Thủy Hử


4
Tác giả: 
Danh mục sách: 

Tiểu dẫn

Thủy Hử hay Thủy Hử truyện (phát âm pinyn=Shuǐhǔ Zhuàn), nghĩa đen là "bờ nước", là một tác phẩm trong bốn tác phẩm lớn của văn học cổ điển Trung Hoa, thường gọi là nhóm Tứ đại danh tác. Tác giả Thủy Hử thường ghi là Thi Nại Am; cũng có người cho là của La Quán Trung. Truyện được viết dựa theo sách Đại Tống Tuyên Hòa di sự[1]

[1]: Theo cuốn 145 nghi án của muôn đời, tác giả: Thi Tuyên Viên, Lâm Diệu Thâm, Hứa Ngôn Lập - biên dịch Nguyễn Văn Ái (dịch theo nguyên bản Hán ngữ của NXB Trung Châu cổ tịch năm 1996), Nhà xuất bản phụ nữ phát hành năm 2001, trang 551

Cốt truyện chính là sự hình thành và những thành tích của một nhóm người chống triều đình mà trở thành giặc cướp, thường gọi là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc (cũng ghi là Lương Sơn Bạt).

Các dị bản

Theo Lỗ Tấn, có tổng cộng 6 bản Thủy Hử, thuộc hai loại: 70 hồi và trên 70 hồi. Loại 70 hồi thường chỉ khác nhau chút ít ở hồi cuối cùng - hồi 71, do nhà bình luận hoặc người đứng ra khắc in thêm vào, nhưng đều ghi rõ tác giả là Thi Nại Am và đều dừng lại ở thắng lợi của nghĩa quân - Loại trên 70 hồi có nhiều bản, 100 hồi, 115 hồi, 120 hồi, 141 hồi, trong đó 70 hồi đầu giống nhau, những hồi sau khác nhau về tình tiết câu chuyện nhưng đều nói đến quá trình thất bại của quân Lương Sơn Bạc.

Một trong những bản Thủy Hử thuộc loại phổ thông nhất là bản có 70 hồi, do Kim Thánh Thán - một nhà phê bình nổi tiếng đời Thanh soạn lại. Ngoài phần phê bình văn chương, Thánh Thán đã cắt bỏ đoạn "anh hùng Lương Sơn phân chia ngôi thứ, phân công trách nhiệm" của nguyên bản 71 hồi mà tạo ra một "giấc mộng kinh hoàng", của Lư Tuấn Nghĩa, ông này mơ thấy 108 vị anh hùng bị giết sạch và giữa trời đất xuất hiện 4 chữ "thiên hạ thái bình".

Cốt truyện

Dù có nhiều dị bản nhưng tựu chung, toàn bộ nội dung truyện Thủy Hử bao gồm hai phần chính: giai đoạn hình thành, tập hợp 108 anh hùng Lương Sơn Bạc (trong 70 hồi đầu) và quá trình tổn thất, tan rã hoàn toàn của lực lượng này.

Hình thành và phát triển

Quá trình tập hợp của các anh hùng thảo dã tại bến nước để hình thành quân khởi nghĩa Lương Sơn Bạc được Thi Nại Am dành 70 hồi để diễn giải. Tuy nhiên, nhân vật đầu tiên được đề cập không phải là một trong các vị anh hùng Lương Sơn, mà là Cao Cầu. Theo ý kiến các nhà nghiên cứu[2], quá trình thăng tiến của gian thần Cao Cầu chính là sự tố cáo cho chính sự thối nát của nhà Bắc Tống khi đó mà người chịu trách nhiệm cao nhất là hoàng đế Tống Huy Tông[3], một quân vương chơi bời, không quan tâm tới việc triều chính.

[2]: Lương Duy Thứ, trong lời nói đầu truyện Thủy Hử, NXB Văn học, 1988

[3]: Chính Tống Huy Tông là người làm mất nhà Bắc Tống

Từ một thảo dân lông bông, Cao Cầu gặp may hết lần này tới lần khác, trở thành sủng thần của vua Tống Huy Tông và được phong chức Thái uý. Mối liên kết giữa các gian thần Cao Cầu, Dương Tiễn, Lương Trung Thư... và bộ máy quan lại tham lam, xảo quyệt, độc ác bên dưới đã làm hại các lương thần của triều đình (Lâm Xung, Võ Tòng, Dương Chí, Tống Giang, Hoa Vinh...) khiến họ lần lượt phải bỏ sự nghiệp đi theo Lương Sơn Bạc.

Cũng có những anh hùng xuất thân nơi thôn dã, không có chức vụ quyền hành nhưng bất bình với sự áp chế, bóc lột của quan lại địa phương như Lý Quỳ, Sử Tiến, Lưu Đường... nên đã ra tay cứu giúp người hoạn nạn hoặc tự cứu bản thân mình, trở thành người phạm tội với triều đình và cũng lên Lương Sơn.

Từng nhóm anh hùng được tập hợp riêng lẻ, rồi sau đó tất cả đều tụ về Lương Sơn. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu về Thủy Hử, có những người con đường lên Lương Sơn vòng vo nhiều lần như Tống Giang, vì ông vốn mang tư tưởng trung hiếu với triều đình; lại có những người con đường lên Lương Sơn thẳng tuột như Lý Quỳ - ông coi việc làm phản khi bị hà hiếp là đương nhiên. Thủy Hử phản ánh thực trạng trong xã hội phong kiến nhiều đời: "quan bức thì dân phản", điều đó rất hợp với tâm lý của đông đảo quần chúng lao động nghèo khổ bị bóc lột, áp bức nên Thủy Hử dễ đi sâu vào tiềm thức của nhân dân.

Điều khiến Thủy Hử trở nên ly kỳ, hấp dẫn là ngoài tính cách đa dạng của các nhân vật, các tình tiết còn mang nhiều tính bất ngờ, thú vị cho người đọc. Người thủ lĩnh đầu tiên của Lương Sơn Bạc là Vương Luân, nhưng chính Vương Luân lại bị Lâm Xung sát hại để tôn Tiều Cái. Tiều Cái được xem là người khai sáng Lương Sơn, nhưng lại không thuộc vào số 108 vị anh hùng - không thuộc vào 36 vị thiên cang hay 72 vị địa sát - vì ông bị tử trận trước khi Lương Sơn tập hợp đủ 108 người. Tài năng, tính cách của các anh hùng Lương Sơn cũng phong phú, mỗi người một vẻ. Ngoài những người giỏi chinh chiến trên lưng ngựa như Quan Thắng, Lâm Xung, Hô Duyên Chước, Tần Minh, Đổng Bình... đánh bộ như Lý Quỳ, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm... còn một đội ngũ các tướng chuyên đánh thủy quân như anh em Trương Hoành - Trương Thuận, 3 anh em họ Nguyễn và cả Lý Tuấn; các quân sư tài ba như Ngô Dụng, Chu Vũ; những người di chuyển nhanh hoặc giỏi đột nhập như Đới Tông, Thời Thiên... Đặc biệt, trong các anh hùng Lương Sơn còn có 3 phụ nữ (Cố Đại Tẩu, Hỗ Tam Nương và Tôn Nhị Nương).

Quy hàng và tan rã

Lương Sơn Bạc phát triển đến cực thịnh ở hồi 70 với việc tập hợp đủ 108 vị anh hùng được phân thứ hạng và nhiệm vụ ở Lương Sơn. Triều đình nhà Tống nhiều lần phát quân đi đánh dẹp đều bị quân khởi nghĩa đánh bại.

Thái uý Cao Cầu đích thân cầm quân đi dẹp, bị quân Lương Sơn bắt sống. Tuy nhiên, do thủ lĩnh Tống Giang mang nặng tư tưởng trung quân ái quốc nên đã sai thả Cao Cầu và xin được về quy thuận triều đình. Dù bị nhiều ý kiến phản đối (nhất là Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm và Lý Quỳ), Tống Giang vẫn quyết ý dẫn các thủ hạ về quy hàng khi được triều đình chiêu an.

Sau khi về hàng triều đình, quân Lương Sơn được điều đi chống quân nhà Liêu xâm phạm bờ cõi nhà Tống. Quân Lương Sơn thắng quân Liêu liên tiếp nhiều trận, sắp tiến đến kinh đô nước Liêu thì vua Huy Tông theo lời các gian thần, chấp thuận cho nước Liêu giảng hòa và hạ lệnh Tống Giang rút quân.

Trở về, triều đình lại phái quân Lương Sơn đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa khác của Điền Hổ, Vương Khánh và Phương Lạp. Với đội ngũ thiện chiến, tài năng, quân Lương Sơn dưới cờ hiệu của triều đình nhà Tống đã dẹp được cả 3 cuộc khởi nghĩa quy mô lớn này. Khi đánh quân Liêu và các cuộc khởi nghĩa nông dân khác của Điền Hổ, Vương Khánh, họ toàn thắng và không có tướng lãnh nào tử vong. Tuy nhiên, khi đánh Phương Lạp, quân Lương Sơn bị tổn thất nặng. Và khi giặc giã không còn, nhà Tống tìm cách trừ khử họ.

Kết cục

Sự suy giảm quân số chỉ diễn ra khi quân Lương Sơn đụng độ quân Phương Lạp. Cho tới khi hạ đội quân này và bắt sống thủ lĩnh của họ (Võ Tòng bắt được Phương Lạp), các anh hùng Lương Sơn Bạc bị tổn thất rất nhiều.

Trong 108 người, 5 người không tham dự cuộc chiến với Phương Lạp do được lệnh ở lại hoặc bị gọi về; 103 người tham dự cuộc chiến với Phương Lạp thì có 76 người bị tử trận hoặc không trở về triều nhận quan tước, 27 người trở về triều.

Những người chết

Tổng số có 69 người chết, trong đó:

1. Tướng chết trận: 59 người, bao gồm:

  • 44 phó tướng: Tống Vạn, Tiêu Đĩnh, Đào Tông Vượng, Hàn Thao, Bành Kỷ, Trịnh Thiên Thọ, Tào Chính, Vương Định Lục, Tuyên Tán, Khổng Lượng, Thi Ân, Hách Tư Văn, Đặng Phi, Chu Thông, Cung Vượng, Bao Húc, Đoàn Cảnh Trụ, Hầu Kiện, Mạnh Khang, Vương Anh, Hỗ Tam Nương, Hạng Sung, Lý Cổn, Yến Thuận, Mã Lân, Đan Đình Khuê, Nguỵ Định Quốc, Lã Phương, Quách Thịnh, Âu Bằng, Trần Đạt, Dương Xuân, Úc Bảo Tứ, Lý Trung, Tiết Vĩnh, Lý Văn, Thạch Dũng, Đỗ Thiên, Đinh Đắc Tôn, Trâu Uyên, Lý Lập, Thang Long, Sái Phúc, Trương Thanh, Tôn Nhị Nương.

2. Các chánh phó tướng ốm chết dọc đường: 10 người, gồm:

Những người sống

Còn lại 39 người sống sau khi dẹp Phương Lạp, nhưng kết cục cũng khác nhau, không phải ai cũng được trọn vẹn:

1. Tướng không muốn ra làm quan và đã bỏ đi trên đường về kinh: 4 người:

  • 2 phó tướng: Đồng Uy, Đồng Mãnh. Hai tướng này cùng sang Xiêm La với Lý Tuấn.

2. Những trường hợp không về khác:

  • Công Tôn Thắng từ giã Lương Sơn ngay trước khi ra quân tấn công Phương Lạp và theo La Chân Nhân tu hành ở Kế Châu.

3. Những tướng trở về và nhận chức phong: Còn 27 tướng lĩnh Lương Sơn trở về và nhận chức phong của triều đình, gồm:

  • 15 phó tướng: Chu Vũ, Hoàng Tín, Tôn Lập, Phàn Thuỵ, Lăng Chấn, Bùi Tuyên, Tưởng Kinh, Đỗ Hưng, Tống Thanh, Trâu Nhuận, Sái Khánh, Dương Lâm, Dương Xuân, Tôn Tân, Cố Đại Tẩu.

3. Tướng đã ở kinh từ trước hoặc được lệnh gọi về: 5 phó tướng:An Đạo Toàn, Hoàng Phủ Đoan, Kim Đại Kiện, Tiêu Nhượng, Nhạc Hòa.

Số mệnh khác nhau của 32 người này sau khi về kinh mới là đa dạng nhất, không chỉ nói lên sự bội bạc của triều đình nhà Tống đối với công thần, mà còn lột tả tận cùng tính cách của từng người. Cho tới đoạn kết cục này, độc giả mới thực sự nhìn ra chân tướng của tất cả các anh hùng Lương Sơn Bạc.

  • Tống Giang ngu trung, tự sát theo mệnh lệnh của vua. Hơn thế, sợ Lý Quỳ sẽ làm phản để báo thù cho mình, ông buộc Lý Quỳ phải uống rượu độc để cùng chết.
  • Lư Tuấn Nghĩa bị triều đình đầu độc chết.
  • Ngô Dụng và Hoa Vinh, sau khi mang xác Tống Giang và Lý Quỳ đi chôn, cũng treo cổ tự vẫn ở cùng chỗ 2 ngôi mộ. Cái chết của Ngô - Hoa đầy bi phẫn.
  • Quan Thắng nhận chức, sau bị tai nạn ngã ngựa chết.
  • Lý Ứng, Sài Tiến nhận chức một thời gian rồi từ chức về quê.
  • Đái Tông nhận chức rồi từ chức về làm thủ từ ở Thái An
  • Nguyễn Tiểu Thất, Tống Thanh, Mục Xuân, Trâu Nhuận, Tôn Tân, Tôn Lập, Cố Đại Tẩu, Tưởng Kính về kinh nhưng không nhận chức mà trở về quê.
  • Chu Vũ và Phàn Thụy bỏ đi làm đạo sĩ, ngao du thiên hạ.
  • Chu Đồng và Hô Duyên Chước còn làm tướng chống quân nhà Kim sau này (Hô Duyên Chước tử trận). Lăng Chấn cũng tiếp tục phục vụ triều đình trong chiến trận.
  • Dương Lâm, Bùi Tuyên cùng về suối An Lạc giữ chức tiểu lại.
  • Hoằng Tín làm quan ở Thanh Châu.
  • An Đạo Toàn ở lại Viện thái y làm thày thuốc, Hoàng Phủ Đoan lại đi giữ ngựa cho triều đình; Kim Đại Kiện làm ngự bảo giám; Nhạc Hòa phục vụ trong phủ phò mã.
  • Tiêu Nhượng làm văn thư trong phủ gian thần Sái Kinh.

Trong 32 người, 3 người bị triều đình sát hại; 2 người tự vẫn vì phẫn chí; 12 người về tới kinh nhưng vẫn không nhận chức, bỏ về quê cũ hoặc đi làm đạo sĩ; 3 người nhận chức rồi sau đó từ chức vì không thích bon chen ở chốn quan trường nhiều gian thần; 13 người tiếp tục phục vụ triều đình.

Khái quát về các nhân vật trong tác phẩm

Về hình tượng, tính cách nhân vật

Trong bài giới thiệu về tác phẩm Thủy Hử, giáo sư Lương Duy Thứ viết:

... Có người cho rằng, giá trị cơ bản của Thủy Hử là ở chỗ đã xây dựng được hàng loạt nhân vật hảo hán Trung Hoa võ nghệ cao cường, giàu lòng vị tha, xả thân vì nghĩa. Vì vậy, các hảo hán Lương Sơn đã được ca ngợi hết lời, là những người tượng trưng cho ước vọng của quần chúng nông dân thấp cổ bé họng, là những ông tiên ông Bụt bằng xương bằng thịt...

Sự xuất hiện của các anh hùng Thủy Hử là có lý. Giữa xã hội phong kiến,... hành động của họ nhiều lúc rất có ý nghĩa. Nhưng coi... tư tưởng và hành động của họ là chuẩn mực, là tấm gương sáng cho người đời noi theo thì lại hoàn toàn sai. Họ không thể là "bó đuốc soi đường cho nhân dân trong đêm trường trung cổ phong kiến". Trên thực tế của tác phẩm, đúng như Lỗ Tấn nhận xét, họ trả thù các quan lại, địa chủ cường hào, nhưng cũng có lúc xâm nhiễu nhân dân và hành động quá tay. Có những người may mắn được họ cứu giúp (như cha con Kim Thúy Liên, Thi Ân), nhưng cũng có những trường hợp bị chặt đầu vô cớ (19 người trong nhà Trương Đô giám[4], những người dân ra xem hành hình Tống Giang, những người vô tình qua Lương Sơn bị các hảo hán giết làm lễ ra mắt...). Họ giết người như ngoé và có lúc mở quán bánh bao nhân thịt người[5]... Tính vô nhân đạo trong hành động của không ít hảo hán Lương Sơn Bạc đã làm hoen ố mục tiêu mà họ đề ra ("thế thiên hành đạo"). Nhiều lúc, hành động và tư tưởng của họ không khác kẻ cướp là mấy. Họ phản kháng và trả thù hoàn toàn tự phát, chưa có lý trí tỉnh táo sáng suốt dẫn dắt, do đó thường sa vào tình trạng manh động, thô bạo, vô chính phủ.

[4]: Bị Võ Tòng giết

[5]: Tào Chính

Xuất phát từ những lập luận đó, giáo sư Lương Duy Thứ không đồng tình với quan điểm của một số tác gia Trung Quốc:

Không thể coi Tống Giang là "lãnh tụ cách mạng nông dân trong xã hội phong kiến" và Lý Quỳ là "hình tượng điển hình có tinh thần cách mạng kiên định nhất của nhân dân lao động" [6]...

[6]: Quan điểm do Sở nghiên cứu văn học Trung Quốc trong sách "Lịch sử văn học Trung Quốc", bản dịch của NXB Văn học

Giáo sư Lương Duy Thứ đưa ra dẫn chứng:

Thực ra, từ lâu Lỗ Tấn đã chỉ ra tính chất vô nhân đạo của những hành động manh động, tự phát của các nhân vật Thủy Hử. Ông viết: "Tôi rất quý Trương Phi thẳng thắn, không biết sợ cái gì... nhưng tôi căm thù Lý Quỳ, người giống Trương Phi nhưng đã không phân biệt trắng với đen và là kẻ sẵn sàng chặt đầu hàng loạt bằng cây rìu của mình"

Trong tác phẩm Thủy Hử, không phải anh hùng nào đang làm quan cho triều đình lên Lương Sơn cũng vì bị gian thần vu cáo, hãm hại như Lâm Xung mà có những trường hợp, chính các tướng lên Lương Sơn trước đặt họ vào tình thế buộc phải theo lên Lương Sơn. Kim sang thủ Từ Ninh bị Thang Long lừa lên Lương Sơn, đặt vào "hoàn cảnh đã rồi", muốn về cũng không được. Hay Lư Tuấn Nghĩa bị Ngô Dụng lừa viết bài thơ phản trắc lên tường (4 chữ đầu câu ghép thành "Lư Tuấn Nghĩa phản") nên không còn đường chối cãi trước lời buộc tội. Chính vì vậy, khi lực lượng Thủy Hử đánh Phương Lạp trở về và bị triều đình chia cắt, không phải ngẫu nhiên có sự phân hóa trong tư tưởng của họ, mỗi người suy nghĩ và theo đuổi mục đích riêng, không phải ai cũng hành động tự sát vì nghĩa, chết theo "Tống ca ca" như Ngô Dụng và Hoa Vinh.

Phần đông các anh hùng Thủy Hử, nhất là những người xuất thân chiến tướng, dường như chỉ biết chiến đấu, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng theo mệnh lệnh. Chính vì vậy, họ dễ bị triều đình lợi dụng, như Hàn Tín bị Lưu Bang lợi dụng để khi xong việc thì trừ bỏ. Đặc biệt sau khi quy hàng triều đình, họ chiến đấu miệt mài hết trận này đến trận khác, thắng trận và lập công không biết mệt mỏi như những cỗ máy và dường như cũng không đòi hỏi gì. Họ xả thân, chỉ biết tiến lên phía trước mà không biết rằng sau lưng mình, bọn gian thần Cao Cầu, Đồng Quán chỉ chờ họ giết xong giặc thì sẽ đâm lén họ.

Về hình mẫu các nhân vật

Tuy Thủy Hử có sự đa dạng về tính cách và sở trường, sở đoản các nhân vật nhưng theo ý kiến các nhà nghiên cứu, trong đó có ý kiến của nhà phê bình Kim Thánh Thán đời nhà Thanh, một số nhân vật trong Thủy Hử có những nét tương đồng với nhân vật trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung. Đó là nguyên nhân chính để các nhà nghiên cứu khẳng định sự tham gia ở mức độ nhất định của La Quán Trung đối với tác phẩm Thủy Hử.

Tống Giang, ngoài sự trung hiếu với triều đình, theo Kim Thánh Thán, còn mang nhiều nét của tính giả dối, giống như Lưu Bị. Ngô Dụng với trí thông minh tuyệt đỉnh rất giống Gia Cát Lượng. Quan Thắng và Chu Đồng đều có hình ảnh phảng phất như Quan Vũ. Lý Quỳ có tính nóng và ngay thẳng giống Trương Phi. Ngoài ra, tên một số nhân vật cũng mang những chữ gợi nhớ đến các nhân vật Tam Quốc Diễn Nghĩa. Lã Phương có biệt danh là "Tiểu Ôn hầu", cũng sử dụng hoạ kích như Lã Bố; Trong Tam Quốc, Gia Cát Lượng có tên tự là Khổng Minh, trong Thủy Hử có hai anh em họ Khổng là Khổng Minh và Khổng Lượng; Tiên phong Sách Siêu khoẻ mạnh nhưng bồng bột giống với nhân vật Mã Siêu của Tam Quốc...

Giá trị nghệ thuật

Trong bài giới thiệu tác phẩm Thủy Hử, giáo sư Lương Duy Thứ viết:

Sức hấp dẫn kỳ lạ của Thủy Hử chủ yếu do tài năng văn chương của Thi Nại Am. Kim Thánh Thán là một người mang nặng tư tưởng phong kiến đã phải thốt lên: "Những tên sao thiên cương, địa sát, xét ra không hợp đạo làm người, sao lại có áng văn viết ra lạ lùng dễ mê hoặc lòng người đến thế? Ta muốn dựng Thi Nại Am dậy mà hỏi cho ra?"

Về mặt kết cấu, tác phẩm được độc giả đón nhận như hàng trăm truyện ngắn ly kỳ, có thể đứng độc lập như những tác phẩm riêng lẻ, nhưng dưới ngòi bút của Thi Nại Am chúng được xâu chuỗi liền mạch thành một hệ thống hoàn chỉnh[7]. Kết cấu đó mang đặc sắc của những tác phẩm phát triển từ chuyện kể, và sợi dây quán xuyến toàn bộ tác phẩm là sự xung đột giữa chế độ phong kiến áp bức và tinh thần phản kháng mãnh liệt của các anh hùng hảo hán.

[7]: Mục từ Thủy Hử, trong cuốn Từ điển văn học (bộ mới), Nhà xuất bản Thế giới, H. 2005, trang 1702.

Từ những câu chuyện về các số phận đầy éo le trắc trở, như những dòng suối tuôn chảy về sông, Thủy Hử đã dựng dậy vô số nhân vật có phong tục tập quán cũng như lời ăn tiếng nói của vùng thượng lưu và trung lưu sôngHoàng Hà. Phải dụng công lắm Thi Nại Am mới xây dựng được những nhân vật không những có "suy nghĩ và hành động phù hợp với giai cấp xuất thân và địa vị xã hội" mà còn có cá tính muôn màu muôn vẻ, hình dáng và lời nói không ai giống ai trong thực tế cuộc đời. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng có những nhân vật chỉ được phác hoạ sơ và có những người chỉ thêm cho đủ số 108.

Trong số 108 hảo hán Lương Sơn có hơn một nửa là những “tôi trung con hiếu”, những con người vốn sẵn lòng thờ phụng triều đình, nhưng “muốn làm nô lệ mà vẫn không được”, họ phải đứng dậy, làm việc bất đắc dĩ “bức thướng Lương Sơn” (buộc phải lên Lương Sơn Bạc)[8]. Vốn là những người dân thấp cổ bé họng, không nuôi ảo tưởng gì đối với con đường công danh sự nghiệp phong kiến và sự phản kháng của họ chỉ nhằm tìm đường sống, nhưng những hảo hán Lương Sơn đã không thể thành công. Sự thất bại của họ cho thấy sự thực lịch sử là trong xã hội phong kiến, khởi nghĩa nông dân chỉ có thể hoặc bị thế lực thống trị đàn áp, hoặc trở thành công cụ thay triều đình đổi ngôi của chế độ phong kiến.

[8]: Mục từ Thủy Hử trong cuốn 101 vẻ đẹp văn chương thế giới và Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, H. 2006.

Tác phẩm xây dựng được tính cách nhân vật điển hình, rõ rệt, thậm chí dị biệt. Nếu Tống Giang coi việc làm phản là tội "đáng diệt chín họ" và con đường đến với Lương Sơn quanh co, day dứt bao nhiêu, thì Lý Quỳ lại xem đó là việc đương nhiên và việc gia nhập chốn Thủy Hử (bến nước) của họ Lý lại đơn giản bấy nhiêu. Ngay trong một nhân vật, khi hoàn cảnh sống và địa vị xã hội thay đổi, tính cách cũng thay đổi theo, như Lâm Xung vốn là người hiền lành nhẫn nhục, nhưng khi ở miếu Thổ thần, hiểu thấu sự nham hiểm và tàn bạo của đám quan trên, ông lại trở nên ngỗ ngược, ngang tàng. Về nỗ lực xây dựng cá tính của những hình tượng nghệ thuật, Thủy Hử đã vượt thoát khỏi những khuôn sáo "tính cách có sẵn", "lý tưởng hóa" của các tác phẩm cổ điển, tạo nên những cá tính sinh động và có sức thuyết phục độc giả.

Theo giáo sư Lương Duy Thứ, văn chương của Thủy Hử không "dệt gấm thêu hoa" như Tây Sương ký, không "nhả ngọc phun châu" như Hồng Lâu Mộng, mà là "nhạc trỗi chuông ngân", hùng hồn, dồn dập. Văn chương của Thủy Hử gần gũi với truyện kể dân gian. Tác phẩm Thủy Hử giữ được tính sống động của nhân vật trong ngôn ngữ gân gũi với đời sống hằng ngày, trong lối hành văn ít trang sức tô điểm.

