Mẫn và tôi

Ai đã đọc tiểu thuyết này chắc hẳn không thể quên được nỗi đau chiến tranh cũng như mối tình đẹp như thơ của người chiến sĩ cách mạng. Đó là hiện thực chiến tranh tàn khốc và vượt lên trên những đau thương mất mát là những con người hết mình vì đất nước. Thời gian đã trôi qua nhưng những gì mà cuốn tiểu thuyết ấy để lại trong tôi vẫn còn đó. Ngày ấy tôi cầm cuốn sách lên chỉ vì trí tò mò của một học sinh lớp 8 và ngay lập tức tôi bị cuốn vào đó. Có lẽ nhờ thế mà tôi mới có cái nhìn chính xác hơn về thời mưa bom bão đạn đã qua, nhưng đó không hẳn là lí do để một học sinh yêu thích một tác phẩm. Có thể do tôi đã đọc nhiều lần và cứ mỗi lần như vậy tôi lại phát hiện ra nhiều điều hay, chỉ đơn giản vậy thôi cũng đủ để một đứa trẻ thần tượng một cái gì đó. Và cuốn sách trở người bạn thân đến nỗi khi nào rãnh rỗi tôi lại ngồi tưởng tượng đoạn kết rồi bật cười khi nhớ đến những tình huống hài hước. Đôi khi tôi còn tưởng như câu chuyện có thật và ở một nơi nào đó anh Thiêm và chị Mẫn giờ đã thành ông thành bà đang ngồi kể cho bầy cháu nội ngoại nghe chuyện đời xưa. Thế rồi một ngày tôi tình cờ nhìn thấy trên mạng một bài viết " mối tình đầy chất thơ của nhà văn Phan Tứ " và một số bài liên quan đến ông, lúc đó tôi đã nghĩ chẳng lẽ những gì mình suy đoán là sự thật ư? Vui quá. Nhưng niềm vui đó chưa kéo dài được bao lâu thì tôi biết được tất cả những gì tôi nghĩ đều là tưởng tượng vì đơn giản: câu chuyện là sự thật.


Nhà văn chính là Thiêm và bà Phận là Mẫn nhưng vợ nhà văn là người khác, cuốn tiểu thuyết là một phần của sự thật nhưng bây giờ tôi không còn muốn tin hay tưởng tượng nó là sự thật nữa, sự thật này thật đau đớn, tôi thiết nghĩ khi đọc cuốn tiểu thuyết này xong rồi lên mạng đọc cuộc đời tác giả chắc chắn rằng ai cũng sẽ hụt hẫng và chua xót như tôi, nếu vậy thì nỗi đau của bà phận - Mẫn còn lớn gấp nhường nào.


Trước đây tôi vẫn hay liên tưởng anh Thiêm là nhà văn nhưng từ khi biết hai người chính là một thì tôi không còn muốn nghĩ hai người là một nữa. bây giờ mỗi lần đọc lại những dòng suy nghĩ của nhân vật Thiêm về nhân vật Mẫn thì có cái gì như là sự chua xót trào lên, tôi mong cho mình nghĩ sai nhưng vẫn không ngăn nỗi những suy nghĩ này: nhà văn đã có người yêu ở Hà Nội rồi sao còn đi viết cuốn tiểu thuyết này, nhà văn không chung thủy cảm trong cuốn tiểu thuyết là thật hay giả? Là thật là thật. Tôi cứ tự hỏi và trả lời như thế.


Dù nghĩ theo chiều hướng nào tôi vẫn thấy buồn. Ước gì đây không phải là chuyện thật và nếu có là thật thì cũng là chuyện của ai chứ cũng đừng là nhà văn Phan Tứ. Thôi thì hãy nghĩ rằng đây là một cuốn tiểu thuyết hay, như thế là đủ.

(Ý kiến bạn đọc. Nguồn: http://hoiquantre.info/diendan/forum.php)


KTT xin giới thiệu với mọi người một câu chuyện về chiến tranh và tình yêu. Đó là tiểu thuyết “Mẫn và tôi” của nhà văn Phan Tứ.


KTT thích đọc những tiểu thuyết về chiến tranh, bởi trong chiến tranh con người hình như sống thực với mình hơn, sống hết mình hơn, bởi đối với họ, ngày nào cũng có thể là ngày cuối cùng của cuộc đời.


Trong tiểu thuyết này, các bạn sẽ gặp được anh Thiêm, một anh bộ đội làm gì cũng muốn tận bờ sát góc, vượt hẳn lên hàng đầu, đã theo cách mạng thì theo hết mình, lúc nào cũng chạy số bốn chứ không chịu xuống số hai, số ba; không bao giờ sợ chết mà chỉ sợ sống thừa. Các bạn cũng sẽ được gặp Mẫn, một cô du kích Tam Sa giỏi việc nước đảm việc nhà, “một mình xách giỏ lựu đạn vô đánh sở Mỹ giữa Tam Kỳ, tụi ác ôn sợ le lưỡi cóc”, làm việc gắng hết sức mà cũng biết yêu hết mình. Ở Mẫn, ta bắt gặp hình ảnh quen thuộc của người phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, yêu đấy mà lại không dám thổ lộ vì sợ ảnh hưởng đến công việc chung, anh Thiêm chỉ biết đến tình yêu ấy qua lời kể của chị Tám Giàu:

“Nó quý anh, phục anh, mà anh rẻ rúng nó vậy à? Coi nó tàn tệ vậy à? Nó chỉ nói với tôi một đời nó không dám ước gặp một người như anh. Hễ anh xách súng đi là nó kiếm cớ đi theo, có gì nó đưa ngực cản đạn cho anh. Nó năn nỉ tôi ngó chừng anh, đừng để anh xông xáo quá. Thuốc phòng sốt rét tôi đưa anh uống mấy bữa nay là nó gửi đó. Chao, con gái chưa nói một tiếng ưng mà thương trai quá chừng vậy, hèn gì anh... chưa chi mà đã...

Mẫn nó biết anh bực, nó bồn chồn hoài, hôm qua nó khóc với tôi: “Thôi, ảnh giận trước khỏi giận sau, em gần ảnh miết thì… chắc ảnh biểu sao em làm vậy, em thương ảnh quá rồi. Làm sao bây giờ chị ơi. Ảnh nói vậy đó, mà không nói em cũng biết tánh ảnh, làm gì cũng ào ào tới tới, tận bờ sát góc. Hễ em… em chưa chịu cưới, ảnh lại giận nữa. Mỹ tới sát bên hông, chú Luân cứ sưng khớp hoài, chi ủy hết người, em vướng chồng con bỏ việc cho ai…” Tôi hỏi: “Vậy em cắt nghiến hết à?”. Nó hoảng, nói: “Không, không, cắt sao nổi, đợi ảnh đi rồi em viết thơ xin lỗi, rồi em ở vậy đợi miết. Vài ba năm, sáu bảy năm, tới hồi thơ thới một chút, hễ ảnh không chê em nghèo em dốt thì em lấy ảnh, hễ nửa chừng ảnh ưng người khác cũng quyền ảnh tự do, chẳng ngại gì hết. Ảnh gan lắm, khí khái lắm chị à, hẹn một câu thì sống chết không đổi không dời. Em chẳng muốn ảnh hứa đâu chị, lỡ sau này em què cụt hay hết đường con cái, làm khổ ảnh cả đời…”


Tình yêu của Mẫn, sao nó lớn lao và đẹp đẽ đến vậy. Tôi yêu cô Mẫn, một cô Mẫn thuỷ chung son sắt, đánh giặc rất tài… Tình yêu của Mẫn với Thiêm cũng là một tình yêu rất đẹp,
Trong truyện này, các bạn cũng sẽ được gặp những người như anh Tư Luân, vừa mới ra tù, sức khỏe không tốt vẫn “cố gắng vực cày một lứa trâu tơ”, là chị S22 Sống gởi nạc, thác gởi xương, “Tù ba năm tám tháng, tra gãy xương sườn, vậy chớ còn ăn được hột cơm là tôi còn theo Cụ Hồ đánh Mỹ, còn nuôi hai đứa nhỏ đợi ảnh tập kết về”, là chị Bỉnh Tam Trân “đẻ cứ đẻ, công tác vẫn cứ công tác”, là ông thầy Mười hay kể chuyện ngày xưa, sợ lũ con cháu sau này quên ráo chuyện ông bà…
Còn biết bao nhiêu người nữa, những má Sáu, Năm Ri, Chín Cang, cậu Xáng, cô Tươi, Duy Hảo, Thu Yến, Ba Tâm…những người đã tạo nên một Tam Sa anh hùng trong những ngày đầu chống Mỹ, những người góp phần cùng với đồng bào miền Nam khẳng định thêm cái quyết tâm “Mỹ vô thì đánh chớ sao”...

Hi vọng rằng sẽ có nhiều người cùng thích truyện này như KTT.

(Ý kiến bạn đọc Khongtamthai. Nguồn http://e-thuvien.com/forums/)


Đọc trực tuyến: