Khổng tước rừng sâu - Chương 16 --> 20

(16)


Tôi thuê nhà ở gần trường. Xét hình dáng và vật liệu, có lẽ là nhà cổ từ những năm 40. Căn nhà này ở trong một cái ngõ rất sâu, hai tầng, diện tích không lớn. Tầng dưới có một gian biệt lập, bên trong có phòng khách và bếp; tầng trên cũng có một căn phòng, bên ngoài có phòng tắm. Quanh nhà có tường bao cao chừng một mét rưỡi, cái sân nhỏ bên trong tường bao trồng vài loại cây cỏ.

Đặc điểm lớn nhất của căn phòng này, là cầu thang không nằm trong nhà, mà nằm ngoài sân sát cạnh tường bao. Cầu thang làm bằng xi măng, bề mặt không xử lý gì, vẫn giữ vẻ xù xì thô mộc. Qua nhiều năm dầm mưa dãi nắng, trông loang lổ mà cũ kỹ, có chỗ còn lún phún rêu.

Chủ nhà dọn dẹp qua loa căn phòng phía dưới, sau đó tống hết đống đồ linh tinh lên căn phòng ở tầng hai. Vì thế tuy bác ấy cho tôi thuê cả căn nhà, nhưng chỉ tính tiền phòng tầng dưới. Tiền nhà rất rẻ, tôi thấy thật may mắn; khuyết điểm duy nhất là tầng trên trông hơi âm u. Nhưng cũng không sao, tôi tính cho công ty điện ảnh mượn để quay phim kinh dị.

Ba ngày sau khi tôi dọn tới đây, Vỹ Đình rời khỏi Đài Nam, đến Đài Bắc làm việc. Trong một tuần sau khi nàng đi, tôi hoàn toàn không biết phải sống làm sao? Không biết phải ăn gì, không biết phải làm gì, không biết làm thế nào để ngủ được; càng không biết làm thế nào để thôi nhớ tới nàng.

Những giây phút ở bên nhau bỗng chốc trở nên quý giá, tôi bắt đầu hối hận đã không đủ trân trọng những giờ phút bên nhau trước đây. Thời gian rỗi của tôi khá là linh hoạt, thứ tư hay thứ năm đều được; nhưng thời gian rỗi của nàng nhất định phải là ngày nghỉ, mà ngày nghỉ cũng chưa chắc đã rỗi. Lúc vừa mới chia xa, cứ khoảng hai tuần là tôi lại lên Đài Bắc tìm nàng. Chúng tôi sẽ cùng nhau ăn một bữa cơm, đi dạo phố, xem phim, đi loanh quanh. Sau này khoảng cách này dần dần kéo dài ra, biến thành một tháng, thậm chí lâu hơn.

Nếu như mỗi ngày bạn nhìn một cái cây, lại nhìn liên tục một năm liền, có thể sẽ không thấy sự thay đổi của cái cây đó. Nhưng nếu như mỗi mười ngày hay là mỗi một tháng bạn mới nhìn cái cây đó một lần, có thể bạn sẽ phát hiện ra: thân cây thô rồi, cành cây to ra hoặc cong đi, lá nhiều hơn mà màu sắc cũng đậm hơn. Mỗi khi tôi gặp Vỹ Đình, đều có cảm giác này. Thậm chí có lúc, tôi còn cảm thấy cái cây này đã trở nên xa lạ. Có lần tôi tới Đài Bắc tìm nàng, hôm đó trời mưa, định ra ngoài đi loanh quanh lại phải thôi. Chúng tôi ăn ở một quán mỳ Ý, trong quán gần như không bật đèn, chỉ thắp nến trên bàn ăn. Vỹ Đình nhất định sẽ cho rằng rất lãng mạn, nhưng tôi thấy thắp nhiều nến như vậy chỉ làm cho không khí ngột ngạt hơn mà thôi. Trong ánh lửa nhạt nhoà, trông nàng thật xinh đẹp, một vẻ đẹp tôi chưa từng thấy trước đây.

