Chiếc áo lặn và con bướm

Ngày mồng 8 tháng Mười Hai năm 1995, một tai biến tim mạch tàn nhẫn đã nhấn Jean-Dominique Bauby chìm vào cơn hôn mê sâu. Cơn tai biến đó đã khiến cựu tổng biên tập tạp chí Elle – một tạp chí thời trang nổi tiếng của Pháp – trở nên tàn phế khi mới ở tuổi 43. Toàn thân bị bại liệt, khả năng ngôn ngữ không còn. Mọi hoạt động sống của cơ thể dù đơn giản nhất như ăn và thở đều cần tới sự trợ giúp của máy móc. Ở cơ thể bất động ấy, chỉ duy nhất một con mắt còn chuyển động được. Con mắt trái ấy chính là sợi dây liên hệ nối ông với cuộc đời và những người xung quanh.

Số phận bi thảm đã khiến Bauby không có được cuộc sống bình thường. Song với tất cả nghị lực của mình, ông đã dũng cảm vượt qua số phận không may mắn để hoàn thành cuốn sách Chiếc áo lặn và con bướm theo một cách viết kỳ lạ, độc đáo và nhọc công nhất. Từng con chữ, từng câu văn, từng trang sách được hình thành bằng cách ghép từng chữ cái qua những lần chớp mắt.

Chiếc áo lặn và con bướm được xuất bản vào tháng Ba năm 1997, đúng ba ngày trước khi ông qua đời. Cuốn sách sau đó đã được dịch và xuất bản trên 30 nước, làm xúc động hàng triệu người đọc trên toàn thế giới.

Tháng Năm 1997, chỉ hai tháng sau khi cuốn sách ra đời, bộ phim được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của đạo diễn Julian Schnabel đã được công chiếu, và liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng quốc tế: giải đạo diễn xuất sắc nhất (Liên hoan phim Cannes 2007, Giải thưởng Quả cầu vàng 2008), giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn viên Mathieu Amalric (giải Cesar 2008), đặc biệt là giải phim nước ngoài hay nhất (Giải thưởng Quả cầu vàng 2008).