[Tin tức] Sẽ có phần tiếp theo của "Giết con chim nhại"

Hơn nửa thế kỷ trước, “Giết con chim nhại” đã nổi lên như một kiệt tác văn học Mỹ, một best seller bất diệt đã làm dấy lên trong các lớp học vô số những cuộc thảo luận về sự phân biệt chủng tộc và những bất công xã hội. Cuốn sách đã ngay lập tức mang lại cho vị tác giả bí ẩn của nó, Harper Lee, tiếng tăm lẫy lừng. Nhưng rồi bà sớm rút khỏi ánh đèn sân khấu để về sống tại quê hương nơi Monroeville, Alabama. Bà chưa bao giờ xuất bản thêm những tác phẩm khác, khiến cho hàng ngàn người hâm mộ phải khao khát mong mỏi được đọc thêm.

Tác giả Harper Lee và hai đứa trẻ ăn mặc như hai nhân vật từ cuốn tiểu thuyết “Giết con chim nhại” (2006). Cuốn tiếp theo sẽ được xuất bản vào hè năm nay sau khi phát hiện ra bản thảo mất tích đã lâu.

Giờ đây, ở tuổi 88, Haper Lee tiết lộ rằng sau cùng thì bà cũng đã có viết thêm một cuốn tiểu thuyết khác — phần tiếp theo của “Giết con chim nhại” kể về ông Atticus Finch và đứa con gái lúc này đã lớn tuổi ông, Scout.

Vào thứ ba, nhà xuất bản của bà Lee đã công bố kế hoạch phát hành cuốn tiểu thuyết mà gần đây mới lại được tìm ra ấy. Bản thảo được hoàn tất vào giữa những năm 1950, trước khi bà viết “Giết con chim nhại”. Cuốn sách dày 304 “Go Set a Watchman” lấy bối cảnh hai mươi năm sau tại cùng một thị trấn Maycomb, Ala., khi Jean Louise Finch - hay còn gọi là Scout, cô bé nhân vật chính can trường của “To Kill a Mockingbird” - quay trở về thăm cha. Cuốn tiểu thuyết - vốn được lên lịch là sẽ ra mắt trong tháng Bảy này - đánh động vào tình trạng căng thẳng của nạn phân biệt chủng tộc đang âm ỉ ở miền Nam những năm 1950 và đào sâu vào trong mối quan hệ căng thẳng giữa cha và con.

Dẫu rằng nó được viết trước, cuốn sách “Go Set a Watchman” lại là phần tiếp theo của cùng một câu truyện, với chủ đề và nhân vật chồng chéo lên nhau. Nhưng bà Lee đã dẹp bản thảo sang một bên sau khi nghe biên tập viên của mình - người đã bị những hồi tưởng về thời thơ ấu của Scout quyến rũ - nói rằng bà hãy viết một cuốn sách mới từ khía cạnh thời trẻ của nhân vật nữ chính và lấy bối cảnh là thời thơ ấu của cô.

“Tôi là tác giả mới viết lần đầu tiên, thế nên tôi cứ làm theo những gì mình được bảo,” bà Lee nói trong bài phát biểu được nhà xuất bản đăng tải.

Câu chuyện đó trở thành “Giết con chim nhại”, một tác phẩm kinh điển đã được chuyển thể thành phim năm 1962 và bán được hơn 40 triệu bản trên toàn thế giới kể từ khi nó lần đầu được xuất bản năm 1960. Cuốn sách tiếp tục bán được hơn 1 triệu bản in một năm và đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng.

Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh trong thời kì Khủng hoảng Kinh tế toàn cầu vào những năm 1930, khi Scout (lúc này vẫn còn trẻ) và gia đình cô bị dính vào cuộc phán xử một người da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một người phụ nữ da trắng. Cha của Scout, do Gregory Peck thủ vai trong phim, đại diện cho người đàn ông bị buộc tội ấy ở tòa.

Mặc cho độc giả van nài và xúi giục, bà Lee chưa từng xuất bản thêm cuốn sách nào nữa.