Rời khỏi quán ăn, tôi cầm ô của nàng, cái ô hơi nhỏ, vì thế chúng tôi dựa sát vào nhau. Tôi rất ngạc nhiên vì nàng cơ hồ như đã cao lên, cúi đầu nhìn, mới phát hiện ra nàng đi giày cao gót. Có lẽ là vì nàng đi giày cao gót, nên tôi không còn dễ dàng nắm bắt được tốc độ đi của nàng, đành phải lúc đi chậm lúc đi nhanh, phối hợp với nhịp chân nàng. Hồi trước ở Đài Nam, đừng nói là bước chân, ngay cả nhịp thở của chúng tôi cũng đều giống nhau.

Chúng tôi không có mục tiêu rõ ràng, chỉ là đi loanh quanh ngõ ngách. Nhớ lần đầu tiên ăn cơm với nàng, ăn xong cũng đi lung tung không mục đích như thế này. “Nói thật đi.” Tôi nhớ tới lần nói chuyện đó, bèn dừng lại nói: “Chúng ta đi đâu bây giờ?” Liễu Vỹ Đình dừng chân quay đầu nhìn tôi, như cũng nhớ tới ngày hôm đó. “Nói thật nhé.” Nàng cười, “Em cũng không biết.” Tôi cũng cười, trong một phút ngắn ngủi ấy, chúng tôi cùng nhau quay về quá khứ.

“Chúng ta đi đâu đây?” Vỹ Đình nói, “Em không biết.”
“Hử?”
“Chúng ta đi đâu đây?” nàng lại nói, “Em không biết.”
Đang muốn hỏi sao nàng lại tự hỏi tự đáp những hai lần liền, nàng lại ngẩn ngơ rơi nước mắt. Tay phải tôi cầm ô giơ cao, tay trái ôm nàng vào lòng, vỗ nhẹ vào vai nàng.
“Anh phải đi rồi.” Nàng ngừng khóc, đẩy nhẹ tôi ra, sau đó lấy tay quẹt má, gượng gạo nở một nụ cười.

Lên taxi, vẫy tay với nàng qua cánh cửa xe khép chặt. Xe đi rồi, nàng cũng đi về phía trước, đó là nơi nàng quay về. Chiếc xe đi rồi lại dừng giữa dòng xe tấp nập trong cơn mưa, có lúc thậm chí còn chậm hơn tốc độ đi bộ của nàng. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, có một cảm giác cô đơn không diễn tả thành lời. Sau đó lại nhìn Vỹ Đình.

Nàng không hề nhìn tôi, chỉ bước về phía trước. Còn tôi cùng với nhịp xe lúc nhanh lúc chậm, có lúc nhìn thấy đằng trước, có lúc nhìn thấy lưng nàng. Chiếc xe dừng lại ở một ngã tư, con số trên đèn đỏ là 88, trời bỗng đổ mưa to. Kính xe càng lúc càng nhạt nhoà, bóng dáng Vỹ Đình cũng càng lúc càng xa, cuối cùng nàng đi vào một ngã rẽ. Khi đèn xanh bật lên, bóng dáng nàng đã không còn nữa.

“Bạn gái hả?” Bác tài xế hỏi.
“Ừm.” Tôi đáp.
“Sẽ gặp lại nhau ngay thôi.” Bác ta nói.
“Cảm ơn.” Tôi nhệch miệng cười. Sau đó tôi nhắm chặt mắt, hồi tưởng lại hình bóng nàng còn đọng lại trong đầu. Bóng dáng nàng có chút gì xa lạ, tôi không khỏi cảm thấy hoang mang.


(17)


Không biết bắt đầu từ khi nào, cảm giác ngọt ngào khi ở bên nàng dần ít đi. Hoặc là cảm giác ngọt ngào không hề mất đi, chỉ là cảm giác xót xa khi ly biệt quá lớn, nên trong ký ức về những lần gặp nàng ở Đài Bắc, xót xa chiếm phần lớn. Như cái lần ăn ở cái quán mỳ Ý kia, tôi không nhớ tên quán, không nhớ vị trí; cũng không nhớ đã gọi mỳ gì, mùi vị ra sao; nói chuyện gì không khí ra sao cũng chỉ nhớ láng máng một tí; nhưng tôi lại nhớ rất rõ, bóng dáng lẻ loi của nàng qua cửa kính xe mờ nước. Giống như là màu vẽ bị cho quá nhiều nước, bóng nàng dần tan vào xung quanh.

Gặp nhau đã không còn dễ dàng, chúng tôi đành chăm chỉ gọi điện thoại; nhưng hồi ấy chưa có điện thoại di động, tỷ lệ gọi điện thoại gặp được nhau chưa tới một nửa. Hơn nữa tỷ lệ này càng lúc càng thấp, bởi vì cuộc sống và công việc của chúng tôi dần dần khác biệt. Tôi vẫn sống cuộc sống nghiên cứu sinh ngày đêm đảo lộn, còn nàng mỗi ngày đều phải dậy sớm. Nếu như khoảng cách giữa chúng tôi đủ xa, xa như từ Mỹ tới Đài Loan, vậy thì chúng tôi sẽ không phải ngày nào cũng gọi điện thoại quốc tế xuyên đại dương nữa. Lúc này thỉnh thoảng mà nhận được thư hay điện thoại, đều hết sức vui mừng. Nhưng khoảng cách giữa chúng tôi chỉ là Đài Bắc và Đài Nam, không những ngày ngày đều phải gọi điện thoại, lại càng cảm thấy nếu không gọi điện thoại sẽ rất kỳ cục, hơn nữa sẽ không giống những đôi tình nhân nồng nàn thắm thiết.

Tiếc là trong điện thoại chúng tôi rất ít khi có chung đề tài, chỉ có thể chia ra nói về từng người. Tôi không hiểu những áp lực mà nàng phải chịu, chỉ có thể cố để hiểu; nàng đối với tôi cũng vậy. Khi một trong hai người cảm thấy vui vẻ, người kia chưa chắc đã có thể cảm nhận được vui vẻ; nhưng chỉ cần tâm trạng một người xuống dốc, người kia sẽ hoàn toàn bị truyền nhiễm, hơn nữa cũng sẽ truyền nhiễm lại. Nói cách khác, mức độ lan truyền niềm vui giữa chúng tôi yếu đi, mà mức độ lan truyền nỗi buồn lại mạnh hơn trước rất nhiều.

Thường muốn nói điện thoại nhiều hơn, nhưng cước điện thoại đắt tới mức không có nhân tính, khiến tôi đầy áp lực. Cuộc sống hàng ngày không có nhiều chuyện mới mẻ, vì thế những câu như kiểu có mệt không, có nhớ anh không, đã trở thành trợ từ sau những dấu chấm câu, dấu phẩy, dấu hỏi, dấu cách, dấu chấm than… trong điện thoại. Lâu dần, thậm chí mơ hồ cảm thấy gọi điện thoại chỉ để lấy lệ.

Anh nhớ em, anh rất nhớ em, anh cực kỳ nhớ em, anh không có giây phút nào không nhớ đến em… đây đã trở thành những lời tôi chắc chắn sẽ nói khi gọi điện thoại cho nàng. Mặc dù tôi thật sự rất nhớ nàng, nhưng lần nào cũng nói lại khiến tôi cảm thấy nỗi nhớ giống như một thứ đồ chẳng đáng giá. Vỹ Đình có lẽ cũng thấy thế, vì thế khi nàng nghe nhiều rồi, sẽ thấy tê liệt.

“Có thể nói thêm vài câu dễ nghe được không?” Ở đầu dây bên kia, Vỹ Đình luôn nói như vậy. Lúc đầu tôi sẽ rất cố gắng nói vài lời lãng mạn, tôi biết đó là điều nàng muốn nghe. Hoặc có thể vì ở hai nơi xa cách, nên nàng cần nhiều dinh dưỡng lãng mạn để duy trì sinh mệnh của tình yêu. Nhưng, nói những câu lãng mạn là con đường một đi không trở lại, chỉ có thể tiến về phía trước, hơn nữa còn phải không ngừng thay đổi cải tiến. Bởi vì tôi là người không dễ dàng nghĩ ra hoặc nói ra những lời lãng mạn.

Vỹ Đình đối với tôi rất quan trọng, khi tôi nói với nàng: em là ánh dương vĩnh viễn của đời anh, tuy một phần là vì muốn làm vui lòng nàng, nhưng trong lòng tôi thật sự nghĩ như vậy. Nhưng tôi không tài nào ngay lập tức tưới cho nàng đúng vào lúc nàng cần gấp dinh dưỡng lãng mạn được; càng không thể nào mọi nơi mọi lúc đều có thể moi trong tim mình ra đủ thứ lãng mạn khác nhau cho nàng. Tôi cần phải suy nghĩ, ấp ủ, cũng cần có tâm tình thích hợp.

Hơn nữa rất nhiều những câu lãng mạn, ví như tôi nguyện vì em hái sao trên trời, những lời này với tôi không phải là lãng mạn, mà là nói dối. Tôi không thể tự nhiên tự tại như không có chuyện gì hùng dũng sảng khoái nói ra những lời này. Miễn cưỡng bản thân nói ra mồm, chỉ bởi vì muốn nàng biết được nàng quan trọng với tôi đến thế nào mà thôi.

“Hình như anh đang nói cho qua chuyện.” Khi Vỹ Đình bắt đầu nói những lời này, tôi càng rơi vào tình trạng chán nản và mệt mỏi.

Vỹ Đình có vị trí vững chắc trong trái tim tôi, điều này tôi chưa từng hoài nghi. Tôi chỉ không tài nào dùng ngôn ngữ hay câu chữ để miêu tả cụ thể cái cảm giác trái tim được nàng lấp đầy. Cụ thể đã rất khó làm rồi, huống chi là lãng mạn?


(18)


“Sao anh lại là người chọn khổng tước, mà không phải là người chọn dê?” Lần đầu tiên nàng nói ra câu đó, tôi cảm thấy rất có lỗi với nàng; nhưng khi câu nói này gần như trở thành câu cửa miệng của nàng, tôi bắt đầu nổi giận. Bởi vì sợ khi nóng giận sẽ nói sai, vì thế tôi thường lựa chọn im lặng; mà khi tôi im lặng, nàng cũng không muốn nói gì. Vì thế trong điện thoại chỉ nghe thấy hơi thở của nhau. Nếu như kết thúc cuộc trò chuyện trong bầu không khí kỳ dị này, không chỉ lãng phí tiền điện thoại, mà còn khiến tâm trạng vô cùng tồi tệ. Mặc dù lần sau gọi điện, cả hai đều sẽ xin lỗi, nhưng luôn cảm thấy lời xin lỗi này chỉ là hình thức. Dần dần, đến xin lỗi cũng bỏ qua, coi như chưa từng xảy ra chuyện gì. Điều này cũng giống như nhìn thấy ổ gà trên đường, bước qua là không có chuyện gì, vẫn có thể tiến về phía trước, nhưng ổ gà càng ngày càng nhiều càng ngày càng to, bước về phía trước càng lúc càng khó, thậm chí căn bản không thể bước qua.