Sự chân xác lịch sử

Khởi nguồn của Thủy Hử truyện là các truyện kể, huyền tích dân gian về cuộc đời và hành vi của các thủ lĩnh Lương Sơn Bạc, thêm vào đó, cũng tồn tại nhiều văn bản truyện Thủy Hử khác nhau nên có thể nói, tính xác thự về mặt lịch sử của tiểu thuyết này là không cao. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất là trên thực tế, Phương Lạp chưa từng đụng đầu và do đó, bị tiêu diệt bởi quân lực của Lương Sơn. Phương Lạp đã thực sự xưng đế và bị tiêu diệt bởi những đội quân khác của triều đình nhà Tống chứ không phải quân Lương Sơn Bạc. Trong một nhận định khác về sự chân xác của Thủy Hử truyện, Lỗ Tấn viết:

"... Nguyên bản Thủy Hử truyện này không còn, bộ Thủy Hử lưu hành hiện nay có hai loại, một loại 70 hồi, một loại trên 70 hồi. Loại trên 70 hồi cũng bắt đầu từ chuyện Hồng thái uý lạc bước vào điện ma vương rồi sau đó 108 người tụ về Lương Sơn Bạc, đánh người cướp của, cuối cùng nhận lệnh chiêu an, được phái đi đánh dẹp giặc Liêu, bình định Điền Hổ, Vương Khánh, bắt được Phương Lạp (lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa nông dân cùng thời) lập công lớn. Cuối cùng triều đình nghi kỵ, bắt Tống Giang uống thuốc độc mà chết, rồi hóa thành thần. Còn chuyện chiêu an thì vốn là cách nghĩ của người cuối Tống đầu Nguyên, bởi vì lúc này xã hội loạn lạc, quân lính áp chế nhân dân, những người dân hòa bình thì nhẫn nhục chịu đựng, những người không hoa bình thì ly khai làm giặc. Kẻ làm giặc một mắt chống cự với quân lính, quân lính không thắng nổi họ, mặt khác cướp bóc nhân dân, tất nhiên nhân dân thường xuyên bị họ nhũng nhiễu. Nhưng một khi giặc ngoại xâm đến, quân lính không chống cự nổi, nhân dân vốn căm ghét ngoại tộc xâm lược, liền nghĩ đến chuyện dùng bọn giặc cướp đã chiến thắng quân lính để chống xâm lược, bởi vậy giặc cướp lúc này lại trở thành kẻ hành đao. Còn như chuyện Tống Giang uống thuốc độc tự sát thì lại do người đầu Minh thêm vào. Minh Thái Tổ, sau khi nhất thống thiên hạ đã sinh lòng nghi kỵ các công thần, ra tay chém giết, những kẻ giữ được trọn vẹn không nhiều. Để tỏ lòng đồng tình với những công thần bị sát hại, nhân dân đã thêm vào chuyện Tống Giang uống thuốc độc tự sát rồi hóa thành thần. Đó âu cũng là chỗ khiếm khuyết có thực, một ví dụ thường thấy về cách quyết "đoàn viên "của tiểu thuyết".

Các bản dịch ra ngôn ngữ khác

Thủy Hử được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Bản dịch tiếng Việt đầu tiên là của Á Nam Trần Tuấn Khải, có văn phong hàn lâm và hiện được cho là bản dịch chính thức để dùng trong nghiên cứu và giảng dạy. Một bản dịch sau, không có những hồi cuối của La Quán Trung, do Mộng Bình Sơn dịch, có giọng văn sát với truyện anh hùng, phiêu lưu, mạo hiểm hơn và do đó quen thuộc hơn với người bình dân.

Bản tiếng Anh đầu tiên do Pearl Buck- nữ nhà văn Mỹ từng đoạt giải Nobel Văn học- dịch và mang tựa là All men are brothers (mọi người là anh em, lấy ý tứ của câu Tứ hải giai huynh đệ, nghĩa đen: bốn bể là anh em).

Bản dịch ra tiếng Pháp lấy tên là Les chevaliers Chinois (Hiệp sĩ Tàu).

Tác phẩm phụ

Hậu Thủy Hử

Bộ truyện Hậu Thủy Hử cũng mang tên tác giả Thi Nại Am, tiếp theo hồi thứ 70 (hồi cuối) của bộ Thủy Hử, kể chuyện triều đình đánh mãi không thắng bèn dùng kế chiêu an. Các anh hùng Lương Sơn Bạc nghe lời Tống Giang về hàng triều đình, được phong quan tước và cử đi đánh dẹp các lực lượng nổi dậy khác (quân Liêu, Vương Khánh, Điền Hổ, Phương Lạp). Sau khi đánh thắng Phương Lạp trở về chỉ còn lại 27 anh hùng. Một số người được phong các chức quan trấn nhậm các địa phương xa, một số người về quê sinh sống. Các thủ lĩnh nghĩa quân như Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa... một thời gian sau khi nhận chức quan bị triều đình sát hại.

Đãng khấu chí

Truyện Đãng khấu chí của Du Vạn Xuân đời nhà Thanh. Du Vạn Xuân theo quan điểm phong kiến, đứng về phía triều đình, cho rằng truyện Thủy Hử cũng như Hậu Thủy Hử quá tai hại đối với xã hội vì nó kích động nhân dân chống đối triều đình và những cái chết oan uổng của các anh hùng Lương Sơn sau khi quy hàng nhà Tống khiến nhân dân thương xót "những kẻ làm loạn". Vì vậy mãi tới thế kỷ 19, Du Vạn Xuân mới viết Đãng khấu chí(nghĩa là: kể chuyện dẹp giặc cướp) nhằm mục đích viết lại Hậu Thủy Hử, nội dung kể về việc các anh hùng Lương Sơn Bạc bị triều đình đánh dẹp thẳng tay và họ đã bị tiêu diệt chứ không khiến triều đình phải chiêu an. Họ bị mô tả như quân cường khấu, vô đạo, trái nghĩa. Tuy nhiên, khi Đãng khấu chí ra đời, Hậu Thủy Hử đã quá phổ biến, đã in sâu trong tâm trí độc giả 500 năm và vì vậy, Đãng khấu chí rất ít được biết tới.

Kim Bình Mai

Truyện Kim Bình Mai của Tiếu Tiếu Sinh bắt nguồn từ một chi tiết trong Thủy Hử, tích Võ Tòng giết chị dâu Pham Kim Liên để trả thù anh Võ Đại. Ba chữ trong tựa là tên ba nhân vật trong đó Kim là Phan Kim Liên, chị dâu Võ Tòng (Võ Tòng là một nhân vật trong Thủy Hử), Lý Bình Nhi và Bàng Xuân Mai. Có người coi Kim Bình Mai là danh tác thứ năm, có người xếp Kim Bình Mai vào hàng tứ đại danh tác thay vì Hồng lâu mộng. [9][10]

[9]: Phan Văn Các (1999). Kim Bình Mai (Lời giới thiệu), Nhà xuất bản Văn học.

[10]: Tứ đại danh tác của Trung Quốc bao gồm: Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung; Thủy Hử của Thi Nại Am và La Quán Trung; Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần

Trong điện ảnh

Thủy Hử đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người dân Trung Quốc nói riêng và Đông Á nói chung. Từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20, đoàn làm phim tỉnh Sơn Đông đã dựng phim Thủy Hử, kể về giai đoạn hình thành và phát triển của Lương Sơn Bạc và kết thúc ở hồi 70 khi các anh hùng Lương Sơn tụ tập đủ, phân chia ngôi thứ. Vai chính Tống Giang do diễn viên nổi tiếng Bào Quốc An (người thủ vai Tào Tháo trong phim Tam Quốc Diễn Nghĩa) đóng.

Tới cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20, hãng phim truyền hình Trung Quốc dựng phim Thủy Hử, dài 43 tập, kể đầy đủ về sự hình thành cho tới khi thất bại của quân Lương Sơn Bạc. Vai chính Tống Giang do diễn viên nổi tiếng khác là Lý Tuyết Kiện đóng. Đặc biệt, bộ phim còn có sự tham gia của nhà chỉ đạo võ thuật nổi tiếng Viên Hòa Bình. Bộ phim này tuy có nhạc rất hay nhưng lại chưa thể hiện được cái tài của 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc.

Hãng phim truyện TVB của Hong Kong cũng đã dựng phim Lâm Xung gồm 20 tập, chỉ đề cập tới một số nhân vật Thủy Hử là Lâm Xung, Lỗ Trí Thâm, Thời Thiên, Yến Thanh, Lư Tuấn Nghĩa, Lý Sư Sư, Cao Cầu và vua Huy Tông.

Tác giả Thi Nại Am

Thi Nại Am, (1296? - 1370?) là một tác giả Trung Quốc, được cho là người biên soạn đầu tiên của Thủy Hử. Người ta biết rất ít thông tin về ông. Một số học giả ngày nay nghi ngờ về sự tồn tại của Thi Nại Am và cho rằng tên gọi này chỉ là bút danh của La Quán Trung, người cũng được cho là đóng góp trong vai trò người biên tập chính của Thủy Hử.

Cuộc đời

Thi Nại Am theo sử liệu sinh năm 1296, mất năm 1370 tức là ông sống trong khoảng thời gian cuối đời Nguyên, đầu đời Minh trong lịch sử Trung Quốc. Quê của ông ở huyện Ngô, tỉnh Giang Tô sau dời đến Hưng Hóa. Thi Nại Am đỗ tiến sĩ năm 1330 dưới đời nhà Nguyên, rồi ông làm quan 2 năm ở Tiền Đường (nay thuộc tỉnh Hàng Châu, Trung Quốc). Sau vì bất mãn với triều đình nhà Nguyên nên ông từ quan về ở ẩn, chuyên tâm sáng tác văn học.

Thi Nại Am và tác phẩm Thủy Hử

Thủy Hử là tác phẩm nổi tiếng nhất của Thi Nại Am sáng tác dựa trên các câu chuyện truyền miệng trong dân gian đời Tống, Nguyên. Có giả thuyết cho rằng Thủy Hử là do Thi Nại Am và La Quán Trung cùng sáng tác nhưng tính chính xác của giả thuyết ấy không cao. Sở dĩ có giả thuyết trên vì cuộc đời của Thi Nại Am và La Quán Trung có nhiều điểm giống nhau như đều sống trong khoảng thời gian cuối đời Nguyên, đầu đời Minh, đều từ quan về ở ẩn để chuyên tâm sáng tác văn học.

Giai thoại về việc sáng tác Thuỷ hử

Giai thoại dân gian Trung Quốc còn để lại một số truyện truyền miệng liên quan tới việc sáng tác Thuỷ hử của Thi Nại Am.

Về việc sáng tác Thuỷ hử

Tương truyền thời Thi Nại Am đã làm được giấy nên việc lưu hành sách vở không còn viết trên thẻ tre nữa. Thi Nại Am viết xong truyện về 36 vị thiên cương bèn cho con gái làm tài sản. Cô con gái nghèo quá bèn mang bán lấy tiền. Những kẻ háo danh mua lấy truyện mang khắc bản in và bán đứng tên mình. Cô con gái thấy vậy ân hận buồn rầu vì tên tuổi cha mình bị mai một. Thi Nại Am biết chuyện, tới an ủi con gái:

Cha còn bản viết về 72 vị địa sát nữa, mới là đầy đủ cơ con ạ

Rồi ông nhờ người bạn đứng ra in khắc cho thành sách để bán. Thế là bản Thủy Hử của những người mua lại từ con gái ông bị ế ẩm.

Về việc sáng tác Hậu Thuỷ hử

Tương truyền La Quán Trung là học trò của Thi Nại Am. Sau khi Thi Nại Am đã sáng tác xong 70 hồi truyện Thủy Hử, vua nhà Nguyên đọc xong truyện đã nổi giận bắt giam Thi Nại Am và hạ lệnh phải viết tiếp đoạn sau, kể về việc Lương Sơn Bạc bị dẹp, nếu không sẽ bị xử tội.

Thi Nại Am lo lắng, bèn cho gọi học trò là La Quán Trung tới nhà lao cùng bàn bạc. Hai thày trò cùng nhau thống nhất ý tưởng viết hậu Thuỷ Hử kể việc thất bại của quân Tống Giang. Sau 1 năm, Hậu Thuỷ hử hoàn thành, hai thày trò mang dâng vua Nguyên. Vua Nguyên xem xong rất bằng lòng, hạ lệnh thả Thi Nại Am.

Dịch giả Trần Tuấn Khải

Trần Tuấn Khải (4 tháng 11 năm 1895 – 7 tháng 3 năm 1983) là một nhà thơ Việt Nam. Các bút danh của ông là: Á Nam (thường dùng), Đông Minh, Đông Á Thị, Tiểu Hoa Nhân, Lâm Tuyền Khách, Giang Hồ Khách, Lôi Hoàng Cư Sĩ.

Tiểu sử

Trần Tuấn Khải người làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Xuất thân là nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước. Cha ông là Trần Khải Thụy đậu cử nhân khoa thi Hương tại Nam Định năm Canh Tý (1900). Năm lên 6 tuổi, ông bắt đầu học chữ Hán với cha. Và mẹ ông cũng là người thuộc nhiều ca dao, thi phú, lại hết lòng dạy dỗ con, vì vậy mới 12 tuổi, ông đã biết làm đủ các thể thi bằng chữ Hán.

Năm Giáp Dần (1914), cha ông lâm bệnh mất tại nơi nhiệm sở. Khi ấy, Trần Tuấn Khải vừa đúng 19 tuổi và cũng vừa lấy vợ được 1 năm. Qua năm 1919, ông trở lại làng Quang Xá dạy học, được ít tháng ông lại xuôi ngược khắp miền Bắc, rồi đưa vợ ra Hà Nội. Nhưng ít lâu sau, thấy chồng ghét cảnh náo nhiệt, bà Khải bán nhà đến mua một trang trại ở ấp Thái Hà, ven đô Hà Nội.

Năm 1921, ông xuất bản tập thơ thứ nhất Duyên nợ phù sinh I, được giới văn học đương thời lưu tâm. Năm sau, ông được mời vào Ban biên tập nhật báo Khai Hóa tại Hà Nội và nhận lời viết giúp cho nhiều báo khác.

Đến khi ông cho xuất bản Bút quan hoài I, gồm nhiều bài bi tráng và được nhiều người hoan nghinh; Pháp ra lệnh cấm lưu hành và tàng trữ tập thơ đó (1927)

Trần Tuấn Khải mấy lần định xuất dương mà không thành (1915 -1916: dự định qua Đông Hưng (Trung quốc), 1927: dự tính sang Pháp). Pháp dò la biết ông có ý định trên, đồng thời có đến liên hệ các nhà cách mạng, như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng ở Huế; những nhà hoạt động lưu vong như Đào Trinh Nhất, Hoàng Tích Chu, Trần Huy Liệu, Nguyễn Trường Tam v.v… ở Sài Gòn nên lùng bắt ông. Nhờ có người hay tin vội đưa ông ẩn trốn trong hang động Huyền Không trong dãy Ngũ Hành Sơn (Quảng Nam)

Năm 1932, tác phẩm “Chơi xuân năm Nhâm Thân” được xuất bản, nhưng ngay sau đó bị Pháp ra lệnh tịch thu, khám nhà rồi bắt giam Trần Tuấn Khải và chủ nhà sách Nam Ký. Ông bị giam hơn 2 tháng rồi bị kêu án 2 tháng tù treo về tội viết sách "phá rối trị an, xúi dân nổi loạn". Trong nhà giam Hỏa Lò, Trần Tuấn Khải gặp được Nghiêm Toản và nhiều nhà tri thức có tâm huyết.[1].

[1]: Trần Đức Dụ trong bài Á Nam Trần Tuấn Khải, NXB TP. HCM, 2005, tr.218-219. Nguyễn Tấn Long cho biết thêm: năm 1932, Trần Tuấn Khải cho xuất bản quyển Chơi xuân, trong đó có nhiều bài lâm ly, cảm khái, gợi lòng căm phẫn của quốc dân Việt nên bị Pháp cấm lưu hành và bắt tác giả cần tù mấy tháng. Sau đó, Trần Tuấn Khải vẫn tiếp tục cho xuất bản Bút quan hoài II…(Thi nhân tiền chiến, quyển hạ, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1969, tr.10)

Ra tù, vợ chết, con nhỏ chết. Chôn cất vợ con xong, ông trở về Thái Hà, lại bắt viết bài cho các báo. Năm 1938, ông cưới người vợ thứ họ Nguyễn.

Năm 1954 ông vào Nam, làm việc tại Thư viện quốc gia, Viện khảo cổ, chuyên viên Hán học tại Nha văn hóa và các báo Đuốc Nhà Nam, Văn hóa nguyệt san, Tin văn...

Năm 1966, ông cùng một số trí thức tiến bộ kí tên yêu cầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa trực tiếp hiệp thương với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam nhằm vãn hồi hòa bình, nên bị buộc nghỉ việc[2]. Sau đó, ông là chủ tịch danh dự lực lượng bảo vệ văn hoá dân tộc năm 1966 – 1967[2].

[2]: Theo Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế, Tự điển nhân vật Việt Nam, NXB K.H.X.H, 1992, tr.893

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông giữ chức cố vấn Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh từ 1975 cho đến khi mất vì bệnh già tại cư xá Trần Quốc Toản (cư xá Liautey của Pháp), hưởng thọ 88 tuổi (1983).

Tác phẩm

Duyên nợ phù sinh I (1921), Duyên nợ phù sinh II (1922), Bút quan hoài I và Hồn tự lập I (1924), Bút quan hoài II và Hồn tự lập II (1927), Với sơn hà I (1936), Với sơn hà II (1949), Hậu anh Khóa (1975).

Tiểu thuyết: Gương bể dâu I (1922), Hồn hoa (1925), Thiên thai lão hiệp (1935- 1936).

Kịch: Mảnh gương đời (1925)

Dịch thuật: Thủy Hử (1925), Hồng lâu mộngĐông Chu liệt quốc (1934)...

Thành tựu nghệ thuật

Tự điển văn học có nhận xét như sau:

Văn xuôi của Trần Tuấn Khải tựu trung vẫn là lối văn cổ, từ hình thức đến nội dung đều có phần lạc hậu, chưa theo kịp đà phát triển của văn xuôi lúc bấy giờ. Thơ ca mới là phần chính trong sự nghiệp sáng tác của Trần Tuấn Khải và cũng là phần ông đạt được một số thành công nhất định.

Thơ Trần Tuấn Khải thường nói đến tình cha con, nghĩa vợ chồng, tình làng nghĩa nước, nghĩa dồng chủng, đồng bào, lòng thủ chung, nhân ái…; đó là nếp sống, là đạo đức truyền thống của dân tộc.

Và thơ ông đều có ngụ ý nhắc nhủ về non sông, đất nước. Đất là cái nhìn ưu thời mẫn thế của tác giả, đồng thời đấy cũng chính là tình cảm phổ biến của nhiều người lúc bấy giờ: thiết tha với độc lập dân tộc... Chính vì thế mà thơ ca của ông được quần chúng yêu thích.

Các bài như “Gánh nước đêm”, "Tiễn chân anh Khóa", "Mong anh Khóa", "Gửi thư cho anh Khóa", trong một thời gian dài đã được truyền tụng rộng rãi.

Về mặt nghệ thuật, ngoài những bài được sáng tác theo thể thơ Đường luật, ông còn viết bằng các thể thơ thuần Việt như:lục bát, song thất, các điệu hát ví, hát xẩm, sa mạc, hát nói... và phần thành công chính là ở đây (NXB KHXH, Hà Nội, 1984, tr. 438).

Nguyễn Tấn Long viết[3]:

[3]: Nguyễn Tấn Long, Thi nhân tiền chiến, quyển hạ, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1969, tr.13

Thơ Trần Tuấn Khải không chứa đựng triết lý bí hiểm, tư tưởng cao siêu, nó giản dị như một chân tình, nó rỡ ràng như sự phơi bày trọn vẹn cả tấc lòng; người đọc dễ dàng đạt ý và rung động qua trực cảm, vì Á Nam đã cấu tạo thơ mình bằng nhạc điệu quen thuộc của dân tộc, cho nên sức truyền cảm rất bén nhạy.

Khảo sát thơ cụ, chúng tôi bắt gặp đó đây những tư tưởng đã thành châm ngôn và cũng không ngoài việc gieo vào lòng người một ý chí bất khuất, một hùng khí ngùn ngụt, một nghĩa vụ thiết yếu của con người đúng với danh nghĩa “làm người” của nó.

Người viết lời bình Kim Thánh Thán

Kim Thánh Thán (bính âm: Jīn Shèngtàn; Wade-Giles: Chin Shêng-t'an, sinh 1608-1610? - mất 17 tháng 8 năm 1661), tên thật Kim Vị, là một nhà văn, nhà phê bình văn học theo lối ấn tượng của Trung Quốc, được người đời sau mệnh danh là "Vua của thể loại văn bạch thoại Trung Quốc"[1]. Ông nổi tiếng là 1 người đọc rộng, uyên bác nhưng tính tình cuồng ngạo, dị kỳ, thường nói trong thiên hạ có 6 bộ sách tài tử (lục tài tử thư): Nam Hoa kinh, Ly Tao, Sử ký Tư Mã Thiên, thơ luật của Đỗ Phủ, Thủy HửTây sương ký.

[1]: Hummel, Arthur W. (1943). Eminent Chinese of the Ch'ing Period (1644-1912). Washington: United States Government Printing Office, 164-166

Tiểu sử

Năm sinh của Kim Thánh Thán chưa được xác định, có người nói năm 1608, có người nói 1610, [2], chỉ biết vào khoảng cuối thời Minh, đầu thời Thanh, mất vào năm Thuận trị thứ 18 đời Thanh thế tổ (1661). Ông có tên khai sinh là Trương Thái, lớn lên mới đổi sang họ Kim. Ông là người Trường Châu, tỉnh Giang tô.

[2]: Kim Thánh Thán phê bình thơ Đường - Trần Trọng San biên dịch, nxb Tổng hợp tp Hồ Chí Minh in năm 1990.

Thời thanh niên, ông bị hỏng trong kỳ thi tuế, lại đỗ đầu kỳ thi khoa sau khi đổi tên thành Nhân Thụy. Nhưng lúc này nhà Minh đã mất, ông dứt bỏ ý định làm quan.

Kim Thánh Thán mất trong 1 trường hợp bi đát, bất ngờ:

Năm 1661, vua Thanh ra chiếu đến Giang tô, lệnh các quan từ chức tuần phủ trở xuống đều phải tới phủ trị. Nhân dịp này các học sinh đến tố cáo việc làm phi pháp của viên lệnh huyện họ Ngô. Tuần phủ Châu Quốc Trị bắt liền 5 học sinh. Hôm sau các học sinh lại đến quốc tử giám kêu khóc, bị bắt thêm 30 người, trong đó có Kim Thánh Thán. Nhân lúc vùng Giang Nam đang có giặc cướp, các học sinh trên liền bị khép vào tội phụ hội với giặc, kết án tử hình, tịch biên gia sản.

Trước khi thọ hình, ông than thở: "Chém đầu thì đau đớn lắm, tịch biên thì thê thảm lắm, thế mà ngờ đâu Thánh Thán lại gặp cảnh này, kỳ lạ lắm thay!". Rồi cười mà chịu chết.

Trương truyền ông có nhờ ngục tốt đem thư về cho vợ con trước khi bị xử. Ngục tốt trình lên quan. Ngờ trong thư có lời phỉ báng, quan mở ra xem thì bật cười vì thấy mấy dòng: "Gửi con: dưa muối mà ăn với đậu vàng thì có vị như là hồ đào, nếu phép này mà được lưu truyền thì ta chẳng còn hận chi nữa".

33 lúc khoái của Kim Thánh Thán

Trong cuốn "The importance of Living" của Lâm Ngữ Đường có nhắc lại về 33 lúc khoái của Kim Thánh Thán, đây cũng là bài tản văn nổi tiếng suốt kim cổ của Trung Quốc, được ghi chung trong bài phê bình tuồng Tây Sương ký.

33 đoạn văn nhỏ này cho thấy triết lý sống duy khoái của Kim Thánh Thán. Ông khám phá cho chúng ta thấy rằng trong cuộc sống này có thể tìm thấy những lúc khoái qua những chuyện thật đơn giản. Tác giả kể rằng nhân lúc ngồi buồn trong một ngôi miếu cổ cùng một người bạn, nhìn mưa rơi liên miên bên ngoài mà nhớ lại những phút vui trong đời sống, gom lại thành "33 lúc khoái". Trích vài đoạn:

  • Thứ 1: Tháng bảy mùa hè, mặt trời ngừng ở giữa trời, không có gió mà cũng không có mây, sân trước sân sau hực lên như lò lửa, không một con chim nào bay lại. Mồ hôi đổ khắp mình, chảy như suối. Cơm dọn sẵn trước mặt mà ăn không được. Bảo trải chiếu để nằm trên đất, nhưng chiếu ướt nhẹp, ruồi bay lại đậu ở cổ ở mũi, đuổi không đi. Đương lúc không biết làm sao thì bỗng mây đen kéo tới, sấm nổ vang như trăm vạn tiếng trống tiếng kèn của đạo quân. Mái nhà nước xối như thác. Mồ hôi ngưng chảy, đất sạch như quét, ruồi bay đi hết, ăn cơm được. Vậy chẳng khoái lắm sao?
  • Thứ 4: Lúc rảnh rỗi không biết làm gì, sắp đặt lại đồ vật trong một cái rương cũ, bỗng thấy hằng chục hằng trăm văn khế cũ mới của những người thiếu nợ. Người còn sống, kẻ đã chết, nhưng toàn là vô hi vọng đòi lại được tiền. Không cho ai hay, tôi gom lại, châm lửa đốt hết, ngẩng lên nhìn trời cao không gợn một đám mây. Vậy chẳng khoái lắm sao?
  • Thứ 10: Mở cửa sổ cho con ong bay ra. Vậy chẳng khoái lắm sao?
  • Thứ 11: Thấy chiếc diều đứt dây. Vậy chẳng khoái lắm sao?

Tác phẩm

Kim Thánh Thán có sáng tác thơ, văn, hợp lại thành "Thánh Thán toàn tập". Nhờ những bài văn bạch thoại có giá trị suốt kim cổ, ông được tôn xưng là "Vua của văn bạch thoại Trung Quốc".

Ông còn là người hiệu đính sách tài giỏi, những cuốn "Tây sương ký", "Thủy Hử" được ông hiệu đính lại và tự ý cắt bỏ những đoạn không có giá trị ("Thủy Hử" bị ông cắt hết 30 phần sau, kể từ đoạn các hảo hán Lương Sơn Bạc quy phục triều đình), được người đời tôn xưng.

Nhưng thịnh hành nhất của ông có lẽ là những bài bình giảng. Những sách "Tây sương ký", "Thủy Hử"... khi in ra thường thêm phần bình giảng của ông, gọi là "Thánh Thán ngoại thư". Ngoài ra còn có "Đường tài tử thi", "Tả Truyện" là những sách phê bình có giá trị.

Nguồn: Convert by nguyenho141581 - ngày hoàn thành 20/7/2009

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

sienna – Du Ca thao1011

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)

Đọc trực tuyến: