Thương nhớ Mười hai


4
Tác giả: 

Đời mà có một người vui cái vui của mình, buồn cái buồn của mình chẳng là đủ rồi sao? Có tâm sự trong lòng, lặng nhìn nhau không nói mà cùng cảm biết, thế chẳng là đủ rồi sao?

Có lẽ khởi đầu cho bài viết bằng chút tự sự của tác giả "Thương nhớ mười hai" là quá hoàn mỹ, quá đam mê. Cũng giống như ngày Xuân hửng nắng ngoài sân có người đàn bà ta yêu ửng hồng hai chỏm má đưa quần áo lạnh ra phơi. "Người đàn bà chậm rãi vuốt ve từng cái tà áo, lồng nhỏ nhẹ từng cái khuyết vào cái khuy rồi xếp vuông vức áo nọ lên quần kia, như thể sợ động mạnh thì quần áo sẽ không còn vẹn tuyết trinh, vì nhầu nếp lụa". Giản dị nhưng đẹp quá! Tưởng chừng như có thể "chết ngay đi được"!

Lúc còn trẻ, thú thật, cũng giống như biết bao người khác, khi nghe nói đến "Thương nhớ mười hai", tôi cứ ngỡ đó là một cuốn tiểu thuyết tình cảm. Mà thể loại đó tôi thực sự chẳng mấy mặn mà đối với văn học trong nước. Chẳng thể được như "Cuốn theo chiều gió", "Tiếng chim hót trong bụi mận gai", "Nếu còn có ngày mai", hay "Martin Idon"... Rồi lại được biết loáng thoáng là không phải tiểu thuyết tình cảm mà là nói về món ăn. Cũng chẳng phải là đề tài tôi quan tâm. Và tôi nghĩ rằng cũng khó có thể nào bằng Nguyễn Tuân viết được. Rồi một ngày mưa gió giữa Thu, dầm mình trong mưa và cái lạnh se se từ năm giờ sáng tới tận hai giờ chiều ở một khu sản xuất của trại giam X, tỉnh Quảng Bình. Tôi đứng trông những người tù làm việc, trong mưa gió cũng chỉ có mỗi một chiếc mũ trên đầu. Họ lầm lũi thực hiện công việc của mình bỏ mặc ông trời tha hồ trút giận.

Có khi nào những hạt mưa nặng hạt, nặng hơn hạt mưa Thu Hà Nội, cùng với cái gió quất rát mặt mày làm cho họ liên tưởng phần nào đến sự trả giá chăng?

Cũng vì dậy sớm chưa kịp ăn gì, cái đói như làm cho cái lạnh ngấm sâu hơn, len lỏi hơn. Tuy không đến mức tê tái nhưng cũng đủ để cho ốc mọc đầy mình, hắt hơi dăm cái. Tôi chui lên xe tránh gió, vô tình "Thương nhớ mười hai" nằm đó. Tôi lần tới "Tháng Tám"...

"Gặp những ngày trời đất xuống màu như thế, người khách xa nhà, cả trăm người như một, đều thấy buồn tê tê trong lòng mà tự nhủ "Ờ, đúng là mùa Thu ở Bắc... Trời này có rượu ngon đem uống thì tuyệt trần đời!"".

Chỉ chừng đó thôi cũng đã đủ đưa hồn người lữ khách như tôi chạy tuột một mạch về Hà Nội, ngồi xo ro một góc hồ Thiền Quang mà nhâm nhi ly rượu ấm, đủ để đọc một mạch hết cả cái "Tháng Tám". Cái tháng rất đỗi đặc trưng của mùa Thu Bắc Việt. Cái tháng có "Cái buồn mùa Thu lê thê, cái buồn mùa Thu tê mê, làm cho người ta chán sống. Ấy là vì gió Thu buồn nhưng trời Thu lại đẹp, đẹp nhất là trăng Thu, đẹp đến nỗi làm cho người ta buồn nhưng vẫn cứ muốn sống để hưởng cái bàng bạc trong khắp trời cây mây nước - nếu chết đi thì uổng quá".

Đọc sang "Tháng Chín"...

