Người Trung Quốc xấu xa


Tác giả: 
Dịch giả: 
Danh mục sách: 

Tác phẩm “Chõu lòu de Zhong Gúo rén” (“Xấu lậu đích Trung Quốc nhân”) của Bo Yang đã được Nguyễn Hồi Thủ dịch và xuất bản tại Nhà xuất bản Chân Mây Cuối Trời, Paris 1998, với nhan đề “Người Trung Quốc xấu xí”, tác giả là Bá Dương, sau được Nhà xuất bản Văn Nghệ, California, 1999 tái bản. Bản dịch của Nguyễn Hồi Thủ theo bản của Nhà xuất bản Hoa Thành, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, năm 1989-1990.

Đầu năm 2002, Nữ Lang Trung hoàn thành một bản dịch khác, với nhan đề “Người Trung Quốc xấu xa”, tác giả là Bách Dương, hiện chưa được xuất bản trọn vẹn tại Việt Nam, tuy đã được trích đăng vài kì trên Văn Nghệ Trẻ. Bản dịch này theo bản của Nhà xuất bản Văn nghệ Thời đại, Trung Quốc, 1987.

Lời người dịch

Tôi là Nữ Lang Trung (tức Dư Thị Hoàn, hội viên Hội nhà văn Việt Nam). Nay gửi tới quý Ban bản thảo dịch cuốn “Người Trung Quốc xấu xa” của Bách Dương* (nhà văn Ðài Loan) từ nguyên bản tiếng Trung, xuất bản 1987 tại đại lục Trung Quốc.

*Tôi không dùng tên Bá Dương, vì chữ Bá trong tiếng Việt còn gánh vác thêm nhiều nghĩa không hợp với xuất xứ của bút danh Bách Dương (cây bách, cây dương).

Bách Dương nổi tiếng ở Ðài Loan và hải ngoại từ những năm 70 - 80. Nhờ chính sách cải cách mở cửa, nhà nước Trung Hoa đại lục đã xuất bản và tái bản rộng rãi tác phẩm của ông. Tác phẩm Bách Dương đã gây sửng sốt, choáng váng và thu hút hàng triệu độc gỉa của một đất nước có nền văn hóa trường tồn cùng lịch sử 5.000 năm bề thế. Khiến người đọc liên tưởng đến sức công phá và sức chinh phục mang tính thời đại của cây bút tạp văn bậc thầy Trung Quốc - Lỗ Tấn, cùng với “A Q chính truyện”.

Ðã có người dịch tác phẩm Bách Dương sang tiếng Việt và tôi đã đọc họ. Thật là thiếu sót, nếu chân dung ông Bách Dương hiển hiện trước độc giả Việt Nam chỉ là hình ảnh một nhà cải cách văn hoá, tư tưởng, mà sao nhãng Bách Dương chính là một nhà văn có phong cách. (Tôi có dẫn chứng một số câu dịch lủng củng, dịch tùy ý, thậm chí dịch ngược dịch sai trong bản dịch của Nguyễn Hồi Thủ - ở Pháp - khi đối chiếu với nguyên tác.)

Tôi cho rằng, việc dịch một tác phẩm văn học có giá trị (được khẳng định), không phải là đem nội dung cốt truyện của nguyên tác kể lại bằng giọng điệu của mình (cũng có thể giọng kể của họ chưa chắc không hấp dẫn. Họ có đầy đủ cơ hội trở thành Nguyễn Du thứ hai, nhưng quyết không phải người thành công bằng dịch văn học), mà phải đảm nhiệm vai trò của một dây dẫn, truyền đến người đọc toàn bộ sự rung chuyển huyết mạch của tác giả qua nội dung tác phẩm đó, tức là giá trị nghệ thuật của nguyên bản, là của riêng tác giả (chứ không phải của dịch giả), bất khả xâm phạm.

Vị trí nhà văn của Bách Dương được xếp chiếu trong lịch sử văn học Trung Quốc nghiêng về thể loại tạp văn. Qua ngòi bút cứng cỏi, sắc nhọn đến sâu cay, nhưng uyển chuyển, lưu loát, lại dung dị và hài hước nữa, Bách Dương đã khởi động một cuộc “tẩy não” quan niệm văn hóa truyền thống bằng lay động từ chính nhịp đập của con tim lương thiện và can trường.

Trong bài giới thiệu thân thế sự nghiệp nhà văn Bách Dương của Lý Trình có một câu cứ đeo bám tôi mãi: “Qua giọng châm chích mỉa mai, cười cợt thóa mạ bề ngoài, ta cảm thấy nhịp đập lương tri của những người tri thức mang cốt cách chính nghĩa của dân tộc, mang lòng yêu giống nòi quê hương thiết tha được đậy che thầm kín...” Chính vì những điều cảm thấy, đậy che bị day dứt, tôi đã dịch Bách Dương và dịch lại Bách Dương.

Linh Đàm, Hà Nội

Tháng 1-2002

Đánh máy: vnthuquan.net

Sửa chính tả và Chuyển sang: capthoivu

Thông tin Ebook

Nguồn: e-thuvien.com

Ebook: http://daotieuvu.blogspot.com

Thực hiện bởi

Nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Thảo Little – Du Ca - H.y

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)