Lee phát biểu rằng bà đã ngỡ là bản thảo của “Go Set a Watchman” đã bị hủy hay thất lạc đâu đó rồi. Thế rồi mùa thu trước, Tonja Carter - bạn và cũng là luật sư của bà - phát hiện ra bản thảo cùng với bản thảo đánh máy ban đầu của “Giết con chim nhại” ở nơi bà Lee lưu giữ lại những thành tựu của mình - một nơi khá an toàn và kín đáo. Theo như nhà xuất bản của bà Lee nói, ban đầu bà Carter chẳng hiểu được mình vừa đụng phải cái gì, cho đến khi bà nhận ra những đoạn văn đó không phải từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất của bà Lee.

Bà Lee không liền bị ý tưởng cho xuất bản cuốn sách ấy thuyết phục, mà chỉ sau khi một vài người được đọc nó và đảm bảo với bà rằng nó đáng được xuất bản thành sách, bà mới gật đầu đồng ý.

“Sau khi đã đắn đo suy nghĩ rất nhiều, tôi mới chia sẻ nó cho một vài người tôi tin tưởng và thấy hài lòng khi nghe được rằng họ xem đó là cuốn sách đáng xuất bản,” bà nói.

Từ lâu các học giả đã biết được rằng Harper Lee trước đó có viết một bản thảo, nhưng nhiều người cứ nghĩ rằng đó là bản đầu tay của “Giết con chim nhại” chứ không phải một câu truyện riêng biệt mở ra 20 năm sau.

Charles J. Shields, tác giả của cuốn tiểu sử về bà Lee được Henry Holt xuất bản năm 2006, nói rằng ông tình cờ được nghe bà Lee nhắc đến “Go Set a Watchman” trong bức thư gửi tới đại diện văn học của bà. “Tôi cứ tưởng nó là bản phác thảo đầu tay của Giết con chim nhại.” ông Shields cho biết. Ông cũng thấy biên tập viên của bà Lee nhắc đến việc sửa đi sửa lại “Giết con chim nhại” nhiều lần khi bà ấy cố kể câu chuyện từ ba khía cạnh khác nhau.

Ông Shields ngờ rằng cuốn tiểu thuyết mới sẽ bị so sánh với “Giết con chim nhại”, vốn trở thành một tác phẩm kinh điển chỉ trong chốc lát khi bà xuất bản nó năm 34 tuổi.

“Chúng ta sẽ xem xem những gì Harper Lee viết sẽ như thế nào khi không có bàn tay biên tập viên nhúng vào, khi bà ấy, thành thật mà nói, chỉ là dân nghiệp dư,” ông Shields nói. “Sẽ rất thú vị khi được xem bản gốc nó như thế nào. Rất nhiều chi tiết trong ‘Giết con chim nhại’ được lấy từ ‘Go Set a Watchman’, và có lẽ đó là những phần tuyệt nhất.”

Nhà xuất bản của cuốn sách, HarperCollins, lên kế hoạch in hai nghìn bản của cuốn sách mới và phát hành nó vào ngày 14 tháng Bảy. Thảo thuận này được thương lượng bởi Michael Morrison, chủ tịch và nhà xuất bản của HarperCollins U.S. General Books Group and Canada, và ông Carter. Harper khước từ việc phơi bày điều khoản về tài chính của bản thỏa thuận.

“Tôi, cùng với hàng ngàn người khác trên thế giới, đã luôn mong ước Harper Lee viết thêm cuốn sách nữa,” ông Morrison nói trong bài phát biểu. “Và đây quả là một cuốn sách tuyệt vời.”

Một số nhà phê bình bày tỏ sự quan tâm về việc liệu và Lee có đóng vai trò đầy ý nghĩa trong việc tán thành bản thỏa thuận và thắc mắc lý do tại sao, sau 55 năm gián đoạn, bà lại đột nhiên quyết định cho xuất bản sách một lần nữa.

Năm 2007, bà Lee bị một cơn đột quỵ và đã phải sống nhờ vào điều kiện trợ giúp sinh sống. Chị gái bà - Alice Lee, người vốn là luật sự, nhưng cũng là bạn bè và là người bảo vệ bà khỏi sự soi mói của cộng đồng, đã mất vào mùa thu năm ngoái.

Người bạn của chị gái bà Lee, đồng thời là hàng xóm của hai chị em từ năm 2004, bà Marja Mills, nói rằng bà ngạc nhiên về mức độ liên quan[1] của Harper Lee.

[1] Mức độ quan tâm của người mua hàng cho một sản phẩm nhất định khi quyết định mua hàng.

“Tôi có chút quan tâm về những bài phát biểu được quy cho là của bà ấy,” bà Mills - tác giả của cuốn “The Mockingbird Next Door” (tạm dịch: Chim nhại nhà bên), một hồi ức bà đăng về tình bạn của bà với nhà Lee - nói.

Khi cuốn sách ấy được công bố, Harper Lee đã phát biểu thông qua luật sư của mình, nói rằng bà không đồng ý với cuốn sách của bà Mills hay biết rằng mình có mặt trong đó. Nhưng Alice Lee sau đó lại viết thư cho Mills và nói rằng cả bà lẫn Harper Lee đều ủng hộ cuốn sách ấy. Trong lá thư viết ngày 12 tháng 5 năm 2011 (lá thư ấy đã được công khai), Alice Lee nói với Mills rằng em gái bà “không thể nhìn và không thể nghe và sẽ ký bất cứ thứ gì được đặt trước mặt bà ấy bởi bất cứ ai mà bà ấy tin tưởng”.

Jonathan Burnham, vị phó chủ tịch kiêm nhà xuất bản của Harper, nói rằng công ty chưa từng trực tiếp nói cho bà Lee nghe về cuốn sách và mới chỉ liên lạc với bà thông qua vị luật sư, bà Carter, và đại diện văn học của bà, Andrew Nurnberg. Bài phát biểu bày tỏ niềm vui rằng cuốn sách mới cuối cùng cũng được xuất bản của bà Lee được chuyển cho họ thông qua luật sư của bà, ông Burnham nói.

Ông Burnham nói rằng cuốn sách sẽ không được sửa đổi từ bản thảo gốc. Ông nói rằng ông “hoàn toàn tự tin” rằng bà Lee sẽ tán thành với thỏa thuận và rằng việc nói trực tiếp với bà Lee là “không cần thiết”.

Tiếp tân ở công ty luật của bà Carter tại Monroeville nói rằng bà Carter “không tiếp bất cứ cuộc gọi nào về tin phát hành”.

Cả hàng thập kỷ bà Lee đã giấu mình khỏi sự chú ý của công chúng, nhưng bà mãnh liệt bảo vệ hình ảnh và gia tài của mình. Những năm gần đây bà đã dính vào cả tá vụ kiện tụng, hóa ra chỉ là nỗ lực để bảo vệ di sản văn học[2] của bà.

[2] Di sản văn học: những cuốn sách, tác phẩm đã (hay chưa) được xuất bản, bản quyền sách, bản thảo...

Bà Lee thường đề cập đến câu hỏi vì sao bà chưa bao giờ xuất bản một cuốn sách khác sau “Giết con chim nhại”. Bà nói rằng bà thấy “Giết con chim nhại” đã quá nổi tiếng và rằng bà đã nói tất cả những gì phải nói trong một tác phẩm đó rồi.

Ông Nurnberg, đại diện văn học của bà Lee, nói rằng bà đã thảo luận với ông về những điều kiện hạn chế về cuốn sách mới. “Ban đầu bà có chút thiếu tự tin và nói rằng, liệu có thật đáng để xuất bản ngay bây giờ không?” ông nói. Nhưng gần đây trong một chuyến ghé thăm bà ở Monroeville, bà dường như có vẻ “hăm hở” và hạnh phúc.

Ông Nurnberg nói rằng bà ấy đã không đồng ý với miêu tả cuốn sách mới là phần tiếp theo của ông.

Ông nhớ lại, “Bà ấy nói: ‘Đây không phải là phần tiếp theo. Đây là cha đẻ của ‘Chim nhại’.”

Nguồn: The New York Times
Dịch: streetchick
- Người phủi bụi chuyên mục Tin tức