"Tôi nhớ lại những buổi chiều vô liêu tháng Chín, trở lạnh gió lê thê buồn, không đi ra ngoài, ăn cơm xong, tráng miệng bằng cam rồi không biết làm gì ngồi châm một ngọn đèn dầu lên hút thuốc rồi lấy những cái vỏ cam bóp vào ngọn lửa; nước ở trong vỏ tia ra làm bùng ngọn lửa đèn, tạo cho mình một sự thích thú và hồi hộp đến kỳ lạ."

Vài dòng vậy thôi, Vũ Bằng ơi hỡi Vũ Bằng! Ông đã đưa tôi về tận cái thôn heo hút vùng quê nghèo có những con người chịu thương chịu khó, có những cánh đồng cằn cỗi hanh hao của những năm 80 còn chưa có ánh điện. Ông đưa tôi vào cái xó bếp đầy tro xám và mò hóng(1) huyền nhung. Nơi có bà mẹ già đang hong hai bàn tay xương xẩu lên bếp lửa liu riu khói. Nhìn thấy cậu con trai út, bà mẹ như sực nhớ điều gì, lần tay vào lưng quần lụa lấy ra hai quả tắt(2) vàng óng lận ở trong đó suốt từ chiều hái được ở một cây dại trên đường đi dạy về. Khẽ một quả làm hai, người con kính cẩn đưa cho mẹ một nửa quả hãy còn ấm hơi mẹ. Hai mẹ con cùng nhẩm nhẩm từng múi tắt nhỏ xíu chua chua và hỏi nhau xem chuồng gà đã đóng cửa chưa? Nhẩm hết hai quả tắt cũng là lúc người con bắt đầu trò chơi bùng lửa. Bóp cái vỏ tắt cho the bay vào bếp, ngọn lửa khẽ bùng lên rồi xẹp xuống. Một ngọn lửa bùng to hơn bình thường, mắt người con sáng lên thích thú, người mẹ khẽ nói "Ôi chao, cấy vỏ mỏng rứa mà lắm the hẹ!"...

***

Vũ Bằng là vậy đó! Tôi đã đọc "Bốn mươi năm nói láo", "Cai", "Văn hóa gỡ", "Miếng ngon Hà Nội", và giờ là "Thương nhớ mười hai". Ông đưa tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Luôn thông minh, hoạt kê, trào phúng nhưng luôn chân thực, sâu sắc. Lẩm cẩm, tỉ mẩn đến tinh tế. Dân dã, đời thường đến cao siêu...

Lần này tôi không đọc "Thương nhớ mười hai", mà tôi thưởng thức, tôi nhâm nhi, một cực phẩm có lẽ còn tuyệt hơn cả "Bát trân"(3).

"Thương nhớ mười hai"không chỉ là mười hai tháng trong một năm với trời cây mây nước, với biết bao phong tục tập quán, bao thói quen từ dân dã tới thanh tao của người Bắc Việt (*) (đôi khi cũng xen lẫn cả miền Nam), mà còn là cả tâm tình thương nhớ của một người chồng dành cho người vợ thất lạc xa xôi. Mà người chồng lại là một kẻ hư hỏng sa đà được quay trở lại nhờ sự tận tình thương yêu của vợ. Vũ Bằng thật khéo lồng ghép giữa tâm tư tình cảm bản thân, gia đình và thời tiết khí hậu, cái ăn cái mặc...

Giá trị gia đình to lớn được ông viết thật nhỏ nhẹ:

"... Ăn một miếng cá như thế, muốn nói gì thì nói, cũng phải nhận là thú vị không tả được, mà vừa nhắm nhót vừa thấy thú vị trong lòng, ngon một mà cũng thành ra ngon mười, gia đình dù có túng thiếu ít nhiều cũng vẫn chan hòa một bầu không khí vui tươi ấm cúng...".

"... Mà người vợ, hình như cảm thông với chồng từ khóe mắt, từ tiếng cười, mặc dầu không thốt ra miệng cũng cảm thấy trong tim như có tiếng hát bé nhỏ vọng ra:

Nhà em có vại cà đầy,

Có ao rau muống, có đầy chĩnh tương.

Dẫu không mỹ vị cao lương,

Trên thờ cha mẹ dưới nhường anh em.

Một nhà vui vẻ êm đềm.

Đói no trong cảnh không thèm lụy ai.

Hay lắm. Cơm hôm nay thường thôi, nhưng mà hay vì món cá mòi. Người chồng chếnh choáng lên trên gác đi nằm trước, vỗ vào cái chậu sứ Giang Tây trồng một gốc thanh tùng cổ thụ mà hát một mình.

Bữa ăn có cá cùng canh,

Anh chưa mát dạ bằng anh thấy nàng."

Đọc vậy thì ai nỡ ghét vợ? Ai không yêu chồng? Ai không day dứt khi chưa nghĩ được vậy?

Ông viết chuyện của ông mà khiến người đọc cứ ngỡ như chính mình trong đó. Từ những chuyện rất đời thường, giản dị cũng được ông lột tả một cách chân thực, chính xác mà đẹp, đẹp và thật đến nỗi người đọc cứ tự hỏi "Mình đây sao? Đẹp vậy, hay vậy sao? Sao lúc đó mình không nhận ra nhỉ?"...

"Tháng Chạp" ông viết...

(Người chồng nói với vợ)"... Ờ thôi, em muốn là gì thì mặc, nhưng có mệt mỏi thì đừng có than phiền đấy!". "Nhưng cùng lúc nói câu ấy, người chồng thấy vợ đột nhiên đẹp trội hẳn lên, y như thể một thiên thần. Nghĩ cũng kỳ: ăn thì khểnh, ngủ thì ít, mà làm sao trong những ngày gần Tết, vợ mình lại nhanh nhẹn hơn, đôi mắt sáng hơn mà má cũng hồng hơn?..."

Tôi đọc tới đó mà cứ nghĩ đến những ngày rong chơi, kéo bè kéo bạn, bỏ mặc nhà cửa, vợ con. Giờ đây, vào những ngày giáp Tết, loay hoay rối rắm làm những việc đáng lẽ của mình mà bao năm vợ vẫn làm thay rồi lòng tự hỏi "Khá thay cho vợ mình, hai nách hai đứa, chồng đi biền biệt, công việc đầy đầu, sao vẫn vui tươi xinh đẹp? Con cái vẫn đủ đầy ngoan giỏi. Ngày Tết vẫn có bánh chưng xanh, khúc giò lụa, có nồi thịt bò rim mật ngọt xứ Nghệ, lại còn có cả chai mắm rươi đặc sản cũng từ xứ Nghệ, thơm lừng, để ăn chung với thịt ba chỉ luộc thái mỏng, cùng với rau thơm, ớt xanh, vài lát chuối xanh, dưa chuột, nhúm vỏ quýt tươi thái chỉ và củ gừng cũng thái chỉ. Cái món ăn giải ngấy mà chồng nàng ưa thích sau những ngày Tết thừa mứa rượu bia, đồ ngọt, đồ béo. Có cả những búp hương trầm quấn giấy trắng sọc đỏ chưa đốt đã tỏa hương vị Tết khắp nhà...

Hay có anh hàng xóm nào giúp?".

***

"Thương nhớ mười hai" còn đặc biệt hơn nữa với những "miếng ngon", là những đồ ăn thức uống. Chẳng phải là kỳ trân dị bảo, mà những "miếng ngon" của Vũ Bằng ngon ở cái bình dân, ở cái hợp thời, ở cái khả năng gợi nhớ và nhắc nhở. Ngon từ củ khoai mẹ lùi trong tro bếp những ngày đông giá, ngon đến "miếng chả nhái nhâm nhi với chén rượu mà rung đùi tưởng chừng như có thể gãy cả thang giường", ngon như con chim ngói úp trên nồi xôi "nếp cái mới" vào cuối Thu... Ngon tưởng có thể "chết ngay đi được!".

Ai đọc "Thương nhớ mười hai" trong một cái ngày mưa gió xa nhà, với một cái bụng đói cồn cào như tôi mới thấu hiểu hết cái giá trị đích thực bình dị của nó. Tôi vừa đọc vừa thương xót cho thân phận những người phụ nữ Việt Nam, vừa trách bản thân mình đã từng sống những ngày vô nghĩa, lại vừa chống đỡ với cái đói xé lòng trong khi miệng nuốt ừng ực nước dãi vì thèm. Mà chao ôi, nào có thèm cao lương mỹ vị gì đâu, tôi thèm miếng rượu nếp ủ men trong những ngày Tết Đoan Ngọ có những hạt nếp căng tròn như "con rệp ăn no bụng sệ", tôi thèm nhón cốm làng Vòng chấm với hồng, thèm bát cơm gạo mới trong những ngày mới mùa xong...