“Chuyện lãng mạn nhất anh đã làm, chính là viết thư tình cho em, nhưng lại chỉ có mỗi một bức.”
“Xin lỗi.” Tôi nói, “Anh không giỏi viết thư.”
“Không phải anh không giỏi, chỉ là lười viết mà thôi.” Vỹ Đình nói, “Chắc chắn anh biết con gái thích lãng mạn, vì thế mới viết bức thư đó để theo đuổi con gái.”
“Anh viết bức thư đó không phải để chơi trò lãng mạn, mà vì đó là cách duy nhất để tiếp cận em.”
“Không phải anh muốn tiếp cận em, là anh muốn tiếp cận đàn em của em – Lưu Vỹ Đình.”
“Em đừng có nói linh tinh!” Tôi bị chọc giận rồi.
“Nếu không tại sao khi anh gửi bức thư đó cho em, vẫn còn giữ cái phong bì thư viết tên Lưu Vỹ Đình?”
“Anh không cố ý, đó là… đó là…” tôi nhất thời cứng họng, không biết phải nói lý do gì.
“Không nói được lý do chứ gì?” nàng nói, “Khi đó nhất định trong lòng anh đang nhớ tới Lưu Vỹ Đình.”
“Đó là chuyện trước đây rồi.” Tôi thở dài nói.
“Nếu bây giờ anh vẫn còn thích cô ta, sao có thể gọi là “trước đây”?”

Tim tôi thót lại một cái, hoàn toàn không nói được lời nào.

“Xét cho cùng anh vẫn là người chọn khổng tước,” nàng thở dài, “tình yêu đối với anh căn bản không quan trọng.” Nghe nàng lại nhắc tới khổng tước, cánh cửa chặn đứng cơn tức giận trong đầu tôi đột ngột bật tung.
“Em nói đủ chưa? Có thể vứt ngay cái trắc nghiệm tâm lý vớ vẩn kia đi được không?”
Vỹ Đình nghe thấy giọng tôi không ổn, bèn không nói nữa.
Hai chúng tôi chìm vào trầm mặc hồi lâu.
“Tạm biệt.” Vỹ Đình phá vỡ sự im lặng, lập tức cúp máy.

Tôi sững sờ vài giây, hằm hằm ném điện thoại đi.

Hai ngày liền, tôi hoàn toàn không muốn gọi điện thoại cho Vỹ Đình, điện thoại cũng không reng. Ngày thứ ba tôi kiểm tra điện thoại, phát hiện ra nó không hỏng, do dự một hồi quyết định gọi đi. Nhưng chỉ mới ấn được bốn số bèn cúp máy, vì rất sợ lại giải tán trong buồn bực.

Đi ra khỏi phòng, dạo vài vòng quanh sân. Đang lúc đau đầu suy nghĩ làm cách nào để hoá giải tình thế ngượng ngùng, lại nhớ ra là sắp đến lễ tình nhân rồi, lần này đón lễ như thế nào đây? Càng nghĩ đầu càng to ra, bèn ngồi xuống bậc cầu thang. Ngước đầu nhìn lên căn phòng ở tầng trên, trong đầu bỗng nảy ra một ý.

Tôi lập tức chạy tới cửa hàng văn phòng phẩm mua mấy chục tờ bìa màu đỏ thật to, ít nhất phải một mét vuông. Về phòng, trải phẳng từng tờ bìa đỏ này ra sàn. Lấy bút chì và thước, đo đạc cẩn thận xong kẻ chi chít lên mặt sau của tờ bìa; lại dùng dao và kéo cắt thành từng miếng nhỏ dài 9cm, rộng 4cm. Tổng cộng chín nghìn chín trăm chín mươi chín miếng. Sau đó trên mỗi tấm bìa nhỏ đó viết ba chữ.

Quá trình nói thì đơn giản, nhưng trước sau làm tốn của tôi một tuần trời. Trong bảy ngày này, tôi tập trung tinh thần làm việc này, không gọi điện thoại cho Vỹ Đình; mà nàng cũng không gọi đến. Tôi chỉ một lòng muốn làm cho xong việc này, hy vọng đem đến cho nàng một sự bất ngờ thật lớn. Viết xong tấm bìa cuối cùng, tôi chán nản nằm vật ra sàn, cực kỳ mệt mỏi. Ngón cái và ngón trỏ của tay phải cầm bút tới mẩn đỏ, lại mọc thêm một cái mụn nước. Nhìn cái mụn nước trên ngón tay, tôi cảm thấy mí mắt nặng trĩu, ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Điện thoại bỗng réo vang, tôi lập tức tỉnh giấc, từ nền nhà bật thẳng dậy. Tôi biết muộn thế này chỉ có Vỹ Đình gọi tới, hít sâu một hơi lấy lại bình tĩnh mới nhấc điện thoại.

“Nói thật nhé.” Vỹ Đình nói, “Chúng ta chia tay đi.”

(19)


Tôi thất tình.

Thất tình có hai tầng nghĩa, tầng nghĩa thứ nhất chỉ việc mất đi người yêu; còn một tầng nghĩa sâu hơn, là chỉ việc mất đi tình yêu.
Tôi nghĩ tôi không những mất đi người yêu, e là cũng sẽ mất đi tình yêu.

Vỹ Đình từng nói với tôi, người chọn dê tuyệt đối sẽ không miễn cưỡng bản thân ở bên người mà họ không yêu, vì thế khi nàng nói chia tay, có lẽ sẽ không lưu lại một chỗ trống nào. Nếu đã như thế, tôi cũng không cần phải tìm mọi cách níu kéo.

Ngày thứ ba sau khi Vỹ Đình nói chia tay, tôi nhận được một bức thư. Phong bì rất lớn, là size A4, bên trong là bức thư tình tôi viết. Nói cho chính xác, là Thái Trí Uyên A4 đựng Liễu Vỹ Đình tiêu chuẩn, bên trong còn có Lưu Vỹ Đình bé xinh. Bức thư này đã làm tiêu tan tia hy vọng hàn gắn cuối cùng của tôi.

Ý nghĩ đầu tiên sau khi nhận được thư: đây là quả báo. Lưu Vỹ Đình từng nhận được bức thư này, khi cô ấy phát hiện ra đó chỉ là hiểu lầm, chắc chắn đã bị tổn thương sâu sắc. Bây giờ nó đi một vòng tròn, lại quay về tay tôi, đây có lẽ có thể gọi là nhân quả tuần hoàn. Trong vòng một tuần sau khi hoàn toàn xác định bản thân mình đã thực sự thất tình, trong đầu tôi chỉ toàn là hình ảnh và giọng nói của Vỹ Đình. Nghĩ tới sau này có thể không còn được nhìn thấy nụ cười ngọt ngào của nàng nữa, tôi chìm vào một bể sâu đau khổ, cả người không ngừng trượt xuống, trước mắt tối đen. Tôi để mặc làn nước đen ngòm của bi thương cuốn lấy tôi, không hề có ý nghĩ chống cự. Tận đến khi qua “ngày tuần” của cơn thất tình, tôi mới thử kháng cự từng chút một, thử phấn chấn lên một chút. Sau đó lại bắt đầu nghĩ tới ánh mắt của Lưu Vỹ Đình.

Có lẽ vì tôi có cảm giác áy náy rất sâu sắc với Lưu Vỹ Đình, nên sau khi Liễu Vỹ Đình đi rồi, khi tôi đã không cần phải cố gắng đè nén ý nghĩ nhớ tới Lưu Vỹ Đình nữa, tôi lại nhớ tới Lưu Vỹ Đình. Tôi rất muốn biết cô ấy đang ở đâu, đang làm gì, sống có tốt không? Những khát khao đó thậm chí có thể che lấp nỗi bi thương khi nhớ về Liễu Vỹ Đình.

Điều này không có nghĩa rằng trong lòng tôi, Lưu Vỹ Đình có địa vị lớn hơn Liễu Vỹ Đình, hai người họ không thể đem ra so sánh. Sự ra đi của Liễu Vỹ Đình giống như việc người thân mất đi, ngoài việc đối mặt để thoát khỏi đau thương, căn bản không còn cách nào khác. Nhưng Lưu Vỹ Đình giống như một việc quan trọng chưa hoàn thành, chỉ cần một ngày chưa làm xong sẽ mãi vương trong tim. Đó là một phần của quá trình trưởng thành, tôi nhất định phải hoàn thành nó, cuộc sống mới có thể tiến về phía trước.

Để chạy trốn nỗi đau khi nhớ về Liễu Vỹ Đình, tôi cố gắng nhớ lại những gì không vui vẻ khi ở bên nàng. Nếu như rất muốn quên một người nhưng lại gặp khó khăn, vậy thì thử nhớ về những điểm không tốt của người đó xem. Tuy đây là cách nghĩ yếu đuối, nhưng tôi thực sự không tìm ra cách nào khác để mình có thể phấn chấn hơn.

Nhưng trong những ký ức về Vỹ Đình, ngoại trừ sau khi nàng tới Đài Bắc chúng tôi thỉnh thoảng có tranh cãi ra, đa số hồi ức đều ngọt ngào, giống như nụ cười của nàng. Muốn lọc ra những điểm không tốt, ngược lại lại càng thấy rõ hơn những điểm tốt của nàng, điều này càng làm tôi thêm đau khổ. Khi tôi muốn từ bỏ cách nghĩ nhu nhược này, chuyển sang sử dụng chiến lược trốn tránh tiêu cực, tôi bỗng nhớ tới cuộc nói chuyện khi tôi cùng nàng ngắm mặt trời lặn ở biển An Bình lần đầu tiên:

“Cảm ơn em không từ chối anh.”
“Em không có cách nào từ chối sự lãng mạn.”

Có lẽ Vỹ Đình không hề tiếp nhận tôi, chỉ là nàng đắm chìm vào cảm giác lãng mạn của bức thư tình. Vì thế chỉ cần tôi không phải là người tồi tệ, nàng sẽ dễ dàng chấp nhận tôi. Khi chúng tôi ở bên nhau, tuy biểu hiện của tôi cũng không được tính là tốt, nhưng có lẽ đối với nàng, mỗi ngày được ở bên nhau cười cười nói nói chính là lãng mạn. Cùng với việc mỗi người một nơi, cơ hội gặp nhau ít đi, nhu cầu lãng mạn của nàng ngày càng tăng, vì thế khuyết điểm của tôi ở mặt này trở thành chí mạng.

Có lẽ như vậy không công bằng với nàng, nhưng lại khiến tôi cảm thấy tốt hơn một chút. Ít nhất tôi không cần phải ngày ngày tự vấn: Tại sao chúng tôi lại đến nông nỗi này, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, tại sao nàng lại rời xa tôi? Những câu hỏi này cứ như một vũng lầy, một khi đã sa vào sẽ càng lún càng sâu.


(20)


Sau khi quyết định làm lại cuộc sống, tôi đem bức thư nàng gửi trả lại cùng với mấy nghìn tấm thiệp nhỏ màu đỏ kia, cất hết lên gian phòng tầng trên. Như vậy tôi sẽ không phải trông cảnh nhớ người nữa, nhưng cũng chưa thể hoàn toàn dứt bỏ được đoạn hồi ức này.

Căn phòng tầng trên rất bừa bộn, tìm mãi không ra một góc sạch sẽ để để đồ. Vì muốn kiếm cho mình chút việc để làm, tôi dành ra hai ngày dọn dẹp một trận. Đem vứt hết những thứ chắc chắc không dùng đến đi, dọn dẹp sạch sẽ những thứ còn lại xong, tôi đắc ý ngắm nghía diện mạo của căn phòng.

Một chiếc giường đơn kê sát tường, trên bức tường đối diện có một cửa sổ rất to, miễn cưỡng có thể gọi là cửa sổ sát đất, bởi vì bệ cửa sổ chỉ cách mặt đất có 10 phân. Kéo rèm cửa ra, nằm trên giường nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy ngay một cái cây cành lá xum xuê phía sau nhà. Khi có gió, cành lá đập nhẹ vào cửa kính, phảng phất có thể nghe thấy âm thanh.

Tôi lắng nghe một lúc lời thì thầm của cỏ cây, toàn thân thả lỏng, rồi chìm vào trong mộng. Khi tỉnh lại lưng đã quay về phía cửa sổ, còn mặt thì sắp dính vào bức tường sát giường, trước mắt lại có một đám đốm đen đen. Đeo kính vào nhìn kỹ, thì ra ở góc hơi khuất trên tường viết rất nhiều chữ, giống như có hàng ngàn con kiếu đen đang bò trên tường.

Những dòng chữ này giống như là nhật ký tâm trạng, chứ không hời hợt như những dòng chữ viết trên tường nhà vệ sinh hay trên các khu thắng cảnh. Những lời trên tường chui ra từ một góc rất sâu trong tim, biến thành chữ, từng từ từng chữ ghi lại trên tường. Số chữ của mỗi đoạn không giống nhau, có đoạn chưa đến mười chữ, có đoạn gần cả trăm chữ, nhưng ở cuối đều ghi ngày tháng. Những đoạn chữ này viết trên tường không theo quy luật thời gian nào, hơn nữa khoảng cách thời gian cũng không cố định, có lúc ba ngày viết một lần, có lúc cách hơn nửa tháng. Ban đầu người viết có lẽ là muốn bày tỏ, nên tìm đại một khoảng trống để ghi lại tâm sự.

Vì chữ viết rất nhỏ, tôi phải mất nửa tiếng đồng hồ mới xem hết.
“Tao phải đi rồi. Đi tìm một bức tường khác có thể cùng tao chờ đợi.” Đây là câu cuối cùng người đó viết, thời gian là một năm trước khi tôi dọn đến căn nhà này.
Tôi nghĩ anh ta nhất định là một người rất cô đơn, chỉ có thể tâm sự với bức tường, hơn nữa những tâm sự này hầu như đều không vui vẻ. Hoặc cũng có lẽ lúc vui vẻ anh ta không có thói quen viết tâm sự, nhưng với người đọc một mạch như tôi mà nói, chỉ cảm thấy anh ta rất cô đơn. Đối với người đang đắm chìm vào nỗi bi thương sau khi Vỹ Đình rời xa như tôi, không khỏi có cảm giác đồng bệnh tương lân.

Tôi dụi dụi đôi mắt cay xè, nhìn ra cái cây bên ngoài cửa sổ thêm một lần nữa, rồi rời giường tìm một cây bút, viết lên trên tường: “Chính thức chia tay Vỹ Đình, khổng tước phải học cách xoè đuôi.” Sau đó ghi lại thời gian.
Từ đó chỉ cần không thể rũ bỏ nỗi đau thương khi nhớ tới Vỹ Đình, tôi bèn viết lên bức tường đó. Kể ra cũng lạ, chỉ cần tôi viết xong, bèn cảm thấy vô cùng sảng khoái. Xét về một ý nghĩa nào đó, bức tường này giống như nhà xí của tâm hồn, tuy rằng so sánh như thế có chút thô bỉ. Dần dần, thời gian giữa các lần viết ngày càng dài ra, lý do viết cũng ngày càng không liên quan đến Vỹ Đình.

Tôi rất cảm kích bức tường đó, nó khiến tôi có thể tự do bộc lộ sự bi thương trong lòng. Sự bi thương này tích tụ lâu ngày trong lòng sẽ không lên men thành rượu ngon, mà lại càng ngày càng đắng chát. Chỉ có giải toả đúng lúc đúng cách, mới có thể thoát khỏi bi thương. Tôi đem tôi của quá khứ lưu lại trên tường, bắt đầu đối diện với mỗi một ngày mới. Nếu đã không thể thoát khỏi hình tượng khổng tước, vậy thì làm một con khổng tước xoè đuôi vậy.

Bên ngoài bỗng vang lên tiếng chuông cửa, tôi ra khỏi phòng, mở cửa sân.

“Vinh An!”
Tôi rất ngạc nhiên, không khỏi thốt lên.
“Anh bạn.” Vinh An đứng ngoài cửa cứ cười ngu ngơ mãi, nói: “Lúc gọi tên tớ, xin đừng thêm quá nhiều tình cảm vào.”

Tuy Vinh An chỉ là bạn đại học của tôi, nhưng khi đó tôi lại cảm thấy cậu ấy giống như người thân lâu ngày gặp lại.