Sài Gòn Lovestories - CHƯƠNG 05: BÊN NHAU SÀI GÒN
Sài Gòn ban đầu chỉ là địa danh chỉ khu vực quận 1, quận 3, cũng như Chợ Lớn là khu quận 5, quận 6 nhưng sau này, Sài Gòn là chung, là cái tên dân dã của thành phố Hồ Chí Minh vẫn thường dùng trên văn bản hay những ngữ cảnh trang trọng. Trong khi nói chuyện với bạn bè, nếu một người dùng cụm từ “Thành phố Hồ Chí Minh” sẽ gây ra những suy đoán như:
a)Anh/cô ta là người ở xa mới đến
b)Anh/cô ta bị ngộ chữ
Nếu người đó thực sự mới đến thành phố này thì tốt hơn bởi hình như người Sài Gòn không ưa những kẻ ngộ chữ. Họ thích những thứ đơn giản rồi nhiều cái đơn giản ấy tạo thành một hệ thống giá trị linh động, uyển chuyển thay vì những hệ thống vững chãi và cứng nhắc. Ở khoản này thì người Sài Gòn cũng thật khôn ngoan bởi cả ngàn năm nay, người Việt Nam vẫn có câu lấy nhu thắng cương, lạt mềm buộc chặt là gì?
Sài Gòn là thành phố đa diện, ở đó tồn tại đồng thời nhiều mâu thuẫn. Cô yêu con đường Đồng Khởi hay Nguyễn Huệ lấp lánh đèn hoa những ngày lễ tết cũng nhiều như hẻm nhỏ bình dị một đêm xuân. Sài Gòn huyên náo và lặng lẽ. Sài Gòn tự tin cho cái mới và cũ sánh đôi mà chẳng sợ lố lăng như thể Diamond đã xanh biếc hồn nhiên bên cạnh Nhà thờ Đức bà cả trăm năm rồi vậy. Cô yêu Sài Gòn từ góc nhìn toàn cảnh trên quán cà phê tầng 23 khách sạn Sheraton nhiều như từ vỉa hè một công viên. Nếu có ai đó hỏi cô, nét đặc trưng văn hóa của Sài Gòn là gì, cô sẽ trả lời là “văn hóa đường phố”. Cứ đi đi, ra đường lớn, rẽ đường nhỏ, lê la hẻm vắng, anh sẽ biết văn hóa của chúng tôi.
Người Sài Gòn ưa đi lại là lý do giữa giờ làm việc những ngày trong tuần mà đường xá lúc nào cũng tấp nập. Họ ra đường để đến nơi cần đến, ra đường để giải tỏa stress, ra đường để gặp nhau hay thậm chí chỉ đơn giản là ra đường để nhìn người khác cũng ra đường. Nghe thì hơi buồn cười nhưng cứ thử dong xe vào trung tâm thành phố những đêm Noel mà xem những con đường chật ních toàn người (mà những năm gần đây còn lấp loáng nón bảo hiểm) hí ha hí hửng rủ nhau đi mà chẳng có điểm đến cụ thể rồi lại nhăn nhó vì kẹt xe để rồi năm sau lại rủ nhau đi để xem năm sau có đông vui như năm trước hay không.
Khởi đầu từ cái tâm lý ưa di chuyển ấy mà người Sài Gòn dễ dung nhập những người từ nơi khác đến đây. Những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ 20 thì cũng có một số phân biệt, nhưng hiện tại, bất kể một người từ đâu đến, nói tiếng địa phương thế nào thì anh ta vẫn có một cơ hội công bằng để lập thân ở Sài Gòn. Cô thầm nghĩ, giả sử, chỉ giả sử thôi, một ngày nào đó Sài Gòn được đem ghép chung với Bình Dương hay Long An thì cũng có cái kiểu mỉa mai phân biệt Sài Gòn 1, Sài Gòn 2 hay Sài Gòn phẩy. Chỉ những người thiếu tự tin, thiếu năng lực hoặc thiếu cả hai mới sợ bị ảnh hưởng bởi người khác trong khi những người tự tin và giỏi giang biết không sớm thì muộn người khác cũng bị mình tác động.
Cô để dòng suy nghĩ lan man trong khi nhâm nhi một tách cà phê ở HUB. Cuốn sách đang mở ra trên bàn nhưng rõ ràng hôm nay không phải ngày thích hợp để đọc, chỉ vài ngày gần đây, cô đã đi được những bước dài hơn cả chục năm qua. Đôi khi cảm giác áy náy nhen nhúm trong suy nghĩ nhưng rồi nó lại bị dập tắt bởi niềm hân hoan rằng ước mơ bấy lâu của cô sắp được hiện thực hóa thông qua bản hợp đồng của cô và Minh. Mọi thứ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian dài, cô tin là mình sẽ thành công. Cung đã giương ra, hễ thả ngón tay là mũi tên sẽ vun vút lao đi, xé gió ù ù và xuyên thẳng vào con mồi.
Anh bước vào quán và thấy cô đang lơ đễnh nhìn ra cửa sổ. Trong ánh sáng buổi chiều đang nhảy nhót xuyên qua khung cửa kính, gương mặt cô thật hài hòa, con người cũng toát ra một vẻ thư thái khác hẳn với dáng vẻ sôi nổi, ưa tranh luận thường ngày. Nói thế chứ “thường ngày” của anh cũng chưa chỉ là một tuần quen nhau. Suốt từ hôm chủ nhật gặp nhau ở Hàn Thuyên, họ không gặp lại nhau anh cũng không nghĩ tới cô và bản hợp đồng nhiều cho đến tối hôm qua, khi mẹ anh thủ thỉ “Con ơi, mai là thứ bảy, đưa Ngọc về ăn cơm tối với nhà mình nhé” còn bà nội anh thì đe dọa “Bận gì thì bận, tối mai hai đứa phải có mặt ở đây, về sớm ăn sớm, về trễ thì ăn trễ, đừng để bốn thân già chịu đói.” Thế là sáng nay anh vội vã gọi điện hẹn cô lúc 4h ở HUB.
HUB là một quán mới mở năm ngoái trên đường Cộng Hòa, tuy hơi xa trung tâm nhưng lại khá đặc biệt vì nó là một quán cà phê sách. Người ta có thể nhận ra tinh thần quán trước khi bước vào bên trong vì ở phía trên mặt tiền quán được trang trí bằng những cuốn sách trông như thật cao cả mét. Anh vẫn thường đến đây một mình khi rảnh rỗi vì thích cái không gian rộng giữa những kệ ngang dọc được kê khéo léo giúp khách dễ dàng chọn lựa một cuốn nào đó để đọc trong khi nhấm nháp cà phê. Những kệ sách này rất phong phú thể loại và nội dung cũng ổn bù lại cho việc thức uống không có gì đặc sắc. Anh ước chừng ở đây có cả vạn quyển sách văn học, triết học, chính trị ... chưa kể là khách tới đây còn có thể đọc trực tuyến trên máy vi tính với một thư viện online liên kết từ nhiều nguồn dù anh vẫn ưu tiên lối đọc truyền thống hơn.
-Đang nghĩ gì vậy nhóc?
-Em nghĩ xem anh hẹn em ra đây là có ý định ăn sống hay nướng chín rồi mới ăn. –cô gái nghiêng đầu nhìn anh.
Anh thấy hơi bối rối mất năm giây vì trong ánh sáng tuyệt đẹp đang hắt vào và từ vị trí ngồi đối diện, anh có thể nhìn thấy lớp lông măng trên đôi má bầu bĩnh của cô. Hình như sự trẻ trung mượt mà của cô đang chiếm vị trí áp đảo, cũng phải, mười một tuổi – khoảng cách này đâu có hẹp. Anh hơi lo lắng vì mình bị đẩy xuống thế hạ phong nhưng như mọi khi, anh nhanh chóng lấy lại phong độ và giải thích cho cô hiểu tình thế ngày mai.
-Rồi, vậy mai anh đến đón em lúc 6h nhé.
-Nhưng bà và mẹ anh mời em sang ăn tối chứ có phải ăn sáng đâu.
-Em đồng ý xuất hiện ở nhà anh thì anh cũng phải làm gì đó cho em chứ, như thế gọi là có đi có lại mới toại lòng nhau.
Thế là thay vì lái xe đi Long Thành, anh lại ra khỏi nhà từ sớm, tới nơi, đã thấy cô đứng vẫy tay rối rít ở ban công tầng 2 rồi giơ ra 5 ngón tay lên ra hiệu cho anh chờ thêm 5 phút. Anh không sốt ruột vì dù sao anh luôn đến trước giờ hẹn tối thiểu 12 phút. Cô chui vào xe anh, vẫn như mọi khi, áo pull cộc tay và quần jeans.
-Em chẳng bao giờ mặc váy à, Tiểu Nguyễn?
-Hứ, ai bảo anh thế chứ? Khi nào cần ra dáng em cũng mặc váy còn đi với anh thì cần gì?
-Em lúc nào cũng trả lời anh bằng câu hỏi cả.
-Anh thấy khó chịu à?
-Đấy, lại nữa –anh ngao ngán lắc đầu và nghĩ rõ ràng cô không phải một bài thơ Haiku mà là một đoản văn trúc trắc có nhiều dấu chấm hỏi hơn cả dấu phẩy và dấu chấm câu.
Theo chỉ đạo của cô, anh lái xe ra phía nhà thờ Đức bà hơi ngạc nhiên vì không lẽ cô gái này lại nghiện cà phê tới mức lôi anh ra ngồi bệt uống cà phê vào giờ này một ngày thứ 7 hay sao. Nhưng anh nhầm, vì lần này cô lại săm săm bước tới vườn hoa phía trước Nhà thờ, tìm một cái gờ bao xi măng quanh một mảnh cỏ xanh mướt còn ướt sương sớm và ngồi xuống. Anh cũng đành co chân ngồi cạnh cô.
-Em bắt anh ra đây chỉ để ngồi thế này thôi hả?
-Chờ tí đi, anh sẽ thấy một cảnh hay lắm.
Vậy thì chờ. Thường thì sự chờ đợi làm anh khó chịu nhưng lần này, trong cái mát mẻ buổi sáng, anh đoán sẽ có cái gì đó thú vị đi theo cô gái này nên cũng yên tâm ngồi chờ. Rồi mắt cô sáng lên khi có một người đàn ông da đen nhẻm, mặc một cái quần vải màu xám và một cái sơ mi rộng ca rô rộng thùng thình, tiến lại trước tượng Đức Mẹ. Người ấy nhìn qua anh cũng biết là một người lao động phổ thông, đã luống tuổi, anh tự hỏi người đàn ông này thì có thể liên quan gì đến cô gái đang ngồi cạnh anh.
Thế rồi ông ta ngồi xổm xuống đất, vãi ra xung quanh một túm gạo và phát ra một tiếng kêu vừa giống vừa khác với tiếng gà mẹ gọi con. Chưa kịp ngó nghiêng xem có đàn gà nào gần Nhà thờ hay không thì một cảnh tượng xuất hiện làm anh ngạc nhiên thích thú: những cái vỗ cánh rợp không gian rồi cả đàn chim bồ câu hơn trăm con sà xuống vườn hoa, thi nhau mổ gạo vãi. Chúng tự nhiên và bình thản vây xung quanh và đậu lên vai, lên cánh tay, bàn tay người đàn ông nọ. Một lúc sau, ông lại phát ra những âm thanh lạ lùng và đàn bồ câu lại đập cánh vút bay lên những tán cây, lên mái hay những hõm tường Nhà thờ.
-Anh thấy sao? Hay chứ hả? –cô quay sang hỏi anh với nụ cười tự hào như Columbus tìm ra châu Mỹ.
-Đúng là hay thật, chẳng khác gì ảnh đàn chim trong những đoạn film về nước ngoài.
-Năm ngoái, em có việc đi ngang đây buổi sớm cũng ngỡ ngàng y như anh bây giờ. Sài Gòn lắm lúc cũng làm mình bất ngờ, anh nhỉ?
Anh khẽ gật đầu lắng nghe câu chuyện về người đàn ông và đàn chim câu quanh Nhà thờ Đức Bà. Người đàn ông ấy làm nghề xe ôm túc trực ở trước cửa Bưu điện thành phố và bắt đầu cho đàn chim ăn từ mấy năm nay. Không ai rõ là từ bao giờ mà ông và đàn chim có sự thông hiểu lẫn nhau qua những âm thanh kỳ lạ ấy. Cô gái tin rằng đó là sự tương thông xuất phát từ tình cảm chân thành còn anh thì cho rằng cô gái đã tô hồng mọi thứ, đây đơn giản chỉ là phản xạ có điều kiện như chuyện con chó của Pablov mà thôi nhưng cả hai đều thống nhất đây là một trong những nét đẹp đời thường của Sài Gòn. Hãy thôi chê người Việt Nam đi, nếu ở đây toàn những kẻ tham ăn, những kẻ lãnh cảm trước thiên nhiên hay toàn những người cố tình câm điếc trước tiếng gọi tự do của bầu trời thì hẳn đàn chim này chỉ còn lại vài con tinh khôn nhất trong khi bạn bè của chúng đã bị rô ti bóng lưỡng, chiên bơ thơm lừng hay nằm yên trong nồi cháo từ lâu rồi.
-Thế mà em không dặn trước để anh mang máy theo.
-Cần gì anh, có rất nhiều thứ không thể nhìn thấy bằng mắt, chạm thấy bằng tay. Lần đầu tiên em nhìn thấy cảnh bồ câu sà xuống cũng là hình ảnh đẹp nhất mà em giữ lại được trong ký ức mà chẳng có tấm ảnh nào có thể lưu được cái tinh thần ấy cả.
Nghe cô nói, anh cảm thấy cô gái trẻ này giống như một con búp bê Nga mà bố anh đã đem về làm quà sau chuyến đi công tác Liên Xô, cứ mỗi lần nở nắp nhìn vào lại thấy một con búp bê có màu sắc, họa tiết khác nhau, càng lúc càng lôi cuốn và thôi thúc người ta phải mở đến lớp cuối cùng. Ít nhất thì anh biết cô gái này có gì đó hiểu biết, sâu sắc trước tuổi, hoàn toàn khác so với những cô gái trẻ trung, hời hợt mà anh từng quen biết.
Uống hết một ly cà phê nóng, ăn xong một ổ bánh mì ốp la cũng nóng hổi bán ở vỉa hè, anh chở cô về. Hình như ở Sài Gòn, chẳng ai ngạc nhiên khi thấy những người đi ô tô, ngồi vỉa hè, ăn uống những thứ bình dân bao giờ. Trước khi vào nhà, cô dặn với theo:
-Chiều em tự đến nhà anh là được rồi.
-Như vậy có được không?
-Có gì không được nào? Em biết nhà anh rồi
Anh không ngạc nhiên lắm, lần hẹn thứ 7 – vậy cô là một trong những cô gái mà mẹ anh nhắm nhe theo đúng lịch phân công chẵn/lẻ của bà nội và mẹ, do đó, cô ta “nên” biết nhà anh ở đâu. Hèn gì anh cảm thấy cô gái đó có gì đó quen thuộc ngay từ đầu, chắc hẳn là anh đã nhiều lần vô tình gặp cô ở đâu đó trong các mối quan hệ xã hội nhằng nhịt của gia đình.
Buổi tối hôm ấy và vài buổi gặp gỡ khác tại nhà anh diễn ra rất vui vẻ, bà nội anh còn chẳng thèm giả vờ phản đối người do con dâu giới thiệu nữa kia. Anh cũng sang nhà cô hai lần, không có gì nghiêm trọng và cũng chưa có ai đả động đến mục đích lâu dài của bố mẹ hai bên. Mọi người vẫn giả vờ tạo ra một không khí tự nhiên và khấp khởi tin là đấy là điều kiện thích hợp nhất để nảy nở một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Có lúc anh nghĩ anh và cô rất xứng đáng được trao giải Oscar cho nam và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong sê ri truyền hình thực tế này.
*
**