Vũ Bằng sinh ra và lớn lên ở Hàng Gai, trung tâm Hà Nội, gia đình khá giả, là một bậc ăn chơi có tiếng. Chơi đến mức nghiện thuốc phiện rất nặng. (Nhiều khi tôi thấy ông có phần nào giống Vương Hồng Sển nhưng Vương Hồng Sển không nghiện.) Tuy chơi bời như vậy nhưng Vũ Bằng vẫn là người có tấm lòng nhân hậu, yêu vẻ đẹp của non sông đất nước, thương người dân nghèo Bắc Việt lam lũ kiếm được hạt thóc thì muôn phần cay đắng.

Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Có lẽ vì thế mà ông đã dâng tặng cho họ một "món ngon", một "Thương nhớ mười hai" chẳng phải cao sang quyền quý như những tiến phẩm trong cung đình, không thăng hoa xúc cảm như bát phở của Nguyễn Tuân, mà thật dân dã chất phác như chính những con người lao động cần cù lam lũ ở làng quê nước Việt.

Không những vậy, theo tôi biết, Vũ Bằng chẳng phải là người mê tín, hay sùng đạo gì, nhưng trong "Thương nhớ mười hai" của ông lại toát lên cái triết lý nhân sinh thấm nhuần tư tưởng Phật giáo chân chính. Những năm gần đây, người trẻ có thể ít biết, nhưng người già trên thế giới có lẽ không mấy ai không có một bản "Tâm sự tuổi già" của bloger Dương Trạch Tế gối đầu giường. Lần đầu đọc, tôi rất tâm đắc những câu khởi bài:

"Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già… Chẳng dám nói hiểu hết mọi điều nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời thì sống mới thanh thản, sống thoải mái.

Qua một ngày, mất một ngày

Qua một ngày, vui một ngày

Vui một ngày, lãi một ngày"

(Có thể đọc ở đây )

Nào ngờ Vũ Bằng đã thấu hiểu và viết ra trong "Thương nhớ mười hai" từ những năm 1960:

"Cứ nghĩ rằng người ta ở đời chịu bao nhiêu khổ lụy, lo bao nhiêu thứ "bà rằn", trải bao nhiêu nỗi buồn thương vô nghĩa, rồi rút cục lại làm nên thiên tứ đỉnh chung, giàu thiên ức vạn tải, buông xuôi hai tay xuống cũng là hết, hết cả, không hơn gì một anh nghèo rớt mùng tơi không có tấc đất cắm dùi, không có cả vợ con để chia lo sẻ buồn... thì mình lại càng thấy hưởng được phút nào nhàn nhã, sống được phút nào thong thả với nội tâm mình, tức là được lãi...".

***

Đọc xong rồi, nhấm nháp xong rồi mà tôi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đó những con chữ nhảy nhót:

"Gió xuân mơn cánh hoa đào

Mưa xuân phấp phới trên ao rau cần.

Ấy, đất nước này chỉ đẹp giản dị thế thôi, hiền lành thế thôi, ai muốn nói thế nào thì nói chớ dân nước chúng tôi vẫn nhận là đẹp nhất thế giới, đáng yêu nhất trần hoàn. Đố ai chê được! Đố ai cướp được!".

Chút lòng thành, xin gập mình dâng lên ông hai chữ: Cung kính

Hà nội, ngày 13 tháng 10 năm 2012

Phạm Phú Quảng

Chú thích:

(1) Là những khói đen bám vào các đồ vật trên bếp;

(2) Là một loại trái cây giống như quýt nhưng nhỏ hơn và chua hơn;

(3) Bát trân bao gồm: nem công, chả phượng, da tây ngu, bàn tay gấu, gân nai, môi đười ươi, thịt chân voi, yến sào.

(*) Trong bài tác giả sử dụng cụm từ "Bắc Việt" là cụm từ nguyên gốc trong "Thương nhớ mười hai" để thêm cái chất cổ và sự kính trọng đến cố nhà văn Vũ Bằng.

Đọc trực tuyến: