sử dụng Hiệp định Paris để chiếm miền Nam Việt Nam bằng quân sự là điều chúng tôi đã biết rõ trong suốt quá trình đàm phán về Hiệp định Paris… Sau đó chúng tôi được hứa một cách chắc chắn rằng Mỹ sẽ trả đũa một cách nhanh chóng và mạnh mẽ đối với bất kỳ sự vi phạm nào về Hiệp định… Chúng tôi coi những lời hứa đó là sự đảm bảo quan trọng nhất đối với Hiệp định Paris; những lời hứa đó giờ đây trở nên những lời hứa quan trọng nhất đối với sự sống còn của chúng tôi".
Cuộc tấn công cuối cùng vào Sài Gòn sắp bắt đầu. Buổi chiều ngày 7/4, một chiếc xe gắn máy phóng tới tổng hành dinh của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Người ngồi trên xe gắn máy là ông Lê Đức Thọ - người mà cách đây 20 năm đã chủ trì buổi lễ kết nạp Phạm Xuân Ẩn vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Lê Đức Thọ mang một chiếc cặp bên trong đựng tờ mệnh lệnh cuộc tấn công cuối cùng mang tên "Tiến tới thắng lợi cuối cùng". Tờ lệnh này khẳng định, Đại tướng Văn Tiến Dũng là Tư lệnh chiến dịch, các tướng Trần Văn Trà và Lê Đức Anh là các Phó Tư lệnh chiến dịch. Trong lời dặn dò lúc chia tay, ông Lê Đức Thọ nói với các đồng chí của mình rằng: "Kể cả khi họ (Hoa Kỳ) liều lĩnh can thiệp, họ cũng không thể xoay chuyển được tình hình. Họ chỉ có thể chuốc lấy thất bại nặng nề hơn mà thôi. Chúng ta nhất định thắng". Bộ Chính trị đặt tên cho kế hoạch mới của mình là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trận đánh vào Xuân Lộc, một cứ điểm then chốt của Quân đội Việt Nam Cộng hoà nằm bên quốc lộ 1 mở màn ngày 9/4. Trận Xuân Lộc có thể coi như một trong những trận ác liệt nhất của cuộc chiến tranh vì Sư đoàn 18 quân đội Việt Nam Cộng hoà đã kháng cự ác liệt chứng tỏ đây là sư đoàn tinh nhuệ nhất trong số tất cả các sư đoàn của Quân đội Việt Nam Cộng hoà. Tuy nhiên, sau hai tuần giao tranh ác liệt và sau khi đã phá huỷ 37 xe tăng của quân đội Bắc Việt Nam và 5000 quân, Sư đoàn 18 được lệnh rút lui. Xuân Lộc rơi vào tay quân đội Bắc Việt Nam ngày 22/4. Ngày hôm sau, Tổng thống Gerald Ford nói chuyện tại Trường Đại học Tulane: "Mỹ có thể lấy lại được niềm tự hào từng tồn tại trước Việt Nam. Nhưng niềm tự hào đó không thể đạt được bằng việc lại đánh nhau trong một cuộc chiến tranh mà đối với Mỹ nó đã kết thúc".
Phạm Xuân Ẩn cung cấp cho Shaplen một bài phân tích chi tiết về tình hình. Shaplen viết: "Ẩn sợ nhất là đám lính vô kỷ luật và tàn quân. Ông ấy cầu nguyện cho Sài Gòn".
Kết cục của cuộc chiến tranh đến nhanh hơn mọi người nghĩ. Phạm Xuân Ẩn bị sốc khi thấy gần một triệu quân của Quân đội Việt Nam Cộng hoà, một quân đội lớn thứ tư trên thế giới, lại có thể vỡ vụn ra chỉ trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 4/1975. Trong sổ tay ghi chép cuối năm 1975 của mình, Shaplen viết: "Ẩn nói rằng chưa bao giờ ông nghĩ nó lại dễ dàng đến thế".
Phạm Xuân Ẩn nói: "Nguyễn Văn Thiệu sẽ tiếp tục chửi bới mọi người, chỉ trừ mỗi bản thân ông ta và sẽ kéo cả toà nhà xuống cùng với ông ta. Theo tôi, đó sẽ là một trận đại hồng thuỷ" (câu này ông Ẩn nói bằng tiếng Pháp). Nguyễn Hùng Vương nói với Shaplen: "Cuộc sống của chúng tôi chẳng có gì là đảm bảo cả. Thực tế chúng tôi vẫn còn sống đây, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì".
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức. Ông ta nói với các cố vấn thân cận nhất của mình rằng, tình hình quân sự đã trở nên vô vọng và rằng sự tiếp tục có mặt của ông ta tại Dinh Tổng thống sẽ là một trở ngại cho một giải pháp hoà bình, đó là điều có thể hình dung được. Ngày 25/4, lúc 9 giờ 30 phút tối Nguyễn Văn Thiệu đáp chiếc máy bay C-118 số hiệu 231 rời phi trường Tân Sơn Nhất đi Đài Bắc. Người ta đồn đại xôn xao rằng, Nguyễn Văn Thiệu đã mang đi theo mười sáu tấn vàng dự trữ trong ngân khố quốc gia. Phó tổng thống Trần Văn Hương đảm nhận chức tổng thống.
Tháng tư là tháng đầy lo âu đối với Phạm Xuân Ẩn, vì ông rất lo cho sự an toàn của gia đình và bạn bè mình. Ông biết rõ thời gian còn lại rất ngắn. "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ di tản sang Mỹ, nhưng tôi cứ băn khoăn không biết có nên đưa vợ con sang đó không. Tôi không nhận được một hướng dẫn, chỉ thị nào từ Hà Nội, trong khi tôi luôn bị sức ép từ phía Tạp chí Time thúc giục phải quyết định sớm. Không chỉ riêng Tạp chí Time, mà bạn bè tôi ai cũng muốn giúp đỡ tôi, có rất nhiều người tốt bụng. Malcolm Browne cho biết, ông có thể đưa tên tôi vào danh sách những người của New York Times, mặc dù tôi làm việc cho một tờ báo vốn là đối thủ cạnh tranh của New York Times; Một đại diện của Hãng Reuters đến tiệm cà phê Givral mời tôi và gia đình cùng đi với họ. Jim Robinson làm việc cho Hãng truyền hình NBC cũng sẵn sàng đưa tôi và gia đình tôi lên máy bay mà ông đã thuê bao. Sau đó, ngày 22/4, Bob Shaplen bảo tôi phải quyết định ngay vì sự an toàn của vợ và các con tôi. Tôi đáp: "OK, cho tôi một ngày để suy nghĩ đã".
Phạm Xuân Ẩn không bao giờ bỏ mặc mẹ mình ở Sài Gòn, tuy nhiên ông vẫn lo rằng có thể ông sẽ nhận được chỉ thị của Đảng rằng phải đi di tản cùng với người Mỹ. Điều đó có nghĩa là ông sẽ phải tiếp tục sứ mạng của mình tại Hoa Kỳ, mà về mặt cá nhân, ông không hề muốn. Để cho kín kẽ, ông tìm cách liên hệ với em trai mình ở Cần Thơ, cách Sài Gòn vài giờ xe chạy về phía nam để xem chú em có thể về Sài Gòn cho một kế hoạch dự phòng chăm sóc mẹ hay không. Nhưng chú em không dám chắc là có thể về được Sài Gòn trước khi Phạm Xuân Ẩn ra đi, nếu nhận được lệnh của Hà Nội là phải lên đường sang Mỹ.
Một ngày sau khi Nguyễn Văn Thiệu di tản, vợ và bốn con của ông Phạm Xuân Ẩn đáp chuyến bay của Hãng truyền hình Mỹ CBS News rời Sài Gòn cùng với 89 nhân viên khác của Tạp chí Time. Phạm Ân - đứa lớn nhất trong bốn con của ông Phạm Xuân Ẩn, nhớ lại: "Mỗi người chúng cháu chỉ được phát cho một chiếc túi xách nhỏ của Hãng hàng không Pan Am để đựng quần áo. Tất cả chỉ có thế. Lúc đó, chúng cháu không hề sợ gì vì luôn được má che chở và có thể là do chúng cháu còn là trẻ con nên chẳng biết sợ. Ngoài ra, còn là do cách ba má vẫn thường che chở và cách ly chúng cháu khỏi những điều có hại".
Phạm Xuân Ẩn nói với các đồng nghiệp rằng ông không thể nào rời bỏ mẹ mình được. "Trong cuộc đời mỗi người chỉ có một người mẹ và một người cha. Người Việt Nam chúng tôi không bao giờ bỏ cha, mẹ như thế. Cha đã chết trên tay tôi tại nhà tôi. Mẹ không bao giờ rời bỏ Việt Nam và tôi không bao giờ bỏ mẹ ở lại một mình". Sau khi mọi việc đã ổn thoả, Phạm Xuân Ẩn nói với những người thân của mình rằng ông sẽ tìm cách đoàn tụ cùng với gia đình của mình. Phạm Xuân Ẩn rất biết ơn mọi người đã giúp vợ con ông ra đi an toàn và Tạp chí Time đã chăm sóc mọi điều cho vợ con ông. Shaplen viết thư cho Lansdale ngày 10 tháng 5 nói: "Trong số những người ở lại dưới sự giúp đỡ của ông ấy trước mọi lời cầu xin, một người của tôi cũng nằm trong số ấy đó là Phạm Xuân Ẩn, một người bạn cũ của Tạp chí Time … Tôi hy vọng ông ấy không hề hấn gì".

Đây là một trong những bức ảnh được yêu thích của gia đình về Phạm Xuân Ẩn và Thu Nhàn (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn)Có một điều mà Phạm Xuân Ẩn không hề biết, đó là vào thời điểm ấy đang có một sự cân nhắc rất nghiêm túc của Quân uỷ Trung ương thuộc Bộ Chính trị về việc có nên để cho ông tiếp tục công tác tình báo của mình tại Hoa Kỳ hay không. Chính Đại tướng Văn Tiến Dũng cuối cùng đã quyết định nên để Phạm Xuân Ẩn ở lại Việt Nam. "Nếu Phạm Xuân Ẩn tiếp tục công tác đó, chắc chắn ông ấy sẽ thu được nhiều thông tin tình báo có giá trị cho đất nước. Tuy nhiên, sớm muộn gì thì ông ấy cũng bị lộ ở nước ngoài, và như vậy thì sự tổn thất sẽ là rất lớn". Người từng tuyển mộ Phạm Xuân Ẩn làm tình báo viên là ông Mười Hương thì tỏ ra tiếc đối với quyết định này: "Khả năng của Phạm Xuân Ẩn sẽ được phát huy tối đa nếu được tiếp tục công tác tình báo ở nước ngoài". Tôi hỏi ông Mai Chí Thọ về ý tưởng tiếp tục để ông Phạm Xuân Ẩn hoạt động tình báo ở nước ngoài, ông Mai Chí Thọ nói: "Về mặt nghiệp vụ mà nói, thì đó là một ý tưởng hay. Vỏ bọc ấy vẫn còn nguyên vẹn, ông ấy lại được người Mỹ tin cậy. Bản thân ông ấy cũng đã chuẩn bị ra đi và sẵn sàng ra đi. Nhưng đồng thời lại có những ý kiến ngược lại rằng về mặt nghiệp vụ, Phạm Xuân Ẩn đã sẵn sàng, nhưng còn các điều kiện khác nữa. Ông ấy đã làm việc quá nhiều rồi".

Khi tôi đề cập việc tiếp tục sứ mạng tình báo ở Hoa Kỳ, Phạm Xuân Ẩn nhấn mạnh rằng ông coi đó như là một ý nghĩ ngông cuồng: "Tôi thực sự không hiểu mọi người muốn tôi làm gì ở đó. Có lẽ, họ chờ đợi rằng các nguồn tin của tôi sẽ cập nhật cho tôi về việc Lầu Năm Góc đang nghĩ thế nào, nhưng điều đó là không thể vì nhiều mối quan hệ nguồn tin của tôi đang trong các trại tập trung cải tạo, một số khác thì chạy di tản sang Mỹ, chẳng thể tiếp cận được gì. Hay là tôi có thể báo cáo về tổ chức của phòng tin thời sự ở Los Angeles hoặc ở San Francisco", Phạm Xuân Ẩn nói và liền đó là một nụ cười đầy ẩn ý thường thấy.
Tại Sài Gòn, người ta lan truyền khắp nơi tin đồn rằng, khi quân đội Bắc Việt Nam kéo vào thành phố sẽ có một cuộc tắm máu. William Touhy viết: "Sự căng thẳng được tạo ra không phải từ việc Sài Gòn chắc chắn sắp sụp đổ, mà là do không ai biết chắc nó sẽ sụp đổ như thế nào. Phải chăng sẽ có những trận pháo kích nặng nề trước, tiếp theo là những trận đánh lấn chiếm giành giật nhau từng căn nhà một? Hay sẽ có một cuộc tắm máu, Cộng sản sẽ giết hết tất cả những ai làm việc cho Mỹ hoặc cho chế độ miền Nam Việt Nam? Hoặc có thể là chính những người miền Nam Việt Nam trong cơn thịnh nộ và bối rối đã quay súng lại phía người Mỹ - những người đã bỏ rơi họ và hạ gục tất cả những người mắt xanh nào mà họ gặp Phạm Xuân Ẩn sợ ở nhà vì biết đâu đạn pháo có thể rơi trúng nhà mình. Nhưng ông đã được cho biết riêng về một thực tế rằng, những người Cộng sản đã xác định ba nơi an toàn, đó là Đại sứ quán Pháp, Bệnh viện Grall, và khách sạn Continental của Pháp. Trong túi Phạm Xuân Ẩn có đầy những chìa khoá mà các bạn đồng nghiệp khi ra đi để lại. Ông quyết định rằng tốt nhất là cùng với mẹ đến ở tại phòng số 407 của Bob Shaplen tại khách sạn Continental.
Trong những ngày cuối cùng của Chính quyền miền Nam này, nhiều bạn bè tìm đến ông để được nghe những lời khuyên, một số người khác đến để bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ. Người phụ nữ Mỹ Jolynne d'Ornano và ông chồng là Pierre - một nhà kinh doanh Pháp sinh ra ở Corsica làm chủ tiệm ăn Aterbea ở góc phố Basque, nơi phục vụ món khoai tây chiên phồng ngon nhất Việt Nam, đến để giúp đỡ. Jolynne đến Nam Việt Nam từ năm 1965 làm việc cho Việt Tấn Xã. Cô từng là học sinh của một người bạn thân của Ngô Đình Diệm là ông Wesley Fishel ở Trường Đại học Michigan. Ông Wesley Fishel khuyên cô Jolynne đến miền Nam Việt Nam thì nhớ tìm gặp Phạm Xuân Ẩn. Ông Fishel đã gặp ông Ẩn trước đó rất lâu khi hai người đều được Eward Lansdale cùng quen biết cả hai giới thiệu.
Jolynne yêu cả đất nước và con người Việt Nam. Sau khi gặp Pierre năm 1967, cô quyết định chọn Sài Gòn là nơi ở của mình. Cô chuyển từ căn hộ bên bờ sông sang toà nhà Eden ở ngay bên trên Givral. Tại đây qua nhiều thời kỳ, những người hàng xóm của cô gồm Jack Reynolds, George McArthur, Lou Conein, Francois Sully và cả ông chủ người Ấn Độ làm nghề đổi tiền. Jolynne và Phạm Xuân Ẩn phát triển một tình bạn đặc biệt thể hiện ở chỗ, hai người thường xuyên có các cuộc thảo luận tại Givral về chó, cổ dề, thuốc chống bọ, thuốc giun, chính trị, lịch sử, thời sự, và thiên văn. Jolynne nuôi một con chó Dorberman to, màu đen đặt tên là Roscoe lần nào đến tiệm cà phê Givral gặp Phạm Xuân Ẩn cô cũng đều dắt chó theo. Còn Phạm Xuân Ẩn, mỗi lần đến tiệm cà phê Givral cũng dắt theo con chó Đức của mình. "Rất ít người đến gần làm gián đoạn câu chuyện của chúng tôi, vì có hai con chó to như thế đang ngồi bên bàn. Vì thế mà chúng tôi có những cuộc trò chuyện tuyệt vời", Phạm Xuân Ẩn nhớ lại.
Sau khi không làm việc cho Việt Tấn Xã nữa, Jolynne dạy văn học Anh cho Đại học Sài Gòn. Bà kể lại với tôi rằng, có lần một trong trong số các sinh viên của mình bị giam ở nhà tù Côn Sơn vì bị tình nghi là Việt Cộng. Sinh viên này bị ốm, mắc bệnh lao nặng và rất cần thuốc. Jolynne mang chuyện đó nói với Phạm Xuân Ẩn khi hai người ngồi uống cà phê ở tiệm Givraì. Phạm Xuân Ẩn bảo với Jolynne để ông đi lấy thuốc và sẽ trở lại khoảng ba giờ chiều. Sau đó, có một người mang thuốc đến. Jolynne nói với tôi: "Tôi nhớ rất rõ Phạm Xuân Ẩn là người dễ cảm thông và luôn quan tâm chăm sóc người khác. Chẳng biết người sinh viên đó có nhận được thuốc không, nhưng Phạm Xuân Ẩn cứ làm như vậy đó".
Jolynne bảo Phạm Xuân Ẩn dùng căn hộ của cô ở bên bờ sông để hai mẹ con ông đến ở tránh những ngày loạn lạc, nhưng Phạm Xuân Ẩn bảo chỗ đó không an toàn. Jolynne và Pierre liền dàn xếp để ông Ẩn đến ở tại nhà riêng của Tuỳ viên quân sự Pháp, ngay sau nhà của Jolynne, nhưng ông quyết định không nhận lời mời này. Trước khi ra đi, quà chia tay Jolynne tặng cho Phạm Xuân Ẩn là một cuốn sổ tay thú y thực hành. Ba mươi năm sau, Phạm Xuân Ẩn rút cuốn sổ tay này từ trên giá sách của mình và bảo tôi chụp ảnh ông đang cầm cuốn sách đó như một món quà cho người bạn quí của mình. Ông vẫn thường xuyên sử dụng cuốn sổ tay thú y thực hành để chữa trị cho các con vật nuôi của ông.
Có nhiều lý do để Phạm Xuân Ẩn phải lo cho tính mạng của mình. Người bạn thân của ông là Nguyễn Hùng Vương đã có thời làm việc cho CIA và đã dàn xếp để ra đi vì biết rõ hậu quả sẽ như thế nào đang chờ những người đã từng cộng tác lâu dài với người Mỹ. Vương nói với Phạm Xuân Ẩn rằng ông ta phải ra đi vì ai cũng biết ông là một phóng viên người miền Nam Việt Nam làm việc cho người Mỹ. Nhiều năm trước đó, Vương đã cố gắng tuyển mộ Phạm Xuân Ẩn vào mạng lưới của CIA, nhưng không thành công. Chỉ cần cái tội có quan hệ như vậy cũng đủ để cho bất cứ người Cộng sản nào cũng thấy cần phải giam ông trong một thời gian dài rồi. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi không biết Cộng sản và họ cũng không biết tôi. Tôi sẽ làm gì nếu một cán bộ chĩa súng vào tôi? Tôi không thể nói với họ rằng: "Hoan nghênh các đồng chí đã trở về, tôi đã từng chờ đợi 20 năm rồi, nhiệm vụ của tôi đến đây là hết. Tôi chỉ muốn được như Tarzan, ra đi cùng với con Jane của tôi và những con vật nuôi của tôi và hãy để cho tôi yên". Tôi đã quá mệt mỏi. Tôi không thể nói với họ về nhiệm vụ bí mật của mình, bởi vì họ sẽ phá lên cười và biết đâu lại bắn tôi ngay vì cho tôi là một thằng điên, sinh ra tại một bệnh viện tâm thần ở Biên Hoà cũng nên. Tôi phải tiếp tục cuộc chơi và hy vọng câu chuyện của tôi sớm đến được Sài Gòn. Ngoài ra, tôi cũng biết rằng khi an ninh đến hỏi tôi về vợ tôi và gia đình tôi. Tất nhiên, tôi sẽ nói rằng tôi đã gửi vợ, con tôi sang Mỹ rồi. Khi đó, họ sẽ không bao giờ tin tôi là người cùng bên với họ. Chắc họ sẽ giết tôi giống như thui con chó của tôi để làm thức ăn cho bữa tối".
Cuối tháng 4, Phạm Xuân Ẩn nói với Shaplen: "Với tôi Sài Gòn là nhà của mình". Ông nói đùa rằng "những người chim và châu chấu" đã hứa chăm sóc ông. Sau đó ông bảo: "Tôi đã sống lâu như vậy là đủ rồi". Sau này Shaplen viết: "Ông ấy muốn nói gì? Dù sao thì ông ấy đã ở lại có thể rắc rối". Tôi hỏi cháu Phạm Ân về câu Phạm Xuân Ẩn nói tới những người châu chấu nghĩa là gì, cháu cho biết: "Ba muốn nói đến những người buôn bán chim và châu chấu. Khi người ta mua cái gì đó mà lúc nào cũng ra mua tại cùng một nơi, thì sẽ phát triển được mối quan hệ tốt trong thời gian dài. Ba cháu đã tỏ ra luôn hào phóng với những người buôn bán chim và châu chấu này và trở thành bạn thân của họ".
Thời gian quân đội Bắc Việt Nam sắp tấn công vào Sài Gòn chỉ còn tính bằng ngày. Phạm Xuân Ẩn nói với Shaplen: "Các chiến thuật rất nhanh. Đây là 1968 và 1972 kết hợp". Bác sĩ Trần Kim Tuyến nói với Shaplen rằng "Ít nhất, cũng sẽ có khoảng từ 200.000 đến 300.000 người bị giết. Một số khác sẽ bị đưa đến trại tập trung". Vương bổ sung thêm "Tôi nghĩ sẽ không có sự giết chóc ngay, nhưng sau này thì có".
Một trong số các phóng viên ra đi là nhà báo Laura Palmer: "Tôi phải nói lời chia tay với ông Phạm Xuân Ẩn tại bậc cửa khách sạn Continental. Tôi đi cùng với một nhóm nhà báo tới chỗ hẹn để được đón đi di tản. Tôi không hề ngoái cổ nhìn lại". David Greenway nhớ lại: "Trong ngày cuối cùng rối loạn của chế độ Việt Nam Cộng hoà, Phạm Xuân Ẩn là người Việt Nam cuối cùng tôi nhìn thấy trước khi tôi đáp chuyến máy bay trực thăng tại Đại sứ quán Mỹ. Từ trên cao, tôi nhìn xuống những đường phố ướt sũng nước mưa với những đám lửa cháy do đạn thừa vứt trong các thùng rác cháy bị nổ từ phía xa".
Trưởng phân xã Tạp chí Time Roy Rowan vẫn còn nhớ câu nói cuối cùng mà Phạm Xuân Ẩn đã nói với ông khi hai người cùng bước ra khỏi khách sạn Continental "Đừng lo. Cậu sẽ không sao đâu".
Phóng viên ảnh Tạp chí Time-Life Dick Swanson vừa từ nhà anh ở Bethesda bang Maryland, Hoa Kỳ, trở lại Sài Gòn. Anh đã từng đến Sài Gòn lần đầu tiên năm 1966 và kết hôn với Germaine Lộc năm 1969. Phạm Xuân Ẩn đã dự đám cưới của họ. Germaine Lộc đang làm việc cho Đại sứ quán Nhật Bản thì gặp Nick Turner tại một cuộc họp báo năm 1962. Nick Turner đề nghị sẽ trả lương cao gấp đôi, nếu Germaine Lộc về làm việc cho Reuters. Germaine Lộc nói: "Tôi nhớ ngày đầu tiên tôi bước chân vào Văn phòng Reuters, Phạm Xuân Ẩn đang ngồi bên bàn của ông cạnh cửa sổ mở ra phía Catinat. Con chó Đức rất to ngồi bên cạnh ông, sủa lên gâu gâu khi nó nhìn thấy tôi, nhưng Phạm Xuân Ẩn bảo nó "ngoan nào", thế là con chó yên lặng lắng nghe. Phạm Xuân Ẩn rất thân thiện với tôi nói rằng "Tôi không ở đây nhiều đâu, do vậy cô có thể sử dụng bàn làm việc của tôi bất cứ lúc nào cô muốn". Khi chúng tôi làm việc cùng nhau, bất cứ lúc nào tôi cần thông tin gì là ông ấy luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi. Các phóng viên nước ngoài cứ đi theo ông ấy đến mọi nơi, vì ông luôn luôn sẵn sàng chia sẻ thông tin của mình cho họ".
Trước khi vào làm việc trong nghề báo chí, Germaine Lộc là y tá của Quân đội Việt Nam Cộng hoà, đã từng nhảy dù hơn hai mươi lần trong chiến đấu Cô là một trong số ít phụ nữ làm việc với tư cách cộng tác viên Việt Nam cho các Tạp chí Life, Look, hãng tin Anh Reuters và các Hãng truyền hình NBC, CBS, ABC. Lộc là người chống Cộng sản khét tiếng thế mà cho đến tận ngày nay, bà vẫn còn là người bạn thân thiết của cả gia đình ông Phạm Xuân Ẩn, các con ông Ẩn đều gọi bà bằng "cô". Tháng 12/1970, bà Lộc rời Việt Nam để sang sống suốt đời bên Mỹ cùng với chồng. Theo dõi tình hình đang diễn biến ở Sài Gòn, Dick Swanson biết rằng ông phải trở lại để đưa mười hai thành viên gia đình nhà vợ ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Đã gần trọn hai ngày đêm Swanson không được ngủ khi ông đến gặp Phạm Xuân Ẩn tại Văn phòng Tạp chí Time. Swanson nhớ lại: "Tôi hỏi ông ấy theo cách nói rút gọn bằng tiếng Việt: Nếu ở lại gia đình tôi và tôi liệu có an toàn không? Ông Phạm Xuân Ẩn trả lời rằng "có thể". Swanson cười và nói rằng cách ông ấy trả lời "giống hệt như khi ở nhà tại Bethesda tôi hỏi Germaine Lộc nhà tôi rằng "nhà mình có đá không?", "Có" - cô ấy trả lời. Nhưng khi tôi đến tủ lạnh và mở khay đá ra thì thấy khay đầy nước. Bà Lộc nhà tôi lúc ấy nói "Chúng ta có đá, nhưng là đá chưa đông".
Sau đó, Swanson đã hỏi Phạm Xuân Ẩn một câu mà anh đã từng muốn hỏi trong nhiều năm trước đó: "Ẩn này, chiến tranh kết thúc rồi. Ngày mai, ngày mốt, ngày tiếp theo nữa. Bất cứ lúc nào. Chúng ta đã quen biết nhau trong chín năm rồi. Anh có thể nói cho tôi biết anh là người của phía bên kia phải không?".
Phạm Xuân Ẩn đáp: "Tôi là người Việt Nam. Tôi không quan tâm đến những người Cộng sản. Tôi muốn ở lại đây".
Swanson hỏi: "Sắp tới, anh có vấn đề rắc rối nào với Cộng sản không?".
Phạm Xuân Ẩn trả lời: "Vào những thời điểm như lúc này, sự hiểm nguy có thể đến từ mọi phía".
Swanson nói: "OK, rất tốt khi biết rằng nếu tôi bị kẹt lại ở Sài Gòn thì còn có một trong số những người bạn tốt nhất của tôi là một người Cộng sản".
Phạm Xuân Ẩn mỉm cười.
Sau này, Phạm Xuân Ẩn nói với tôi: "Tôi biết rằng nếu Dick Swanson không rời Sài Gòn vào ngày 30/4, thì người ta cũng sớm tống cổ anh ta đi chẳng bao lâu sau đó. Đối với Dick, việc anh ta trở về Mỹ lúc nào thì chẳng có vấn đề gì, nhưng đối với người nhà của cô Germaine Lộc, thì việc ra đi sau đó sẽ không dễ dàng như vậy".
Đại sứ quán Hoa Kỳ đã thông báo cho tất cả các trưởng phân xã rằng khi nào đến thời điểm phải sơ tán khỏi Sài Gòn, thì Đài phát thanh của các lực lượng vũ trang sẽ phát một bản tin thời tiết đặc biệt nói rằng "Nhiệt độ là 105 độ, và đang tăng lên!". Việc sơ tán sẽ lên đến cực điểm khi Đài phát thanh của các lực lượng vũ trang phát đi bài hát "Đêm Giáng sinh trắng" của nhạc sĩ Irving Berlin do Bing Corsby trình bày. Sáng ngày 29/4/1975, khi các phóng viên và tất cả những người Mỹ còn ở lại Sài Gòn thức dậy đã nghe bản nhạc này phát trên Đài phát tranh các lực lượng vũ trang ở Sài Gòn. Đại sứ quán Mỹ khẳng định: "Đã đến giờ. Mọi người phải rời khỏi đây ngay?".
Bác sĩ Trần Kim Tuyến bị lỡ nhiều cơ hội để đi. Vợ ông, bà Jackie và các con đã sang Singapore dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Anh. Trong 12 năm qua, ông Trần Kim Tuyến khi thì ở trong tù, khi thì bị quản thúc tại gia. Ông vẫn còn ở Sài Gòn vì một số người ủng hộ ông và bạn bè của ông đã bị tống giam từ đầu tháng 4 vì bị vu cáo có âm mưu đảo chính và chống lại Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Ông Trần Kim Tuyến không chịu rời miền Nam Việt Nam nếu không có sự đảm bảo rằng những người đó được thả.
Bác sĩ Trần Kim Tuyến ở vị trí cao trong danh sách của CIA về những người di tản. Đầu mối quan hệ với CIA của Trần Kim Tuyến là William Kohlmann, người đã đưa ra lời đảm bảo rằng CIA sẽ không bỏ ông ta. Tuần trước đó, bác sĩ Trần Kim Tuyến đã gặp Kohlmann ít nhất hai lần, bao gồm cả lần Kohlmann đến nhà Phạm Xuân Ẩn để gặp Trần Kim Tuyến.
Nhưng chính bản thân Kohlmann có khó khăn trong việc ra đi. Do mắc bệnh đậu mùa cách đây hai mươi lăm năm, giờ đây ông ta đi lại chậm chạp với đôi nạng và không sử dụng được cánh tay phải. Ông Kohlmann cần có thêm thời gian và người giúp đỡ lên máy bay trực thăng. Vào thời điểm Trần Kim Tuyến đã chuẩn bị sẵn sàng để ra đi vào ngày 29/4, thì ông Kohlmann đã đi trước rồi.
Từ nhà riêng của mình, Trần Kim Tuyến trước hết tìm cách liên lạc với các sứ quán Anh, Mỹ, Pháp, cũng như với các bạn nhà báo, nhưng tất cả các đường điện thoại đều đã bị cắt. Trần Kim Tuyến tìm đến một tiệm cà phê nhỏ trên đường Công Lý có một điện thoại vẫn còn làm việc được. Ông ta cố gắng điện thoại cho sứ quán Mỹ, nhưng đường dây bị tắc nghẽn.
Cuối cùng, Trần Kim Tuyến nối được máy với Bob Shaplen tại khách sạn Continental. Shaplen cho biết đang trên đường đến Sứ quán Mỹ và hứa sẽ làm hết sức mình để đưa tên của Trần Kim Tuyến vào danh sách các phóng viên nước ngoài cần di tản vào cuối giờ buổi sáng hôm đó. Shaplen bảo Trần Kim Tuyến về nhà xếp đồ tư trang vào một chiếc vali để có thể mang theo và trở lại khách sạn Continental lúc 11 giờ sáng.
Lúc Trần Kim Tuyến trở lại thì các phóng viên đang được lệnh phải lên xe buýt đỗ trước cửa khách sạn để đi Tân Sơn Nhất, lên máy bay trực thăng di tản. Shaplen nói: "Hết hy vọng rồi". Shaplen đã không thể đưa được tên của Trần Kim Tuyến vào danh sách các phóng viên nước ngoài. Shaplen cố gọi cho Sứ quán Mỹ một lần nữa, nhưng sau mười phút chờ đợi, các phóng viên ngồi trên xe buýt trở nên sốt ruột. Đến giờ đi rồi. Shaplen chỉ còn đủ thời gian móc trong túi quần mình tất cả tiền còn lại rồi đưa cho Trần Kim Tuyến cùng với một chiếc chìa khoá dự trữ của phòng mình tại khách sạn. Shaplen nói với Trần Kim Tuyến: "Ở cùng với Ẩn". Một trong những dòng viết cuối cùng của Shaplen trong sổ tay của ông ghi: "Tôi rời khách sạn Continental lúc 10 giờ 15 phút. Chờ đợi. Tony (tức Trần Kim Tuyến) và Nghiêm cùng ngồi trong phòng trước khi tôi rời. Nói với họ ở đấy với Ẩn và đưa cho Tony thông tin đến ngay số nhà 22 phố Gia Long (cuối cùng ông ta có đến đó, hy vọng không quá trễ)".
Trần Kim Tuyến tới Văn phòng Tạp chí Time hỏi Phạm Xuân Ẩn có đi di tản không? Ông Ẩn trả lời: "Không. Tạp chí Time đã đưa vợ con tôi ra khỏi đây rồi. Giờ tôi không thể nào đi được. Mẹ tôi già quá, lại ốm nữa, bà cần có tôi bên cạnh. Tất nhiên, anh phải đi".
Một người bạn thân khác của Phạm Xuân Ẩn là Cao Giao đến chơi. Vợ ông là người đã mai mối cho Phạm Xuân Ẩn lấy Thu Nhàn. Cao Giao ra sức cam đoan với Phạm Xuân Ẩn và Nguyễn Hùng Vương rằng chế độ mới sẽ có cái nhìn thuận lợi đối với những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc. Cao Giao nói: "Tại sao các anh phải ra đi? Chả có gì mà phải sợ cả". Phạm Xuân Ẩn biết hơn, nói: "Không. Không thể như vậy. Các anh phải đi ngay?".
Phạm Xuân Ẩn và Trần Kim Tuyến quyết định tìm cơ hội khác bằng cách trở lại Sứ quán Mỹ. Lên chiếc xe hơi Renault màu xanh lá cây của Phạm Xuân Ẩn, hai người lái tới đó, nhưng người đông đến mức không có cách nào để tiến gần đến cổng Sứ quán Mỹ. Buộc phải lái xe quay trở về Văn phòng Tạp chí Time để lục tìm trong tuyệt vọng một lần nữa từ những mối quan hệ của Phạm Xuân Ẩn, hy vọng gặp được ai có thể giúp đỡ. Nhưng các đường dây điện thoại đều bận hoặc không còn hoạt động. Trong sự bối rối, Trần Kim Tuyến gợi ý trở lại Sứ quán Mỹ một lần nữa xem sao. Nhưng khi đến nơi, tình hình còn tồi tệ hơn cả lần trước, nên hai người đành trở lại khách sạn Continental. Phạm Xuân Ẩn nói với Trần Kim Tuyến: "Trong trường hợp anh không thể đi được, thì anh đừng bao giờ trở về nhà anh nữa. Anh có thể về ở tạm nhà tôi".
Lúc đó độ khoảng 5 giờ chiều. Phạm Xuân Ẩn và Trần Kim Tuyến ngồi tại Văn phòng Tạp chí Time chẳng biết phải làm gì. Trần Kim Tuyến nói: "Tôi đang nghĩ tới vợ và các con tôi ở Singapore. Chắc tôi không được gặp lại vợ con tôi nữa".
Chợt điện thoại trên bàn làm việc của Phạm Xuân Ẩn đổ chuông. "Giáo sư thấy đấy, lại một ngày may mắn nữa; lần này là cho Trần Kim Tuyến" - Phạm Xuân Ẩn nói với tôi. Chuông điện thoại đó là từ phóng viên Dan Southerland của tờ Christian Science Monitor điện thoại cho Phạm Xuân Ẩn xem tinh thần của ông Ẩn có vững vàng không và kiểm tra về việc di tản. Trước khi ngắt lời Dan Southerland, Phạm Xuân Ẩn nói: "Dan này, chúng tôi cần anh giúp đỡ đây? Tôi không có thời gian cho bất cứ việc gì khác. Nhanh lên, xem anh có thể liên hệ với Sứ quán Mỹ và bảo với họ rằng bác sĩ Trần Kim Tuyến vẫn còn đang ở đây với tôi và rằng họ cần phải đưa ông Trần Kim Tuyến ra khỏi đây ngay. Hãy gọi cho Đại sứ nhé". Trước khi cúp máy, Trần Kim Tuyến bảo để cho ông ta nói chuyện với Dan Southerland. Hai người nói với nhau bằng tiếng Pháp. Dan Southerland hứa sẽ làm tất cả những gì có thể và bảo Phạm Xuân Ẩn cùng Trần Kim Tuyến đừng làm đường dây bận, mà hãy ngồi chờ bên máy để ông ta gọi lại.
Phạm Xuân Ẩn và Trần Kim Tuyến ngồi lặng yên trong khoảng ba mươi phút thì điện thoại đổ chuông. Dan Southerland đã liên hệ được với Sứ quán Mỹ và đã nói chuyện với Trưởng Trung tâm CIA là Tom Polgar. CIA không thể đưa xe hơi đến đón Trần Kim Tuyến được, nhưng ông Trần Kim Tuyến phải rất khẩn trương trở lại ngay Sứ quán Mỹ. Tom Polgar sẽ chờ Trần Kim Tuyến và khẳng định rằng tên của ông Tuyến đã được đưa vào danh sách của đám lính thuỷ đánh bộ làm nhiệm vụ an ninh nơi cổng Đại sứ quán Mỹ đang giữ. Tom Polgar nói với Dan Southerland: "Bảo ông ta mang một túi hành lý thôi".
Tom Polgar dặn nếu Trần Kim Tuyến không thể đến Sứ quán Mỹ được, thì đến ngay số nhà 22 phố Gia Long. Đó là một toà nhà căn hộ được Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ sử dụng. Đây cũng chính là nơi mà Shaplen đã nói với Trần Kim Tuyến trước đó vài giờ đồng hồ. Tầng trên cùng của toà nhà này được Phó Trưởng Trung tâm CIA sử dụng và lúc này được sử dụng làm bãi đỗ cho máy bay trực thăng chở người đi di tản. Tên của Trần Kim Tuyến cũng được đưa vào danh sách tại đó. "Nếu ông không đến được đây, thì phải đến đó ngay. Chuyến trực thăng cuối cùng sẽ đến đó rất nhanh. Trần Văn Đôn đang ở đó cùng với khoảng hai mươi hay ba mươi người khác".
Trần Văn Đôn từng làm Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu. Và thật mỉa mai, ông ta còn là một nguồn tin bí mật của Phạm Xuân Ẩn trong thời gian dài. Sau khi trao quyền lực cho Minh "Lớn" ngày 29/4, Trần Văn Đôn có nhiều khó khăn trong việc chạy di tản ra khỏi miền Nam Việt Nam. Đầu tiên, ông ta gọi cho Ted Overton làm việc trong Văn phòng CIA đặt trong Sứ quán Mỹ. Ted Overton bảo Trần Văn Đôn đến toà Đại sứ Mỹ ngay. Vợ của Trần Văn Đôn đã chạy sang Pháp, nhưng con trai của ông ta, một vận động viên đi bộ, đang ngồi ở nhà chờ ba về. Trần Văn Đôn về nhà vội vàng lấy được chiếc vali rỗng trong thư viện, mang theo được cuốn hồi ký của mình và một ít tiền trước khi cùng con trai chạy bổ đến Sứ quán Mỹ.
Lúc Trần Văn Đôn tới được toà Đại sứ Mỹ, thì tình hình ở đó lộn xộn cũng giống như khi Phạm Xuân Ẩn và Trần Kim Tuyến đến. Trần Văn Đôn bèn điện cho Ted Overton và được nói cho biết rằng cần lái xe thẳng đến toà nhà Văn phòng mà Sứ quán Mỹ đã thuê. Nhưng khi cha con Trần Văn Đôn tới nơi, thì ở đó mọi người đã đến quá đông, nên máy bay trực thăng không thể hạ cánh được. Ted Overton liền đưa cha con Trần Văn Đôn tới nhà của Polgar, nhưng tại đó cũng quá đông người rồi. Tiếp đó, Overton liền gợi ý Trần Văn Đôn trở lại toà Đại sứ, nhưng đi bằng cổng bên. Trên đường đi, Trần Văn Đôn bị những người Việt Nam khác cũng đang tìm đường đi di tản phát hiện liền bám theo. Một đoàn xe hơi, người chạy bộ ùn ùn theo Trần Văn Đôn đến toà Đại sứ quán Mỹ, nhưng chính ông Đôn cũng không thể vào bên trong được. Trong một cú điện thoại tuyệt vọng gọi cho Ted Overton, Trần Văn Đôn được Overton hướng dẫn đến số nhà 22 phố Gia Long đó là cơ hội cuối cùng dành cho ông ta. Khi tới đây, Trần Văn Đôn đã may mắn gặp được những người Nùng làm việc cho CIA đang đứng gác. Họ nhận ra Trần Văn Đôn nên cho vào ngay. Một số người Nùng cực kỳ trung thành với người Mỹ và thường làm việc cho các chương trình của các cơ quan dân sự Hoa Kỳ, các đơn vị đặc nhiệm Mỹ, các đơn vị an ninh bảo vệ toà Đại sứ quán Hoa Kỳ, và những cơ sở nhạy cảm khác. Khi Trần Văn Đôn lên được đến tầng thượng của toà nhà, thì Phạm Xuân Ẩn và Trần Kim Tuyến đi xe hơi cũng vừa đến được toà nhà. Trần Kim Tuyến đã không gặp may như Trần Văn Đôn, những người lính gác đã đóng cổng và khoá lại.
Phạm Xuân Ẩn liền phanh gấp cho xe hơi cho dừng lại nhảy ra quát: "Theo lệnh của Đại sứ, người này phải được cho vào". Những người lính gác trả lời rằng không một ai khác nữa được phép vào trong. Trên nóc nhà chiếc máy bay trực thăng cuối cùng chuẩn bị cất cánh. Trên sân thượng toà nhà, nhân viên CIA có tên là O. B. Harnage đang thực hiện chuyến bay đón người di tản cuối cùng trong ngày. Anh ta cho chiếc máy bay trực thăng Huey màu bạc đỗ xuống phần mái tum của thang máy để vận chuyển mỗi lần mười lăm người ra phi trường Tân Sơn Nhất để các máy bay trực thăng lớn hơn chở họ ra các tàu chiến của Mỹ đang chờ ở ngoài biển Đông. Sau này, O. B. Harnage được thưởng một huy chương của CIA vì hành động anh hùng ngày hôm đó.
Tình hình có vẻ vô vọng. Nhưng khi cổng đang từ từ khép lại, Phạm Xuân Ẩn theo bản năng chạy lại dùng tay trái chặn cổng lại rồi lấy tay phải đẩy mạnh Trần Kim Tuyến với dáng người bé nhỏ chui qua cổng. Khe hở lúc đó chỉ còn khoảng chưa đầy 46 cm. Không có thời gian cho hai người nói lời tạm biệt và cảm ơn. Phạm Xuân Ẩn nói "Chạy", cùng lúc đó, hai hàng nước mắt bỗng lăn xuống gò má ông. Trần Kim Tuyến cũng khóc và chẳng thể nói được điều gì ngoài câu: "Tôi sẽ không bao giờ quên".
Thang máy trong toà nhà không hoạt động khiến Trần Kim Tuyến phải chạy bộ tám tầng mới lên đến sân thượng. Mệt đến đứt hơi, Trần Kim Tuyến không thể nói nên lời. Những người di tản cuối cùng đang bước lên máy bay trực thăng. Phạm Xuân Ẩn đứng bên ngoài lòng dạ rối bời lo Trần Kim Tuyến không kịp lên máy bay. Mãi đến khi ông nhìn thấy cánh tay của Trần Văn Đôn thò ra ngoài cửa đang mở. Trần Kim Tuyến nói: "Nhớ rằng người tôi thấp bé và lên không dễ dàng. Nhưng anh Đôn đã nhấc tôi lên".
Phạm Xuân Ẩn nói với Henry Kamm: "Tôi rất buồn vào ngày 30 tháng 4 đó. Tôi đã nói tạm biệt Trần Kim Tuyến. Hầu hết những người bạn của tôi đã ra đi và tôi biết rõ, những người không ra đi có thể sẽ gặp phiền toái". Trần Kim Tuyến cũng có những suy nghĩ tương tự: "Một cảm giác lạ. Rất buồn. Sau quá nhiều chết chóc, quá nhiều gia đình bị tàn phá, quá nhiều người Mỹ chết…".
Trần Kim Tuyến không thể không nghĩ đến một sự trớ trêu của chính ông ta (bên đối lập) với Trần Văn Đôn (Bộ trưởng Quốc phòng) đang ngồi cạnh nhau khi cả hai cùng rời miền Nam Việt Nam. Trên một chặng đường ngắn, hai người chẳng nói với nhau câu nào. Trần Kim Tuyến nhớ lại: "Chúng tôi không nói chuyện với nhau. Mọi người đều đang suy nghĩ. Buồn".
Tất nhiên, sự trớ trêu lớn hơn ở đây còn là hai người bạn, hai nguồn tin đáng tin cậy nhất của Phạm Xuân Ẩn lại đang ngồi đối diện nhau trên một trong những chuyến máy bay trực thăng cuối cùng rời Sài Gòn. Họ đang cồn cào lo ngại cho một người bạn của họ, nhưng họ chưa biết sự thật về Phạm Xuân Ẩn.
Giữa lúc đó, tại Sứ quán Mỹ, tình hình trở nên hoàn toàn hỗn loạn. Từ trên tầng mái của toà nhà Sứ quán Mỹ, thiếu tá thuỷ quân lục chiến James Kean mô tả cảnh tượng tương tự như trong bộ phim Trên bãi biển. Những chiếc máy bay trực thăng CH-46 Sea Knight và cả những chiếc lớn hơn CH-53 Sea Stallion đang vận chuyển những người di tản từ nóc toà nhà Sứ quán Mỹ ra hạm đội của Mỹ ở ngoài khơi. Cuối cùng, lúc 7 giờ 51 phút sáng, giờ Sài Gòn, một chiếc CH-46 sử dụng tín hiệu gọi Swift 22 để phát đi một bức điện cuối cùng: "Tất cả mọi người Mỹ đã ra khỏi, nhắc lại, ra khỏi".
Lúc 12 giờ 10 phút trưa, những chiếc xe tăng đầu tiên của các lực lượng Giải phóng xô đổ cổng Dinh Tổng thống(1). Trong vòng vài phút, cờ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời được kéo lên. Tổng thống cuối cùng của miền Nam Việt Nam là Dương Văn Minh, bạn cũ Minh "Lớn" của Phạm Xuân Ẩn, đang chờ để duy trì hơi thở cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn.
Đại tá Bùi Tín nói với Minh "Lớn": "Chính quyền cũ đã hoàn toàn sụp đổ. Ông không thể bàn giao cái mà ông không có. Các ông phải đầu hàng ngay tức khắc".
Để làm giảm sự căng thẳng giữa những người Việt Nam với nhau, Bùi Tín hỏi Minh "Lớn": "Ông có còn chơi tennis nữa không và ông đã sưu tập hoa phong lan thế nào mà có được đến hơn sáu trăm loài". Bùi Tín hỏi Minh "Lớn" vì sao tóc ông để dài, trong khi ông đã từng thề là sẽ để tóc ngắn chừng nào mà Nguyễn Văn Thiệu còn làm tổng thống. Minh "Lớn" cười và nói rằng không còn nghi ngờ gì nữa, miền Bắc đã thắng trong cuộc chiến tranh này, tình báo của họ đã luôn làm cho họ được thông tin đầy đủ.
Minh "Lớn" là một trong những nhà lãnh đạo của miền Nam Việt Nam được yêu thích nhất.
Trở lại tháng 10/1971, Phạm Xuân Ẩn đã thuyết phục Minh "Lớn" không nhận với tư cách một nhà lãnh đạo của phái trung lập ra tranh cử với Nguyễn Văn Thiệu. "Minh "Lớn" đến gặp tôi để được nghe lời khuyên của tôi. Ông ta là bạn của tôi và ông ta biết tôi sẽ đưa ra sự phân tích khách quan. Tôi đã nói rằng Thiệu cần ông ra tranh cử để làm ra vẻ cuộc bầu cử cạnh tranh nhau sát nút. Nếu Minh "Lớn" ra tranh cử ông ấy sẽ đóng vai trò giống như một tấm thảm đỏ cho người Mỹ. Người ta cần ông ta tham gia để cuộc bầu cử có vẻ như là dân chủ. Nhưng sau khi ông ta thất bại thì người Mỹ sẽ dẫm lên ông ta, giống như bước trên một tấm thảm đỏ. Người Mỹ cần Nguyễn Văn Thiệu thắng cử. Nguyễn Văn Thiệu là người của Mỹ". Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng lúc đó, Minh "Lớn" ra sức tranh luận, nhưng Phạm Xuân Ẩn nói: "Xem nhé, ông sẽ thất bại. Nhưng cho dù ông có thắng thì tôi cũng vẫn có tin giật gân cơ mà". Phạm Xuân Ẩn nói với Shaplen rằng "Minh "Lớn sẽ ra tranh cử, nhưng đến phút chót thì bỏ cuộc để giữ uy tín. Sau đó, ông ta sẽ trở về với những giò phong lan của ông ta… Dù sao thì các cuộc bầu cử cũng đều không chân chính cả, do đó những cuộc bầu cử ấy có gì khác nhau đâu?".
Ngày 3/10/1971, 87% của 7 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu đã tới các thùng phiếu để bầu cho một ứng cử viên duy nhất trong cuộc bầu cử. Nguyễn Văn Thiệu thu được 94% số phiếu. Vừa đúng với mong muốn của những người Cộng sản là làm mất lòng tin vào chế độ Sài Gòn.
Từ Dinh Tổng thống, Minh "Lớn" được chở đến một Đài phát thanh ở gần Dinh Tổng thống để phát một bức thông điệp rằng tất cả các lực lượng vũ trang của Việt Nam Cộng hoà hãy hạ vũ khí và đầu hàng vô điều kiện. Dương Văn Minh nói: "Tôi tuyên bố rằng Chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương đã hoàn toàn bị giải tán". Chế độ miền Nam Việt Nam không còn tồn tại nữa.
Vài thập kỷ sau, Dan Southerland nhớ lại cái ngày tháng 4/1975 ấy: "Phạm Xuân Ẩn vội vàng chở Trần Kim Tuyến đến địa chỉ đã dặn trước - đến sự tự do. Tôi có thể nói chắc chắn rằng, vào cái ngày cuối cùng ấy của cuộc chiến tranh, Phạm Xuân Ẩn đã giúp cứu mạng sống của một người từng ra sức chống lại những mục tiêu mà ông Ẩn đang bí mật theo đuổi và phụng sự trong suốt cả cuộc đời mình. Tôi sẽ luôn luôn nhớ tới ông Phạm Xuân Ẩn về điều đó".
Bác sĩ Trần Kim Tuyến sẽ không bao giờ quên những gì mà Phạm Xuân Ẩn đã làm tốt cho mình. Khi các bài báo xuất hiện nói về Phạm Xuân Ẩn hoạt động tình báo, Trần Kim Tuyến đã dễ dàng bỏ qua cho Phạm Xuân Ẩn. Sự biết ơn này được Trần Kim Tuyến bày tỏ trong một lá thư bí mật mà ông Henry Kamm giúp chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh. Phạm Xuân Ẩn nói: "Ông ấy cảm ơn tôi và nói với tôi là ông ấy đã hiểu. Tôi đã viết thư trả lời Trần Kim Tuyến rằng tôi không muốn nhìn thấy cảnh các con của ông ấy mồ côi, và tôi cũng đã biết vợ ông Trần Kim Tuyến trong một thời gian dài. Tôi cũng biết Trần Kim Tuyến yêu vợ ông ấy nhiều đến mức nào và cả hai người đều yêu nhau. Ông ấy là một người bạn, và chúng tôi đều là người Việt Nam, ông Trần Kim Tuyến đã giúp nhiều cho cả hai bên".
Sau này, Trần Kim Tuyến nói với các bạn rằng ông ta chỉ tin cậy hai người hơn bất kỳ ai khác, đó là Phạm Xuân Ẩn và Phạm Ngọc Thảo. Khi biết cả hai người này đều là những điệp viên cộng sản, Trần Kim Tuyến nói rằng nhìn nhận lại quá khứ, ông ta có thể nghi ngờ Phạm Ngọc Thảo. Nhưng ông không thể nào tin được rằng Phạm Xuân Ẩn đã làm việc cho Cộng sản. Phạm Xuân Ẩn không bao giờ để lại một bằng chứng nào, dù là nhỏ nhất".
Còn Phạm Xuân Ẩn thì nói với tôi: "Bác sĩ Trần Kim Tuyến là một người hành động theo trái tim. Vợ ông ấy đang có bầu. Ông ấy có thể rời Sài Gòn bất cứ lúc nào sớm hơn, nhưng Trần Kim Tuyến đã ở lại để giúp cho người của ông ấy được ra khỏi tù và vì thế mà việc ra đi của ông ấy quá muộn màng. CIA không thể giúp được ông ấy. Bob Shaplen cũng không thể giúp được Trần Kim Tuyến. Tất cả đều tuỳ thuộc ở tôi".
Ngay sau cuộc di tản, Peter Shaplen tìm kiếm trong tuyệt vọng các thông tin về nơi ở của cha mình. Peter Shaplen nghe được từ Trung tâm chỉ huy Hải quân tại Lầu Năm Góc và từ Vụ quan hệ Công cộng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rằng cha của Peter Shaplen đang ở một nơi nào đó trên biển Đông. Trong một lá thư thăm dò gửi tới căn hộ của cha mình ở Hong Kong, Peter Shaplen hỏi: "George McArthur đang ở đâu? Eva Kim, Thư ký của Đại sứ đang ở đâu? Hiện đang ở nơi quái nào tất cả những con chó ấy từ Sài Gòn? Chuyện gì đã xảy ra với 17 triệu USD vàng ở Sài Gòn? Số vàng ấy có được mang ra ngoài không? Vương đang ở đâu? Philippe Francini đang ở đâu? Vinh và gia đình anh đang ở đâu? Họ có ra di hàng loạt không? Francini có ở lại với khách sạn đó không? Phạm Xuân Ẩn có nhận làm việc cho tập đoàn Tạp chí Time, Inc. hay không? Gia đình của Ẩn thế nào? Keyes Beech đang ở đâu? Dannis Waner đang ở đâu? Danh Southerland đang ở đâu?".
Trên thực tế, Phạm Xuân Ẩn có nhận làm việc cho tập đoàn Tạp chí Time, Inc. Trong một thời gian ngắn, ông là phóng viên duy nhất của Tạp chí Time tại Việt Nam.
Một trong những phần ghi chép thể hiện rõ nhất của Bob Shaplen là đoạn ghi chép về ngày cuối cùng của ông với Phạm Xuân Ẩn tại Sài Gòn. "Ẩn - quần chúng nhân dân đang cần hoà bình hơn bao giờ hết, chứ họ không muốn tăng cường Chính quyền Sài Gòn. Quần chúng không muốn chiến tranh, chỉ muốn hoà hợp dân tộc". Phạm Xuân Ẩn luôn mơ ước về một nước Việt Nam thống nhất, hoà hợp dân tộc".
Đây là bức hình do Hubert Van Es chụp được. Người lên cuối cùng trong chuyến bay này là Trần Kim Tuyến.
Trước đó ít phút, Phạm Xuân Ẩn đã nhờ CIA đưa được Trần Kim Tuyến lọt vào ngôi nhà này.

(ảnh do Nguyễn Học sưu tầm)[If you looked north from the office balcony, toward the cathedral, about four blocks from us, on the corner of Tu Do and Gia Long, you could see a building called the Pittman Apartments, where we knew the C.I.A. station chief and many of his officers lived. Several weeks earlier the roof of the elevator shaft had been reinforced with steel plate so that it would be able to take the weight of a helicopter. A makeshift wooden ladder now ran from the lower roof to the top of the shaft. Around 2:30 in the afternoon, while I was working in the darkroom, I suddenly heard Bert Okuley shout, ''Van Es, get out here, there's a chopper on that roof!'']

 

Chú thích:

(1) 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 843 húc nghiêng cổng phụ dinh và bị kẹt tại đó. Bùi Quang Thận - Đại đội trưởng, chỉ huy xe 843, nhảy xuống xe, cầm cờ chạy bộ vào. Xe tăng 390 húc tung cánh cửa chính của dinh. 11 giờ 30 phút cùng ngày, Trung uý Quân đội Nhân dân Việt Nam Bùi Quang Thận đã hạ lá cờ Việt Nam Cộng hoà trên nóc dinh xuống, kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên. (NXB).